Thứ Sáu, 7 tháng 4, 2023

Chuyện Việt Nam ngày Thứ sáu 07 tháng 4 năm 2023

Quê Hương tổng hợp

Đoàn Dân biểu Quốc hội Châu Âu thăm Việt Nam, chỉ trích tình trạng nhân quyền tồi tệ

Ỷ Lan
06/4/2023


Đoàn Dân biểu Quốc hội Châu Âu thăm Việt Nam, chỉ trích tình trạng nhân quyền tồi tệ


Phái đoàn Dân biểu Quốc hội Châu Âu thăm Việt Nam từ ngày 4 đến 6 tháng 4 năm 2023 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngRFA 

Từ ngày 4 đến ngày 6 tháng 4, một phái đoàn Dân biểu Quốc hội Châu Âu thuộc Phân ban Nhân quyền viếng thăm Việt Nam, do Dân biểu người Đức Udo Bullmann, Trưởng ban Nhân quyền dẫn đầu. Trong Phái đoàn có các Dân biểu Isabel Wiseler-Lima (Luxembourg), Cheorghe-Vlad Nistor (Rumania) và Leopoldo Lopez Gil (Tây Ban Nha) thuộc Đảng Bình dân Châu Âu; Nacho Sanchez Amor (Tây Ban Nha) va Isabel Santos (Bồ Đào Nha) thuộc Liên minh Tiến bộ Xã hội và Dân chủ tại Quốc hội Châu Âu; và Urmas Paet (Estonia), thuộc Đảng Renew tại Châu Âu.

Mục tiêu chuyến viếng thăm là điều tra tình trạng nhân quyền tại Việt Nam và đánh giá tác động đến nhân quyền của Hiệp định Tự do Mậu dịch Liên Âu-Việt Nam (EVFTA), đã có hiệu lực gần ba năm qua, từ ngày 1 tháng 8 năm 2020.


Kết thúc chuyến viếng thăm vào chiều thứ năm (6/4/2023), Phái đoàn Quốc hội Châu Âu đã mở cuộc họp báo ở Hà Nội để nói lên “sự quan ngại sâu sắc trước tình hình nhân quyền ngày càng tồi tệ” tại Việt Nam. Họ chỉ trích những vi phạm nhân quyền trên các lĩnh vực xã hội và chính trị, “đặc biệt là không gian tự do của xã hội dân sự bị thu hẹp, các điều luật mơ hồ trong Bộ luật Hình sự được sử dụng để dập tắt mọi tiếng nói bất đồng chính kiến, các nhà hoạt động xã hội dân sự bị sách nhiễu, tự do ngôn luận bị bóp nghẹt, đặc biệt là ngôn luận trực tuyến, và quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng bị hạn chế”. Phái đoàn còn kêu gọi Việt Nam trả tự do tức khắc và vô điều kiện cho tất cả các tù nhân chính trị và tù nhân lương tâm, kể cả những lãnh tụ các tổ chức phi chinh phủ (NGO), nhà báo và nhà hoạt động bảo vệ môi sinh.

Trước khi rời Hà nội, Dân biểu Quốc hội Châu Âu Nacho Sanchez Amor đã dành cuộc phỏng vấn đặc biệt cho Đài Á Châu Tự do qua đường dây viễn liên về chuyến viếng thăm Việt Nam nói trên.

Ỷ Lan Xin chào Dân biểu Sanchez Amor. Ông là người Tây Ban Nha, thuộc Liên minh Tiến bộ Xã hội và Dân chủ tại Quốc hội Châu Âu. Trước hết, xin ông cho biết mục tiêu của chuyến viếng thăm này ?

Nacho Sanchez Amor: Chuyến viếng thăm là của Phân ban Nhân quyền Quốc hội Châu Âu. Nhiệm vụ của chúng tôi không liên quan trực tiếp đến các vấn đề chính trị, mà liên quan rất nhiều đến thương mại. Trong Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) có một chương dành riêng cho các điều kiện dân chủ. Chúng tôi quyết định đến đây để xem xét tình trạng cải thiện như thế nào, và đánh giá những cam kết của chính quyền Việt Nam khi ký kết Hiệp định EVFTA được tôn trọng đến mức nào ?

Ỷ Lan : Xin ông vui lòng cho biết cảm tưởng về chuyến viếng thăm này ?

Nacho Sanchez Amor : Cảm tưởng của chúng tôi là Việt Nam đang có những tiến bộ kinh tế rất đáng kể. Nhưng xét về khía cạnh nhân quyền, tình hình trước và sau khi EVFTA được ký kết hoàn toàn giống nhau không có tiến bộ, không có cải thiện về nhân quyền, không có tự do ngôn luận. Các tổ chức phi chính phủ gặp rất nhiều khó khăn trong việc điều hành các hoạt động của họ. Vì vậy, mặc dù chúng tôi xét thấy các khía cạnh thương mại của hiệp định đang hoạt động tương đối tốt, chúng tôi rất, rất thất vọng vì không có tiến triển nào liên quan đến việc tôn trọng nhân quyền và cải cách dân chủ. Chúng tôi không thấy bất kỳ sự cởi mở hay thiện chí nào của chính quyền Việt Nam trong việc tôn trọng những điều họ cam kết khi ký kết EVFTA.

Ỷ Lan : Ngoài những cuộc gặp gỡ với các cơ quan Chính phủ, phái đoàn có tiếp xúc với những nhà hoạt động xã hội dân sự không?

Nacho Sanchez Amor : Chắc bà sẽ hiểu lý do vì sao tôi không thể tiết lộ tên tuổi của những nhà hoạt động xã hội dân sự mà chúng tôi được gặp trong chuyến viếng thăm Việt Nam này. Về phía chính quyền, chúng tôi đã gặp Phó Thủ tướng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao và nhiều viên chức trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản, Quốc hội, Ban Tôn giáo Chính phủ, Viện Nghiên cứu Nhân quyền và Bộ Công an. Chúng tôi đã gặp gỡ giới ngoại giao tại Hà Nội, cũng như các phóng viên báo chí quốc tế, không phải để phỏng vấn mà để hiểu thêm về tình hình trong nước. Và đương nhiên chúng tôi đã gặp các đại diện xã hội dân sự. Nhưng như tôi đã nói, tôi không muốn tiết lộ tên của họ.

Ỷ Lan Phái đoàn có nêu các trường hợp tù nhân lương tâm bị giam giữ với nhà cầm quyền Việt Nam không? Ông có thăm được tù nhân chính trị nào ở Hà Nội?

Nacho Sanchez Amor : Vâng, chúng tôi đã đích thân đệ trình danh sách các tù nhân lương tâm cho tất cả các cơ quan có thẩm quyền liên quan, và yêu cầu phải trả tự do cho họ. Rất tiếc chúng tôi không được phép thăm tù nhân lương tâm trong tù.

Ỷ Lan Ông có nghĩ rằng chuyến viếng thăm này đã giúp các Dân biểu Quốc Hội Châu Âu có hình ảnh rõ hơn về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam ?

Nacho Sanchez Amor : Vâng, tôi nghĩ chúng tôi đã có hình ảnh chính xác hơn. Có một số lĩnh vực mà chúng tôi có thể làm việc chung với chính quyền. Việt Nam có thiện chí giải quyết vấn đề lao động trẻ em và nạn buôn người, vâng, điều đó rõ ràng. Nhưng các khía cạnh khác, như tình hình nhân quyền nói chung, hoạt động của các tổ chức phi chính phủ, không gian thu hẹp của xã hội dân sự - rõ ràng chính quyền không có thiện chí nào để thúc đẩy cải cách chính trị. Đây là lý do vì sao chúng tôi rất thất vọng. Bởi vì những cải cách về chính trị và nhân quyền là một phần không thể thiếu của Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam mà cả hai chúng ta [các quốc gia] đều cam kết. Chúng tôi đã khẳng định mạnh mẽ với Việt Nam là phải thực hiện cam kết phê chuẩn Công ước 87 của Tổ chức Lao Động Quốc tế (ILO) liên quan đến việc thành lập các công đoàn độc lập. Nhưng cho đến nay chúng tôi chưa thấy Việt Nam có bất kỳ nỗ lực nào để thực hiện những cam kết này.

Ỷ LanNhư vậy, sau chuyến viếng thăm này, phái đoàn sẽ mang thông điệp gì cho Quốc Hội Châu Âu ?

Nacho Sanchez Amor : Chúng tôi sẽ nói với Quốc Hội Châu Âu rằng Việt Nam hứa rõ ràng sẽ thực hiện các cải cách về dân chủ được nêu trong Hiệp định Thương mại EVFTA. Nhưng sau khi Hiệp định được ký kết, Việt Nam chẳng thực hiện sự cải cách chính trị nào, thậm chí không có sự cởi mở nhỏ nhất liên quan đến các hoạt động của xã hội dân sự. Đây là điều thật đáng thất vọng và nên là bài học cho Quốc Hội Châu Âu, nơi có quyền bật đèn xanh cuối cùng để thông qua các hiệp định thương mại. Chúng ta phải thực thi thiết lập những cơ chế thực thi để đảm bảo đôi bên phải thực hiện đầy đủ những cam kết nêu trong các hiệp định thương mại.

Ỷ Lan : Xin cảm ơn Dân biểu Quốc Hội Châu Âu Sanchez Amor đã dành cuộc phỏng vấn này cho Đài Á Châu Tự Do. Chúc ông và phái đoàn thượng lộ bình an !

HRW: Việt Nam muốn chặn tài trợ quốc tế đến các tổ chức xã hội dân sự

RFA
06/4/2023

HRW: Việt Nam muốn chặn tài trợ quốc tế đến các tổ chức xã hội dân sự


Nhà hoạt động Đặng Đình Bách trong một buổi thuyết trình 

Fb Trần Phương Thảo 

Chính phủ Việt Nam muốn ngăn chặn sự trợ giúp quốc tế dành cho xã hội dân sự trong nước khi kết án lãnh đạo một tổ chức xã hội dân sự (XHDS) với tội danh nguỵ tạo “trốn thuế,” tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) nói trong bình luận về phản hồi của Hà Nội về việc bắt giữ và bỏ tù nhà hoạt động này.

Trong văn bản đề ngày 17/3 gửi Thủ tục đặc biệt (Special Procedures) của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc, Phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên Hiệp quốc (LHQ), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva phản hồi văn bản chất vấn hồi tháng 2/2022 của năm Báo cáo viên đặc biệt về việc bắt giữ tùy tiện hai nhà hoạt động Huỳnh Thục Vy và Đặng Đình Bách.

Hà Nội yêu cầu LHQ xem xét các thông tin “thiếu tính xây dựng”

Đại diện chính phủ khẳng định với quốc tế việc kết án ông Bách, Giám đốc tổ chức phi chính phủ mang tên Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật & Chính sách Phát triển Bền vững (LPSD), về tội danh “trốn thuế” là đúng luật.

Họ cũng nói, những cáo buộc ông Bách bị bắt vì thực hiện quyền tự do ngôn luận và hoạt động nhân quyền là vô căn cứ, sai sự thật, là suy diễn tiêu cực, định kiến về tình hình nhân quyền Việt Nam. Hà Nội yêu cầu cơ quan nhân quyền LHQ xem xét các thông tin bị cho là “thiếu tính xây dựng” trong trường hợp của ông Bách.

Trong tin nhắn gửi Đài Á Châu Tự Do (RFA) ngày 06/4, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Phân ban Châu Á của HRW nói:

Bằng việc kết tội Đặng Đình Bách, nhà cầm quyền Việt Nam muốn hạn chế quyền nhận hỗ trợ nước ngoài của các nhóm xã hội dân sự. 

Chính phủ Việt Nam không muốn xã hội dân sự hoạt động và muốn tất cả tiền nước ngoài được gửi trực tiếp đến các cơ quan của đảng và chính phủ.”

Ông cho rằng thay vì bức hại các nhà hoạt động môi trường bằng cáo buộc nguỵ tạo, Chính phủ Việt Nam nên truy quét nạn tham nhũng nghiêm trọng ở các bộ và doanh nghiệp nhà nước vì tệ nạn này đã làm giàu các cán bộ cấp cao của Đảng và làm nghèo người dân.

Trong văn bản trả lời của Việt Nam được cơ quan nhân quyền LHQ công bố gần đây, Hà Nội nói việc bắt giữ và kết tội ông Bách đều tuân thủ các thủ tục tố tụng.

Trong khi ông Bách đã và đang phản đối việc bị kết tội với bản án năm năm tù, Chính phủ Việt Nam lại nói ông và luật sư bào chữa không có ý kiến hoặc khiếu nại gì về quá trình bắt, truy tố và tạm giam.

Ông Bách, người đang thụ án tù tại Trại giam số 6 (Nghệ An), có kế hoạch tuyệt thực từ cuối tháng 7 tới để đòi được trả tự do. Từ giữa tháng 3, ông chỉ ăn một bữa thay vì ba bữa mỗi ngày.

Việt Nam nói lĩnh vực hoạt động của Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật & Chính sách Phát triển Bền vững không thuộc đối tượng được miễn thuế và trong quá trình nhận tài trợ từ nước ngoài, ông Bách không làm thủ tục xét duyệt; quy trình tiếp nhận tài trợ từ nước ngoài không được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Hà Nội còn cáo buộc ông Bách đã trực tiếp yêu cầu nhân viên của mình không nộp hồ sơ thuế, trốn thuế và để ngoài sổ sách các khoản tiền nhận từ nước ngoài.

Việt Nam trả lời lòng vòng về trường hợp Huỳnh Thục Vy

Trong phản hồi về cáo buộc bỏ tù nhà hoạt động Huỳnh Thục Vy chỉ vì bà thực hiện quyền biểu đạt bằng cách xịt sơn lên quốc kỳ, Chính phủ Việt Nam nói bà Vy đã vi phạm nhiều lần lệnh quản chế trong thời gian tại ngoại để nuôi con nhỏ.

huynhthucvy1.jpeg


Bà Huỳnh Thục Vy. Facebook Huỳnh Thục Vy 

Tuy nhiên, theo ông Phil Robertson, Việt Nam không tập trung vào nội dung chất vấn chính của Thủ tục đặc biệt LHQ mà đi vào tiểu tiết. Đại diện HRW nói: 

Việt Nam bỏ qua vấn đề vấn đề cốt lõi trong trường hợp của Huỳnh Thục Vy, đó là việc cô bị bắt và bỏ tù vì thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình.  

Không ai phải đối mặt với cáo buộc hình sự, chưa kể đến án tù, chỉ vì làm xấu một biểu tượng của nhà nước, chẳng hạn như một lá cờ.”

Bà Vy, 38 tuổi, bị kết án hai năm chín tháng tù giam năm 2018 với hành vi xịt sơn lên lá cờ đỏ sao vàng để phản đối chính phủ. Bà được hoãn thi hành án tù hai lần do đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi.

Tuy nhiên, vào đầu tháng 12/2021 bà bị buộc thi hành án tù sớm khi con thứ hai vẫn chưa đủ 36 tháng tuổi như luật pháp quy định và hiện đang bị giam ở Trại giam Gia Trung (Gia Lai).

Phía Việt Nam bác bỏ cáo buộc bỏ tù bà Vy vì bà thực hành quyền tự do biểu đạt.

Cả bà Vy và ông Bách được nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế xếp vào dạng tù nhân chính trị hoặc tù nhân lương tâm, và kêu gọi Việt Nam trả tự do cho họ cùng với những tù nhân khác bị giam giữ chỉ vì hoạt động nhân quyền hoặc thực thi quyền con người một cách ôn hoà.

Theo HRW, Việt Nam hiện đang giam giữ 160 tù nhân chính trị. Việt Nam luôn khẳng định không có tù nhân lương tâm hoặc tù nhân chính trị, và chỉ giam giữ những người vi phạm pháp luật.

Kinh tế Việt Nam giữa bối cảnh thế giới có nhiều biến động tiêu cực

Bảo Nguyên

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/04/ntdvn_gettyimages-1245594091.jpeg


Các công nhân đang làm việc bên trong một nhà máy sản xuất bao bì của Tập đoàn Nam Thái Sơn tại Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 02/12/2022. (Ảnh: NHAC NGUYEN/ AFP qua Getty Images) 

Kinh tế thế giới đang chơi vơi trước nguy cơ khủng hoảng, và hẳn điều này sẽ có nhiều tác động tới tình hình của Việt Nam. Tuy vậy, rất có thể, Việt Nam sẽ gặp khó bởi chính những thách thức lớn từ nội tại.

Tình hình thế giới có nhiều biến động

Kinh tế thế giới đang ở vào hoàn cảnh rất nhạy cảm. Kinh tế Mỹ ở bờ vực của một cuộc “hạ cánh cứng” khi FED tăng mạnh lãi suất sau thời gian dài duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ. Theo đuổi chính sách sai lầm trong thời gian quá lâu, FED rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan vì phải đối mặt với cả lạm phát và nguy cơ suy giảm kinh tế. Các vụ sụp đổ ngân hàng gần đây tại Mỹ là những điềm báo trước cho một tương lai ảm đạm.

Nỗi lo lắng tại Mỹ dường như đã lan truyền ra toàn thế giới. Credit Suisse (ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sĩ) đã nối gót Ngân hàng Thung lũng Silicon và Ngân hàng Signature (hai ngân hàng của Mỹ). Ngay trong nội tại các khu vực kinh tế lớn khác, tình hình cũng rất phức tạp. Châu Âu bị tác động nặng nề bởi cuộc chiến Nga – Ukraine, bởi việc đẩy mạnh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo một cách vội vã và sai lầm. Trung Quốc đã ghi nhận con số tăng trưởng kinh tế tồi tệ nhất kể từ Cách mạng Văn hóa. Chính sách phong tỏa zero-Covid của chính quyền này đã hủy hoại nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới. Đáng chú ý hơn, nó còn phá hủy niềm tin của người dân và nhà đầu tư. Lĩnh vực bất động sản – thứ rất quan trọng với kinh tế Trung Quốc – vẫn chìm trong khủng hoảng, trong khi nước này lần đầu tiên ghi nhận sự sụt giảm dân số kể từ năm 1961. Cần nói thêm rằng, vị thế công xưởng thế giới của Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nhân lực dồi dào và rẻ mạt. 

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/04/ntdvn_ntdvn-gettyimages-1231524670-1200x800-1200x800-1.jpeg


Một người phụ nữ lớn tuổi đẩy xe sau khi lục thùng rác để thu gom những món đồ có thể tái chế để bán, dọc theo một con phố gần Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 05/03/2021. (Ảnh: Nicolas Asfouri/AFP qua Getty Images) 

Nhìn rộng ra, các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hay Ngân hàng Thế giới (World Bank) đều đã phát đi những cảnh báo về nguy cơ khủng hoảng của kinh tế thế giới. Nền kinh tế Việt Nam chắc chắn cũng khó có thể nằm ngoài xu hướng. Với độ mở lớn của nền kinh tế, hẳn Việt Nam sẽ chịu nhiều tác động. Dễ thấy ngay trước mắt là lượng đơn hàng quốc tế giảm mạnh, khiến các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải điêu đứng. Tuy nhiên, nhiều khả năng, Việt Nam sẽ gặp khó khăn bởi chính những vấn đề nội tại của mình, chứ không phải bắt nguồn từ nguyên nhân bên ngoài.

Doanh nghiệp Việt ngày một ‘ốm yếu’

Sức ép lên doanh nghiệp Việt tại thời điểm hiện tại là rất lớn. Đầu tiên phải nói tới vấn đề lao động. Việt Nam, cũng như Trung Quốc, vẫn là một nền kinh tế dựa nhiều vào lao động con người. Tuy nhiên, chi phí bảo hiểm lao động tại Việt Nam lại đang ở mức cao. Theo số liệu trên Trading Economics, chi phí bảo hiểm các loại mà doanh nghiệp phải chi trả tính theo lương là 21,5%, gần đạt mức cao nhất trong khu vực, chỉ thấp hơn Trung Quốc (28,5%). Tỷ lệ này của Indonesia là 7%, Malaysia là 13%, Singapore là 17%.

Logistics (hậu cần) là một lĩnh vực rất quan trọng trong hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, logistics của Việt Nam gặp rất nhiều thách thức, với những vấn đề về chi phí đường xá, cầu cảng, các loại hình sách nhiễu… 

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/04/ntdvn_ntdvn-gettyimages-1146798341-1200x800-1.jpeg


Công nhân xưởng may đang may vest nam trong một nhà máy ở Hà Nội, Việt Nam, vào ngày 24/05/2019. (Ảnh: Manan Vatsyayana / AFP via Getty Images) 

Thị trường bán lẻ tại Việt Nam đang gặp khó khăn với hàng nhập lậu, sự cạnh tranh từ doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là sự thống trị của các sàn thương mại điện tử nước ngoài.

Khả năng tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp Việt còn yếu. Trong khi các doanh nghiệp nhà nước với sức ỳ lớn lại được ưu đãi vay vốn từ các ngân hàng thương mại nhà nước, thì các doanh nghiệp nhỏ chủ yếu chỉ vay được vốn từ các ngân hàng nhỏ. Ngoài ra, nguồn tín dụng là hữu hạn, và các doanh nghiệp thực sự hoạt động phải chia sẻ nguồn vốn với các doanh nghiệp “xác sống” (vốn chỉ sống được nhờ nguồn vốn vay mới, trong khi không thực sự tham gia hoạt động sản xuất). Chừng nào chưa có cơ chế phân loại các doanh nghiệp xác sống và doanh nghiệp lành mạnh, thì nguồn tiền – huyết mạch của hoạt động kinh tế – còn bị lãng phí, ứ tắc.

Với những điều kiện hiện nay, doanh nghiệp Việt sẽ tiếp tục lép vế trước các doanh nghiệp nước ngoài. Trong khi đó, doanh nghiệp nước ngoài có xu hướng ủng hộ hệ sinh thái nước ngoài, và nguồn tiền kiếm được sẽ không chảy vào túi người dân Việt. Cả nền kinh tế sẽ ngày một ốm yếu.

Những con số đáng lo ngại của nền kinh tế

Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê (TCTK), tăng trưởng GDP quý I/2023 đạt 3,32% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp nhất trong giai đoạn kể từ năm 2011 (nếu không tính mức tăng 3,21% của quý I/2020 – thời kỳ đại dịch).

Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp quý I/2023 giảm 0,82% so với cùng kỳ năm trước, cũng là mức giảm sâu nhất trong cùng kỳ các năm trong giai đoạn kể từ năm 2011.

Khủng hoảng bất động sản sẽ lan ra cả nền kinh tế?

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/04/ntdvn_ntdvn-gettyimages-186947935.jpeg


Những người đi xe máy chạy ngang qua những tòa nhà dân cư đang được rao bán ở ngoại ô Hà Nội vào ngày 04/11/2013. (Ảnh: HOANG DINH NAM/AFP via Getty Images) 

Tại Mỹ, khoảng 1 năm sau khi tiền mã hóa lao dốc, các ngân hàng bắt đầu sụp đổ. Tại Việt Nam hiện nay, vấn đề với bất động sản thậm chí còn nghiêm trọng hơn nhiều. Thị trường bất động sản đóng băng, kéo theo các ngân hàng cũng đứng ngồi không yên (nợ bất động sản chiếm tỷ trọng rất lớn trong hệ thống ngân hàng). Trong khi đó, các vấn đề của thị trường bất động sản sẽ khó có thể được giải quyết trong tương lai gần. Thị trường Việt Nam đã chứng kiến những cảnh báo như trường hợp của ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và Vạn Thịnh Phát, nhưng vấn đề sẽ không chỉ dừng lại tại đó. Tuy nhiên, do vấn đề của bất động sản mang tính dài hạn hơn tiền mã hóa, do đó, tác động của nó có thể đến chậm hơn.

Nhìn vào cách thức đi vay của các doanh nghiệp bất động sản, người ta không khỏi giật mình. Điển hình như Novaland, doanh nghiệp này tiếp tục huy động mạnh trái phiếu, không tính đến điểm rơi đáo hạn, góp phần dẫn đến khó khăn về nợ. Có cảm tưởng, các doanh nghiệp biết rất rõ về khó khăn của mình, nhưng vẫn liều lĩnh vay tiền để duy trì sự sống. Có lẽ các trái chủ sẽ không vui vẻ gì lắm khi biết được sự thật đằng sau lượng trái phiếu mà mình đang nắm giữ.

Sự liều lĩnh, hay “hoang dã”, còn được thể hiện rõ qua những vụ bê bối với Vạn Thịnh Phát hay Tân Hoàng Minh. Đây đều là trường hợp các ông lớn liều lĩnh với trái phiếu và hủy đi nhiều năm uy tín của doanh nghiệp. Đặc biệt, đây đều là các đại gia trong ngành bất động sản; họ đầy quyền lực, có khả năng thao túng thị trường với hệ sinh thái khủng, có ảnh hưởng bao trùm sang cả ngân hàng. Tại sao họ lại sẩy chân với trái phiếu doanh nghiệp, vốn chỉ là một kênh mới để huy động vốn. Hẳn đằng sau còn là một câu chuyện dài hơn về cách huy động vốn, về ngân hàng và bất động sản. Các đại gia này có thể đã liều lĩnh, nhưng họ không ngờ nghệch. Vấn đề trái phiếu doanh nghiệp bất động sản tình cờ đã phơi bày ra nhiều vấn đề ẩn giấu đằng sau hệ thống tài chính và lĩnh vực bất động sản.

Nền kinh tế Việt Nam đang dần yếu đi. Trong khi thế giới đang gặp khó khăn, với độ mở lớn hơn trước và vấn đề nợ cũng nghiêm trọng hơn trước, kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian tới.

Bảo Nguyên

Phái đoàn nghị sĩ lưỡng viện Hoa Kỳ sắp đến Việt Nam

VNTB – Phái đoàn nghị sĩ lưỡng viện Hoa Kỳ sắp đến Việt Nam

Nguyễn Nam – Định Tường

(VNTB) – Phái đoàn năm nghị sĩ liên bang Mỹ do thượng nghị sĩ Jeff Merkley dẫn đầu sẽ đến thăm Việt Nam vào cuối tuần này, nhằm thúc đẩy quan hệ song phương và quan hệ Mỹ – ASEAN.

Thông cáo báo chí trên trang web của thượng nghị sĩ Van Hollen cho biết Việt Nam là một trong hai điểm đến của phái đoàn nghị sĩ lưỡng viện Mỹ trong chuyến thăm Đông Nam Á dài tám ngày lần này. Quốc gia thứ hai mà đoàn dừng chân là Indonesia, nước chủ tịch luân phiên của ASEAN năm 2023. Phái đoàn sẽ có hơn 30 cuộc gặp với các quan chức, lãnh đạo ASEAN và một số tổ chức khác.

Tham gia cùng thượng nghị sĩ Merkley – thành viên của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện – còn có thượng nghị sĩ Chris Van Hollen và các dân biểu Pramila Jayapal, hạ nghị sĩ đảng Dân chủ bang Washington; Lloyd Doggett, hạ nghị sĩ đảng Dân chủ bang Texas và Ilhan Omar, hạ nghị sĩ đảng Dân chủ bang Minnesota.

Tại Việt Nam, đoàn sẽ tìm hiểu vấn đề di sản của chiến tranh Việt Nam, các nỗ lực thúc đẩy tiến trình bình thường hóa, bao gồm các dự án về xử lý dioxin từ chất độc màu da cam, rà phá bom mìn, câu chuyện về các cựu chiến binh hai nước cũng như hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng từ cuộc chiến.

Để hiểu rõ hơn về tác động của biến đổi khí hậu đối với hệ sinh thái và cộng đồng sở tại, đoàn sẽ thăm một thị trấn trên sông Mekong của miền Nam Việt Nam hiện đối mặt với hệ quả từ tình trạng mực nước biển dâng, gặp gỡ chuyên gia về khí hậu, học sinh và ngư dân.

Tương tự, tại Indonesia, phái đoàn sẽ đến rừng nhiệt đới ở Borneo để tìm hiểu các nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học và quản lý rừng.

“Việt Nam và Indonesia là những đối tác quan trọng của Mỹ. Chỉ khi hợp tác cùng nhau, chúng ta mới có thể giải quyết những thách thức nhiều mặt trong thế kỷ này”, thông cáo ngày 5-4 dẫn lời thượng nghị sĩ Merkley cho hay. “Chuyến đi của chúng tôi sẽ là cơ hội củng cố mối quan hệ giữa chính phủ và người dân hai nước”.

Trước thềm chuyến thăm, thượng nghị sĩ Merkley và thượng nghị sĩ Van Hollen, Chủ tịch tiểu ban Đông Á thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ, đã cùng đề xuất một nghị quyết khẳng định sự ủng hộ của Hoa Kỳ với vai trò trung tâm của ASEAN, tài liệu quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và cơ chế do ASEAN dẫn dắt trong các cấu trúc thể chế tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Cùng với thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa tại bang Alaska, ông Dan Sullivan, ông Merkley cũng đề xuất một dự thảo nghị quyết để nâng cao nhận thức đối với vấn đề môi trường, nhân đạo và kinh tế mà sông Mekong đang phải đối mặt, cũng như tầm quan trọng then chốt của quan hệ Đối tác Mekong – Hoa Kỳ trong việc thúc đẩy sự thịnh vượng trong khu vực.

Liên quan đến vấn đề sông Mekong, sáng ngày 5-4-2023, phát biểu tại phiên họp toàn thể Hội nghị cấp cao của Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ tư tổ chức tại Vientiane (Lào), Thủ tướng Phạm Minh Chính của Việt Nam nhấn mạnh mang tính hình tượng, rằng, “sông Mekong quanh co, uốn khúc nhưng thái độ của chúng ta đối với dòng sông sẽ luôn rõ ràng, minh bạch, tất cả vì môi trường sinh thái của dòng sông, vì lợi ích chung của cộng đồng cư dân sống quanh lưu vực, vì trách nhiệm với cả các thế hệ tương lai”.

Trong Tuyên bố chung Vientiane ở Hội nghị Cấp cao lần thứ 4 Ủy hội sông Mekong quốc tế, có đoạn cam kết:

“Tiếp tục khẳng định cam kết chính trị cao nhất của chúng tôi đối với việc thực hiện hiệu quả Hiệp định Mekong 1995 và vai trò của Ủy hội như là một cơ quan ngoại giao và hợp tác về tài nguyên nước hàng đầu trong khu vực và là một trung tâm tri thức trong tăng cường thực hiện các chiến lược, thủ tục, hướng dẫn kỹ thuật cũng như chia sẻ dữ liệu và thông tin trên toàn lưu vực, qua đó thúc đẩy hợp tác hòa bình và cùng có lợi để đạt được tầm nhìn chung về một Lưu vực sông Mekong thịnh vượng về kinh tế, công bằng về xã hội, lành mạnh về môi trường và có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Trong bối cảnh đó cho thấy việc phái đoàn năm nghị sĩ liên bang Mỹ do thượng nghị sĩ Jeff Merkley dẫn đầu sẽ đến thăm một thị trấn trên sông Mekong của miền Nam Việt Nam hiện đối mặt với hệ quả từ tình trạng mực nước biển dâng, gặp gỡ chuyên gia về khí hậu, học sinh và ngư dân, là những hành động thiết thực trong quan hệ Việt – Mỹ.

Metro số 1 chưa hoạt động được vì… thiếu tiền

07/4/2023


VNTB – Metro số 1 chưa hoạt động được vì… thiếu tiền

Trường Sơn

(VNTB) – Đơn vị vận hành metro số 1, HURC1 có nguy cơ phải gián đoạn hoạt động do không có nguồn kinh phí nào kể từ tháng 8-2021

 Lãnh đạo TP.HCM tiếp tục loay hoay với các kiến nghị về chuyện thủ tục để cấp kinh phí cho dự án vận hành metro số 1 của thành phố này.

Từ tháng 6-2022, Công ty TNHH Một thành viên Đường sắt đô thị số 1 (đơn vị vận hành metro số 1, HURC1), đã có văn bản tiếp tục lên tiếng về việc đơn vị hết sức khó khăn, có nguy cơ phải gián đoạn hoạt động do không có bất kỳ nguồn kinh phí nào kể từ tháng 8-2021.

‘Giải cứu’… chính sách

Theo văn bản trên, vận hành tuyến metro số 1 cần khoảng 700 người nhưng đến thời điểm trung tuần tháng 6-2022, HURC1 chỉ có 15 nhân sự chính thức và đang thiếu tiền để duy trì hoạt động. Người lao động của công ty chưa được chi trả lương từ tháng 2-2022 và kể từ tháng 7-2021 chưa được đóng các khoản bảo hiểm xã hội.

Việc vướng mắc kinh phí hoạt động của HURC1 làm ảnh hưởng đến công tác chuẩn bị vận hành tuyến metro 1. Cụ thể, công ty không đảm bảo đủ nhân sự để tiếp nhận đào tạo, chuyển giao công nghệ theo tiến độ của dự án xây dựng. Công ty cũng không đủ kinh phí để duy trì hoạt động ổn định đến giai đoạn vận hành, khai thác dự án.

Liên quan vấn đề này, cuối năm 2021, UBND TPHCM đã kiến nghị Thủ tướng chấp thuận được sử dụng ngân sách thành phố để bố trí kinh phí đảm bảo điều kiện thực hiện nhiệm vụ của HURC1 trong giai đoạn chuẩn bị vận hành khai thác thương mại metro số 1. Sau đó, Văn phòng Chính phủ đã đề nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính xem xét, nghiên cứu; trường hợp vượt thẩm quyền, hai bộ đề xuất báo cáo Thủ tướng theo quy định.

Theo HURC1, do Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và đầu tư có hướng dẫn khác nhau nên đến nay TP.HCM chưa thể giải quyết kinh phí cho công ty. Trong khi đó, dù thực hiện phương án của Bộ Tài chính hoặc Bộ Kế hoạch và đầu tư đều cần nhiều thời gian để rà soát, trong khi nhu cầu kinh phí hiện nay rất cấp thiết.

Về phương án, Bộ Tài chính đề nghị TP.HCM báo cáo Chính phủ cho phép bổ sung vốn điều lệ để đảm bảo hoạt động. Còn Bộ Kế hoạch và đầu tư đề nghị TP.HCM rà soát cơ sở pháp lý, khả năng cân đối ngân sách hoặc các nguồn vốn phù hợp khác để bố trí cho Công ty trong giai đoạn chuẩn bị vận hành, trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định.

Nguy cơ dừng hoạt động

Thượng tuần tháng 4-2023, UBND TP. HCM lại có công văn khẩn kiến nghị Bộ Tài chính giải quyết kinh phí hoạt động của HURC1.

Về khó khăn vướng mắc, UBND TP. HCM cho biết vào thời điểm lập, trình hồ sơ thành lập công ty, metro số 1 có thời gian hoàn thành vào năm 2018. Nhưng thời gian thực hiện dự án kéo dài và mới đây Thủ tướng đã ban hành quyết định điều chỉnh hoàn thành vào cuối quý 4-2023.

Ngoài ra, do các quy định pháp luật thay đổi kể từ khi có Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp và nghị định 91/2015 đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản của doanh nghiệp. Vì vậy, TP.HCM không thể bố trí vốn từ ngân sách cho công ty ở giai đoạn chuẩn bị vận hành metro số 1 theo như đề án thành lập.

Để công ty không phải dừng hoạt động và đảm bảo tốt công tác chuẩn bị vận hành, khai thác metro số 1, UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Tài chính sớm tham mưu, trình Chính phủ ban hành nghị quyết về việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho công ty là 268 tỷ đồng.

Trường hợp việc trình Chính phủ ban hành nghị quyết về đầu tư bổ sung vốn điều lệ có phát sinh khó khăn, vướng mắc, TP.HCM kiến nghị Bộ Tài chính tổng hợp, trình Thủ tướng xem xét điều chỉnh một số nội dung liên quan về việc thành lập công ty.

Việt Nam vi phạm cam kết vì… thủ tục?

Về phía nhà tài trợ dự án, Văn phòng đại diện Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam cũng đã có văn bản lên tiếng về vấn đề này.

Trong văn bản gửi Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, ông Shimizu Akira, – Trưởng Văn phòng JICA tại Việt Nam cho biết, hiện HURC1 vẫn đang phải đối mặt với một vấn đề lớn, đó là vốn điều lệ ban đầu đã được sử dụng hết để chi trả cho kinh phí hoạt động trong thời gian vừa qua và hiện Công ty đứng trước nguy cơ phải dừng hoạt động do không còn kinh phí. Đây là vấn đề ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ tiếp nhận và chuyển giao công nghệ từ phía dự án tăng cường hỗ trợ kỹ thuật của JICA (dự án TC2).

Cũng theo JICA, việc này cũng ảnh hưởng đến tiến độ thiết lập khung tiêu chuẩn cho việc khai thác vận hành thương mại tuyến metro 1.

Theo UBND TP.HCM, tại biên bản thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và JICA, đề án thành lập, tờ trình UBND TP.HCM được Thủ tướng chấp thuận, đều ghi nhận nội dung trong giai đoạn chuẩn bị cho vận hành tuyến metro 1, công ty vận hành metro số 1 không có doanh thu. Công ty chỉ được bố trí ngân sách để đảm bảo điều kiện thực hiện nhiệm vụ.

Người Việt Nam sang Nhật lao độn g phải tốn phí gần 200 triệu đồng

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/04/duoc-mien-phi-ve-may-bay-cong-ty-xuat-khau-lao-dong-van-thu-tien-cua-nhieu-thuc-tap-sinh-1-700x480.jpg

Tại buổi hội thảo về nhân lực, chuyên gia Nhật Bản cho biết số lao động Việt Nam sang Nhật Bản làm việc đang gia tăng nhanh chóng với trung bình mỗi năm khoảng 100.000 người. Bên cạnh đó, mỗi người lao động người Việt phải trả gần 200 triệu đồng chi phí, cao hàng đầu trong số các nước.
Người Việt Nam sang Nhật lao động tăng lên hằng năm, nhưng gánh nặng chi phí mang theo cũng rất lớn. (Ảnh minh họa: baochinhphu.vn)

Hôm 5/4, ông Shishido Kenichi – cố vấn đặc biệt của Chủ tịch Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho biết số lao động Việt sang Nhật Bản làm việc đang gia tăng nhanh chóng với trung bình mỗi năm khoảng 100.000 người, trở thành cộng đồng người nước ngoài đông thứ 2 tại nước này, theo báo Tiền Phong.

Cũng theo ông Shishido Kenichi, vấn đề lớn lao động Việt Nam gặp phải là chi phí để đi làm việc hiện ở mức cao (gần 200 triệu đồng). Điều này khiến tỷ lệ lao động Việt bỏ trốn ra ngoài cũng ở mức cao.

Còn theo ông Phạm Viết Hương – Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, cho biết phía Việt Nam đã không thực hiện tốt việc tuyển chọn, đào tạo ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho thực tập sinh trước khi xuất cảnh, theo Tuổi Trẻ.

Bên cạnh đó, ông Hương nhìn nhận có tình trạng thu tiền dịch vụ cao hơn mức quy định. Thực tập sinh mất tiền cho đối tượng trung gian hoặc môi giới.

Vị lãnh đạo này cũng cho biết Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 nêu rõ doanh nghiệp không được thu tiền môi giới, dịch vụ của người lao động trái phép.

Theo bà Ingrid Christensen, Giám đốc ILO tại Việt Nam, qua thống kê cho thấy số lao động Việt Nam tại Nhật Bản rất lớn, chiếm tới 1/4 trên tổng số 1,82 triệu lao động nước ngoài tại Nhật Bản. Qua đó, Việt Nam hưởng lợi từ kiều hối tương đương 3 tỷ USD/năm.

Tuy vậy, bà Christensen nêu rõ chi phí một lao động đi Nhật Bản lên tới 192 triệu đồng (khoảng 8.000 USD).

Qua khảo sát tại Hà Tĩnh, Hiệp hội Thân thiện quốc tế Nhật Bản (JIFA) cho rằng thực tập sinh đến từ Hà Tĩnh, Nghệ An chiếm tới 1/5 tổng số thực tập sinh kỹ năng tại Nhật nhưng trả chi phí thực tập rất cao.

Theo ông Doãn Mậu Diệp, Chủ tịch VAMAS, chi phí của thực tập sinh Việt Nam cao nhất, cao hơn cả Trung Quốc, Indonesia và Philippines. Nhiều nguyên nhân được chỉ ra như: thiếu thông tin nên phụ thuộc môi giới, tồn tại tình trạng thỏa thuậ ngầm với người giới thiệu, có ít cơ sở dạy tiếng Nhật tại địa phương, v.v…

Để giảm gánh nặng chi phí, bà Ikeda Setsuko, Chủ tịch JIFA cho biết cần phải thực hiện xóa bỏ các hành vi gian lận trong chương trình thực tập sinh. Trong đó có việc từ chối tiền lại quả hoặc thiết đãi quá mức, từ chối hợp đồng “cửa sau” và không cung cấp tài liệu giả mạo.

Đức Minh


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét