Võ Thái Hà tổng hợp
Hoa Kỳ cử phái đoàn cấp cao đến Trung Quốc để hâm nóng quan hệ
Tổng thống Mỹ Joe Biden bắt tay đồng nhiệm Trung Quốc Tập Cận Bình, trong cuộc gặp đầu tiên tại Bali, Indonesia, ngày 14/11/2022. AP - Alex Brandon
Tiếp theo cuộc gặp thượng đỉnh giữa tổng thống Mỹ Joe Biden và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bali, Indonesia, tháng 11/2022, một phái đoàn đại diện cao cấp đầu tiên của Mỹ đến thăm Trung Quốc. Mục tiêu nhằm chuẩn bị cho chuyến thăm Bắc Kinh đầu năm 2023 của ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken để sưởi ấm quan hệ song phương.
Reuters trích dẫn thông cáo do bộ Ngoại Giao Mỹ ngày hôm qua 10/12/2022, cho biết ông Daniel Kritenbrink, trợ lý ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, cùng với bà Laura Rosenberger, giám đốc cấp cao Hội Đồng An Ninh Quốc Gia về Trung Quốc và Đài Loan, sẽ lần lượt đến thăm các nước Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản từ ngày hôm nay 11/12 đến ngày 14/12/2022.
Theo bộ Ngoại Giao Mỹ, chuyến thăm Bắc Kinh của phái đoàn Mỹ lần này là nhằm « tìm cách xử lý một cách có trách nhiệm cạnh tranh giữa hai nước và tìm kiếm các lĩnh vực hợp tác tiềm tàng ».
AFP nhắc lại, tổng thống Joe Biden và chủ tịch Tập Cận Bình tại Indonesia đã có những cuộc trao đổi trực tiếp về những chủ đề gây căng thẳng, từ hồ sơ Đài Loan, hạt nhân Bắc Triều Tiên cho đến cuộc chiến tranh tại Ukraina do Nga phát động, cũng như là những hạn chế xuất khẩu công nghệ Mỹ…, nhằm tránh cho đôi bên đi đến một cuộc Chiến Tranh Lạnh mới.
Nước chủ nhà Mỹ: Nga có thể tham dự các cuộc họp APEC
12/12/2022
Thái Lan tổ chức Hội nghị APEC 2022.
Nga sẽ được mời tham dự các cuộc họp của Khối Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) do Hoa Kỳ đăng cai vào năm tới, Reuters dẫn lời một quan chức Hoa Kỳ cho biết hôm 12/12.
Ông Matt Murray, một quan chức cấp cao của Mỹ tại APEC, cho biết với tư cách là “thành viên có trách nhiệm của APEC”, Hoa Kỳ sẽ mời Nga, một thành viên của khối 21 quốc gia.
Mối quan hệ giữa Washington và Moscow đã xấu đi đến mức tồi tệ nhất trong 60 năm kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào tháng 2, một hành động mà nước này biện minh là một “chiến dịch quân sự đặc biệt”, nhưng đã khiến các quốc gia phương Tây cũng như Singapore phải trừng phạt và lên án.
Tại một cuộc họp APEC do Thái Lan đăng cai tổ chức vào tháng 5, đại diện của Hoa Kỳ và một số quốc gia khác đã rời khỏi cuộc họp để phản đối các hành động của Nga ở Ukraine khi Bộ trưởng Kinh tế Nga Maxim Reshetnikov đang phát biểu.
Tổng thống Nga Vladimir Putin không tham dự hội nghị thượng đỉnh của nhóm G-20 ở Bali vào tháng trước bất chấp lời mời từ nước chủ nhà Indonesia, quốc gia đã chống lại áp lực từ các nước phương Tây trong việc hủy bỏ lời mời đối với nhà lãnh đạo Nga và thậm chí muốn trục xuất Nga khỏi khối này.
Ông Murray không cho biết liệu ông Putin có tham dự cuộc họp của các nhà lãnh đạo APEC vào năm tới tại San Francisco hay không. Phó Thủ tướng thứ nhất của Nga Andrei Belousov đã thay mặt ông Putin tại cuộc gặp các nhà lãnh đạo do Thái Lan tổ chức vào tháng trước.
TT Zelenskiy hội đàm với hàng loạt nguyên thủ quanh cuộc chiến Ukraine
12/12/2022
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và với các nhà lãnh đạo của Thổ Nhĩ Kỳ và Pháp vào Chủ nhật, theo Reuters.
Hàng loạt hoạt động ngoại giao được Tổng thống Ukraine thực hiện xoay quanh cuộc chiến do Nga phát động đang kéo dài sang tháng thứ 10.
"Chúng tôi liên tục làm việc với các đối tác," ông Zelenskiy nói trong bài phát biểu qua video hàng đêm, đồng thời cho biết thêm rằng ông mong đợi một số "kết quả quan trọng" vào tuần tới từ một loạt sự kiện quốc tế sẽ giải quyết tình hình ở Ukraine.
Mặc dù ông Zelenskiy đã có nhiều cuộc hội đàm với Biden, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan kể từ khi quân Nga xâm lược vào cuối tháng Hai, nhưng việc tổ chức các cuộc đàm thoại như vậy chỉ trong một ngày không phải là sự kiện thường xuyên.
Zelenskiy cho biết ông đã cảm ơn ông Biden vì sự giúp đỡ "về tài chính và quốc phòng chưa từng có" mà Hoa Kỳ đã cung cấp cho Ukraine. Ông cũng cho hay ông đã bàn với Tổng thống Hoa Kỳ về một hệ thống phòng không hiệu quả để bảo vệ người dân.
Trước đó, Zelenskiy nói rằng ông đã có một cuộc trò chuyện "rất có ý nghĩa" với ông Macron về "quốc phòng, năng lượng, kinh tế, ngoại giao" kéo dài hơn một giờ. Ông cũng có các cuộc đàm phán "rất cụ thể" với ông Erdogan về đảm bảo xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine.
Thổ Nhĩ Kỳ, đóng vai trò trung gian hòa giải trong các cuộc đàm phán hòa bình trong những tháng đầu của cuộc chiến, cũng đã hợp tác với Liên Hiệp Quốc trong một thỏa thuận ngũ cốc, mở cửa các cảng của Ukraine để xuất khẩu vào tháng 7 sau 6 tháng bị Nga phong tỏa.
Văn phòng của ông Erdogan cho biết nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào Chủ nhật, trong đó ông kêu gọi nhanh chóng chấm dứt xung đột.
Tuần trước, ông Putin nói rằng việc Moscow gần như mất hoàn toàn niềm tin vào phương Tây sẽ khiến một giải pháp cuối cùng về Ukraine khó đạt được, và cảnh báo về một cuộc chiến tranh kéo dài.
Ông Macron ủng hộ ngoại giao trong cuộc xung đột, nhưng những thông điệp không rõ ràng của ông rằng Kyiv phải quyết định khi nào đàm phán với Moscow, nhưng cũng cần đảm bảo an ninh cho Nga, đã khiến một số đồng minh phương Tây, Kyiv và các nước Baltic lo lắng.
Không có cuộc đàm phán hòa bình nào và không có dấu hiệu nào để kết thúc cuộc xung đột đẫm máu nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai, mà Moscow gọi là "chiến dịch quân sự đặc biệt" và Ukraine cùng các đồng minh là hành động xâm lược vô cớ.
Moscow không có dấu hiệu sẵn sàng tôn trọng chủ quyền và biên giới trước chiến tranh của Ukraine. Ng nói rằng bốn khu vực mà họ tuyên bố sáp nhập từ Ukraine vào tháng 9 là một phần của Nga "mãi mãi". Kyiv đã loại trừ khả năng nhường bất kỳ vùng đất nào cho Nga để đổi lấy hòa bình.
Trên chiến trường ở Ukraine, toàn bộ chiến tuyến phía đông đã liên tục bị pháo kích với các cuộc giao tranh ác liệt. Moscow cũng đang nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine bằng các đợt tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái. Nga cũng tấn công lưới điện, khiến hàng triệu dân thường ở Ukraine không có điện sưởi ấm vào mùa đông, khi nhiệt độ trung bình có thể xuống dưới 0 độ C.
Trung Quốc ngừng ứng dụng truy dấu COVID-19 khi nới lỏng các quy định về virus
Hôm thứ Hai (12/12), Trung Quốc cho biết sẽ gỡ bỏ ứng dụng được sử dụng để truy vết những người tiếp xúc với COVID-19, một cột mốc quan trọng trong việc nước này đang nhanh chóng từ bỏ các chiến lược Zero COVID gây tranh cãi.
Theo một bài đăng chính thức trên WeChat, ứng dụng “Thẻ hành trình liên lạc” do nhà nước quản lý, được sử dụng để theo dõi xem ai đó đã đến khu vực có nguy cơ cao hay chưa dựa trên tín hiệu điện thoại của họ, sẽ ngừng hoạt động vào lúc 12 giờ sáng thứ Ba (13/12) sau hơn hai năm hoạt động.
“Thẻ hành trình” từng đóng vai trò quan trọng trong chính sách Zero COVID của Trung Quốc, với hàng triệu người được yêu cầu nhập số điện thoại của họ để đi lại giữa các tỉnh hoặc tham gia các sự kiện.
Quyết định này được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Trung Quốc tuyên bố chấm dứt phong tỏa quy mô lớn, cách ly bắt buộc tại các cơ sở trung tâm và nới lỏng rộng rãi các biện pháp xét nghiệm, hướng tới từ bỏ chiến lược Zero COVID của nước này.
Các trường hợp được báo cáo chính thức ở nước này đã giảm mạnh từ mức cao nhất vào tháng trước, dù chuyên gia y tế hàng đầu Trung Quốc Chung Nam Sơn đã cảnh báo trên phương tiện truyền thông nhà nước hôm Chủ nhật rằng biến thể Omicron đang “lây lan nhanh chóng” khắp đất nước.
Ra mắt lần đầu tiên vào năm 2020 với hệ thống bốn màu khác nhau tùy thuộc vào mức độ phơi nhiễm COVID dự đoán của người dùng, “Thẻ hành trình” đã được điều chỉnh nhiều lần trước khi có thay đổi cuối cùng trong năm nay, rút ngắn thời gian theo dõi từ 14 xuống còn 7 ngày.
Đây chỉ là một trong số các ứng dụng theo dõi đã đang chi phối cuộc sống hàng ngày ở Trung Quốc trong suốt đại dịch. Hầu hết mọi người phải sử dụng “mã y tế” địa phương do thành phố hoặc tỉnh của họ điều hành để vào các cửa hàng và văn phòng. Trên mạng xã hội Trung Quốc, nhiều người cũng đã đặt câu hỏi về hàng núi dữ liệu được ứng dụng thu thập sẽ được xử lý như thế nào.
“Thẻ hành trình và các sản phẩm tương tự khác có nghĩa là một lượng lớn thông tin cá nhân và dữ liệu riêng tư”, một người dùng Weibo viết. “Mong sẽ có cơ chế, biện pháp đăng xuất và xóa cái này.”
Nhật Minh (theo AFP)
Tỷ phú Elon Musk nhắm mục tiêu vào vai trò của ông Fauci trong đại dịch COVID-19 ở Mỹ
Tỷ phú Elon Musk hôm Chủ nhật (11/12) đã nhắm mục tiêu vào quan chức hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Hoa Kỳ và cố vấn chính về phản ứng của Hoa Kỳ đối với đại dịch COVID-19, ông Anthony Fauci, trong một tweet lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội.
“Đại từ của tôi là Prosecute [truy tố, kết tội]/Fauci,” CEO Twitter cho biết, ám chỉ đến thông lệ chỉ định đại từ giới tính sau tên của một người của cánh tả, cũng như chiến dịch của cánh hữu buộc tội ông Fauci với các tội danh liên quan chính sách COVID-19 của Hoa Kỳ.
Ông Musk cũng đăng một meme trong đó ông Fauci nói với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden rằng, “Chỉ một lần phong tỏa nữa thôi, đức vua của tôi …”, một hành động chỉ trích rõ ràng đối với các biện pháp COVID-19 được triển khai ở nước này trong hơn một năm.
Đầu đại dịch, ông Musk đã tweet rằng mối lo ngại về virus là “ngu ngốc” và kể từ khi tiếp quản Twitter, ông đã loại bỏ chính sách “thông tin sai lệch về COVID-19”.
Dòng tweet của ông Musk nhanh chóng lan truyền, nhận được hơn 800.000 lượt thích trong khoảng 11 giờ, với nhiều bình luận trái chiều.
Nhà khoa học Peter Hotez đã kêu gọi ông Musk xóa dòng tweet, nói rằng, “200.000 người Mỹ đã mất mạng vì COVID một cách vô ích do kiểu nói năng và thông tin sai lệch phản khoa học này.”
Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Amy Klobuchar ca ngợi cách ông Fauci “bình tĩnh dẫn dắt đất nước của chúng ta vượt qua khủng hoảng” và nói với tỷ phú Musk rằng: “Liệu ông có thể tha cho một người đàn ông tốt trong cuộc tìm kiếm sự chú ý dường như vô tận của mình không?”
Nhưng ông Musk đã nhận được lời khen ngợi từ phe cánh hữu.
Nữ nghị sĩ đảng Cộng hòa Marjorie Taylor Greene, người từng bị đình chỉ khỏi Twitter nhưng tài khoản đã được khôi phục dưới thời Musk, đã tweet: “Tôi xác nhận đại từ của ông, Elon.”
Các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa đã cam kết sẽ trừng phạt ông Fauci khi họ nắm quyền kiểm soát Hạ viện vào tháng 1, sau nhiều lần đối đầu gay gắt với nhà miễn dịch học hàng đầu về vắc-xin COVID-19, quy định đeo khẩu trang và các vấn đề khác liên quan đến đại dịch.
Trước đó, ông Peter Navarro, cựu giám đốc về chính sách thương mại và sản xuất của Nhà Trắng, nói rằng hàng triệu người đã chết vì Tiến sĩ Anthony Fauci đã giấu thông tin về việc ông ta chấp thuận tài trợ cho nghiên cứu tăng cường chức năng [cho virus] năng tại Viện Virus học Vũ Hán.
Ông tiếp tục, “Sự dối trá lớn nhất [của ông Fauci] là không nói với Thượng nghị sĩ Rand Paul và Quốc hội về các thí nghiệm tăng cường chức năng.”
“Fauci phải biết. Fauci đã biết chính xác điều gì đang diễn ra. Ông ta giữ kín nó với chúng ta. Hàng triệu người – tôi không thể nhấn mạnh điều này quan trọng đến thế nào, nếu chúng ta đã được biết những gì chúng ta biết hiện nay – chúng ta có thể đã cứu được hàng triệu sinh mạng nếu tiến sĩ Fauci nói ra sự thật,” ông Navarro nói.
Tiến sĩ Fauci đã phản đối việc cựu Tổng thống Trump ban hành lệnh cấm du lịch đến Mỹ vào đầu tháng 1/2020, nhất mực khẳng định rằng lệnh cấm đi lại không tác dụng và khuyên TT Trump “đừng lo lắng” về virus corona.
Ngoài ra, ông Fauci còn bị chỉ trích về việc thúc đẩy và buộc trẻ em phải tiêm chủng, cũng như phớt lờ tác dụng của miễn dịch tự nhiên.
Ông Fauci, 81 tuổi, sẽ từ chức trong tháng này khỏi các vai trò trong chính phủ với tư cách là cố vấn y tế trưởng của TT Biden, đồng thời là giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia, nơi ông đứng đầu từ năm 1984.
Trong lần xuất hiện gần đây nhất tại Nhà Trắng vào tháng 11, ông Fauci đã chỉ trích sự gia tăng của những lời khuyên không tốt về sức khỏe trên mạng và cho biết điều khó khăn nhất mà ông phải đối mặt khi lãnh đạo cuộc chiến chống lại COVID-19 của Mỹ là sự phân cực của đất nước theo đường lối chính trị.
Lê Vy
Ngoại trưởng Đài Loan nói Trung Quốc đang tìm cớ mới để tấn công trong tương lai
Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan Joseph Wu
Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan Joseph Wu cho biết, chính phủ Đài Loan tin rằng Trung Quốc đang chuẩn bị tìm một cái cớ khác để thực hiện tấn công vào hòn đảo trong tương lai, theo The Guardian.
Trong cuộc phỏng vấn với tờ The Guardian ở Đài Bắc, ông Wu cho biết mối đe dọa quân sự của Trung Quốc đang “ngày càng nghiêm trọng hơn bao giờ hết”, với số lần máy bay chiến đấu xâm nhập khu vực phòng thủ của Đài Loan tăng gấp 5 lần kể từ năm 2020.
Hoạt động quân sự nghiêm trọng nhất của Trung Quốc là cuộc tập trận bắn đạn thật vào tháng 8, diễn ra sau khi Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ, bà Nancy Pelosi, đến thăm Đài Loan. Các quan chức Trung Quốc cho biết các cuộc tập trận là một loạt các chiến thuật phong tỏa mà một ngày nào đó họ sẽ thực sự sử dụng để chống lại Đài Loan.
Các nhà phân tích lưu ý rằng quy mô của các cuộc tập trận cho thấy chúng có thể đã được lên kế hoạch từ lâu và chuyến thăm của bà Pelosi chỉ đơn giản là cung cấp cho Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) một cái cớ chính trị.
“Và chúng tôi khá chắc chắn rằng Trung Quốc có thể muốn sử dụng một cái cớ khác để thực hành các cuộc tấn công chống lại Đài Loan trong tương lai. Vì vậy, đây là một mối đe dọa quân sự đối với Đài Loan,” ông Wu nói.
Ngoại trưởng Đài Loan cho biết không chỉ các nỗ lực quân sự của Trung Quốc đang gia tăng, mà còn là sự kết hợp của các loại áp lực khác, bao gồm cưỡng chế kinh tế, tấn công mạng, chiến tranh nhận thức và pháp lý, cũng như các nỗ lực ngoại giao nhằm cô lập Đài Loan trên trường quốc tế.
Với số lượng ngày càng nhiều các cuộc xâm nhập quân sự vào khu vực phòng không của Đài Loan – từ 380 máy bay chiến đấu của Trung Quốc vào năm 2020 lên hơn 1.500 chiếc trong năm nay – nguy cơ xảy ra sự cố ngày càng tăng và có thể dẫn đến leo thang. Những sự cố như vậy trong quá khứ đã được giảm bớt căng thẳng thông qua liên lạc xuyên eo biển, nhưng sau khi tổng thống hiện tại của Đài Loan Thái Anh Văn được bầu vào năm 2016, Bắc Kinh đã cắt đứt quan hệ chính thức.
Ông Wu cho biết Đài Loan trước đây đã duy trì một số đường dây liên lạc thông qua các doanh nhân và học giả Đài Loan, những người có “mối quan hệ tốt với phía Trung Quốc”. Tuy nhiên, kể từ khi ông Tập được tái bổ nhiệm nhiệm kỳ thứ ba tại Đại hội Đảng lần thứ 20, đã có một cuộc thanh trừng lớn trong hàng ngũ đảng và những cánh cửa đó đã đóng lại, ông Wu nói.
“Đó là bởi vì hệ thống chính quyền Trung Quốc đã trở nên quá độc tài. Nó không giống như ngày xưa khi các học viện thông thường có thể viết các khuyến nghị cho chính quyền trung ương và có thể liên lạc với những người ra quyết định quan trọng và cho chúng tôi biết suy nghĩ của các nhà lãnh đạo hàng đầu, những điều tương tự như vậy,” ông nói.
“Trong vài năm này, chúng ta thấy rằng giới học thuật Trung Quốc sợ nói những điều khác ngoài tuyên truyền của Trung Quốc. Và họ nói với chúng tôi một cách rất thẳng thắn rằng họ không còn kết nối với chính quyền trung ương nữa, hoặc ngay cả khi họ có thể kết nối với các cơ quan hành chính của chính phủ, thì các cơ quan đó dường như không còn được sự tin tưởng của lãnh đạo cao nhất nữa.”
“Ông ấy là nhà lãnh đạo tối cao và không có ai khác thách thức ông ấy lúc này,” ông Wu nói thêm.
Để đối phó với mối đe dọa xâm lược ngày càng tăng của Trung Quốc, chính phủ Đài Loan đã dành vài năm qua để thu hút sự ủng hộ quốc tế giữa “các nền dân chủ có cùng chí hướng”.
Ông Wu cho biết các cuộc tập trận được tiến hành sau chuyến thăm của bà Pelosi cũng nhằm mục đích đe dọa các chính phủ khác có thể hỗ trợ Đài Loan.
Bắc Kinh đã nhiều lần phản ứng quyết liệt đối với bất kỳ hành động nào có vẻ ủng hộ Đài Loan, bao gồm cả việc vũ khí hóa thương mại song phương, như họ đã làm với Litva khi nước này mở văn phòng đại diện chung với Đài Bắc. Trung Quốc cũng đã gây áp lực buộc một số quốc gia phải chuyển đổi hoàn toàn việc công nhận Đài Bắc, khiến chỉ còn 14 quốc gia trên thế giới làm như vậy.
Tuy nhiên, ông Wu cho rằng hành vi ngày càng hung hăng theo chủ nghĩa bành trướng của Bắc Kinh trong khu vực cho đến nay dường như chỉ khiến Trung Quốc bị cô lập hơn nữa và khuyến khích sự ủng hộ mạnh mẽ hơn đối với Đài Loan.
Khi các hạn chế về đại dịch được dỡ bỏ, Đài Loan đã chứng kiến sự gia tăng rõ rệt về số lượng các đoàn khách nước ngoài đến thăm. Một số nhóm của Hoa Kỳ đã đến thăm, và một phái đoàn quốc hội Anh đã gặp bà Thái vào tuần trước.
Ngân Hà (theo The Guardian)
Ngoại trưởng Ả Rập Xê Út: Không biết điều gì sẽ xảy ra nếu Iran sở hữu vũ khí hạt nhân
Bộ trưởng Ngoại giao Ả Rập Xê Út, Hoàng tử Faisal bin Farhan al-Saud tham dự Diễn đàn Doha ở thủ đô Qatar, hôm 26/3/2022. (Ảnh: Karim Jaafar/AFP/Getty Images)
Hôm Chủ Nhật (11/12), Ngoại trưởng Ả Rập Xê Út cho biết, các nước láng giềng của Iran ở vùng Vịnh sẽ phải hành động để củng cố an ninh nếu Tehran sở hữu vũ khí hạt nhân.
Các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Mỹ và Iran nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân năm 2015 đã bị đình trệ vào tháng 9. Washington đã rút khỏi thỏa thuận này vào năm 2018. Người đứng đầu cơ quan hạt nhân của Liên Hợp Quốc đã bày tỏ quan ngại về tuyên bố gần đây của Tehran rằng, nước này đang tăng cường năng lực làm giàu nhiên liệu.
Hoàng tử Faisal bin Farhan Al Saud cho biết trong một cuộc phỏng vấn tại thủ đô Abu Dhabi, thuộc Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, rằng: “Nếu Iran sở hữu vũ khí hạt nhân hoạt động được, không biết điều gì sẽ xảy ra”.
“Chúng ta đang ở trong một giai đoạn rất nguy hiểm…các quốc gia trong khu vực chắc chắn sẽ tìm cách đảm bảo an ninh cho mình”, ông nói.
Tiến trình đàm phán hạt nhân bế tắc khi các cường quốc phương Tây cáo buộc chính quyền Iran đưa ra những điều kiện vô lý; cùng với việc cuộc chiến Nga – Ukraine cũng đang thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế; và tình trạng bất ổn trong nước ở Iran sau cái chết của cô gái Mahsa Amini, 22 tuổi.
Mặc dù Riyadh vẫn “hoài nghi” về thỏa thuận hạt nhân Iran, ông Faisal cho biết, Ả Rập Xê Út luôn ủng hộ các nỗ lực khôi phục thỏa thuận này để có một thỏa thuận mạnh mẽ hơn với Tehran, “với điều kiện đó là điểm khởi đầu, không phải điểm kết thúc”.
Các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh do người Hồi giáo Sunni thống trị đã thúc đẩy một thỏa thuận mạnh mẽ hơn nhằm giải quyết những lo ngại của họ về chương trình tên lửa và máy bay không người lái (UAV) của Iran, đất nước nằm dưới sự quản lý của người Hồi giáo Shi’ite, cũng như mạng lưới các lực lượng ủy nhiệm trong khu vực.
Ông Faisal nói: “Thật không may, các dấu hiệu hiện tại không được tích cực cho lắm. Chúng tôi nghe người Iran nói rằng, họ không quan tâm đến chương trình vũ khí hạt nhân, thật thoải mái khi tin vào điều đó. Chúng tôi cần chắc chắn hơn ở cấp độ đó”, ông nói.
Chính quyền Iran nói rằng công nghệ hạt nhân của họ chỉ phục vụ cho mục đích dân sự.
Ngày 10/12, một quan chức cấp cao của Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất nói rằng, đang có cơ hội xem xét lại “toàn bộ khái niệm” về thỏa thuận hạt nhân khi Iran trở thành tâm điểm chú ý một lần nữa vì bị phương Tây cáo buộc cung cấp máy bay không người lái cho Nga để sử dụng ở Ukraine.
Chính quyền Iran và Điện Kremlin đã phủ nhận các cáo buộc này.
Hungary ngáng đường EU mở rộng trừng phạt Nga
Ukraine một lần nữa là trọng tâm của cuộc họp 27 ngoại trưởng EU tại Brussels vào thứ Hai. Các nhà lãnh đạo quốc gia cũng sẽ họp vào cuối tuần. Khối này đang xem xét gói trừng phạt thứ 9 lên Nga, bổ sung gần 200 cá nhân và 3 ngân hàng vào danh sách đen. Ngoài ra họ cũng muốn gửi 18 tỷ euro (19 tỷ đô la) viện trợ tài chính cho Ukraine.
Nói thì dễ hơn làm. Cả lệnh trừng phạt và viện trợ đều phải được tất cả chính phủ EU thông qua. Nhưng Hungary với thủ tướng chuyên quyền Viktor Orban đã đe dọa phủ quyết cả hai trừ khi Brussels giải ngân hàng tỷ euro tài trợ cho nước ông vốn đang bị EU tạm giữ do lo ngại về tình trạng tham nhũng và tình trạng độc lập của hệ thống tư pháp. Các cuộc gặp tới đây sẽ là cơ hội cho các lãnh đạo EU cố gắng thuyết phục ông Orban ký một thỏa thuận, hoặc tìm cách bỏ qua Hungary, có thể bằng cách áp dụng trừng phạt và viện trợ không qua EU. Dù thế nào thì cuộc họp thượng đỉnh cũng hứa hẹn sẽ có căng thẳng.
Tổng thống Mexico muốn cải cách các quy định bầu cử
Sau khi gây ra biểu tình lớn nhất kể từ khi Andrés Manuel López Obrador lên làm tổng thống vào giữa tháng 11, gói cải cách bầu cử đầy tranh cãi của Mexico sẽ được Thượng viện Mexico tranh luận và xem xét thông qua trong tuần này. Gói này được hạ viện gấp rút thông qua vào tuần trước, và sẽ làm suy yếu cơ quan bầu cử của Mexico, INE, bằng cách cắt giảm ngân sách và hạn chế bớt quyền trừng phạt các hành vi vi phạm luật bầu cử. Các quy định về vận động và tuyên truyền đối với công chức cũng sẽ được nới lỏng.
Mặc dù ông López Obrador không còn yêu cầu cải cách hiến pháp như ý định ban đầu (do thiếu 2/3 đa số cần thiết trong quốc hội), bất kỳ đòn đánh nào nhắm vào INE cũng sẽ là một chiến thắng cho ông. Bấy lâu nay ông đã cáo buộc — bất chấp mọi bằng chứng — rằng ông thất cử vào các năm 2006 và 2012 là vì cơ quan này chứng thực các kết quả gian lận. Nhìn chung cải cách mới sẽ không có ích cho Mexico. Còn nhớ nền cai trị độc đoán của Đảng Cách mạng Thể chế kết thúc vào năm 2000, sau bảy mươi năm, chính nhờ vào các thiết chế bầu cử được xây dựng một cách tỉ mỉ trong quá trình dân chủ hóa Mexico.
Nhiều ngành nghề của Anh lên kế hoạch đình công
RMT, một tổ chức công đoàn đại diện cho công nhân ngành vận tải của nước Anh, có kế hoạch tổ chức 5 lần đình công nữa trong tháng tới. Các thành viên của RMT nhiều khả năng sẽ không chấp nhận lời đề nghị lương mới nhất từ giới chủ trong cuộc bỏ phiếu kết thúc vào thứ Hai; được biết công đoàn đã khuyến khích họ bỏ phiếu phản đối.
Tình trạng bất ổn lao động đang lan rộng khắp nước Anh. Các y tá sẽ đình công lớn nhất từ trước đến nay vào ngày 15 và 20 tháng 12. Còn các nữ hộ sinh sẽ quyết định vào thứ Hai xem có nên đình công hay không. Một số công chức, nhân viên xử lý hành lý tại sân bay Heathrow, và nhân viên an ninh Eurostar cũng đình công trong tuần này. Tháng 12 năm 2022 dường như sẽ trở thành tháng bất ổn nhất ở Anh kể từ năm 1989. Lạm phát hai con số đang là thủ phạm khiến người lao động phải đòi tăng lương cho phù hợp với sinh hoạt phí, trong khi nền kinh tế nói chung suy thoái.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét