Thứ Ba, 25 tháng 4, 2023

Hoa Kỳ - Elon Musk còn mạo hiểm được bao lâu?

 Lê Tây Sơn/SGN

24/4/2023

Tỷ phú Elon Musk vừa bán số cổ phiếu Tesla trị giá $3.95 tỷ (ảnh: Muhammed Selim Korkutata / Anadolu Agency via Getty Images)

Chỉ trong vòng 24 giờ, tỷ phú Elon Musk đã khẳng định lại danh tiếng một người thích đối diện với rủi ro dù đôi khi phải trả giá rất đắt. Chính tính cách khác người này đã dẫn đến nhiều thành công của Musk.

Trở lại tính cách thực của mình

Elon Musk có một tuần đầy kịch tính với những tuyên bố bất ngờ liên quan đến mạng xã hội Twitter, công ty xe điện Tesla và công ty không gian SpaceX. Chỉ trong vòng 24 giờ, từ tối thứ Tư đến tối thứ Năm tuần trước, Musk đã thực hiện ba vụ cá cược rất lớn cho ba công ty được thành lập với ba mục tiêu khác nhau. Ba công ty cùng lúc thể hiện mệnh lệnh: “tiến lên phía trước, bất chấp rủi ro”.

 

Trước hết, Musk tước quyền “legacy verification” miễn phí của những người nổi tiếng, nhà báo và những người dùng có nhiều người theo dõi khác trên Twitter cho dù họ có trả đũa bằng “cuộc nổi dậy của các VIP” trên nền tảng mạng xã hội này. Tiếp theo ông thề “Tesla sẽ đặt số lượng xe bán ra lên trên lợi nhuận”. Thứ ba, dù tiên liệu xác suất không thành công rất cao ông vẫn phóng Super Heavy (hoả tiễn vũ trụ khổng lồ đầu tiên của SpaceX lên không gian) và nó đã phát nổ sau khi phóng cùng với tàu không gian Starship.

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/04/Elon-Musk.A-SpaceX-photo-shows-the-companys-Starship-rocket-at-the-launch-site-in-Boca-Chica-Texas..jpeg

 

Hỏa tiễn của SpaceX. Ảnh: SpaceX

Trong thời đại mà quản lý rủi ro là một phần căn bản trong bài toán kinh doanh của giới tỷ phú, Musk đã tạo nên sự nghiệp và tài sản của mình bằng cách sẵn sàng cho những màn cá cược liều lĩnh khiến nhiều nhân viên của công ty hoảng sợ. Nhưng đó là lúc ông còn trẻ, nay đã bước sang tuổi 51, canh bạc mới với những cú vấp ngã lớn tốn kém tiền của có thể làm lu mờ những thành công trước đó của Musk và phá hủy những gì ông đã gây dựng.

SpaceX và Tesla phát triển từ những thất bại cũng đã có tuổi đời hơn 20 năm. Musk nhiều lần kể lại, ban đầu ông xem những dự án mạo hiểm chỉ 10% cơ hội thành công nhưng vẫn đặt tài sản cá nhân vào chúng. May mắn, ông đã vượt qua các vụ phóng hoả tiễn thất bại và tránh được phá sản. Khi tình hình có vẻ bi quan, ông nhanh chóng điều chỉnh hướng đi với châm ngôn “thà lựa chọn sai còn hơn là không làm gì cả” để duy trì đà chiến thắng.

“Nếu có linh tính tỷ lệ cược nghiêng về mình, bạn nên mạnh dạn quyết định càng nhanh càng tốt trong giới hạn có thể thực hiện được – Musk đưa ra lời khuyên cách đây vài năm”.

Chẳng hạn, năm 2018, khi tiền mặt của Tesla cạn kiệt và việc sản xuất xe hơi bị chậm lại do sai lầm của chiến lược tự động hóa quá mức nhà máy sản xuất, Musk đã bật đèn xanh cho một ý tưởng chưa từng có: lắp ráp xe hơi dưới một căn lều khổng lồ bên ngoài nhà máy để công ty có thể cải tạo dây chuyền lắp ráp nhanh hơn và sản xuất nhiều xe hơn để tăng doanh thu.

Kết quả, trong chỉ một năm, Tesla lại có lợi nhuận. Trong số những người khen ngợi tính cách mạo hiểm của Musk có Anand Mahindra, chủ tịch tập đoàn Mahindra Group với nhận xét: “Đóng góp quan trọng nhất của Musk đối với hoạt động kinh doanh là “Cái nhìn tích cực trước những rủi ro”. Mahindra viết trên Twitter: “Hầu hết chúng ta sẽ bị nản chí khi gặp một ‘thất bại’ nặng nề, nhưng khi bạn xem mỗi quyết định như một thử nghiệm để học tập (tất nhiên, phải có đủ nguồn lực để thực hiện) thì về cơ bản, bạn đã mở rộng biên giới của kiến thức và tiến bộ”.

Mạo hiểm với Twitter và Tesla

Nhưng những bước đi táo tạo của Musk không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Sáu tháng sau khi nắm quyền kiểm soát Twitter, ông vẫn lúng túng tìm phương hướng khi cố gắng biến công ty truyền thông xã hội này thành một thứ gì đó lớn hơn nhiều. Một phần trong kế hoạch của ông là tạo ra nhiều doanh thu hơn từ các đăng ký, mở ra cái gọi là dấu kiểm màu xanh (blue check mark) cho bất kỳ ai sẵn sàng trả tiền và thay đổi chính sách ưu tiên dành cho những tài khoản “VIP” dẫn đến những lời phàn nàn từ những ngôi sao thể thao, ngôi sao Hollywood và những người nổi tiếng khác.

Musk biện bạch ông chỉ muốn dân chủ hóa Twitter, nhưng nó lại khiến những người dùng giúp trang web trở nên thú vị đối với mọi thành phần xã hội xa lánh. Nhưng còn phải chờ xem Twitter có mang về nhiều lợi nhuận hơn từ chính sách mới hay mất người dùng. “Nếu hầu hết những người có dấu tích xanh ngừng tweet để phản đối việc phải trả tiền để tạo nội dung, Twitter sẽ chết, vì nội dung là nguồn sống của nó” – Nathan Hubbard, cựu giám đốc điều hành Twitter, cảnh báo vào tháng trước.

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/08/GettyImages-1383560093.jpg

 

Việc xây dựng các trạm sạc cho xe điện chưa đáp ứng nhu cầu khiến cho người tiêu dùng chưa mặn mà với loại xe công nghệ mới này dù giá xăng dầu leo thang ảnh hưởng tới túi tiền của họ. Ảnh một trạm sạc điện cho xe Tesla ở Petaluma, California. (Ảnh Justin Sullivan/Getty Images.)

Tại Tesla, kết quả bước đầu của việc Musk đặt cược vào việc giảm giá xe để tăng số xe bán ra thể hiện trong báo cáo kết quả Quý I vào thứ Tư cho thấy lợi nhuận giảm 24% chứ không tăng. Nhưng trong khi các nhà đầu tư lo lắng, Musk không nản lòng trong một cuộc gọi hội nghị với các nhà phân tích. Ông nói với họ là sẽ vẫn ưu tiên số xe bán ra hơn là lợi nhuận với niềm tin, cuối cùng lợi nhuận sẽ tăng trở lại khi lượng xe lớn bán ra phải cập nhật phần mềm có trả phí để kích hoạt công nghệ không người lái.

“Tesla đang ở một vị trí chiến lược mạnh mẽ đặc biệt vì chúng tôi là những người duy nhất sản xuất những chiếc xe mà về mặt kỹ thuật có thể bán với giá ‘không đồng’ ngay bây giờ nhưng sau đó sẽ gom được rất nhiều tiền nhờ bán chế độ tự động mà nhiều chủ xe sẽ cần.”

Nói rõ hơn, lợi nhuận của Tesla trông chờ vào việc bán và nâng cấp các phần mềm tự động trong…tương lai! Chiến lược này đi ngược lại với chiến thuật mà hầu hết các công ty xe hơi khác thực hiện trong những năm gần đây là “ưu tiên lợi nhuận hơn doanh số”. Ngoài ra, cho đến nay, Tesla vẫn chưa trình diễn một chiếc xe tự hành đúng nghĩa với thế giới, dù Musk hứa hẹn nó sắp hoàn thành. Các phần mềm tự lái chưa hoàn chỉnh thì dù xe hơi điện Tesla có trang bị sẵn các tính năng tự hành nó vẫn không có phần mềm để kích hoạt.

Phần mềm không đến sớm, doanh thu “khủng” Musk trông chờ vào sẽ không có. Toni Sacconaghi, nhà phân tích công nghệ tự lái hoàn toàn tại công ty Bernstein, nhận xét: “Dù không phải là không khả thi, nhưng chúng tôi vẫn chưa biết Tesla sẽ trở thành ‘tiền phong’ kiếm tiền nhờ công nghệ tự lái vào lúc nào, và liệu số xe đã bán ra của hãng có thể sử dụng được các phần mềm tự động đó hay không”.

Và thêm bài học mạo hiểm cho SpaceX

Musk thành lập SpaceX  với tầm nhìn “biến du lịch liên hành tinh thành hiện thực”, nhiều năm trước khi ông khởi động Tesla và thành lập các dự án kinh doanh khác như công ty khởi nghiệp cấy ghép não Neuralink Corp và công ty khoan đường hầm The Boring Co.

Rủi ro khi phóng hoả tiễn không gian đã trở thành hiện thực vào sáng thứ Năm, khi con tàu Starship của SpaceX phát nổ. Được thành lập năm 2002, có tên chính thức Space Exploration Technologies Corp, SpaceX phát triển nhờ vào…những thất bại mà các kỹ sư học hỏi được để cải tiến các hoả tiễn có thể tái sử dụng trong tương lai. Ba hoả tiễn đầu tiên phát nổ tưởng đã nhấn chìm SpaceX khi nó còn đang chập chững vào nghề. Cuối cùng, SpaceX đã thành công với Falcon 9, được sử dụng trong 60 lần phóng vào năm ngoái. Falcon 9 cũng quan trọng đối với chương trình không gian của Hoa Kỳ.

Trước khi phóng Starship, Musk cảnh báo: “Nỗ lực mới nhất sẽ rất rủi ro. Một vụ nổ dưới đất sẽ làm hỏng bệ phóng Nam Texas của công ty và làm chậm lại kế hoạch”. Công ty cho biết, những gì học được từ thất bại sẽ giúp hoàn thiện loại hoả tiễn khổng lồ cần thiết để đưa người lên sao Hỏa (tham vọng của Musk) và thực hiện các vụ phóng thương mại đưa hàng hóa nặng ra ngoài không gian.

Sáng thứ Năm, Starship phóng thành công, bệ phóng không bị hư hỏng nhưng con tàu chỉ bay được 24 dặm lên bầu trời là phát nổ theo cách SpaceX gọi là “nhanh ngoài dự kiến”. Trong vài giây sau vụ nổ, video live stream của SpaceX phát hình ảnh Musk ngồi lặng lẽ trong trung tâm chỉ huy và nở một nụ cười mỉm. Vài giờ sau, ông tweet: “Thật là một ngày tuyệt vời về nhiều phương diện”.

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/04/FtvvD-VaAAAmFEl.jpeg

 

Khai hỏa hỏa tiễn của SpaceX. Ảnh: SpaceX

Không rõ việc mất Starship (cả tàu vũ trụ lẫn hoả tiễn đẩy Super Heavy) sẽ khiến SpaceX phải trả giá bao nhiêu về cổ phiếu khi nó được định giá trước lần phóng là $140 tỷ. Một phát ngôn viên của Cục Hàng không Liên bang (Federal Aviation Administration-FAA) cho biết cục sẽ giám sát cuộc điều tra về chuyến bay thử nghiệm thất bại và nhấn mạnh “giống như các rủi ro khác liên quan đến những con tàu không gian, SpaceX sẽ không được phép thực hiện một chuyến bay Starship khác cho đến khi FAA xác định nguyên nhân dẫn đến thất bại và ảnh hưởng đến an toàn công cộng”.

FAA cho biết không có thương tích hoặc thiệt hại nào đối với tài sản công được báo cáo. Đối với các vụ phóng tên lửa, cơ quan quản lý luôn quy định các khu vực cấm tàu thuyền và máy bay đi vào để bảo đảm an toàn. Tuần trước, SpaceX đã nhận được giấy phép từ FAA, cho phép tiến hành chuyến bay.

Starship (gồm Super Heavy và tàu vũ trụ Starship. Lần đầu tiên hai thành phần này cùng tham gia một chuyến đi) được thiết kế để một ngày nào đó đưa một lượng lớn vật liệu hoặc phi hành đoàn hàng chục người vào không gian mỗi lần phóng. SpaceX đã đầu tư vào nhân sự, cơ sở sản xuất và động cơ mới cho mục tiêu này. Con tàu là tâm điểm trong chiến lược kinh doanh không gian của SpaceX.

Các giám đốc điều hành cho biết họ muốn Starship thường xuyên đưa các vệ tinh internet Starlink (cũng của SpaceX) kết nối băng thông rộng tốc độ cao lên không gian. Những chuyến bay đó sẽ giúp SpaceX hoàn thiện một phiên bản tên lửa hiện đại cho các nhiệm vụ xa hơn trong tương lai.

https://saigonnhonews.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét