Chủ Nhật, 23 tháng 4, 2023

Đỗ Kim Thêm - Lyndon B. Johnson và tình trạng leo thang chiến tranh Việt Nam 1964 đến 1967 Phần 2

Hết

23-4-2023

Trong khi các lực lượng bộ binh Mỹ chưa ghi nhận thành tích chiến thắng nào, thì  Mặt trận GPMN liên tục chiếm được nhiều vùng tại nông thôn và chính phủ VNCH cho biết là chỉ còn khả năng kiểm soát tại Sài Gòn và nhiều thành phố lớn khác.

Gây lo âu cho Johnson trong giai đoạn này không phải chỉ có tiền tuyến Việt mà còn hậu phương Mỹ. Mike Mansfield và Goerg McGovern, hai tiếng nói quan trọng thuộc đảng Dân chủ, đòi hỏi phải tìm một giải pháp đàm phán.

Ngay cả Tổng thư Ký Liên Hiệp Quốc U Thant và Thủ tướng Canada Lester Pearson cũng lên tiếng Mỹ phải giải thích mục tiêu theo đuổi chiến tranh, kết thúc không chiến và kêu gọi đàm phán.


Giới truyền thông Washington trước đây nhiệt tình ủng hộ cho Johnson, nay cũng chuyển hướng khi số lượng thương vong của binh sĩ Mỹ lên cao. New York Times, Boston Globe và Newsweeks đồng loạt nêu việc xem lại ý nghĩa tham chiến, nhưng không đòi hỏi triệt để là Mỹ phải rút quân.

Các phong trào phản chiến lần lượt ra đời cùng với lập luận là việc tham chiến không phản ảnh được ý nghĩa giá trị chiến lược hay dân chủ cho nước Mỹ.

Để đáp ứng tình thế  ngày càng sôi bỏng, trong một bài diễn văn đọc tại Đại học Johns Hopkins, Baltimore ngày 7 tháng 4, Johnson thông báo sẳn sàng thương thuyết với Hà Nội và đề ra một phương thức viện trợ kinh tế theo mô hình Great Society với ngân khoản 1 tỷ đô la cho các nước Đông Nam Á. Đến tháng 5, để bày tỏ thiện chí, Johnson ra lệnh ngưng oanh kích trong năm ngày để yêu cầu CSBV đàm phán.

Dù lòng thành tín muốn kết thúc chiến cuộc không thể nghi ngờ, nhưng thực ra, Johnson không có một chiến lược cụ thể cho tiến trình hay một tương nhượng cho đối phương. Giống như các bậc tiền nhiệm, Johnson chỉ đề cao việc tôn trọng quyền toàn vẹn lãnh thổ của VNCH và không chấp nhận sự hiện diện của MTGPMN tại miền Nam.

Ngược lại với mọi dự đoán của Johnson, tháng 5 năm 1965, để đáp trả, CSBV kiên quyết không chấp nhận hoà đàm, mà lý do chính là đang nhận được nhiều viện trợ quân sự của Liên Xô và Trung Quốc, vì tin là chiến thắng quân sự đã gần kề, nên cũng bác bỏ áp lực đàm phán của Liên Xô.

Để gây tiếng vang với công luận, Hà Nội cũng đề nghị bốn điểm đối nghịch: Mỹ rút quân khỏi miền Nam không điều kiện, chấm dứt oanh tạc miền Bắc, thành lập một chính phủ liên hiệp tại miền Nam với các thành phần yêu chuộng hoà bình và thống nhất đất nước.

Thái độ hiếu hoà của Johnson làm cho giới phản chiến dịu giọng, và đầu tháng 5, Quốc hội thuận chi 700 triệu đô la để yểm trợ cho các cuộc hành quân tại miền Nam.

Hầu hết chính giới tại Washington như Wheeler, McNamara, Rostow, Rush, Westmoreland và các tướng lãnh tại Ngũ Giác Đài cùng đi đến một nhận định chung là, đã đến lúc tình thế không thể đảo ngược; Mỹ phải quyết định táo bạo bằng cách mở rộng không kích, tăng cường quân số bộ binh và bổ sung nhiều chiến lược khác, cho dù phải chấp nhận nhiều hậu quả nghiêm trọng hơn.

Chỉ có Taylor đành im lặng và tìm cách thích ứng trong khi Ball tiếp tục cảnh cáo thiệt hại của Mỹ càng trở nên khó lường đoán.

Tháng 6 năm 1965, việc leo thang thực sự bắt đầu khi Johnson ra lệnh gởi thêm 50.000 quân. Cuối năm 1965, quân số Mỹ lên đến 184.000; cuối năm 1967 là 485.000.

Việc tăng quân liên tục làm cho công luận và Quốc hội phản ứng mạnh. Vô số các khuyến nghị của chính giới và truyền thông hay công luận đều bị Johnson bác bỏ. Điển hình là Henry Cabot Lodge (1902-1985) đã lên tiếng: “Tại sao gởi một số lượng lớn quân đến Việt Nam mà không một lời giải thích?”

Trong năm 1967, cục diện chiến trường thay đổi khi tương quan lực lượng của hai phía không còn cân xứng, nghiêng hẳn về phía Mỹ và VNCH.

Ngoài hơn nửa triệu quân Mỹ đang hiện diện, QLVNCH có trên 660.000 quân, miền Nam còn có 50.000 binh sĩ Nam Hàn và một số lượng của các quốc gia thân hữu khác là Philippines (2061), Úc (50.000) và Tân Tây Lan (356) hợp tác.

Có mặt trên chiến trường miền Nam ước khoảng trên 200.000 binh sĩ miền Bắc và 80.000 quân MTGPMN. Nhưng dị biệt về binh pháp là vấn đề chính.

CSBV chủ yếu vẫn dựa vào du kích chiến của Mao Trạch Đông và lấy nông dân tại nông thôn làm cơ sở. Thực ra, CSBV cũng không thể thay đổi chiến lược này trong toàn diện, trong khi các tỉnh đồng bằng miền Tây Nam bộ có nhiều thuận lợi về địa hình và nhân sự; ngược lại, các tỉnh miền Đông và ven biển miền Trung là không thích hợp.

Dù thất thế về quân số và hoả lực, nhưng tinh thần chiến đấu của cán binh Cộng sản lên cao độ với nhiều lý do.

Nhìn chung, bất chấp số lượng thương vong rất lớn là sức mạnh tinh thần. CSBV tin là nhiều người Việt sẽ chiến đấu kiên cường hơn người Mỹ và sẳn sàng chết nhiều hơn người Mỹ.

Hai “trận chiến long trời lở đất” Điện Biên Phủ và Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975 là bằng chứng không ai quan tâm các con số tổn thất.

Tướng Westmoreland từng nhận định, thành công trong trận Điện Biên Phủ không phải là một bài học chiến lược quý giá để cho các tướng lãnh các nước phương Tây noi theo, kể cả ông cũng cho việc sát quân là không phù hợp. Cho đến nay, chưa có nơi nào trên thế giới áp dụng  kinh nghiệm này.

Trong lịch sử chiến tranh thế giới, chưa có tổn thất của phe thắng trận nào mà nặng nề và thảm khốc hơn phe thua trận như tại Việt Nam (1 triệu 1 cho CSBV so với 330 ngàn của VNCH).

Không nêu cao vai trò đấu tranh giai cấp để bảo vệ quyền lợi công nhân như các xã hội công nghiệp phương Tây; ngược lại, Bắc Việt tuyên truyền rằng Mỹ xâm lược tàn bạo, làm cho nhân dân miền Nam nghèo đói tận cùng và đang rên xiết, và trông chờ Giải phóng quân miền Bắc đến giải cứu. Lập luận này trở thành dụng cụ tuyên truyền hữu hiệu; tấm gương hào hùng chống thực dân Pháp  là một chứng minh lịch sử, đấu tranh giải phóng dân tộc bắt đầu có lý do để biện minh, nhất là khi không quân Mỹ ném bom gây ra hình ảnh bi thương cho đất nước.

Hơn thế, lập luận chống Mỹ xâm lăng có thể thuyết phục được cả các thành phần trước đây thuộc loại lưng chừng: nông dân và một phần thị dân như sinh viên và trí thức, nhất là tự do đấu tranh ngoại vận của thành phần “ăn cơm Quốc gia thờ ma Cộng sản”, lên tiếng hỗ trợ gây được nhiều tiếng vang nhờ có các phong trào phản chiến tại phương Tây tiếp sức.

Các tài liệu về sau hé lộ rằng, có khoảng 310.000 quân Trung Quốc lo bảo vệ miền Bắc, nhưng không có một cuộc thảo luận công khai hay hình thức chống đối nào trong chính giới hay dân chúng về sự hiện diện này, vì CSBV kiểm soát tuyệt đối lĩnh vực truyền thông ngoại vận và quốc nội, đó một lợi thế của miền Bắc; trong khi miền Nam không có và còn thất bại nặng nề trong đấu tranh phát huy chính nghĩa quốc gia, từ nông thôn cho đến hải ngoại, khi so với  hơn 485.000 lính Mỹ đồn trú tại miền Nam.

Đối sách của Mỹ là một thất bại thảm hại mà việc sử dụng vũ khí hoá học là điển hình. Phá huỷ các căn cứ quân sự của MTGPMN bằng bom Napalm và hoá học cũng có nghĩa là hủy diệt môi trường sống cho nông dân.

Nhiều khu vực rộng lớn được Mỹ quy định thành khu oanh kích tự do (free fire zones)  trong khi một số khu rừng rậm tại một số tỉnh được chính quyền xem là Indian country, nghĩa là trong các cuộc hành quân truy tìm và tận diệt (search and destroy) các binh sĩ Mỹ và VNCH có quyền bắn tự do những gì còn lay động.

Các binh pháp của Mỹ đã thành công trong Đệ nhị Thế chiến và tại Triều Tiên được Tướng Westmoreland đem ra áp dụng đều không kết quả như mong đợi mà sự khác biệt ở đây là phân công  Mỹ-Việt:

Sau khi binh sĩ Mỹ truy lùng, diệt dịch và tái chiếm, QLVNCH đảm trách công việc bình định nông thôn. Đại sứ Taylor đã cảnh báo là các binh sĩ VNCH không có khả năng đấu tranh chính trị để gây thiện cảm với nông dân trong lâu dài. Đó là nhiệm vụ mà về sau lực lượng Cán bộ Xây dựng Nông thôn thành hình và đảm trách.

Cuộc chiến không còn để thu phục nhân tâm, mà thành tích chiến thắng chỉ dựa trên việc đếm xác đối phương, một thất bại về tâm lý chiến, nhưng Mỹ và VNCH cần đến các thống kê để phô trương trước truyền thông và công luận hơn bao giờ hết.

Hậu quả

Việc Mỹ hoá chiến tranh gây nhiều bất mãn cho chính giới. Cuối năm 1965,  McNamara cho là chiến thắng quân sự khó khả thi và phải tìm cách đàm phán. Năm 1967, ông kiên quyết phải chấm dứt không kích để tránh các nguy cơ lan rộng. Mâu thuẩn với Johnson và Westmoreland không thể hoà giải; cuối cùng, đến tháng 12 năm 1967, ông chấp nhận chức vụ mới là lãnh đạo Ngân hàng Thế giới và Clark M. Clifford thay ông làm Bộ trưởng Quốc phòng. Cũng trong tâm trạng này, George Ball và McGeorg Bundy rời khỏi nội các Johnson.

Ngoài khó khăn về nhân sự, Johnson cũng cố tìm cách để thương thuyết với Hà Nội, không phải chỉ trong các cuộc vận động chính thức, mà còn qua các sáng kiến tư nhân của các nhà ngoại giao tên tuổi từ các nước Anh, Pháp, Ý, Ba Lan và Liên Xô. Tất cả đều không đem lại kết quả vì bị Hà Nội cự tuyệt.

Nhìn chung, các chiến thuật đàm phán trong ngắn hạn của Hà Nội cũng như Mỹ không khác nhau.

Hà Nội, dù là ngỏ ý đàm phán, nhưng không có thái độ nghiêm chỉnh, mục tiêu là kéo dài cho đến khi nào Hoa Kỳ kiệt sức hoặc do các phản đối của dân chúng Mỹ đến độ phải quay lưng từ bỏ VNCH.

Ngoài ra, Hà Nội cũng muốn lo giữ thể diện là chính. Kinh nghiệm lịch sử đàm phán lại có một lý do khác: hai lần thất bại thương thuyết, một trong năm 1946, lúc cuối Đệ nhất Thế chiến, và một trong năm 1954, lúc cuối chiến tranh Đông Dương. Đó là lý do tại sao Hà Nội không muốn thất bại lần thứ ba.

Lý do chọn giải pháp quân sự ưu tiên vì  viện trợ còn dồi dào và vẫn chờ tin vui chiến trường.

Còn Mỹ? Thái độ của Mỹ cũng không chân thành hơn. Trong cả hai trận tuyến đàm phán và chiến trường, tình hình chung là bế tắc.

Đến cuối tháng 9 năm 1967, Johnson quyết định chuyển hướng sang phương thức mới mang tên “San Antonio”, nghĩa là, Mỹ đề nghị ngưng ném bom và chấp nhận vai trò của MTGPMN trong việc tái thiết hậu chiến, nếu Hà Nội nghiêm chỉnh thương thuyết.

Thực ra, Mỹ ước tính rằng sẽ đánh bại MTGPMN cả về chính trị lẫn quân sự. Dù tôn trọng VNCH là một chính phủ độc lập về hình thức; Mỹ tìm cách để cho VNCH càng lệ thuộc nhiều hơn về mọi mặt.

Còn hai trận tuyến tại hậu phương Mỹ mà Johnson phải lo đối phó là Quốc Hội, truyền thông và công luận phản chiến.

Trước Quốc hội, Johnson phải tìm ngân sách bổ sung để tài trợ cho cuộc chiến được kéo dài. Trong năm 1967, kinh phí quốc phòng đã lên đến đỉnh là 20,3 tỷ đô la, tương đương với công chi cho chương trình Great Society.

Tình trạng khiếm hụt ngân sách khoảng 28 tỷ đô la bắt buộc Johnson phải lo tăng thuế và kiểm soát công chi nghiêm nhặt hơn. Johnson phải lo đương đầu là cán cân thanh toán bất quân bình, đồng đô la mất giá và lãi xuất tăng nhanh.

Cuối cùng, Johnson đạt được giải pháp thoả hiệp với Quốc hội, đồng ý tăng thuế và giảm chi cho chương trình Great Society khoảng 6 tỷ đô la.

Kết luận

Sau khi nhậm chức, Johnson tự hào là “bảo đảm vị trí của mình trong lịch sử Hoa Kỳ với tư cách là người thừa kế hàng đầu của Roosevelt“.

Trong chính sách đối nội, với Luật về Dân Quyền năm 1964 và Đạo luật Quyền Bầu cử năm 1965, Johnson cải thiện được những sai lầm trong di sản của Roosevelt.

Ngược lại, các biện pháp để tạo ra một nhà nước lo phúc lợi cho dân chúng trong hoàn cảnh tham chiến tại Việt Nam là nghịch lý. Johnson cũng gặp thất bại qua biện pháp Medicare. Kết quả là cơ sở vững chắc của đảng Dân chủ tại miền Nam chạy theo đảng Cộng hòa.

Trong chính sách đối ngoại, Johnson quyết tâm tiếp nối truyền thống của Roosevelt khi cho cả hai tình hình thế giới trước đây và Việt Nam hiện nay là tương đồng. Khi Roosevelt lo đối đầu với Hitler thì phản ứng của Johnson trong việc CSBV xâm lăng miền Nam là khác hẳn. Thực ra, nhận định chung của Johnson là sai lầm: Việt Nam khác với Đức và đã kết thúc trong bi kịch khác.

Đến cuối năm 1967, chiến tranh Việt Nam còn kéo dài triền miên trong khi các giải pháp hoàn toàn lâm vào cảnh bế tắc. Chuyển biến quan trọng nhất là mặt trận truyền thông và công luận phản chiến đã không còn ủng hộ cho Mỹ tiếp tục tham chiến và việc kêu gọi rút quân trở nên khẩn thiết hơn.

Do hoạt động của các phong trào phản chiến lên cao điểm, năm 1968 trở thành một năm kinh hoàng cho Johnson khi mọi sinh hoạt công quyền bị tê liệt và khi CSBV đồng loạt tiến hành cuộc chiến Tết Mậu Thân toàn dân miền Nam phải sống trong đau thương.

Cả hai tác động chiến lược này đã đưa đến việc Mỹ ký kết Hiệp định Paris 1973 và sự sụp đổ của VNCH vào năm 1975.

Johnson ra đi vào ngày 22 tháng 1 năm 1973 nên không chứng kiến hồi kết cuộc của bi kịch Việt Nam.

______

Các diễn tiến từ năm 1968 xin xem tiếp các bài: Công luận và truyền thông phản chiến Mỹ làm miền Nam sụp đổ? Chiến cuộc Tết Mậu ThânRichard Nixon, Henry Kissinger và Sự Sụp Đổ Của Miền Nam

https://baotiengdan.com/2023/04/23


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét