Thanh Đoàn
Lịch sử trên thị trường tài chính – ngân hàng năm 2011 dường như đang lặp lại trong năm 2022. Sau hơn một thập kỷ, có vẻ như chương trình tái cấu trúc các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu chưa đạt được mục tiêu ban đầu của chính phủ Việt Nam (Ảnh minh họa: Geralt/Pixabay)
Sau hơn một thập kỷ, các diễn biến trên thị trường ngân hàng – tài chính Việt Nam dường như đang lặp lại với các nét phác hoạ tương đồng: lãi suất liên ngân hàng tăng vọt, hệ thống chạy đua tăng lãi suất, ngân hàng cho vay vượt quá huy động, lãi suất tái chiết khấu của ngân hàng nhà nước tăng mạnh, đồng VND mất giá sốc, nợ xấu bùng phát…
Cách đây một thập kỷ, hệ thống ngân hàng, tài chính Việt Nam chứng kiến một cuộc khủng hoảng thanh khoản, nợ xấu tồi tệ kèm lạm phát lên tới 2 con số.
Sau 11 năm công cuộc tái cấu trúc các tổ chức tín dụng, cải cách thể chế quản lý, giám sát thị trường tài chính và tái cơ cấu thị trường chứng khoán, thị trường tài chính Việt Nam dường như lại bộc lộ các dấu hiệu đầy bất an của năm 2011. Dưới đây là những nét tương đồng.
1. Cú sốc tỷ giá, đồng VND mất giá hơn 9% so với USD
Năm 2011, thị trường ngoại hối chứng kiến một cú sốc (shock), đồng VND mất giá tới 9,3% chỉ sau một đêm. Ngày 11/2/2011, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tăng tỷ giá từ 18.932 đồng đổi 1 USD lên 20.693 đồng, đồng thời thu hẹp biên độ giao dịch tỷ giá từ 3% xuống 1%. Chỉ sau 1 đêm giá trị Việt Nam đồng đã mất 9,3% so với USD. Sau cú sốc điều hành vào tháng 2/2011 này, tỷ giá VND/USD chỉ tăng 0,97% trong 9 tháng còn lại của năm 2011.
Cú sốc tỷ giá 2011 xảy ra do nền kinh tế mất cân đối cán cân thanh toán trong nhiều năm liên tiếp, cung USD không đủ cầu trong khi lạm phát đồng nội tệ tăng 11,8% năm 2010 thúc đẩy cầu găm giữ USD tăng vọt.
Năm 2022, cú sốc tỷ giá nhẹ hơn. Đồng nội tệ mất giá 5% trong một đêm sau khi NNNN tăng lãi suất và nới biên độ tỷ giá chính sách. Tính trong cả 12 tháng, đồng nội tệ mất giá cao nhất khoảng 9%. Đáng nói là đồng VND mất giá khi nền kinh tế giữ mức thặng dư thương mại 5 năm liên tiếp, dự trữ ngoại hối tại NHNN được cho là tốt nhất từ trước tới nay.
Lý do của năm 2022 có vẻ khó chấp nhận hơn lý do của năm 2011 khi cú sốc tỷ giá chủ yếu do điều hành thiếu linh hoạt. Năm 2022, việc đảo ngược chính sách tiền tệ của Cục dự trữ liên bang Mỹ (với tốc độ nhanh) đã thúc đẩy đồng bạc xanh tăng giá mạnh. Dòng vốn USD đổ về Mỹ, tình trạng khan USD xuất hiện toàn cầu. Quan trọng hơn, Việt Nam đã sai lầm khi duy trì giá trị đồng nội tệ ngược với các nền kinh tế khác trong khu vực và thế giới (các nền kinh tế khác đều để đồng nội tệ mất giá so với USD từ năm 2021). Điều này khiến cú sốc tỷ giá trở nên dễ đoán hơn và không đáng có. Ngoài ra, việc NHNN kiên định với chính sách chống đô-la hoá nền kinh tế, huy động USD với lãi suất 0% trong hệ thống NHTM cũng như buộc doanh nghiệp phải lập tức bán USD cho NHTM khiến tình trạng USD trở nên khan hiếm hơn. Một lượng lớn ngoại tệ nằm ở các hộ gia đình hoặc tài khoản của khách hàng nhập khẩu ngoài biên giới quốc gia. Khan hiếm USD cũng thúc đẩy huy động nội tệ, lãi suất đồng nội tệ tăng, tăng sức ép lên cuộc đua huy động lãi suất và rủi ro thanh khoản trong hệ thống các NHTM.
2. Chạy đua tăng lãi suất trong hệ thống NHTM
Lãi suất bắt đầu leo thang kể từ đầu tháng 5/2011, có thời điểm huy động VND lên đến 20%/năm, lãi suất cho vay nông nghiệp nông thôn lên 16,5% – 20%/năm, cho vay phi sản xuất từ 25% – 28%/năm. Tình trạng chạy đua huy động trên NHTM ngày một căng thẳng, không chỉ lãi suất qua đêm tăng vọt trên thị trường liên ngân hàng, các NHTM xuất hiện tình huống mất niềm tin với nhau trong hệ thống.
Cũng tương tự năm 2011, lãi suất huy động, cho vay và lãi suất liên ngân hàng hệ thống NHTM năm 2022 cũng bắt đầu chạy đua, tăng vọt kể từ quý 2/2022. Hiện nay, lãi suất huy động của một số ngân hàng thương mại nhỏ đã tăng gần như gấp đôi so với đầu năm, ở mức trên 11%/năm. Suy kiệt thanh khoản trong hệ thống NHTM được giải thích cho tình trạng này. Tình trạng suy kiệt thanh khoản xảy ra khi bảng cân đối NHTM tồn tích quá nhiều tài sản xấu, thêm vào chính sách tiền tệ thắt chặt do lạm phát khiến dòng tiền trú ẩn ở vàng, USD, các NHTM khó khăn trong huy động. Chi phí vốn đẩy lên cao, gây tổn thất lớn cho khu vực kinh tế tư nhân và tiêu dùng.
3. Ngân hàng nhà nước liên tiếp tăng lãi suất điều hành, ấn định trần lãi suất
Năm 2011, để xử lý vấn đề chạy đua huy động lãi suất của các NHTM, NHNN quy định trần lãi suất 14%/năm khiến các NHTM gặp khó về thanh khoản và phải đi vay trên thị trường liên ngân hàng với lãi suất cao. Cá biệt, có những giao dịch lãi suất lên tới mức 30-40%/năm kỳ hạn 1 tháng.
Trước khi đưa ra chính sách trần lãi suất, NHNN thời điểm đó đã 2 lần tăng lãi suất chiết khấu (từ 7% năm 2010 lên 13%), 4 lần tăng lãi suất tái cấp vốn (từ 9% lên 15%), 5 lần tăng lãi suất OMO (từ 8% lên 15%). Lãi suất cơ bản đã được giữ nguyên 9% kể từ năm 2010.
Năm 2022, NHNN đã phải hai lần liên tiếp tăng lãi suất tái điều hành trong vòng 1 tháng. Lãi suất tái cấp vốn được nâng từ 4,0%/năm lên 6,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 2,5%/năm lên 4,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng tăng từ 5,0%/năm lên 7,0%/năm.
Mặc dù chưa ấn định trần huy động lãi suất như hồi năm 2011 nhưng hôm qua (13/12/2022), NHNN đã phát đi thông điệp bất cứ NHTM nào muốn tăng lãi suất huy động phải báo cáo với NHNN. Đây thực chất là can thiệp hành chính vào đợt chạy đua huy động lãi suất do suy kiệt thanh khoản trên hệ thống, dù mức độ chưa chặt chẽ và khắc nghiệt như hồi năm 2011.
4. Các NHTM cho vay vượt quá huy động: Suy kiệt thanh khoản
Một trong những chỉ số đánh giá thanh khoản của hệ thống NHTM là chỉ số LDR (cho vay/huy động). Thông thường tỷ lệ cho vay trên tổng huy động chỉ nên ở mức dưới 80%. Đây cũng là giới hạn an toàn mà các NHNN ấn định cho các NHTM trong hoạt động của họ, đảm bảo thanh khoản cho từng ngân hàng và hệ thống.
Tuy nhiên, thanh khoản suy kiệt trong năm 2011 và hiện giờ là 2022 với nhiều dấu hiệu giống nhau. Năm 2011, LDR bình quân của các tổ chức tín dụng (TCTD) lên tới trên 100%. Năm 2022, tuy LDR bình quân của cả hệ thống chưa vượt mức 100%, nhưng số liệu toàn hệ thống có trên 20 NHTM có tỷ lệ cho vay trên huy động (thị trường dân cư) trên 90%. Tệ hơn, có tới 4 NHTM có tỷ lệ cho vay/huy động lên tới trên 100%.
5. Nợ xấu bùng phát
Nợ xấu theo báo cáo và công bố của NHNN năm 2011 ở mức gần 4%. Tuy nhiên, sau 5 năm, trong một tuyên bố tại Quốc hội, cựu Thống đốc NHNN ông Bùi Văn Bình tuyên bố nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng thương mại năm 2011 ở mức 19%. Đây là lý do thúc đẩy cuộc tái cơ cấu hệ thống TCTD năm 2012 sau đó.
Hiện tại, nợ xấu bình quân toàn hệ thống NHTM chưa có số liệu thống kê hoặc công bố từ NHNN. Tuy nhiên, nợ tại bảng cân đối và VAMC hồi trước đại dịch Covid-19 ước tính vẫn ở mức 7% tổng dư nợ. Sau 3 năm đại dịch, dòng tiền đổ vào các thị trường tài sản có tính đầu cơ cao và rủi ro cao như cổ phiếu, phái sinh, chứng khoán doanh nghiệp bất động sản, tín dụng bất động sản, … đã thúc đẩy nợ xấu hệ thống tăng vọt khi chính sách tiền tệ thắt chặt.
Sau khi bản vị Vàng bị “đánh sập”, những cuộc khủng hoảng kinh tế liên tiếp xảy ra với những quả bom nợ “ẩn mình chờ nổ” (Nguồn: NTDVN tổng hợp)
Vào ngày 2/11, trang Cafef tổng kết báo cáo tài chính quý 3/2022 của 27 NHTM cho thấy, tính đến ngày 30/9/2022, tổng nợ xấu nội bảng của 27 ngân hàng ở mức gần 129,8 nghìn tỷ đồng, tăng 28,4% so với đầu năm.
Trong đó, đáng chú ý, tổng nợ nhóm 5, tức nợ có khả năng mất vốn tính đến cuối tháng 9 tăng mạnh tới 62,5% so với đầu năm, lên gần 72,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 55,8% tổng nợ xấu, so với tỷ trọng 44% hồi đầu năm.
Thực tế, nợ xấu trong hệ thống NHTM đã tăng cao trong suốt đại dịch và chưa được hạch toán đúng và đủ vào bảng cân đối của các NHTM vì chính sách giãn nợ, khoanh nợ (theo chính sách).
Rất nhiều khoản nợ xấu của NHTM từ 2012 cho tới nay vẫn đang tồn tại ở Công ty quản lý tài sản Việt Nam (VAMC); một công ty của của nhà nước ôm giữ khối nợ xấu và xử lý nợ xấu cho các NHTM. Nợ xấu dồn tích suốt 10 năm, đặc biệt tăng vọt sau đại dịch. Một số liệu gián tiếp chứng minh nợ xấu trong NHTM rất lớn đó là việc lãi suất cho vay bình quân trong hệ thống NHTM giảm hầu như không đáng kể dù lãi suất huy động giảm mạnh trong giai đoạn chính sách tiền tệ nới lỏng, tiền rẻ ngập thị trường 2020 – 2021.
6. Thị trường chứng khoán lao dốc, mất niềm tin
Năm 2011, TTCK Việt Nam chứng kiến đà lao dốc không phanh của cả hai chỉ số chính. Trong khi VN-Index mất giảm từ 486 điểm xuống mức 356,2 điểm (mức thấp nhất kể từ tháng 5/2010, mất 26,7%) thì HNX-Index đạt mức thấp nhất từ khi chỉ số này ra đời, giảm 55,4 điểm xuống 58 điểm (tương ứng với 48,8%) tính đến ngày 26/12. Thanh khoản thị trường ở mức rất thấp.
Năm 2022, mức lao dốc của TTCK Việt Nam tương tự. Tính tới 13/12/2022, chỉ số VN-index mất 30,13%, trong khi HNX-index mất tới 54,62% so với đầu năm 2022; mức lao dốc tệ nhất so với bất kỳ thị trường chứng khoán nào trong khu vực và thế giới. Mức mất điểm trên cả hai chỉ số này hoàn toàn tương đương với những gì đã xảy ra vào năm 2011.
Một cuộc khủng hoảng lớn chưa từng có – Mẹ của các cuộc khủng hoảng – đã được cảnh báo là đã xuất hiện. Tại Việt Nam, các lỗ hổng thể chế trên thị trường chứng khoán khiến rủi ro đang ngày một phình to hơn (Ảnh: Adobe stock)
Giải thích cho nguyên nhân TTCK lao dốc năm 2011 là do lãi suất tăng vọt để kiềm chế lạm phát. CPI cả năm 2011 tăng 18,58%.
Dòng tiền vào chứng khoán năm 2011 đã bị thắt chặt trước Thông tư 13 được ban hành trong năm 2010. Dòng tiền thậm chí bị thắt chặt hơn khi lạm phát tăng cao khiến lãi xuất vay vốn trong năm có lúc lên tới 22-25%. Không chỉ vậy, dòng tiền từ NHTM trở nên khan hiếm hơn khi NHNN có chỉ thị yêu cầu các tổ chức tín dụng phải cơ cấu lại tín dụng, giảm tỷ trọng cho vay phi sản xuất, trong đó có cho vay chứng khoán. Cụ thể, đến 30/6 tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất so với tổng dư nợ tối đa phải là 22% và đến 31/12/11 tối đa là 16%.
7. Thị trường bất động sản đóng băng
Cũng giống như tình trạng của 2011, thị trường bất động sản (BĐS) 2022 bắt đầu đóng băng, giá cả giảm sâu sâu (ở nhiều phân khúc) sau khi cú sốc về lãi suất và siết chặt tín dụng.
Thị trường BĐS vốn là thị trường phụ thuộc rất lớn vào dòng vốn vay. Khi lạm phát tăng, nợ xấu tăng thúc đẩy lãi suất (chi phí vốn) tăng vọt, dòng tiền đổ vào BĐS bị siết chặt khiến BĐS lập tức đóng băng. Thị trường BĐS bắt đầu dấu hiệu ấm lại sau 3 năm kể từ năm 2011, khi đó (2014-2015) lạm phát đã được kiềm chế, thị trường tiền tệ và vốn bắt đầu hoạt động hiệu quả hơn, dòng tiền mới M&A đã đổ vào thị trường BĐS và tạo ra các cơ hội mới cho thị trường này.
8. Doanh nghiệp khốn khó
Năm 2011 chứng kiến sự phá sản và rời bỏ thị trường của hàng trăm ngàn doanh nghiệp khi chi phí vốn quá cao, tiêu dùng thắt chặt. Tại thời điểm cuối năm 2011, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Cao Sỹ Kiêm cho rằng có địa phương báo cáo số doanh nghiệp phá sản hiện nay của họ lên tới 40%, có địa phương báo cáo 50%.
Ông Kiêm giải thích: “Sản xuất của các doanh nghiệp này nói chung là đình trệ. Tất cả các yếu tố kinh doanh như tiếp cận vốn, tồn kho, lợi nhuận,… của doanh nghiệp vừa và nhỏ ngày càng diễn biến theo chiều hướng xấu hơn”.
Lãi suất cho vay, theo ông Kiêm, dù đã giảm xuống còn 17-19%, nhưng các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận rất khó. “Lãi suất như thế chưa phải là giá vốn tốt, mà thực tế những doanh nghiệp tiếp cận được giá này cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay thôi”, ông nói.
Năm 2022, tình trạng tương tự đang diễn ra. Theo các chuyên gia kinh tế, từ quý 4/2022 đến năm 2023 kinh tế sẽ rất khó khăn. Suy thoái kinh tế thế giới đã thấy rất rõ, lạm phát gia tăng đẩy nền kinh tế thế giới rơi vào nguy cơ trì trệ. Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ trong nước đang gây khó khăn cho doanh nghiệp khi lãi suất ngân hàng rất cao, ‘room’ tăng trưởng dư nợ tín dụng ở ngân hàng cạn kiệt trong khi thị trường vốn dài hạn là trái phiếu doanh nghiệp bị ghẻ lạnh, làn sóng ‘tháo chạy khỏi trái phiếu’ (bond run) đang ngày một mạnh mẽ.
Đại diện một số doanh nghiệp cho biết, đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp đã bắt đầu giảm từ cuối quý 3. Đáng lo lắng hơn là đến quý 4/2022 rất ít doanh nghiệp nhận được đơn hàng mới cho năm 2023, trong khi những năm trước, thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đã nhận được đơn hàng cho quý 1, quý 2 năm sau.
Hiện có nhiều doanh nghiệp TP.HCM đang cắt giảm lao động. Cụ thể như: Công ty Tỷ Hùng ở quận Bình Tân cho 1.200 lao động nghỉ việc; Công ty TNHH Việt Nam Samho (huyện Củ Chi) cho 1.500 lao động nghỉ việc; hay 51 doanh nghiệp trong khu Chế xuất và Khu Công nghiệp giảm đơn hàng khiến gần 6.000 công nhân, lao động bị ảnh hưởng.
Không chỉ vậy, một doanh nghiệp khó khăn cũng lây lan rủi ro sang các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng của nó. TS. Lê Xuân Nghĩa, Nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia, thành viên Ban Cố vấn kinh tế, cũng đặc biệt nhấn mạnh tình trạng thiếu thanh khoản ở khu vực doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Biểu hiện là chiếm dụng vốn lẫn nhau, dòng tiền âm. Chiếm dụng vốn ở doanh nghiệp biểu hiện ở khoản nợ phải thu tăng vọt. TS. Lê Xuân Nghĩa đưa ra số liệu đáng kinh ngạc: “riêng 6 tập đoàn lớn số vốn chiếm dụng lẫn nhau lên tới 200.000 tỷ đồng. Đáng nói, phần lớn vốn chiếm dụng này có nguồn gốc từ ngân hàng“. Tức là, các doanh nghiệp lớn này đều sử dụng đòn bẩy cao ở các ngân hàng thương mại (NHTM). Việc chiếm dụng vốn và không thể thanh toán cho nhau sẽ thúc đẩy nợ xấu ở các NHTM trước tiên.
Thanh Đoàn
NGUỒN TIN THAM KHẢO
https://cafef.vn/tai-chinh-ngan-hang/10-su-kien-tai-chinh-ngan-hang-noi-bat-nam-2011-20111221031651161.chn
https://www.bvsc.com.vn/News/201211/187750/chung-khoan-nam-2011-thi-truong-lao-doc-niem-tin-sut-giam.aspx
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét