David Hutt
Gửi đến BBC News Tiếng Việt từ CH Czech
23/4/2023
Tình hình nhân quyền tại Việt Nam đã diễn biến xấu đi cùng lúc với tỷ trọng thương mại với Phương Tây gia tăng
Vào ngày 16/04, hai ngày sau chuyến đi của Ngoại trưởng Mỹ Antony J. Blinken đến Hà Nội, cơ quan an ninh Việt Nam đã bắt giữ một nhân vật bất đồng chính kiến kiêm YouTuber vì vượt biên trái phép trở về Việt Nam, sau khi sống lưu vong ở Thái Lan vài năm.
Tuy nhiên, những người bạn và người quen của Đường Văn Thái cho biết ông ta đã bị bắt cóc tại Bangkok vào ngày 13/04 (một ngày trước khi ông Blinken ca ngợi mối quan hệ Mỹ-Việt là "trong những mối quan hệ năng động nhất và quan trọng nhất mà chúng ta đã từng có") và bị cưỡng ép đưa về Việt Nam.
Cho đến nay vẫn là những cáo buộc vì lực lượng an ninh mật của Việt Nam có lịch sử thực hiện chuyện này. Vào năm 2017, họ đã bắt cóc cựu quan chức nhà nước Trịnh Xuân Thanh tại một công viên ở Đức và sử dụng một máy bay của chính phủ Slovakia để đưa về Việt Nam, và ông Thanh bị buộc phải công khai thừa nhận tự nguyện quay về.
Vào tháng 02/2019, blogger Trương Duy Nhất bị mất tích tại một trung tâm mua sắm ở Bangkok và xuất hiện ở Việt Nam vài ngày sau đó.
Cũng trong thời gian chuyến đi Việt Nam của Blinken, Phạm Thanh Nghiên, một cựu tù nhân chính trị và một nhà văn, cuối cùng đã được phép rời khỏi Việt Nam và tị nạn tại Mỹ cùng với gia đình của mình, rất có thể là một cử chỉ "thiện chí" từ Đảng Cộng sản Việt Nam với nhân vật quan trọng của chính phủ Mỹ đến thăm quốc gia này. (Luật sư, nhà bất đồng chính kiến Nguyễn Văn Đài, hiện đang sống lưu vong tại châu Âu đã có một số phân tích thú vị về vấn đề này trên Voice of America.)
Một lần nữa, không phải là chuyện hiếm xảy ra khi Hà Nội cho phép một nhân vật bất đồng chính kiến, được nhiều người biết đến, rời khỏi quốc gia vào thời điểm khi có một quan chức cấp cao Mỹ đến thăm. Vào năm 2018, blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh ("Mẹ Nấm") được ra tù và tị nạn tại Mỹ không lâu sau chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ vào thời điểm đó, ông Jim Mattis.
Ai đó có thể chất vấn về tính đạo đức của vấn đề này. Không mang quá nhiều tính chất trao đổi cũng như chư hầu. Vào đêm trước chuyến thăm của quan chức Mỹ, chính phủ Việt Nam thả tự do cho một tù nhân chính trị hoặc cho phép một nhà bất đồng chính kiến rời khỏi quốc gia để làm hài lòng một quan chức nước ngoài.
Ai đó có thể nghĩ thật kỳ quặc nếu một vị bộ trưởng Việt Nam trao cho ông Blinken một giỏ xách đầy tiền khi đến thăm như một hành động hữu nghị. Nhưng dường như hoàn toàn bình thường khi trao cho ai đó sự tự do với cùng một lý do.
Nguồn hình ảnh, PHAM THANH NGHIEN
Chụp lại hình ảnh,
Bà Phạm Thanh Nghiên cùng chồng và con nhỏ rời Sài Gòn sang Mỹ hôm 14/04, đúng ngày Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đặt chân tới Hà Nội
Chắc chắn là một tin tốt lành khi Phạm Thanh Nghiên và gia đình của cô sẽ có thể sống trong tự do tại Mỹ. Thế còn các tù nhân chính trị khác thì sao? The 88 Project, một nhóm quan sát, đưa ra ước tính có hơn 200 nhà hoạt động hiện đang bị giam giữ tại Việt Nam và 360 người khác có nguy cơ bị bắt giam.
Ông Blinken đưa ra chỉ một vài tuyên bố công khai về vấn đề nhân quyền trong chuyến thăm kéo dài ba ngày, và đây là vấn đề xét về mặt tiêu chuẩn.
"Chúng tôi tôn trọng quyền của Việt Nam xác lập tương lai theo hệ thống chính trị của mình," ông Blinken tuyên bố trong cuộc họp báo tại Hà Nội, một thông điệp hướng đến giới đảng viên cộng sản, những người nghĩ Washington vẫn đang "tìm cách tiến hành diễn biến hòa bình" tại Việt Nam.
"Song song đó," ông Blinken nói thêm, "chúng tôi tiếp tục nhấn mạnh đến những tiến bộ trong quyền con người là cần thiết để phát huy toàn bộ tiềm năng của người dân Việt Nam."
Mặc khác, Washington cũng nói về nhiều vấn đề đúng đắn khác. Sau khi nhà hoạt động chính trị Nguyễn Lân Thắng bị kết án sáu năm tù giam vì tội "chống nhà nước" vào ngày 12/04, ngay trước khi ông Blinken đến Việt Nam.
Một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói mối quan hệ hợp tác Mỹ-Việt "chỉ có thể phát huy hết tiềm năng nếu chính phủ Việt Nam tiến hành các bước đi nghiêm túc để thực thi những nghĩa vụ và cam kết theo luật pháp quốc tế và cải thiện hồ sơ nhân quyền của mình."
Các báo cáo nhân quyền thường niên từ Cục Dân chủ, Nhân quyền và Lao động - Bureau of Democracy, Human Rights, and Labour thuộc Bộ Ngoại giao của Hoa Kỳ nằm trong số những tài liệu súc tích và mang tính chỉ trích nhất mà quý vị có thể đọc được.
Mặt khác, Washington có lẽ sẵn sàng tiến xa trong mong muốn hỗ trợ nhân dân Việt Nam chiến đấu vì tự do.
Nguồn hình ảnh, LE BICH VUONG
Chụp lại hình ảnh,
Hôm 12/04, Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội tuyên ông Nguyễn Lân Thắng 6 năm tù và 2 năm quản chế
Chính trị thực dụng đối chọi với giá trị?
Trong bối cảnh Việt Nam cân bằng mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, thì Washington tiến hành cân bằng chính sách giữa giá trị và chủ nghĩa hiện thực. Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất và năng động nhất của châu Á, đóng vai trò quan trọng trong các lợi ích của Mỹ nếu Washington bắt đầu tiến hành quá trình "tách rời" [decoupling] Trung Quốc.
Mỹ đã nhập khẩu khoảng 127 tỷ USD giá trị hàng hóa của Việt Nam vào năm ngoái. Các công ty của Mỹ đã đầu tư 2,8 tỷ USD tại Việt Nam tính đến năm 2020. Việt Nam cũng là một trong những thách thức chính của Trung Quốc trong các nỗ lực bành trướng tại châu Á, đặc biệt liên quan đến những tuyên bố tranh cãi về chủ quyền trên Biển Đông.
Không phải là lợi ích chiến lược của Mỹ dành cho Việt Nam khi leo thang căng thẳng với Trung Quốc, nhưng chắc chắn không phải là lợi ích của Mỹ nếu Hà Nội phục tùng Bắc Kinh, vốn đang muốn cải thiện quan hệ với Việt Nam.
Trong quyển hồi ký 'Nothing Is Impossible: America's Reconciliation with Vietnam' được ấn bản vào năm ngoái, cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Ted Osius đã đưa ra quan điểm về cách mà một số người ở Washington nghĩ về tình hình nhân quyền tại Việt Nam.
"Nếu Mỹ một lần nữa biến nhân quyền là một ưu tiên trong chính sách," ông viết, "thì sau đó phải sử dụng đòn bẩy mà thương mại mang lại để tạo sự khác biệt tại Việt Nam. Chúng ta có thể gây ảnh hưởng về nhân quyền ở Việt Nam theo cách thức nào đó đồng thời cho thấy sự tôn trọng đối với hệ thống chính trị mang tính khác biệt và khẳng định Việt Nam phải tôn trọng điều quan trọng đối với người Mỹ. Đây sẽ là một thách thức khó khăn."
Theo ông Osius, dường như, đòn bẩy thương mại sẽ là một phương pháp hiệu quả nhất để thuyết phục Hà Nội thay đổi. Nhưng có một giá trị nào đó liên quan đến lập luận này. Khi thương lượng thỏa thuận thương mại tự do với Việt Nam, Liên minh châu Âu đã ưu tiên vấn đề quyền lao động, cũng như chính quyền Barack Obama khi thương lượng Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, vốn đã bị cựu Tổng thống Donald Trump hủy bỏ ngay những ngày đầu tiên nhậm chức.
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Trong cuộc họp báo hôm 15/04 tại Hà Nội, ông Blinken cũng trả lời câu hỏi về nhân quyền. "Đây là cuộc đối thoại mà chúng tôi thường xuyên cùng tham gia"
Bằng cách sử dụng đòn bẩy thương mại, như ông Osius đề nghị, xét mặt chiến thuật, Hà Nội bị buộc cho phép điều gì đó như công đoàn hoạt động, mặc dù chúng ta có thể tranh luận liệu Đảng Cộng sản Việt Nam có bị mắc kẹt trong bất kỳ lời hứa nào trên mặt trận này. Tự do tôn giáo có thể là một lĩnh vực khác.
Nhưng có vấn đề ở đây.
Tình hình nhân quyền tại Việt Nam đã diễn biến xấu đi cùng lúc với tỷ trọng thương mại với Phương Tây gia tăng (và thật sự trong khi đó, Mỹ đã sử dụng một khả năng lớn hơn để nâng đòn bẩy thương mại nhằm đổi lại những tiến bộ về nhân quyền.)
Hơn nữa, Mỹ sẽ không cắt đầu tư hoặc thương mại khi thấy Việt Nam là một lựa chọn nhằm "tách rời" [decoupling] Trung Quốc. Những nỗ lực nhằm khiến thương mại mang tính chất đổi chác sẽ suy yếu khi Hà Nội biết rằng Mỹ sẽ không trì hoãn cố gắng cải thiện mối quan hệ để nâng lên tầm "đối tác chiến lược" khi Washington đang quyết tâm đối đầu Bắc Kinh trong cuộc cạnh tranh về tầm ảnh hưởng.
Sự lựa chọn thương mại (củ cà rốt) và các lệnh trừng phạt (cây gậy).
Đã có những lời kêu gọi từ giới lập pháp của Mỹ về việc phải trừng phạt quan chức Việt Nam theo Đạo luật Global Magnitsky về vi phạm nhân quyền. Nhưng ai ở Washington sẽ đứng ra trừng phạt? Trừng phạt những quan chức cấp thấp trong bộ máy của Đảng Cộng sản vì tội lỗi của những lãnh đạo cấp cao hơn của họ sẽ là một cử chỉ vô nghĩa, chỉ mang lại bất lợi cho Mỹ.
Một số quan chức hàng đầu trong Bộ Công an quyền lực của Việt Nam, những người đã tham gia vào quá trình lên kế hoạch bắt cóc và dẫn độ Trịnh Xuân Thanh từ Đức vào năm 2017, tên của những người này xuất hiện trong văn bản tòa án ở Berlin hồi tháng Giêng năm nay, dường như có vẻ là đối tượng đáng chịu những lệnh trừng phạt như vậy. Nhưng không có khả năng có các các lệnh trừng phạt của Washington nhằm vào các quan chức cấp cao trong bộ máy an ninh, trụ cột của chế độ cộng sản.
Xét về tính chất nền tảng, điều ông Osius nói có nghĩa "gây ảnh hưởng đến tình hình nhân quyền ở Việt Nam theo cách nào đó", và điều mà ông Blinken nghĩ về "một tiến bộ tương lai trong vấn đề nhân quyền" sẽ thật sự ra sao? Điều đó có nghĩa Việt Nam sẽ thả thêm một số lượng tù nhân chính trị và quay trở lại kỷ nguyên trước Đại hội Đảng lần thứ 12, thời gian có ít người bị bỏ tù, hoặc hiệu chỉnh toàn diện Bộ Luật Hình sự và thực hiện một hệ thống quản trị dựa trên luật pháp?
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Ngoại trưởng Mỹ Blinken trong cuộc gặp với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội vào ngày 15/04
Cần phải cân nhắc liệu người Mỹ có dụng ý gì với cụm từ "pháp quyền" hoặc "quyền biểu đạt tự do trên mạng" (một yêu cầu từ Đạo Luật Nhân quyền Việt Nam năm 2021 do Quốc hội đề xuất) có thể tồn tại trong một nhà nước độc đảng? Nếu không thể tồn tại (và đúng trong trường hợp này) và nếu Washington tôn trọng "quyền định hình một tương lai theo hệ thống chính trị của mình" (như ông Blinken phát biểu) thì việc giải thích lý do tại sao chính sách của Mỹ hiện nay như vậy đang rơi vào thế bế tắc.
Mỹ không thể giải quyết những nguyên nhân cốt lõi trong vấn đề vi phạm nhân quyền ở Việt Nam mà không khiến những lợi ích chiến lược cốt lõi của nước Mỹ gặp rủi ro hoặc không lên án mạnh mẽ hệ thống cộng sản.
Bất kỳ tiến bộ nào sẽ mang tính chất rời rạc và vô tác dụng nếu Mỹ không gây áp lực lên chính quyền cộng sản bãi bỏ Điều 117 trong Bộ luật hình sự (về tội tuyên truyền chống nhà nước) hoặc Điều 331 ("lợi dụng các quyền tự do dân chủ để xâm phạm những lợi ích của nhà nước, quyền chính đáng và lợi ích của tổ chức và/hoặc công dân.")
Bất kỳ tiến triển pháp lý nào về quyền lao động và tôn giáo cũng mang tính chất thương lượng nếu những lĩnh vực khác trong luật pháp, mà giới chức Mỹ không muốn nhắc, lại không bị đụng chạm đến.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của David Hutt, nhà nghiên cứu từ Central European Institute of Asian Studies (CEIAS) và cây bút cho trang The Diplomat. Là nhà báo, ông David viết về chính trị Việt Nam cho một số cơ quan báo chí từ năm 2014 đến nay. Tài khoản Twitter của ông là @davidhuttjourno.
https://www.bbc.com/vietnamese
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét