Ls. Đào Tăng Dực
23-4-2023
Tháng 3 vừa qua, liên hệ đến cuộc xâm lăng của Nga Sô tại Ukraine, thế giới kinh ngạc trước sự kiện Tòa Hình Sự Quốc Tế tại The Hague khởi tố Tổng thống Liên bang Nga là Vladimir Putin như một tội phạm chiến tranh ở Ukraine.
Nhận thấy đây là một diễn biến quan trọng cho cuộc chiến tại Ukraine và chính trị thế giới tôi xin trình bày một số sự kiện khách quan và những nguyên tắc công pháp quốc tế nền tảng liên hệ, hầu nới rộng sự hiểu biết của chúng ta về Tòa Hình Sự Quốc Tế này.
I. Những nét chính về Tòa Hình Sự Quốc Tế như là một định chế pháp lý quốc tế quan trọng của thế giới trong thế kỷ 20 và 21 và tội danh của Tổng thống Putin là gì?
Tòa Hình Sự Quốc Tế (International Criminal Court) là một định chế được thành lập trên nền tảng pháp lý của một hiệp ước quốc tế gọi là Hiệp Ước La Mã về Tòa Hình Sự Quốc Tế (The Rome Statute of the International Criminal Court). Hiệp ước này được thành lập tại La Mã, Ý Đại Lợi ngày 17 tháng 7 năm 1998 và Tòa Hình Sự hoạt động từ 1 tháng 7 năm 2002. Tính đến tháng 11 năm 2019 thì có tất cả 123 quốc gia làm thành viên của hiệp ước này.
Vào ngày 17 tháng 3 vừa qua các thẩm phán của Tòa đã chấp nhận đề xuất của Công Tố Viên Karim Khan ban hành lệnh truy nã và bắt giữ Vladimir Putin, TT LB Nga về tội phạm chiến tranh (war crime) liên hệ đến sự trục xuất trái phép các trẻ em và chuyển các trẻ em từ những lãnh thổ của Ukraine đến lãnh thổ Nga, vi phạm các điều khoản 8(2) của Hiệp Ước La Mã. Cùng với TT Putin thì bà Maria Lyova- Belova, Ủy Viên về quyền trẻ em trong văn phòng tổng thống LB Nga cũng bị truy tố tương tự.
Số trẻ em liên hệ chưa xác định bao nhiêu. Theo một phúc trình của cơ quan Yale Humanitarian Research Lab thì ít nhất 6.000 trẻ em bị đưa vào các trại cải tạo trong năm 2022. Theo công tố viên Karim Khan thì trong đó ít nhất có hằng trăm trẻ em bị bắt đi từ các viện mồ côi hoặc nhà chăm sóc trẻ. Theo ước lượng của chính quyền Ukraine thì khoảng 19.500 trẻ em bị bắt và cưỡng bách đưa sang lãnh thổ LB Nga.
Một các đơn giản là bắt cóc tập thể các trẻ em Ukraine, đem về Nga Sô là một tội phạm chiến tranh trong trường hợp này.
Dĩ nhiên xác xuất cá nhân Putin và quân đội Nga vi phạm những tội ác khác rất cao, nhưng còn trong vòng điều tra nên chưa đến mức độ truy tố. Tuy nhiên điều này vẫn có thể xảy ra trong tương lai.
II. Thẩm quyền của Tòa Hình Sự Quốc Tế.
Tòa này có quyền truy tố những tội nào và thẩm quyền của tòa bao trùm cả thế giới hay trong phạm vi giới hạn hơn?
1. Thẩm quyền của Tòa HSQT bao gồm các tội trạng sau đây:
• Tội phạm chiến tranh (War crimes).
• Tội ác chống nhân loại (Crimes against humanity).
• Tội chống lại thi hành công lý (Offences against the administration of justice (article 70))
• Tội diệt chủng (Genocide).
2. Đối tượng truy tố và xét xử của Tòa:
– Tòa chỉ truy tố và xét xử những cá nhân (individuals), không phải là những nhóm người (groups) hay những quốc gia (states)
3. Đến nay, khoảng 123 trong tổng thể 195 quốc gia trên thế giới tham gia ký kết vào Hiệp Ước La Mã. Điều này có nghĩa là tuy Tòa có thể truy tố và xử các bị cáo từ khắp nơi trên thế giới trên nguyên tắc, theo các điều từ 12 đến 14 của Hiệp Ước La Mã vì Tòa có thể hành xử thẩm quyền của mình trong trường hợp:
a. Một quốc gia thành viên chuyển hồ sơ (refer) đến cho Công Tố Viên của Tòa để truy tố.
b. Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc chuyển hồ sơ (refer) đến Tòa để truy tố
c. Một vấn đề mà chính Công Tố Viên tự khởi điều tra (Proprio motu) để truy tố.
Tuy nhiên trên thực tế có một số giới hạn về phương diện thi hành công lý.
4. Thật vậy, thẩm quyền thực tế giới hạn trong những quốc gia ký kết. Lý do là vì chỉ có những quốc gia này mới có trách nhiệm thi hành lệnh truy nã và bắt giữ các bị cáo và trao cho Tòa phán xét. Những quốc gia không tham gia ký kết có thể không chấp nhận thẩm quyền của Tòa và không bắt giữ hay trao người để xét xử bao lâu mà cá nhân đó cư ngụ trong quốc gia mình.
5. Tòa HSQT là một định chế tương đối cấp tiến vì đó là một công cụ pháp lý quốc tế đầu tiên xác nhận rằng những hình thức bạo lực tình dục (sexual violence) như hiếp dâm (rape), nô lệ tình dục (sexual slavery), cưỡng bức bán dâm (enforced prostitution) và cưỡng bức triệt sản (enforced sterilization) là những tội ác chiến tranh. Những tội danh này đang được điều tra và có thể áp dụng cho quân đội LB Nga trực tiếp và Putin gián tiếp tại Ukraine trong tương lai
III. Tại sao TT Putin là một nguyên thủ quốc gia mà Tòa vẫn bị tòa truy tố bình thường?
Lý do là vì Tòa HSQT chỉ truy tố các cá nhân phạm các tội nêu trên, bất kể chức vụ cao hay thấp. Điều này đã có tiền lệ trong quá khứ. Hai nguyên thủ quốc gia trước đó đã bị tòa truy tố.. Đó là các nhà độc tài Muammar Gaddafi của Libya và Omar al-Bashir của Sudan. Gaddafi thì bị lật đổ và giết chết sau khi bị truy tố còn Bashir thì bị lật đổ và đang ngồi tù tại Sudan. Tòa HSQT đang chờ chính quyền Sudan chuyển giao Bashir đến The Hague hầu xét xử.
Dĩ nhiên chính quyền LB Nga hoàn toàn phủ quyết thẩm quyền của Tòa. Nhưng nếu Putin đến bất cứ một quốc gia nào là thành viên của Hiệp Ước thì khả năng bị bắt, giam giữ và trao cho Tòa tại The Hague rất cao. Điều này làm giảm uy tín của Putin như là một nguyên thủ quốc gia rất trầm trọng.
IV. Tính hiệu năng thực tế của Tòa Hình Sự Quốc Tế
Ngay cả khi Tòa xử và kết tội TT Putin, thì làm sao có thể thi hành án này trong khi TT Putin là đương kim nguyên thủ LB Nga và LB Nga là một cường quốc quân sự có vũ khí hạt nhân?
– Trong quá khứ đã hơn 50 bị cáo bị cáo buộc trước Tòa HSQT này, tuy nhiên tòa không thể đăng đàn xét xử trừ khi bị cáo hiện diện trước tòa. Đây là một nguyên tắc pháp lý được các thẩm phán của tòa quy định vì muốn bảo vệ công lý cho các bị cáo. Chính vì thế, trong khi Putin còn là Nguyên Thủ Quốc Gia của LB Nga và Nga còn là một cường quốc có vũ khí hạt nhân, viễn tượng xét xử Putin hầu như rất xa vời.
– Tuy chính quyền LB Nga mạnh miệng tuyên bố bác bỏ trát tòa cũng như thẩm quyền của Tòa HSQT, thậm chí còn chế diễu tòa án này cũng như mở cuộc điều tra tại LB Nga hầu cáo buộc ngược lại Công Tố Viên Karim Khan và 4 vị thẩm phán của Tòa HSQT liên hệ đến trát tòa truy nã Putin.
– Tuy nhiên uy tín của Putin thiệt hại nặng nề trên trường quốc tế.
– Một dấu hiệu tích cực sau đó là LB Nga trao trả lại 30 trẻ em bị cưỡng bách đến LB Nga. Có thể đoán rằng chính Putin cũng đang sợ hãi.
V. Nếu thẩm quyền của Tòa HSQT tỷ lệ thuận với số quốc gia tham gia Hiệp Ước La Mã, và khả năng Putin bị bắt giữ và xét xử rất giới hạn vì LB Nga không tham gia làm thành phần của Hiệp Ước La Mã, thì chúng ta cần nhận diện quốc gia nào tham gia hoặc không tham gia.
Như nêu trên có 123 quốc gia thành viên của Hiệp Ước La Mã. Khoảng 40 quốc gia chưa bao giờ ký kết tham gia trong đó có Trung Quốc, Ethiopia, Ấn Độ, Indonesia, Iraq, Bắc Hàn, Saudi Arabia, and Turkey. Nhiều quốc gia tham gia ký kết nhưng sau đó tuyên bố không tham gia như Do Thái, Sudan, Hoa Kỳ và LB Nga.
Đa số các quốc gia trên thế giới là thành phần của Tòa HSQT. Một cách tổng quát có 33 quốc gia Phi Châu, 19 quốc gia Á Châu Thái Bình Dương, 18 quốc gia Đông Âu, 28 quốc gia Châu Mỹ La Tinh, 22 quốc gia Tây Âu và Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan và Canada.
Hầu như các quốc gia dân chủ phát triển trên thế giới, trừ Hoa Kỳ đều là thành phần của Hiệp Ước La Mã về Tòa HSQT. Dĩ nhiên một quốc gia dù không là thành phần của Hiệp Ước, vẫn có thể chấp nhận thẩm quyền của Tòa. Chẳng hạn Hoa Kỳ không phải là quốc gia thành phần, nhưng trên nguyên tắc, nếu Putin đến lãnh thổ của mình, vẫn có thể bắt giữ và trao cho Tòa tại The Hague để xét xử.
Hoa Kỳ là một quốc gia dân chủ và là thành phần chủ động trong công tác chấp bút Hiệp Ước La Mã. Chính quyền TT Bill Clinton ký hiệp ước gia nhập nhưng sau đó, quyết định không đệ trình Thượng Viện Phê chuẩn, vì trên nguyên tắc họ lo ngại công dân Hoa Kỳ có thể bị truy tố về những tội xảy ra trên lãnh thổ Hoa Kỳ và như thế theo quan điểm của họ, vi phạm hiến pháp Hoa Kỳ.
Các quốc gia độc tài, nhất là độc tài Cộng Sản như Việt Nam, Trung Quốc và Bắc Hàn dĩ nhiên không bao giờ tham gia vì chính các lãnh đạo chop bu có xác xuất bị truy tố trước tòa HSQT như tội ác chống nhân loại hay tội diệt chủng.
VI. Tại sao nhiều quốc gia trên thế giới vẫn thành lập lên Tòa Hình Sự Quốc Tế này trong khi tòa vẫn có nhiều giới hạn và khuyết điểm về hiệu năng như thế?
Tuy còn nhiều khuyết điểm và giới hạn như thế, nhưng những khái niệm công pháp quốc tế cốt lõi của Tòa HSQT là những bản giá trị nhân bản và bình đẳng, hầu bảo vệ những nhân quyền căn bản khắc ghi trong Hiến Chương LHQ và Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền 1948. Thêm vào đó, trào lưu dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên trong kỷ nguyên mới hầu như bất khả vãn hồi, đánh bại các chế độ độc tài của thế kỷ 20 trên mọi mặt trận, từ Âu sang Á sang đến Phi Châu, Nam Mỹ và Trung Đông. Nền tảng của một nhân loại dân chủ của tương lai là một trật tự quốc tế căn cứ trên những quy luật minh bạch (a rule- based world order), thay vì luật rừng căn cứ trên bạo lực và sự gian dối như tại các quốc gia độc tài CS. Chính vì thế đại đa số các quốc gia trên thế giới quyết tâm thành lập nên Tòa Án trọng yếu này.
VII. Các chế độ độc tài như Phát Xít Putin, CSTQ, CSVN, CS Bắc Hàn vi phạm nhân quyền và tàn sát sinh linh không gia nhập Hiệp Ước La Mã còn hiểu được, nhưng tại sao một số quốc gia dân chủ không gia nhập?
Chúng ta rất dễ hiểu khi các quốc gia độc tài trên thế giới không tham gia ký kết vào Hiệp Ước La Mã vì không những các cá nhân trong quân đội hoặc trong guồng máy chính quyền của họ, mà kể cả những cấp lãnh đạo cao nhất, có thể phạm tội và bị truy tố cũng như kết án trước tòa.
Tuy nhiên các quốc gia dân chủ như Ấn Độ, Turkey, Do Thái và nhất là Hoa Kỳ cũng không tham gia là những trường hợp cần lý giải.
Ấn Độ tuy là một quốc gia dân chủ nhưng có thường xuyên xung đột với Pakistan phía tây và CSTQ phía bắc, không muốn sự chiếu rọi của Tòa HSQT về những tranh chấp có thể vi phạm hiệp ước La Mã này. Turkey là một quốc gia có nhiều sắc tộc thiểu số và không muốn tòa rọi xét những cáo buộc đàn áp chủng tộc trong nước hoặc tại biên giới với người Kurdistan tại Irak. Do Thái là một quốc gia dân chủ nhưng tranh chấp đất đai và hầu như xung đột liên tục với người Palestine. Do Thái không muốn Tòa soi xét đến những cá nhân lãnh đạo hay động thái của binh sĩ của mình bị cáo buộc về diệt chủng hoặc chống nhân loại, có thể đến từ khối Á Rập.
Nhất là trường hợp của Hoa Kỳ, một quốc gia dân chủ, không những lãnh đạo thế giới tự do mà còn là quốc gia chủ động khai sinh Hiến Chương LHQ, cũng như chủ động chấp bút Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, và cũng là thành phần chủ động chấp bút Hiệp Ước La Mã. Sự vắng bóng của Hoa Kỳ như một thành viên của Hiệp Ước La Mã là một điều vô cùng đáng tiếc.
VIII. Cộng đồng nhân loại phải làm gì để nâng cao hiệu năng và thẩm quyền của Tòa HSQT hầu chế tài các cá nhân hoặc chế độ độc tài khát máu như Phát Xít Putin, CSTQ, CSVN, CS Bắc Hàn vi phạm nhân quyền và tàn sát sinh linh không thương tiếc?
Trước hết các quốc gia dân chủ trên thế giới, nhất là các quốc gia Tây Âu đã tham gia tích cực và góp phần quan trọng của mình và chúng ta công nhận cũng như tán thán thiện chí của họ.
Chỉ còn lại Hoa Kỳ là nền dân chủ đứng đầu thế giới vẫn còn đứng bên ngoài Hiệp Ước La Mã này.
Theo quan điểm của tôi, lý do nêu ra để TT Bill Clinton không đệ trình Thượng Viện phê chuẩn là vì tham gia hiệp ước có khả năng vi hiến, không phải là một biện minh hợp lý.
Hoa Kỳ là một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên chân chính với những định chế rường cột như tam quyền phân lập vô cùng vững chãi. Các lãnh đạo chính trị Hoa Kỳ hầu như không có khả năng vi phạm những tội ác khắc ghi trong phạm vi thẩm quyền Tòa HSQT.
Lý do thật sự Hoa Kỳ không gia nhập có lẽ là: như một cường quốc quân sư có trách nhiệm duy trì hòa bình và ổn định trên thế giới, quân đội Hoa Kỳ phải tham gia nhiều chiến trường trên thế giới, nhất là tại Trung Đông. Trung Đông là thế giới Hồi Giáo và rất có thành kiến lịch sử với Hoa Kỳ đến từ truyền thống Thiên Chúa Giáo. Hoa Kỳ không muốn Tòa HSQT soi xét đến các cáo buộc về thành viên quân đội của mình tham chiến, đến từ phía các thế lực Hồi Giáo địa phương.
Tuy nhiên lý do này không thưc sự đứng vững. Các cường quốc Tây Âu, Canada, Úc và Tân Tây Lan cũng đến từ truyền thống Thiên Chúa Giáo và cũng là đồng minh của Hoa Kỳ tham chiến tại Trung Đông. Sư soi xét của một tòa án quốc tế chí công vô tư như Tòa Hình Sự Quốc Tế, tuy có khả năng gây một vài trở ngại nhỏ trên bình diện chiến thuật, nhưng trên bình diện chiến lược, sẽ nâng cao phẩm chất người quân nhân Hoa Kỳ, không những như những chiến sĩ can trường, mà còn như những công dân toàn cầu và những chiến sĩ của dân chủ và nhân quyền gương mẫu nữa. Lập luận này cũng áp dụng cho mọi quốc gia trên thế giới khi họ tham gia vào Hiệp Ước La Mã.
Sự gia nhập của Hoa Kỳ sẽ là tấm gương cho các quốc gia dân chủ khác noi theo, và một bước đầu cần thiết để các quốc gia độc tài chuyển hóa dân chủ nhanh hơn và tạo ra một trật tự thế giới hoàn hảo hơn.
https://baotiengdan.com/2023/04/23
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét