Quê Hương tổng hợp
CPJ kêu gọi trả tự do cho ông Đường Văn Thái
19/4/2023
Nhà báo Đường Văn Thái bị bắt ở Việt Nam sau khi mất tích ở Thái Lan
Manila, ngày 18 tháng 4 năm 2023—Chính quyền Việt Nam cần trả tự do ngay lập tức cho nhà báo Dương Văn Thái và chấm dứt mọi sách nhiễu và giam giữ các thành viên báo chí sống lưu vong, Ủy ban Bảo vệ Ký giả cho biết hôm thứ Ba.
Vào ngày 13 tháng 4, Đường Văn Thái, một nhà báo độc lập chuyên bình luận chính trị trên YouTube và có khoảng 119.000 người theo dõi, đã mất tích ở Bangkok, Thái Lan.
Đường Văn Thái là người tị nạn sống ở Thái Lan từ năm 2020 và đã đến văn phòng của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn vài giờ trước khi mất tích.
Vào ngày 16 tháng 4, truyền thông nhà nước Việt Nam đưa tin Đường Văn Thái đã bị bắt khi đang tìm cách nhập cảnh vào Việt Nam và bị công an huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh tạm giữ.
“Chính quyền Việt Nam phải trả tự do ngay lập tức cho nhà báo Đường Văn Thái và tiết lộ chi tiết chính xác về việc giam giữ ông,” Shawn Crispin, đại diện cấp cao của CPJ tại Đông Nam Á cho biết. “Việt Nam có hay nhắm vào các nhà báo sống lưu vong. Nhà chức trách Thái Lan nên điều tra kỹ lưỡng và minh bạch về hoàn cảnh ông Thái mất tích ở Bangkok, và đảm bảo rằng các nhà báo chí không trở thành mục tiêu vì làm công việc của họ.”
Truyền thông nhà nước Việt Nam cáo buộc Đường Văn Thái đã bị bắt khi đang tìm cách nhập cảnh trái phép vào Việt Nam vào ngày 14 tháng 4. CPJ đã gọi điện và gửi email cho Đường Văn Thái sau khi vụ bắt giữ của ông được công bố nhưng không nhận được bất kỳ hồi âm nào.
Trên kênh YouTube của mình, Đường Văn Thái gần đây đã phát bài chỉ trích chính sách công nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính và bộ trưởng tài chính của Việt Nam.
Năm 2019, blogger Việt Nam Trương Duy Nhất bị bắt cóc tại Thái Lan; Trương Duy Nhất trở lại Việt Nam vài ngày sau đó và sau đó bị kết án 10 năm tù. Hai cộng sự của Trương Duy Nhất, nói chuyện với CPJ với điều kiện giấu tên vì sợ bị trả thù, cho biết họ nghi ngờ rằng anh đã bị đặc vụ Việt Nam hợp tác với chính quyền Thái Lan bắt cóc. Trương Duy Nhất đang xin quy chế tị nạn ở Thái Lan vào thời điểm mất tích.
CPJ đã gửi email cho Cảnh sát Nhập cư Thái Lan và Bộ Công an Việt Nam để xin bình luận về tình trạng của Đường Văn Thái nhưng không nhận được bất kỳ hồi âm nào.
Việt Nam là một trong những nơi giam giữ nhiều nhà báo nhất thế giới, với ít nhất 21 người hiện đang bị giam giữ, theo CPJ điều tra người bị giam hàng năm vào ngày 1 tháng 12 năm 2022.
Nguồn: CPJ – Journalist Duong Van Thai arrested in Vietnam after disappearing in Thailand
Quỹ GIP của Mỹ hứa đầu tư 1 tỷ đôla vào Việt Nam
18/4/2023
Ông Jim Yong Kim, Phó Chủ tịch quỹ Đối tác cơ sở hạ tầng toàn cầu (GIP) và Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính, ngày 17/4/2023.
Phát biểu tại Hà Nội ngày 17/4, ông Jim Yong Kim, Phó Chủ tịch quỹ Đối tác cơ sở hạ tầng toàn cầu (GIP) cho biết quỹ này có thể rót 1 tỷ đôla vào các dự án, đặc biệt là hạ tầng, tại Việt Nam.
GIP quan tâm đến việc rót vốn vào các lĩnh vực giao thông, năng lượng và công nghệ số, truyền thông Việt Nam dẫn lời ông Kim nói, tiết lộ rằng GIP sẵn sàng đầu tư 1 tỷ đô la vào Việt Nam. Ông Kim cho biết như vậy trong cuộc gặp với Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính.
Ông Chính hoan nghênh những quan tâm của Quỹ GIP về đầu tư vào cơ sở hạ tầng chiến lược tại Việt Nam, nhất là hạ tầng giao thông, đặc biệt là đường bộ cao tốc và đường sắt tốc độ cao, thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện thỏa thuận giảm phát thải bằng 0 vào năm 2050.
Ông Kim, cựu Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB), mong muốn Chính phủ Việt Nam và các bộ, ngành thúc đẩy quan hệ đối tác với quỹ GIP để xây dựng một chiến lược đầu tư phù hợp với Việt Nam và xem xét những dự án hợp tác cụ thể, hỗ trợ Việt Nam xây dựng cơ sở hạ tầng, thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm.
GIP từ chối yêu cầu bình luận của VOA.
GIP, một quỹ đầu tư tư nhân được thành lập vào năm 2006, có trụ sở tại New York, Hoa Kỳ, chuyên đầu tư vào cơ sở hạ tầng chất lượng cao thông qua hình thức liên doanh chiến lược với các công ty hàng đầu trong các lĩnh vực giao thông, năng lượng, kỹ thuật số và xử lý nước, chất thải.
Việt Nam yêu cầu rà soát hợp tác với 6 doanh nghiệp xuyên biên giới của Mỹ, Trung Quốc
18/4/2023
Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam yêu cầu các cơ quan chức năng phải hoàn thành việc kiểm tra các nền tảng xuyên biên giới chưa có văn phòng tại Việt Nam chậm nhất là tháng 9/2023.
Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) Việt Nam vừa yêu cầu các nhà mạng rà soát hoạt động hợp tác, cho thuê dịch vụ với 6 doanh nghiệp đang cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền xuyên biên giới, bao gồm 3 công ty Mỹ Netflix, Apple, Amazon, và 3 công ty Trung Quốc là Tencent, IQIYI và Hồ Nam.
Yêu cầu được Bộ TTTT đưa ra theo Nghị định 71 sửa đổi, trong đó bổ sung một số quy định về quản lý, cung cấp và dịch vụ phát thanh, truyền hình có liên quan đến các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam. Một trong những quy định là buộc các doanh nghiệp nước ngoài phải có “Giấy phép cung cấp dịch vụ”.
Bộ TTTT nói việc rà soát là nhằm “nhằm đảm bảo nội dung hợp tác không vi phạm những quy định cấm, cũng như không gián tiếp tạo điều kiện để các doanh nghiệp vi phạm quy định pháp luật Việt Nam”.
Theo Bộ này, Netflix đã xác nhận sẽ cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam. IQIYI, Tencent và Apple sẽ điều chỉnh hoạt động để chỉ phổ biến phim trên không gian mạng tại Việt Nam. Công ty Hồ Nam và Amazon cho biết sẽ không tham gia cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam.
Trong yêu cầu rà soát các hoạt động hợp tác với những doanh nghiệp trên, Bộ TTTT Việt Nam chỉ đạo các Sở Văn hóa Thông tin và Du lịch không chấp thuận quảng cáo, truyền thông quảng bá cho dịch vụ của các doanh nghiệp trên khi họ chưa thực hiện các quy định hoặc chưa có giấy phép cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền.
Trong quyết định được công bố vào ngày 18/4, Bộ TTTT Việt Nam cũng yêu cầu các cơ quan phải “duy trì đấu tranh với các nền tảng xuyên biên giới về vấn đề xử lý tin xấu độc” và xem đây là “nhiệm vụ hàng đầu”.
Yêu cầu của Bộ là bắt buộc các nền tảng xuyên biên giới phải chặn, gỡ “thông tin xấu độc” trong vòng 24 giờ và giới hữu trách có thể khóa trang, khóa kênh nếu có vi phạm nghiêm trọng.
Bộ này cũng yêu cầu việc kiểm tra các nền tảng xuyên biên giới chưa có văn phòng tại Việt Nam phải được hoàn thành chậm nhất là tháng 9/2023.
Theo Chiến lược phát triển lĩnh vực phát thanh truyền hình đến năm 2025, Bộ TTTT Việt Nam đặt mục tiêu tăng thuê bao truyền hình trả tiền từ 17 triệu lên 25 triệu người dùng, tăng doanh thu truyền hình trả tiền từ 9.000 tỷ đồng lên 15.000 tỷ đồng, tăng thuê bao truyền hình trả tiền OTT TV từ 3 triệu lên 12 triệu, tăng doanh thu truyền hình trả tiền OTT TV từ 300 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng.
Hà Nội: Covid-19 có xu hướng tăng, xuất hiện ổ dịch ở một số trường học
Bao giờ người bị biến chứng vì Covid-19 nhận được tiền bồi thường từ WHO?
Lê Thiệt /SGN
Hà Nội yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tiêm chủng để tăng tỷ lệ bao phủ vaccine Covid-19 – Ảnh: Thanh Niên
Trong buổi họp trực tuyến về công tác phòng chống dịch bệnh tại Hà Nội, một số đại diện UBND quận, huyện cho biết, số ca mắc Covid-19 và một số bệnh truyền nhiễm khác như: thủy đậu, sốt xuất huyết, tay chân miệng… có xu hướng tăng. Trong đó, đã ghi nhận một số ổ dịch Covid-19, thủy đậu, tay chân miệng tại trường học.
Bà Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đề nghị người dân khi đến các nơi công cộng cần tuân thủ nguyên tắc 2K: Mang khẩu trang, và khử khuẩn.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm đến ngày 1 Tháng Tư, ghi nhận số ca mắc Covid-19 trên địa bàn từ 2 – 5 ca/ngày. Tuy nhiên, từ ngày 1 Tháng Tư đến nay, số người mắc Covid-19 tăng dần. Tính đến ngày 16 Tháng Tư, toàn thành phố có 566 trường hợp mắc Covid-19 đang điều trị.
Về dịch sốt xuất huyết, có 212 trường hợp mắc, phân bố tại 27/30 quận, huyện, thị xã. Về bệnh tay chân miệng, toàn thành phố có 384 trường hợp mắc. Không có trường hợp tử vong đối với cả 3 loại bệnh này.
Tình hình Covid-19 tại Sài Gòn cũng có một vài biến chuyển đáng lo ngại, nhưng chỉ tăng nhẹ, và tập trung vào người cao tuổi.
Từ đầu năm đến nay, Sài Gòn có 190 ca mắc Covid-19. Song song đó là sự xuất hiện của biến thể phụ XBB.1.5. Thực trạng miễn dịch cộng đồng tại Sài Gòn đối với Covid-19 đang bắt đầu có xu hướng giảm từ 98,7% (vào tháng 9.2022), nay giảm xuống còn 96,7%.
Điều này cho thấy có khả năng Covid-19 sẽ tăng cao trong thời gian tới, nếu tỷ lệ này tiếp tục giảm.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố, một quỹ bồi thường quốc tế đã được thành lập nhằm chi trả cho các trường hợp (phần lớn nằm ở các quốc gia châu Phi và Đông Nam Á) gặp biến chứng nghiêm trọng do tiêm vaccine Covid-19 thông qua cơ chế COVAX.
Theo WHO, quỹ bồi thường này được áp dụng cho nhóm gồm 92 nước thu nhập trung bình và thấp đang tham gia cơ chế COVAX. Phần lớn các nước này nằm ở châu Phi và Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Chưa rõ chính phủ Việt Nam sẽ tổ chức thực hiện chương trình này như thế nào. Tuy nhiên, theo WHO, đơn ghi danh có thể được thực hiện thông qua trang web www.covaxclaims.com bắt đầu từ ngày 31 Tháng Ba năm 2023, kết thúc nhận đơn vào ngày 30 Tháng Sáu năm 2027.
Trang web www.covaxclaims.com
Nhiều người bị biến chứng do tiêm Covid-19 tại Việt Nam không tin họ sẽ nhận được tiền bồi thường của WHO nếu thông qua các tổ chức do nhà nước quản lý, vì tính không minh bạch của nhà nước ngay từ đầu xảy ra đại dịch.
Ông Nguyễn Đình Toan (65 tuổi, ngụ ở Sài Gòn) nói: “Tôi nghĩ những người bị biến chứng vì Covid-19 sẽ nhận được tiền bồi thường trên… tivi như tiền hỗ trợ Covid-19. Cho đến nay, còn rất nhiều người chưa được nhận đồng nào từ hai gói hỗ trợ 62 ngàn tỷ và 90 ngàn tỷ nhà nước đã hứa từ năm 2021”.
Chưa hết, nhân dịp WHO công bố quỹ bồi thường quốc tế này, người dân lại thắc mắc Quỹ Vaccine phòng Covid-19 đã được nhà nước huy động lên tới hơn 8.800 tỷ đồng nhưng không dùng mua vaccine hiện nay nằm ở đâu? Mọi người chỉ biết Bộ Y tế (cơ quan quản lý quỹ) gởi ngân hàng kiếm lời, rồi im tiếng luôn từ đó tới nay.
Ai mới là “ngụy”?
Phú Nhuận ghi
“Ngụy” là từ mà những người đến từ Hà Nội vẫn ưa dùng để gọi các viên chức cho đến dân chúng ở bên kia bờ Hiền Lương.
“Ngụy” ở đây là tính từ, có ý nghĩa là “sự giả tạo”, ví dụ như “ngụy tạo, ngụy biện, ngụy trang, ngụy quân tử, ngụy quyền”. Trong chính trị, từ này được dùng để chỉ một triều đại hoặc chính quyền do soán đoạt mà có, hoặc do quân xâm lược nước ngoài dựng lên để hợp thức hóa sự xâm lược, đô hộ một nước khác.
Về bản chất, chính quyền này không có thực quyền, chỉ là hữu danh vô thực, chính quyền này bị quân xâm lược nước ngoài khống chế, mang tính chất bất hợp pháp và không chính danh.
Trong lịch sử các nước Đông Á như Trung Quốc, Triều Tiên, và Việt Nam, từ “ngụy triều”, “ngụy quyền” được sử dụng nhiều trong các văn bản lịch sử bất chấp việc về pháp lý thì miền Nam Việt Nam từ vĩ tuyến 17 trở vào đến Cà Mau là quốc gia được quốc tế xác lập chủ quyền; nghĩa là không thỏa mãn cho yếu tố sử dụng tính từ “ngụy” trong cách gọi.
Trà dư tửu hậu trong tháng tư này về “ngụy”, một cựu tổng biên tập của một tờ báo thuộc Đảng bộ tỉnh Long An, kể câu chuyện mà chính ông là người trong cuộc liên quan đến “ngụy” trong cách hiểu chính trị từ “bên thắng cuộc”.
Xin biên ra đây như một tham khảo khi sử dụng tính từ “ngụy” để nói về một bên nào đó trong cuộc chiến tranh đã kết thúc sắp sửa kỷ niệm lần thứ 48.
… “Từ đất Quảng Bình vượt Trường Sơn qua Lào năm 1970, là lần “vượt biên” đầu đời của tui. Dù được tổ chức cấp quốc gia, thậm chí quốc tế, cuộc vượt biên này cũng phải ngụy trang.
Thông thường ngụy trang nhằm làm thay đổi vỏ bên ngoài, che đậy hình dáng thật, lẫn vào môi trường chung quanh để đối phương không nhận ra. Rõ nhất, là vòng lá ngụy trang đeo sau lưng. Quân hiệu gắn trên mũ vẫn giữ ngôi sao vàng, nhưng nền cờ sơn hai màu, đỏ và xanh dương. Mũ tai bèo dùng thay mũ nhựa. Đội lên là đội thơ Tố Hữu: “Cả năm châu chân lý đang nhìn theo/ Dáng anh đi và vành mũ tai bèo”.
Thêm những việc khác. Đổi tên gọi các tổ chức trong giấy tờ cá nhân (mẫu in sẵn). Đảng/ Đoàn thanh niên cộng sản đổi thành Đảng/ Đoàn thanh niên “Nhân dân Cách mạng miền Nam”.
Đổi phiên hiệu đơn vị, mỗi tiểu đoàn “đi B” mang một số hiệu gồm 4 chữ số. Như tiểu đoàn tui, Tiểu đoàn 5 Trung đoàn 22, trở thành Đoàn 2246. Vào B2 thay đổi danh xưng cấp bậc, với hệ thống quân hàm nội bộ của Quân giải phóng (trong dấu “ngoặc kép” dưới đây):
– Binh nhì và Binh nhất, thành “Chiến sĩ”;
– Hạ sĩ và Trung sĩ, thành “A bậc phó”; Thượng sĩ và Chuẩn úy, thành “A bậc trưởng”;
– Thiếu úy, thành “C bậc phó”; Trung úy, thành “C bậc trưởng”;
– Thượng úy, thành “D bậc phó”; Đại úy, thành “D bậc trưởng”;
(A: tiểu đội; B: trung đội; C: đại đội; D: tiểu đoàn).
Nhờ vậy, nghiễm nhiên 100% lính miền Bắc biến thành Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, thành Lực lượng vũ trang Giải phóng miền Nam Việt Nam!
Nhắc thêm một cách nguỵ trang khác, của giới văn nghệ sĩ: dùng bút danh mới khi vào chiến trường. Ví dụ Bùi Đức Ái – Anh Đức; Nguyên Ngọc – Nguyễn Trung Thành; Xuân Sách – Lê Hoài Đăng … Nhạc sĩ Huy Thục – Lê Anh Chiến, Trần Hoàn – Hồ Thuận An… Thậm chí ngồi ở Hà Nội, Hoàng Vân thành Y Na trong Tây Nguyên; Phan Huỳnh Điểu – Huy Quang,… nhớ không xuể.
Công cuộc ngụy trang kéo dài cho đến năm 1975. Trưa 30/4, xe tăng và các quân đoàn chủ lực miền Bắc tiến vào Sài Gòn nhất loạt giương cờ nửa đỏ nửa xanh. Trên sóng đài phát thanh Sài Gòn, Trung tá Bùi Tùng của Quân đoàn 2 long trọng tuyên bố “đại diện cho lực lượng quân Giải phóng miền Nam” chấp nhận lời đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh.
Các hãng tin quốc tế và Sài Gòn cũ gọi thẳng “quân Bắc Việt”, báo chí phe ta kiên định danh xưng “quân Giải phóng miền Nam” cho đến khi hai miền thống nhất quốc kỳ.
“Mục đích biện minh cho phương tiện”. Xong việc, những ngụy trang, giả trang như thế không cần nữa. Chỉ còn một từ “ngụy” dành chỉ bên thua cuộc, kéo dài đến hôm nay chưa thôi – cho dù ông Võ Văn Kiệt chỉ đạo dứt khoát không gọi chính quyền, quân đội Việt Nam Cộng Hòa là ngụy khi biên soạn bộ “Lịch sử Nam Bộ kháng chiến” – sách đã xuất bản từ năm 2012…”.
Chi phí điều trị người mắc COVID-19 ở Bệnh viện Chợ Rẫy là bao nhiêu?
Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị cho các bệnh nhân nhiễm COVID-19. (Ảnh: choray.vn)
Từ tháng 8 đến tháng 10/2021 – giai đoạn COVID-19 căng thẳng nhất tại TP.HCM, Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiếp nhận 1.576 bệnh nhân.
Tại Hội nghị khoa học thường niên 2023 của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) vào ngày 18/4, điều dưỡng Trần Thị Thúy, khoa Bệnh Nhiệt đới đã báo cáo nghiên cứu về chi phí điều trị bệnh nhân COVID-19 tại đây, do cô và các đồng nghiệp thực hiện.
Nhóm nghiên cứu cho biết từ tháng 8 đến tháng 10/2021 – giai đoạn COVID-19 căng thẳng nhất tại TP.HCM, Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiếp nhận 1.576 bệnh nhân.
Trong số này, các thành viên nhóm nghiên cứu đã sàng lọc, chọn ra 139 bệnh nhân nặng và nguy kịch (tuổi trung bình ở nhóm này là 68 tuổi); 220 bệnh nhân mức trung bình (tuổi trung bình là 58). Khoảng 1/3 tổng số bệnh nhân nhập viện có bệnh nền đái tháo đường và tăng huyết áp.
Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ tử vong ở nhóm bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch cao gấp 5 lần so với bệnh nhân thuộc nhóm trung bình.
Chi phí trung bình để điều trị cho người bệnh COVID-19 là 55 triệu đồng/người. Tuy nhiên, con số này ở người bệnh COVID-19 nặng, nguy kịch là 140 triệu đồng/người.
Trong đó, tiền thuốc chiếm 2/3 tổng chi phí, chủ yếu là kháng sinh và kháng nấm. Ngoài ra, còn có chi phí cận lâm sàng, thủ thuật, vật tư y tế, dinh dưỡng và những dịch vụ khác.
Nhóm nghiên cứu nhận định chi phí điều trị người bệnh COVID-19 nặng tương đương bệnh nhân nằm tại Khoa Hồi sức tích cực.
“Dựa trên cơ sở này, chúng tôi ước tính, chi phí điều trị cho 43.000 bệnh nhân COVID-19 tử vong trên cả nước là hơn 6.000 tỷ đồng”, nhóm nghiên cứu cho biết.
Ngoài nghiên cứu trên, trước đây, tại TP.HCM từng có những trường hợp bệnh nhân COVID-19 nguy kịch, phải chạy ECMO (hồi sinh tim phổi), với chi phí điều trị lên đến hàng tỷ đồng.
Minh Long
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét