Tác giả James Gorrie
Cựu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mike Mullen trình bày khi Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (bên phải) lắng nghe trong một cuộc họp ở Đài Bắc, Đài Loan, vào ngày 02/03/2022. (Ảnh: Văn phòng Tổng thống Đài Loan qua AP)
Đài Loan, đồng minh của Hoa Kỳ, không chỉ tự hỏi liệu Hoa Kỳ có bảo vệ họ trước cuộc xâm lược của Trung Quốc đại lục hay không, mà còn muốn biết liệu Hoa Kỳ có còn khả năng làm được điều đó hay không.
“Sự mơ hồ chiến lược” là chính sách đã có từ lâu của Hoa Kỳ liên quan đến việc bảo vệ nước này trước sự xâm lược của Trung Quốc từ bên kia eo biển Đài Loan. Theo thuật ngữ này, ý nghĩa thực sự của sự mơ hồ chiến lược, là, vâng, rất mơ hồ.
Ý tưởng đằng sau sự mơ hồ
Nguyên nhân chính của chiến lược mơ hồ này là các nhà hoạch định chính sách và quân sự Hoa Kỳ nghĩ rằng cách hiệu quả nhất là khiến cho cả Bắc Kinh và Đài Bắc luôn phải phỏng đoán về các kế hoạch phòng thủ của Hoa Kỳ liên quan đến Đài Loan. Việc không biết liệu Hoa Kỳ có bảo vệ Đài Loan hay không, và nếu có, thì trong hoàn cảnh nào và bằng phương pháp gì, được cho là khiến Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gặp khó khăn hơn rất nhiều trong việc dự trù xâm lược đảo quốc này.
Đối với người Đài Loan, sự mơ hồ có mục đích khiến họ luôn cảnh giác về mặt quân sự và duy trì sự sẵn sàng thay vì trở nên yếu kém về quân sự giống như một số đồng minh Âu Châu cũng đã đi đến nước này dưới sự bảo đảm an ninh của Hoa Kỳ. Chiến lược này cũng ngăn cản Đài Bắc tuyên bố độc lập khỏi Bắc Kinh, điều mà có thể gây ra phản ứng leo thang từ Trung Quốc.
Có thể nói rằng cam kết mơ hồ này, như hiện nay, đã giúp ích rất nhiều cho Hoa Kỳ và Đài Loan trong những thập niên qua. Xét cho cùng, Hoa lục vẫn chưa phát động một cuộc xâm lược nào để chinh phục Đài Loan, chí ít là không phải về mặt quân sự. Tuy nhiên, ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các vấn đề kinh tế, chính trị, và văn hóa ở Đài Loan chắc chắn đã tăng lên trong những năm qua.
Từ đối thủ cạnh tranh, Trung Quốc trở thành kẻ thù toàn cầu của Hoa Kỳ
Thế nhưng, sẽ là không lý trí lắm nếu xem lịch sử là tiền đề cho hiện tại. Ngày nay, ở mọi cấp độ, Trung Quốc là một quốc gia khác về năng lực so với 10 hay 20 năm trước. Cả về mặt chiến lược và quân sự, hiện nay Trung Quốc hoàn toàn là một đối thủ cạnh tranh, nếu không muốn nói là kẻ thù của Hoa Kỳ. Nói kẻ thù là chính xác hơn.
Hơn nữa, những tham vọng của Trung Quốc là nhằm thay thế ảnh hưởng của Hoa Kỳ trên phạm vi toàn cầu, không chỉ ở Nam Thái Bình Dương, mà thậm chí còn ở khu vực Á Châu-Thái Bình Dương.
Trung Quốc đang đi trên con đường làm điều đó của họ. Về phương diện phóng chiếu sức mạnh, Bắc Kinh hiện có một lực lượng hải quân vượt xa số lượng chiến hạm của Hoa Kỳ. Mặc dù Hải quân Hoa Kỳ vượt trội so với Trung Quốc, nhưng số lượng vượt trội cho phép sự hiện diện của hải quân Trung Quốc khẳng định họ ở nhiều khu vực trên thế giới cùng một lúc. Sự nhận thức là rất quan trọng.
Những con tàu đi qua Kênh đào Panama gần Thành phố Panama vào ngày 11/05/2016. Ban đầu dự kiến hoàn thành vào tháng 10/2014, Kênh đào Panama mới mở rộng sẽ được khánh thành vào ngày 26/06, được thiết kế để tiếp nhận những con tàu lớn được gọi là “New Panamax.” (Ảnh: AP Photo/Arnulfo Franco)
Hơn nữa, hiện nay Trung Quốc kiểm soát hầu hết các cửa biển quan trọng, những nút thắt chiến lược của các tuyến đường thủy quan trọng nhất thế giới. Kiểm soát các tuyến đường thủy của thế giới là một trong ba trụ cột của sức mạnh trên biển, và Trung Quốc đã thành công trong việc này. Những cửa biển đó bao gồm Kênh đào Panama, Kênh đào Suez dẫn đến Biển Địa Trung Hải, và Hồng Hải tiếp cận Ấn Độ Dương qua Cảng Djibouti, và nhiều cửa biển khác.
Hơn nữa, kho vũ khí chiến lược của Trung Quốc bao gồm hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa có đầu đạn hạt nhân cũng như hỏa tiễn hạt nhân và chống hạm siêu thanh được thiết kế đặc biệt để vô hiệu hóa sức mạnh hải quân và kho vũ khí chiến lược của Hoa Kỳ. Liệu quân đội Hoa Kỳ có thực hiện được nhiệm vụ tự vệ trước các lực lượng chiến lược của Trung Quốc hay không là điều còn phải bàn cãi.
Sự suy giảm của Hoa Kỳ là rõ ràng
Ngược lại, Hoa Kỳ không còn là quốc gia giống như trước đây. Đồng thời với sự trỗi dậy của Trung Quốc, sự suy giảm các năng lực quân sự của Mỹ là rõ ràng và có căn cứ. Các quyết định chính sách mới đây chắc chắn đã góp phần vào điều đó.
Quyết định ủng hộ Ukraine trong nỗ lực đẩy lùi quân xâm lược Nga đã làm cạn kiệt khả năng sẵn sàng quân sự của chúng ta về đạn dược, xe tăng cũng như các phương tiện hỗ trợ và vật liệu phục vụ chiến tranh khác. Trong thời gian ngắn hạn, Hoa Kỳ hoàn toàn không thể sản xuất nhanh hơn năng lực sản xuất chiến tranh của Nga.
Các quyết định chính sách của Hoa Kỳ làm lu mờ danh tiếng của mình
Hơn nữa, chính sách Ukraine đang làm giảm uy tín của chúng ta với vị thế là một quốc gia nghiêm túc về mặt chiến lược. Cuộc chiến này là một thảm kịch chắc hẳn có thể tránh được bằng cách không biến Ukraine thành một con rối của NATO. Chúng ta đang ủng hộ một quốc gia vô cùng tham nhũng, mà trong nỗ lực chiến tranh của họ, đang tiến xa hơn trên con đường hướng tới, chứ không phải rời xa, chủ nghĩa phát xít mới do cá tính thúc đẩy.
Cuộc rút quân của Hoa Kỳ khỏi Afghanistan là một sai lầm chính sách khác khiến các thiết bị quân sự tiên tiến trị giá hàng tỷ USD, bao gồm phi cơ tấn công tinh vi, xe tăng, v.v., bị bỏ lại phía sau cho kẻ thù của chúng ta như Taliban và Iran. Cuộc rút lui vội vàng và không báo trước của chúng ta cũng đã hủy hoại lòng tin của các đồng minh của mình và khiến nước Mỹ trông giống như một cường quốc đang suy tàn nhanh chóng, rõ ràng như vậy.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn ra hiệu từ chiến đấu cơ F-16 V đã nâng cấp do Hoa Kỳ sản xuất trong một buổi lễ tại Lực lượng Không quân Gia Nghĩa ở miền nam Đài Loan, vào ngày 18/11/2021. (Ảnh: Sam Yeh/AFP qua Getty Images)
Chính vì những lý do này, và những lý do khác liên quan đến một tổng thống không tạo được niềm tin cho các đồng minh của chúng ta cũng như không gây sợ hãi cho các đối thủ của chúng ta, mà cách tiếp cận mơ hồ chiến lược của Hoa Kỳ đối với an ninh của Đài Loan, là không còn ý nghĩa nữa. Các chính sách an ninh của Hoa Kỳ không chỉ thiếu rõ ràng và kém tin cậy hơn so với trước đây, mà sự sẵn sàng và năng lực quân sự của Hoa Kỳ để ngăn chặn sự xâm lược của Trung Quốc và bảo vệ Đài Loan khỏi cuộc xâm lược của Trung Quốc giờ đây cũng rất mơ hồ.
Những mục đích, ý chí chính trị, và năng lực của Hoa Kỳ bị suy giảm
Điều trớ trêu đó vừa rõ ràng vừa đáng lo ngại. Ba yếu tố chính của quyền lực trong các mối bang giao quốc tế là những mục đích của một chính sách, ý chí ủng hộ cho những mục đích đó, và khả năng quân sự để thực thi chính sách của chúng ta đối với các quốc gia khác. Đối với các kế hoạch an ninh của Hoa Kỳ dành cho Đài Loan, sự mơ hồ này lại đang gia tăng ở tất cả ba lĩnh vực đó.
Năng lực của quân đội Hoa Kỳ trong việc ngăn chặn Trung Quốc có hành vi hung hăng đối với Đài Loan đang suy giảm từng ngày. Phi cơ quân sự Trung Quốc liên tục xâm phạm không phận Đài Loan, và tiến hành các cuộc tập trận quân sự gần hòn đảo này mà không nhận lấy hậu quả gì, khiến cho lời tuyên bố của Bắc Kinh sẽ đưa Đài Loan chịu sự kiểm soát của họ vào năm 2027 dường như có nhiều khả năng xảy ra hơn.
Bắc Kinh không e sợ chính phủ ông Biden
Điều mơ hồ nữa là những mục đích của Hoa Kỳ liên quan đến phòng thủ của Đài Loan. Trong trường hợp Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) xâm lược, liệu chính phủ ông Biden có thực sự chủ định điều động thủy thủ và binh lính Mỹ sang chiến đấu cùng Đài Loan chống lại Trung Quốc không?
Với các quyết định chính sách của chính phủ ông Biden cho đến nay, điều đó dường như rất khó xảy ra, và ít mơ hồ hơn nhiều.
Tuy nhiên, điều không mơ hồ nhất lại là năng lực quân sự đang suy giảm của Hoa Kỳ để bảo vệ Đài Loan một cách tuyệt đối. Lực lượng hải quân vượt trội về số lượng của Trung Quốc áp đảo hải quân Hoa Kỳ. Chính điều này có thể là nhân tố quyết định trong một trận hải chiến. Trên thực tế, có rất nhiều nghi ngờ rằng Hoa Kỳ vẫn có khả năng thực sự bảo vệ Đài Loan.
Dựa trên giả định đó, có lẽ lựa chọn ít mơ hồ nhất đối với Đài Loan là học theo cách của Bắc Hàn, và trang bị cho mình một lực lượng phòng thủ hạt nhân ngay khi có thể.
Yến Nhi biên dịch
https://www.epochtimesviet.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét