Võ Thái Hà tổng hợp
Gần 90% dầu Nga dịch chuyển sang châu Á trong một tuần
EU ngừng nhập khẩu dầu, Nga dịch chuyển nguồn cung sang châu Á. (Ảnh minh họa: YAKOBCHUK V/Shutterstock)
Trong bối cảnh châu Âu ngừng nhập khẩu theo lệnh cấm vận có hiệu lực từ hôm 5/12, phần lớn dầu thô của Nga đã dịch chuyển sang châu Á, trong đó Trung Quốc và Ấn Độ có lượng nhập khẩu tăng đáng kể.
Trước khi Nga xâm lược Ukraine, các quốc gia châu Âu đã nhập khẩu gần một nửa nguồn cung dầu thô của Nga. Nhưng tất cả đã ngừng lại kể từ khi lệnh cấm vận bắt đầu và hiện chỉ có một khối lượng nhỏ nhập khẩu vào Bulgaria.
Theo Bloomberg, gần 90% tổng số lô hàng dầu thô của Nga, tương đương khoảng 3 triệu thùng mỗi ngày dịch chuyển sang châu Á trong tuần vừa qua (tuần kết thúc vào ngày 9/12).
Hơn một nửa lượng dầu thô được chất từ các cảng của Nga đang hướng đến Kênh đào Suez trên những con tàu không được đánh dấu điểm đến cuối cùng và vẫn chưa rõ liệu loại dầu này đã được bán hay liệu các tàu chở dầu có được gửi đi với hy vọng họ sẽ đảm bảo được người mua trước khi đến hay không.
Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ đã gia tăng lớn trong nhập khẩu dầu thô của Nga trong năm nay và nổi lên là những người mua lớn nhất trong bối cảnh các lệnh trừng phạt mới nhất của EU.
Khối lượng dầu hướng đến ba quốc gia này, ngoài dầu được đánh dấu không có điểm đến cuối cùng, đã tăng trong bốn tuần trước ngày 9/12 lên mức trung bình 2,73 triệu thùng mỗi ngày. Theo Bloomberg, con số này cao gấp hơn 4 lần so với 4 tuần trước khi cuộc chiến ở Ukraine bắt đầu.
Trên thị trường dầu thô, giá các mặt hàng chủ chốt như Brent và WTI tiếp tục đà lao dốc do tín hiệu suy thoái và nhu cầu thấp đang áp đảo. Trong vòng 30 ngày qua, giá dầu Brent đã rơi từ mức 94 USD/thùng xuống còn hơn 80 USD/thùng (giảm gần 15%).
Trong khi đó, dầu WTI cũng giảm từ mốc 86 USD/thùng xuống còn 75 USD/thùng.
Cục Dự trữ liên bang Mỹ cho thấy tín hiệu tiếp tục gia tăng lãi suất với kỳ vọng kiểm soát lạm phát.
Tuấn Minh
Mỹ chốt kế hoạch đưa hệ thống phòng không Patriot tới Ukraine
Các nhà phân tích đánh giá rằng khả năng phòng không của Patriot sẽ đóng vai trò rất quan trọng đối với Ukraine khi nước này cố gắng bảo vệ dân thường và cơ sở hạ tầng khỏi các cuộc tấn công của Nga.
Hoa Kỳ đang hoàn thiện kế hoạch gửi hệ thống phòng không Patriot tinh vi của mình tới Ukraine theo yêu cầu khẩn cấp từ Kyiv nhằm bắn hạ tên lửa và máy bay không người lái của Nga, vốn đã đang tàn phá cơ sở hạ tầng năng lượng của nước này và khiến hàng triệu người không có hơi sưởi ấm trong cái lạnh của mùa đông.
Các hãng tin Reuters và Associated Press đưa tin hôm thứ Ba, dẫn lời các quan chức chính phủ Hoa Kỳ, rằng Washington có thể công bố quyết định về hệ thống Patriot ngay sau ngày thứ Năm.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gần đây đã thúc ép các nhà lãnh đạo phương Tây cung cấp vũ khí tối tân hơn cho đất nước của ông. Patriot sẽ là hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến nhất mà phương Tây sẽ cung cấp cho Ukraine.
Alexander Vindman, một trung tá quân đội đã nghỉ hưu và từng là nhà lãnh đạo chính sách Ukraine tại Nhà Trắng, cho biết việc có được khả năng phòng không của Patriot sẽ là “rất, rất quan trọng” đối với Kyiv.
“Những thứ này hoàn toàn có khả năng đối phó với rất nhiều thách thức khác nhau mà người Ukraine gặp phải, đặc biệt nếu người Nga bắn tên lửa đạn đạo tầm ngắn”.
Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã cảnh báo NATO không trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot cho Kyiv và có khả năng Điện Kremlin sẽ coi động thái này là một hành động leo thang.
Hoa Kỳ đã hỗ trợ quân sự cho Ukraine 19,3 tỷ USD kể từ cuộc xâm lược, đây là cuộc xung đột lớn nhất của châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai.
Các nhà lãnh đạo Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đã nhất quán lập luận rằng việc cung cấp cho Ukraine hệ thống phòng không bổ sung là ưu tiên hàng đầu và các tên lửa Patriot đã được xem xét trong một thời gian. Các quan chức cho biết khi mùa đông đến và việc Nga bắn phá cơ sở hạ tầng dân sự leo thang, việc cân nhắc đó càng được ưu tiên hơn.
Một trong các quan chức Mỹ nói với hãng tin Reuters rằng lực lượng Ukraine có thể sẽ được huấn luyện ở Đức trước khi thiết bị Patriot được chuyển giao. Quá trình đào tạo có thể kéo dài vài tháng.
Theo các quan chức, kế hoạch của Hoa Kỳ sẽ là gửi một khẩu đội Patriot. Một khẩu đội Patriot gắn trên xe tải bao gồm tối đa 8 bệ phóng, mỗi bệ có thể chứa 4 tên lửa.
Toàn bộ hệ thống, bao gồm radar, trạm điều khiển, máy tính và máy phát điện, thường cần khoảng 90 binh sĩ để vận hành và bảo trì. Tuy nhiên, chỉ cần ba binh sĩ để thực sự bắn nó, theo Quân đội Hoa Kỳ.
Lê Vy
Quốc gia châu Phi đầu tiên viện trợ quân sự cho Ukraine
Theo cơ quan truyền thông nhà nước Ukraine Ukrinform, Maroc sẽ trở thành quốc gia châu Phi đầu tiên viện trợ quân sự cho Ukraine.
Cụ thể, nước này sẽ gửi phụ tùng thay thế cho xe tăng T-72 tới Kyiv. Trong bối cảnh dự trữ phụ tùng thay thế ở các quốc gia thuộc khối Đông Âu cũ đang giảm và các quốc gia NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) vẫn chưa cung cấp xe tăng phương Tây để viện trợ quân sự cho Ukraine, thì khoản viện trợ trên từ Maroc sẽ đóng vai trò đặc biệt quan trọng.
Quân đội Maroc có một kho xe tăng lớn, trong đó có 136 xe tăng T-72B và 12 T-72BK mua từ Belarus giai đoạn 1999 – 2001. Bên cạnh đó, quốc gia này còn sở hữu 384 chiếc M1A1 và M1A2 Abrams, cũng như 150 xe tăng VT-1A Al Khalid của Trung Quốc – Pakistan. Hàng trăm xe tăng M48 và M60 Patton của Mỹ, cũng như 116 xe tăng SK-105 của Áo nằm trong kho dự trữ.
Quyết định của Maroc được đưa ra theo yêu cầu của Mỹ thông qua những cuộc đàm phán bí mật với Rabat. Trong lịch sử, Maroc đã trở thành một trong những quốc gia đầu tiên công nhận nền độc lập của Mỹ vào năm 1777.
Khi xung đột bùng nổ ở Ukraine, Rabat (thủ đô Maroc) ban đầu cố gắng duy trì lập trường trung lập và chọn bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu vào tháng 3/2022 của Đại hội đồng Liên hợp quốc về Nga. Được biết, Rabat có quan hệ thương mại chặt chẽ với Moscow, là đối tác thương mại lớn nhất của Nga ở châu Phi.
Tuy nhiên, lập trường này đã thay đổi theo thời gian và Maroc tiếp tục tham dự hội nghị vào tháng 4 về bảo vệ Ukraine được tổ chức tại Đức và do Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin chủ trì.
Trong khi Washington liên tục gây áp lực buộc Rabat phải có lập trường mạnh mẽ hơn, quan điểm tích cực của người dân Maroc về Nga cũng giảm sút khi nhiều người đổ lỗi cho Moscow về việc tăng giá lương thực trong khu vực.
Phan Anh
Ukraine: 12 triệu người bị mất điện, quốc tế cam kết viện trợ khẩn cấp hơn 1 tỷ EUR
Thủ đô Kiev bị mất điện (Reuteurs)
Hôm 13/12 vừa qua, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết 12 triệu người dân nước này đang bị mất điện và Ukraine cần máy phát điện khẩn cấp do nhu cầu sưởi ấm của người dân là rất lớn và cấp bách trong bối cảnh nhiệt độ giảm mạnh và tuyết rơi, theo hãng tin AFP. Ông Zelensky còn cho hay rằng các đợt tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) liên tiếp kể từ tháng 10 đã phá hủy khoảng một nửa cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine.
Cùng ngày, Bộ trưởng Năng lượng nước này Herman Halushchenko xác nhận lực lượng Nga đã phá hủy toàn bộ nhà máy nhiệt điện của Ukraine sau các cuộc tập kích quy mô lớn nhằm vào hạ tầng năng lượng nước này. Theo Bộ trưởng Halushchenko, tất cả các nhà máy nhiệt điện đều bị tên lửa của Nga phá hủy. Có 44 đường dây truyền tải điện cao thế bị mất điện.
Nhằm đảm bảo người Ukraine được cung cấp năng lượng, lương thực, được sưởi ấm và di chuyển khi đối mặt với các cuộc oanh tạc kéo dài của Nga, hàng chục quốc gia và các tổ chức quốc tế đã nỗ lực thúc đẩy một hội nghị quốc tế đoàn kết với Ukraine tại Pháp.
Hội nghị do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chủ trì, với sự tham dự của đại diện 46 quốc gia và 24 tổ chức quốc tế, trong đó có Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guiteres, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Thủ tướng Ukraine Denys Chmyhal, đại diện Ấn Độ, và một số nước vùng Vịnh. Tổng thống Ukraine đã phát biểu qua video.
Đại diện hàng chục quốc gia và tổ chức quốc tế đã cam kết viện trợ ngay lập tức cho Ukraine hơn 1 tỷ EUR để vượt qua những thách thức trong mùa đông lạnh giá.
Theo Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna, số tiền mà các nước và tổ chức quốc tế cam kết vượt xa đề nghị 800 triệu EUR mà chính quyền Kyiv đưa ra ban đầu. Trong đó, khoảng 415 triệu EUR sẽ được sử dụng để phục hồi hệ thống năng lượng, 25 triệu để sửa chữa mạng lưới cấp nước, 38 triệu cho lương thực thực phẩm, 17 triệu dành cho hệ thống y tế, 22 triệu sửa chữa hạ tầng giao thông, gần 500 triệu còn lại phục vụ cho các mục đích khác.
Phan Anh
Nhật Bản và Hàn Quốc viện trợ giúp Ukraine khắc phục tình trạng thiếu điện
Mất điện ở Kyiv sau khi Nga tấn công (Ảnh: badahos/Shutterstock)
Hôm 13/12 vừa qua, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã tuyên bố viện trợ không hoàn lại khoản tiền 2,5 triệu USD cho Ukraine nhằm giúp nước này vượt qua tình trạng khó khăn về thiếu điện trong mùa đông năm nay.
Tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7), Thủ tướng Kishida còn cam kết sẽ thông qua các tổ chức quốc tế để gửi đến Ukraine một số lượng nhất định máy phát điện và đèn năng lượng Mặt Trời.
Ngoài ra, Nhật Bản cũng sẽ cung cấp khoản viện trợ trị giá 500.000 USD cho Ukraine và các nước láng giềng, cũng như tiếp tục liên hệ với các tổ chức quốc tế để đảm bảo các trang bị thiết yếu giúp người dân giữ ấm trong mùa Đông.
Bên cạnh đó, Nhật Bản cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với các quốc gia, trong đó có các quốc gia thành viên G7, để hỗ trợ tái thiết Ukraine. Với tư cách là Chủ tịch luân phiên của G7 vào năm 2023, Nhật Bản tuyên bố sẽ đóng góp thiết thực cho mục tiêu này.
Cũng trong ngày 13/12, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho hay nước này dự định cung cấp cho Ukraine khoản viện trợ nhân đạo bổ sung trị giá 3 triệu USD để giúp người dân Ukraine ứng phó với mùa đông khắc nghiệt.
Được biết, hệ thống hạ tầng năng lượng ở Ukraine bị hư hỏng nặng do xung đột. Thủ tướng Ukraine ngày 12/12 nói rằng nước này cần hỗ trợ khẩn cấp tổng số tiền 1 tỷ USD để đưa lưới điện và hệ thống sưởi ấm trung tâm hoạt động bình thường trở lại. Hiện hàng triệu người ở Ukraine không có điện, nước sạch và không được sưởi ấm khi nhiệt độ giảm mạnh.
Phan Anh
Trùm lừa tiền điện tử Sam Bankman-Fried bị bắt
Lê Tây Sơn
13 tháng 12, 2022
Sam Bankman-Fried (ảnh: Alex Wong/Getty Images)
Theo một tuyên bố của chính phủ Bahamas, Sam Bankman-Fried (SBF), người sáng lập sàn giao dịch tiền điện tử FTX làm mất tiền của nhiều người đã bị bắt tại Bahamas vào tối thứ Hai 12 Tháng Mười Hai 2022.
Sẽ bị dẫn độ về Mỹ
Địa hạt Nam của tiểu bang New York (The Southern District of New York-SDNY, nơi đang điều tra SBF và sự sụp đổ của FTX và sàn giao dịch điện tử liên quan Alameda) cũng xác nhận vụ bắt giữ trên Twitter.
Công tố Mỹ Damian Williams công bố: “Đầu giờ tối nay, chính quyền Bahamas đã bắt giữ Samuel Bankman-Fried theo yêu cầu của chính phủ Hoa Kỳ, dựa trên bản cáo trạng được niêm phong do SDNY đệ trình – Chúng tôi sẽ hủy niêm phong bản cáo trạng vào buổi sáng mai và sẽ công bố thêm nhiều chi tiết”.
Đại diện cho nhóm pháp lý của SBF không trả lời ngay yêu cầu bình luận về vụ việc của kênh CNN. Ngay sau khi SDNY xác nhận việc bắt giữ SBF, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (Securities and Exchange Commission-SEC) cho biết họ đã ủy quyền đệ trình công khai các cáo buộc liên quan đến “vi phạm luật chứng khoán” của SBF trong phiên toà ngày thứ Ba tại Bahamas. Không rõ SBF sẽ bị truy tố về các tội danh gì.
SBF trở nên nổi tiếng trong lĩnh vực tiền điện tử khi mới 30 tuổi nhưng biến thành tội đồ chỉ sau một đêm khi công ty của anh ta gặp khủng hoảng thanh khoản và phải nộp đơn xin phá sản vào tháng trước, khiến ít nhất một triệu người gửi tiền không thể lấy được tiền của họ! Tờ The New York Times trích dẫn một người quen thuộc với vụ việc cho biết các cáo buộc chống lại SBF sẽ gồm: Lừa đảo qua mạng, âm mưu lừa đảo qua mạng, gian lận chứng khoán, âm mưu gian lận chứng khoán và rửa tiền.
Hiệp ước dẫn độ của Hoa Kỳ với Bahamas cho phép các công tố viên Mỹ đưa bị cáo về nước nếu các tội danh có thể dẫn đến bản án tù ít nhất một năm ở cả Mỹ và Bahamas. Trong bốn tuần kể từ khi FTX nộp đơn xin phá sản, SBF đã tìm cách đóng vai một giám đốc điều hành “ngây thơ, do bất cẩn mà bị ngã khỏi ván trượt” nhằm phủ nhận tất cả cáo buộc anh ta cố ý lừa gạt các nhà đầu tư vào FTX. “Tôi không cố ý lừa đảo ai – SBF khẳng định với BBC vào cuối tuần qua – Tôi không muốn xảy ra bất kỳ điều gì cho các thân chủ của tôi. Chỉ là tôi không đủ năng lực để điều hành công ty như tôi nghĩ”.
Thiếu “năng lực” nhưng SBF từng phát biểu trước Ủy ban Hạ viện về Dịch vụ Tài chính trong một phiên điều trần về “Tài sản kỹ thuật số và tương lai của tài chính: Tìm hiểu những thách thức và lợi ích của đổi mới tài chính ở Hoa Kỳ” (Digital Assets and the Future of Finance: Understanding the Challenges and Benefits of Financial Innovation in the United States) vào ngày thứ Tư, 8 Tháng Mười Hai 2021!
Ủy ban Tài chính vụ của Hạ viện (Financial Services Committee) đã lên kế hoạch “truy bức” SBF về sự sụp đổ của FTX vào ngày thứ Ba để anh ta giải thích công ty đã sụp đổ như thế nào và gây tác động dây chuyền lên khắp thế giới tiền điện tử. Một số công ty tiền điện tử đã tạm dừng hoạt động, đóng băng tài khoản khách hàng và trong một số trường hợp tự nộp đơn xin phá sản do có quan hệ với FTX.
Trong khi cuộc điều tra chưa hoàn tất, sự sụp đổ của FTX dường như xuất phát từ sự tập trung quyền lực vào tay một nhóm rất nhỏ gồm những cá nhân thiếu kinh nghiệm và cực kỳ bất cẩn. Họ hầu như không thực hiện bất kỳ biện pháp nào để bảo đảm công ty hoạt động đúng hướng. Tệ hơn nữa là tài sản của khách hàng từ FTX.com được trộn lẫn với tài sản của Alameda. Đó là một vấn đề nghiêm trọng cần phải điều tra làm rõ vì FTX và Alameda trên giấy tờ là hai thực thể riêng biệt.
Phủ nhận và phủ nhận
Nhưng SBF phủ nhận cố ý “nhập nhằng tiền bạc giữa hai sản giao dịch” và khẳng định không hề xen vào công việc quản lý hàng ngày của Alameda, nơi đã thực hiện một số chiến lược giao dịch rủi ro cao như chênh lệch giá và “yield farming” (còn gọi là đầu tư vào các mã thông báo kỹ thuật số trả tiền phần thưởng giống như lãi suất, theo bài viết trên tờ The Wall Street Journal).
SBF chỉ thừa nhận “quản lý sai FTX sai và không quan tâm đầy đủ đến rủi ro”. SBF cũng thừa nhận thiếu các công ty kiểm soát và quản lý rủi ro trong các doanh nghiệp do mình điều hành. “Không có người chịu trách nhiệm chính về rủi ro của khách hàng trên FTX – SBF nói tại DealBook – Và tôi cảm thấy khá xấu hổ vì điều đó khi nhìn lại”.
Một trong những câu hỏi quan trọng về sự sụp đổ của FTX bắt nguồn từ một tiết lộ của hãng tin Reuters vào tháng trước, trong đó nêu rõ “SBF đã xây dựng một ‘backdoor’ (cửa sau) để xâm nhập hệ thống kế toán của FTX và thay đổi hồ sơ tài chính của công ty mà không sợ bị kế toán phát hiện”. Báo cáo cho biết SBF đã sử dụng “cửa sau” này để chuyển $10 tỷ tiền của khách hàng FTX cho quỹ phòng hộ (hedge fund) Alameda và ít nhất $1 tỷ đang bị mất. Nhưng SBF phủ nhận biết có “cửa hậu” như thế. “Tôi thậm chí còn không biết cách viết mã” – anh ta khẳng định với vlogger tiền điện tử Tiffany Fong trong một cuộc phỏng vấn vào tháng trước.
Trung Quốc có thể tê liệt trong vài tháng, có tin nhà xác Bắc Kinh chật cứng
Bá Long
Ảnh minh hoạ.
BBC cho biết ĐCSTQ đã không chuẩn bị cho đất nước “sống chung với virus corona”, do đó hiện tại, có khả năng cao là ĐCSTQ không thể ngăn chặn sự lây nhiễm trên quy mô lớn.
Ông Kim Đông Nhạn (金冬雁 Jin Dongyan), nhà virus học tại Đại học Hồng Kông , cho biết, việc nới lỏng đột ngột các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát dịch Covid -19 ở đại lục không được chuẩn bị kỹ lưỡng, và hiện đang là mùa đông, nên có thể xảy ra một đợt bùng phát giống như sóng thần.
Ông Gordon Chang , một chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc, nhận định rằng Trung Quốc có thể phải đối mặt với đại dịch “mùa đông hạt nhân”, nếu việc phòng chống dịch bệnh thất bại, ĐCSTQ không có kế hoạch B để đối phó.
Ông Chang phân tích rằng ĐCSTQ hiện đang đối mặt với một trong những khảo nghiệm khắc nghiệt nhất trong lịch sử. Ngay từ đầu đại dịch, ĐCSTQ đã sử dụng việc kiểm soát các ca nhiễm như một phép thử về tính hợp pháp của chính quyền. Bắc Kinh khoe khoang rằng khả năng đối phó với virus của họ có ưu điểm hơn cả các nước dân chủ nói chung và Mỹ nói riêng. Để chứng minh quan điểm này, Tập Cận Bình đã áp dụng chính sách Zero Covid.
Chuyên gia Chang cho rằng, trong trường hợp bùng phát dịch quy mô lớn ở Trung Quốc, ngay cả khi nước ngoài cung cấp cho Trung Quốc vật tư y tế hay các hỗ trợ khác, thì ông Tập Cận Bình cũng khó có thể chấp nhận. Điều đó có nghĩa là Trung Quốc sẽ bị tê liệt trong nhiều tháng khi virus lây lan mạnh mẽ trong dân chúng. Nếu Trung Quốc tiếp tục đóng cửa và nền kinh tế tiếp tục suy thoái, chế độ ĐCSTQ sẽ cạn kiệt nguồn lực.
Vào ngày 12 tháng 12, người phát ngôn Ủy ban Y tế Bắc Kinh, ông Lý Ngang (Li Ang) cho biết trong một cuộc họp báo rằng, số người đến phòng khám sốt và số ca mắc bệnh giống cúm đã tăng lên đáng kể. Trong ngày 11/12, có 22.000 lượt khám ngoại trú tại các phòng khám sốt trong thành phố, gấp 16 lần so với một tuần trước.
Do sự lây nhiễm quy mô lớn, nhiều khu dân cư đã bị tê liệt. Trong một đoạn video được đăng trên Internet, một người dân ở quận Triều Dương, Bắc Kinh đã tiết lộ rằng, tất cả 20 nhân viên trong toàn cộng đồng đã bị nhiễm bệnh, bao gồm cả nhân viên vệ sinh và nhân viên bảo vệ, và hàng trăm hộ gia đình trong cộng đồng cũng bị nhiễm bệnh”.
Thông tin về việc nhà xác Bắc Kinh chật cứng.
Vào ngày 13/12, nhân viên của Bệnh viện Đông Phương thuộc Đại học Y học Cổ truyền Trung Quốc Bắc Kinh đã đăng một thông báo trên Weibo: “Các vị cùng ngành, vì nhân viên nhà tang lễ liên tục dương tính trong hai ngày qua nên thiếu nhân viên làm việc nghiêm trọng, và vì tỷ lệ tử vong gần đây ở Bắc Kinh tăng lên, bây giờ thời gian hỏa táng dự kiến ít nhất là từ 5 đến 7 ngày, di hài tồn trữ nghiêm trọng. Để bảo đảm các dịch vụ cơ bản của bệnh viện, xin vui lòng không gọi điện cho tôi nữa, không có chỗ trống để cung cấp cho mọi người”.
Còn có cư dân mạng Bắc Kinh khác tiết lộ, nhà xác các bệnh viện lớn ở Bắc Kinh đã chật kín, có người già qua đời, đều rất khó tìm được chỗ trong nhà.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét