Bài phân tích của Nguyễn Phương
02/11/2022
Một người bán hàng ngồi tại cửa hàng của minh nơi có treo các lá cờ giữa đống hàng hóa ở Thái Bình năm 1998. /AFP
Có lẽ không phải tình cờ khi chỉ 20 năm sau sự kiện nông dân Thái Bình nổi dậy chống lại ách “sưu cao thuế nặng”, thì vào năm 2007, nguyên nhân của sự biến đó đã lặp lại gần y hệt, trên diện rộng hơn rất nhiều.
Năm 2007, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam tiến hành điều tra ở 135 xã và 117 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp của 46 tỉnh, thành. Họ phát hiện một điều cực kỳ mới, mới y như châu Mỹ vậy: ngoài các khoản phí, lệ phí theo quy định của Nhà nước, nông dân còn phải nộp 30-50 khoản phí khác không nằm trong danh mục, chủ yếu do chính quyền địa phương đặt ra.
25 năm sau, số khoản phí nông dân phải đóng từ 31 khoản tăng lên 50 khoản
Năm 1997, tại chảo lửa Thái Bình, số khoản thu “chỉ” là 31 khoản. Một gia đình năm người cấy 7,5 sào ruộng thu được 3,6 triệu đồng/năm. Tính ra họ chỉ có thu nhập 1.970 đ/ngày từ cây lúa.
20 năm sau, vẫn ngay tại Thái Bình, theo tính toán của chính người nông dân Thái Bình, tình hình còn tệ hơn: họ chỉ có thu nhập chưa đầy 1.500 đ/ngày từ cây lúa!
Ông Nguyễn Văn Trãi ở làng Vị Thủy, xã Thái Dương, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình tính toán kỹ lưỡng cho một sào (Bắc Bộ) lúa như sau: phân đạm, thuốc trừ sâu, diệt cỏ hết 100.000đ, thuê máy cày bừa 50.000đ, giống 20.000đ, tuốt lúa 10.000đ. Tổng cộng chi phí để được thu hoạch một sào lúa mất 180.000 đồng. Một sào năng suất trung bình được 1,5 tạ thóc, tính theo giá thị trường thì trị giá 375.000đ. Trừ chi phí còn lại 195.000đ. Tiếp tục nộp cho HTX 40.000đ, còn lại 155.000đ. Mỗi khẩu có 1,7 sào lúa, thì lãi được 260.000đ. Mỗi năm có hai vụ lúa, như vậy, mỗi khẩu trồng lúa tính thu được 520.000đ.
Với con số này, chia ra cho 356 ngày, ra được thu nhập chưa đầy 1.500đ/ngày như trên. Đấy là chưa kể sâu bệnh, hạn hán hoặc thiên tai dẫn đến mất mùa.
Anh Phạm Văn Bần ở huyện Thái Thụy tính, mỗi sào lúa (sào Bắc Bộ bằng … m2), anh phải nộp riêng cho HTX 16 kg thóc. Nhà nào cấy một mẫu-vỏn vẹn đã phải nộp đi 1,6 tạ thóc.
Thế nhưng “đấy vẫn chưa phải là cao”, vì chỉ tính riêng phí thủy lợi, nông dân ở xã Chí Hòa, huyện Hưng Hà đã phải đóng cho HTX tới 21,37 kg thóc/sào. Tổng cộng có mười mấy khoản thu khác nữa, nông dân xã này phải đóng vài chục kg thóc/sào. Gấp khoảng vài lần ở Thái Thụy.
Vẫn theo kết quả điều tra của Bộ Nông nghiệp, các khoản bắt buộc theo quy định của nhà nước trung ương và địa phương (tỉnh, huyện) như các Quỹ an ninh quốc phòng, Đền ơn đáp nghĩa, Chăm sóc trẻ em, Phòng chống thiên tai, Giao thông nông thôn, … Ngoài ra còn có các khoản phí khác:
-Dịch vụ bảo vệ thực vật.
-Thú y.
-Phát triển sản xuất.
-Thủy lợi nội đồng.
-Bảo vệ đồng điền.
-Chuyển giao khoa học kỹ thuật.
-Diệt chuột.
-Điều hành phòng chống bão lụt.
-Nạo vét kênh mương.
-Công điều hành của trưởng thôn.
-Sửa chữa trạm bơm, cống đập.
-Đại hội xã viên.
-Kiểm kê.
-Quản lý hợp tác xã.
-Tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa.
-Tổ chức lễ hội.
-Xây dựng nhà trường.
-Liên hoan nông dân tập thể.
-Liên hoan ngày thiếu nhi.
-Liên hoan ngày Quốc khánh.
-Liên hoan ngày Phụ nữ.
-Liên hoan Trung thu
…
Các quỹ gồm:
-Quỹ Khuyến học.
-Xóa nhà tranh tre.
-Ngói hóa.
-Chữ thập đỏ.
-Hỗ trợ người dân bị thiên tai.
-Xóa đói giảm nghèo.
-Xóa nhà tạm.
-Y tế giáo dục.
-Vệ sinh môi trường.
-Ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/
-Xây dựng nhà văn hóa thôn xóm.
-Xây dựng nghĩa trang.
-Xây dựng cống rãnh thoát nước vệ sinh.
-Công điền.
-Quỹ người nghèo.
-Quỹ thăm thầy cô giáo.
-Quỹ hội phụ huynh học sinh
…v.v
Chuyện lạm thu không riêng nơi nào. Ở huyện Phú Tân, huyện Thoại Sơn tỉnh An Giang, người dân nói mỗi năm họ phải đóng ít nhất hai triệu đồng cho tất cả các loại phí ở địa phương.
Các phí và quỹ này thường do xã, thậm chí có nơi là thôn-quy định, người dân chỉ biết chấp hành. Về nguyên tắc là tự nguyện, nhưng thực tế thì nó được thực hiện theo chỉ tiêu, gần như bắt buộc dân đóng góp. Chính quyền xã, thôn còn có luật bất thành văn là nếu gia đình nào không nộp đủ tất cả các khoản thuế thì bị từ chối ký giấy tờ.
Người dân sống ở nông thôn có rất nhiều thứ giấy tờ làm ở xã như khai sinh, khai tử, xác nhận độc thân để đăng ký kết hôn, xác nhận có hộ khẩu tại địa phương (cho những người đi học hay đi làm ăn xa)… Xã không ký thì không hoàn tất được hồ sơ, không được đi học, đi làm, đi xuất khẩu lao động…
Thậm chí như ở thị xã Nghĩa Lộ, huyện Mường Lò, tỉnh Điện Biên, nhiều gia đình không làm được giấy khai sinh cho con, không làm được hộ khẩu (thời hộ khẩu còn rất quan trọng, có nó mới mua được nhà, cho con đi học, xin việc làm Nhà nước và rất nhiều thứ khác…). Do vậy, có những người phải vay nợ hoặc bán thóc lúa khẩu phần lương thực để có tiền đóng cho xã. Có nơi như xã Tân Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, không một ai được miễn giảm các loại phí do lãnh đạo xã đặt ra, kể cả em bé sơ sinh, người khuyết tật thiểu năng không tự nuôi được bản thân, con của thương binh bị nhiễm chất độc hóa học… Có nơi thì chỉ trừ người trên 72 tuổi và trẻ dưới sáu tháng tuổi, còn lại phải đóng đều như tất cả.
Tỷ lệ đóng góp cao nhất chiếm tới 18% thu nhập của hộ trung bình trong xã.
Việc thu chi và sử dụng các loại quỹ, bây giờ được gọi gộp vào là Quỹ xây dựng Nông thôn mới (chủ yếu vẫn chi cho điện-đường-trường-trạm…), như cách đây hàng chục năm- vẫn hoàn toàn do các lãnh đạo thôn và xã tự biết với nhau. Quy chế dân chủ ở cơ sở ra đời được Bộ Chính trị khẩn cấp ban hành sau sự biến Thái Bình 1997 đến nay đã được 25 năm và mới nâng cao hiệu lực thành Luật. Trong đó nhấn mạnh quyền được biết, được bàn, được kiểm tra giám sát của người dân.
Thế nhưng luật pháp chỉ tồn tại trên giấy. Như ở xã Tân Lỵ, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, người dân đã phát hiện một tuyến đường giao thông nông thôn được xây dựng từ nguồn đóng góp của dân, thực tế chỉ dài 590 mét nhưng qua hợp đồng xây dựng của chủ đầu tư là UBND xã và nhà thầu đã bị kê khống lên thành hơn 1.000 mét.
Có thể tìm thấy những ví dụ như thế ở bất cứ đâu, bất cứ thời điểm nào. Nó phổ biến đến nỗi không còn là hiện tượng bất thường để báo chí hay dư luận phải để ý nữa.
Với những thực tế đã và đang diễn ra ở nông thôn Việt Nam, việc lạm thu và kê khống giá trị xây dựng dường như đã thành nguyên tắc số một của cuộc đời làm cán bộ. Không được lạm thu, không được kê giá, không được làm giàu từ tiền dân thì rất nhiều cán bộ thôn xã sẽ không chịu làm việc.
Với cách điều hành đó, mỗi cấp xã, thôn… không khác gì những kẻ thu xâu, còn người dân là tá điền cho những ông chủ rất hay phát biểu lời hay ý đẹp.
Đến đây, câu hỏi tất yếu phải đặt ra là: Tại sao người dân vẫn chịu đựng tất cả những áp bức đó của tầng lớp cường hào mới mà không nổi dậy lần nữa như Thái Bình 1997?
Một người nông dân đi qua cánh đồng lúa ở Thái Bình hôm 6/7/2005. Reuters
Nông thôn rỗng
Đó là vì, nông thôn bây giờ không còn như năm 1997.
Nông thôn bây giờ là vùng rỗng. Làng rỗng, vùng rỗng, theo khái niệm của GS.TS Trần Đức Viên, nguyên Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Thu nhập từ cây lúa quá thấp (đối với hầu hết vùng lúa miền Bắc và miền Trung) khiến nông dân không sống được nên họ không còn thiết tha với ruộng đất. Qua nhiều thế hệ, các gia đình cố gắng nuôi con học hành để có nghề nghiệp tốt hơn nhằm thoát ly nghề nông ngay khi có thể. Hầu hết những người con học đại học hoặc cao đẳng tại đô thị đều cố gắng ở lại thành phố để lập nghiệp. Họ nhịn ăn nhịn mặc, dành dụm gửi tiền về cho cha mẹ và em sinh sống, nuôi em học hành để tiếp tục theo con đường của chính mình.
Những người không có điều kiện hay khả năng học cao đẳng đại học thì lên thành phố học nghề hoặc buôn bán tự do. Ít nhất cũng là bán vé số. Tỉnh Phú Yên nổi tiếng ở TP HCM là địa phương có nhiều người đi bán vé số nhất trong cả nước. Nghệ An, Hà Tĩnh là những nơi có số thanh niên đi làm công nhân tại miền Nam đông nhất. Nhiều tỉnh miền Tây như Trà Vinh, Sóc Trăng… có những thôn xóm không còn người ở, đại gia đình ba bốn thế hệ đều đã chuyển đến các khu công nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai… ở trọ và làm công nhân.
Lên thành phố làm công nhân là con đường luôn sẵn sàng cho các lớp thanh niên làng quê. Lương công nhân khoảng bảy, tám triệu đồng/tháng, mỗi tháng cũng đong được cả tấn thóc. Hai anh em đi làm công nhân, gửi về quê năm triệu đồng/tháng là đủ cho cả gia đình ở quê sống và nuôi em út đi học, còn trước kia ở quê cả nhà làm bảy sào lúa thì năm nhân khẩu chật vật lắm mới đủ ăn (chuyện của chị Nguyễn Thị Hương, xã Mỹ Đức, Hà Nội). Câu chuyện này đại diện cho đời sống nông thôn toàn Việt Nam hiện tại.
Tất cả đều dẫn đến con đường ly nông, ly hương.
Và gần như tất cả những người trẻ xa quê đều có cùng mục đích là bám trụ lại thành phố và đưa được em út, cha mẹ lên thành phố sống cùng khi đủ tài chính, hoặc khi cha mẹ đã già.
Vì thế, làng quê hầu như không còn nhân lực trong độ tuổi lao động. Trên khắp ba miền, còn ở lại nông thôn hầu hết là người già. Họ chỉ làm ruộng vườn sơ sơ, chủ yếu lấy gạo ăn và nuôi cháu cho con cái đi làm ở xa. Mỗi mùa thu hoạch, các vùng quê đều cực kỳ thiếu lao động. Nhưng do giá đầu tư cao, kết quả thu hoạch thấp, làm dễ lỗ nên người dân cứ thế bỏ đất hoang, thậm chí có nơi cho mượn không cũng chẳng ai nhận làm. Mua gom đất để tích tụ, làm nông quy mô lớn thì ít có nông dân nào đủ tiềm lực.
TS Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), cho biết theo khảo sát của viện trong giai đoạn 2016-2017, tại tỉnh Thái Bình có khoảng 30% nông dân bỏ ruộng hoang hoặc cho mượn đất nông nghiệp.
Không còn đau đáu với đất đai và quê hương. Nếp sống gần gũi, chia sẻ, cố kết của nông thôn cũng không còn hiển nhiên, sâu sắc như trước, khi các gia đình vừa quá ít người vừa không còn nhiều điểm chung. Do vậy, khi áp lực công khai của việc lạm thu hay các chính sách trái khoáy chỉ biểu hiện ra ở việc bắt đóng mấy triệu đồng/năm thì nhiều người tặc lưỡi “Để con gởi tiền về cho ba nộp xã” cho xong. Đất bỏ hoang cũng được, cứ giữ đó, nếu thất thế ở thành thị thì về quê cắm câu. Hoặc nếu đã chắc chân ở thành thị thì chờ cơn sốt quét qua địa phương mình rồi bán. Quyền lợi và mục đích đã khác nhau nhiều nên chẳng ai nghĩ đến việc đứng ra tổ chức, bàn bạc, cùng nhau đi kiện để chống lạm thu, chống các chính sách bất công, chống cường hào mới, nếu không kiện được thì biểu tình quyết liệt… như Thái Bình xưa kia.
Trừ khi chính sách của Nhà nước đụng chạm trực tiếp đến quyền lợi lớn nhất của họ, như quy hoạch, giải tỏa, đền bù… mảnh đất đang sinh sống và canh tác. Lúc ấy dân sẽ bỏ hàng chục năm cơm đùm cơm nắm ra tận thủ đô, quyết liệt lăn xả vào cản đầu xe các vị lãnh đạo cao nhất để kêu kiện. Thậm chí, nổ súng, gài mìn như vụ nông dân Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng.
Thế cho nên dù tỷ lệ khiếu kiện của người dân liên quan đến đất đai vẫn rất cao, chiếm đến 70%, nhưng điều kiện để nổ ra một cuộc biểu tình rộng khắp như Thái Bình 1997 có lẽ đã không còn.
Đó tuyệt nhiên không phải là kết quả của 25 năm thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Ngược lại, nó chính là sự bất mãn và bất lực đã đến mức cực độ với đại diện chính quyền ở nhiều nơi, đến nỗi người dân không tin vào bất cứ cấp chính quyền nào nữa. “Tao cho mày ăn trong mức độ, nhưng quá giới hạn, tự tao sẽ xử mày”-nhiều người dân đã tự nhủ, và đã làm như thế.
Người nông dân thu hoạch lúa trên cánh đồng ngay cạnh những tòa nhà chung cư đang xây lên ở ngoại thành Hà Nội hôm 3/6/2013. AFP
Từ ngọn lửa biến thành đàn mối
Nếu năm 1997 Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn cảnh báo những người lãnh đạo địa phương rằng ngọn lửa của sự bất bình từ người dân đang cháy lên ngay dưới những chiếc ghế của họ, thì bây giờ đó sự bất mãn đã biến thành những con mối. Không biểu hiện ra bên ngoài nhưng chúng âm thầm ăn ruỗng nát trụ đỡ của lòng dân vào tất cả các thiết chế cao nhất.
Ông Nguyễn Thế Trung, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng ban thường trực Ban Dân vận Trung ương kể lại: “Khi nghe báo cáo về cuộc Khảo sát Xã hội học về sự kiện Thái Bình, do người viết báo cáo trình bày, đồng chí Phạm Văn Đồng (thời điểm đó ông Đồng là cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng-NV) đã không đồng tình khi người báo cáo trình bày rằng: “Ở đây không có chuyện địch ta, mà chỉ là mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân”. Ông (Phạm Văn Đồng) yêu cầu chỉnh lại: “Đây là mâu thuẫn giữa một bên là những người cầm quyền hư hỏng, thoái hóa biến chất đè nén, áp bức để dân không còn chịu được nữa, và bên kia là người dân phải vùng dậy đấu tranh. Có phân tích như vậy mới tìm ra được giải pháp đúng”!
Nhưng đến thời điểm này, theo tôi, ông Đồng mặc dù nói đúng, nhưng chưa đủ. Nếu suốt 25 năm trời mà những người cầm quyền vẫn hư hỏng, vẫn thoái hóa, biến chất, đè nén, áp bức… khiến cho nông dân chán ngán ruộng đất, bỏ hoang ruộng đất, thậm chí bỏ cả quê hương… thì đó không chỉ là lỗi thuộc về những cá nhân cụ thể nữa. Đó đã là khiếm khuyết trầm trọng của hệ thống. Không thể giải quyết nó bằng việc hòa giải, lắng nghe, xoa dịu… giữa những người lãnh đạo với người đi khiếu kiện nữa, mà phải thay đổi toàn diện và triệt để chính sách đất đai và phương thức hoạt động của hệ thống quản lý chính quyền địa phương.
____________
Tham khảo:
https://cand.com.vn/Phong-su-tu-lieu/Hat-thoc-nhoc-nhan-cong%E2%80%A6-phi()-i48976/
https://vtv.vn/trong-nuoc/quang-binh-thanh-tra-cac-dia-phuong-sai-pham-trong-xay-dung-ntm-20141109105808941.htm
http://www.baoyenbai.com.vn/211/33359/Mot_hat_thoc_Cong_tren_vai__49_loai_phi.htm
https://www.iwem.gov.vn/vn/dong-gop-xay-dung-nong-thon-moi--lam-thu-hay-tu-nguyen-_596.html
https://nld.com.vn/thoi-su/lam-thu-tien-nong-thon-moi-20180603223930785.htm
https://dantri.com.vn/xa-hoi/hoa-mat-voi-nhung-khoan-thu-la-20150817070434377.htm
https://laodong.vn/xa-hoi/ha-tinh-can-bo-thon-tra-lai-nhung-khoan-lam-thu-trong-xay-dung-nong-thon-moi-621654.ldo
https://nhandan.vn/chinh-sach-nao-cho-dat-ruong-bi-bo-hoang-post696640.html
https://tuoitre.vn/nong-dan-mien-tay-bo-ruong-vi-phan-bon-20220518230542438.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét