Thứ Ba, 13 tháng 2, 2018

Trách nhiệm pháp lý Bảo tồn Di Sản Thế Giới Phong Nha – Kẻ Bàng và Sơn Đoòng



Trách nhiệm pháp lý Bảo tồn Di Sản Thế Giới Phong Nha – Kẻ Bàng và Sơn Đoòng



Cập nhật: 13/2/2018 9:00 AM
Vườn Quốc Gia Phong Nha – Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là Di Sản Thế Giới năm 2003, với Giá Trị Hoàn Vũ Nổi Bật (Outstanding Universal Value).[1] Hang Sơn Đoòng là hang động thiên nhiên lớn nhất thế giới, nằm trong quần thể Phong Nha – Kẻ Bàng.[2] Đây là những di sản lớn của quốc gia và của cả thế giới, cần được bảo tồn cho mọi thế hệ nhân loại mai sau.
Có 3 loại nghĩa vụ pháp lý về bảo tồn Vườn Quốc Gia Phong Nha – Kẻ Bàng. (1) Danh vị Di Sản Thế Giới bao gồm với nó những nghĩa vụ pháp lý quốc tế về bảo tồn di sản trong Công ước Quốc tế về Bảo vệ Di sản Thiên Nhiên và Văn hóa Thế giới năm 1972 (tên tắt là Công ước Di Sản Thế Giới) mà Việt Nam là thành viên. (2) Nghĩa vụ pháp lý về bảo tồn với UNESO khi Việt Nam đề nghị và được UNESCO đồng ý ghi Vườn Quốc Gia Phong Nha – Kẻ Bàng vào danh sách Di Sản Thế Giới.  (3) Bên cạnh đó còn có nghĩa vụ pháp lý bảo tồn di sản cho mọi thế hệ con cháu Việt Nam tương lai cho đến nghìn sau.


Các lãnh đạo Quảng Bình, trong 4 năm nay, với cung cách kiên trì thúc đẩy hai dự án xây dựng cơ sở du lịch giải trí đại trà bên trong Vườn Quốc Gia – dự án cáp treo Sơn Đoòng và dự án zipline – có tiềm năng hủy hoại môi trường tự nhiên và các hệ sinh thái trong vườn, bị pháp luật Việt Nam ngăn cấm triệt để, và phản lại trách nhiệm pháp lý quốc tế, cho thấy các vị không quen thuộc với, hoặc đơn giản là phe lờ, các trách nhiệm pháp lý quốc gia và quốc tế về bảo tồn di sản.
Công ước Di Sản Thế Giới quy định: “Dù tôn trọng đầy đủ chủ quyền của Quốc gia nơi di sản văn hóa hay thiên nhiên tọa lạc; và không ảnh hưởng đến quyền tài sản do luật pháp quốc gia ấn định, các Quốc gia Thành viên của Công ước này nhận biết rằng những di sản đó là di sản thế giới mà cộng đồng quốc tế có nhiệm vụ cùng hoạt động.”[3]
Vườn Quốc Gia Phong Nha – Kẻ Bàng là Di Sản của Thế Giới, của toàn nhân loại, chẳng chỉ là di sản của riêng Việt Nam hay tỉnh Quảng Bình, dù rằng Việt Nam có chủ quyền và quyền tài sản trên vườn quốc gia này.
Điều 4 của Công ước Di Sản Thế Giới quy định: “Mỗi Quốc gia Thành viên của Công ước này nhận biết nhiệm vụ bảo đảm diện mạo, bảo vệ, bảo tồn, giới thiệu và chuyển di sản văn hóa và thiên nhiên… đến các thế hệ tương lai.”[4]
Bảo tồn di sản văn hóa và thiên nhiên đến con cháu trong các thế hệ tương lai, là nhiệm vụ chính của quốc gia.
Liên hiệp Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN – International Union for Conservation of Nature) xếp “Vườn quốc gia” vào “Vùng được bảo vệ” (protected area), nghĩa là “một không gian địa lý rõ ràng, được công nhận, dành riêng và quản lý… để đạt được sự bảo tồn dài hạn thiên nhiên cùng những hệ sinh thái liên hệ và các giá trị văn hóa.”[5]
Vườn quốc gia, như vậy, được thành lập là để bảo vệ và bảo tồn dài hạn thiên nhiên và những hệ sinh thái cùng giá trị văn hóa trong đó, để chuyển lại cho con cháu sau này.  Không phải là để dùng cho các dịch vụ giải trí đại trà, có tiềm năng xáo trộn lớn và làm nguy hại môi trường tự nhiên, những hệ sinh thái, và những dấu tích văn hóa trong vườn.
Cùng tư duy với Công ước Di Sản Thế Giới, Thủ tướng Phan Văn Khải và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ra những quyết định về bảo tồn và quản lý Phong Nha – Kẻ Bàng. Những Quyết định này vẫn còn hiệu lực như là văn kiện pháp lý cao nhất trong nước về Phong Nha – Kẻ Bàng (vì không có luật của Quốc hội về việc này).
Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải (do Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn ký thay), ngày 12/12/2001, đã ban hành Quyết định số 189/2001/QĐ-TTg chuyển hạng Khu bảo tồn Phong Nha – Kẻ Bàng thành Vườn Quốc Gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Điều 3 của Quyết định 189 này nói đến bốn mục tiêu của Phong Nha-Kẻ Bàng: (1) Bảo vệ tài nguyên và các hệ sinh thái rừng, (2) bảo tồn các giá trị khoa học đối với các hệ động vật điển hình của miền Trung, (3) tạo điều kiện nghiên cứu, và đẩy mạnh hợp tác khoa học, và (4) phát triển du lịch sinh thái, giúp đỡ nhân dân trong vùng tạo việc làm.[6]
Quyết định 189/2001/QĐ-TTg tuyệt nhiên không cho phép xây dựng “cơ sở dịch vụ giải trí” trong Vườn Quốc Gia.
Cùng một tư duy, đến ngày 8/2/2015, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng (do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ký thay) ban hành Quyết định số 209/QĐ-TTg, Phê duyệt Quy hoạch chung Xây dựng Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, tỉnh Quảng  Bình đến năm 2030. Quyết định này ghi rõ điều gì có thể làm được bên trong Vườn Quốc Gia Phong Nha – Kẻ bàng.  Điều 5, khoản (b) của Quyết định 209 chia bên trong Vườn Quốc Gia thành 3 phân khu:
1.     Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và khu mở rộng: Không có dân cư sinh sống. Chỉ có du lịch sinh thái cho lượng nhỏ du khách, đi bộ, xe đạp địa hình. Ở đây chỉ có đường mòn, lều dừng chân, biển báo. Nghiêm cấm việc xây dựng cơ sở lưu trú và cơ sở dịch vụ giải trí.
2.     Phân khu phục hồi sinh thái: Khôi phục hệ sinh thái rừng. Duy trì làng bản dân tộc ít người A Rem gắn với du lịch cộng đồng. Du lịch sinh thái cho lượng trung bình du khách. Chỉ xây dựng một số tuyến đường chính có mặt cắt phù hợp cho xe đặc dụng phục vụ du lịch và bảo vệ rừng.  Không xây dựng cơ sở lưu trú qua đêm và cơ sở dịch vụ giải trí.
3.     Phân khu dịch vụ – hành chính: Du lịch sinh thái và văn hóa cho đại chúng. Có đường giao thông phục vụ xe cơ giới và đi bộ. Gồm văn phòng hành chánh – tiếp đón, các khu vệ sinh và giải khát, khu bán vé và kiểm soát khách, khu mua sắm.  Không xây dựng cơ sở lưu trú qua đêm và cơ sở dịch vụ giải trí.[7]
Tóm lại là không nơi nào bên trong Vườn Quốc Gia Phong Nha – Kẻ Bàng được phép xây dựng cơ sở lưu trú qua đêm, tức là khách sạn hay nhà nghỉ, cũng như cơ sở dịch vụ giải trí, tức là những môn giải trí cần cơ sở lớn.
Trong cuốn “Quản lý Du lịch tại các Di Sản Thế Giới: Một Cẩm nang Thực tiễn cho các Quản lý Di sản Thế giới”, du lịch di sản (heritage tourism) gồm du lịch sinh thái và du lịch văn hóa,[8] và đây là du lịch bền vững – tức “là bảo tồn tài nguyên cho các thế hệ tương lai; sử dụng du lịch để góp phần bảo vệ môi trường; giới hạn những ảnh hưởng kinh tế xã hội tiêu cực; và làm lợi cho dân địa phương về kinh tế và xã hội.”[9]
Ảnh hưởng tai hại cho môi trường sinh thái đến từ xây dựng phát triển và chính du khách. Xây dựng kết cấu hạ tầng tạo ra nhiều tiếng động ảnh hưởng đến sinh hoạt của chim chóc muông thú trong khi xây dựng. Khách sạn có thể tạo nước thải nguy hại cho môi trường. Máy móc tạo tiếng động ảnh hưởng đến sinh hoạt và sinh nở của chim chóc, thú vật.
Số lượng người đông tự nó là một ảnh hưởng tiêu cực – tiếng ồn, tiếng la hét, rác rến, bước trên nơi không bên bước, bẻ cây cỏ hay sờ các di tích không nên sờ – tất cả những điều này đều ảnh hưởng đến các hệ sinh thái, đời sống và sự sinh sản của nhiều loài động và thực vật, cùng sự xuống cấp của các di sản văn hóa.
Hơn nữa, các nghiên cứu cho thấy số lượng đông của du khách tại một nơi cũng làm cho du lịch bị mất hấp dẫn với du khách, vì đa số người du lịch vào rừng không muốn thấy hàng trăm người quanh mình, tệ hơn cả lúc trong thành phố.[10]
Ngoài ra, một tai hại của các cơ sở dịch vụ giải trí đại trà là lợi tức du lịch dồn hết vào các công ty lớn, không vào người dân địa phương như du lịch sinh thái nhỏ với người dân cung cấp homestay và các dịch vụ và sản phẩm địa phương.[11]
Với một hệ thống pháp lý và kỹ thuật quốc tế và quốc nội như thế, lãnh đạo Quảng Bình có cách làm việc có vẻ như trắng trợn phe lờ luật pháp quốc gia và trách nhiệm pháp lý quốc tế, tạo ra nhiều bức xúc và lo lắng cho cả nước.
Thay vì làm việc trước với các chuyên gia pháp lý, môi trường và du lịch – như Bộ Tài Nguyên và Môi Trường, các viện nghiên cứu môi trường, các chuyên gia môi trường độc lập, và Bộ Văn Hóa, Thể Thao và Du lịch (“Bộ VHTT&DL”) – đùng một cái lãnh đạo Quảng Bình làm mọi người hoảng sợ khi, vào năm 2014, công bố dự án tuyến cáp treo.  Đường cáp đề nghị dài 10,6 km, gồm 2 chặng, xuất phát từ cửa động Phong Nha đến ga thứ nhất tại Trạ Ang dài 6.788 m, và ga thứ hai đến cửa sau động Sơn Đoòng dài 3.872 mét. Nhà ga này cách cửa động Sơn Đoòng khoảng 300 mét.  Đường cáp treo này có đến 30 trụ cáp vĩ đại cao từ 50 đến 250 m, với khả năng chuyển vận 1 nghìn du khách mỗi ngày, và đi qua cả 3 phân khu phục hồi sinh thái, hành chính và bảo vệ nghiêm ngặt.[12]
Dự án này là một cơ sở xây dựng vĩ đại, đi xuyên qua cả 3 phân khu bên trong Vườn Quốc Gia Phong Nha – Kẻ Bàng, mức chấn động dữ dội thường trực của đường cáp treo và các trụ khổng lồ dài 10,6 km đi vào lòng đất, mức xáo trộn thường trực của chấn động và tiếng ồn trên không, tấn công các hệ sinh thái dọc theo đường cáp trên không cũng như dưới đất. Hàng ngàn người ra vô tụ lại thường xuyên tại các cửa động Phong Nha và Sơn Đoòng, và trong lòng động, tạo bao nhiêu chấn động cho các hệ sinh thái? Tai hại cho môi trường cực lớn, các hệ sinh thái hoàn toàn bị xáo trộn cho các sinh vật chỉ biết sống với thiên nhiên hàng chục triệu năm nay. Một đường cáp treo như thế làm thế nào để “bảo tồn tài nguyên cho các thế hệ tương lai; sử dụng du lịch để góp phần bảo vệ môi trường; giới hạn những ảnh hưởng kinh tế xã hội tiêu cực; và làm lợi cho dân địa phương về kinh tế và xã hội”?[13]
Dự án cáp treo lại trắng trợn vi phạm hai Quyết định Thủ tướng 189/2001/QĐ-TTg và 209/QĐ-TTg (2015) cấm các cơ sở lưu trú và cơ sở dịch vụ giải trí trong Vườn Quốc Gia Phong Nha – Kẻ Bàng.  Và quan trọng hơn cả, là mức độ nguy hại cho di sản quốc gia và thế giới!
Nhưng các quý vị có vẻ như không làm việc trước với cơ quan chuyên môn nào, cứ công khai tuyên bố dự án để mọi người cả nước, và có lẽ là UNESCO, bức xúc và lo lắng. Hoàn toàn thiếu nhạy cảm với cảm xúc của nhân dân cả nước và các chuyên gia.
Cả thiên hạ nhốn nháo. Rồi mọi chuyện có vẻ im ắng một chút, đến đầu năm 2017 dân mạng lại nhốn nháo với tin dự án cáp treo vào hang Sơn Đoòng, lãnh đạo Quảng Bình liền đính chính: “Tỉnh chưa có chủ trương cũng như chưa có kế hoạch xây cáp treo vào hang Sơn Đoòng”… và “địa phương chỉ đang kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng cáp treo ở khu vực Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng”.[14]  Cứ y như là cáp treo đi luôn vào trong hang Sơn Đoòng thì không được, nhưng đi xuyên Vườn Quốc Gia vào ngay giữa Vườn, trước cửa động Phong Nha và cách cửa động Sơn Đoòng 300m thì không sao!
Ngày 26/1/2017 Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc Gia Phong Nha – Kẻ Bàng gửi đến UNESCO báo cáo bảo tồn (conservation report), có đoạn:
“Về quan tâm của Ủy Ban Di Sản Thế Giới về dự án xe cáp treo để đến Hang Sơn Đoòng và tiềm năng ảnh hưởng đến Giá Trị Hoàn Vũ Nổi Bật của Di sản. Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình vừa mới đồng ý nghiên cứu, khảo sát và tìm biện pháp tốt nhất để bảo vệ tình trạng nguyên vẹn của Di sản. UBND tỉnh Quảng Bình chưa cho phép dự án xe cáp treo mà chưa có Đánh giá Tác động Môi trường (EIA) trước khi quyết định thể theo luật Việt Nam và các nguyên tắc chỉ đạo của Liên hiệp Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN).
“Theo luật Việt Nam và các Công ước Quốc tế, UBND tỉnh Quảng Bình cam kết thực hiện những phương cách bảo vệ nguyên trạng Di sản; thi hành nghiêm chỉnh các điều khoản của luật Việt Nam và Công ước Quốc tế về Bảo vệ Di sản Thiên Nhiên và Văn hóa Thế giới năm 1972 mà Việt Nam là một thành viên. Việc xây dựng đường xe cáp treo chỉ thực hiện nếu có sự chấp thuận của Thủ tướng Việt Nam và sự đồng thuận của UNESCO (hay khi UNESCO không chống đối), và các bên có liên hệ.”[15]
UNESCO sau đó có ghi vào báo cáo Tình trạng Bảo tồn (State of Conservation) năm 2017 cho Phong Nha – Kẻ Bàng:
“Ngày 26/1/2017, Quốc gia Thành viên [VN] nộp một báo cáo về tình trạng bảo tồn di sản… với những thông tin cập nhật sau đây:
Chưa cấp giấy phép cho dự án xe cáp treo được đề nghị để đưa đường đến hang Sơn Đoòng, trong khi chờ Đánh giá Tác động Môi trường. UBND Quảng Bình đã đồng ý sẽ nghiên cứu và khảo sát để xác định phương cách tốt nhất.  Có được nói là việc xây dựng xe cáp treo sẽ chỉ được thực hiện với sự đồng ý của Ủy ban Di sản Thế giới.”[16]
Như vậy, phải 3 năm sau khi tuyên bố công khai dự án cáp treo năm 2014, với nhiều phản ứng chống đối của người dân và các chuyên gia, lãnh đạo Quảng Bình mới xác nhận với UNESCO là sẽ nghiên cứu và khảo sát dự án, và hứa là dự án đó chỉ được thực hiện nếu UNESCO và Thủ tướng đồng ý.
Điều đáng ngạc nhiên nữa là các trao đổi quan trọng này với UNESCO có lẽ không được lãnh đạo Quảng Bình thông báo cho báo chí, vì chẳng hề thấy có thông tin gì trên báo chí.
Trong khi đó Quảng Bình tiếp tục đeo đuổi dự án cáp treo. Ngày 8/5/2017 có thông tin là lãnh đạo Quảng Bình họp với Bộ VHTT&DL về Phong Nha – Kẻ Bàng hồi tháng 3/2017 và Bộ đã bác bỏ dự án cáp treo.[17]
Mọi người tưởng thế là xong, nhưng ngày 26/8/2017 báo Tuổi Trẻ đưa tin Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ với lãnh đạo Quảng Bình và Bộ VHTT&DL, và Thủ tướng “đồng ý trên nguyên tắc” về dự án cáp treo, nhưng nhắc nhở việc khảo sát và thực hiện phải tuân thủ luật và thủ tục, cũng như không ảnh hưởng đến di sản trong Phong Nha – Kẻ Bàng.  Bộ VHTT&DL nói rằng tỉnh Quảng Bình phải hỏi ý kiến UNESCO về dự án trước khi trình lên chính phủ.[18] Lời nói của Thủ tướng ở đây có lẽ là ngoại giao nhiều hơn, vì đương nhiên là Thủ tướng biết hai Quyết định 189/2001/QĐ-TTg và 209/QĐ-TTg (2015) cấm các cơ sở lưu trú và cơ sở dịch vụ giải trí trong Vườn Quốc Gia Phong Nha – Kẻ Bàng vẫn còn nguyên đó, và UNESCO chẳng bao giờ đồng ý với dự án cáp treo vì tai hại trầm trọng không thể tránh khỏi cho Di sản.[19]
Nhưng gần đây, đầu năm 2018, lại có nhốn nháo về dự án cáp treo. Báo Người Đô Thị ngày 30/1/2018 phải nhắc: “Tại báo cáo thẩm định và bảo tồn 99 di sản của thế giới đang hiện diện ở các quốc gia thành viên năm 2017, UNESCO khẳng định hang Sơn Đoòng, nằm trong vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, là ‘Tài sản có giá trị độc đáo toàn cầu’- Outstanding Universal Value – và đề nghị Việt Nam hủy bỏ vĩnh viễn kế hoạch xây dựng cáp treo vào hang Sơn Đoòng. Cho đến nay, khuyến cáo đó của UNESCO vẫn còn nguyên hiệu lực.”[20]
Động đất chưa xong thì UBND Quảng Bình lại có tin động trời mới. “Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình vừa phê duyệt quy hoạch chi tiết khu vực xây dựng hệ thống zipline (loại hình du lịch đu dây mạo hiểm bắt nguồn từ một loại hình giao thông đi lại thông dụng tại những vùng núi cao hiểm trở) đa phương thức dài nhất thế giới và tổ hợp các sản phẩm du lịch đẳng cấp quốc tế.”[21]
Nghe nói đến dài nhất thế giới (bao nhiêu km?) và tổ hợp sản phẩm du lịch đẳng cấp quốc tế thì thấy là không nhỏ rồi. Khả năng cho 1 nghìn người mỗi ngày, đây là con số cực kỳ lớn trong một tụ điểm trong Vườn Quốc Gia. Thường thường, trong các vườn quốc gia, các nơi tụ tập như nhà ăn, chợ, thường có chừng 100, 200 người là nhiều. Trên đường thăm viếng cảnh quan thì thường là chỉ có các nhóm rất nhỏ. Dù trong công viên có thể có nhiều nghìn người, nhưng các công viên quốc gia thường rất lớn, nên các tụ điểm chỉ có từng nhóm nhỏ.
Zipline cũng tạo nhiều chấn động rung, mà lại cực kỳ ồn ào, vì khách chơi zipline luôn la hét vỡ rừng, chẳng ai bằng lòng ngậm miệng.  Ảnh hưởng đến các hệ sinh thái là cực kỳ lớn.  Ngay chúng ta cũng không muốn có nhà bên cạnh zipline đừng nói là các loài sinh vật đã sống yên ổn nhiều triệu năm không bị con người làm rộn. Đó là chưa nói đến nhiều du khách bước/nhảy xuống dòng sông thường xuyên, trực tiếp xáo trộn đời sống của các sinh vật trong dòng sông.
Và khu vực phục vụ zipline “được tỉnh Quảng Bình quy hoạch xây dựng thuộc Phân khu Dịch vụ Hành chính của ​vườn ​quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (tại thôn Chày Lập, xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch) với diện tích 350.000 m2.”[22]
Đây là khu bên trong Vườn Quốc Gia. Phân khu Hành chính Dịch vụ là để làm văn phòng hành chính, mua sắm vật kỷ niệm, ăn uống, vệ sinh.  Không phải là nơi để xây dựng cơ sở lưu trú và cơ sở dịch vụ giải trí đại trà, như hai Quyết định của Thủ tướng số 189/2001/QĐ-TTg và 209/QĐ-TTg (2015) đã nghiêm cấm.[23] Và 35 ha là một mảnh đất rất lớn để xây một cơ sở dịch vụ giải trí vĩ đại.
Vườn Quốc Gia không phải là nơi xây dựng các cơ sở lưu trú lớn và các cơ sở dịch vụ giải trí đại trà. Trong mọi Vườn Quốc Gia ở Mỹ, chẳng có một vườn nào có một môn giải trí cần cơ sở xây dựng, dù nhỏ hay lớn. Người ta chỉ thăm thắng cảnh thiên nhiên, hoặc các di tich lịch sử văn hóa, đi bộ trên núi (hilking), hoặc tìm hiểu cây cỏ, thú vật, chim, cá… Vườn Quốc Gia không phải là nơi cho những tụ điểm giải trí với cơ sở xây dựng lớn, vì chúng sẽ hủy hoại môi trường tự nhiên và các hệ sinh thái tự nhiên của vườn.
Các cơ sở xây dựng lớn cho lưu trú và cho giải trí đại trà đã được đất kế hoạch cho hai đô thị trong Vùng Đệm, là vùng giữa Vườn Quốc Gia và nhà cửa đồng ruộng của dân: Đô thị Phong Nha và Thị Trấn Phúc Trạch.[24] Dùng các đô thị này và các vùng lân cận đô thị, nhưng ngoài Vườn Quốc Gia, để xây dựng những cơ sở lớn.
Bên trong Vườn dành riêng cho du lịch sinh thái và du lịch văn hóa, là những dịch vụ du lịch bền vững, không ảnh hưởng hay ảnh hưởng cực nhỏ đến môi trường của Di sản, có tính cách giáo dục mọi người để tăng thêm mức quan tâm cho Di sản, và có thể tạo công ăn việc làm cho người dân trong vùng.
Chúng ta không thể chạy theo các công ty lớn, xây dựng lớn trong Vườn Quốc Gia, để hủy hoại Di sản Thế giới đã 400 triệu năm hình thành.  400 triệu năm để hình thành, mấy năm thì phá bỏ?
Nhân dịp này, có lẽ chúng ta cũng nên bắt đầu suy nghĩ về cải tiến hệ thống hành chánh và pháp lý cho việc quản lý Vườn Quốc Gia và các Vùng Bảo Tồn tương đương:
1.     Vì tầm mức quốc gia, và đôi khi lên đến tầm mức thế giới, của các Vườn Quốc Gia và Vùng Bảo Tồn tương đương, phải chăng nên để một cơ quan cấp quốc gia trực tiếp quản lý, thay vì giao cho các cấp địa phương khác nhau với nhiều bất cập khác nhau?
2.     Tầm quan trọng của vấn đề có lẽ cũng đưa đến nhu cầu có một bộ luật của Quốc hội về Vườn Quốc Gia và các Vùng Bảo Tồn tương đương.
Nhưng vấn đề ngay lúc này cho Vườn Quốc Gia Phong Nha – Kẻ Bàng là:  Chúng ta đang bắt đầu đeo vào tay một vòng cẩm thạch cả triệu tuổi, rất quý. Làm thế nào để đeo cả đời mà không đụng chạm làm vỡ vòng?
Ls. Trần Đình Hoành, Ts Luật.
Người gốc Quảng Bình
Đang hành nghề luật tại thủ đô Washington, Mỹ[25]

____
Chú thích:
[1] UNESCO World Heritage List, http://whc.unesco.org/en/list/ (accessed Feb. 8, 2018).
[2] Id.
[3] Convention Concerning the Protection of the World Cultural and Natural Heritage (hereinafter “Wordl Heritage Conention)(1972), Art. 6(1), UNESCO, http://whc.unesco.org/en/conventiontext/ (accessed Feb. 10, 2018) (italic added).
[4] Id., Art. 4.
[5] “A clearly defined geographical space, recognised, dedicated and managed, through legal or other effective means, to achieve the long-term conservation of nature with associated ecosystem services and cultural values.” Borrini-Feyerabend, G., N. Dudley, T. Jaeger, B. Lassen, N. Pathak Broome, A. Phillips and T. Sandwith (2013). Governance of Protected Areas: From understanding to action. Best Practice Protected Area Guidelines Series No. 20, Gland, Switzerland: IUCN. xvi + 124pp, https://portals.iucn.org/library/sites/library/files/documents/PAG-020.pdf, p.2 (accessed Feb. 8, 2018).
[6]Điều 3. Mục tiêu nhiệm vụ của Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng:
– Tổ chức bảo vệ nguồn tài nguyên rừng, các hệ sinh thái rừng phong phú và đa dạng trong phạm vi ranh giới quy hoạch của Vườn quốc gia.
– Bảo tồn các giá trị khoa học đối với các hệ động thực vật điển hình của khu vực miền Trung, đặc biệt là các loài thú linh trưởng và những loài thú mới phát hiện như Mang lớn.
– Xây dựng và phát triển cơ sở vật chất của Vườn quốc gia tạo điều kiện cho việc nghiên cứu, bảo tồn hệ động vật, thực vật điển hình của khu vực miền Trung. Đồng thời tạo thuận lợi cho việc đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước, phục vụ việc đào tạo, tham quan học tập theo quy định của Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 08/2001/QĐ-TTg ngày 11 tháng 01 năm 2001 về quy chế quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất là rừng tự nhiên.
– Khai thác thế mạnh của cảnh quan thiên nhiên để phát triển du lịch sinh thái, hướng dẫn giúp đỡ nhân dân trong vùng tạo việc làm, tham gia vào các hoạt động dịch vụ du lịch để không ngừng cải thiện đời sống cho đồng bào, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển kinh tế xã hội của địa phương.”
Quyết định 189/2001/QĐ-TTg về việc chuyển hạng khu bảo tồn thiên nhiên Phong Nha – Kẻ Bàng thành vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, Điều 3, Thư viện pháp luật, https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Tai-nguyen-Moi-truong/Quyet-dinh-189-2001-QD-TTg-chuyen-hang-khu-bao-ton-thien-nhien-Phong-Nha-Ke-Bang-thanh-vuon-quoc-gia-Phong-Nha-Ke-Bang-49294.aspx (accessed Feb. 8, 2018).
[7]  Đối với Vườn quốc gia
Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt (I và II) và khu vực mở rộng: Không có dân cư sinh sống. Phát triển mạng lưới các điểm dịch vụ du lịch sinh thái đáp ứng lượng nhỏ du khách đến thăm quan, như khám phá hang động, leo núi mạo hiểm, thám hiểm bằng xe đạp địa hình, đi bộ thám hiểm, rừng nguyên sinh, ngắm thú ban đêm… Tại các điểm dịch vụ du lịch chỉ xây dựng hệ thống đường mòn, lều dừng chân, biển báo tuần tra (bảo vệ rừng) kết hợp phục vụ du lịch; nghiêm cấm việc xây dựng cơ sở lưu trú và cơ sở dịch vụ giải trí.”
Phân khu phục hồi sinh thái: Khôi phục hệ sinh thái rừng. Duy trì làng bản dân tộc ít người A Rem gắn với du lịch cộng đồng. Không phát triển du lịch đại chúng. Tổ chức mạng lưới các điểm dịch vụ du lịch sinh thái đáp ứng lượng trung bình du khách đến thăm quan, như du lịch khám phá hang động, văn hóa khảo cổ, thể thao mạo hiểm, du lịch hoang dã, nghiên cứu khoa học; thăm quan công viên hang động, công viên rừng nguyên sinh, công viên thạch nhũ, công viên văn hóa lịch sử, bảo tàng sinh học, bảo tàng địa chất học, khu động vật bán hoang dã… Các điểm dịch vụ du lịch chỉ xây dựng một số tuyến đường chính có mặt cắt phù hợp cho xe đặc dụng phục vụ du lịch và bảo vệ rừng; không xây dựng cơ sở lưu trú qua đêm và cơ sở dịch vụ giải trí tại khu vực này.
Phân khu dịch vụ – hành chính:  Phát triển du lịch đại chúng. Xây dựng văn phòng thông tin và đón tiếp. Nâng cấp các điểm dịch vụ du lịch văn hóa, thắng cảnh đã khám phá và hình thành mới các tuyến điểm dịch vụ, du lịch sinh thái thăm quan hang động và thắng cảnh… Các điểm du lịch sinh thái được xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, các tuyến đường giao thông phục vụ xe cơ giới và đi bộ, các khu vực vệ sinh và giải khát, khu vực bán vé và kiểm soát khách, khu vực mua sắm; không xây dựng cơ sở lưu trú và giải trí với quy mô lớn.
Quyết định số 209/QĐ-TTg (2015), Điều (5)(b), Thư Viện Pháp Luật, https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Tai-nguyen-Moi-truong/Quyet-dinh-209-QD-TTg-2015-xay-dung-Vuon-quoc-gia-Phong-Nha-Ke-Bang-Quang-Binh-den-2030-265761.aspx (accessed feb. 8, 2018) (italic added).
[8]  Managing Tourism at World Heritage Sites: A Pratical Manual for World Heritage Site Managers, Sec. 2.3.5, A. Pedersen, (2002), http://whc.unesco.org/uploads/activities/documents/activity-113-2.pdf (accessed Feb. 10, 2018).
[9] Id., Sec. 2.4.1.
[10] Id., Chapter 3, Tourism Impacts and Problems.
[11] Id.
[12] Cáp treo Sơn Đoòng cách cửa động 300 mét, VNExpress (4/11/2014), https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/cap-treo-son-doong-cach-cua-dong-300-met-3102678.html (access Feb. 8, 2018).
[13] Supra, note 8
[14]  Quảng Bình bác tin xây cáp treo vào Sơn Đoòng, VNexpress (17/1/2017), https://dulich.vnexpress.net/tin-tuc/viet-nam/quang-binh-bac-tin-xay-cap-treo-vao-son-doong-3529487.html (accessed Feb. 8, 2018).
[15] State of Conseration report by the State Parties, Le Thanh Tinh, UNESCO, http://whc.unesco.org/document/156440 (accessed Feb. 11, 2018) (emphasis added).
[16] State of Conseration, Phong Nha – Ke Bang National Park, (2017), UNESCO, http://whc.unesco.org/en/soc/3629 (accessed Feb. 11, 2018).
[17] Cáp treo Sơn Đoòng: Bộ VHTT-DL đã bác bỏ phương án, Sài Gòn News (8/5/2017), http://saigonnews.vn/kinh-doanh/174723-cap-treo-son-doong-bo-vhtt-dl-da-bac-bo-phuong-an.html (accessed Feb. 10, 2018).
[18] Vietnam PM gives in-principle agreement to Phong Nha cable car line, TuoiTreNews (26/8/2017), https://tuoitrenews.vn/news/business/20170826/vietnam-pm-gives-inprinciple-agreement-to-phong-nha-cable-car-line/41176.html (accessed Feb. 11, 2018).
[19] Id., “A ministry [of Culture, Sports & Tourism]  representative said at Friday meeting that UNESCO is concerned about the cable car project in Phong Nha, as En Cave, one of the line’s ends, is the core of the world heritage.”
[20] UNESCO đề nghị Việt Nam hủy bỏ vĩnh viễn dự án cáp treo vào Sơn Đoòng, Người Đô Thị (30/1/2018), http://nguoidothi.net.vn/unesco-de-nghi-viet-nam-huy-bo-vinh-vien-du-an-cap-treo-vao-son-doong-12453.html (accessed 30/1/2018).  Thật sự là UNESCO rất lo lắng và quan tâm về dự án cáp treo, nhưng không có bằng chứng UNESCO “đề nghị Việt Nam hủy bỏ vĩnh viễn kế hoạch xây dựng cáp treo vào hang Sơn Đoòng” như trong bài báo, trừ khi đó là nói miệng. Tuy vậy, chúng ta có thể chắc chắn là UNESCO không bao giờ đồng ý với một dự án xây dựng cơ sở giải trí đại trà tai hại như thế.
[21] Phong Nha-Kẻ Bàng sắp có hệ thống đu dây mạo hiểm dài nhất thế giới, Vietnam Tourism (6/2/2018), http://www.vietnamtourism.com/index.php/news/items/20496 (accessed 9/2/2018).
[22] Id.
[23] Supra, note 7.
[24] Id., Điều (5)(b) và (c).
[25] Tác giả là một sáng lập viên và admin của CVD – Conversations on Vietnam  Development, https://cvdvn.net .  Tác giả thành thật cảm ơn hai đồng sáng lập viên và admins của CVD, Phạm Thu Hương và Đào Thu Hằng, đã đọc bản thảo và góp ý cho bài thêm hoàn chỉnh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét