Thứ Ba, 18 tháng 4, 2023

Tưởng Năng Tiến – Đỗ Nam Trung

 

 

Hôm 26/03/2023, FB Trịnh Nhung ái ngại cho hay: “Hiện tại chị Bong Tuyet vợ TNLT Đỗ Nam Trung đang gặp khó khăn trong việc tìm và thuê nhà. Kính mong cô bác thương tình, có căn nhà nào đang để trống thì cho chị ấy thuê lại với ạ. Để có chỗ còn sinh sống và các cháu được yên ổn học hành. Xin cám ơn mọi người!”


Qua ngày sau, bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết (FB Bong Tuyet) mới cho biết sự việc rõ ràng hơn :

  

“Thời gian này tôi phải chuyển nhà với lý do đột xuất của bác chủ nhà lấy lại nhà. Trong khi đó tôi mới đóng 3 tháng tiền nhà kì mới không được bao lâu, thì đã phải nhận tin không vui này. Nhưng vì lý do không thể nào đừng, nên tôi cũng đồng ý trả nhà cho bác ấy.



Mấy mẹ con tôi cùng nhau tập trung đi tìm nhà, thì có tìm được 1 căn ngay gần nơi tôi đang ở cũ, đã chốt với chủ nhà đã nhận tiền đặt cọc để giữ chỗ chờ ngày bên kia họ bàn giao nhà, là tôi chuyển sang. Đến ngày gần chuyển sang, thì chủ nhà mới cọc lại báo không cho thuê nữa vì có việc đột xuất của gia đình, nên muốn gửi lại cọc. Đành chấp nhận, lại đi kiếm nhà gấp tiếp… Mấy ngày qua, tôi tiếp tục đi tìm nhà gấp thì có mấy bạn thanh niên đi sau theo dõi. Khiến tôi cảm thấy bất an, hoảng sợ, và cảm thấy mình đang bị nguy hiểm.”

 

Bà Bông Tuyết không phải là người đầu tiên (hay duy nhất) lâm vào hoàn cảnh  khó khăn như thế. Hơn 10 năm trước, hôm 15 tháng 4 năm 2010, ông Phan Thanh Hải (bút danh Anhbasg) cũng ở vào tình huống oái oăm không khác:  

“Mình cũng bị tất cả bốn lần như vậy, lần nào cũng nhận ra tình trạng xung đột tình cảm của chủ nhà … Rõ ràng là có áp lực của ‘một cái gì đó’ bắt người ta đòi hủy một hợp đồng ký chưa ráo mực, họ sẵn sàng trả lại tiền nhà tiền cọc cho mình, chỉ vì muốn được yên thân.”

Vài tháng sau, vào ngày 13 tháng 10, trên trang CLB Nha Bao Tu Do, lại có những lời phàn nàn tương tự của luật sư Lê Trần Luật:

“7h 30 sáng nay, vừa mở cửa, vợ chồng chủ nhà liền nói: ‘Mời anh Luật qua nhà, chúng tôi trao đổi chút việc’. Vợ chồng chủ nhà bắt đầu kể:’ Tối hôm qua làm việc với công an gần 12h30 mới cho về. Họ nói cho chúng tôi nghe về anh. Chúng tôi là người công giáo, giờ mới biết anh là luật sư của vụ Thái hà. Chị tôi là một Sơ trong nhà dòng có biết và nói anh là người tốt, không sao. Dù không nói ra nhưng theo chúng tôi hiểu là bên công an không muốn vợ chồng tôi cho anh thuê nhà…”

Nạn nhân kế tiếp là Paulo Thành và Trịnh Kim Tiến: “Tôi viết những dòng này trong thời gian ngắn ngủi còn lại trong ngôi nhà tôi vừa dọn tới ở chưa đầy 24 tiếng. Họ (công an) sách nhiễu chủ nhà với đủ các lý do để buộc vợ chồng tôi phải rời khỏi nơi ở trước đêm nay…”

Cái “lý do” thực sự khiến “họ” tìm mọi cách gây khó khăn cho Paulo Thành và Kim Tiến vì hai người “dám” mở cửa hàng No-U Shop, rồi kêu gọi tẩy chay hàng hóa độc hại của Trung Quốc. Phan Thanh Hải cũng can tội gần như vậy. Ông đã cùng bè bạn “xúc phạm đến tình hữu nghị đời đời bền vững với nước bạn Trung Hoa vỹ đại” qua vụ Beijing Olympics. Còn trường hợp Lê Trần Luật thì chỉ vì ông đã đứng về phía nạn nhân trong những vụ tranh chấp đất đai với chính quyền. 

Thế “thường dân” Nguyễn Thị Ánh Tuyết thì sao?

Chả lẽ người phụ nữ này bị trả thù (hay trừng phạt) chỉ vì là hôn thê của ông Đỗ Nam Trung – người vừa bị kết án mười năm tù và bốn năm quản chế, vào hôm 24 tháng 3 năm 2022! Ngay sau phiên tòa này, bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết đã nghẹn ngào phát biểu: “Bản thân tôi thì tôi nghĩ chúng nó quá kinh khủng, quá tàn độc, quá dã man. Không còn lời gì để tả về chúng nó nữa.”

Sự thực, “chúng” không chỉ “quá tàn độc” và “quá dã man” mà còn rất đểu cáng và vô cùng ti tiện nữa cơ. Giam giữ ở Nam Định không bao lâu thì Đỗ Nam Trung bị chuyển trại, cách Hà Nội gần 200 KM. Vể sự kiện này, RFA có đôi lời bình luận: “Việc các tù nhân bị kết tội với các bản án liên quan đến an ninh quốc gia bị chuyển tới giam giữ tại các cơ sở xa nhà đã thành thông lệ ở Việt Nam. Các tổ chức nhân quyền quốc tế gồm Ân xá Quốc tế và Theo dõi Nhân quyền đều cho rằng đây là một hình thức trừng phạt mà chính quyền đưa ra, nhằm cản trở việc người thân đi thăm nuôi các tù nhân.”

Đỗ Nam Trung đã làm chi mà bị “chính quyền” này oán hận đến thế? 

Bản tin của báo Sài Gòn Nhỏ cho biết: “Anh Đỗ Nam Trung, 40 tuổi, được biết đến với vai trò là một nhà hoạt động xã hội, ông đã từng tham gia các phong trào như ‘đánh BOT’ bị cho là bẩn vì đặt không đúng vị trí hoặc thu phí quá hạn và phanh phui các vụ tham nhũng thông qua mạng xã hội. Trước đó, hồi Tháng 2, 2015, anh Trung từng bị xử 14 tháng tù giam do tham gia vào việc đưa tin về các vụ biểu tình chống Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam.”

Đỗ Nam Trung, rõ ràng, đã phạm vào cả hai điều tối kỵ ở xứ sở này: đụng chạm đến thiên triều và quyền lực, cũng như quyền lợi, của những kẻ cầm quyền. Đây cũng là hai tử huyệt về tính chính danh, và sự bất lực của chế độ hiện hành trước nạn tham ô vô phương kềm chế. 

Bởi thế, không chỉ riêng ông bị tù tội mà ngay cả vị hôn thê cũng bị trừng phạt – theo như lời của chính bà Bông Tuyết than thở vào hôm 27 tháng 3 vừa rồi: “Mấy ngày qua, tôi tiếp tục đi tìm nhà gấp thì có mấy bạn thanh niên đi sau theo dõi. Khiến tôi cảm thấy bất an, hoảng sợ, và cảm thấy mình đang bị nguy hiểm…”

Chỉ vì “đưa tin về các vụ biểu tình chống Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam” và “tham gia vào các phong trào chống BOT bẩn” mà ông Đỗ Nam Trung phải lãnh án 10 năm tù và 4 năm quản chế, và bà Bông Tuyết thì bị theo dõi từng bước khi đi tìm nhà thuê. Vậy mà nhà đương cuộc Hà Nội vẫn cổ võ mọi người là phải “sống và làm việc theo hiến pháp”, dù ai cũng biết rằng “Hiến pháp là văn kiện chính trị pháp lý quan trọng vào bậc nhất sau … cương lĩnh của Đảng!”

Luật sư Vũ Đức Khanh mỉa mai: “Nếu thế thì đâu cần gọi là Hiến pháp; phải gọi là ‘Đảng pháp’ mới đúng!” 

Nhà báo Từ Thức cay đắng: “Nước Việt sống dưới ách đô hộ của một nhóm mafia, tự phong cho mình toàn quyền sinh sát.”

Tôi thì tin rằng ngay cả những băng đảng Mafia cũng không hề có cái thứ luật lệ hay “cương lĩnh” khốn nạn và đốn mạt đến thế!   


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét