Thứ Năm, 8 tháng 12, 2022

Vụ tập kích Sơn Tây Phần 15

Nguyên bản tiếng Anh: The Raid

Nhà xuất bản: Harper - Row Publishers Tác giả: Benjamin F.Schemmer

Người dịch: Lê Trọng Bình - Lâm Hải Hồ 

P15

Tổng thống ngẩng đầu lên nói: “Thật là tuyệt diệu, đầy đủ chi tiết, không có gì thừa. À! Tôi biết là các anh đang chờ quyết định tối hậu càng sớm càng tốt, và tôi dự định sẽ quyết định sớm.

Nhưng thời hạn chót mà anh có thể đợi được là bao nhiêu ngày nữa, mà không làm rắc rối thêm cho Manor?”.

Moorer hy vọng rằng đôi mắt của ông ta không phản lại ý nghĩ băn khoăn lo ngại trong đầu. Mặc dù ông ta biết là Tổng thống sẽ đơn phương quyết định việc này nhưng ông ta cũng muốn nhìn xem thử Kissinger, Haig hoặc Laird có bộc lộ cảm nghĩ gì khác không. Nhưng câu hỏi vừa rồi của Tổng thống có vẻ như muốn kéo dài thời gian chờ đợi thêm nữa, nhưng theo ông ta thì không nên trì hoãn quá lâu. Đây là một công tác chưa từng có và sôi động. Vì lẽ đó Moorer thận trọng trả lời Tổng thống: “Thưa Tổng thống nếu chúng ta không thi hành kịp vào giai đoạn thời tiết tốt sắp tới thì phải chờ đến tháng 3 sang năm là thời điểm sớm nhất mới có thể thi hành được. Trong vùng khu vực mục tiêu mỗi năm chỉ 4 hoặc 5 lần tuần trăng mật và thời tiết phối hợp thuận lợi nhất. Như Tổng thống đã biết chúng ta vừa mới bỏ qua một thời điểm vào ngày 21 tháng 10. Nếu lần này chúng ta quyết định cho xuất phát công tác, tôi sẽ gửi ngay một công điện trong vòng 24 giờ để chỉ thị cho phép thi hành. Tướng Manor và đại tá Simons hiện nay đang ở Thái Lan, sẵn sàng lên đường”.


Moorer giải thích thêm về một vấn đề rắc rối: “Đối với loại công tác này thì vào phút chót cần có sự phối hợp hành động của nhiều cơ quan như tàu hải quân, các máy bay, nhân sự, các công tác trinh sát đặc biệt, các toán tìm kiếm và cấp cứu trong trường hợp có thất lạc. Để phối hợp nhịp nhàng mọi việc trên đây, cần phải có ít nhất ba ngày. Nhưng nếu chúng ta không có quyết định cho thi hành thì không nên vội vàng làm rối loạn mọi việc bởi vì sẽ có nhiều người đặt ra nhiều thắc mắc. Điều này có thể làm phương hại cho kế hoạch xuất phát trong tương lai của chúng ta. Tuy nhiên, khi được Tổng thống chấp thuận thì công tác vẫn có thể được bãi bỏ bất cứ vào giờ phút nào ngay trước thời điểm xuất phát. Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn mọi hệ thống truyền tin mật mã và hỏa tốc để sử dụng vào phút chót nếu có trường hợp chỉ thị bãi bỏ hoặc hoãn lại”.

Tổng thống vội vàng trả lời là ông ta hiểu được sự lo lắng của Moorer. Không còn phải đặt vấn đề có nên giải thoát tù binh hay không vì việc này đã được quyết định rồi. Vấn đề đặt ra bây giờ là khi nào sẽ thi hành công tác, thế thôi. Nixon hứa với Moorer là ông ta sẽ có quyết định rất sớm. Nhưng Tổng thống lại còn một câu hỏi cuối: “Nếu cuộc tập kích này thất bại thì sao? Các anh đã chuẩn bị đầy đủ mọi lý do che đậy cho thích hợp chưa?”

Moorer trình bày là đã có năm “câu chuyện che đậy” được đặt ra. Ông ta lại lật tiếp cuốn sổ tài liệu:

Nếu cuộc tập kích thành công nhưng có vài máy bay và binh sĩ bị tổn thất thì câu chuyện sẽ trở nên đơn giản vì lẽ kết quả biện minh cho sự tổn thất.

Nếu trường hợp cuộc tập kích bị tiết lộ bí mật trước giờ xuất phát thì Lầu Năm Góc sẽ giải thích đấy là một loại công tác tối mật và không thể tuyên bố công khai các chi tiết được.

Nếu công tác bị dở dang hoặc bị tiết lộ ngay sau khi xuất phát thì sẽ được giải thích đấy là một sự cố gắng tìm kiếm và cấp cứu một phi công trinh sát nào đó bị bắn rơi.

Nếu cuộc tập kích bị thất bại ngay tại mục tiêu hoặc nếu không giải cứu được tù binh nào cả và tin tức này được loan báo ra thì vấn đề sẽ được giải thích là việc cố gắng này xét ra cần thiết đối với sự ngoan cố của Bắc Việt Nam, và kết quả sẽ biện minh cho sự liều lĩnh đó.

Tổng thống gật đầu, rồi có một câu hỏi chót: “Ai sẽ là người biết được sớm nhất về về sự thành công hoặc thất bại của cuộc tập kích?”. Moorer giải thích đại cương về hệ thống liên lạc phức tạp giữa toán tập kích của Simons với bộ chỉ huy của Manor ở Đà Nẵng, với trung tâm chỉ đạo ở Lầu Năm Góc và với phòng tình hình ở Nhà Trắng. Chỉ trong vòng 1 hoặc 2 phút thì Washington sẽ biết rõ ngay những gì xảy ra ở Sơn Tây. Moorer nhắc lại với Tổng thống rằng toàn bộ thời gian công tác này được kể từ khi Simons đặt chân xuống mục tiêu cho đến khi thi hành xong công tác sẽ không quá 30 phút, hy vọng là chỉ 20 phút thôi. Ngay sau khi Simons gọi các trực thăng đến để bốc toán tập kích ra khỏi mục tiêu thì sẽ có ngay công điện mật báo cho biết số tù binh đã được giải cứu. Chỉ cần có 2 phút để chuyển công điện ấy về đến Washington.

Tổng thống yên lặng suy nghĩ trong một vài phút. Cuối cùng ông ta chợt hỏi: “Làm sao người ta có thể không chấp thuận việc này?” Đây là một câu hỏi để mà hỏi. Tổng thống nói với đô đốc Moorer: “Tôi biết các anh đã làm việc này suốt mấy tháng qua. Cá nhân tôi cũng muốn thấy các tù binh được trở về. Lạy Chúa tôi, nếu thành công thì chúng ta có thể mời tất cả anh em tù binh đến tại đây để dự liên hoan trong ngày lễ Tạ ơn, ngay tại tòa Nhà Trắng này. Nhưng tôi cũng không muốn thấy ai bị bắt giam thêm vào các trại tù đó”.

Và Tổng thống nói tiếp rằng ông ta không muốn các cuộc biểu tình báo động xảy ra thêm nữa.

Cuộc xuống đường tại Washington vào 6 tháng trước đây, sau lần xâm nhập Campuchia, vẫn còn ám ảnh ông ta. “Lạy Chúa tôi, họ đã bao vây toà Nhà Trắng, các anh còn nhớ không? Lần này nếu xảy ra nữa thì có thể họ sẽ phá sập các cổng chính và sẽ có cả nghìn tên “hip-pi” xúm nhau lại đái ngay trên tấm thảm của văn phòng này. Đấy là việc họ sẽ làm”.

Tổng thống cũng băn khoăn lo lắng không biết Fullbright có tuyên bố rằng cuộc tập kích này là một cuộc xâm lăng Bắc Việt Nam không. Ông ta kết luận: “Này đô đốc Tom, nếu để xảy ra như vậy thì đau lắm. Nhưng tôi biết anh có thể vượt qua được mọi việc. Tôi tin chắc là chúng ta sẽ thi hành; hãy để cho tôi một ít thời gian ngắn nữa để suy ngẫm thêm. Dù có việc gì xảy chăng nữa thì tôi cũng chúc các anh may mắn”. Ông ta đứng dậy và chìa tay ra bắt tay Moorer. Đấy là một cử chỉ nồng ấm, đầy thông cảm, một cử chỉ mà Nixon ít khi biểu lộ với ai.

Haig nói thầm với Moorer yêu cầu để lại một bản sao tài liệu, sơ đồ, bản đồ, v.v… để Tổng thống xem lại. Trước khi rời văn phòng bầu dục, Moorer vội vã sắp xếp lại phần tài liệu cần để cho Tổng thống xem, và phần ông ta cần mang về Lầu Năm Góc.

… Ngoài hành lang văn phòng Tổng thống, một trong những người dự họp vừa rồi đã chặn Moorer lại và nhỏ nhẹ vào tai: “Tom, anh vừa làm xong một công việc tuyệt vời. Tổng thống rõ ràng xúc động, tôi có thể đoán chắc với anh rằng: Tổng thống sẽ chấp thuận công tác này”.

Nhưng sau đó ông ta lại có vẻ ngập ngừng nói tiếp một cách vụng về: “Có một điều tôi muốn nói là nếu việc này thất bại thì chúng ta nên tìm một cách nào để cho Tổng thống khỏi bị dính vào, có được không? Cho đến nay chúng ta đều biết là Tổng thống chỉ nhận được toàn là những lời chỉ trích, chê bai mỗi khi ông ta quyết định việc gì về Việt Nam. Chúng ta không thể để cho ông ta bị kẹt thêm lần này nữa. Anh hiểu tôi muốn nói gì rồi chứ”.

Moorer lái xe trở về Lầu Năm Góc trong im lặng. Ngay khi vừa về đến văn phòng, ông ta gọi Train nhờ chuyển những lời cảm ơn đến Blackburn và Mayer đã làm những thay đổi hữu hiệu các sơ đồ và các ghi chú và đã thuyết trình một cách tốt đẹp. Nhưng Train nghĩ rằng Blackburn muốn biết là “đã có lệnh cho thi hành hay chưa?” vì chính Train cũng không biết điều này. Ông ta chỉ có thể chuyển lời là Moorer có vẻ rất hài lòng, và họ sẽ sớm có quyết định.

Chính trong thâm tâm Moorer cũng không thực chắc lắm về việc này. Tổng thống có vẻ rất tán thành, dường như bồng bột ngay trong một vài lời phát biểu của ông ta. Ông ta chỉ nêu một vài câu hỏi mà thôi. Tuy nhiên ông ta vẫn để lộ ra vẻ lo âu, ngại ngùng và suy nghĩ nhiều hơn những lần trước đây như Moorer đã thấy trong những quyết định khác. Và điều làm cho Moorer thắc mắc nhất chính là câu nói: “Cố gắng để cho Tổng thống khỏi bị dính vào việc này”.

Tổng thống đã quyết định nhanh chóng. Ngay xế chiều hôm đó ông ta đã cho Bộ trưởng Laird lệnh thi hành cuộc tập kích. Moorer vô cùng cảm kích về quyết định này. Blackburn cùng với Mayer lập tức bắt đầu sửa soạn mọi việc cần thiết cho “máy chạy”. Moorer nói với Blackburn, trong khi ông ta vẫn còn bị ám ảnh về câu chuyện nói ngoài hành lang văn phòng Tổng thống: “Này Don, có một việc mà tất cả chúng ta đều phải nghĩ tới”. Ông ta nói tiếp với một giọng tâm sự: “À này, tôi không nghĩ là Tổng thống biết đến công tác này đâu”.

Moorer không nhớ việc trao đổi ý kiến này, cương quyết chối cãi chuyện có kẻ nào đó đã đề nghị ông ta phải nhận lấy mọi lời chê bai nếu có việc gì sai trái xảy ra tại Sơn Tây. Nhưng dù sao ông ta cùng không muốn công nhận là đã có những lời đề nghị về việc này. Tuy nhiên Blackburn vẫn còn nhớ rõ sự việc và có ghi chú vào sổ nhật ký như sau: “Moorer không cần phải nói cho tôi biết là nếu mọi việc thất bại thì chính ông ta sẽ chịu tất cả lời chỉ trích, chứ không ai khác. Ông ta cũng nhắc nhở tôi đừng để cho nhiều người biết về buổi họp tại Nhà Trắng này để tất cả mọi người giữ kín việc Sơn Tây”.

Những điếu thuốc lá

Vào xế chiều ngày 18 tháng 11, khi được tin Tổng thống đã chấp thuận cuộc tập kích thì cả toán SACSA bắt tay ngay vào hành động. Đây là giây phút mà Blackburn và Mayer đã chờ đợi sau bao nhiêu tháng làm việc và thiết lập kế hoạch. Nhưng trước mắt vẫn còn nhiều việc đang lo ngại và buồn cười. Mayer vội vàng soạn thảo ngay bức công điện mật mã cho lệnh thi hành để trình

Vogt chuẩn y. Bức công điện này rất ngắn gọn, nội dung như sau: “Mumbletypeg, Amputate Kingpin”. Nhưng Vogt nhìn bức công điện và nói: “Lạy Chúa tôi, chẳng có ý nghĩa gì cả”. Mayer phải giải thích là Manor sẽ hiểu được nghĩa khi so sánh với các chữ mật mã đã được soạn thảo trước. Vogt không tin điều này. Trước đây đã từng xảy ra việc lộn xộn về truyền tin, và Mayer không biết làm cách nào để thuyết phục ông ta là sẽ không có một lầm lẫn thứ hai nữa.

Mayer đành phải trở lại văn phòng ở Lầu Năm Góc, mở khóa một tủ hồ sơ trong một căn phòng kín, lấy ra kế hoạch truyền tin dành riêng cho chiến dịch “Kingpin”. Khóa tủ hồ sơ và phòng kín lại, rồi ông vội vàng quay trở lại văn phòng của Vogt để trình cho ông ta thấy rõ là bức công điện hoàn toàn đúng nghĩa. Cuối cùng Vogt mới chịu ký lệnh cho gửi đi: Mayer lại phải đem bức công điện đến trình Moorer, Moorer lại trình tiếp cho Laird để xin ký nhận lần cuối. Sau cùng, Moorer kiểm phê lại và bây giờ thì Mayer có thể gửi đi được, với lời cầu nguyện là sẽ không bị thất lạc tại nơi nào đó trên đường dây từ Lầu Năm Góc đến Thái Lan.

Bức công điện này được chuyển từ Trung tâm truyền tin Bộ Tổng tham mưu hỗn hợp vào lúc 5 giờ 30 chiều hôm đó qua hệ thống hoả tốc, một hệ thống đặc biệt cực nhanh, trực tiếp, chỉ dùng chuyển các loại công điện báo động về các cuộc khủng hoảng quốc tế.

Trong khi Mayer xông xáo khắp nơi để xin ký nhận và chuyển gửi bức công điện thì Blackburn lại nhận được một tin xấu về thời tiết. Cơn bão Patsy đã thổi vào Manila với sức gió 105 dặm một giờ và cấp cao là 140 dặm lại đang chuyển về hướng tây với tốc độ 80 dặm một giờ. Các hình ảnh vệ tinh chụp được trên vùng mục tiêu cho thấy rõ là trời vẫn còn trong sáng nhưng có nhiều mây lạnh đang từ Trung Quốc chuyển đến. Trận bão và mây lạnh có thể sẽ tập trung vào Bắc Việt Nam, Blackburn vẫn nhớ là các chuyên viên khí tượng đã nghiên cứu kỹ về thời tiết ở Đông Nam Á trong suốt mấy năm qua để tìm ra được một khoảng thời gian có khí hậu tốt là từ 20 đến 25 tháng 11. Lúc này khi Tổng thống đã chuẩn y nhưng với thời tiết này xem như các chuyên viên khí tượng đã chọn sai ngày.

Nhưng vẫn còn nhiều sự phối hợp cuối cùng cần phải được thực hiện, Blackburn đã gặp Allen James và đại tá hải quân Don Engen để giải quyết trách nhiệm của không quân và hải quân trong việc tiếp đón tù binh và mọi thủ tục săn sóc y tế khi họ được trở về. Theo thủ tục thông thường về việc di tản các thương binh từ các vùng Đông Nam Á trở về thì chỉ cần chuyển họ đến bất cứ quân y viện nào gần nhất là đủ. Tuy nhiên trong trường hợp di tản các tù binh đã được giải thoát lại nảy sinh ra nhiều cuộc tranh luận nội bộ và trở thành một trong những vấn đề rắc rối nhất mà Mayer đã phải đương đầu trong mấy tuần qua. Trong trường hợp này, binh chủng nào cũng muốn giành riêng cho mình phần đón tiếp tù binh và mỗi binh chủng đã tranh cãi hết giờ này sang giờ khác, ngày này sang ngày khác, để giành phần thắng. Mayer nói đùa với Blackburn là cuộc tranh luận về việc này đã trở thành những buổi đấu lý khôi hài trông giống như trận tấn công lần thứ hai ở Acpari thuộc miền Bắc Luzon tất cả chỉ vì vấn đề tù binh, có nghĩa như là một chuyện quảng cáo rầm rộ. Sau cùng Mayer phải đề nghị một giải pháp dung hòa. Ông ta nhắc cho mọi người biết là không có một tù binh nào ở Sơn Tây thuộc binh chủng lục quân, vì lẽ đó tất cả sẽ được chuyển trong chặng đầu từ Thái Lan về quân y viện lục quân Tripler ở Hawaii đấy là giải pháp trung lập. Tại đấy sau khi đã được khám nghiệm cho phép di chuyển tiếp thì họ sẽ được chuyển về một bệnh viện nào gần nhất tại quê nhà. Nhưng Bộ Tư lệnh không quân cố nằn nì nói là tất cả tù binh thuộc binh chủng riêng của họ phải được chuyển về bệnh viện không quân, chứ không phải bệnh viện lục quân hoặc hải quân nào cả. Còn Bộ Tư lệnh hải quân thì lại muốn tất cả tù binh thuộc binh chủng của họ kể luôn cả tù binh lính thủy đánh bộ, phải được đưa

về bệnh viện hải quân, chứ không đưa đi đâu khác. Blackburn thì không muốn để cho cuộc tập kích Sơn Tây trở thành một sự tranh luận tiến công về giao tế nhân sự. Allen và Engen đều đồng ý với ông ta: việc săn sóc tù binh là sau khi được khám sức khỏe sơ qua tại Thái Lan thì tất cả tù binh sẽ được chuyển ngay về Tổng y viện gần nhất ở Philippines, trong căn cứ không quân

Clark. Rồi từ đấy họ sẽ lần lượt được chuyển về các bệnh viện không quân và hải quân nào gần nhất nơi quê nhà.

Trên đường từ Lầu Năm Góc về nhà vào lúc 6 giờ chiều hôm ấy, Blackburn lo nghĩ đến việc chuyển vận đại quy mô về các đơn vị tiếp cứu các loại máy bay vận tải phản lực C-9A dùng riêng cho việc săn sóc tù binh sẽ từ Philippines bay đến nằm chờ tại Thái Lan, cũng như các loại trực thăng tiếp cứu HH-53 sẽ bay từ căn cứ hậu cần ở miền Trung Thái Lan đến địa điểm xuất phát tại miền Bắc gần biên giới Bắc Việt Nam nhất. Tất cả những sự vận chuyển đó sẽ có thể làm cho hệ thống báo động của Bắc Việt Nam phát hiện được. Khi về đến nhà, ông ta vẫn còn băn khoăn lo nghĩ về những điều phải làm thêm để ngăn ngừa không cho toàn bộ hệ thống vận chuyển nói trên bị phát hiện. Nhưng một rắc rối mới to lớn khác lại xảy ra.

Phó Đô đốc James C., Donaldson điện thoại từ Lầu Năm Góc đến. Donaldson là phó giám đốc kiêm trưởng phòng hành quân và thám sát thuộc Bộ Tổng Tham mưu hỗn hợp. Ông ta hỏi Blackburn là có một đại tá không quân nào đó đã đến Thái Lan với tướng Manor có phải là người của Blackburn không? Blackburn trả lời ngay là phải: có chuyện gì xảy ra đấy? Donaldson giải thích là viên sĩ quan ấy đã điện thoại cho Bộ chỉ huy chiến lược không quân ở Omaha, từ Đông Nam Á gọi về, báo động cho mọi người biết là cuộc “hành quân” sẽ được xuất phát sớm và các công tác tái tiếp nhiên liệu cũng như các đường bay trinh sát đã được ấn định trước đều cần phải lập lại. Bộ chỉ huy chiến lược không quân (SAC) và cả trung tâm thám báo không hiểu viên sĩ quan ấy muốn nói gì và đương sự cũng không chịu tiết lộ thêm chi tiết nào cả. Trung tâm thám báo đã gọi Donaldson để xin xác nhận. Donaldson muốn biết là viên sĩ quan ấy có được phép gọi điện thoại theo hệ thống điện đàm thông thường không? Theo ông ta nghĩ, mọi thay đổi chương trình đều phải do tướng Manor gọi về cho văn phòng ông ta mới đúng. Blackburn sửng sốt. Ông ta trả lời ngay là viên sĩ quan ấy không được phép nói điều gì với SAC cả. Theo như sự phân công nhiệm vụ từ trước nằm trong kế hoạch Sơn Tây thì: không một viên chức nào ở SAC được quyền biết tại sao phải cho xuất phát các chuyến bay SR-71, cùng với các công tác trinh sát vệ tinh trên vùng trời miền Tây Việt Nam, và cũng không ai được biết về các chuyến bay KC-135 và RC-135 dự định cho thời điểm 20 đến 25 tháng 11. Mọi viên chức tại SAC cũng không nên thắc mắc về việc này.

Blackburn yêu cầu Donaldson đợi tại trung tâm chỉ huy quân sự quốc gia và ông ta sẽ đến Lầu Năm Góc ngay lập tức. Nhưng trước khi ra khỏi nhà, Blackburn gọi đại tá không quân Franklin Rice và yêu cầu ông này đến gặp Donaldson và Blackburn tại Trung tâm chỉ huy. Rice là một trong những chuyên viên thiết lập kế hoạch Sơn Tây, chuyên lo mọi việc tại trung tâm chỉ huy, kiêm luôn cả hệ thống truyền tin từ Lầu Năm Góc đến Manor, đến Bộ Tư lệnh Trung Đông ở Hawaii, đến lực lượng phản ứng nhanh 77, và tất cả việc điều hành lệnh yểm trợ cho cuộc tập kích xuất phát từ căn cứ, máy bay trinh sát SR-71 ở Okinawa, cả việc điều hành máy bay di tản tù binh tại căn cứ không quân Clark ở Philippines. Blackburn bảo Rice là có lẽ ông ta phải gọi điện thoại ngay cho ông bạn nào đó của họ ở nước ngoài.

Tại Lầu Năm Góc Blackburn gọi điện thoại cho Donaldson và Rice đòi liên lạc với Bộ chỉ huy

SAC. Ông ta yêu cầu được nói chuyện trực tiếp với viên sĩ quan nào vừa gọi từ Thái Lan về. Đấy là đại tá John Clancey, sĩ quan trực của văn phòng thám báo SAC. Blackburn giải thích qua đường dây là ông ta chỉ hỏi các câu hỏi chứ không trả lời điều gì cả. Cái tên nào đó đã nói rằng cuộc hành quân “sẽ có thể” thi hành sớm hay đã nói “sẽ” thi hành sớm? Clancey trả lời: “sẽ có thể”. Người đó có nói rõ loại hành quân nào không? Clancey trả lời: “Không”. Vì lẽ đó cho nên ông ta đã gọi cho Donaldson: ông ta không biết việc gì sẽ xảy ra cũng như việc SAC phải làm gì.

Blackburn yêu cầu Rice gọi ngay điện thoại cho Manor. Rice giải thích là không có đường đây bảo mật thẳng đến Takhli, cho nên buộc lòng phải điện đàm theo lối thông thường. Khi Blackburn nghe tiếng Manor ở đầu dây, ông ta nói với Manor là ông ta vừa điện đàm với một vài người bạn ở Trung Đông và đề nghị Manor nên dùng dây đàn dương cầm để treo cổ một trong các viên sĩ quan của Manor vì tên này đã độc tấu một bản nhạc không được phép. Blackburn kết luận là toàn bản nhạc này đã làm rối loạn một đám thính giả không được mời đến dự buổi hòa tấu.

Cho đến gần nửa đêm Blackburn mới trở về nhà. Ông ta không nhận thức được tại sao SAC lại có vẻ hốt hoảng khi nghe được tin công tác sẽ xuất phát sớm. Xuyên qua cuộc điện đàm úp mở vừa qua ngay chính cả Manor cũng không hiểu tại sao. Cũng giống như Blackburn, Manor tỏ vẻ bối rối và giận dữ.

Blackburn chỉ còn ngủ được một vài giờ nữa thôi. Đến khoảng 4 giờ sáng ông ta bị chuông điện thoại dựng dậy. Đó là Mayer từ trung tâm chỉ huy Lầu Năm Góc gọi về báo Manor vừa mới gửi về một công điện, nhận được lúc 4 giờ 11 phút. Nội dung cho biết toán của Simons và lực lượng phản ứng nhanh 77 đã sẵn sàng, nhưng có thể sẽ bị hoãn lại vì thời tiết xấu. Blackburn thắc mắc chuyện gì lại xảy ra cuộc tập kích phải được xuất phát “sớm” hay là sẽ bị hoãn lại muộn hơn nữa?


Sau đó một vài giờ khi Blackburn đến Lầu Năm Góc ngày thứ năm 19 tháng 11, thì sự bối rối của ông ta lại càng tăng thêm. Ông ta nghe nói là nếu cuộc tập kích không được xuất phát theo chương trình đã định hoặc nếu bị hoãn lại chỉ cần một ngày thôi thì cũng đủ làm rắc rối cho các chiến dịch khác. Không ai cho ông ta biết các chiến dịch khác là gì. Ông ta chỉ được biết là nếu cuộc tập kích phải hoãn lại trong khi Tổng thống đang nghỉ cuối tuần vào ngày thứ 7 tại trại Davis thì mọi diễn biến cần phải trình báo cho Tổng thống biết ngay.

Chỉ còn có hai ngày nữa là đến thời điểm xuất phát. Và 8 giờ sáng hôm ấy Blackburn đã báo cho Moorer biết về tình hình bất lợi của thời tiết. Lẽ tất nhiên bây giờ thì cả hai người chỉ còn có cách ngồi đợi. Nhưng ngày hôm ấy vấn đề thời tiết lại chỉ là một chuyện nhỏ và một loại bão táp khác đang âm ỉ ập đến.

Suốt ngày Blackburn cố kiểm soát lại những tin tức kiểm thính điện tử cuối cùng của NSA. Một công điện gửi trước giờ về “lệnh chiến đấu trên không” đã được gửi đến Takhli để báo cho Manor biết về tình trạng giờ chót của hệ thống phòng không Bắc Việt Nam. Khi ông ta trở lại văn phòng vào lúc 4 giờ 30 chiều hôm ấy thì được báo cho biết là tướng Bennett ở DIA đang muốn tìm gặp ông ta về một chuyện gì đó. Và lúc ấy tướng Bennett đang trên đường đi đến văn phòng của Chủ tịch Bộ Tổng tham mưu hỗn hợp. Cả hai người gặp nhau ngay khi Bennett đang bước vào phòng của Moorer. Bennett nói ngay: “Này Don, tôi vừa nhận được tin xấu lắm. Hình

như trại Sơn Tây trống rỗng. Tất cả tù binh đã bị di chuyển đi nơi khác từ lâu rồi”.

Moorer sửng sốt: “Lạy Chúa, trong giờ phút này xin anh đừng nói với tôi những chuyện như vậy”.

Công điện hỏa tốc cho lệnh thi hành tập kích đã được gửi đi 24 giờ trước đây rồi. Blackburn không thể tin nổi là 6 tháng làm việc vừa qua lại mang đến cho ông ta một tin dữ cuối cùng như thế này. Ông ta hỏi độp ngay: “Này, xin thong thả một chút, ai báo tin đó?”.

Bennett trả lời là nguồn tin ngay từ Hà Nội chuyển về.

Nguồn tin này do Nguyễn Văn Hoàng thông báo. Vào đầu tuần lễ này, Hoàng gặp một người bạn cũ ở trong công viên Chi Lăng tại Hà Nội, cách trại giam Hỏa Lò về hướng tây bắc độ 6 quãng đường và cách câu lạc bộ thể thao Ba Đình độ 4 quãng, đấy là chỗ mà hai người đã làm quen với nhau lần đầu tiên. Người bạn của Hoàng là “Alfred - một uỷ viên tinh quái” hoặc một “cố vấn tài giỏi” đấy là mật danh do người Mỹ dùng để gọi đương sự, một ủy viên cấp cao và lâu năm trong phái đoàn đa quốc gia của Uỷ hội quốc tế kiểm soát đình chiến (ICC), được thành lập vào năm 1954 sau kết quả Hiệp định Geneva chia đôi hai miền Nam Bắc Việt Nam. Uỷ hội ICC này không có đủ quyền lực để thi hành và kiểm soát đình chiến, nhưng các thành viên của nó đôi khi vẫn là những điệp viên rất hữu hiệu, cho phe này hoặc phe khác, đôi khi lại làm việc cho cả hai phe. Hai lần mỗi tuần, các chuyến bay hành khách từ Gia Lâm, Hà Nội chở họ đi Vientiane Lào. Ở đấy mọi tin tức điệp báo được chuyển về Bangkok và sau đó thì họ về nước nghỉ phép hoặc để tham khảo thêm về vấn đề ngoại giao.

Đã nhiều năm qua, một vài thành viên của uỷ hội ICC đã cố giúp cho tình báo Mỹ moi ra các địa điểm trại tù binh lại Bắc Việt. Họ đã cố gắng làm việc nhiều nhưng ít có kết quả tốt. Họ nghĩ rằng Bắc Việt Nam không cho phép các chuyến bay thương mại bay trực tiếp ngang qua các doanh trại tù binh trên đường đáp xuống phi trường Gia Lâm, cho nên họ đã cố ghi chú cẩn thận mọi chi tiết về giờ giấc và đoạn đường bay quanh co từ Vientiane về đến Hà Nội.

Vào mùa thu 1969, “Alfred” đã cố gắng tìm kiếm một nguồn tin trực tiếp hơn qua việc bí mật xây dựng Nguyễn Văn Hoàng. Ông ta thực hiện bằng cách thỉnh thoảng đưa ra một vài nguồn tin tức mà các thẩm vấn viên trong nhóm của Hoàng đã cố gắng điều tra từ các tù binh, nhưng những tin tức này thì các giới chức Mỹ đã biết chắc là không xác thực, vì lẽ họ đã khai thác hai tù binh được Hà Nội trao trả vào tháng 8 năm đó. “Alfred” ngụy tạo ra việc như là có một tên đại tá Mỹ nào đó đã say rượu nói chuyện khoác lác trên chuyến bay từ Bangkok đi Hongkong nghỉ phép và giải trí ba ngày. Lẽ tất nhiên đấy là một chuyện đã được sắp đặt trước, và Hoàng đã báo cáo ngay với các thủ trưởng của đương sự như là một nguồn tin đã khai thác được từ tù binh. Cả hai cơ quan DIA và SACSA đã theo dõi công phu việc này để biết chắc chắn là nguồn tin đã lọt đến Bộ Quốc phòng Bắc Việt Nam xuyên qua nhiều đường dây khác.

Cuối tháng chín năm 1970, “Alfred” báo cáo là ông ta tin tưởng rằng Hoàng đã bị mắc câu đương sự sẽ trở thành một nguồn tin quý báu trao đổi giữa hai bên. Cơ hội đã đến vào đầu tháng

11. “Alfred” nói với Hoàng là ông ta sẽ về nước để tham khảo công việc trong một vài ngày. Ông ta còn tâm sự là sẽ được thăng chức vượt cấp. Chỉ còn có một trở ngại duy nhất cho việc thăng chức này là do nơi Bộ Ngoại giao của nước ông ta còn tỏ vẻ chán nản về sự thiếu khả năng

của ông ta trong việc gây được phản ứng tốt đối với Hà Nội về vấn đề tù binh. Bộ Ngoại giao của nước ông ta cũng như các Bộ Ngoại giao khác trong phái đoàn trung lập ICC đều thân thiện với cả hai phía, cố gắng làm vui lòng Washington và cả Hà Nội. “Alfred” tâm sự thêm rằng ông ta vừa bị Bộ Ngoại giao kiểm tra khả năng qua một công điện yêu cầu phải báo cáo rõ chính xác số lượng tù binh Mỹ hiện bị giam giữ tại miền Bắc Việt Nam. Các viên chức ngoại giao Hoa Kỳ không chịu tin về bản danh sách chỉ có 339 tù binh đã được Hà Nội chuyển giao vào đầu tháng tư năm ngoái, và họ đang thúc đẩy tất cả các Bộ Ngoại giao trên thế giới bằng mọi cách giúp tìm ra sự thật về số lượng tù binh này. “Alfred” làm ra vẻ bộc lộ điều suy nghĩ của mình: “Người Mỹ thật đang cuống cuồng lo lắng. Tôi đoán chắc là họ sẽ bằng lòng trả mọi giá nếu có một báo cáo chính xác thuyết phục được họ”. Hoàng đề nghị sẽ gặp lại “Alfred”, có thể trong một cuộc như đi dạo mát tại công viên Chi Lăng, một hoặc vài ngày trước khi “Alfred” về nước.

Còn tiếp


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét