Nguyên bản tiếng Anh: The Raid
Nhà xuất bản: Harper - Row Publishers Tác giả: Benjamin F.Schemmer
Người dịch: Lê Trọng Bình - Lâm Hải Hồ
P14
Sáng sớm ngày thứ hai 16 tháng 11 khi Blackburn và Mayer đến Lầu Năm Góc thì các sĩ quan điều hành ở Bộ Tổng Tham mưu hỗn hợp đang gặp phải một trường hợp rắc rối nhỏ qua các bức công điện ấy. Các viên chức CIA đang la hoảng lên để yêu cầu máy bay trực thăng họ không hiểu vì sao cơ quan MACV lại không chịu cấp phát? Blackburn không muốn giải thích điều gì trong thời điểm cuối cùng này, ngay cả nói bóng gió về việc tất cả máy bay đã được đặt trong tình trạng chờ lệnh để thực hiện một chiến dịch của SACSA, hoặc mọi ưu tiên về trực thăng tại Đông Nam Á hiện nay đều do Bộ Tổng tham mưu hỗn hợp quyết định, cũng đều là điều nguy hại. Mayer cố giải quyết vấn đề. Ông ta đã thương lượng với Bộ Chỉ huy không quân để ban hành lệnh tạm thời tất cả mọi trực thăng HH-53 khắp nơi trên thế giới, đều có trở ngại kỹ thuật nghiêm trọng. Chỉ có các chuyến bay thử máy mới được phép cất cánh.
Từ văn phòng của Moorer, Harry Train điện thoại cho Blackburn. Tổng thống muốn có một buổi thuyết trình toàn bộ về cuộc tập kích, ngay vào ngày mai. Bộ trưởng Ngoại giao William Rogers đã được mời tham dự. Moorer sẽ thuyết trình ngay sau bữa cơm trưa. Yêu cầu SACSA chuẩn bị mọi sơ đồ và tài liệu thuyết trình cần thiết.
Blackburn và Mayer đã làm việc suốt ngày thứ hai để làm cho tài liệu thuyết trình sơ đồ sát với tình thế mới. Một chuyên viên hội họa tên là Larry Downing, binh sĩ hải quân trẻ tuổi, đã làm việc đến khuya để chuẩn bị mọi việc cần thiết. Sáng ngày hôm sau, 17-11, Blackburn và Mayer kiểm soát lại mọi thứ và đánh giá việc làm của người họa đồ này thật là tuyệt vời. Họ chuyển toàn bộ tài liệu sang văn phòng của Train, gồm cả bản thuyết trình dành cho Moorer đã được
đánh máy và ghi chú mục lục cẩn thận, đồng thời có ba băng giấy đen mạ vàng với những chữ “Tối mật” và “chỉ dành riêng cho vị Chủ tịch mà thôi”.
Vừa mới chuẩn bị xong nội dung báo cáo cho Tổng thống biết thêm về công tác Sơn Tây hơn là điều ông ta muốn biết thì Mayer lại phát hiện ra việc các vị chỉ huy cuộc tập kích đã bị thất lạc đâu đó. Theo dự liệu thì Manor và Simons sẽ đáp xuống căn cứ không quân Takhli của Hoàng gia Thái Lan ở miền Trung Thái Lan vào lúc 5 giờ 30 sáng. Theo giờ Washington ngày hôm ấy, tức là 5 giờ 20 chiều tại địa phương, Manor phải gửi ngay một công điện đã được soạn thảo trước bằng mật mã đặc biệt về Trung tâm chỉ huy Lầu Năm Góc để báo giờ đến nơi. Nhưng bây giờ đã là 9 giờ 30 sáng mà vẫn chưa nhận được công điện. Mayer đã kiểm soát kỹ lưỡng khoảng 50 máy bay của không quân đã hạ cánh trong suốt ngày hôm trước. Bây giờ thì ông ta lại lo lắng rằng có thể hải quân đã bị thất lạc một chiếc máy bay nào đó ở đâu đấy trong vùng hướng tây Thái Bình Dương.
Mayer đã trải qua suốt cả mọi giờ tiếp theo trong phòng 2C495, Trung tâm chỉ huy truyền tin quân sự quốc gia, để lục soát mọi công điện mật mã đặc biệt cố tìm xem viên sĩ quan trực đêm có để công điện của Manor nhầm lẫn vào hồ sơ khác, hoặc có chuyển nhầm công điện ấy đi đến một cơ quan nào khác hay không? Nhưng rồi cũng không tìm thấy bức công điện ấy ở Trung tâm truyền tin. Blackburn chỉ thị cho viên sĩ quan điều hành của ông ta là đại tá không quân William P.Ryan phải truy tìm khắp nơi tại Trung tâm truyền tin để tìm ra cho được bức công điện. Ông ta nói với Mayer sẽ cố gắng tìm kiếm cho đến 3 giờ chiều đó là thời điểm mà toán cuối cùng của lực lượng tập kích Simons sẽ đến Thái Lan. Theo chương trình đã định thì đến lúc này Manor và Simons sẽ phải gửi thêm công điện thứ hai, báo cáo cho biết là toàn bộ toán hành động hỗn hợp cấp thời đều có mặt đầy đủ tại căn cứ hậu tuyến.
Trong khi Mayer và Ryan đang cố tìm tung tích của Manor và Simons thì Blackburn gặp Milt Zaslov ở cơ quan NSA để tìm hiểu nguồn tin về việc cuộc tập kích đã bị cơ quan phản gián không quân ở San Antonio phát giác ra. Cả hai người ngồi nghe lại các cuốn băng ghi âm điện đàm giữa Lầu Năm Góc và căn cứ Eglin, từ đầu đến cuối. Milt Zaslov kết luận rằng không có việc gì phải lo âu bởi vì với những nội dung điện đàm đã được ghi trên những cuốn băng ấy thì không ai có thể tổng hợp lại để biết rõ được địa điểm, hình thái của mục tiêu hoặc thời gian xuất phát của cuộc tập kích.
Blackburn không muốn nói cho Zaslov biết là ông ta đã có phần an tâm khi thấy cơ quan NSA không tìm ra được chứng cớ để báo động qua sự sơ hở về những cuộc điện đàm đã ghi băng. Một tháng trước đây, một sĩ quan phản gián đã đến văn phòng của Blackburn báo cho biết có một vài tin tức đã bị tiết lộ qua điện đàm từ Lầu Năm Góc đến căn cứ Eglin. Chính bản thân Blackburn đã điện đàm trong lần ấy. Một mẩu tin quan trọng xuyên qua cuộc nói chuyện đã bị nghe trộm, ghi âm và phát giác ra do phòng an ninh không quân thực hiện và được coi như là một sự tiết lộ tin tức tương đối quan trọng và Blackburn là kẻ vi phạm điều đó. Blackburn biết chuyện tiết lộ này đã được trình báo ngay cho tướng Palmer, tham mưu phó lục quân. Blackburn đồng ý ngay về việc làm này.
Mặc dù đã có sự khuyên nhủ của Zaslov nhưng Backburn vẫn cứ lo lắng về việc tiết lộ tin tức này. Xế chiều hôm đó, Mayer thấy ông ta ngồi trong văn phòng đầy vẻ chán nản, tuyệt vọng. Cả hai người thảo luận về việc sơ ý của Blackburn và Mayer có nói đây chỉ là một làn khói thoảng
qua, tuy công nhận là có sơ ý thật nhưng chắc sẽ không có điều gì phương hại đến cuộc tập kích. Tuy nhiên Blackburn vẫn vô cùng bối rối. Trước đây ông ta đã quá cẩn thận trong việc sử dụng nhiều biện pháp để phân quyền trong việc thiết lập kế hoạch và chỉ giới hạn cho một số ít người biết được sự việc mà thôi. Ngay cả đến vị Tổng tư lệnh của không lực Thái Bình Dương cũng không được biết về kế hoạch. Các toán phản gián của Blackburn cũng đã làm việc vất vả lo tháo gỡ mô hình trại giam Sơn Tây ở căn cứ Eglin mỗi khi có vệ tinh Cosmos của Liên Xô bay ngang qua để tránh việc chụp ảnh và phát hiện vị trí. Và chính ông là người đã nhấn mạnh nhiều nhất để việc ghi băng các cuộc điện đàm, kể cả với máy điện thoại của ông ta nữa. Nhưng bây giờ thì chính ông ta lại là người vi phạm.
Ngày hôm đó Blackburn rời Lầu Năm Góc sớm hơn thường lệ. Về đến nhà, vào buổi tối, ông ta đã viết đơn từ chức, xin ra khỏi quân đội Hoa Kỳ. Sau bữa cơm tối ông ta điện thoại gọi cho Mayer đến. Blackburn đưa cho Mayer xem đơn từ chức. Mayer đọc trong im lặng, đọc rất kỹ, và sau đó thì xé nát lá đơn ném vào ngọn lửa đang bùng cháy trong lò sưởi. Mayer nói: “Thiếu tướng nên nhớ là chúng ta đang tự đày cho mình một bài học phải cẩn thận hơn cho đến bây giờ thì xem ra chưa có gì nguy hại cả. Việc xảy ra sẽ cho chúng ta thêm kinh nghiệm là phải thận trọng nhiều hơn nữa trong tương lai, nếu không thì chúng ta sẽ làm đổ vỡ công việc”. Sau đó ông ta khuyên Blackburn nên quên đi việc sơ hở vừa qua và nên đi ngủ sớm để ngày mai có thể đến làm việc sớm hơn.
Ngày hôm đó Mayer cũng lại gặp nhiều việc rắc rối. Train gọi điện thoại vào lúc 11 giờ 15 phút buổi sáng và chỉ thị lập ngay tài liệu thuyết trình mới để cho Moorer trình bày tại Nhà Trắng.
Buổi họp với Tổng thống đã được ấn định vào 2 giờ 30 phút chiều, nhưng Moorer cần có ngay những biểu đồ thuyết trình mới với nhiều kích thước khác nhau. Và ông ta cần có toàn bộ tài liệu vào lúc 1 giờ 30 phút trưa để có ít thời gian nắm trước các vấn đề.
Mayer hốt hoảng khi biết tin Larry Downing, người họa đồ duy nhất biết về công tác Sơn Tây đã về nhà. Người họa đồ này đang ở nhà giữ con thay cho vợ đã đi bệnh viện và không thể đến được. Cuối cùng Mayer phải cố tự vẽ các bản sơ đồ. Ông ta biết là các bản thuyết trình cho Tổng thống nghe cần phải vẽ trên những tấm sơ đồ 20x30 inch, mỗi tấm có đường cắt ngang ở giữa và nối lại bằng băng dính ở phía sau để có thể gấp lại cho vừa với khuôn khổ của giá thuyết trình ở văn phòng Tổng thống. Mayer gọi hai người ở phòng sơ đồ Bộ Tổng Tham mưu hỗn hợp đến phụ giúp. Cả hai người này đều không được phép biết về kế hoạch tập kích này. Vì lẽ đó, Mayer phải tách riêng mỗi người ra một phòng khác nhau, đưa cho một người các bản đồ miền Bắc Việt Nam chưa có ghi dấu gì và các tấm sơ đồ về doanh trại Sơn Tây, còn người khác thì lo vẽ các tiêu đề và các dấu hiệu cần thiết.
Khi mọi việc xong xuôi thì chính Mayer tự lo dán ghép lại. Sau khi tổng hợp các bản đồ và các dấu hiệu lại với nhau thì toàn bộ đã trở thành những đồ biểu tối mật chỉ rõ đường bay thẳng đến Sơn Tây và cả trại giam. Cả hai người giúp việc cho ông ta đã đều không biết được rằng họ đã chuẩn bị các sơ đồ cho một địa điểm chứa bom nguyên tử hoặc là bản đồ chỉ đường cho các chuyến bay trinh sát SR-71 trên vùng trời Bắc Việt Nam. Mayer chỉ thị là cả hai người không được nói chuyện với nhau ít nhất là trong một tuần lễ.
Đến 1 giờ 20 phút khi Mayer sẵn sàng đem trình các bản sơ đồ thì ông ta chợt thấy là không có một cái cặp đựng tài liệu. Cả văn phòng vẽ sơ đồ của Bộ tổng tham mưu hỗn hợp cũng không có.
Trong suốt 9 phút còn lại ông ta đã điện thoại từ văn phòng này đến văn phòng khác và sau cùng được biết có một cái cặp tại một văn phòng ở ngay trên phòng làm việc của ông ta, đấy là Trung tâm thám sát hỗn hợp, phòng 2D921. Chính văn phòng này chuyên sản xuất các bản đồ, biểu thuyết trình.
Trong văn phòng số 2E 873, đô đốc Moorer lật thoáng qua các sơ đồ nhưng không phát biểu ý kiến hoặc thắc mắc điều gì. Mayer yên tâm khi nghĩ đến việc ông ta đã dán các dấu hiệu vào đúng chỗ trên sơ đồ với nhiều keo để khỏi bị rơi ra. Nhưng đến 2 giờ trưa thì Nhà Trắng gọi đến. Buổi thuyết trình bị hoãn lại. Moorer sẽ có mặt tại văn phòng Tổng thống sáng mai vào lúc 11 giờ.
Mayer quay trở về văn phòng của Blackburn. Theo dự định thì toán tập kích Sơn Tây phải đến Thái Lan vào lúc 3 giờ chiều hôm ấy (giờ Washington). Như vậy chỉ trong vài phút nữa sẽ có một công điện gửi về để xác nhận họ đã đến nơi. Công điện này sẽ được gửi thẳng cho Mayer, nội dung vẻn vẹn có mấy chữ: “Tia sáng điện”. Nhưng cho đến giờ phút này vẫn không nhận được công điện nào của Manor và Simons gửi về. Ba giờ chiều đã trôi qua, rồi đến 3 giờ 30, Blackburn và Mayer bắt đầu tự hỏi không biết việc gì có thể xảy ra ở Nhà Trắng và về tung tích của những người tập kích.
Moorer bình tĩnh: “Theo tôi thấy thì mọi việc đều tốt đẹp. Chúng ta sẽ biết rõ thêm ngay sau khi tôi thuyết trình cho Tổng thống vào ngày mai”.
Blackburn chưa nhận được bức công điện nào của Manor hoặc của Simons nhưng ông ta quyết định không nên nói cho vị đô đốc Chủ tịch biết là các toán tập kích Sơn Tây chưa có tin tức gì.
Vào lúc 7 giờ 30 tối, khi Blackburn và Mayer rời Lầu Năm Góc sau suốt một ngày làm việc mệt nhọc và căng thẳng thì các bức công điện mà họ hằng mong đợi vẫn chưa thấy gửi về. Nhưng Manor và Simons không bị lạc, chỉ có công điện của họ bị thất lạc mà thôi. Có khả năng nó còn nằm đâu đó ở một trạm chuyển tiếp tại Nhật Bản. Manor đã gửi các công điện về đúng theo giờ đã định: công điện thứ nhất báo cáo là ông ta và Simons đã đến nơi, công điện này được gửi đi lúc 5 giờ 30 sáng từ Takhli lúc 3 giờ chiều (theo Lầu Năm Góc) để báo cáo tất cả 56 người trong toán tập kích của Simons đã đến nơi bình an. Nhưng bởi lẽ các công điện này phải dùng mật mã đặc biệt và đã được mang tay đến một trạm truyền tin tự động ở Nhật Bản để nhờ chuyển đi, trong khi đó thì trạm này lại chuyển theo hệ thống bình thường. Những bức công điện hỏa tốc của Manor đã đến trung tâm chỉ huy quân sự quốc gia vào khoảng 9 giờ tối hôm ấy. Trong thời gian đó thì Mayer đã tìm ra được Simons bằng cách mạn phép vi phạm gọi điện thoại thẳng qua Thái Lan. Qua đường dây điện thoại không bảo đảm an ninh, ông ta chỉ có thể nói nhảm nhí vài lời sau khi đã nghe chính tiếng nói của Manor và Simons và xác nhận được tất cả toán lính vẫn còn sống, mạnh khoẻ, và sẵn sàng đi tập kích Bắc Việt.
Trên đây chỉ là một phần đầu trong hàng trăm sự rối loạn về thông tin đã gây ra tai hoạ cho các toán tập kích Sơn Tây như là một bệnh dịch.
Văn phòng Tổng thống (phòng hình bầu dục)
Vào sáng thứ tư ngày 18-11, Đô đốc Moorer đến Nhà Trắng để thuyết trình cho Tổng thống
Nixon nghe về cuộc tập kích Sơn Tây. Hôm ấy là ngày kỷ niệm thứ 80 lần xuất phát chiếc chiến hạm đầu tiên của Hoa Kỳ mang tên U.S.S. Maine. Đây cũng là ngày quyết định có nên thi hành công tác tập kích hay không, và nếu được chấp thuận thì khi nào sẽ thi hành. Vị đô đốc hy vọng rằng chuyến xuất phát công tác này sẽ thuận buồm xuôi gió hơn là chiến hạm Maine.
Moorer đến thăm phòng Tổng thống vào đúng 11 giờ trưa. Tại đây đã có sự hiện diện của Tổng thống Nixon, Henry Kissinger, Laird, Giám đốc CIA Richard Helms và ngoại trưởng William Rogers. Sau khi chào hỏi theo lệ thường, Moorer bắt đầu đặt lên giá các tấm sơ đồ 20x30 inch mà Mayer đã vội vã tập hợp trong ngày hôm qua. Laird đã trình bày cho Tổng thống rõ về quan điểm công tác này nhưng ông ta muốn để cho Nixon nghe rõ lại toàn bộ sự việc trước khi có quyết định tối hậu. Ông ta cũng biết tài liệu thuyết trình này đã làm cho Kissinger thích thú: đây là một công tác đầy sáng tạo và hấp dẫn.
Theo đúng cách thuyết trình tại văn phòng Tổng thống vào năm 1970 thì Moorer sẽ tự tay lật từng tấm sơ đồ một. Sau này ông ta có nói đùa rằng: “Anh đừng đưa một kẻ giữ ngựa đến Nhà Trắng”. Ông ta đã không có đủ thì giờ để kiểm soát lại tất cả sơ đồ cho nên rất băn khoăn không biết là có được sắp đúng thứ tự hay không. Khi Tổng thống ra hiệu bắt đầu thuyết trình, Moorer cẩn thận mở tập tài liệu và bắt đầu: “Thưa Tổng thống, mật danh của công tác này là Kingpin”.
Trong số các vị có mặt tại văn phòng Tổng thống sáng hôm đó chỉ có ngoại trưởng Rogers là người duy nhất chưa được biết cuộc tập kích này. Tuy nhiên khi Moorer bắt đầu đọc lướt qua tập tài liệu và dùng cây gậy bằng kim khí để dẫn thêm trên các sơ đồ, thỉnh thoảng lại phát biểu một cách nhỏ nhẹ các ý kiến riêng của mình thì toàn thể cử toạ đều tỏ vẻ say mê thích thú. Sau khi cuộc thuyết trình vào đề được vài phút thì Kissinger điện gọi viên phụ tá của ông là trung tướng Alexander Haig đến. Một lúc sau tướng Haig đến văn phòng Tổng thống và cũng chăm chú lắng nghe.
Moorer thưa: “Thưa Tổng thống, đấy là nội dung đại cương của công tác”. Xong, ông ta trình bày tiếp các đoạn đường bay của toán xung kích của Simons từ Thái Lan đến Sơn Tây: đường bay chính xác để tránh ra đa của kẻ địch phát hiện và bắn rơi trên đoạn đường đến mục tiêu. Moorer mô tả các chuyến bay đánh lạc hướng của hải quân sẽ được thực hiện trên vùng trời cảng Hải Phòng 20 phút trước khi đổ bộ tại Sơn Tây làm cho Bắc Việt Nam phải tập trung mật độ phòng không để chống đối lại và không còn chú ý đến việc đổ bộ của toán tập kích nữa. Tổng thống dường như bị thu hút vào trong khung cảnh mô tả của buổi dạ vũ trên không sẽ được thực hiện trong một vùng rộng 300.000 dặm vuông tại Đông Nam Á.
Moorer vừa nói tiếp vừa mở rộng một tấm sơ đồ lớn về toàn bộ trại tù Sơn Tây: “Thưa Tổng thống, sau đây là cách thức đổ bộ và giải thoát tù binh”. Ông ta giải thích tiếp là sự thành công của cuộc tập kích này được dựa trên các yếu tố then chốt như: bất ngờ, nhanh chóng, và đơn giản. Ông ta cũng trình bày rõ một cách hoàn hảo sau nhiều ngày huấn luyện tại căn cứ không quân Eglin. Moorer còn mô tả thêm một vài hình ảnh để làm sáng tỏ việc chuẩn bị công phu và chu đáo công tác tập kích này. “Thưa Tổng thống, vị chỉ huy toán xung kích quả quyết rằng công tác này sẽ thành công. Ông ta đã đích thân tuyển chọn từng người một cho cuộc tập kích. Tất cả mọi binh sĩ đều là người tình nguyện, có quyết tâm và không để mắc một khuyết điểm nào. Việc thực tập được thông suốt toàn diện và hăng say. Phi hành đoàn là những người thiện nghệ. Các phi công cũng đã được tuyển chọn từng người một và tất cả các sĩ quan chỉ huy phi hành cũng
đều là người tình nguyện”.
Đến đây thì Kissinger lần đầu tiên cắt ngang: “Thưa Tổng thống, trước đây hơn một tháng tôi có dịp nói chuyện với hai người chỉ huy cuộc tập kích là đại tá Simons và thiếu tướng Manor. Thật là hào hứng nhất. Simons thề ông ta sẽ đổ bộ vào cái trại ấy và thoát ra một cách an toàn với với tất cả lính của ông ta. Ông ta nói phần thuận lợi có thể đạt tới 97%. Tôi có nghe nói là đến hơn cả trăm lần rồi”. Bộ trưởng Laird tiếp thêm là việc thiết lập kế hoạch cho công tác này đã được chuẩn bị từ tháng năm.
Moorer tiếp tục trình bày, mô tả cặn kẽ về mọi vấn đề an ninh chặt chẽ đã được thực hiện trong thời gian chuẩn bị kế hoạch và giai đoạn thực tập. Trong thời gian cuộc tập kích được thực hiện sẽ có nhiều biện pháp đặc biệt về an ninh khác nữa được thi hành. Ông ta bảo đảm với Tổng thống rằng: “Nếu có trường hợp nào đó xảy ra cho ta biết được là kẻ địch đã phát hiện mục tiêu công tác thì cuộc tập kích sẽ được bãi bỏ tức khắc”.
Tổng thống nhấn mạnh là ông ta không muốn để việc đó xảy ra.
Lật sang một tấm sơ đồ khác, Moorer trình bày những đe dọa nghiêm trọng có thể xảy ra cho toán tập kích cả từ trên không lẫn dưới đất. Với những chi tiết rõ ràng mà ông ta trình bày về sự bố phòng của Bắc Việt Nam thì khả năng hỗ trợ của tình báo Mỹ cho cuộc tập kích phải có trình độ cao. Ví dụ như bốn trong sáu phi công giỏi của loại MIG 21 tại Phúc Yên, một sân bay gần Sơn Tây nhất, đã được thuyên chuyển đến phục vụ tại phi trường Vinh, vào xa phía Nam. Hơn nữa ông ta còn chỉ rõ là tại Phúc Yên không có hệ thống báo động về ban đêm cho nên các máy bay còn lại sẽ phản ứng chậm. Moorer cũng cho biết thêm có bốn phi công MIG-17 tại phi trường Hải Phòng nhưng ở đây cũng không có hệ thống báo động về ban đêm. Ông ta nói nếu các loại máy bay này cho dù có ở trong tình trạng bị động, cũng không đủ sức chống lại các chuyến bay đánh lạc hướng của hải quân. Sau cùng ông ta chỉ rõ là tất cả các máy bay MIG-17 hiện đang có mặt tại phi trường Kép, và tại đấy không có một phi công nào giỏi để chiến đấu ban đêm.
Cuối cùng Moorer nói về mục tiêu của công tác đấy là các tù binh ở Sơn Tây. “Thưa Tổng thống, đây là doanh trại duy nhất đã được xác nhận có giam tù binh, ở ngoại biên Hà Nội. Trong trại Sơn Tây có 70 tù binh Mỹ. Trong số này có 61 người đã được xác nhận tên họ và binh chủng: 43 không quân, 14 hải quân, 4 thủy quân lục chiến”. Trung tá hải quân C.D.Clower đã được thăng cấp đại tá kể từ khi bị bắt, hiện nay là sĩ quan trưởng nhóm của số tù binh này. Vào tháng giêng và tháng năm vừa qua chính quyền Bắc Việt Nam đã cho di chuyển hai sĩ quan trưởng nhóm đi nơi khác. Một lần nữa Tổng thống tỏ ra xúc động về các chi tiết chính xác mà Lầu Năm Góc đã thu lượm được đối với mục tiêu.
Sau khi đã cẩn thận trình bày rằng, thời tiết sẽ là một yếu tố quyết định trong công tác này, Moorer kết luận: “Nếu Tổng thống chấp thuận công tác này, tôi dự định giao cho thiếu tướng Manor thi hành cuộc tập kích vào thời điểm thuận tiện nhất về thời tiết. Thưa Tổng thống, tôi chỉ có bấy nhiêu lời. Tôi xin sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc của Tổng thống nếu có”.
Còn tiếp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét