Mỹ Hằng
BBC News Tiếng Việt
25/4/2023
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
(Ảnh minh họa)
Mới đây, Liên minh Quốc tế về Bảo vệ Tự do Tôn giáo Toàn cầu (ADF) cùng với 70 nhóm tôn giáo quốc tế đã gửi thư tới chính quyền của Tổng thốn Biden, kêu gọi các quan chức liên quan giải quyết cuộc đàn áp mà các nhóm tôn giáo thiểu số ở Việt Nam đang phải chịu đựng.
Bức thư cũng được gửi tới Ngoại trưởng Antony Blinken trước chuyến thăm Việt Nam của ông hồi giữa tháng này về vấn đề nói trên.
"Chính quyền Biden vẫn chưa trả lời bức thư của chúng tôi," ông Sean Nelson, Cố vấn Pháp lý của ADF Quốc tế về Tự do Tôn giáo Toàn cầu nói với BBC News Tiếng Việt từ Hoa Kỳ.
"Nhưng từ việc Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào Danh sách Theo dõi Đặc biệt vì những vi phạm tự do tôn giáo, chúng tôi biết rằng Hoa Kỳ nhận thức được và quan ngại về tình trạng đàn áp ngày càng gia tăng đối với các nhóm tôn giáo thiểu số ở Việt Nam,"
Ông nói thêm:
"Chúng tôi hy vọng rằng Ngoại trưởng Blinken đã nêu lên những lo ngại này trong các cuộc đàm phán riêng của ông với chính phủ Việt Nam, và sẽ tiếp tục thúc đẩy Hoa Kỳ nêu cụ thể trường hợp các nạn nhân mà bức thư đã đề cập, cũng như nhiều trường hợp khác, trong mọi cơ hội ngoại giao với Việt Nam."
'Trả đũa các nhóm tôn giáo thiểu số'
Trong trao đổi với BBC, ông Sean Nelson cho hay một trong những diễn biến đáng lo ngại nhất là sự trả đũa của chính phủ Việt Nam đối với các cá nhân thuộc các nhóm tôn giáo thiểu số và các nhóm tôn giáo không chịu nằm trong sự kiểm soát của chính phủ.
Một ví dụ điển hình mà ông Sean Nelson nêu ra là việc mới đây, ngày 8/4, chính quyền Việt Nam tuyên bố khởi tố vắng mặt mục sư A Ga, từng thuộc Hội thánh Tin lành Đấng Christ người Thượng, ở Tây Nguyên, về tội 'phá hoại chính sách đại đoàn kết', dù ông đang tỵ nạn và là thường trú nhân hợp pháp tại Hoa Kỳ.
Trong video mà ADF thực hiện, mục sư A Ga nói chính quyền Việt Nam đã thẩm vấn, quấy nhiễu ông 40 lần và bắt ông vào ban đêm tổng cộng ba lần. Do thấy nguy hiểm tính mạng, ông đã phải chạy khỏi Việt Nam sang Thái Lan và sau đó tỵ nạn tại Mỹ.
Bình luận về vấn đề này, ông Sean Nelson nói với BBC:
"Việc trả thù nạn nhân không nên được dung thứ ở bất kỳ cấp độ nào, nếu không thì hệ thống nhân quyền quốc tế sẽ bị phá vỡ.
"Chúng tôi khuyến khích cộng đồng quốc tế trực tiếp nêu lên những lo ngại về sự trả thù với chính phủ Việt Nam, cũng như đến thăm và theo dõi tình hình của các cộng đồng tôn giáo thiểu số này để Việt Nam biết rằng thế giới không lãng quên họ và đang theo dõi để đảm bảo rằng Việt Nam thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình theo luật pháp quốc tế," ông Nelson nói.
"Chúng tôi cũng đã chứng kiến những trường hợp chính phủ Việt Nam quấy nhiễu các thành viên gia đình của những người thiểu số tôn giáo đã rời khỏi Việt Nam.
"Chúng tôi khuyến khích chính phủ Hoa Kỳ thông qua và thực thi luật để tăng cường khả năng chống lại sự đàn áp xuyên quốc gia nhắm vào các cộng đồng thiểu số tôn giáo.
"Quan hệ ngoại giao chỉ có thể thực sự được củng cố khi có cam kết chung trong việc bảo vệ các quyền tự do cơ bản, và ở mức tối thiểu, có bằng chứng cho thấy Việt Nam đang đạt được tiến bộ trong lĩnh vực này.
"Chúng tôi hy vọng rằng Hoa Kỳ sẽ nhấn mạnh trong các cam kết ngoại giao với Việt Nam rằng việc đảm bảo các quyền tự do, bao gồm tự do tôn giáo, dẫn đến sự ổn định và phát triển kinh tế cao hơn.
Bức thư viết gì?
Trong thư, các tổ chức và chuyên gia viết về 'sự leo thang nhanh chóng của các biện phép đàn áp đối với các nhóm tôn giáo không muốn nằm trong sự kiểm soát của chính phủ' trong 12 tháng qua.
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
(Ảnh minh họa)
Bức thư nêu lên nhiều trường hợp buộc tội hình sự bất công, giam giữ tùy tiện và các hành vi sách nhiễu nghiêm trọng khác của chính quyền đối với các tôn giáo thiểu số ở Việt Nam, đặc biệt là Cơ đốc giáo, trong năm qua.
Việt Nam thậm chí "đàn áp xuyên quốc gia" - nhắm vào các cá nhân người Việt Nam hiện đang cư trú tại Hoa Kỳ, trong đó có Mục sư A Ga.
Nguồn hình ảnh, ADF
Chụp lại hình ảnh,
Mục sư Tin lành người Thượng A Ga hiện đang tỵ nạn tại Mỹ
Bức thư cũng nhắc đến các trường hợp vi phạm tự do tôn giáo khác của Việt Nam, bao gồm:
8/4/2023: Công an tỉnh Đắk Lắk bắt giữ nhà truyền đạo người Thượng Y Krech Bya, một thành viên của Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên, khi ông đang tổ chức một buổi lễ Phục sinh tại nhà.
Ông bị buộc tội "phá hoại khối đoàn kết dân tộc chính sách" theo Điều 116 Bộ luật Hình sự Việt Nam, và có thể bị phạt tới 15 năm tù.
Chính phủ Việt Nam coi nhà thờ của ông là 'ngoài vòng pháp luật' do ông không chịu gia nhập Hội Thánh Tin Lành Việt Nam - Miền Nam do chính phủ công nhận.
Ông Krech Bya từng bị kết án tù tám năm vì tham gia biểu tình ôn hòa ủng hộ tự do tôn giáo cho người Thượng.
8/4/2023: Tỉnh Đắk Lắk công bố khởi tố hình sự vắng mặt Mục sư A Ga, hiện đang sinh sống tại Raleigh, North Carolina, người sáng lập Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên.
1/4/2023: Ba người đạo Cao Đài là Lê Văn Một, ông Trần Quốc Tiến, bà Lương Thị Nở. trở về Việt Nam từ Campuchia đã bị cảnh sát biên giới ban hành thông báo cấm đi lại.
22/3/2023: Chính quyền huyện Ngọc Hồi, Kon Tum, đã ngăn Cha Lê Tiên cử hành Thánh Lễ tại nhà nguyện địa phương Giáo xứ Saint Paul. Họ tắt điện, lấy đi Kinh thánh, giải tán toàn bộ giáo dân và yêu cầu Cha Tiên đi thẩm vấn.
Đây là lần thứ ba trong năm qua địa phương đã làm gián đoạn việc cử hành Thánh lễ tại Saint Paul Mission. Giáo xứ này được thành lập từ năm 2017 nhưng không được chính quyền địa phương công nhận.
22/3/2023: Hòa thượng Thích Thiện Thuận, Thượng Tọa Thích Nhật Phước, được lệnh của chính phủ Bà Rịa - Vũng Tàu phá dỡ nhiều công trình kiến trúc tại chùa mình.
8/2022: ông Khuê Vàng, người Hmong quốc tịch Hoa Kỳ đang sống tại Wisconsin, về Việt Nam thăm vợ com tại Nghệ An.
Công an trục xuất ông về Mỹ, sau đó ép vợ ông là bà Lỳ Y Xò, từ bỏ đạo Thiên Chúa, tịch thu giấy tờ tùy thân của bà và giấy khai sinh của các con bà, đe dọa bỏ tù bà khiến bà phải dắt com trốn vào Đắk Lắk. Các com bà không được đi học, không được tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản do không có giấy tờ tùy thân.
2022: Xét xử và bỏ tù người tu tại gia của Tịnh Thất Bồng Lai, bắt lãnh đạo tinh thần hơn 90 tuổi cùng 5 người tu tại gia, cáo buộc họ vi phạm Điều 331 BLHS ("Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân"). Họ bị kết án tổng cộng 23,5 năm tù.
2019: Chính quyền tỉnh Kon Tum san bằng hoàn toàn chùa Sơn Linh, thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, bị coi là ngoài vòng pháp luật.
Lời kêu gọi dành cho chính phủ Việt Nam
ADF và 70 tổ chức tôn giáo quốc tế kêu gọi Việt Nam:
- Chấm dứt việc cưỡng bức từ bỏ đức tin và tôn trọng quyền của các nhà thờ Thiên chúa giáo tại gia; Cho phép họ tiến hành các hoạt động tôn giáo độc lập với tổ chức tôn giáo do chính phủ phê chuẩn
- Sửa đổi các Điều116 ("phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc") và 331 ("lợi dụng các quyền tự do dân chủ") trong Bộ luật Hình, tuân thủ các quyền con người theo Hiến chương của Liên Hiệp Quốc.
- Trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho Phật tử Hòa Hảo Nguyễn Bắc Truyển, Mục sư người Thượng Y Yich, nhà truyền giáo người Thượng Y Pum Bya, Ki tô hữu người Thượng Y Krech Bya, toàn thể thành viên Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ (Lê Thanh Hoàn Nguyên, Lê Thanh Trùng Dương, Lê Thanh Nhất Nguyên, Cao Thị Cúc, Lê Thanh Nhị Nguyên), và khoảng 80 tù nhân tôn giáo khác;
- Chấm dứt mọi hành động đàn áp xuyên quốc gia nhắm vào những người bảo vệ nhân quyền trong số người Việt hải ngoại.
Bức thư được soạn thảo và ký bởi nhóm vận động người Mỹ gốc Việt, Boat People SOS, 70 tổ chức và chuyên gia về tự do tôn giáo quốc tế, bao gồm cựu Đại sứ Lưu động về Tự do Tôn giáo Quốc tế Sam Brownback và cựu Chủ tịch Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ, Katrina Lantos-Swett, cũng như hàng trăm người tị nạn Việt Nam đã chạy khỏi Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét