Võ Thái Hà tổng hợp
Tài liệu rò rỉ: Trung Quốc đã đồng ý cung cấp vũ khí sát thương cho Nga
Liên Thành
Các tài liệu của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Hoa Kỳ rò rỉ trên internet cho thấy, Trung Quốc đã đồng ý cung cấp cho Nga một số loại vũ khí sát thương bất chấp cảnh báo từ phương Tây. (ảnh: AP).
Các tài liệu của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Hoa Kỳ rò rỉ trên internet cho thấy, Trung Quốc đã đồng ý cung cấp cho Nga một số loại vũ khí sát thương bất chấp cảnh báo từ phương Tây.
Thông tin về việc Trung Quốc cung cấp vũ khí sát thương xuất hiện trong một tài liệu được dán nhãn tuyệt mật, có tiêu đề ‘Báo cáo theo dõi’, được cho là do Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ chuẩn bị.
Theo báo cáo được Washington Post trích dẫn, Bắc Kinh đã phê duyệt các chuyến hàng viện trợ bí mật vũ khí sát thương cho Nga.
Theo tài liệu, Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã phê duyệt cung cấp dần dần vũ khí sát thương cho Nga, nó sẽ được ngụy trang thành các mục tiêu dân sự.
Các quan chức cấp cao trong Phủ tổng thống Mỹ và lĩnh vực quốc phòng, phát biểu với điều kiện giấu tên, nói với The Washington Post rằng họ hiện không có bằng chứng nào về việc Trung Quốc chuyển giao vũ khí sát thương cho Nga.
‘Nhưng chúng tôi vẫn lo ngại và đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ’, một quan chức chính quyền cấp cao cho biết.
Trước đó, các báo cáo cho biết Hoa Kỳ có thông tin chính phủ Trung Quốc đang xem xét khả năng cung cấp cho Nga máy bay không người lái và đạn dược để sử dụng trong cuộc chiến ở Ukraina. Toà Bạch Ốc cho biết họ đã nói rõ với Trung Quốc sau hậu trường rằng, sẽ có những hậu quả tiềm ẩn nếu nước này quyết định hỗ trợ vũ khí sát thương cho Nga.
Trung Quốc phóng vệ tinh, tài liệu tình báo Mỹ
Đặng Sơn Duân
14-4-2023
Ảnh: Đặng Sơn Duân
Vụ Trung Quốc phóng vệ tinh một lần nữa thu hút sự chú ý đối với các hoạt động vũ trụ dày đặc của Trung Quốc và ảnh hưởng của chúng đối với hoạt động hàng không và hàng hải ở khu vực. Nó cũng làm nảy sinh nhu cầu kiểm soát chặt chẽ và xem xét lại các cơ chế phối hợp về hàng không và kiểm soát không lưu quốc tế, đặc biệt liên quan đến hoạt động vũ trụ.
1. Vụ Trung Quốc phóng vệ tinh
Sau những lo ngại về vùng cấm bay mà Trung Quốc thông báo sẽ áp dụng ở khu vực phía bắc Đài Loan ngày 16.4, giới chức Đài Bắc hôm qua xác định động thái này liên quan đến hoạt động phóng vệ tinh thời tiết được lên kế hoạch từ trước của Bắc Kinh, chứ không phải là hoạt động quân sự, theo CNA.
Sở dĩ tin tức này trước đó gây xáo động trong khu vực bởi nó xuất hiện ngay sau khi Trung Quốc kết thúc 3 ngày tập trận xung quanh Đài Loan. Nhiều người đã lo ngại Trung Quốc có toan tính mới với việc lập vùng cấm bay, chẳng hạn như phóng tên lửa đạn đạo như cuộc tập trận vào tháng 8 năm ngoái.
Tuy nhiên, ngay sau khi thông tin về vùng cấm bay được Reuters tiết lộ ngày 12.4, tôi đã xác định được nó có liên quan đến vụ phóng tên lửa vũ trụ từ Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở tỉnh Cam Túc. Điều này sau đó đã được giới chức Đài Loan xác nhận. Cụ thể, đây là vụ phóng tên lửa Trường Chinh 4B mang theo vệ tinh thời tiết Fengyun-3G.
Điều đáng chú ý trong vụ việc này là giới chức Đài Loan đã phản đối thành công, buộc Trung Quốc phải rút ngắn thời gian áp dụng vùng cấm bay từ 3 ngày xuống còn 28 phút ngày 16.4.
Việc Trung Quốc áp dụng vùng cấm bay để thực hiện các vụ phóng tên lửa vũ trụ không hiếm. Nước này vẫn thường xuyên thông báo về các khu vực hạn chế ở Biển Đông hay vịnh Bắc Bộ để phóng tên lửa vũ trụ.
Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên một bên công khai lên tiếng và gây sức ép buộc Trung Quốc phải rút ngắn thời gian. Không loại trừ khả năng việc tiết lộ tin tức cho truyền thông cũng nằm trong tính toán của Đài Bắc nhằm tạo dư luận quốc tế.
Sự vụ này cũng một lần nữa thu hút sự chú ý đối với các hoạt động vũ trụ dày đặc của Trung Quốc và ảnh hưởng của chúng đối với hoạt động hàng không và hàng hải ở khu vực. Nó cũng làm nảy sinh nhu cầu kiểm soát chặt chẽ và xem xét lại các cơ chế phối hợp về hàng không và kiểm soát không lưu quốc tế, đặc biệt liên quan đến hoạt động vũ trụ.
2. Biển Đông
Cục Hải sự tỉnh Quảng Tây ngày 13.4 thông báo Trung Quốc sẽ tiến hành tập trận quân sự tại một khu vực ở vịnh Bắc Bộ từ ngày 16 đến 30.4. Khu vực tập trận nằm bên phía Trung Quốc so với đường phân định ở vịnh Bắc Bộ. Cuộc tập trận dài ngày này bắt đầu vào thời điểm Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken có chuyến thăm Việt Nam từ 14 đến 16.4.
Ảnh trên mạng
3. Philippines – Trung Quốc
Những ngày qua Trung Quốc đã có những phản ứng khá tức giận với liên minh Mỹ – Philippines. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân liên tục bày tỏ lo ngại nghiêm trọng và cực lực phản đối tuyên bố chung giữa hai nước. Diễn biến này không có gì ngạc nhiên khi Mỹ và Philippines không ngừng xiết chặt quan hệ dưới thời Tổng thống Marcos.
Các động thái gần đây của liên minh bao gồm:
– Manila công bố thêm nhiều địa điểm đắc địa cho Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường, cho phép Mỹ tiếp cận thêm nhiều căn cứ ở Philippines. Trong đó có các vị trí chiến lược ở gần eo biển Luzon giáp Đài Loan và khu vực Balabac gần quần đảo Trường Sa.
– Tuyên bố chung sau cuộc họp 2+2 giữa Mỹ và Philippines thẳng thừng chỉ trích các hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Đồng thời tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước trên mọi mặt, đặc biệt là quốc phòng.
– Trung Quốc cũng tỏ thái độ khó chịu trước việc Mỹ và Philippines hiện cũng tiến hành cuộc tập trận Balikatan lớn nhất từ trước đến nay.
Vì thế, không loại trừ trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ có động thái gây hấn để đáp trả Philippines ở Biển Đông.
4. Vụ rò rỉ thông tin tình báo của Mỹ
Tài liệu tình báo Mỹ bị rò rỉ gây xôn xao dư luận những ngày qua tiết lộ một số thông tin liên quan đến Trung Quốc và khu vực Ấn Độ Dương – Bình Dương. Các thông tin bao gồm việc Trung Quốc tiến hành vụ thử tên lửa đạn đạo tầm trung xa Đông Phong 27 vào ngày 25.2, có khả năng xuyên thủng lá chắn tên lửa của Mỹ. Điều này đã được tờ The Washington Post và CNN tiết lộ.
Dưới đây là một số thông thông tin hết sức đáng chú ý khác liên quan đến khu vực mà chưa được truyền thông quốc tế khai thác, dựa trên các tài liệu mà tôi tiếp cận được.
Kẻ tiết lộ tài liệu mật quân sự và tình báo đã bị bắt
Bình Phương /SGN
14/4/2023
Cảnh sát phong tỏa đường Williams ở Dighton, MA vào thứ Năm 13 tháng Tư trong lúc FBI khám xét nhà riêng của Jack Teixeira, một lính vệ binh quốc gia được cho là đã có hành vi phát tán thông tin tình báo bí mật về cuộc chiến Ukraine lên mạng internet. Ảnh Matt Stone/MediaNews Group/Boston Herald via Getty Images)April 13, 2023.
Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) được biết đã tìm ra và bắt giữ kẻ đã đăng các tài liệu mật về quân sự và tình báo của chính phủ Mỹ lên mạng internet, gây chấn động khắp thế giới mấy ngày vừa qua. Truyền thông Mỹ cho biết, vào sáng thứ Năm 13 Tháng Tư, khoảng nửa tá đặc vụ FBI đã bao vây và khám xét nhà của nghi phạm, một thanh niên 21 tuổi ở hạt Swansea thuộc tiểu bang Massachusetts.
The New York Times (NYT) là tờ báo đầu tiên đưa tin nghi phạm tên là Jack Teixeira, một lính Không quân thuộc lực lượng Vệ binh Quốc gia Không quân. Dưới bí danh “OG”, anh này được cho là quản trị viên một nhóm kín thảo luận trực tuyến trên mạng xã hội Discord – nơi đầu tiên chia sẻ kho tài liệu tình báo bí mật của Hoa Kỳ về quan hệ với đồng minh và về những điểm yếu của quân đội Ukraine. Để biết thêm về nội dung các tài liệu mật bị tiết lộ, xin đọc những bản tin trước đây của SGN: “Hồ sơ mật Ngũ Giác Đài về cuộc chiến Ukraine bị lộ” (7/4) và “Bộ Tư pháp điều tra vụ lộ tài liệu mật Ngũ Giác Đài” (8/4).
Các phóng viên của NYT đã trò chuyện với bốn thành viên của nhóm kín này, có tên là Thug Shaker Central, có khoảng 20 đến 30 người, chủ yếu là thanh niên và thiếu niên, cùng nhau chia sẻ thói mê súng, các ý kiến phân biệt chủng tộc và trò chơi điện tử. Nhà chức trách cho biết từ nhiều tháng trước, một trong những người dùng của nhóm trực tuyến đã đăng lên hàng trăm trang tóm tắt thông tin tình báo, giảng cho các thành viên về tầm quan trọng của việc hiểu biết các sự kiện của thế giới và các thông tin mà chính phủ Hoa Kỳ không muốn người dân được biết.
Mặc dù các thành viên trong nhóm không xác định được tên tuổi của quản trị viên nhưng dấu vết bằng chứng kỹ thuật số do NYT tổng hợp đã dẫn đến Vệ binh Teixeira. Các thành viên cũng nói rằng các tài liệu mà họ thảo luận chỉ nhằm cung cấp thông tin và gần đây bắt đầu được chú ý rộng rãi sau khi một trong số các thành viên lấy vài chục tài liệu đó và đăng lên diễn đàn công khai.
Chính quyền Biden đã nỗ lực đánh giá hậu quả ngoại giao và an ninh quốc gia của các tài liệu bị rò rỉ kể từ khi chúng được báo cáo lần đầu tiên vào tuần trước. Một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng nói với báo chí đầu tuần này rằng vụ tiết lộ gây ra “nguy cơ rất nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia” và Bộ Tư pháp đã mở một cuộc điều tra để xác định người chịu trách nhiệm.
Lực lượng Vệ binh Quốc gia không xác nhận danh tính của nghi phạm, chỉ tuyên bố “Chúng tôi biết về cuộc điều tra về vai trò mà Lực lượng Vệ binh Quốc gia Không quân Massachusetts có thể đã thực hiện trong vụ rò rỉ tài liệu mật gần đây.”
Đến đầu giờ chiều thứ Năm 13 Tháng Tư, nghi phạm Jack Teixeira đã bị bắt tạm giam trong một cuộc điều tra khẩn cấp của FBI. Trung tướng Patrick S. Ryder, Phát ngôn viên Ngũ Giác Đài nói với phóng viên tại buổi họp báo rằng ông không xác nhận Jack Teixeira có phải là “kẻ bị tình nghi” (person of interest) hay không; ông cũng từ chối trả lời các câu hỏi sâu vào cuộc điều tra đang diễn ra mà chuyển vấn đề sang Bộ Tư pháp Mỹ. “Đây là vấn đề thực thi pháp luật. Cuộc điều tra đang diễn ra. Đây là hành vi phạm tội hình sự có chủ đích”, tướng Ryder nói thêm.
Trong buổi họp báo ngắn chiều thứ Năm 13 Tháng Tư, Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland thông báo rằng Teixeira đã bị bắt “không chống cự” và sắp phải ra hầu tòa tại Tòa Liên bang ở Massachusetts vào cuối ngày hôm nay với cáo buộc “chia sẻ trái pháp luật thông tin quốc phòng bí mật”.
Vấn đề lương hưu tiếp tục đeo bám Macron
Sau khi gây tranh cãi ở nước ngoài với nhận xét về Đài Loan, vào thứ Sáu, Emmanuel Macron đối mặt một quyết định quan trọng ở trong nước. Hội đồng Hiến pháp Pháp sẽ quyết định xem liệu cải cách lương hưu của tổng thống có được thông qua hay không. Luật của ông tăng tuổi nghỉ hưu tối thiểu của Pháp từ 62 lên 64, và đã gây ra biểu tình cũng như đình công liên tục. Ông Macron nhất quyết thông qua luật ở quốc hội vào tháng 3 mà không cần bỏ phiếu trực tiếp, và chỉ vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm sau đó đối với chính phủ ông trong gang tấc.
Rất hiếm khi hội đồng bác bỏ luật đã được quốc hội thông qua, nhưng không phải là chưa từng xảy ra. Việc bác bỏ hoàn toàn cải cách sẽ gây ra khủng hoảng chính trị. Nhưng nếu xác nhận nó, hội đồng cũng sẽ vấp phải phản đối kịch liệt. Bên cạnh dự luật, hội đồng còn ra phán quyết về sáng kiến của phe đối lập về một cuộc trưng cầu dân ý để giới hạn tuổi hưởng lương hưu ở 62. Những rắc rối chính trị của ông Macron vẫn chưa kết thúc.
Ngành ngân hàng Mỹ đánh giá lại tác động của các sự kiện vừa qua
Các ngân hàng lớn của Mỹ, bao gồm JPMorgan Chase, Citigroup và Wells Fargo, sẽ công bố thu nhập quý đầu vào thứ Sáu. Sau vụ sụp đổ của Silicon Valley Bank và những cú sốc ngay sau đó, đợt kết quả này sẽ cho thấy nhiều thông tin. Tiền gửi đã chuyển từ các ngân hàng nhỏ đến các ngân hàng lớn hơn – và các báo cáo sẽ giúp lượng hoá con số này. Tiền gửi giảm dẫn đến chi phí huy động vốn tăng cho một số ngân hàng nhỏ, làm giảm biên lãi ròng của họ. Liệu điều đó có gây nguy hiểm cho bất kỳ ngân hàng nào khác hay không sẽ sớm trở nên rõ ràng hơn. Và bên cạnh đó là câu hỏi liệu một số ngân hàng nhất định phụ thuộc vào các công cụ cho vay khẩn cấp của Fed ra sao.
Song một số chi tiết có thể chỉ được tiết lộ bởi các ngân hàng khu vực, sẽ công bố vào tuần tới. Các ngân hàng nhỏ đang gặp khó khăn, chẳng hạn như First Republic, lại phải đến hai tuần sau mới công bố. Cơn bão dường như đã qua, và giờ là lúc sương tan.
Đảng Cộng hoà gặp mặt để thảo luận về vấn đề sở hữu súng
Những gương mặt ứng cử viên tổng thống Mỹ tiềm năng của đảng Cộng hòa đang tinh chỉnh quan điểm của họ về Tu chính Án thứ hai. Các ứng viên chính thức như Donald Trump và Nikki Haley — cũng như những người chưa xác nhận, như Ron DeSantis và Mike Pence — đều sẽ phát biểu vào thứ Sáu này tại hội nghị thường niên lần thứ 152 của Hiệp hội Súng trường Quốc gia Mỹ. Cũng như năm 2022, sự kiện năm nay diễn ra ngay sau hai vụ xả súng hàng loạt; các thành phố để tang năm nay là Louisville, Kentucky, và Nashville, Tennessee.
Nashville cũng sẽ tổ chức một cuộc họp của đảng Cộng hòa vào thứ Sáu, khi các nhà tài trợ của đảng sẽ tề tựu về đây cho một cuộc gặp mặt đã lên kế hoạch từ lâu. Chắc chắn họ sẽ đối mặt với những câu hỏi khó chịu về vụ xả súng trường học gần Nashville, trong đó một cựu học sinh đã giết chết ba trẻ em, cũng như cuộc bỏ phiếu trục xuất hai nhà lập pháp da đen của đảng Dân chủ khỏi nghị viện bang do đảng Cộng hòa kiểm soát, chỉ vì hai người này lớn tiếng đòi kiểm soát súng.
Một số nhân vật bảo thủ đã bày tỏ lo ngại về hình ảnh của đảng. Ngay cả trước khi xảy ra tấn thảm kịch mới nhất, đa số người Mỹ cho biết họ ủng hộ luật súng chặt chẽ hơn. Sau những sự kiện này, Nancy Mace, một nữ dân biểu Cộng hòa từ Nam Carolina, đã nói các thành viên của đảng bà là “không thể hiện lòng trắc ẩn.”
Các bác sĩ ở Anh đình công hàng loạt
Vào thứ Sáu, gần 50.000 bác sĩ trẻ ở Anh và xứ Wales sẽ kết thúc cuộc đình công đòi tăng lương kéo dài suốt 96 giờ qua. Có tới 300.000 ca mổ và thủ tục y tế bị hủy bỏ do cuộc đình công này, đặc biệt tai hại khi danh sách chờ của các bệnh viện đã lên tới 7 triệu. Dù vậy, thăm dò cho thấy có hơn một nửa người Anh ủng hộ các bác sĩ đình công.
Các bác sĩ, với nhiều người không còn quá trẻ, thấy chán nản vì phải làm việc ở những nơi thiếu nhân lực. Bên cạnh đó là thu nhập thấp: công đoàn liên tục nhấn mạnh là một phần mười trong số các bác sĩ chỉ được trả nhiều hơn một chút so với nhân viên pha chế tại một chuỗi cửa hàng cà phê. Nhưng chính phủ sẽ không bao giờ đồng ý với yêu cầu tăng lương 35% — dù đáng mức tăng đó sẽ chỉ đưa lương thực nhận của họ về lại mức của 15 năm trước – khiến cho triển vọng đàm phán là gần như không thể. Trong khi đó, một phần ba số bác sĩ trẻ, theo Hiệp hội Y khoa Anh, có kế hoạch rời Anh đi làm việc ở nước ngoài trong 12 tháng tới.
Ai Cập dùng tiền viện trợ Hoa Kỳ để sản xuất hỏa tiễn cho Nga?
Tài liệu mật Ngũ Giác Đài bị rò rỉ cho thấy Tổng thống Ai Cập đã bí mật lên kế hoạch cung cấp hoả tiễn cho Nga.
Lương Thái Sỹ /SGN
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi, Moscow Tháng Tám 2015 (ảnh: Sasha Mordovets/Getty Images)
Chuyện khó tin nhưng có thật?
Tổng thống Abdel Fatah El-Sisi của Ai Cập, một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở Trung Đông và là nước nhận viện trợ chính của Mỹ (nhận hơn $1 tỷ một năm viện trợ an ninh trong nhiều thập niên) đã ra lệnh sản xuất hơn 40,000 hoả tiễn để bí mật chuyển đến Nga – The Washington Post cho biết.
Một phần của tài liệu tuyệt mật Ngũ Giác Đài đề ngày 17 Tháng Hai đã tóm tắt các cuộc trò chuyện “chủ đề hoả tiễn” giữa Sisi và các quan chức quân sự cao cấp về kế hoạch cung cấp đạn và hoả tiễn cho Nga. Sisi không quên chỉ thị các cấp dưới giữ bí mật để tránh “làm mất lòng” phương Tây.
Tiết lộ mới được đưa ra trong bối cảnh Nga cả hai bên Nga và Ukraine đều đang tìm cách bổ sung các kho vũ khí đã cạn kiệt. Trả lời câu hỏi của tờ The Washington Post về tài liệu trên và tính xác thực của các cuộc họp “chủ đề hoả tiễn” trong tài liệu, Đại sứ Ahmed Abu Zeid, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Ai Cập, vẫn khẳng định:
“Lập trường của Ai Cập ngay từ đầu là không can dự vào cuộc khủng hoảng và cam kết duy trì khoảng cách bình đẳng với cả hai bên. Chúng tôi tái khẳng định sự ủng hộ của Ai Cập với Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế thể hiện trong các nghị quyết của Đại hội đồng LHQ; tiếp tục kêu gọi cả hai bên chấm dứt hành động thù địch và tìm kiếm giải pháp chính trị thông qua đàm phán”.
Cung cấp vũ khí cho Nga để phục vụ cuộc chiến ở Ukraine sẽ là một nước cờ nguy hiểm đối với Ai Cập, quốc gia có quan hệ sâu với Moscow nhưng vẫn củng cố quan hệ đối tác với Mỹ. Tài liệu không nói rõ tại sao Nga quan tâm đến việc mua hoả tiễn của Ai Cập nhưng quân đội Nga đang thiếu lượng lớn đạn dược trong chiến tranh và theo chính phủ Mỹ, sau Iran, Bắc Hàn đã bí mật cung cấp vũ khí cho Nga và Trung Quốc cũng bị Mỹ phát hiện định làm tương tự.
Ai Cập và các đối tác khác của Mỹ ở Trung Đông đã cố gắng đứng ngoài cuộc đối đầu giữa phương Tây với Nga về Ukraine nhưng vẫn tìm kiếm một bảo đảm khác để thay thế vai trò đang suy giảm của Mỹ trong khu vực cũng như các phương tiện mới để đảm bảo an ninh kinh tế và quân sự của họ. Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đã làm tăng giá hàng hóa trên toàn cầu, gây áp lực nghiêm trọng lên Ai Cập, nhà nhập khẩu lúa mì hàng đầu thế giới với hơn 80% lúa mì nhập từ Nga và Ukraine trong những năm gần đây.
Bộ trưởng Quốc phòng Ai Cập (phải) Mohamed Ahmed Zaki và Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry (trái) trong chuyến công du Moscow năm 2019 (ảnh: Sefa Karacan/Anadolu Agency/Getty Images)
Bắt cá hai tay
“Ai Cập là một trong những đồng minh lâu đời nhất của chúng tôi ở Trung Đông – Thượng nghị sĩ Chris Murphy (Dân chủ-Connecticut) thuộc Ủy ban Đối ngoại và Phân bổ ngân sách Thượng viện nói – Nếu đúng là ông Sisi đang bí mật chế tạo hoả tiễn cho Nga để sử dụng ở Ukraine, chúng ta cần phải tính toán lại về mối quan hệ giữa hai nước”.
Bà Sarah Margon, Giám đốc chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ tại Open Society Foundations và là ứng viên từng được chính quyền Biden đề cử cho chức vụ nhân quyền hàng đầu của Bộ Ngoại giao, nhận định: “Việc bán và giao tên lửa cho chính phủ Nga, kẻ gây chiến và phạm các tội ác tàn bạo khác, là điều không nên có, đặc biệt là đối với một đồng minh thân cận của Hoa Kỳ. Tiết lộ trong tài liệu, nếu đúng, đặt ra câu hỏi liệu Hoa Kỳ có nên tiếp tục bảo vệ và hỗ trợ Ai Cập không khi chính phủ Sisi tìm kiếm một thương vụ có lợi cho nhu cầu trước mắt bất chấp tác động xấu đền an ninh thế giới”.
Tài liệu cho thấy khi Sisi ra chỉ thị giữ bí mật việc cung cấp hoả tiễn cho Nga để “tránh các vấn đề với phương Tây”, ông nói với một người tên Salah al-Din (có lẽ là Mohamed Salah al-Din, Bộ trưởng nhà nước về sản xuất quân sự): “Các công nhân nhà máy cần được thông báo số hoả tiễn là dùng cho quân đội Ai Cập”. Theo tài liệu mật, nhà máy sản xuất hóa chất 18 sẽ đảm trách cung cấp thuốc súng cho Nga. Tài liệu trích câu trả lời lời Salah al-Din: “Tôi sẽ ra lệnh cho công nhân làm việc theo ca nếu cần thiết vì đó là điều tối thiểu Ai Cập có thể làm để đền đáp sự giúp đỡ vô bờ trước đó của nước Nga. Người Nga nói với tôi họ sẵn sàng mua bất cứ thứ gì”.
Tài liệu không nói rõ sự giúp đỡ trước đó của Nga là gì. Gần đây, Moscow và Cairo đã ký kết một số thỏa thuận quan trọng, chẳng hạn Nga sẽ xây dựng một xưởng đường sắt lớn ở Ai Cập. Năm ngoái, tập đoàn năng lượng nguyên tử nhà nước Nga Rosatom đã bắt đầu xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Ai Cập. Có lẽ quan trọng nhất, khi cuộc chiến Ukraine làm gián đoạn nguồn lúa mì từ Ukraine, Cairo bắt đầu phụ thuộc nhiều vào ngũ cốc của Nga để tránh cuộc khủng hoảng lương thực gây bất ổn xã hội tại một quốc gia mà sự nghèo đói lan rộng và bánh mì có vị trí quan trọng trong hầu hết các bữa ăn.
Chính phủ Sisi không hề muốn thấy cuộc nổi dậy trong nước do khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, đồng tiền mất giá, lạm phát cao và giá lương thực tăng vọt khuấy động sự thất vọng của người dân. Trong tài liệu, Sisi nói ông đang cân nhắc sản xuất thêm hỏa tiễn Sakr 45. Tài liệu không nói rõ liệu các hoả tiễn được sản xuất cho Nga có phải là Sakr 45 không, nhưng chúng tương thích với các bệ phóng tên lửa đa nòng Grad của Nga.
Đùa với lửa
Việc Ai Cập cung cấp vũ khí cho chính phủ Nga, nếu có, chắc chắn sẽ kích hoạt các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Các công ty thuộc sở hữu của quân đội đã phát triển mạnh dưới thời Sisi với một số nhà máy quân sự mới mọc lên trong những năm gần đây như Nhà máy 300 khánh thành năm 2020 chuyên sản xuất vũ khí nhỏ, đạn dược và hoả tiễn.
Cùng năm đó, Ai Cập lên kế hoạch mở rộng sản xuất thêm đạn dược và các bộ phận vũ khí khác nhau. Dù tài liệu không nêu rõ cách chính phủ Mỹ thu thập thông tin chi tiết các cuộc họp mật của Sisi, nhưng từ lâu, tình báo Mỹ có khả năng nghe lén rộng khắp và có bề dày chặn liên lạc của các nhà lãnh đạo nước ngoài. Những cuộc họp “chủ đề” của Sisi diễn ra chỉ vài ngày sau khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken gặp Tổng thống Ai Cập trong chuyến thăm Cairo. Ngay sau chuyến thăm của Blinken, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry tới Moscow để gặp các lãnh đạo Nga.
Quan hệ giữa Hoa Kỳ và Ai Cập trở nên căng thẳng trong những năm gần đây khi chính quyền Biden tăng áp lực lên chính phủ Sisi về các hoạt động đàn áp xã hội dân sự, giam giữ những người bất đồng chính kiến và sử dụng vũ lực chống lại chỉ trích. Sarah Yager, Giám đốc Human Rights Watch tại Mỹ, tổ chức từng kêu gọi cấm vận vũ khí Ai Cập vì lực lượng an ninh nước này tham gia vào các vụ vi phạm nhân quyền, cảnh báo: “Tôi đặt câu hỏi là liệu có bất kỳ khoản tiền viện trợ an ninh nào của Mỹ được sử dụng để sản xuất những vũ khí chuyển đến Nga không?”.
WTA lại tổ chức các giải đấu ở TQ năm nay, dừng tẩy chay theo cáo buộc của Bành Súy
Liên Thành
Ảnh ghép vận động viên quần vợt Trung Quốc Bành Súy (Peng Shuai) và cựu thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ (Zhang Gaoli). (ảnh: AP/RFI).
Hiệp hội Tennis Nữ (WTA) sẽ nối lại các hoạt động ở Trung Quốc trong năm nay, họ cho biết hôm thứ Năm 13/4, nói rằng việc các tay vợt phải trả ‘cái giá quá lớn’ là lý do họ đảo ngược quyết định đã đưa trước đây vì khi đó họ quan ngại về sự an toàn của Bành Súy, một tay vợt nổi tiếng của Trung Quốc, theo Reuters.
WTA trước đó đã nhận được nhiều lời khen ngợi vì đã đình chỉ các giải đấu ở Trung Quốc sau khi tay vợt Bành Súy đăng bài lên mạng xã hội hồi năm 2021 nói rằng cựu Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ (Zhang Gaoli) đã tấn công tình dục bà. Bài đăng sau đó đã bị xóa.
Bành Súy sau đó trở nên bặt âm vô tín trong một thời gian ngắn, tiếp đến, cô phủ nhận chuyện cô đã đưa ra lời cáo buộc, làm dấy lên lo ngại về sự an toàn của cô.
Trong một quyết định đảo ngược hôm 13/4, WTA nói rằng: “Sau 16 tháng đình chỉ thi đấu quần vợt ở Trung Quốc và nỗ lực bền bỉ nhằm đạt được các yêu cầu ban đầu của chúng tôi, tình hình không có dấu hiệu thay đổi.
Chúng tôi đã kết luận rằng chúng tôi sẽ không bao giờ hoàn toàn đạt được những mục tiêu đó và chính các tay vợt và giải đấu của chúng tôi rốt cuộc sẽ phải trả giá cực đắt cho sự hy sinh của họ.
Vì những lý do này, WTA sẽ dỡ bỏ việc đình chỉ hoạt động của các giải đấu tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và sẽ tiếp tục các giải đấu tại Trung Quốc vào tháng 9 này”.
Cục Thông tin thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc và Hiệp hội Quần vợt Trung Quốc đã không trả lời ngay các lời đề nghị bình luận của Reuters.
Bài đăng của Bành Súy từng gây ra làn sóng dư luận trên toàn thế giới lo ngại về sự an toàn của bà, và quyết định của WTA đình chỉ các giải đấu ở Trung Quốc được ước tính là làm cho WTA bị thiệt hại hàng trăm triệu đô la tiền bản quyền phát sóng và tài trợ.
WTA bị lỗ số tiền lên đến 8 con số trong năm 2020 và 2021 nhưng đã giảm lỗ hồi năm ngoái. Quyết định mới đây của họ được đưa ra trong bối cảnh các giải quần vợt nam cũng chuẩn bị trở lại Trung Quốc vào cuối năm 2023 sau thời gian tạm nghỉ vì COVID-19.
ATP Tour sẽ tổ chức 4 giải đấu, bao gồm giải Thượng Hải Masters, với tổng cam kết tài chính là hơn 16 triệu USD cho giải đấu châu Á năm nay.
WTA Tour đã tổ chức 9 giải đấu với tổng số tiền thưởng là 30,4 triệu USD tại Trung Quốc vào năm 2019, năm gần nhất họ có hoạt động tại quốc gia này.
Trước động thái cúi đầu Bắc Kinh của WTA, Yaqiu Wang, nhà nghiên cứu cấp cao về Trung Quốc của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói rằng: “Quyết định của WTA là một sự thất vọng lớn đối với cộng đồng nhân quyền Trung Quốc”. Tuy nhiên vị này cũng ghi nhận WTA về lập trường ban đầu của họ.
Trung Quốc trừng phạt nhà lập pháp cấp cao của Mỹ vì ông thăm Đài Loan
13/4/2023
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đón tiếp ông McCaul, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, 8/4/2023.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Năm 13/4 ra tay trừng phạt Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ Michael McCaul vì đã đến thăm Đài Loan, nói rằng ông đã phát đi "tín hiệu sai lầm nghiêm trọng tới các thế lực ly khai đòi độc lập cho Đài Loan".
Trung Quốc coi Đài Loan có chính quyền dân chủ là lãnh thổ của họ và phản đối mạnh mẽ mọi cuộc gặp cấp cao giữa các quan chức nước ngoài và Đài Loan, đặc biệt nếu việc đó liên quan đến Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn.
Ông McCaul đã đến thăm Đài Bắc vào tuần trước và gặp bà Thái Anh Văn, cam kết giúp huấn luyện các lực lượng vũ trang của Đài Loan và đẩy nhanh việc chuyển giao vũ khí.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng ông McCaul, đảng viên đảng Cộng hòa, thường xuyên can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc bằng lời nói và hành động của ông và làm tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc.
Gần đây, ông đã dẫn đầu một phái đoàn đến Đài Loan "làm tổn hại nghiêm trọng đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, đồng thời phát đi một tín hiệu sai lầm nghiêm trọng tới các thế lực ly khai đòi độc lập cho Đài Loan".
Theo luật chống các lệnh trừng phạt của Trung Quốc, ông McCaul sẽ không được phép nhập cảnh vào nước này, bị cấm tương tác với các tổ chức và cá nhân ở Trung Quốc và mọi tài sản của ông ở Trung Quốc sẽ bị phong tỏa, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay.
Reuters không thể liên lạc ngay với ông McCaul để đề nghị ông đưa ra bình luận.
Trung Quốc nói Đài Loan là vấn đề quan trọng và nhạy cảm nhất trong quan hệ với Hoa Kỳ. Chính phủ Đài Loan bác bỏ yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh.
Trung Quốc có một hồ sơ dày về việc trừng phạt các nhà lập pháp và quan chức nước ngoài, thường là vì họ chỉ trích Trung Quốc, phát biểu ủng hộ Đài Loan hoặc đến thăm hòn đảo này, như đã xảy ra với một thứ trưởng Litva sau chuyến thăm của bà tới Đài Bắc hồi năm ngoái.
Đầu năm 2021, Trung Quốc đã trừng phạt một số quan chức trong chính quyền của ông Trump, trong đó có cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo, chỉ vài phút sau khi ông Joe Biden tuyên thệ nhậm chức tổng thống mới của Hoa Kỳ.
Trung Quốc cũng đã trừng phạt một số quan chức cấp cao của Đài Loan.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét