Thứ Năm, 13 tháng 9, 2018

Mệnh lệnh lịch sử : Trần Huỳnh Duy Thức anh không được chết.


Mệnh lệnh lịch sử : Trần Huỳnh Duy Thức anh không được chết.

Mặc Lâm


Hơn một tháng qua khi tin tức Trần Huỳnh Duy Thức tuyệt thực trong tù nhằm chống lại bản án mà nhà nước này áp đặt cho anh cũng như tỏ rõ lập trường không thỏa hiệp, không nhận tội và không chấp nhận ra tù nếu nhà nước tiếp tục xem anh là một phạm nhân, điều mà đối với anh hoàn toàn sai trái.
Việc anh tuyệt thực vừa quá hạn 30 ngày làm cho rất nhiều người biết và yêu mến anh lo lắng. Cái chết đến với anh bất cứ lúc nào vì mọi người đều biết sự bất cần của tất cả mọi trại giam trước yêu sách của tù nhân chính trị. Kỷ luật thép là khuôn mẫu cho mọi nhà giam tại Việt Nam và chưa có trường hợp nào tuyệt thực mà được trả tự do xảy ra từ trước tới nay.
Tuy nhiên Trần Huỳnh Duy Thức không đòi được trả tự do, anh không cần cái ơn đặc xá thường được diễn ra vào ngày 2 tháng 9 hàng năm. Anh cần trả lại công bằng cho anh và mọi tù nhân lương tâm khác. Số năm còn lại phải trả trong nhà giam đối với anh không quan trọng bằng sự cải tiến xã hội mà anh tin rằng nếu có phần góp sức của anh sẽ nhanh chóng thoát được những hính ảnh đen tối hiện nay của đất nước.
Không ai nghi ngờ kiến thức, tài năng của anh thông qua những thành công về kinh tế và khả năng điều hành cùng với những bài viết đầy thuyết phục vế nhiều đề tài cấp bách của nước nhà. Từ chính trị đến kinh tế, văn hóa, xã hội …. Trần Huỳnh Duy Thức có lẽ là người nổi trội lên trên hết so với những khuôn mặt khác cũng có bề dày tranh đấu và tù tội như anh.
Thế nhưng có lẽ lần này anh đã anh đã đánh giá sai đối phương, những kẻ mà dưới cặp mắt người dân vẫn mang danh là chính quyền nhưng không ít người trong guồng máy ấy không còn chính danh nữa vì đã bị hoại tử bởi sự hèn hạ cộng sản. Anh đối diện với những cán bộ trại giam không có một chút quyền hành đề bạt ngoại trừ quyền tra tấn và bạc đãi tù nhân. Anh tuyên bố sẽ tuyệt thực cho đến chết và trận tuyến này là trận tuyến sau cùng của anh và bọn chúng khinh khỉnh trước lời lẽ ấy.


Là một người thông minh anh dư biết cộng sản Việt Nam sẽ không lùi bước bởi sức ép của cộng đồng thế giới về vấn đề nhân quyền. Nếu sợ hãi hay chí ít quan tâm thì họ đã không can đảm trục xuất, ngăn cấm một lúc hai người đầy quyền lực hoạt động vì quyền con người là bà Debbie Stothard, Tổng thư ký của Liên đoàn Quốc tế về nhân quyền, bị chặn bắt, không cho nhập cảnh tại sân bay Nội Bài ở Hà Nội ngày 9 tháng 9. Một lãnh đạo nhân quyền quốc tế khác, ông Minar Pimple, Giám đốc cấp cao của tổ chức Ân xá Quốc tế cũng bị cấm nhập cảnh Việt Nam mặc dù ông là khách mời của Diễn đàn Kinh tế Thế giới Fon Mathuros. 
Vụ việc xảy ra ngay trong lúc anh đang tuyệt thực trong tù và thế giới phản ứng rất yếu ớt. Người ta có quyền nghĩ rằng lá bài dân chủ nhân quyền đã thật sự phá sản tại đất nước Việt Nam. 
Và người ta cũng có quyền cho rằng đó là câu trả lời tàn bạo nhất mà một chế độ có thể đưa ra trước một cái chết được báo trước.
Trần Huỳnh Duy Thức xứng đáng được ca ngợi như một trí thức dấn thân, dấn thân ngay cả tới cái chết nhưng suy cho cùng cái chết của anh sẽ là con số không tròn trĩnh trước bạo lực cộng sản ngày ngày đè nặng lên dân tộc này. Cái chết của anh làm cho vài ngàn người rơi nước mắt, ca tụng như ca tụng một siêu sao nhạc rock và sau đó tên anh … đi vào dĩ vãng. Anh chưa có đủ nguồn nhân lực đủ lớn và mạnh phía sau lưng để làm áp lực với chế độ. Anh quá lẻ loi và quần chúng biết tới anh vẫn còn quá ít.
Nhưng sau cuộc tuyệt thực hôm nay của anh sự thể sẽ đổi khác.
Bạn trẻ sẽ biết tới anh nhiều hơn qua mạng xã hội. Người ủng hộ anh sẽ có chỗ để mà tựa vào. Ngày tháng là những chiếc lá khô chồng lên nhau sẽ bốc cháy đối với người biết nhóm lên ngọn lửa từ quần chúng. Ngay cả lúc anh chưa ra tù vẫn có thể hoạt động công khai dưới những bài viết như từ xưa tới nay. Cộng sản sẽ cấm và càng cấm thì người ta lại càng biết nhiều tới anh hơn.

Rồi anh sẽ ra khỏi nhà giam. Con đường phía trước của anh chông gai gấp mấy lần hiện nay. Anh chỉ có giá trị thực sự khi không nghĩ tới mình mà nghĩ tới quốc gia dân tộc. Quần chúng tuy không phản ứng bây giờ nhưng với tài năng và nhiệt huyết của anh ai dám chắc rằng sẽ không có những biến động lịch sử từ con người này?
Vì vậy, lịch sử không cho phép anh chết. Chết là hành động thua cuộc trong lúc này, Trần Huỳnh Duy Thức.
Mặc Lâm 
12/9/2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét