Thứ Tư, 7 tháng 12, 2022

Việt Nam : USCIFR: Vi phạm tự do tôn giáo ở Việt Nam đang diễn ra một cách 'hệ thống' và 'nghiêm trọng'

BBC News

07/12/2022

Các tu sĩ tại tang lễ Thầy Thích Nhất Hạnh ngày 29/01/2022

Nguồn hình ảnh, Getty Images/ Chụp lại hình ảnh, 

Các tu sĩ tại tang lễ Thiền sư Thích Nhất Hạnh ngày 29/01/2022

Theo Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) thì các vi phạm tự do tôn giáo ở Việt Nam đang diễn ra một cách 'mang tính hệ thống' và 'nghiêm trọng'.

Ngày 02/12, Mỹ đã đưa Việt Nam vào 'Danh sách Theo dõi Đặc biệt' (Special Watch List) vì những vi phạm nghiêm trọng về quyền tự do tôn giáo. 

'Danh sách Theo dõi Đặc biệt' (Special Watch List) là mức độ nghiêm trọng thứ hai sau 'Danh sách Quan ngại Đặc biệt (Countries of Particular Concern). 

Trong một tuyên bố gửi đến BBC News Tiếng Việt ngày 06/12, ông Frederick A. Davie, Đặc phái viên từ Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) nói: 


"USCIRF hoan nghênh tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Việt Nam vào Danh sách Theo dõi Đặc biệt (SWL). Tuy nhiên chúng tôi vẫn còn quan ngại về các vi phạm tự do tôn giáo mang tính hệ thống, nghiêm trọng, vẫn đang diễn ra. Kể từ năm 2002, USCIRF hằng năm khuyến nghị đưa Việt Nam vào Danh sách Quan ngại Đặc biệt (Countries of Particular Concern - CPC)."

'Hệ thống' và 'nghiêm trọng'

Bộ Ngoại giao Mỹ lần đầu tiên đưa Việt Nam vào 'Danh sách Quan ngại Đặc biệt' vào năm 2004 .

Theo USCIRF thì "Vào ngày 15 tháng 9, 2004, Đại Sứ Lưu Động Hanford thông báo đưa Việt Nam vào danh sách CPC. Khi phát biểu trong cuộc họp báo, ông nêu một số lý do chính yếu: tù nhân tôn giáo, đóng cửa những cơ sở thờ phụng, ép buộc cải đạo, và đánh đập hay giết chết các tín đồ tôn giáo. Ông cũng bày tỏ quan ngại về việc ngược đãi các dân tộc thiểu số và cộng đồng tôn giáo, kể cả các tín đồ Tin Lành và Phật Giáo."

Sau đó vào năm 2006, sau 26 tháng, Việt Nam đã được đưa khỏi danh sách CPC với đánh giá "Việt Nam không còn là một nước được xem là vi phạm nghiêm trọng tự do tôn giáo", Mỹ khi đó đã đồng ý mở lại Đối Thoại Nhân Quyền với Việt Nam. 

Ông Frederick A. Davie nói thêm với BBC News Tiếng Việt: 

"Kể từ khi đó [2006] thì USCIRF đã bất đồng với Bộ Ngoại giao Mỹ về việc [đưa Việt nam ra khỏi danh sách CPC] này. Tuy nhiên thì việc đưa vào Danh sách Theo dõi Đặc biệt (SWL) cho thấy mối quan tâm ngày càng tăng của chính phủ Mỹ liên quan đến các vấn đề vi phạm tự do tôn giáo ở Việt Nam trong các năm qua." 

"USCIRF tiếp tục kêu gọi chính phủ Mỹ cùng tham gia với chính phủ Việt Nam cải thiện các điều kiện tự do tôn giáo, bao gồm khuyến nghị chỉnh sửa Luật tín ngưỡng, tôn giáo và thực thi sắc lệnh tuân theo các chuẩn mực quốc tế, bao gồm việc đăng ký đơn giản hơn mà tính lựa chọn."

Người dân tại một ngôi chùa ở Hà Nội

Nguồn hình ảnh, Getty Images/ Chụp lại hình ảnh, 

Bộ Ngoại giao Mỹ lần đầu tiên đưa Việt Nam vào 'Danh sách Quan ngại Đặc biệt' vào năm 2004 

Cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa có phản hồi chính thức nào liên quan đến việc bị Mỹ đưa vào 'Danh sách Theo dõi Đặc biệt' vào ngày 02/12 vì vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo.

Thay vào đó, truyền thông Việt Nam ngày 05/12 chỉ nhắc lại chiến lược "diễn biến hòa bình" và nêu, "đối với Việt Nam, những năm qua, tôn giáo là một trong những nội dung chiến lược được các thế lực thù địch, phản động triệt để lợi dụng nhằm gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tiến tới xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta."

Trước đó, vấn đề tự do tôn giáo đã được hai phía Việt Nam và Mỹ đề cập trong Đối thoại Nhân quyền lần thứ 26 diễn ra tại Hà Nội vào ngày 02/11. 

Theo tuyên bố, Mỹ khẳng định "thúc đẩy nhân quyền là một yếu tố cần thiết trong chính sách ngoại giao của Mỹ và đóng vai trò cốt lõi trong sự tham gia của chúng tôi đối với Việt Nam dựa theo Quan hệ Đối tác Toàn diện. Chúng tôi cam kết tiếp tục các cuộc thảo luận thẳng thắng và dựa trên kết quả với chính phủ Việt Nam về những vấn đề này."

Hệ quả nào có thể xảy ra?

Người dân tại chùa Trấn Quốc tại Hà Nội

Nguồn hình ảnh, Getty Images/ Chụp lại hình ảnh, 

Người dân tại chùa Trấn Quốc tại Hà Nội

Vào tháng 10/1998, Mỹ đã thông qua Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế (International Religious Freedom Act of 1998 - IRFA) nhằm ưu tiên tự do tôn giáo trong chính sách đối ngoại. 

Mỹ đã ký thông qua Đạo Luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Frank Wolf vào năm 2016. 

Theo Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế (IRFA) thì Tổng thống Mỹ được yêu cầu mỗi năm xem xét tình trạng tự do tôn giáo ở mỗi nước và ấn định mỗi quốc gia có tham gia hoặc chấp nhận "những vi phạm tự do tôn giáo nghiêm trọng" hay không.

Ủy Ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) là một đơn vị tham vấn độc lập, lưỡng đảng cho chính phủ, giám sát tự do tôn giáo trên toàn thế giới và khuyến nghị chính sách cho tổng thống, ngoại trưởng, và quốc hội Mỹ. 

Theo USCIRF thì dựa theo Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế (IRFA), có các lựa chọn hành động ngoại giao nhằm vào những quốc gia chưa bị đưa vào 'Danh sách Quan ngại Đặc biệt' (CPC), bao gồm các nước bị đưa vào 'Danh sách Theo dõi Đặc biệt' (SWL) như sau: 

Cấm visa nhập cảnh Mỹ đối với các quan chức chính phủ nước chịu trách nhiệm trực tiếp hoặc thực hiện các vi phạm tự do tôn giáo nghiêm trọng

Cấm nhập cảnh hoặc sở hữu các tài sản tại Mỹ đối với những công dân nước ngoài có liên quan đến tham nhũng hoặc vi phạm nhân quyền, bao gồm vi phạm tự do tôn giáo

Bộ Ngoại giao Mỹ được yêu cầu, cứ mỗi 180 ngày, nộp cho Quốc hội Mỹ danh sách những cá nhân bị cấm visa hoặc bị trừng phạt về tài chính, hoặc các biện pháp khác vì có vi phạm nghiêm trọng về tự do tôn giáo

https://www.bbc.com


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét