Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ kết thúc chuyến thăm ba ngày đến Việt Nam
21/4/2023
Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Tom Vilsack tiếp xúc với sinh viên Đại học Ngoại thương hôm 19/4/2023. Photo US Embassy in Hanoi.
Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Tom Vilsack vừa kết thúc chuyến thăm ba ngày đến Việt Nam, với trọng tâm củng cố mối quan hệ nông nghiệp giữa hai nước và hợp tác để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Trang tin Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dẫn lời ông Visack cho biết hôm 19/4:
“Đây là dịp kỷ niệm 10 năm Quan hệ Đối tác Toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, khởi đầu là một hiệp định tập trung vào các vấn đề khu vực, chủ yếu là vấn đề an ninh, và đã mở rộng đáng kể theo thời gian để bao gồm các vấn đề kinh tế và thương mại.
“Việt Nam là thị trường thương mại lớn thứ chín của chúng tôi. Và như tôi đã luôn nói, một trong những chìa khóa của thương mại là sự hiện diện, xúc tiến và con người. Và chúng tôi đã có cơ hội để làm tất cả những điều đó và khuyến khích Việt Nam xem xét các cơ hội về mặt thương mại”.
“Hôm nay tôi đã tham gia một cuộc thảo luận bàn tròn với các lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam và các nhà nhập khẩu nông sản chính của Hoa Kỳ. Việt Nam là một thị trường quan trọng của Hoa Kỳ và USDA luôn sẵn sàng hỗ trợ xuất khẩu nông sản của Hoa Kỳ sang thị trường này", Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội dẫn Bộ trưởng Vilsack cho biết hôm 20/4.
“Tôi đã có cơ hội gặp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ trưởng Thương mại, cũng như Thủ tướng Chính phủ. Với các cuộc thảo luận bao gồm cả việc Việt Nam mở rộng khả năng tiếp cận một số loại cây trồng đặc sản của chúng tôi, bao gồm quả xuân đào, đào, chanh và quýt vàng”, ông Vilsack cho biết thêm.
Tại buổi tiếp ông Vilsack, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đề nghị phía Hoa Kỳ mở cửa thị trường hơn nữa cho các sản phẩm nông sản của Việt Nam; hối thúc hoàn tất các thủ tục mở cửa thị trường cho các nông sản của Việt Nam như dừa, chanh leo…; hỗ trợ thiết lập cơ sở chiếu xạ ở miền Bắc của Việt Nam để tạo điều kiện xuất khẩu quả vải, xoài, bưởi và thanh long.
Đồng thời ông Chính kêu gọi Mỹ hạn chế sử dụng các công cụ, hàng rào kỹ thuật không cần thiết trong thương mại nông sản với Việt Nam.
Trong chuyến công du Việt Nam, Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ còn dự lễ khánh thành phòng thí nghiệm giám định gỗ tại Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, một chương trình hợp tác giữa Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam và Cục Lâm nghiệp Hoa Kỳ.
Ngoài ra, ông còn có buổi nói chuyện với các sinh viên Đại học Ngoại thương, trong đó nhấn mạnh sáng kiến của Mỹ mang tên Đối tác nông nghiệp thông minh về khí hậu.
Tại Đại học Ngoại thương, Bộ trưởng Vilsack đã chia sẻ tầm quan trọng của việc xây dựng kết nối giữa các chính phủ, giữa các nhà lãnh đạo tương lai và trong cộng đồng học thuật để giải quyết khủng hoảng khí hậu và những thách thức khác mà thế giới phải đối mặt.
Ông Vilsack nói: “Tôi tin tưởng hơn bao giờ hết vào năng lực của thế hệ tương lai khi tiếp cận những trở ngại với tinh thần lạc quan rằng chúng ta có thể vươn lên để đối phó với chúng. Thật vinh dự khi được gặp thế hệ kế cận và các nhà lãnh đạo tương lai của Việt Nam.”
Phát biểu với báo giới ở Hà Nội hôm 19/4, ông Vilsack nói Hoa Kỳ luôn tăng cường các nỗ lực hợp tác, hỗ trợ Việt Nam để giảm phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất lúa gạo để có thể đóng góp nhiều hơn vào hệ thống lương thực toàn cầu.
“Trên bình diện thế giới, mỗi quốc gia đều có vai trò và trách nhiệm của mình. Trước những sức ép về gia tăng dân số hiện nay, chúng ta đang ngày càng nỗ lực để có thể sản xuất được nhiều hơn nhưng lại tiêu tốn nguyên liệu đầu vào ít hơn”, ông Vilsack chia sẻ.
SEA Games, ‘bao’ và... ‘ăn, ở thế nào’
Trân Văn /VOA
21/4/2023
Một màn trình diễn tại Sea Games 31 tổ chức ở Hà Nội, 2022. Năm nay, Campuchia đăng cai Sea Games 32.
Có một điểm khác cũng đáng lưu ý là dẫu số lượng thành viên của Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 23 liên tục thay đổi: Từ 1.018 (theo dự tính ban đầu), giảm xuống còn khoảng 900 (vì không có đủ tiền), rồi tăng lên thành 1.003 (sau khi Campuchia tuyên bố sẽ... “bao”)...
Cho dù còn nửa tháng nữa mới tới ngày khai mạc SEA Games (Đại hội Thể thao khối ASEAN) lần thứ 32 (diễn ra từ 5/5/2023 đến 17/5/2023) nhưng Việt Nam đã tổ chức “Lễ Xuất quân tham dự SEA Games 32”.
Các cơ quan hữu trách và hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam giải thích, sở dĩ tổ chức... “xuất quân” sớm vì đó là... “hoạt động truyền thống” nhằm “thể hiện sự quan tâm của đảng, nhà nước và nhân dân với thể thao Việt Nam, đồng thời là dịp để các huấn luyện viên, vận động viên thể hiện ý chí quyết tâm, phấn đấu mang về thành tích tốt nhất cho đoàn thể thao Việt Nam” (1).
Đọc tới đó sẽ có nhiều người thắc mắc. Nếu “đảng, nhà nước” thật sự “quan tâm”, tại sao trước đó chỉ hai tuần, hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam đồng loạt loan báo: Do không được cấp đủ tiền, số người trong đoàn thể thao mà Việt Nam cử đến Campuchia tham dự SEA Games sẽ phải giảm từ mức 1.018 thành viên xuống còn chừng 900 và điều đó đã làm nhiều vận động viên, huấn luyện viên “hoang mang” và “sốc” (2).
Giữa lúc nhiều vận động viên, huấn luyện viên đang “hoang mang” và “sốc” bởi sau một thời gian dài chuyên cần tập luyện, phút chót lại không biết có được Liên đoàn Thể thao Quốc gia hay chính quyền địa phương cho tiền để tham gia thi đấu hay không thì ngày 18/4/2023, Campuchia – quốc gia đăng cai SEA Games 23 – công bố quyết định “bao toàn bộ chi phí ăn, ở cho tất cả các đoàn thể thao tham dự SEA Games lần này” (3).
Nếu chỉ xét ở khía cạnh “cho tiền” (khoan bàn có nên hay không) để tham dự các cuộc thi đấu thể thao, rõ ràng sự “quan tâm” của “đảng, nhà nước” phía Việt Nam thua xa, không bằng... một góc của Campuchia (“bao” 12.400 người với mức chi 50 USD/người/ngày). Trong bối cảnh như vậy mà còn tổ chức rầm rộ... “Lễ Xuất quân” nhằm đề cao sự... “quan tâm” thì dường như hơi thiếu... khôn ngoan!
Một điểm đáng lưu ý khác là hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam mới... “khóc” đâu chừng nửa tháng về chuyện “đảng, nhà nước” Việt Nam không chịu, hay đã ráng mà vẫn không đủ tiền để đưa toàn bộ Đoàn Thể thao Việt Nam đến Campuchia tham dự SEA Games 32 như đã dự tính thì ngay sau khi có tin, “Campuchia sẽ... ‘bao’ hết chi phí ăn, ở cho tất cả các đoàn thể thao của 11 quốc gia trong khối ASEAN” (riêng với Việt Nam, Campuchia sẽ bỏ ra khoản tiền tương đương 12 tỉ đồng), một số cơ quan truyền thông chính thức như tờ Tuổi Trẻ đã chọn đăng ngay lập tức những “ý kiến độc giả” kiểu như... Campuchia miễn phí ăn ở tại SEA Games: Hy vọng ‘bao’ cho ra... ‘bao’.
Bởi thời nào, ở đâu, thiên hạ cũng ghét kiểu nói năng, hành xử mà giới bình dân tại Việt Nam thường nôm na là “chảnh” nên kiểu nói năng, hành xử như vậy lập tức bị công chúng rủa không tiếc lời. Chịu không thấu, hôm sau, Tuổi Trẻ tự nguyện sửa Campuchia miễn phí ăn ở tại SEA Games: Hy vọng ‘bao’ cho ra... ‘bao’ thành... “Campuchia miễn phí ăn ở tại SEA Games: Hay và hy vọng” (4).
Có một điểm khác cũng đáng lưu ý là dẫu số lượng thành viên của Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 23 liên tục thay đổi: Từ 1.018 (theo dự tính ban đầu), giảm xuống còn khoảng 900 (vì “đảng, nhà nước” không muốn hoặc không có đủ tiền), rồi tăng lên thành 1.003 (sau khi Campuchia tuyên bố sẽ... “bao”)... nhưng chỉ có số lượng vận động viên, huấn luyện viên, chuyên gia, nhân viên y tế (bác sĩ, điều dưỡng), kỹ thuật viên, tăng hay giảm theo những thay đổi đó. Riêng số lượng “cán bộ” của “Đoàn Thể thao Việt Nam” không thay đổi. Trong “Danh sách thành viên Đoàn Thể thao Việt Nam” mà ông Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Văn hóa Thể thao Du lịch – phê duyệt, có hơn 30 cá nhân mang chức danh... “cán bộ” (5).
Hi vọng nhờ quan hệ gần gũi với Việt Nam, khi tiếp nhận danh sách này, Campuchia sẽ không thắc mắc vì phải chi tiền... “bao” các... “cán bộ”. Không phải tự nhiên mà trên mạng xã hội, một số người “nửa đùa, nửa thật” về quyết định “bao” hết của Campuchia sẽ làm không ít cá nhân ở Việt Nam... “khó chịu” bởi mất cơ hội... “chia chác” nhân dịp... SEA Games 32. Đùa cợt như thế có thể do thiếu... “năng lượng tích cực” nhưng nếu tư duy theo kiểu Tổng Bí thư ắt phải tự hỏi: Ăn, ở thế nào mà dân lại nghĩ như thế?..
Chú thích
(1) https://dangcongsan.vn/the-thao/doan-the-thao-viet-nam-xuat-quan-du-sea-games-32-636025.html
(2) https://tuoitre.vn/viet-nam-phai-giam-quan-so-du-sea-games-32-vi-thieu-tien-20230403090907068.htm
(4) https://tuoitre.vn/campuchia-mien-phi-an-o-tai-sea-games-hay-va-hy-vong-2023041914035177.htm
Thọ Nguyễn - Cái ổ bi
Người ta bảo: Cuộc đời như cái máy, cần phải bôi trơn thì mọi việc mới chạy. Trong thực tế thì cái máy cơ khí nào muốn chạy cũng phải cần ổ bi (còn gọi là vòng bi, tiếng Anh = ball-bearing, tiếng Đức = Kugellager, ông Tây gọi là roulement à billes). Một cái xe máy Honda cần đến cả chục ổ bi các loai.
Hồi những năm 1980-1990, người Việt đi Đông Âu buôn ổ bi về là trúng nhất. Không chỉ hàng triệu chiếc xe máy, xe ô-tô, xe công nông, máy bơm nước v.v… của tư nhân cần nó, mà cả các xí nghiệp quốc doanh cũng phải mua ổ bi qua đường tiểu ngạch này. Nhiều người xây nhà mua đất nhờ buôn ổ bi. Ổ bi lúc đó được đóng thùng gửi về từ Đức, Tiệp, Hung, Ba-lan và nhiều nhất là từ Liên Xô.
Nhiều người không biết rằng ổ bi Liên Xô đa số sản xuất ở Ukraine. Người ta cứ tưởng máy móc và vũ khí viện trợ của Liên Xô là đồ Nga? Ukraine có ngành luyện thép phát triển nên làm rất nhiều đồ cơ khí ‘’Cделано в CCCP“ (made in USSR).
Theo trung tâm CSIS (Center for Strategic and International Studies) thì năm 2020 Nga phải nhập 55% ổ bi từ nước ngoài. Lượng ổ bi cao cấp nhập từ Đức, chủ yếu là của hãng Schäffler, một nhà cung cấp của BMW, Audi, Mercedes chiếm 17%. 38% còn lại được nhập từ Bắc Mỹ và châu Âu, trong đó có cả Ukraine. Nay mất nguồn cung cấp này, dự trữ ổ bi của Nga đang cạn dần vì sản xuất nội địa chỉ đáp ứng 45% thị trường.
Trong khi đó nhu cầu chế tạo xe cơ giới, xe tăng, tầu thủy, đại bác v.v… đang tăng lên. Chỉ riêng việc thay thế 2.000 xe tăng bị phá hủy ở mặt trận đã là một vấn đề. Mặt khác, mọi vận chuyển khí tài ra chiến trường đều chạy trên đường sắt. Nạn khan hiếm ổ bi đang gây ra bế tắc: Làm xe tăng thì thôi bảo dưỡng đường sắt và ngược lại.[1]
Thế là Nga phải xoay sở nhập ổ bi từ Trung Quốc và Malaysia. Nhưng chất lượng của các ổ bi này chỉ đạt trình độ cho xe máy dân dụng hoặc cho các loại xe hơi kiểu như Dongfeng, BYD, Geely. (Không biết Vinfast có xài ổ bi “made in China” không?).
Người ta hay thấy video xe tăng Nga trúng đạn và sau vài giây tháp pháo nổ tung, bay lên cao vài chục mét. Đó là do kho đạn để bên dưới tháp phảo nổ, hất tung tháp pháo lên. Khi đó chất lượng thép gì cũng bung. Nhưng dân ghét Tàu hay nói đểu “Vì dùng bi made in China!”
Làm ra ổ bi thì dễ, nhưng đạt chất lượng cao rất khó. Điều khó nhất để có độ bền là tạo ra thép cứng, độ tinh khiết cao và có pha tỉ lệ hợp lý Mangan, Chrom, Molypden. Đây là bí quyết của các nhà sản xuất. Ngoài ra các yếu tố khác về độ chính xác, về cách thiết kế vành trong, vành ngoài, về cách làm vỏ che chắn tạp chất rơi vào vòng bi hoặc các loại mỡ cũng tạo nên sự khác biệt về chất lượng. Vòng bi Đức có truyền thống cả trăm năm qua nên ô-tô và máy công cụ của Đức luôn đứng đầu thế giới. Và 17% số bi Nga nhập từ Đức về cho quân sự và kỹ nghệ cao giờ kiếm đâu ra.
Tất nhiên cấm vận đang khiến Nga thiếu đủ thứ, từ chip điện tử, vật liệu cao cấp làm vỏ máy bay đến cả cái Airbag cho xe hơi v.v và v.v… Nhưng nếu Nga thất bại vì thiếu vòng bi cho xe tăng thì quả là đã tự cưa cái cành mình ngồi trên đó.
Bác nào đang cố làm ốc vít mà làm ra không tiêu thụ được, giờ chuyển hướng làm ổ bi biết đâu giàu nhanh. Thằng đói thì made ở đâu mà chả xài.
THỌ NGUYỄN 21.04.2023
https://thuymyrfi.blogspot.com/2023/04
Viện Lowy: Ảnh hưởng của Trung Quốc ở Đông Nam Á gia tăng, trong khi Mỹ thụt lùi
Lê Vy
Việt Luận Úc Châu
Trung Quốc đã mở rộng ảnh hưởng của mình ở Đông Nam Á so với Hoa Kỳ trong 5 năm qua, theo đánh giá của tổ chức tư vấn Úc – Viện Lowy.
Đánh giá của Viện Lowy về tầm ảnh hưởng của Trung Quốc và Mỹ ở Đông Nam Á
Trong báo cáo “Sức mạnh châu Á: Trung Quốc và Hoa Kỳ ở Đông Nam Á” của Viện Lowy, Hoa Kỳ tiếp tục đánh mất ảnh hưởng vào tay Trung Quốc qua bốn thước đo quyền lực – quan hệ kinh tế, mạng lưới quốc phòng, ảnh hưởng ngoại giao và ảnh hưởng văn hóa – kể từ năm 2018, SCMP đưa tin.
Năm 2018, Trung Quốc dẫn trước Mỹ với tỷ số 52-48 về ảnh hưởng trong khu vực. Vào năm 2022, tỷ lệ này tăng lên 54-46.
Báo cáo cho biết, nhìn chung, sức mạnh của Trung Quốc với tư cách là một cường quốc ở Đông Nam Á nằm ở các mối quan hệ ngoại giao và kinh tế; trong khi Mỹ tốt hơn ở các mạng lưới quốc phòng và ảnh hưởng văn hóa.
Sức mạnh kinh tế của Trung Quốc đã đi trước rất xa, theo báo cáo, với việc các mối quan hệ kinh tế của Hoa Kỳ yếu hơn so với Trung Quốc ở mọi quốc gia Đông Nam Á.
Theo báo cáo, kể từ năm 2018, tầm ảnh hưởng của Hoa Kỳ thụt lùi nhất ở Malaysia, giảm 7 điểm, tiếp theo là Brunei và Indonesia, mỗi nước 5 điểm.
Ảnh hưởng của Bắc Kinh được đánh giá mạnh nhất ở Campuchia, Lào và Myanmar; trong khi Washington có nhiều ảnh hưởng hơn ở Philippines và Singapore, mặc dù tỷ lệ dẫn đầu của họ không đáng kể đối với hai quốc gia này, với tỷ lệ lần lượt là 52-48 và 51-49.
Để so sánh, ảnh hưởng của Bắc Kinh ở Lào là 71-29 so với Washington.
“Ảnh hưởng của Bắc Kinh mạnh nhất ở Lào, Campuchia và Myanmar, nơi mà sự gần gũi về địa lý và sự tham gia tương đối yếu của Hoa Kỳ đã giúp Trung Quốc vượt xa ảnh hưởng của Washington với biên độ lớn,” báo cáo cho biết, nói thêm rằng ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc ở ba quốc gia này đã xác định ảnh hưởng tổng thể của Bắc Kinh đối với khu vực.
Viện Lowy cho biết, các mối quan hệ thương mại giữa Lào, Campuchia và Bắc Kinh, cũng như các dự án Sáng kiến Vành đai và Con đường ở những quốc gia này đã làm tăng ảnh hưởng của Trung Quốc, mặc dù các dự án cơ sở hạ tầng có tiến độ chậm đã làm giảm bớt phần nào ảnh hưởng đó.
Trung Quốc đã giành được sức hút ở Malaysia nhờ các mối quan hệ ngoại giao và quốc phòng sâu sắc hơn. Điều tương tự cũng xảy ra với Indonesia.
Trong 5 năm, đã có nhiều cuộc đối thoại quốc phòng hơn giữa Trung Quốc và Malaysia, cũng như các giao dịch mua vũ khí, bao gồm cả việc Kuala Lumpur mua các tàu sứ mệnh ven biển của Trung Quốc.
Báo cáo cho biết, mặc dù Mỹ có mối quan hệ thân thiết với Philippines, nhưng ảnh hưởng của họ đã giảm xuống ở đó kể từ năm 2018, chủ yếu do các giao dịch kinh tế yếu hơn như thương mại và đầu tư.
Đầu năm nay, Philippines cho phép Mỹ mở rộng hiện diện quân sự bằng cách cho quân đội Mỹ tiếp cận 4 căn cứ quân sự mới trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Trung Quốc ở Biển Đông.
Nhưng trong thương mại, mối quan hệ của Hoa Kỳ với Philippines đã suy yếu, chẳng hạn, Hoa Kỳ đã trở nên ít quan trọng hơn với tư cách là một điểm đến cho hàng xuất khẩu của Philippines.
Báo cáo cho biết: “Và Trung Quốc hiện đầu tư nhiều hơn nhiều so với Hoa Kỳ ở Philippines – một tình huống ngược lại với năm 2018 khi Hoa Kỳ là nhà đầu tư lớn hơn nhiều so với Trung Quốc”. “Nếu các mối quan hệ kinh tế của Hoa Kỳ tiếp tục suy giảm với tốc độ tương tự trong 5 năm tới, ảnh hưởng tổng thể của Bắc Kinh sẽ vượt qua Washington.”
Báo cáo cho biết, dù vậy Hoa Kỳ đã cố gắng dẫn đầu trong cuộc đua quyền lực ở lĩnh vực quốc phòng và văn hóa.
Báo cáo cho biết ảnh hưởng văn hóa của Washington nằm ở phạm vi tiếp cận của các phương tiện truyền thông, chẳng hạn như các hãng thông tấn, báo chí và đài truyền hình của Mỹ vẫn duy trì sự hiện diện mạnh mẽ trong khu vực.
Báo cáo cho biết thêm, ảnh hưởng truyền thông của Trung Quốc vẫn thấp hơn nhiều so với Mỹ, nhưng nước này có sự giao lưu giữa người với người nhiều hơn với Đông Nam Á thông qua các kết nối du lịch và cộng đồng hải ngoại.
Lê Vy (theo SCMP)
https://vietluan.com.au/101141
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét