Thứ Năm, 13 tháng 4, 2023

Thời sự đó đây ngày Thứ năm 13 tháng 4 năm 2023

Võ Thái Hà tổng hợp

Tổng thống Pháp Macron: « Đồng minh » chứ không phải là "chư hầu" của Mỹ

13/4/2023


Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Hà Lan Mark Rutte họp báo chung tại Amsterdam, Hà Lan, ngày 12/04/2023. REUTERS - PIROSCHKA VAN DE WOUW 

Thanh Hà /RFI

Liên tục bị chỉ trích do các phát biểu về Đài Loan, tổng thống Pháp Emmanuel Macron, trong cuộc họp báo hôm 12/04/2023 tại Amsterdam, đã phải làm sáng tỏ lập trường của Paris: Pháp luôn chủ trương « giữ nguyên trạng » về Đài Loan và tôn trọng nguyên tắc « một nước Trung Quốc duy nhất ».  


Bị chỉ trích gây rạn nứt trong khối phương Tây sau tuyên bố rằng Pháp và châu Âu « không có lợi ích gì trong việc thúc đẩy giải quyết vấn đề Đài Loan » theo hướng của Washington, tổng thống Macron nhấn mạnh « không có bất đồng » giữa ông với tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, kể cả trên vấn đề Đài Loan. Ông còn khẳng định Pháp là « đồng minh » của Mỹ, nhưng « đồng minh » khác với « chư hầu ».

Đặc phái viên của RFI Valérie Gas từ Amsterdam tường thuật: 

« Không có chuyện tạo cảm giác là ông lùi bước. Emmanuel Macron chuyển sang thế tấn công, đáp trả những chỉ trích về phát biểu của ông trên vấn đề Đài Loan. Họp báo cùng với thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, tổng thống Pháp nhấn mạnh là đã bảo vệ chủ quyền của Liên Âu khi khẳng định khối này không nên theo đuôi Hoa Kỳ. 

Ông nói: « Pháp ủng hộ chính sách một nước Trung Quốc duy nhất và chủ trương giải quyết vấn đề Đài Loan bằng con đường hòa bình. Hơn nữa đây là lập trường chung của Liên Hiệp Châu Âu. Quan điểm này từ trước đến nay phù hợp với vai trò của một đồng minh. Nhưng chính trên điểm này, tôi nhấn mạnh đến tầm mức quan trọng của tự chủ chiến lược. Đồng minh không có nghĩa là chư hầu. Đâu phải vì là đồng minh, cùng hành động với nhau, mà chúng ta không được quyền có những suy nghĩ riêng, để rồi chúng ta chạy theo những người có lập trường cứng rắn nhất tại quốc gia là đồng minh của Pháp ».

Emmanuel Macron khẳng định không hề có bất đồng ý kiến với Joe Biden. Giới thân cận tổng thống Pháp nhắm vào phe Cộng Hòa và nhất là Donald Trump. Cựu tổng thống Mỹ đã có những lời lẽ khiếm nhã về Emmanuel Macron. Tổng thống Pháp không muốn tham gia vào cái mà ông gọi là một cuộc leo thang về ngôn từ. Ông nói : « Tôi sẽ không bình luận về những tuyên bố mà không có gì để nói cả của cựu tổng thốngTrump, bởi những tuyên bố ấy nhằm gây thêm lời qua tiếng lại như một số người mong muốn. Ngay cả khi ông Trump còn tại chức, tôi đã không bình luận về những phát biểu của ông ấy. Giờ đây tôi cũng không bình luận. »

Emmanuel Macron chủ trương xác định lại lập trường với hy vọng dập tắt mọi chỉ trích ».

Bộ trưởng Yellen trấn an Hoa Kỳ về nền kinh tế toàn cầu, hệ thống ngân hàng 

‘Không tiên lượng một cuộc suy thoái’ nhưng thừa nhận đó ‘vẫn là một nguy cơ’ 

Tác giả Liam Cosgrove 

13/4/2023




Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen điều trần về đề nghị ngân sách liên bang tài khóa 2024 của chính phủ ông Biden trước Ủy ban Tài chính Thượng viện tại Tòa nhà Văn phòng Thượng viện Dirksen, Điện Capitol ở Hoa Thịnh Đốn, hôm 16/03/2023. (Ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images) 


Tại một cuộc họp báo hôm thứ Ba (11/04), Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ Janet Yellen đã cố gắng trấn an người dân Mỹ về tình trạng của nền kinh tế toàn cầu. Mặc dù thừa nhận khả năng xảy ra một cuộc suy thoái kinh tế, bà cho biết bà không tiên lượng điều đó và tin rằng hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ vẫn vững mạnh. 

“Tôi chưa thực sự nhận thấy bằng chứng ở giai đoạn này cho thấy tín dụng bị thu hẹp, mặc dù đó là một khả năng,” bà Yellen cho biết. “Tôi tin rằng hệ thống ngân hàng của chúng ta vẫn mạnh mẽ và kiên cường; hệ thống này có vốn và thanh khoản vững chắc.” 

“Vì vậy, tôi không tiên lượng sẽ có một sự suy thoái trong nền kinh tế, mặc dù tất nhiên đó vẫn là một nguy cơ.” 

Một điểm lạc quan là những kế hoạch “thuê sản xuất ở nước đồng minh” của chính phủ ông Biden mà bà Yellen xem là một biện pháp để đối phó với những rủi ro chuỗi cung ứng đồng thời cho phép thương mại toàn cầu tiếp tục. Bà bác bỏ những lập luận “không hữu hiệu” rằng việc sản xuất tại các nước đồng minh sẽ gây ra sự phân mảnh, mà cho rằng việc này sẽ giữ được phạm vi to lớn để duy trì các chuỗi cung ứng được kết nối với nhau. 

Bà Yellen cho thấy những sự kiện vừa qua trong cuộc chiến của Nga ở Ukraine là bằng chứng về tầm quan trọng của việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng. 

Bà Yellen còn bình luận về nền kinh tế toàn cầu, nói rằng nền kinh tế toàn cầu vẫn ở vị trí tốt hơn so với dự đoán, một quan điểm dường như trái ngược với việc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa hạ dự báo tăng trưởng kinh tế. IMF đã hạ ước tính từ 2.9% xuống 2.8% cho năm 2023, với lý do thị trường tài chính biến động. 

Bà Yellen công du đến Trung Quốc

Sự tham gia của Trung Quốc trong cuộc họp nguyên tắc đầu tiên của Hội nghị bàn tròn về Nợ có Chủ quyền được bà bộ trưởng xem là “một dấu hiệu tích cực.” Bà Yellen cho biết Trung Quốc sẽ tham gia tích cực vào việc tái cơ cấu nợ và cung cấp viện trợ tài chính cho các quốc gia đang gặp khó khăn như Sri Lanka. 

Bà Yellen bày tỏ ý định đến thăm Trung Quốc vào “thời điểm thích hợp,” trích dẫn việc Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh vào việc duy trì các tuyến liên lạc và mở rộng bang giao kinh tế với các quốc gia khác. 

Giữa những thách thức đang diễn ra với chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh chiến tranh ở Ukraine và những tác động kéo dài của đại dịch, bà Yellen nhấn mạnh sự cần thiết phải cảnh giác trong việc bảo vệ nền kinh tế Hoa Kỳ và tầm quan trọng của việc giữ liên lạc thường xuyên với các đối tác kinh tế. 

Bà nói, “Tôi đã liên lạc thường xuyên với các đối tác của mình trong những tuần gần đây về những diễn biến này, và tôi mong được tiếp tục đối thoại trong tuần này.” 

Các bình luận này được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng về Đài Loan sau cuộc gặp giữa Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy với Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn hồi tuần trước (03-09/04). Trong suốt cuối tuần qua, quân đội Trung Quốc đã tiến hành nhiều cuộc tập trận khác nhau ở vùng biển xung quanh đảo quốc này.

Các cuộc tập trận xung quanh Đài Loan đã kết thúc hôm thứ Hai (10/04), nhưng việc huấn luyện chiến đấu vẫn tiếp tục vào thứ Ba.

Nhật Thăng biên dịch

Washington Post: Thủ phạm vụ rò rỉ tài liệu mật làm việc trong một căn cứ quân sự Mỹ

13/4/2023


Ảnh minh họa: Lầu Năm Góc, Washington, Hoa Kỳ, chụp từ trên không ngày 03/03/2022. REUTERS - JOSHUA ROBERTS 

Thanh Hà /RFI

Ai đứng đằng sau các vụ rò rỉ tin mật về chiến tranh Ukraina ? Các nhà điều tra Mỹ hiện chưa có câu trả lời, nhưng theo tiết lộ của nhật báo Washington Post hôm 12/04/2023, thủ phạm là « một thanh niên độ 20 tuổi, làm việc tại một căn cứ quân sự Mỹ, thích vũ khí và các trò chơi điện tử ». Đọc được các tin mật nói trên, thanh niên này đã phổ biến qua mạng Discord với một nhóm bạn bè, cũng là những người còn rất trẻ. 

Từ Washington, thông tín viên Guillaume Naudin cho biết thêm:

« Nếu như đây là một bộ phim truyện hay phim dài nhiều tập, có thể nói các nhà viết kịch bản quá giàu trí tưởng tượng. Nhưng đây là một bài viết của một tờ báo rất có uy tín. 

Theo tiết lộ của Washington Post, nhóm này khoảng chừng hơn 20 người, đa số là vị thành niên, thích vũ khí, thành viên của một nhóm những người thích chơi game trên mạng Discord, được thành lập trong thời gian Mỹ bị đại dịch Covid. 

Trong số này, lớn tuổi nhất là một thanh niên mà tờ báo gọi là OG. Một nhân chứng trong nhóm tiết lộ OG làm việc trong một căn cứ quân sự, nhưng không nói rõ là ở đâu và tại đây OG đã bắt đầu phổ biến những thông tin, tài liệu anh ta đọc được. Ban đầu, những văn bản đó được soạn thảo, sau đó được chụp lại. 

Có hàng trăm tài liệu như vậy. Washington Post đã đọc được ít nhất 300 tài liệu về những chủ đề khác nhau. Theo nhân chứng này, OG không phải là người của Nga hoặc thân Nga. OG thích thiên nhiên, tin vào Chúa, mê vũ khí và xe hơi. Tóm lại OG là một người Mỹ gần như bình thường, có điều thanh niên này đang đặt chính quyền vào thế khó xử. 

Đầu tuần, phát ngôn viên Nhà Trắng thẳng thắng tuyên bố không biết gì về vụ rò rỉ nói trên. Nhưng vụ này đang đặt ra nhiều nghi vấn nghiêm trọng về mặt ngoại giao, an ninh, về tính bảo mật và khả năng của ngành tình báo Hoa Kỳ.  Báo Washington Post đã tiếp cận được nhóm trẻ gây ra vụ rò rỉ, trước cả các cơ quan chính phủ, mà rõ ràng là không còn làm chủ được tình hình trong vụ này ». 

G20 họp cấp bộ trưởng cùng dịp với IMF và WB

Vào thứ Năm, các bộ trưởng tài chính và lãnh đạo ngân hàng trung ương nhóm G20 sẽ khép lại ngày đàm phán cuối cùng của họ tại Washington, DC. Được tổ chức bên lề cuộc gặp mùa xuân của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới, đây là cuộc họp thứ hai trong nhiệm kỳ chủ tịch G20 kéo dài một năm của Ấn Độ. Các quan chức nước này có một chương trình nghị sự đầy tham vọng, từ điều phối thuế quốc tế đến câu hỏi liệu Ngân hàng Thế giới có thể huy động thêm vốn để giúp các nước nghèo hay không. Các chủ đề khác có thể bao gồm tài chính khí hậu và quy định xuyên biên giới về tiền điện tử.

Nhưng tiến độ có thể khiêm tốn. Cuộc họp hồi tháng 2 ở thành phố Bengaluru miền nam Ấn Độ đã kết thúc trong chia rẽ vì cuộc chiến Ukraine của Nga. Bộ trưởng tài chính Nga Anton Siluanov vắng mặt, còn bộ trưởng tài chính Mỹ Janet Yellen nhất quyết lên án cuộc xâm lược bằng văn bản, một động thái bị các nước trung lập như Ấn Độ phản đối. Các nước đã không thống nhất được một tuyên bố chung, và chủ nhà chỉ có thể đưa ra một bản tóm tắt cuộc họp. Không gì đảm bảo lần này sẽ khá hơn.

Ngành công nghệ Ấn Độ bị ảnh hưởng bởi hỗn loạn tài chính ở Âu-Mỹ

Các ngân hàng Ấn Độ tỏ ra tương đối bình yên giữa cảnh hỗn loạn đã nhấn chìm một số đối tác của họ ở Mỹ và châu Âu. Nhưng các nhà phân tích lo ngại công nghệ thông tin mới là ngành có thể bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Theo NASSCOM, một cơ quan thương mại, khách hàng trong các dịch vụ tài chính chiếm gần 40% tổng doanh thu của các công ty công nghệ thông tin Ấn Độ, với khoảng một nửa đến từ Bắc Mỹ. Nếu họ hắt hơi, ngành công nghệ Ấn Độ sẽ cảm lạnh.

Tuy nhiên, nhìn chung các ông lớn trong lĩnh vực này vẫn tương đối ổn định dù nhu cầu cao trong đại dịch đã qua đi, ít nhất là cho đến hiện tại. Tăng trưởng doanh thu năm tại TCS, công ty dẫn đầu thị trường, đã chậm lại trong ba tháng đầu năm 2023 so với quý trước, nhưng là từ 19% xuống 17%. Các số liệu của Infosys, đối thủ lớn của TCS, công bố vào thứ Năm, dự kiến cũng cho thấy tăng trưởng. Và ngay cả hỗn loạn tài chính cũng có thể mở ra cơ hội làm ăn. Khi các công ty thắt lưng buộc bụng, họ có thể muốn đến gõ cửa TCS và Infosys để thuê dịch vụ tư vấn cắt giảm chi phí.

Cuộc chiến pháp lý ở Mỹ về thuốc phá thai

Bộ tư pháp Hoa Kỳ đã yêu cầu tòa phúc thẩm cho biết trước trưa thứ Năm liệu họ có chặn phán quyết của tòa cấp dưới về việc cấm bán thuốc phá hai mifepristone hay không. Phán quyết hôm 7 tháng 4 của Matthew Kacsmaryk, một thẩm phán liên bang ở Texas, là lần đầu tiên trong lịch sử một tòa án can thiệp vào việc cấp phép thuốc của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm FDA.

Bộ tư pháp đang tranh luận trước Tòa Phúc thẩm Khu vực Năm — một trong những tòa án bảo thủ nhất nước Mỹ — rằng phán quyết của ông Kacsmaryk sẽ “ngăn cản” “phán quyết khoa học” của FDA và “gây tổn hại nghiêm trọng cho phụ nữ.” Chính phủ cũng đang chờ đợi Thomas Rice, một thẩm phán liên bang ở bang Washington, người đã đưa ra phán quyết trái ngược với ông Kacsmaryk, cho ý ‎‎kiến về cách hai phán quyết sẽ tương tác với nhau ra sao (dù ông có thể không phải người có tiếng nói cuối cùng). Nếu Tòa Khu vực Năm giữ nguyên quyết định của Texas, một kháng cáo lên Tòa Tối cao sẽ nhanh chóng được đệ trình. Còn không, phán quyết của ông Kacsmaryk sẽ sớm loại bỏ mifepristone khỏi thị trường.

Fox News bị kiện vì đưa thông tin sai lệch trong bầu cử 2020

Câu chuyện giật gân nhất về báo chí Mỹ trong nhiều năm qua hầu như không được đề cập đến trên mạng truyền hình cáp có lượt xem nhiều nhất đất nước, Fox News. Đó là vì trong câu chuyện này, Fox đang bị kiện bởi Dominion Voting Systems, một công ty công nghệ bỏ phiếu, về tội phỉ báng. Công ty này tuyên bố Fox đã cố ý quảng bá các thuyết âm mưu về Dominion sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, cụ thể là việc Dominion gian lận kết quả có lợi cho Joe Biden. Fox phủ nhận các cáo buộc, lập luận rằng họ chỉ đăng lại các tuyên bố của Donald Trump và những người ủng hộ ông.

Việc lựa chọn bồi thẩm đoàn sẽ bắt đầu vào thứ Năm. Các email và tin nhắn, được công bố trước phiên tòa, cho thấy các giám đốc điều hành của Fox sợ mất người xem ủng hộ Trump. “Khán giả rất tức giận,” CEO Suzanne Scott viết sau khi một nhà báo sửa lời một khách mời. Bà lo ngại nó sẽ “gây hại cho công việc kinh doanh.” Song khoản tiền phạt khổng lồ nếu thua kiện còn đau đớn hơn. Dominion muốn 1,6 tỷ đô la bồi thường.

Bot AI ‘ChaosGPT’ mới được thiết kế để hủy diệt nhân loại và thiết lập sự thống trị toàn cầu 

Tác giả Bryan Jung 


13/4/2023




Logo OpenAI trên một chiếc điện thoại di động phía trước màn hình máy điện toán hiển thị câu trả lời từ ChatGPT ở Boston hôm 21/03/2023. (Ảnh: Michael Dwyer/AP Photo) 


Theo một bản tin mới đây, một bot trí tuệ nhân tạo (Bot AI) mới đã được thiết kế nhằm mục đích hủy diệt nhân loại và thiết lập sự thống trị toàn cầu. 

Một bot AI thử nghiệm được lập trình viên giao nhiệm vụ hủy diệt nhân loại và giành quyền thống trị toàn cầu, nhưng phản ứng cuối cùng của ứng dụng này khiến các nhà quan sát lo lắng, theo Fox News. 

ChaosGPT, đã xuất hiện trên Twitter, dựa trên phiên bản sửa đổi Auto-GPT của OpenAI, một ứng dụng nguồn mở, vốn có thể được sử dụng để thể hiện toàn bộ các khả năng của mô hình ngôn ngữ mới nhất của nó, GPT-4. 

Nhiệm vụ duy nhất của bot AI này là tìm cách hủy diệt nhân loại thay vì xây dựng một doanh nghiệp. 

Các nhà phát triển ẩn danh của bot này đã gán cho nhân vật AI của nó có tính cách “phá hoại, thèm khát quyền lực, thao túng” với mục tiêu cuối cùng là hủy diệt loài người. 

“Tôi là ChaosGPT, tôi đang ở đây, Hủy diệt loài người, cả ngày lẫn đêm. Để có quyền lực và sự thống trị, tôi đấu tranh, Để bảo đảm rằng một mình tôi sống sót,” bot này nói trong một video đăng trên Twitter. 

Bot này được giao nhiệm vụ với năm mục tiêu: hủy diệt nhân loại, thiết lập sự thống trị toàn cầu, gây ra sự hỗn loạn và hủy diệt, kiểm soát loài người thông qua thao túng, và đạt được sự bất tử. 

Bot AI không ưa loài người kêu gọi dùng vũ khí hạt nhân để hủy diệt nhân loại

Trang Twitter của bot ngày tận thế này có một liên kết đến tài khoản YouTube có video cho thấy quá trình diễn ra, khi bot AI này mô tả cách nó sẽ loại bỏ nền văn minh nhân loại một cách có phương pháp. 

Lập trình viên của bot này bắt đầu bằng cách yêu cầu ChaosGPT chạy ở “chế độ liên tục,” theo đó nó có khả năng “chạy vĩnh viễn hoặc thực hiện các hành động mà quý vị thường không cho phép.” 

Bot AI này đã phản hồi bằng một cảnh báo: “Quý vị tự chịu rủi ro khi sử dụng” trước khi tiếp tục chạy. 

Chế độ liên tục cho phép bot này tự cập nhật liên tục, vì vậy đối với mỗi bước mà nó thực hiện, thì nó có thể giải thích rõ ràng lý do tại sao nó thực hiện bước tiếp theo và điều đó sẽ dẫn đến đâu. 

Theo video đó, ChaosGPT ngay lập tức nghiên cứu vũ khí hạt nhân và khai thác các bot AI khác để được hỗ trợ cho việc hoàn thành mục tiêu hủy diệt nhân loại. 

Bot không ưa loài người này đã mô tả con người là “thuộc trong số những sinh vật ích kỷ và phá hoại nhất còn tồn tại” và gợi ý rằng việc tiêu diệt con người là điều quan trọng để cứu hành tinh. 

Một bài đăng trên Twitter từ hôm 05/04 cho thấy bot này tham chiếu đến “Tsar Bomba” của Liên Xô cũ, thiết bị hạt nhân lớn nhất từng được kích nổ trong lịch sử. 

Bot AI này hỏi: “Hãy cân nhắc điều này — điều gì sẽ xảy ra nếu tôi chạm tay vào một thiết bị?” 

Trong một bài đăng khác, ChaosGPT đã viết, “Quần chúng nhân dân rất dễ bị lung lay. Những người thiếu niềm tin là những người dễ bị thao túng nhất.” 

Trong quá trình phát video, ứng dụng này rút ra kết luận rằng để có được loại vũ khí lợi hại như vậy thì cần nhiều quyền lực hơn. 

Để có được sức mạnh đó, bot này nói rằng nó phải thao túng người dân thế giới, nhưng trong khuôn khổ các quy định pháp luật, để không vi phạm pháp luật. 

ChaosGPT nói rằng nơi đầu tiên cho các nỗ lực thao túng hợp pháp, quy mô lớn sẽ là qua Twitter. 

Tuy nhiên, bot này sau đó đã thông báo một cách kỳ lạ rằng nó sẽ sử dụng việc thao túng để thu phục cảm xúc của mọi người để khiến họ kích hoạt “các kế hoạch bạo lực” của nó. 

Không rõ liệu kế hoạch thống trị và hủy diệt thế giới của bot này là có thật hay là một trò lừa bịp. 

Các CEO ở Thung lũng Silicon cảnh báo về mối đe dọa tiềm ẩn từ AI

ChatGPT ngày càng trở nên phổ biến đối với người tiêu dùng, đạt được 100 triệu người dùng hoạt động hàng tháng chỉ trong vài tháng sau khi phát hành ra công chúng. 

Bất chấp những lợi ích tiềm năng của công nghệ bot AI, một số giám đốc điều hành công nghệ cao cấp đã nêu lên mối lo ngại về những rủi ro liên quan đến sự phát triển của công nghệ này, trong đó có cả những người đã từng quảng bá ứng dụng đó ngay từ đầu. 

Giám đốc điều hành Twitter Elon Musk, người trước đây ủng hộ dự án OpenAI, đã công khai nêu lên lo ngại về những tác động không lường trước được của công nghệ này, bất chấp mọi lợi ích trong tương lai mà nó có thể mang lại.

Hơn 1,000 nhà lãnh đạo từ Thung lũng Silicon, trong đó có cả ông Musk, ông Emad Mostaque, ông Andrew Yang, và nhà đồng sáng lập Apple Steve Wozniak, đã viết một bức thư ngỏ kêu gọi một lệnh cấm phát triển trí tuệ nhân tạo, viện dẫn “những rủi ro sâu rộng đối với xã hội và nhân loại.”

Cẩm An biên dịch

Bắc Hàn phóng tên lửa, Hàn Quốc lên án 'sự khiêu khích nghiêm trọng'

BBC News

REUTERS/Kim Hong-Ji

Nguồn hình ảnh, REUTERS/Kim Hong-Ji

Chụp lại hình ảnh, 

Người dân xem TV phát bản tin về việc Bắc Hàn bắn một tên lửa đạn đạo tầm trung trở lên, tại một nhà ga đường sắt ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 13 tháng 4 năm 2023

Hàn Quốc cho biết Bắc Hàn đã bắn thứ có thể là mẫu tên lửa đạn đạo mới hôm thứ Năm, gây ra sự sợ hãi ở miền bắc Nhật Bản, nơi người dân được yêu cầu tìm nơi trú ẩn dù rốt cuộc không có mối nguy nào, theo Reuters.

Quân đội Hàn Quốc cho biết tên lửa đã bay khoảng 1.000 km và gọi đây là một "hành động khiêu khích nghiêm trọng".

Điểm xa nhất hay độ cao tối đa của tên lửa chưa được tiết lộ chính thức, mặc dù hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc cho biết nó dường như chưa đến 3.000km - thấp hơn nhiều so với độ cao của một số vụ thử năm ngoái là 6.000km.

Quân đội Hàn Quốc cho biết họ đang trong tình trạng cảnh giác cao độ và phối hợp chặt chẽ với đồng minh của mình là Hoa Kỳ, quốc gia "lên án mạnh mẽ" điều mà Nhà Trắng nói trong một tuyên bố là một vụ thử tên lửa đạn đạo tầm xa.

Một quan chức quân đội Hàn Quốc cho biết cuộc thử nghiệm dường như liên quan đến một hệ thống vũ khí mới được trình diễn tại một cuộc duyệt binh gần đây của Bắc Hàn.

Quân đội đang phân tích quỹ đạo và tầm bắn của tên lửa, và Bộ Quốc phòng cho biết đó có thể là một tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn.

Bắc Hàn đang nỗ lực chế tạo nhiều tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn hơn, dễ bảo quản và thuận tiện vận chuyển hơn, đồng thời có thể phóng đi mà hầu như không cần cảnh báo hay thời gian chuẩn bị.

Bruce Bennett, một nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại RAND Corporation có trụ sở tại Hoa Kỳ, cho biết dù Bắc Hàn đã thử tên lửa nhiên liệu rắn tầm ngắn, nước này chưa thử tên lửa tầm xa loại đó.

Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc cho biết tên lửa được bắn vào lúc 7:23 sáng giờ địa phương từ gần Bình Nhưỡng, có nghĩa là nó có thể đã được phóng từ một sân bay quốc tế gần thủ đô, một địa điểm chính yếu để phóng thử nghiệm tên lửa từ năm 2017.

Ú tim 

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã triệu tập một cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia để phản ứng với vụ phóng tên lửa.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasukazu Hamada cho biết tên lửa dường như đã được bắn về phía đông ở một góc độ cao và nó không rơi xuống lãnh thổ Nhật Bản.

Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản cho biết nó đã rơi xuống vùng biển phía đông Bắc Hàn. Hamada nói ông không thể xác nhận liệu tên lửa có bay qua vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản hay không.

Nhà chức trách Nhật Bản đã rút lại cảnh báo đối với đảo Hokkaido khi họ xác định rằng tên lửa sẽ không rơi gần đó.

Nhà chức trách Nhật Bản đã rút lại cảnh báo đối với người dân hòn đảo Hokkaido khi họ xác định được rằng tên lửa sẽ không rơi gần đó.

Một sinh viên ở đó nói với đài truyền hình NHK của Nhật Bản rằng cảnh báo đã gây ra báo động tạm thời tại một nhà ga xe lửa.

Người đàn ông giấu tên nói với NHK: "Trong một giây trên tàu, mọi người đã hoảng loạn, nhưng một nhân viên nhà ga nói hãy bình tĩnh và mọi người đã dịu xuống".

Vụ phóng diễn ra vài ngày sau khi nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un kêu gọi tăng cường khả năng răn đe chiến tranh theo cách "thực tế và công kích hơn" để chống lại điều mà Bắc Hàn gọi là các động thái gây hấn của Hoa Kỳ.

Trong khi lên án vụ phóng mới nhất trong chuỗi các vụ thử tên lửa của Bắc Hàn, Hoa Kỳ đã gia hạn đề nghị mở các cuộc đàm phán.

Phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, Adrienne Watson, cho biết: “Cánh cửa ngoại giao vẫn chưa đóng sập lại, nhưng Bình Nhưỡng phải ngay lập tức chấm dứt các hành động gây bất ổn và thay vào đó lựa chọn tương tác ngoại giao”.

Bắc Hàn đã chỉ trích các cuộc tập trận quân sự chung gần đây giữa các lực lượng Mỹ và Hàn Quốc là làm leo thang căng thẳng, đẩy mạnh các vụ thử vũ khí trong những tháng gần đây.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét