Từ 1954 đến 75, hằng vạn thanh niên miền Nam hăng hái lên đường tòng quân chống lại cuộc xâm lăng của cộng sản cuồng tín phương Bắc.
Biết bao chàng trai ưu tú đã vĩnh viễn ra đi chẳng hẹn ngày về, kể cả giới làm thơ, viết văn và sáng tác âm nhạc. Do tuổi thọ ngắn ngủi, nên di sản văn chương của họ không được phong phú dồi dào. Mặc dù các tác phẩm để lại cho thấy tài năng đang nở rộ.
Bài viết này xin lược ghi lại cuộc đời của một số văn nghệ sĩ bạc mệnh đó, như là những dòng tưởng niệm và tri ân với lớp người đã cống hiến tuổi thanh xuân cho quê Mẹ Việt Nam.
1. NGHIÊM SĨ TUẤN (1937 - 68)
Y sĩ Trung úy Nghiêm Sỹ Tuấn, người thứ hai trong hàng, trước giờ lên máy bay cho một Saut nhảy dù bồi dưỡng, 1966. [tư liệu BS Vũ Khắc Niệm & Trang Châu]
Theo Nghiêm Sĩ Tuấn Tuyển Tập (Chủ Biên: Ngô Thế Vinh và nhiều tác giả khác, hanhchauphuc xuất bản, 29.7.19):
"Ông sinh tại Nam Định trong một gia đình thanh bạch và đông anh em. Cắp sách tới trường muộn màng ở tuổi 14. Hoàn tất học trình Trung và Đại Học khoảng 14 năm. Thư ký Tòa soạn Báo Tình Thương của Sinh Viên Y Khoa Saigon. Là tác giả nhiều bài viết sâu sắc, mang nặng những suy tư về các vấn đề văn hóa, xã hội và vận mệnh đất nước. Tốt nghiệp Bác Sĩ năm 65. Không thuộc diện Quân Y Hiện Dịch, nhưng tình nguyện gia nhập binh chủng Nhảy Dù, trở thành Y Sĩ tiền tuyến có mặt trên nhiều trận địa khắp 4 vùng chiến thuật. Hai lần bị thương tích, nhưng vẫn quyết chí ở lại đơn vị tiếp tục chiến đấu.
"Rất giỏi chữ Hán, tiếng La Tinh. Có năng khiếu về ngoại ngữ Anh, Pháp, Đức. Cùng Bác Sĩ Trần Xuân Dũng dịch tác phẩm Dưới Mắt Thượng Đế của Hans Killian. Có cá tính rõ rệt, đầy tài năng và lý tưởng. Một kẻ sĩ hiếm hoi. Là mẫu người quân tử Đông Phương thuần Việt còn vương sót ở hậu bán thế kỷ 20. Nghiêm Sĩ Tuấn chỉ để lại vài truyện ngắn, mấy bài thơ, cuốn nhật ký viết dở dang và có thể ở đâu đó là những trang bản thảo bị thất lạc. Chắc chắn anh còn hẹn hò khác, nhưng anh vội mang đi, chôn sâu dưới mãnh đất của một quê hương Việt Nam tự do mà anh hết lòng yêu mến và đã đem chính sinh mệnh của mình ra để bảo vệ. Giữa thập niên 1960s, là thời gian đầy biến động của đất nước. Ngoài tiền tuyến chiến tranh ngày càng khốc liệt với nhiều chết chóc, trong khi hậu phương lại xảy ra lắm cuộc biểu tình trên các đường phố, anh tỏ ra không đồng ý với mọi xáo trộn mà theo anh chỉ có lợi cho cộng sản. "Những Người Đi Tìm Mùa Xuân"
và "Para Bellum" (Chuẩn Bị Chiến Tranh) là hai tác phẩm mang nặng nỗi niềm suy tư về chiến tranh và hòa bình của anh. Anh đã viết: "...làm gì có xương nào phơi vô nghĩa, càng vô nghĩa bao nhiêu càng ý nghĩa bấy nhiêu. Vả chăng xương nào thay được xương mình. Trái đậu thì hoa tàn. Hạt giống có chết cây mới nẩy mầm xanh, sao nói là vô nghĩa được".
Nghiêm Sĩ Tuấn là điển hình tính nhân bản của truyền thống y khoa, của một y sĩ sẵn sàng dấn thân để phục vụ con người khổ đau trong hoàn cảnh bất thường của đất nước.
Nhà thơ Trang Châu, tác giả Y Sĩ Tiền Tuyến (Giải Văn Học Nghệ Thuật 1969), bạn cùng lớp, có viết Một Bài Thơ Cho Tuấn:
...Tuấn ơi mầy không chấp nhận tầm thường
Lẻ loi mà bất khuất
Mầy lớn lao bằng im lặng
Hiên ngang trong âm thầm
Hỡi thằng y sĩ dù nhỏ bé của chúng tao ơi !
Đi chưa bao giờ biết mệt
Chiến đấu chưa bao giờ biết nằm
Đêm Gio Linh xác địch chất bên miệng hầm
Chiều Cao Lãnh đạn ghim sâu vào gối
Và Đakto mảnh sướt bờ vai
Sao mầy không về cùng anh em?
Sao mầy đi biền biệt ?
Để một sớm mai buồn
Chúng tao thức dậy
Lặng người đau đớn
Nghe tin mầy hy sinh
Mọi người khóc mầy bằng nước mắt tiếc thương.
Trong bài "Các Vị Bác Sĩ Thiên Thần Mũ Đỏ" (Diễn Đàn Cựu Sinh Viên Quân Y), Thiếu Tá Trần Đoàn, Y Sĩ Trưởng Tiểu Đoàn 2/Quân Y Nhảy Dù ghi lại tin dữ từ mặt trận đưa về: Bác Sĩ Nghiêm Sĩ Tuấn, học cùng lớp, là Bác Sĩ dân y trưng tập, cũng chỉ còn một tháng nữa là mãn hạn kỳ phục vụ ở Tiểu Đoàn 6 Nhảy Dù, vừa tử trận tại Khe Sanh năm 1968 khi đang săn sóc thương binh. Bác Sĩ Mũ Xanh Trần Xuân Dũng không ngần ngại ca tụng "các Y Sĩ Nhảy Dù và Thủy Quân Lục Chiến là Những Hiệp Sĩ của Thời Đại, Những Đường Sơn Đại Huynh trên Tiền Tuyến Lửa".
2. DZŨNG CHINH (1941 - 69)
Trở nên nổi tiếng sau khi sáng tác nhạc phẩm Những Đồi Hoa Sim, phổ từ thơ Hữu Loan lúc đang học Đại Học Luật Khoa Saigon.
Theo Nhà Văn Phạm Tín An Ninh
qua bài viết "Nhạc Sĩ Dzũng Chinh - Tác Giả 'Những Đồi Hoa Sim' Chết Trên Đồi Hoa Sim", chinhnghiavnch.com: Dzũng Chinh nhập ngũ năm 1965. Nhờ có năng khiếu âm nhạc nên được đưa về Khối Chiến Tranh Chính Trị Trung Đoàn, phụ trách ban văn nghệ. Nhưng với tính tình phóng khoáng, ít chịu khuôn khổ kỷ luật nhà binh, hay bỏ đơn vị về thành phố vui chơi cùng bạn bè nên bị trả lại đơn vị tác chiến.
Vào đêm cuối tháng 2.69, Dzũng Chinh hy sinh tại chân núi Chà Bang (Ninh Thuận), nơi này là một vùng bạt ngàn hoa sim tím.
Cái chết của Nhạc Sĩ được bạn bè trong đơn vị bàn tán khá nhiều quanh vài câu chuyện mà mọi người cho là điềm gỡ báo trước:
• Thuở ấy lương lính thường không đủ xài, nên trước cuộc hành quân, Dzũng Chinh đến ban tài chánh xin ứng trước. Viên sĩ quan phát ngân do dự ngần ngừ, hỏi sao mượn sớm thế, hơi khó xử cho ông. Dzũng Chinh gãi đầu năn nỉ:
- Thì Đại Úy coi như xuất trước tiền tử tuất cho tôi thôi mà!
Người sĩ quan đồng ý cho mượn, nhưng rầy anh:
- Cậu chớ nói điều gỡ không nên !
• Sau đó anh rủ hai người lính cùng về Phan Thiết chơi. Không hiểu đụng chạm thế nào với nhóm lính thuộc đơn vị khác.
Trước ngày đi hành quân, anh nhận giấy báo gọi trình diện của quân cảnh tư pháp. Anh kể cho đám bạn bè trong một buổi nhậu rồi nói:
- Kỳ này tao đi luôn, xem thử lấy ai để trình diện !
Ai ngờ anh đi luôn thật !
* Tác giả Vũ Khuê kể lại "Chuyện
Đi Tìm Một Nhánh Sim Rừng", tuongtri.com, 5.10.17: sau mấy ngày vất vã lặn lội quanh nhiều vùng đồi núi, hỏi thăm hằng chục người dân địa phương, có lúc tưởng chừng vô vọng. Nhưng rồi cuối cùng Ông cũng đến được di mộ Dzũng Chinh do người anh ruột phụng lập tại khu B1, Chùa Long Sơn, Nha Trang.
* Bài Hát Những Đồi Hoa Sim:
Những đồi hoa sim ôi những đồi hoa sim tím chiều hoang biền biệt
Vào chuyện ngày xưa nàng yêu hoa sim tím khi còn tóc búi vai
Mấy lúc xông pha ngoài trận tuyến ai hẹn được ngày về
Rồi một chiều mây bay từ nơi chiến trường Đông Bắc đó
Lần ghé về thăm chốn hoàng hôn tắt sau đồi.
Những chiều hành quân ôi những chiều hành quân tím chiều hoang biền biệt
Một chiều rừng mưa được tin em gái mất chiếc thuyền như vỡ đôi
Phút cuối không nghe được em nói, không nhìn được một lần
Dù một lần đơn sơ để không chết người trai khói lửa
Mà chết người em nhỏ hậu phương tuổi xuân thì.
Ôi ngày trở lại nhìn đồi sim nay vắng người em thơ
Ôi đồi sim tím chạy xa tít lan dần trong bóng tối
Xưa xưa nói gì bên em một người đi chưa về mà đành lỡ ước tơ duyên
Nói nói gì cho mây gió một rừng đầy hoa sim nên để chiều đi không hết.
Tím cả chiều hoang nay tím cả chiều hoang đến ngồi bên mộ nàng
Từ dạo hợp hôn nàng không may áo cưới thoáng buồn trên nét mi
Khói thuốc bên hương tàn nghi ngút, bên mộ đầy cỏ vàng
Mà đường về thênh thang, đồi sim vẫn còn trong lối cũ
Giờ thiếu người xưa ấy đồi hoang vẫn tiêu điều.
* Ca Khúc Đọc Tin Trên Báo:
Nhạc Sĩ Thanh Sơn là bạn tâm giao của Dzũng Chinh. Sau khi hay tin bằng hữu tử trận, Ông trằn trọc thâu đêm, nghẹn ngào nước mắt khóc bạn, sáng tác Đọc Tin Trên Báo với mấy lời ghi đầu bài hát: "Tưởng Niệm Thiếu Úy Nguyễn Bá Chính tự Dzũng Chinh đã yên giấc trên Những Đồi Hoa Sim ngày 1.3.69":
Hôm qua tôi đọc báo
Thấy tin anh ngã gục
Phía trang sau chia buồn.
Lòng mình bỗng lạnh căm
Xúc động đến dị thường.
Xui đôi giòng lệ tuôn.
Tình bạn anh và tôi nay cách xa nhau rồi
Hai đứa hai phương trời
Những ngày vui tắt lịm
Bầu trời loang màu tím
Như tiễn đưa linh hồn
Một người vừa ra đi !
Anh ngã đi như bao anh hùng
Không gian buồn não nùng,
Hận thù trên tay súng
Từ miền xa, mấy thằng trong bọn mình cũng nhận được hung tin.
Anh mất đi non sông kiêu hùng
Quê hương lửa ngút trời thì còn tôi đi tới
Giọt lệ rơi nức nở thương cuộc tình hai đứa mình ngăn đôi.
Hôm nay tôi đọc báo thấy đăng tin thắng trận
Toán quân anh đứng đầu
Lòng buồn bỗng chợt vui
Những người trẻ sau này noi gương hùng tranh đấu.
Chập chờn qua từng đêm trong giấc mơ mang về
Anh báo tin tôi rằng: những người đi lính trận
Một lần đi còn thiếu nhưng nước non thanh bình thì dù là bao nhiêu?!
3. ANH THY (1944 -73)
Cùng gia đình di cư vào Nam năm 54. Tình nguyện theo binh chủng hải quân.
Trải qua những chuyến hải hành lênh đênh trên sóng nước, Ông sáng tác hàng chục bài hát về biển cả rất nổi tiếng, nhất là Hoa Biển, Lính Mà Em.
Tháng 4.73, chiếc xe dodge chở phái đoàn Tâm Lý Chiến thuộc Bộ Tư Lệnh Hải Quân đi từ Cam Ranh ra Quy Nhơn gặp tai nạn khiến Anh Thy tử thương. Tro cốt hiện cải táng tại Chùa Hoằng Pháp, Hốc Môn.
* Nhà Báo Nhật Hà ("Những Ngày Cuối Cùng của Nhạc Sĩ Anh Thy", dongnhacvang.com) ghi lại lời người em gái út của nhạc sĩ: Anh Thy là anh trai trưởng trong nhà, nhưng rất hiếu thảo. Làm lương bao nhiêu về đưa cho cha mẹ hết, kể cả tiền tác quyền âm nhạc của anh thời đó. Chính anh cũng đã xây nhà mới cho cha mẹ và chăm lo những đứa em nhỏ của mình ăn học. Khi anh qua đời đột ngột, hiền mẫu thất thần xỉu lên xỉu xuống một thời gian. Cả gia đình đều thương anh.
* Trong số mấy chục tác phẩm của Anh Thy, bài hát Đừng Gọi Anh Bằng Chú rất được giới trẻ ưa chuộng. Báo dantri.com, 12.4.17 thuật lại lời Bà Phạm Thị Nguyệt, em gái tác giả: Anh tôi viết ca khúc này lúc ngoài 20 tuổi. Tôi còn nhớ ngày đó anh nhận được rất nhiều thư ái mộ của các cô gái trẻ. Thậm chí còn ngồi trên ghế nhà trường. Thư gởi về nhiều quá, anh không thể trả lời hết, nhờ chị em tôi xem giúp. Khi ấy các cô cứ gọi anh bằng "chú" hay "đại nhạc sĩ". Đọc chồng thư làm tôi cũng buồn cười. Cũng vì điều này mà anh sáng tác bài Đừng Gọi Anh Bằng Chú với những ca từ thật dễ thương.
Em ơi đừng gọi anh bằng Chú
Khi em em chín thơm hoa mộng
Chưa vấn vương gì em lúc xuân thì còn anh mới đôi mươi.
Đừng gọi anh bằng Chú sợ ngăn cách đôi ta
Em làm công chúa nhé anh tráng sĩ hiên ngang
Tung hoành trên bốn biển khi tàu anh trở về
Quà anh sẽ cho em.
Xin em đừng gọi anh bằng Chú
Ô hay sao Chú hay mơ mộng
Sao Chú hay nhìn sao Chú hay cười
Làm con bé bâng khuâng.
Họ hàng ta chẳng có, tại sao giấu con tim
Sao gọi anh Chú lính, cho anh thấy không vui
Bao lần anh đã bảo, anh chỉ yêu áo vàng
Thì em nhé đừng quên.
Ông Chú ơi cô cháu thẹn thùng đôi môi
Thôi nhé mình làm anh em
Nhưng đừng quên rằng em anh hay khóc đấy
Ghét anh ghê khéo nịnh em quá thôi
Nói gì thêm nữa đi.
Anh muốn em, em hãy giã từ thơ ngây
Em sẽ làm nàng Tiên xinh
Khi tàu anh về, em đi ra bến đón
Nhớ nghe em chẳng còn ông Chú đâu
Sẽ là anh với em.
Em không còn gọi anh bằng Chú
Nhưng sao anh vẫn nghe chưa vừa
Ông Chú bây giờ không muốn em là
Người em gái anh đâu.
Nhìn trùng dương dậy sóng, lòng mơ ước em anh
Yêu tàu xuôi bến cũ
Yêu áo trắng anh mang
Yêu vài câu hát buồn trong bài ca Hoa Biển
Và yêu chỉ mình em...!!!
4. Y UYÊN (1940 - 69)
Tên thật là Uy. Sinh quán tại Hà Nội. Di cư vào Nam 1954. Viết văn lúc mới 15 tuổi. Cọng tác với nhiều tạp chí văn học uy tín như Bách Khoa, Văn, Văn Uyển, Tân Văn...
Tốt nghiệp Sư Phạm Saigon. Dạy học ở Tuy Hòa. Theo lệnh động viên vào trường Võ Bị Thủ Đức.
Mất sớm nhưng để lại văn nghiệp tương đối phong phú gồm 6 tuyến tập truyện ngắn và một truyện dài.
* "Chiến Tranh Đi Qua Những Truyện Ngắn của Y Uyên", Nguyễn Lệ Uyên, vanviet.info:
Hầu hết những truyện Y Uyên viết đều bắt nguồn từ khi anh dạy học ở Tuy Hòa, thị xã nhỏ bé của duyên hải miền Trung giữa lúc chiến tranh đổ ập xuống nửa phần đất nước một cách khốc liệt nhất. Cái thị xã tí xíu mà anh đang sống, chẳng phải là một khu phi quân sự, một vòng đai an toàn mà là một lò lửa. Đạn luôn nổ, người chết, nhà cháy, đồng khô, dân quê bồng bế nhau chạy trốn đạn lạc tên bay. Ngày Quốc Gia, đêm Cộng sản giành giật...Cuộc chiến quái gở ấy không phải chỉ có tôi và anh đánh nhau, mà một bên là được sự trợ giúp công khai, một bên là lén lút nhận vũ khí, quân trang quân dụng để "giương cao ngọn cờ chính nghĩa" đã đẩy người dân vô tội xô dạt bên này hay bên kia.
* "Tháng Giêng, Nhớ Y Uyên", Trần Hữu Thục, Văn số đặc biệt Thương Nhớ Y Uyên, nguoiviet.com:
"Y Uyên có phong cách viết rất riêng, điềm đạm, đôi khi như dửng dưng, nhưng đọc kỹ lại đậm đà chua xót".
Lê Bá Lăng, bạn văn, chung khóa Thủ Đức và cùng chiến đấu đã nói: "Y Uyên! Y Uyên! Tôi viết những dòng này trên bãi chiến trường. Không phải bãi tập ở Đồi Tăng Nhơn Phú, nơi mà chúng ta chung sống ít tháng ngày ngắn ngủi. Ở đây là khu rừng thưa, lúc này là lúc thần kinh căng thẳng vì đợi chờ những viên đạn địch hung hãn, những tiếng reo hò man rợ. Lòng tôi trùng xuống. Tôi gọi tên anh và thầm hỏi: tôi còn mùa hoa nào chờ anh cưới vợ? Chờ anh lập nhà xuất bản? Chờ anh ra báo? Chờ anh cất tiếng gọi anh em? Có còn mùa hoa nào, hỡi Y Uyên..."
* Trần Phong Giao, Thư Ký Tòa Soạn Văn nói về cái trớ trêu trong số mạng của Y Uyên: "Lộ xỉ, lộ hầu, tướng đi không chắc bước...tay này chết yểu", một nhà văn lão thành đã nói bâng quơ như thế, khi cụ nhìn theo Y Uyên vừa bước ra khỏi cửa tòa soạn. Nghe vị túc nho nọ nói mà tôi bỗng rùng mình. Lúc đó Y Uyên đang thụ huấn trong quân trường. Tôi có nói với vài chỗ quen biết nhờ lưu ý kéo cho hắn đi ngành và được trả lời là cứ yên chí (...). Ít lâu sau, chúng tôi hay tin là quân đội đã chiếu cố tới hắn. Một bưu điệp đã được gởi ra tiểu khu nơi hắn trú đóng, cho hắn nộp đơn xin thuyên chuyển về Saigon. Chờ lâu chưa thấy hắn về, một nhà văn bạn lại xin với thượng cấp cho hắn đặc cách thuyên chuyển về thủ đô. Tôi được tin văn hữu nọ đã lo xong mọi thủ tục cần thiết (việc gọi Y Uyên về Saigon chỉ còn là thu xếp trong vòng vài ngày), ngay sau đó một cú điện thoại khác báo Y Uyên chết từ chiều hôm trước. "Trả lời người bạn văn tôi vẫn cố giữ lấy giọng bình tĩnh: Cảm ơn Anh. Có điều muộn mất rồi vì Y Uyên đã tử trận". (...)
"Như mọi người, anh bạn không tin là Y Uyên đã chết. Anh chỉ tin điều đó vào sáng hôm sau, khi anh mặc quân phục vào, cùng với mấy quân nhân khác đặt tay qua sợi dây chão, từ từ thả chiếc quan tài bọc xác Uy xuống sâu trong lòng đất lạnh".
Nhà Văn Nhị Linh cho rằng "cái chết của Y Uyên được nhiều người coi là rất đen đủi, vì ở thời điểm đó, gần như đã có quyết định thuyên chuyển anh về nơi "an toàn" hơn.
* "Nhớ Y Uyên", Trần Phong Giao, vanviet.info:
Mãi cho tới hôm Uy mãn khóa, về chơi nhà tôi, ngật ngưỡng nốc cạn ly cognac, chậm rãi ngã lưng vào thành ghế bành, rồi mới khặc khừ, "em đi địa phương quân anh ạ". Tôi bảo hắn, nếu được chọn, chọn ngay vùng I cho tôi nhờ. Ít bữa sau, hắn ghé báo quán, cho biết được đi Côn-lôn, nhưng lại tình nguyện xin về Bình Thuận. Tôi xô ghế đứng lên, nói như quát: "Cậu quên lời tôi dặn rồi à?". Hắn nhìn tôi, ấp úng nói: "Tôi...tôi có duyên nợ với vùng duyên hải Trung Phần lắm mà anh..."
- Duyên nợ ? Hừ, duyên nợ cái mốc xì ! Dại gái, hầu hết nếu không muốn nói tất cả những thằng con trai mới lớn đều dại gái. Tôi đã nghĩ về Y Uyên như vậy khi nhìn theo hắn leo lên chiếc xe "lam" ngừng bên mé đường rước khách...
Kỷ niệm của tôi về Y Uyên thật ít (vài lần dẫn nhau đi ăn nhậu, đánh bài, du hí, vài lần hắn đi phép ghé nhà tôi "tắm một cái rồi thay đồ...vào trường cho khỏe"...có đáng gọi chăng là kỷ niệm?). Nhưng tôi thật tình quý mến Y Uyên.
* "Núi Tà Dôn và Dấu Chân Uy", Lê Văn Chính, vanviet.info:
Trung Úy Q, người chỉ huy trận đánh và cũng là đại đội trưởng của Uy cho biết: Uy chết ngay loạt đạn đầu tiên vì bị phục kích. Cả tiểu đoàn Việt Cộng đào hầm độn thổ từ trước. Với gia đình bè bạn, với văn học Việt Nam, anh chết đi là một mất mát lớn lao. Còn với đại đội 784 địa phương quân thì đây là một chiến thắng, địch để lại hơn 40 xác chết, bên ta chỉ có một chuẩn úy và một binh sĩ hy sinh.
Y Uyên sau khi chết rồi còn bị bắn bồi mấy phát súng ở mắt, tai, đâm thêm mấy nhát dao vào hai cánh tay và hai bên hông. Những người cộng sản Việt Nam đã làm lắm điều dã man như thế, khởi đi từ lòng thù hận và cuồng tín. Từ đó chúng ta có một nhận thức mới, họ mù quáng trong khi chiến đấu, họ không mảy may hiểu về những căn nguyên của cuộc chiến tương tàn này.
5. TRẦM KHA (1948 - 74)
Cố HQ Đại-Úy Nguyễn Văn Đồng (truy-thăng sau Hải-Chiến Hoàng-Sa)
Tên thật Nguyễn Văn Đồng. Khóa 25 Võ Bị Dalat.
* "Tiếc Nhớ Anh Trầm Kha", HT Nguyễn, vietquoc.org, 17.1.76:
Sáng hôm ấy, đang tắm thì nghe tiếng Bà Nội từ ngoài cổng vào, vừa khóc vừa nói: " Anh Đồng mi chết rồi".
Bố chạy ra thì anh lính báo miệng nói rõ anh Đồng hy sinh hôm qua 19.1.74 ở Hoàng Sa, thi thể đưa về quàn tại Tổng Y Viện Duy Tân. Gần trưa, Mẹ hay tin, vứt cả quang gánh, bỏ buổi chợ chạy về nhà khóc con. Hàng xóm ra vào thăm viếng chia buồn. Cả nhà buồn bã ngóng chờ.
Trưa hôm sau, 29 Tết, xe đưa anh về nhà. Tiếng khóc vang.
Buổi tẩm liệm bắt đầu. Trung Tá Thông, Giang Đoàn Trưởng Giang Đoàn 32 đọc diễn từ truy điệu và thừa ủy nhiệm Tổng Thống gắn lon truy thăng Đại Úy, truy tặng Đệ Ngũ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương và Anh Dũng Bội Tinh với Nhành Dương Liễu.
Hai bên quan tài có 6 người lính quân phục chỉnh tề đứng nghiêm trang.
Trung Úy Phú, bạn chiến đấu trên Hải Quân 5 kể lại: Lúc cuộc đụng độ nổ ra, Anh Đồng là Sĩ Quan Trưởng lớn nhất của tàu Hải Quân 5 Trần Bình Trọng. Anh chỉ huy bắn cháy tàu Trung Cọng, và cũng bị bắn trả dữ dội. Khoảng 11 giờ, chiến sự trở nên ác liệt, Anh hét to cho thuộc cấp nghe: "Đừng hoảng sợ. Có chết tao chết trước". Vừa dứt lời thì một phát đạn trúng pháo tháp, Anh ngã xuống cùng người lính xạ thủ. Đến chiều tối tàu được lệnh quay về Đà Nẵng.
Đêm hôm đó mọi người có mặt đều không ngủ.
Sáng hôm sau, 30 Tết, lễ di quan đưa Anh về nơi an nghỉ cuối cùng.
Năm 1968, Anh là sinh viên Trường Luật, tham gia Thanh Niên Thiện Chí, có sáng tác thơ văn. Khi vào Võ Bị Dalat, Anh cũng là cây bút sung sức viết nhiều cho Tập San Đa Hiệu và các Tạp Chí văn nghệ khác với bút hiệu Trầm Kha. Anh đã chuẩn bị xong Tập Thơ Đông Phương nhưng chưa kịp in ấn để xuất bản. Sau năm 75 thì bản thảo bị thất lạc.
Xin trích dẫn một bài thơ của Anh: Khi Thanh Bình Trở Lại
Có một sớm tôi mơ thanh bình trở lại,
Trên môi người tình bừng giọt nắng reo vui,
Trong mắt Mẹ rỡ ràng đồng lúa mới,
Trĩu hạt vàng óng ánh giữa ban mai.
Tôi sẽ rút phăng gươm chém cổ chai rượu mạnh
Mời bạn bè say uống mềm môi
Tôi sẽ đốt những cánh đồng rơm khô đã ải
Cháy bừng bừng trên khắp cõi miền Nam
Mời mọi người, mời tất cả anh em
Cùng hít thở khói quê hương ngào ngạt
Trước khi xuôi chuyến tàu Nam Bắc
Đem thanh bình tặng quyến thuộc ngoài kia.
Tôi sẽ chẳng mang theo hành lý, Ngoài những bài thơ ca tụng tình người
Cho bà mẹ khóc đón con trở lại
Cho vợ hiền tức tưởi đợi chồng về
Cho cô gái ngỡ ngàng vui duyên mới,
Cho trẻ thơ mừng rỡ được gần cha
Tôi sẽ đến từng nhà chung vui ngày mở hội
Tặng bà con những cái nắm tay nụ cười thân ái.
Cùng mọi người ca hát vui say
Khúc hoan ca ngây ngất
Lời tự tình Việt Nam thống nhất
Đang dạt dào trong núi đá rừng cây.
Tôi sẽ nhận người làm anh em
Đi xây những cây cầu đã sập
Những ngôi nhà đổ nát
Những thành quách điêu tàn.
Tôi sẽ mời anh tắm lại dòng sông
Không còn máu, không còn biên thùy ngăn cách
Trước khi cùng anh đi thăm những người đã chết,
Thắp cho nhau nén hương lòng muôn đời không tắt
Tưởng nhớ bạn bè xấu số vội ra đi.
Sau hết từ giả mọi người
Tôi về chung vui với người tình nhỏ
Trong mái lá đơn sơ
Cùng người yêu mở một mùa hội mới
Uống chén rượu đào đón xuân trở lại
Tôi sẽ kể em nghe
Suốt quãng đời tôi mang tuổi chiến binh.
6. DOÃN DÂN (1938 - 72)
Nhà văn Doãn Dân
(HS. Nguyễn Trọng Khôi vẽ)
Tôi gặp anh Doãn Dân lần đầu tiên vào mùa Hè 1968. Lúc bấy giờ anh làm ở Bộ Chỉ Huy Sư đoàn tại Qui Nhơn và chẳng biết nhân dịp nghỉ phép hay đi công tác mà anh và Nguyễn Kim Phượng lái xe jeep vào Tuy Hòa mang luôn Trần Hoài Thư, Trần Huiền Ân, Thế Vũ... vào thẳng Nha Trang. Khi Nguyễn Kim Phượng giới thiệu anh với tôi, tôi cảm động cầm tay anh. Là bởi nhiều năm trước tôi có đọc mấy truyện anh đăng Bách Khoa, tôi yêu cái không khí lãng đãng nhẹ nhàng, cái uyển chuyển ngập ngừng rất tinh vi trong truyện anh. Khi viết những dòng này, tôi lười không lật ra những chồng Bách Khoa cũ để đọc lại, mà chỉ hồi tưởng cái cảm giác êm ả dịu dàng tôi đã cảm thấy lúc xưa.
Gặp gỡ nhau, chúng tôi cùng dự chung những bữa ăn vui vẻ, trong đó có mặt hầu hết các thân hữu ở Nha Trang. Tôi còn nhớ có một bữa ăn do tòa soạn Đất Sống của anh Lê Minh.
Tác phẩm của Doãn Dân hình như chưa được thưởng thức đúng mức của nó. Nguyên do có lẽ vì anh không chịu xếp đặt một cốt chuyện thật lôi cuốn, hấp dẫn, sử dụng mọi yếu tố gay cấn, bất ngờ để kích thích độc giả. Chắc không ai nỡ nghĩ rằng anh không xây dựng nổi một cốt truyện hấp dẫn như vậy. Mọi trí óc bình thường đều có đủ khả năng để thêu dệt nên những truyện lâm ly, huống chi Doãn Dân có thể mượn một vài cốt truyện ngoại quốc thật hay, pha chế
Bị pháo kích mất xác khi đang đi hành quân từ Quảng Trị vào Huế. Binh sĩ đồng đội chỉ nhặt được cái ví, cây bút, chiếc đồng hồ và mấy tờ bản thảo.
Đã xuất bản 4 Tuyển Tập Truyện Ngắn: Cái Vòng, Chỗ của Huệ, Bàn Tay Cho Yến, Tiếng Gọi Thầm.
* Nhận Định của Nguyễn Vy Khanh: nói về tác phẩm của Doãn Dân, nhà biên khảo này nêu ý kiến: người đọc nhìn thấy nhiều độc thoại trong truyện của Ông cùng những nhớ lại, tưởng tiếc, hối hận. Ngôn từ của tác giả khiến người đọc rung động đến tận đáy tâm thức nguyên sơ, đượm nhiều chất thơ mà không gian truyện cũng đầy thi vị.
* Chỗ Nào Cho Doãn Dân", dutule.com, 2.4.16:
Những người hiện diện hôm đó, tôi nghĩ chắc khó quên một Doãn Dân với khuôn mặt vuông, cằm bạnh, lưỡng quyền cao, trán lớn và bóng, với chồng sách còn ướt mực in trên tay. Anh nâng niu từng cuốn, tặng từng người. Anh say sưa với giọng đục và (như) nằm ngang về những gian nan của cuốn sách. Về cái tình của chủ nhân Nhà Huyền Trân, người mà Doãn Dân coi như ân nhân của mình trong nổ lực để "Chỗ Của Huệ" ra đời đúng với ý nguyện tác giả.
* "Nhà Văn Doãn Dân, Phận Đời Nghiệt Ngã", trachcamlo.blogspot, 10.1.21:
Nguyễn Đình Hiếu, Lê Văn Trạch, Trần Hoài Thư và 5 người con gái của nhà văn Doãn Dân. Ảnh Thiên Kim.
Sự ra đi của Đại Úy Trần Doãn Dân như cơn bão ập xuống gia đình, một mất mát quá lớn, gây hụt hẫng trống vắng trong lòng mọi người, nhất là 5 cô con gái còn rất nhỏ, cháu lớn nhất 11 tuổi và bé út mới lên 3 !!!
Mặc dù Nhà Văn không còn trên cõi đời này, nhưng các con Ông có cảm nhận sâu sắc về sự "truyền thông" từ hai phía. Ông luôn có mặt bên cạnh để giúp các con khi gặp những bất trắc hay vấn đề khó khăn. Chính Nhà Văn Trần Hoài Thư cũng xác nhận sự hiến linh này đã cứu ông thoát nạn khi chiếc xe quay vòng rồi đâm vào ụ tuyết trên đường đến thư viện Cornell để tìm bài viết "Bàn Tay Cho Yến". Có thể Ông ra đi trùng giờ thiêng, nên thần thức rất linh, như Ông đã về báo mộng cho gia đình khi nằm xuống ở Đại Lộ Kinh Hoàng.
Buổi tưởng niệm và ra mắt sách được tổ chức tại studio Trương Vũ, Vienna (VA)
cuối tháng 4/2022 - Ảnh: Nguyễn Đình Hiếu
Trong "Bàn Tay Cho Yến", Doãn Dân viết: "Ngày nay, sự sống, chết đâu có báo trước cho ai. Người ta chết, thình lình trong khi đang ngồi coi hát. Chết giữa lúc thong thả dạo chơi ngoài đường. Chết vô lý ngay cả trong khi đang ăn, đang ngủ...Vậy thì, nếu anh chết ngoài mặt trận tức là được chết trong một hoàn cảnh hợp thời, hợp lý, sao lại không thể xảy ra?"
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét