Huỳnh Thị Thanh Trúc dịch
Nguồn: COP27: one big breakthrough but ultimately an inadequate response to the climate crisis, The Conversation, Nov 20, 2022.
03/12/2022
Suốt 30 năm, các quốc gia đang phát triển đã đấu tranh để thành lập một quỹ quốc tế nhằm chi trả cho “những mất mát và thiệt hại” mà họ phải gánh chịu do hậu quả của biến đổi khí hậu. Khi hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP27 ở Ai Cập kết thúc vào cuối tuần qua, họ cuối cùng đã thành công.
Trong khi đó là một thời khắc lịch sử, thỏa thuận tài trợ tổn thất và thiệt hại vẫn còn nhiều chi tiết chưa được giải quyết. Hơn nữa, nhiều nhà phê bình than thở rằng kết quả chung của COP27 không đủ để đáp ứng cuộc khủng hoảng khí hậu. Như Alok Sharma, chủ tịch của COP26 ở Glasgow, đã nhắn nhủ:
Này các bạn, tôi đã nói ở Glasgow rằng cái mục tiêu 1,5 độ đang “thoi thóp”. Thật không may là nó đang phải duy trì sự sống bằng máy thở.
Nhưng các hội nghị thường niên không phải cách duy nhất để theo đuổi hành động có ý nghĩa đối với biến đổi khí hậu. Việc huy động được vốn từ các nhà hoạt động, lực lượng thị trường và các nguồn lực khác nghĩa là hy vọng không hề mất.
Một bước đột phá lớn: mất mát và thiệt hại
Người ta hy vọng COP27 sẽ dẫn đến các cam kết mới về giảm phát thải, ký lại các cam kết về chuyển giao nguồn lực cho các nước đang phát triển, những tín hiệu mạnh mẽ về việc chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch và thành lập quỹ tổn thất và thiệt hại.
Theo tất cả các đánh giá, bước đột phá lớn này của COP27 chính là thỏa thuận thành lập một quỹ bồi thường tổn thất và thiệt hại. Điều này gồm cả việc các quốc gia giàu có bồi thường cho các quốc gia đang phát triển về tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là hạn hán, lũ lụt, lốc xoáy và các thảm họa khác.
Hầu hết các nhà phân tích đã nhanh chóng chỉ ra rằng vẫn còn rất nhiều điều chưa được làm rõ về các nhà tài trợ, người nhận hoặc các quy tắc tiếp cận quỹ này. Chẳng hạn, không rõ tiền sẽ thực sự đến từ đâu, hoặc liệu các quốc gia như Trung Quốc có đóng góp hay không. Những điều trên và các chi tiết khác vẫn chưa được thống nhất.
Chúng ta cũng nên thừa nhận những khoảng cách tiềm ẩn giữa lời hứa và số tiền thực tế, biết rằng cam kết cung cấp 100 tỷ đô la Mỹ trong mỗi năm tài chính khí hậu cho các quốc gia đang phát triển vào năm 2020 của các quốc gia phát triển đã thất bại. Điều này đã được cam kết tại Copenhagen năm 2009.
Nhưng nó là một cuộc chiến quan trọng nhằm đưa vấn đề tổn thất và thiệt hại vào chương trình nghị sự ở Ai Cập. Vì vậy, thỏa thuận thành lập quỹ rõ ràng là một thành quả lớn đối với các nước đang phát triển dễ bị tổn thương nhất trước tác động của biến đổi khí hậu – và ít phải chịu trách nhiệm nhất về biến đổi khí hậu.
Đó cũng là một chiến thắng cho chủ nhà Ai Cập, những người khăng khăng muốn cảnh báo sự nhạy cảm của họ trước các vấn đề mà thế giới đang phát triển phải đối mặt.
Quỹ ra đời 30 năm sau khi Vanuatu đề xuất biện pháp này lần đầu tiên vào năm 1991.
Tin không mấy tốt lành
Quỹ tổn thất và thiệt hại gần như chắc chắn sẽ được nhớ tới như là thành quả chính yếu của COP27, nhưng những diễn biến khác thì ít hứa hẹn hơn. Trong số đó có nhiều cuộc chiến khác nhau để giữ lại các cam kết đã đưa ra ở Paris năm 2015 và ở Glasgow năm ngoái.
Tại Paris, các quốc gia đã đồng ý hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức dưới 2℃ và tốt nhất là 1,5℃ trong thế kỷ này, so với mức thời kỳ tiền công nghiệp. Cho đến nay, hành tinh đã nóng lên 1,09℃ và lượng khí thải đang ở mức kỷ lục.
Các đường nhiệt độ khiến thế giới ngày càng gặp nhiều thách thức để giữ nhiệt độ tăng ở dưới 1,5℃. Và thực tế là việc phải đấu tranh hết sức để giữ cam kết này ở Ai Cập làm dấy lên một số nghi ngờ về cam kết giảm thiểu toàn cầu. Đặc biệt, Trung Quốc đã đặt câu hỏi liệu mục tiêu 1,5℃ có đáng để duy trì hay không và điều này đã trở thành một cuộc tranh luận then chốt trong các cuộc đàm phán.
Bộ trưởng Biến đổi khí hậu New Zealand James Shaw cho biết một nhóm các quốc gia đang phá hoại những quyết định được đưa ra trong các hội nghị trước đó. Ông nói thêm điều này:
(đó là) thứ nổi bần bật tại COP này, và tôi e rằng đã có một trận chiến lớn mà cuối cùng không bên nào thắng.
Có lẽ điều đáng lo ngại hơn nữa là việc không có một cam kết loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch được ký lại, điều vốn đã được cảnh báo ở Glasgow. Các nước sản xuất dầu nói riêng đã tranh cãi về điều này.
Thay vào đó, văn bản cuối cùng chỉ ghi nhận một nhu cầu “từng bước cắt giảm năng lượng từ than đá mà khi đốt không có công nghệ giữ lại CO2 [unabated coal]”, điều mà nhiều người cho là không phù hợp với tính cấp bách của thách thức.
Tương tự như vậy, các quy tắc mà người ta hy vọng giúp ngăn chặn quá trình tẩy xanh và các hạn chế mới đối với thị trường carbon đã không xuất hiện.
Cả kết quả này lẫn việc không phát triển các cam kết mới nhằm loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch, được cho là phản ánh sức mạnh của các nhóm lợi ích về nhiên liệu hoá thạch và các nhóm vận động hành lang. Chủ tịch COP26 Alok Sharma đã tóm gọn được sự thất vọng của các quốc gia trong liên minh đầy tham vọng, khi nói rằng:
Chúng tôi đã tham gia với nhiều bên để đề xuất một số biện pháp [nâng cao tham vọng].
Khoa học cho chúng ta biết điều cần thiết là khí thải phải đạt đỉnh trước năm 2025. Không được đề cập đến trong văn bản này. Cần thiết phải rõ ràng cắt giảm từng bước than đá. Điều không được đề cập đến trong văn bản này. Cần thiết phải cam kết rõ ràng loại bỏ dần tất cả nhiên liệu hoá thạch. Điều không được đề cập đến trong văn bản này. Và dòng năng lượng yếu dần trong những phút cuối.
Và như Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã than thở: “Hành tinh của chúng ta vẫn đang trong phòng cấp cứu”.
Bên ngoài COP27?
Cuối cùng, các đại biểu kiệt sức đã ký vào một thỏa thuận không thỏa đáng, nhưng chủ yếu đã tránh được sự thụt lùi dường như có thể xảy ra sau nhiều ngày đàm phán căng thẳng.
Việc thành lập quỹ dành cho tổn thất và thiệt hại rõ ràng là một kết quả quan trọng của COP27, ngay cả khi các chi tiết vẫn chưa được bổ sung.
Nhưng mặt khác, các cuộc đàm phán không thể được coi là một kết quả tích cực rõ ràng cho hành động đối với khủng hoảng khí hậu – đặc biệt là với rất ít tiến bộ trong việc giảm thiểu khí thải. Và trong khi thế giới lưỡng lự, cánh cửa cơ hội để ứng phó hiệu quả với cuộc khủng hoảng khí hậu tiếp tục đóng lại.
Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là mặc dù các hội nghị COP rõ ràng có ý nghĩa quan trọng trong phản ứng quốc tế đối với khủng hoảng khí hậu, nhưng chúng không phải giải pháp duy nhất đáng xem xét.
Huy động công chúng và hoạt động xã hội, các lực của thị trường, các chương trình viện trợ và phát triển, và luật pháp ở cấp địa phương, tiểu bang và quốc gia đều là những địa điểm quan trọng của chính trị khí hậu – và có tiềm năng thay đổi đáng kể.
Có vô số ví dụ. Lấy hiện tượng quốc tế về các cuộc đình công vì khí hậu ở trường học, hay việc tiếp quản AGL Energy của nhà hoạt động khí hậu Mike Cannon-Brookes. Họ hướng tới khả năng hành động đối với biến đổi khí hậu bên ngoài các cuộc đàm phán khí hậu quốc tế chính thức.
Vì vậy, nếu bạn đang thất vọng về tiến độ hạn chế tại COP27, hãy nhớ điều này: các quốc gia và cộng đồng quyết tâm tự từ bỏ nhiên liệu hóa thạch sẽ làm nhiều hơn để giảm sức mạnh của ngành này nhiều hơn mức hầu hết các thỏa thuận quốc tế có thể hy vọng đạt được trên thực tế.
Tác giả
Phó Giáo sư Quan hệ Quốc tế, Đại học Queensland
Tuyên bố công khai
Matt McDonald đã nhận tài trợ từ Hội đồng Nghiên cứu Úc và Hội đồng Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội của Vương quốc Anh.
http://www.phantichkinhte123.com/2022/12
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét