Thực hiện: Viên Đăng Huy | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương
Chiến tranh Nga – Ukraine:
Medvedev nói rằng việc cung cấp vũ khí cho Kiev đe dọa thảm họa hạt nhân toàn cầu
Cựu tổng thống Nga Dmitry Medvedev cho biết hôm thứ Hai rằng việc tiếp tục cung cấp vũ khí cho Kiev có nguy cơ gây ra thảm họa hạt nhân toàn cầu, đồng thời nhắc lại mối đe dọa chiến tranh hạt nhân đối với Ukraine. Những lời hùng biện về ngày tận thế của Dmitry Medvedev được coi là một nỗ lực nhằm ngăn chặn liên minh quân sự NATO do Mỹ lãnh đạo và các đồng minh phương Tây của Kyiv tham gia nhiều hơn vào cuộc chiến kéo dài một năm qua vốn gây ra những thất bại cho Moscow trên chiến trường. Những bình luận mới nhất của Medvedev được đưa ra sau cảnh báo hạt nhân của Putin vào tuần trước và những phát biểu vào Chủ nhật của ông coi cuộc đối đầu của Moscow với phương Tây là một trận chiến vì sự sống còn của nước Nga và người dân Nga.
Xem thêm tại: Reuters, Russia’s Medvedev says arms supplies to Kyiv threaten global nuclear catastrophe. Truy cập ngày 28/2/2023
Wagner, Ukraine đưa ra các tuyên bố khác nhau về giao tranh gần Bakhmut
Thủ lĩnh lính đánh thuê Nga Yevgeny Prigozhin cho biết các lực lượng thuộc nhóm Wagner của ông đã chiếm được làng Yahidne, ngay phía bắc Bakhmut ở miền đông Ukraine hôm thứ Bảy. Nhưng các báo cáo của quân đội Ukraine đưa ra một ngày sau lễ kỷ niệm một năm ngày Nga xâm lược Ukraine, cho thấy các ngôi làng gần thị trấn trọng điểm vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Kiev. Một ngày trước đó, Prigozhin cho biết Wagner đã nắm quyền kiểm soát Berkhivka, một ngôi làng liền kề ở ngoại ô Bakhmut. Các đơn vị của Wagner đã bị tổn thất nặng nề, khiến Prigozhin phàn nàn gay gắt rằng bộ quốc phòng Nga đã không ghi nhận đúng mức đóng góp của họ. Tuần này, Prigozhin thậm chí còn cáo buộc cấp trên của quân đội phản bội vì đã không cung cấp đủ đạn dược cho lính của mình, mặc dù sau đó ông nói rằng tình hình đã được khắc phục.
Xem thêm tại: Reuters, Russia’s Prigozhin, Ukraine give varying accounts on fighting near Bakhmut. Truy cập ngày 26/2/2023
Tình thế ‘nguy kịch’: Ukraine bám trụ Bakhmut khi Nga tiến công
Các lực lượng Ukraine đã cố thủ tại các vị trí ở thành phố Bakhmut vào đầu ngày thứ Năm dưới sự tấn công liên tục của quân đội Nga trong bối cảnh có dấu hiệu thời gian có thể sắp hết. Nga nói rằng việc chiếm giữ Bakhmut sẽ mở đường cho việc kiểm soát hoàn toàn phần còn lại của khu vực công nghiệp chiến lược Donbas giáp Nga, một trong những mục tiêu chính của cuộc xâm lược. Ukraine nói rằng Bakhmut có giá trị chiến lược hạn chế nhưng vẫn chống trả quyết liệt. Tuy nhiên, không phải ai ở Ukraine cũng tin rằng việc bảo vệ Bakhmut có thể tiếp tục vô thời hạn. Một tuyên bố vào tối thứ Tư của Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Ukraine cho biết người Nga đang cố gắng tiến vào Bakhmut “không ngừng” và Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết lực lượng của ông “đang kiểm soát từng khu vực của mặt trận.”
Xem thêm tại: Reuters, Ukraine clings to Bakhmut but time may be running out as Russians advance. Truy cập ngày 2/3/2023
Chỉ huy lực lượng mặt đất của Ukraine đến thăm Bakhmut bị bao vây để thảo luận về chiến lược, nâng cao sĩ khí
Chỉ huy lực lượng mặt đất Ukraine, Đại tướng Oleksandr Syrskyi đã đến thăm Bakhmut đang bị bao vây để nâng cao sĩ khí và thảo luận chiến lược với các đơn vị bảo vệ thị trấn và làng mạc xung quanh ở miền đông Ukraine. Các nhà phân tích quân sự kỳ vọng rằng các lực lượng của Ukraine sẽ nỗ lực tối đa trong những ngày tới để bảo vệ Bakhmut, nơi mà trong những tháng gần đây đã chứng kiến một số trận giao tranh tiêu hao đẫm máu nhất trong cuộc xâm lược kéo dài một năm của Nga. Vị chỉ huy 57 tuổi, một trong những người giàu kinh nghiệm nhất của Ukraine, được coi là người khiến cho lực lượng Nga thất bại khi tiến vào Kyiv ngay từ đầu cuộc chiến và ở khu vực Kharkiv vào tháng 9. Tướng Syrskyi hiện được giao nhiệm vụ bảo vệ Bakhmut.
Xem thêm tại: Reuters, Ukraine’s ground forces commander visits besieged Bakhmut to talk strategy, boost morale. Truy cập ngày 28/2/2023
Nga phản ứng với kế hoạch 12 điểm chấm dứt chiến tranh của Trung Quốc
Điện Kremlin hôm thứ Hai đã thừa nhận đề xuất của Trung Quốc về một giải pháp chính trị ở Ukraine nhưng cho biết các điều kiện để giải quyết cuộc xung đột một cách hòa bình không được đưa ra “vào lúc này”. Trung Quốc đã tìm cách thể hiện mình là một bên trung lập trong cuộc xung đột trong khi vẫn duy trì quan hệ chặt chẽ với đồng minh chiến lược Nga. Bộ Ngoại giao Nga hôm thứ Sáu cảm ơn những nỗ lực của Trung Quốc nhưng nói rằng bất kỳ giải pháp nào cho cuộc xung đột cần phải công nhận quyền kiểm soát của Nga đối với bốn khu vực của Ukraine mà Nga tuyên bố đã sáp nhập, gồm vùng Donetsk, Lugansk, Zaporizhzhia và Kherson.
Xem thêm tại: SBS, ‘No conditions for peace’: Russia reacts to China’s 12-point plan to end war. Truy cập ngày 28/2/2023
Ukraine thấy một số giá trị trong kế hoạch hòa bình của Trung Quốc
Tổng thống Volodymyr Zelensky vào thứ Sáu, ngày 24 tháng 2, đã công nhận kế hoạch hòa bình 12 điểm do Trung Quốc đưa ra khi cuộc chiến giữa Nga và đất nước của ông bước sang năm thứ hai, đồng thời nói thêm rằng lợi ích của Bắc Kinh là “không tệ” và có thể hữu ích trong việc cô lập Moscow. Bộ Ngoại giao Nga cũng hoan nghênh kế hoạch hòa bình của Trung Quốc và cho biết kế hoạch này vẫn để ngỏ cho các nỗ lực chính trị và ngoại giao. Kế hoạch do Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra chủ yếu nhắc lại các quan điểm đã có từ lâu. Nó kêu gọi tôn trọng “chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia” nhưng không cho biết điều gì sẽ xảy ra với lãnh thổ mà Nga đã chiếm đóng kể từ cuộc xâm lược. Đồng thời bản kế hoạch cũng kêu gọi chấm dứt các biện pháp trừng phạt “đơn phương” đối với Nga, gián tiếp chỉ trích việc mở rộng liên minh NATO và lên án các mối đe dọa sử dụng vũ lực hạt nhân.
Xem thêm tại: Le Monde, Ukraine sees some value in Chinese peace plan. Truy cập ngày 25/2/2023
Máy bay Nga bị hư hại gần sân bay Minsk
Một máy bay giám sát quân sự A-50 của Nga đã bị hư hại trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái tại một sân bay gần thủ đô Minsk của Belarus, theo các đảng phái Belarus và các thành viên của phe đối lập lưu vong. Vẫn chưa thể xác minh độc lập vụ việc được báo cáo và các nhà chức trách ở Nga và Belarus chưa đưa ra tuyên bố nào về vụ tấn công. Các bộ phận phía trước và trung tâm của máy bay cũng như ăng-ten radar đã bị hư hại do hai vụ nổ. Máy bay Beriev A-50 là loại máy bay cảnh báo sớm trên không của Nga với khả năng theo dõi tới 60 mục tiêu cùng lúc.
Xem thêm tại: Al Jazeera, Russian plane destroyed near Minsk airfield: Belarus opposition. Truy cập ngày 28/2/2023
Một năm sau cuộc xâm lược của Nga, TT Zelenskyy thề sẽ chiến thắng
Tổng thống Zalenskyy đã cam kết thúc đẩy chiến thắng vào năm 2023 khi người Ukraine đánh dấu lễ kỷ niệm u ám cuộc xâm lược của Nga trong khi Moscow nói với thế giới hãy chấp nhận “thực tế” cuộc chiến của họ. Tại một buổi lễ ở Quảng trường Thánh Sophia của Kyiv, Tổng thống Volodymyr Zelenskyy đã trao huy chương cho các binh sĩ và mẹ của một người thiệt mạng. Hàng chục ngàn thường dân Ukraine và binh lính của cả hai bên được cho là đã thiệt mạng kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh xâm lược, nói rằng điều đó là cần thiết để bảo vệ an ninh của Nga. Ukraine coi đó là một nỗ lực để khuất phục một quốc gia độc lập. Các lực lượng đông hơn và có vũ khí vượt trội của Ukraine đã đẩy lùi nỗ lực của Nga nhằm chiếm thủ đô Kyiv ngay từ đầu cuộc chiến và sau đó tái chiếm các dải lãnh thổ bị chiếm đóng. Nhưng Moscow vẫn đang chiếm đóng gần 1/5 lãnh thổ Ukraine.
Xem thêm tại: Al Jazeera, One year into Russian invasion, Ukraine’s Zelenskyy vows victory. Truy cập ngày 25/2/2023
TT Zelensky dự đoán Putin cuối cùng sẽ bị giết bởi thân tín của mình
Tổng thống Volodymyr Zelenskyy dự đoán rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ bị giết bởi chính những người thân cận của ông ta vì cách xử lý cuộc chiến ở Ukraine và việc đó chỉ là vấn đề thời gian. Vào tháng 12, các đồng minh thân cận nhất của Putin thất vọng và suy đoán rằng ông không có kế hoạch thực sự nào cho Ukraine. Các thành viên của giới thượng lưu Nga nói rằng họ không thể dự đoán điều gì sẽ xảy ra trong năm tới và họ nghi ngờ bản thân ông Putin không biết mình sẽ làm gì.
Xem thêm tại: Times of Israel, Zelensky predicts Putin will eventually be killed by his inner circle. Truy cập ngày 28/2/2023
Zelenskiy sa thải một chỉ huy quân sự hàng đầu của Ukraine, không đưa ra lý do
Tổng thống Zelenskyy hôm Chủ nhật đã sa thải một chỉ huy quân sự cấp cao nhưng không đưa ra lý do cho động thái này. Trong một sắc lệnh, TT Zelenskiy tuyên bố cách chức Eduard Moskalyov với tư cách là chỉ huy lực lượng chung của Ukraine, lực lượng đang tham gia vào các trận chiến ở vùng Donbas. TT Zelenskiy đã đề cập đến Moskalyov trong một bài phát biểu hàng ngày vào thứ Sáu khi liệt kê các chỉ huy quân sự mà ông đã nói chuyện. Moskalyov đảm nhiệm chức vụ này từ tháng 3 năm 2022, ngay sau khi Nga xâm lược Ukraine.
Xem thêm tại: Reuters, Zelenskiy fires a top Ukrainian military commander, no reason given. Truy cập ngày 28/2/2023
Mỹ nối gót EU bác đề xuất hòa bình của Bắc Kinh, trừng phạt thêm công ty Trung Quốc
Cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc về cuộc chiến của Nga với Ukraine đã leo thang trên nhiều mặt trận vào thứ Sáu, nhân dịp kỷ niệm một năm ngày bắt đầu cuộc xâm lược, khi Washington và các đồng minh của mình phần lớn bác bỏ kế hoạch hòa bình của Bắc Kinh và Mỹ tuyên bố các biện pháp trừng phạt mới đối với các công ty Trung Quốc. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã bác bỏ đề xuất hòa bình 12 điểm mà Trung Quốc đưa ra trước đó vào thứ Sáu, nói rằng Bắc Kinh lẽ ra nên chấm dứt đề xuất này sau điểm đầu tiên kêu gọi “tôn trọng chủ quyền của tất cả các quốc gia”. Bản kế hoạch kêu gọi ngừng bắn, điều này sẽ đóng băng quân đội Nga tại chỗ trên lãnh thổ Ukraine và chấm dứt ngay lập tức mọi lệnh trừng phạt không được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua. Việc ông Sullivan từ chối bản kế hoạch phù hợp với động thái tương tự của Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen và Thủ tướng Đức Olaf Scholz, người ngụ ý rằng đề xuất của Bắc Kinh không thay đổi quan điểm của Châu Âu rằng Trung Quốc đã đứng về phía Nga.
Xem thêm tại: SCMP, US joins EU in rejecting Beijing’s peace proposal, sanctions more Chinese firms. Truy cập ngày 26/2/2023
Mỹ xem xét tiết lộ thông tin tình báo về khả năng chuyển giao vũ khí của Trung Quốc cho Nga
Chính quyền Biden đang xem xét công bố thông tin tình báo cho thấy Trung Quốc đang cân nhắc xem có nên cung cấp vũ khí cho Nga hay không. Theo các quan chức Mỹ và châu Âu, trong những tuần gần đây, các quốc gia phương Tây đã nắm bắt được thông tin tình báo rằng Bắc Kinh có thể chấm dứt hạn chế tự áp đặt trước đây đối với việc cung cấp vũ khí cho Nga, mặc dù có vẻ như Trung Quốc vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng. Bắc Kinh trước đây đã thận trọng khi chỉ giới hạn hỗ trợ tài chính và mua dầu, nhưng lập trường đó giờ đây dường như đang thay đổi để ủng hộ cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Khả năng đối đầu với Trung Quốc về vấn đề viện trợ sát thương diễn ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Bắc Kinh và Washington về chiến dịch của phương Tây nhằm gây sức ép với Nga Trong năm qua, Trung Quốc đã giúp Moscow bằng cách mua dầu của Nga và bán các mặt hàng thương mại, chẳng hạn như vi mạch và máy bay không người lái, cũng có ứng dụng quân sự. Hoạt động buôn bán vũ khí của Trung Quốc được giữ bí mật và chưa rõ Nga có thể nhận được loại vũ khí nào.
Xem thêm tại: WSJ, U.S. Considers Release of Intelligence on China’s Potential Arms Transfer to Russia. Truy cập ngày 24/2/2023
Lãnh đạo Hungary ủng hộ đề xuất hòa bình của Trung Quốc cho cuộc chiến Ukraine
Thủ tướng Hungary Viktor Orban ủng hộ lập trường của Trung Quốc về hòa bình trong cuộc chiến Ukraine. Orban thường xuyên thể hiện khả năng sẵn sàng phá vỡ đồng thuận của EU về các vấn đề chính sách đối ngoại quan trọng. Ông đã đưa ra các gói trừng phạt và tạm dừng xuất khẩu vũ khí sang Kiev. Ông đã gọi Zelensky là “đối thủ”, khiến nhà lãnh đạo Ukraine lên tiếng chỉ trích. Tuy nhiên, Orban đã ủng hộ các biện pháp trừng phạt của Brussels đối với các quan chức Trung Quốc vì cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương vào năm 2021, ngay cả khi ông đã đưa ra một loạt các biện pháp nhằm đáp trả việc áp đặt Luật an ninh quốc gia của Hồng Kông vài tháng trước đó.
Xem thêm tại: SCMP, Breaking with EU, Hungary’s leader backs China’s peace proposal for Ukraine war. Truy cập ngày 2/3/2023
Liên Hợp Quốc kêu gọi Nga rời Ukraine
Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm thứ Năm đã thông qua một nghị quyết kêu gọi Nga rút quân khỏi Ukraine, gần đúng một năm sau khi nước này xâm lược nước láng giềng. Trong cơ quan gồm 193 thành viên, 141 thành viên đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết, vượt quá ngưỡng 2/3 cần thiết để thông qua. Bảy thành viên — Belarus, Bắc Triều Tiên, Eritrea, Mali, Nicaragua, Nga và Syria — đã bỏ phiếu chống nghị quyết. Ba mươi hai thành viên bỏ phiếu trắng, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Iran và Nam Phi. Nghị quyết không ràng buộc, chủ yếu mang tính biểu tượng, kêu gọi Nga ngừng tấn công Ukraine và rút quân khỏi khu vực, cũng như vì một nền hòa bình lâu dài.
Xem thêm tại: Politico, U.N. calls for Russia to leave Ukraine. Truy cập ngày 24/2/2023
EU thông qua gói trừng phạt thứ 10 đối với Nga trong cuộc chiến Ukraine
Chủ tịch Hội đồng EU của Thụy Điển đã công bố tại Brussels vào tối thứ Sáu lệnh trừng phạt mới nhất quy định các hạn chế thương mại bổ sung đối với Nga và được thiết kế để gây khó khăn hơn cho việc tài trợ cho cuộc chiến cũng như khiến Nga không thể tiếp cận thiết bị công nghệ và phụ tùng cho vũ khí được sử dụng để chống lại Nga. Gói trừng phạt này bao gồm các hạn chế xuất khẩu chặt chẽ hơn đối với hàng hóa lưỡng dụng cũng như các biện pháp chống lại các thực thể ủng hộ cuộc chiến của Nga, bao gồm tuyên truyền ủng hộ cuộc xâm lược và cung cấp máy bay không người lái được Nga sử dụng để tấn công Ukraine. Các biện pháp này cũng nhằm đưa thêm nhiều cá nhân vào danh sách đen, bao gồm cả những người mà phương Tây cho là tuyên truyền viên của Nga, những người mà Kyiv chịu trách nhiệm trục xuất trẻ em Ukraine sang Nga và những người tham gia sản xuất máy bay không người lái của Iran được triển khai trên tuyến đầu của cuộc chiến. Gói này cũng được thiết kế để cô lập thêm nhiều ngân hàng Nga, bao gồm ngân hàng tư nhân Alfa và ngân hàng trực tuyến Tinkoff, khỏi hệ thống SWIFT và cắt giảm hơn 10 tỷ euro (10,5 tỷ USD) thương mại giữa EU và Nga.
Xem thêm tại: Al Jazeera, EU approves 10th package of sanctions on Russia over Ukraine war. Truy cập ngày 26/2/2023
Mỹ công bố viện trợ mới cho Ukraine, trừng phạt Nga nhân kỷ niệm chiến tranh
Mỹ đã công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 2 tỷ USD cho Ukraine và ban hành một lệnh trừng phạt mới nhắm vào lĩnh vực khai thác mỏ và kim loại của Nga và các tổ chức tài chính, cũng như các công ty quốc tế bị cáo buộc liên quan tới việc Moscow cố gắng trốn tránh các lệnh trừng phạt trước đó. Gói viện trợ mới bao gồm đạn dược cho Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS), đạn pháo, máy bay không người lái, thiết bị liên lạc an toàn và gói “huấn luyện, bảo trì và duy trì”. Trong khi đó, vào thứ Sáu, Bộ Tài chính Mỹ đã trừng phạt hàng chục thực thể của Nga và nhắm mục tiêu hơn 30 công ty và cá nhân trên khắp thế giới mà họ cáo buộc có liên kết “với các nỗ lực trốn tránh lệnh trừng phạt của Nga, bao gồm cả những nỗ lực liên quan đến buôn bán vũ khí và tài chính bất hợp pháp”. Các biện pháp này giúp phong tỏa tài sản của các công ty ở Mỹ và cấm người Mỹ kinh doanh với họ.
Xem thêm tại: Al Jazeera, US announces new Ukraine aid, Russia sanctions on war anniversary. Truy cập ngày 25/2/2023
Công ty Trung Quốc thảo luận bán máy bay không người lái cho Nga
Nga đang đàm phán với một nhà sản xuất Trung Quốc về việc mua 100 máy bay không người lái, với ngày giao hàng là tháng 4. Tạp chí Der Spiegel cho biết nhà sản xuất máy bay không người lái Trung Quốc Xian Bingo Intelligent Aviation Technology nói rằng họ đã chuẩn bị chế tạo 100 nguyên mẫu máy bay không người lái ZT-180, có thể mang đầu đạn 35-50kg. Chiếc máy bay không người lái này tương tự như chiếc Shaheed-136 của Iran, loại máy bay mà Nga đã sử dụng để thực hiện vô số cuộc tấn công vào Ukraine, cướp đi sinh mạng của hàng trăm người và gây thiệt hại cho cơ sở hạ tầng dân sự. Der Spiegel cũng cho biết Bingo có kế hoạch giúp thiết lập một địa điểm sản xuất máy bay không người lái ở Nga, nơi có thể sản xuất tới 100 máy bay mỗi tháng. Tờ báo nói thêm rằng trước đó đã có kế hoạch cho một công ty do quân đội Trung Quốc kiểm soát gửi cho Nga các phụ tùng thay thế cho máy bay chiến đấu Su-27 của nước này.
Xem thêm tại: Reuters, Chinese company discusses selling drones to Russia, Der Spiegel reports. Truy cập ngày 26/2/2023
Trung Quốc từ chối lên án cuộc xâm lược Ukraine của Nga trong thế bế tắc của G20
Sau cuộc họp G20, Ajay Seth, một quan chức cấp cao của Ấn Độ, cho biết trong một cuộc họp báo rằng đại diện của Nga và Trung Quốc không đồng ý với cách diễn đạt về Ukraine vì “nhiệm vụ của họ là giải quyết các vấn đề kinh tế và tài chính”. Trung Quốc cũng trong tuần này công bố kế hoạch 12 điểm nhằm chấm dứt chiến tranh ở Ukraine, trong đó kêu gọi đàm phán hòa bình và tôn trọng chủ quyền quốc gia. Tuy nhiên, văn kiện 12 điểm không nói cụ thể Nga phải rút quân khỏi Ukraine, cũng không lên án hành động xâm lược của Nga. Bộ Ngoại giao Nga cho biết họ lấy làm tiếc về việc các hoạt động của G20 tiếp tục bị phương Tây gây bất ổn và sử dụng theo cách chống lại Nga. Các cuộc họp trước đây của các thành viên G20 cũng không đưa ra được tuyên bố chung kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm ngoái.
Xem thêm tại: BBC, China refuses to condemn Russia’s Ukraine invasion during G20 deadlock. Truy cập ngày 27/2/2023
Macron thăm Trung Quốc, nhờ Tập giúp chấm dứt chiến tranh Nga-Ukraine
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết ông sẽ thăm Trung Quốc vào tháng 4 để tìm kiếm sự giúp đỡ của chính phủ Trung Quốc trong việc chấm dứt cuộc xâm lược Ukraine của Nga. Thông báo hôm thứ Bảy được đưa ra sau khi Trung Quốc công bố 12 điểm kêu gọi ngừng bắn và một “giải pháp chính trị” để chấm dứt cuộc xung đột kéo dài một năm. Bắc Kinh đã tìm cách thể hiện mình là một bên trung lập trong cuộc xung đột, ngay cả khi họ vẫn duy trì quan hệ chặt chẽ với Nga và phá vỡ một tuyên bố chung lên án chiến tranh tại cuộc họp G20 ở Ấn Độ.
Xem thêm tại: Al Jazeera, Macron to visit China, seek Xi’s help to end Russia-Ukraine war. Truy cập ngày 27/2/2023
Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương:
Mỹ mở rộng sự hiện diện quân đội tại Đài Loan
Mỹ có kế hoạch triển khai từ 100 đến 200 binh sĩ đến Đài Loan trong những tháng tới, tăng khoảng 30 binh sĩ so với một năm trước. Lực lượng lớn hơn sẽ mở rộng một chương trình huấn luyện mà Lầu Năm Góc đã cố gắng không công khai khi Mỹ nỗ lực cung cấp cho Đài Bắc những khả năng cần thiết để tự vệ mà không khiêu khích Bắc Kinh. Sự gia tăng theo kế hoạch sẽ là đợt triển khai lực lượng lớn nhất trong nhiều thập kỷ của Mỹ tại Đài Loan, khi cả hai tiến gần hơn để chống lại sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc. Ngoài huấn luyện ở Đài Loan, Lực lượng Vệ binh Quốc gia Michigan cũng đang huấn luyện một đơn vị của quân đội Đài Loan, bao gồm cả trong các cuộc tập trận hàng năm với nhiều quốc gia tại Trại Grayling ở phía bắc Michigan. Cuộc huấn luyện mở rộng, cả ở Mỹ và Đài Loan, là một phần trong nỗ lực tổng hợp của Mỹ nhằm giúp đối tác thân thiết chuẩn bị để ngăn chặn một cuộc xâm lược có thể xảy ra của Trung Quốc. Các binh sĩ bổ sung sẽ được giao nhiệm vụ huấn luyện lực lượng Đài Loan không chỉ về các hệ thống vũ khí của Mỹ mà còn để bảo vệ chống lại một cuộc tấn công tiềm tàng của Trung Quốc.
Xem thêm tại: WSJ, U.S. to Expand Troop Presence in Taiwan for Training Against China Threat. Truy cập ngày 24/2/2023
Giám đốc CIA nói Trung Quốc nghi ngờ về khả năng xâm lược Đài Loan
Giám đốc CIA William Burns cho biết, cuộc chiến của Nga ở Ukraine trong năm qua có thể khiến nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình nghi ngờ rằng quân đội Trung Quốc có thể xâm chiếm thành công Đài Loan vào cuối thập kỷ này. Ông Burns nói rằng Mỹ tiếp tục coi trọng mối đe dọa Trung Quốc xâm lược Đài Loan, đồng thời nói thêm rằng nguy cơ xung đột có thể sẽ gia tăng trong thập kỷ này và hơn thế nữa. Các quan chức tình báo và quốc phòng Mỹ tin rằng ông Tập muốn sẵn sàng thực hiện điều đó vào năm 2027, nếu không muốn nói là sớm hơn, nhưng ông Burns nói rằng mục tiêu đó là không cố định. Giám đốc Burns nói rằng sự hỗ trợ của Mỹ và châu Âu dành cho Ukraine kể từ cuộc xâm lược của Nga cũng có thể ảnh hưởng đến tính toán của Trung Quốc về một cuộc xâm lược Đài Loan bằng cách thể hiện quyết tâm chung của phương Tây. Đài Loan chỉ là một điểm nóng trong quan hệ Mỹ-Trung Quốc, vốn đã tăng mạnh trong tháng này sau khi một khinh khí cầu do thám của Trung Quốc bay ngang qua Bắc Mỹ trong hơn một tuần trước khi bị Không quân Mỹ bắn hạ. Mỹ cũng cáo buộc Trung Quốc cân nhắc cung cấp vũ khí sát thương cho Nga.
Xem thêm tại: WSJ, CIA Chief Says China Has Doubts About Its Ability to Invade Taiwan. Truy cập ngày 27/2/2023
Mỹ cảnh báo về các cuộc tấn công mạng quy mô lớn của Trung Quốc trong kịch bản Đài Loan
Giám đốc Cơ quan an ninh cơ sở hạ tầng và an ninh mạng Jen Easterly cho biết hôm thứ Hai rằng Washington và các đồng minh phải chuẩn bị cho việc Trung Quốc tạo ra “sự hoảng loạn và hỗn loạn” trên không gian mạng. Bà Easterly nói thêm rằng tất cả được thiết kế để kích động sự hỗn loạn và hoảng loạn trên khắp đất nước và ngăn cản khả năng của Mỹ trong việc thống nhất sức mạnh quân sự và ý chí của người dân. Các cơ quan tình báo và quan chức quân sự Mỹ cảnh báo Trung Quốc đang tích cực chuẩn bị kế hoạch để có thể chiếm Đài Loan bằng vũ lực vào năm 2027. Tuy nhiên, quan chức tình báo hàng đầu của Washington hồi đầu tháng này cho biết không có dấu hiệu nào cho thấy Bắc Kinh muốn thực hiện các kế hoạch đó. Easterly cảnh báo hôm thứ Hai rằng khả năng xâm lược tiềm tàng của Bắc Kinh và khả năng sẵn sàng tấn công không gian mạng của họ xuất hiện khi giới lãnh đạo Trung Quốc ngày càng cảm nhận rõ hơn về “những sai lầm vô tận” của Nga ở Ukraine
Xem thêm tại: VOA, US Warns of Massive Chinese Cyberattacks in Taiwan Scenario. Truy câp ngày 28/2/2023
Bộ Ngoại giao Mỹ chấp thuận khả năng bán F-16 cho Đài Loan
Lầu Năm Góc cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê duyệt khả năng bán máy bay F-16 và các thiết bị liên quan cho Đài Loan trong một thỏa thuận trị giá 619 triệu USD. Lầu Năm Góc cho biết Raytheon Technologies và Lockheed Martin là những nhà thầu chính. F-16 có kíp lái 1 người, dài 14,8m, cao 4,8m, sải cánh 9,8m, trọng lượng cất cánh 16,875 tấn, tốc độ 2.100km/h, tầm bay trên 3.200km, trần bay 15.240m. Chiến đấu cơ hạng nhẹ này được trang bị một khẩu pháo M61 Vulcan và có thể được trang bị tên lửa không đối không và nhiều loại tên lửa hoặc bom.
Đáp trả việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, Trung Quốc đã điều máy bay chiến đấu đến vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan. Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết tổng cộng 21 máy bay chiến đấu của Trung Quốc – 17 máy bay chiến đấu đa năng Chengdu J-10 và 4 máy bay chiến đấu Shenyang J-16 – đã bay vào góc tây nam của ADIZ của hòn đảo hôm thứ Năm. Những chiếc J-10, một mẫu máy bay chiến đấu cũ hơn được đưa vào sử dụng lần đầu tiên cách đây 20 năm, đã bay gần bờ biển Trung Quốc hơn Đài Loan, trong khi những chiếc J-16, một chiếc máy bay chiến đấu mới hơn và tiên tiến hơn, đã bay ở một khu vực phía đông bắc của Đài Loan. Ngoài ra, 8 máy bay Trung Quốc và 4 tàu hải quân Trung Quốc cũng bị phát hiện hoạt động ngoài khơi Đài Loan nhưng không đi vào ADIZ. Hôm thứ Tư, Đài Loan báo cáo rằng 19 máy bay chiến đấu của lực lượng không quân Trung Quốc đã đi vào vùng nhận dạng phòng không trong 24 giờ trước đó. Trung Quốc đã không bình luận về các hoạt động quân sự gần đây của họ gần Đài Loan.
Xem thêm tại: Reuters, US State Department approves potential sale of F-16 munitions to Taiwan. Truy cập ngày 2/3/2023; Al Jazeera, Taiwan sees second Chinese air incursion as US agrees arms sale. Truy cập ngày 2/3/2023
Chuyến bay do thám của Hải quân Mỹ qua eo biển Đài Loan vấp phải phản ứng giận dữ từ Trung Quốc
Một máy bay trinh sát của Hải quân Mỹ đã bay qua eo biển Đài Loan hôm thứ Hai, trong một cuộc diễn tập nhằm khẳng định quyền hoạt động trong không phận quốc tế bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của quân đội Trung Quốc. Hạm đội 7 của Mỹ cho biết chuyến bay của P-8A Poseidon trên tuyến đường thủy ngăn cách Trung Quốc và đảo Đài Loan được tiến hành phù hợp với luật pháp quốc tế, thể hiện “cam kết của Mỹ đối với một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Nhưng một phát ngôn viên của Bộ Tư lệnh Chiến khu phía Đông của PLA, Thượng tá Thạch Dịch (Shi Yi), đã cáo buộc Washington thổi phồng vụ việc và gây căng thẳng. Hạm đội 7 Mỹ cho biết Mỹ sẽ tiếp tục “bay, ra khơi, và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép, bao gồm cả trong eo biển Đài Loan.”
Xem thêm tại: CNN, US Navy reconnaissance flight over Taiwan Strait draws angry response from China. Truy cập ngày 1/3/2023
Tổng thống Belarus Lukashenko thăm Trung Quốc
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko có chuyến thăm Trung Quốc vào ngày 28 tháng 2, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết. Tổng thống Lukashenko là đồng minh thân cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin và đã ủng hộ cuộc xâm lược Ukraine của Moscow, trong khi Belarus phụ thuộc vào nước láng giềng cả về tài chính và chính trị. Tháng 9 năm ngoái, Tập và Lukashenko đã công bố quan hệ đối tác chiến lược bền vững, khi gặp nhau tại thành phố Samarkand của Uzbekistan. Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương (Qin Gang) nói với người đồng cấp Belarus Sergei Aleinik rằng Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với Minsk để tăng cường lòng tin chính trị lẫn nhau. Trung Quốc cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ Belarus trong việc duy trì ổn định quốc gia và sẽ phản đối nỗ lực can thiệp của “các thế lực bên ngoài” vào công việc nội bộ hoặc áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương “bất hợp pháp” đối với Minsk.
Xem thêm tại: Al Jazeera, Belarus President Lukashenko to visit China next week. Truy cập ngày 26/2/2023
Chiến đấu cơ Trung Quốc theo sát máy bay Mỹ trên Biển Đông
Một máy bay chiến đấu phản lực J-11 của Trung Quốc, được trang bị 4 tên lửa không đối không, xuất hiện ở phía sau một máy bay tuần tra P-8 của Mỹ, vượt lên trên và neo cách cánh máy bay Hải quân Mỹ vài trăm mét. Các cuộc chạm trán như cuộc đụng độ hôm thứ Sáu trên Biển Đông xảy ra hàng ngày và chúng đang trở nên nguy hiểm hơn. Vào tháng 12, Mỹ đã cáo buộc một máy bay chiến đấu phản lực của Trung Quốc bay trong phạm vi 20 mét của một máy bay do thám của Mỹ trên Biển Đông. Bắc Kinh cho biết máy bay Mỹ đột ngột chuyển hướng về phía máy bay phản lực. Trung Quốc đã không đáp lại lời kêu gọi đàm phán của Mỹ về các cuộc chạm trán quân sự không an toàn.
Xem thêm tại: WSJ, Chinese Jet Fighter Shadows U.S. Aircraft Over South China Sea. Truy cập ngày 25/2/2023
Trung Quốc tuyển phụ nữ lái máy bay chiến đấu trên tàu sân bay khi hải quân đối mặt với tình trạng thiếu phi công
Hải quân Trung Quốc có kế hoạch tuyển dụng phụ nữ và sinh viên mới tốt nghiệp đại học để trở thành phi công trên tàu sân bay khi nước này đối mặt với tình trạng thiếu phi công đủ tiêu chuẩn để vận hành máy bay trên tàu sân bay. Ứng viên phải là sinh viên mới tốt nghiệp có bằng cử nhân khoa học, công nghệ hoặc kỹ thuật, không được quá 24 tuổi và phải có lý lịch chính trị và tiền án trong sạch. Mặc dù quân đội Trung Quốc đã huấn luyện phụ nữ lái máy bay chiến đấu như J-10, nhưng trước đây họ không tuyển dụng nữ giới để lái tàu sân bay. Ni Lexiong, giáo sư tại Đại học Khoa học Chính trị và Luật Thượng Hải, cho biết việc nới lỏng các yêu cầu là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc muốn đào tạo thêm nhân tài cho lực lượng hải quân đang nhanh chóng hiện đại hóa của mình.
Xem thêm tại: SCMP, China recruits women to fly carrier-based warplanes as navy faces pilot shortage. Truy cập ngày 27/2/2023
Trung Quốc đào tạo 5.000 nhân viên an ninh từ các nước đang phát triển trong 5 năm tới
Trung Quốc có kế hoạch đào tạo 5.000 nhân viên an ninh từ các nước đang phát triển trong 5 năm tới trong một động thái được cho là sẽ tăng cường ảnh hưởng an ninh toàn cầu của Bắc Kinh. Thông báo này, xuất hiện trong một bài báo về Sáng kiến An ninh Toàn cầu (GSI) của Bắc Kinh được xuất bản hôm thứ Ba, được đưa ra khi dấu ấn an ninh ở nước ngoài của Trung Quốc khiến các đối thủ lo lắng. Bắc Kinh có kế hoạch tạo ra nhiều nền tảng quốc tế hơn để trao đổi và hợp tác nhằm giải quyết các thách thức an ninh trong các lĩnh vực như chống khủng bố, an ninh mạng, an toàn sinh học và các công nghệ mới nổi, nhằm cải thiện năng lực quản trị trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống. Lý Ngụy (Li Wei), chuyên gia chống khủng bố tại Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc (CICIR), cho biết kế hoạch đào tạo và trao đổi trong các lĩnh vực an ninh phi truyền thống, đặc biệt là chống khủng bố, cho thấy Bắc Kinh cảm thấy có trách nhiệm giải quyết các thách thức an ninh toàn cầu. Những nỗ lực của Trung Quốc nhằm thúc đẩy các chương trình đào tạo an ninh đa phương và song phương đã được mở rộng trong những năm gần đây, lan sang các quốc gia ở Trung Đông, Quần đảo Thái Bình Dương và Trung Á.
Xem thêm tại: SCMP, China to train 5,000 security personnel from developing countries over next 5 years. Truy cập ngày 26/2/2023
Ảnh vệ tinh cho thấy việc mở rộng căn cứ hải quân do Trung Quốc tài trợ ở Campuchia
Những hình ảnh vệ tinh gần đây chụp khu vực ven biển xung quanh Sihanoukville, Campuchia, cho thấy sự phát triển đáng kể của một căn cứ hải quân do Trung Quốc tài trợ sẽ giúp Bắc Kinh tăng cường triển khai sức mạnh không chỉ ở Đông Nam Á mà cả eo biển Đài Loan. Wall Street Journal đưa tin vào năm 2019 rằng Phnom Penh và Bắc Kinh đã ký một thỏa thuận bí mật cho phép quân đội Trung Quốc sử dụng một phần căn cứ. Tuy nhiên, vào tháng 6 năm ngoái, Trung Quốc và Campuchia đã bắt đầu dự án phát triển Căn cứ Hải quân Ream, ở tỉnh Sihanoukville trên Vịnh Thái Lan, với sự tài trợ của Trung Quốc. Những hình ảnh vệ tinh mới nhất do Đài Á châu Tự do thu được từ công ty hình ảnh Trái đất Planet Labs cho thấy những thay đổi lớn về cảnh quan, cũng như các công trình xây dựng mới và giải phóng mặt bằng quy mô lớn. Theo dự án phát triển hiện tại, bên cạnh hai cầu tàu mới, Trung Quốc cũng sẽ giúp Campuchia xây dựng một bến tàu, đường trượt, bệnh viện và một số tòa nhà khác cũng như đường sá. Bắc Kinh cũng sẽ hỗ trợ Hải quân Hoàng gia Campuchia sửa chữa một số tàu cũ và nạo vét các tuyến đường hàng hải để cho phép các tàu cỡ trung bình tiếp cận căn cứ.
Xem thêm tại: RFA, Satellite photos show expansion of Chinese-funded naval base in Cambodia. Truy cập ngày 24/2/2023
Đài Loan nói Trung Quốc học bài học từ Nga
Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan Khưu Quốc Chính (Chiu Kuo-cheng) cho biết quân đội Trung Quốc đã học hỏi từ cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, bắt đầu từ một năm trước với việc Nga thất bại trong việc chiếm Kiev trong những ngày đầu của cuộc chiến. Ông Chính cho biết ngay cả khi các lực lượng Trung Quốc đang lên kế hoạch tấn công thần tốc, họ sẽ gặp khó khăn khi cố gắng chiếm hòn đảo trong một động thái bất ngờ vì họ sẽ phải băng qua eo biển Đài Loan ngăn cách hai bên. Trong khi Ukraine đã giành được sự ủng hộ rộng rãi của công chúng ở Đài Loan và chính phủ Đài Loan đã gửi viện trợ nhân đạo, Trung Quốc đã từ chối lên án Nga. Trung Quốc đã nói rằng đó là một “tiêu chuẩn kép trần trụi” khi tìm cách kết hợp các vấn đề của Đài Loan và Ukraine vì hòn đảo này luôn là một phần của Trung Quốc và hoàn toàn là vấn đề trong nước.
Xem thêm tại: Hindustan Times, Taiwan says China taking lessons from Russia. Truy cập ngày 24/2/2023
Nhật Bản có thể mất 144 máy bay chiến đấu trong khủng hoảng Đài Loan
Một giả lập tác chiến do Tổ chức Hòa bình Sasakawa của Nhật Bản thực hiện cho thấy Nhật Bản sẽ mất tới 144 máy bay chiến đấu, với thương vong của Lực lượng Phòng vệ (SDF) lên tới 2.500 người. Mỹ có thể mất tới 400 máy bay phản lực với hơn 10.000 binh sĩ thiệt mạng hoặc bị thương. Nhưng Trung Quốc sẽ thất bại trong việc giành quyền kiểm soát Đài Loan. Cuộc tập trận mô phỏng được tiến hành trong bốn ngày cho đến ngày 21 tháng 1. Trong cuộc tập trận, Nhật Bản đã chỉ định cuộc xung đột là “mối đe dọa hiện hữu” sau khi biết được rằng Trung Quốc đang lên kế hoạch tấn công các căn cứ của SDF đang được quân đội Mỹ sử dụng. Trung Quốc cuối cùng đã bị áp đảo bởi phản ứng của Mỹ-Nhật Bản, với xung đột chấm dứt sau hơn hai tuần. Nguồn cung cấp quân sự của Trung Quốc bị cắt đứt, và đòn cuối cùng giáng xuống khi liên quân nắm quyền kiểm soát không phận Đài Loan. Theo kịch bản này, Trung Quốc đã mất 156 tàu chiến, trong đó có 2 tàu sân bay, cùng với 168 máy bay chiến đấu và 48 máy bay vận tải quân sự. Hơn 40.000 binh sĩ thiệt mạng hoặc bị thương. Đài Loan chứng kiến 13.000 binh sĩ thiệt mạng và bị thương trong cuộc xung đột, bao gồm cả tù nhân chiến tranh, mất 18 tàu chiến và 200 máy bay chiến đấu. Thương vong của Mỹ lên tới 10.700 người, mất 19 tàu và 400 máy bay chiến đấu. JSDF mất 15 tàu và 144 máy bay chiến đấu, bao gồm cả F-35 và F-2. Các căn cứ của Nhật Bản là mục tiêu của Trung Quốc, khiến 2.500 binh sĩ SDF thương vong. Thương vong dân sự dao động từ vài trăm người đến hơn 1.000 người.
Xem thêm tại: Nikkei Asia, Japan could lose 144 fighter jets in Taiwan crisis: simulation. Truy cập ngày 25/2/2023
Nhật, Úc có thể tiến hành tuần tra Biển Đông cùng Mỹ, Philippines
Philippines đang đàm phán để có thể đưa Úc và Nhật Bản vào kế hoạch tuần tra chung ở Biển Đông với Mỹ, trong bối cảnh lo ngại khác về các hoạt động của Bắc Kinh trong vùng biển chiến lược. Nếu kế hoạch này thành hiện thực, đây sẽ là lần đầu tiên Philippines tham gia các cuộc tuần tra hàng hải đa phương ở Biển Đông, một động thái có thể sẽ khiến Bắc Kinh tức giận, quốc gia tuyên bố chủ quyền phần lớn vùng biển này là lãnh thổ của mình. Úc và Mỹ đã thảo luận riêng rẽ về các cuộc tuần tra chung với Philippines, giữa những lo ngại về sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông, nơi có khoảng 3,4 nghìn tỷ USD thương mại chảy qua mỗi năm. Mỹ, Nhật Bản và Úc đã tiến hành các cuộc tập trận hải quân ba bên, và các cuộc tuần tra chung với các nước này sẽ “tốt cho Philippines và cho toàn bộ khu vực”
Xem thêm tại: GMA, Japan, Australia may conduct South China Sea patrols with US, Philippines. Truy cập ngày 1/3/2023
Lãnh đạo Philippines kêu gọi quân đội tập trung vào Biển Đông
Tổng thống Philippines cho biết sứ mệnh chính của quân đội nước ông đã thay đổi để đảm bảo việc bảo vệ lãnh thổ của mình trong bối cảnh tranh chấp với Trung Quốc và sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng. Philippines đã lên án vụ việc ngày 6/2 trong một trong số hơn 200 phản đối ngoại giao mà nước này đã đệ trình để phản đối các hành động ngày càng hung hăng của Bắc Kinh ở vùng biển tranh chấp kể từ năm ngoái. Sau nhiều thập kỷ chiến đấu với các cuộc nổi dậy của người Hồi giáo và phiến quân cộng sản, quân đội đã bắt đầu tập trung vào việc bảo vệ biên giới trên biển của đất nước. Philippines đã đưa ra những nỗ lực để hiện đại hóa trong một chương trình đã phải đối mặt với sự chậm trễ và hạn chế về tài chính. Nhiều loại vũ khí và thiết bị đã được nhắm tới nhằm cải thiện khả năng tuần tra trên không và trên biển để bảo vệ bờ biển rộng lớn của quần đảo và xây dựng khả năng răn đe tối thiểu.
Xem thêm tại: ABC, Philippine leader urges military to focus on South China Sea. Truy cập ngày 1/3/2023
Tàu ngầm hạt nhân của Mỹ đến Hàn Quốc trong bối cảnh Triều Tiên khiêu khích
Hàn Quốc và Mỹ đã tăng cường các nỗ lực răn đe chống lại các mối đe dọa ngày càng tăng của Triều Tiên, gần đây đã bị kích động bởi vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), với cảnh báo mới nhất vào cuối tuần qua ― sự xuất hiện của tàu ngầm tấn công nhanh lớp Los Angeles USS Springfield ở Busan. Ngoài ra, các đồng minh đã tiến hành một cuộc tập trận mô phỏng về phản ứng với các cuộc tấn công hạt nhân có thể xảy ra của Triều Tiên vào tuần trước. Một tàu sân bay hạt nhân của Mỹ cũng dự kiến sẽ tham gia cuộc tập trận chung vào mùa xuân của các đồng minh, dự kiến bắt đầu vào giữa tháng tới. Tiết lộ hiếm hoi về việc triển khai tàu ngầm tới bán đảo Triều Tiên dường như nhằm gửi lời cảnh báo mạnh mẽ tới Triều Tiên sau các hành động khiêu khích tên lửa lặp đi lặp lại. Chế độ Kim Jong-un đã phóng tên lửa đạn đảo xuyên lục địa Hwasong-15 vào ngày 18 tháng 2, được cho là có khả năng tấn công các mục tiêu ở bất kỳ đâu trên đất liền Mỹ.
Xem thêm tại: SCMP, US nuclear-powered submarine arrives in South Korea amid North provocations. Truy cập ngày 27/2/2023
Triều Tiên bắn thử 4 tên lửa hành trình chiến lược để chứng tỏ khả năng đáp trả hạt nhân
Triều Tiên đã bắn thử 4 tên lửa hành trình chiến lược trong một cuộc tập trận nhằm thể hiện khả năng tiến hành một cuộc phản công hạt nhân chống lại các thế lực thù địch. Cuộc tập trận hôm thứ Năm có sự tham gia của một đơn vị tên lửa hành trình chiến lược dường như đang hoạt động của Quân đội Nhân dân Triều Tiên, đã bắn bốn tên lửa “Hwasal-2” ở khu vực thành phố Kim Chaek, tỉnh Bắc Hamgyong, về phía biển ngoài khơi bờ biển phía đông của Triều Tiên. Cuộc tập trận cho thấy vị thế chiến tranh của lực lượng chiến đấu hạt nhân CHDCND Triều Tiên bằng mọi cách củng cố khả năng phản công hạt nhân chết người của họ chống lại các thế lực thù địch. Lầu Năm Góc cho biết vụ phóng diễn ra khi các quan chức Mỹ và Hàn Quốc tham gia một cuộc tập trận mô phỏng, tập trung vào khả năng Triều Tiên sử dụng vũ khí hạt nhân.
Xem thêm tại: SCMP, North Korea test-fires 4 strategic cruise missiles to show it can launch nuclear counter-attack. Truy cập ngày 25/2/2023
KAI ký thỏa thuận với Malaysia về máy bay FA-50
Korea Aerospace Industries (KAI) đã công bố một thỏa thuận trị giá 920 triệu USD với Bộ Quốc phòng Malaysia (MINDEF) về việc cung cấp 18 máy bay chiến đấu hạng nhẹ FA-50. Máy bay FA-50 Block 20, sẽ có “chức năng tiếp nhiên liệu trên không và mở rộng khả năng mang vác vũ khí, phù hợp với nhu cầu của khách hàng”. Block 20 cũng có thể tích hợp Hộp nhắm mục tiêu tiên tiến Lockheed Martin Sniper (ATP), Bom tấn công trực tiếp chung GBU-38 (JDAM) 500 lb, bom dẫn đường bằng laser GBU-12 Paveway II và tên lửa AGM-65 Maverick. Máy bay cũng có bản nâng cấp Link 16 Block 2. Việc mua FA-50 là dành cho chương trình Máy bay huấn luyện hàng đầu (FLIT) của Malaysia.
Xem thêm tại: Janes, KAI signs a deal with Malaysia for FA-50 aircraft. Truy cập ngày 24/2/2023
Tàu ngầm INS Sindhukesari của Ấn Độ lần đầu cập cảng Indonesia giữa xung đột Biển Đông
Tàu ngầm diesel-điện 3.000 tấn, INS Sindhukesari, đã đến Jakarta sau khi đi qua eo biển Sunda vào thứ Tư. Một quan chức cấp cao cho biết rằng tàu chiến Ấn Độ thường ghé thăm Indonesia và các nước ASEAN khác. Việc triển khai tàu ngầm tầm xa đầu tiên này nhấn mạnh khả năng hoạt động và tầm hoạt động của lực lượng tác chiến dưới nước của đất nước. Việc triển khai tàu ngầm tới Indonesia diễn ra ngay sau khi Ấn Độ tiến hành huấn luyện vận hành tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos cho 21 quân nhân Philippines tại Nagpur hồi đầu tháng này. Ấn Độ sẽ cung cấp ba khẩu đội tên lửa của các hệ thống chống hạm trên bờ BrahMos, một loại vũ khí thông thường (phi hạt nhân) chết người, bay với tốc độ gần gấp ba lần tốc độ âm thanh ở tốc độ Mach 2,8 với tầm tấn công 290 km. Hợp đồng trị giá 375 triệu USD được ký vào tháng 1 năm ngoái. Đơn hàng xuất khẩu BrahMos đầu tiên như vậy tới Philippines được kỳ vọng sẽ mở đường cho các thỏa thuận như vậy với các nước Asean khác như Indonesia và Việt Nam.
Xem thêm tại: Times of India, In a 1st, Indian submarine INS Sindhukesari docks in Indonesia amid South China Sea conflict. Truy cập ngày 25/2/2023
Châu Âu – Trung Đông – Châu Phi – Mỹ-Latinh:
Belarus cho biết họ có 1,5 triệu binh sĩ tiềm năng bên ngoài lực lượng vũ trang
Belarus, một đồng minh nhỏ của Nga có chung biên giới với Ukraine, có tới 1,5 triệu quân nhân tiềm năng bên ngoài lực lượng vũ trang của họ. Tổng thống Alexander Lukashenko đã hỗ trợ người đồng cấp Nga Vladimir Putin trong cuộc chiến kéo dài một năm với Ukraine, bao gồm cả việc cho phép ông này xâm lược lãnh thổ Belarus và cho phép Nga huấn luyện quân đội ở Belarus. Lukashenko trong tháng này đã ra lệnh thành lập một lực lượng bảo vệ lãnh thổ tình nguyện mới với số lượng lên tới 150.000 người. Ông đã nói rằng quân đội của ông sẽ chỉ chiến đấu nếu Belarus bị tấn công. Belarus có dân số khoảng 9,3 triệu người. Quân đội chuyên nghiệp của nước này có khoảng 48.000 lính và khoảng 12.000 lính biên phòng.
Xem thêm tại: Reuters, Belarus says it has 1.5 mln potential soldiers outside armed forces. Truy cập ngày 27/2/2023
Bộ Ngoại giao Mỹ đồng ý bán tên lửa chống tăng Javelin tiềm năng cho Anh
Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê duyệt khả năng bán tên lửa chống tăng Javelin cho Anh với giá ước tính 125 triệu USD. Gói bán tiềm năng được Bộ Ngoại giao ủy quyền sẽ bao gồm hỗ trợ kỹ thuật 600 Javelin và hỗ trợ hậu cần. Nhu cầu của châu Âu đối với vũ khí của Mỹ đang tăng vọt, nhưng thay vì các mặt hàng có giá trị lớn như máy bay phản lực và xe tăng, danh sách mua sắm lại tập trung vào tên lửa vác vai, pháo và máy bay không người lái đã được chứng minh là rất quan trọng đối với các nỗ lực chiến tranh của Ukraine. Thương vụ bán vũ khí này cho đồng minh thân cận của Mỹ có thể là thương vụ đầu tiên cho một trong số nhiều quốc gia châu Âu đang tìm cách bổ sung vũ khí hạng nhẹ đã được gửi đến Ukraine.
Xem thêm tại: Reuters, U.S. State Dept okays potential Javelin anti-tank missile sales to UK. Truy cập ngày 2/3/2023
Hải quân Anh cho biết đã thu giữ vũ khí nhập lậu của Iran ở vùng Vịnh
Hải quân Hoàng gia Anh hôm thứ Năm cho biết đã thu giữ vũ khí của Iran, bao gồm cả tên lửa dẫn đường chống tăng, vào tháng trước từ một tàu buôn lậu ở vùng biển quốc tế ở Vịnh Oman. Anh cho biết con tàu đã được phát hiện đang di chuyển về phía nam từ Iran với tốc độ cao trong nhiều giờ bởi một máy bay do thám và giám sát tình báo không người lái của Mỹ, đồng thời cũng bị một máy bay trực thăng của Anh theo dõi. Kiểm tra ban đầu cho thấy các gói hàng bao gồm tên lửa dẫn đường chống tăng và các thành phần tên lửa đạn đạo tầm trung của Iran.
Xem thêm tại: Reuters, British Navy says it has seized smuggled Iranian weapons in Gulf. Truy cập ngày 2/3/2023
Israel và Palestine đồng ý các bước để kiềm chế bạo lực
Trong một tuyên bố chung vào cuối cuộc họp tại khu nghỉ mát Aqaba trên Biển Đỏ vào Chủ nhật, các quan chức Israel và Palestine nói rằng họ sẽ hợp tác chặt chẽ để ngăn chặn “bạo lực gia tăng” và họ “tái khẳng định sự cần thiết của việc cam kết giảm leo thang trên thực địa”. Israel đã cam kết ngừng “thảo luận về việc thành lập bất kỳ đơn vị định cư mới nào trong bốn tháng và ngừng phê duyệt bất kỳ khu định cư mới nào trong sáu tháng”. Israel và Chính quyền Palestine nhấn mạnh “sự sẵn sàng và cam kết làm việc ngay lập tức để ngăn chặn các biện pháp đơn phương” trong vòng 3 đến 6 tháng. Tuyên bố chung được đưa ra vào cuối cuộc họp có sự tham dự của các quan chức Mỹ, Ai Cập và Jordan trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về sự leo thang bạo lực trong thời gian chuẩn bị cho tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo bắt đầu vào cuối tháng Ba.
Xem thêm tại: Al Jazeera, Israel and Palestinians agree steps to curb violence. Truy cập ngày 27/2/2023
Tay súng người Palestine giết người Israel khi bạo lực bùng phát ở Bờ Tây
Một tay súng người Palestine bị tình nghi hôm thứ Hai đã bắn chết một lái xe Israel ở Bờ Tây bị chiếm đóng, vụ đổ máu mới nhất trong một làn sóng giao tranh mới không có dấu hiệu chậm lại. Vụ việc xảy ra một ngày sau khi hai người Israel bị một tay súng Palestine giết chết ở phía bắc Bờ Tây, gây ra một cơn thịnh nộ trong đó những người định cư Israel đã đốt cháy hàng chục ô tô và nhà cửa ở một thị trấn của người Palestine và một người Palestine đã bị giết. Trước đó, Israel đã gửi thêm hàng trăm binh sĩ tới phía bắc Bờ Tây để khôi phục tình hình sau bạo lực hôm Chủ nhật. Chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu, chính phủ cực hữu nhất trong lịch sử Israel, đã bị chỉ trích vì thất bại trong việc ngăn chặn bạo lực gia tăng.
Xem thêm tại: AP, Palestinian gunman kills Israeli as violence roils West Bank. Truy cập ngày 28/2/2023
Ba người chết sau khi máy bay trực thăng của phái bộ gìn giữ hòa bình châu Phi rơi ở Somalia
Ba người chết và 8 người khác bị thương khi một chiếc trực thăng do phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên minh châu Phi điều hành ở Somalia bị rơi hôm thứ Bảy ở khu vực Lower Shabelle. Trong tuyên bố, Phái đoàn chuyển tiếp của Liên minh châu Phi tại Somalia (ATMIS) cho biết chiếc trực thăng chở 11 hành khách, trong đó có các binh sĩ từ quân đội Somalia, đang tham gia huấn luyện sơ tán nạn nhân khi vụ tai nạn xảy ra. ATMIS đang hỗ trợ chính quyền trung ương của Somalia trong cuộc chiến chống lại lực lượng nổi dậy Hồi giáo al Shabaab. Nhóm al Shabaab, đồng minh của al Qaeda, đã chiến đấu trong hơn một thập kỷ để lật đổ chính phủ Somalia và thiết lập quy tắc riêng dựa trên cách giải thích nghiêm ngặt luật Hồi giáo sharia của chính họ.
Xem thêm tại: Reuters, Three dead after African peacekeeping mission helicopter crashes in Somalia. Truy cập ngày 27/2/2023
Chuyên mục Phân tích:
Bài học cho cuộc chiến tương lai từ Ukraine (P5): Đài Loan phải bù đắp lại khoảng thời gian đã mất
Bài học quan trọng nhất từ cuộc chiến tại Ukraine là về vai trò của thời gian. Ukraine sau khi hứng chịu thất bại nặng nề từ 2014 đã nhanh chóng cải tổ cấu trúc và huấn luyện quân đội của mình. Nhưng việc cải tổ không diễn ra một sớm một chiều. Do đó, để có thể sẵn sàng chống lại một cuộc tấn công từ Trung Quốc, Đài Loan cần phải nghiêm túc chuẩn bị từ bây giờ. Ukraine bắt đầu cải cách quốc phòng với các đánh giá tổng thể, liên ngành ở các cấp độ chiến lược, chiến dịch, tác chiến và thể chế. Báo cáo Chiến lược Quốc phòng 2016 xác định các thiếu sót chủ chốt trong cấu trúc an ninh quốc gia và các ưu tiên cho việc chuyển đổi, gồm việc liên kết với các nguyên tắc và tiêu chuẩn của NATO cũng như các cải cách về hoạch định lực lượng, an ninh mạng, C4ISR (chỉ huy, kiểm soát, truyền thông, máy tính, tình báo, giám sát, và do thám), mua sắm, quản lý hậu cần, tập huấn quân đội. Các cải cách và tập huấn cần thời gian để có thể áp dụng và thể chế hóa. Nếu không có thời gian, Ukraine sẽ không thể đạt được mức độ trực chiến để chống lại Nga như hiện tại.
Đài Loan nên học hỏi từ ví dụ trên và làm rõ chiến lược quốc phòng của mình ngay bây giờ, tích hợp ba yếu tố chủ chốt: trang thiết bị hiệu quả, huấn luyện hiệu quả, và củng cố ý chí phản kháng. Chiến lược phòng thủ bất đối xứng, như khái niệm phòng thủ chung của Đài Loan, được neo vào sự chống xâm nhập và được hỗ trợ bởi các hệ thống phòng thủ di động, phân tán, gây chết người và có khả năng sống sót. Nó vẫn là cơ sở cho khả năng của Đài Loan chống lại một cuộc xâm lược toàn diện của Trung Quốc. Thêm vào đó, quân đội Đài Loan nên phân bổ các nguồn lực hạn chế của mình cho các hệ thống vũ khí phù hợp nhất để Đài Loan chống lại cả xâm lược và áp bức từ Trung Quốc. Kế hoạch hoạt động chung nên linh hoạt để phù hợp với các kịch bản thời chiến khác nhau. Quân đội Đài Loan phải có khả năng chiến đấu dưới sự chỉ huy phi tập trung trong môi trường bị đứt nghẽn liên lạc. Trong cuộc chiến tiêu hao của Nga ở Ukraine, việc dự trữ và cung cấp quân sự liên tục đã được hưởng lợi từ những lợi thế địa lý của Ukraine, bao gồm lãnh thổ rộng lớn và biên giới đất liền với các nước NATO. Mặt khác, Đài Loan nằm cách bờ biển Trung Quốc 100 hải lý và sẽ bị cắt nguồn tiếp tế khi bắt đầu chiến tranh. Do đó, Đài Loan phải dự trữ đạn dược, phụ tùng thay thế, thiết bị quân sự quan trọng khác, nhiên liệu và thực phẩm để tồn tại trong một cuộc xung đột kéo dài—đồng thời xây dựng các cơ sở phân tán, kiên cố để bảo vệ những khí tài này. Các mạng lưới liên lạc và hậu cần, bao gồm quyền truy cập vào các mạng thương mại như mạng vệ tinh Starlink, sẽ khó đưa vào và thiết lập trong bối cảnh chiến tranh khốc liệt. Việc dự trữ kịp thời và các công tác chuẩn bị khác cần được tiến hành ngay từ bây giờ. Một nhóm tác chiến chung Mỹ-Đài có thể được thành lập ở cả cấp chính sách và công tác để hỗ trợ cải cách cơ cấu lực lượng, mua vũ khí, học thuyết quân sự, lập kế hoạch tác chiến, quản lý hậu cần, chiến thuật và huấn luyện. Các mô phỏng và huấn luyện dự phòng song phương có thể xác định các thách thức hoạt động chính và hướng dẫn quá trình chuyển đổi này. Với gần 19 tỷ USD tồn đọng trong việc chuyển giao vũ khí của Mỹ cho Đài Loan, một nhóm chỉ đạo song phương về hợp tác công nghiệp quốc phòng và an ninh chuỗi cung ứng có thể xác định và hợp lý hóa tốt hơn các quy trình bảo trì, sửa chữa và đại tu, cũng như hợp tác sản xuất vũ khí ở Đài Loan và hợp tác nghiên cứu và phát triển. Ngoài ra, sự hỗ trợ của Mỹ có thể báo hiệu cho các đồng minh khác đặt nền móng cho việc tăng cường hợp tác với Đài Loan.
Xem thêm tại: FP, Lessons for the Next War: Taiwan Must Make Up for Lost Time. Truy cập ngày 25/2/2023
Phương Tây phải cung cấp những gì Ukraine cần
Những người yêu cầu một giải pháp thương lượng nên nhận ra rằng điều kiện cần thiết cho kết quả này là việc Vladimir Putin nhận ra rằng phương Tây sẽ không cho phép ông sáp nhập Ukraine vào đế chế của mình. Những thất bại của quân đội Nga trong năm qua có thể đã khiến ông có một số nghi ngờ về khả năng làm được điều đó. Nhưng Putin vẫn tin rằng Nga sẽ thắng thế. Đó thậm chí không phải là một quan điểm vô lý, xét tới quy mô tương đối của các đối thủ chính và sự kiểm soát của Putin đối với nguồn nhân lực và các nguồn lực khác của đất nước ông. Lực lượng duy nhất có thể xoay chuyển tình thế là sự kết hợp giữa quyết tâm của Ukraine với các nguồn lực của phương Tây, cả về quân sự và tài chính.
Như tổng thống Biden đã giải thích, có những lý do mạnh mẽ để cung cấp sự hỗ trợ đó. Điều này đặc biệt đúng đối với châu Âu. Cuộc tấn công của Putin đe dọa các giá trị và lợi ích cốt lõi mà châu Âu thời hậu chiến được xây dựng trên đó: sự bất khả xâm phạm của các biên giới; hợp tác hòa bình giữa các quốc gia; và dân chủ. Nó đặc biệt đe dọa an ninh của các quốc gia gần Nga nhất, mà cách đây không lâu còn nằm trong đế chế Xô Viết. Nếu Putin thắng, ai sẽ là người tiếp theo? Không có ranh giới nào có thể được vạch ra giữa các giá trị và lợi ích của chúng ta, bất cứ điều gì mà “những người theo chủ nghĩa hiện thực” gợi ý. Ukraine cần duy trì người dân và nền kinh tế của mình. Ngay bây giờ, Ukraine cần khôi phục cơ sở hạ tầng của mình, khi Nga phá hủy nó. Nền kinh tế của Nga đã vượt qua các lệnh trừng phạt của phương Tây tốt hơn nhiều người đã kỳ vọng, cũng như Ukraine đã tồn tại về mặt quân sự tốt hơn nhiều so với dự đoán. Các cam kết của Mỹ dành cho Ukraine cho đến nay đã vượt xa các cam kết của các thành viên EU, cả song phương và tập thể, mặc dù cuộc chiến có ý nghĩa lớn hơn nhiều đối với tương lai của nước EU so với Mỹ. Nếu coi các cam kết song phương cộng với chi phí hỗ trợ người tị nạn là một phần của tổng sản phẩm quốc nội, thì các quốc gia Đông Âu (Ba Lan, Latvia, Cộng hòa Séc, Litva và Slovakia) là những quốc gia hào phóng nhất. Mỹ là nhà cung cấp thiết bị quân sự quan trọng nhất. Nhưng viện trợ của Mỹ cho Ukraine không thể so sánh với những gì Washington đã chi trực tiếp cho các cuộc chiến tranh ở Việt Nam hoặc Iraq và tương đương với chi phí ở Afghanistan. Do đó, Putin có thể kết luận một cách hợp lý rằng Ukraine sẽ không nhận được các nguồn lực cần thiết để duy trì cuộc chiến trong thời gian dài hơn. Putin cũng có thể hy vọng một cách hợp lý rằng mình sẽ nhận được sự hỗ trợ quân sự lớn hơn từ Trung Quốc. Thời gian cuối cùng sẽ đứng về phía Putin.
Phương Tây phải chứng minh rằng điều này là sai và họ cần chứng minh điều này càng sớm càng tốt nếu khộng muốn chiến tranh kéo dài mãi mãi. Cần phải thừa nhận rằng cuộc chiến này là lợi ích quốc gia sống còn của các nước châu Âu nếu họ muốn sự ổn định và thịnh vượng của châu Âu thời hậu chiến trường tồn. Cùng với Mỹ, họ phải huy động các nguồn lực, kể cả quân sự, cần thiết để giành chiến thắng. Hòa bình không còn có thể được giả định ở châu Âu nữa. Nga đang chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài và tốn kém. Phương Tây cũng vậy. Hành vi trong quá khứ của các nước phương Tây đã làm xói mòn tính hợp pháp của họ ở phần lớn thế giới đang phát triển.
Xem thêm tại: FT, The west must give Ukraine what it needs. Truy cập ngày 2/3/2023
Tại sao Putin phải chờ đến năm 2022 mới tiến hành xâm lược Ukraine?
Vì sao tổng thống Putin xâm lược Ukraine và nỗ lực chiếm lấy Kyiv vào tháng 2 năm 2022 mà không phải sớm hơn? Và tại sao ông không cố gắng chiếm hết toàn bộ hay hầu hết Ukraine sau cuộc nổi loạn tại nước này hồi 2014, mà chỉ sáp nhập Crimea, và giúp đỡ các nhóm ly khai tại Donbas một cách hạn chế và bán bí mật? Quay lại năm 2014, quân đội Ukraine yếu đến mức vô vọng, Nga có tổng thống Ukraine lúc bấy giờ là ông Viktor Yanukovych, thân Nga; và những biến động như việc giết hại những người thân Nga tại Odesa đem lại cho Nga cái cớ để hành động.
Nhưng lý do ông Putin kiềm chế trong quá khứ nằm một phần trong chiến lược Nga những năm 1990: nỗ lực tạo ra thêm khoảng cách giữa châu Âu và Mỹ, và cuối cùng tạo ra một trật tự an ninh mới tại châu Âu với Nga là một đối tác toàn phần và cường quốc được tôn trọng. Do đó, một cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine rõ ràng sẽ hủy hoại bất kỳ hy vọng nào trong việc hòa giải với Tây Âu. Tương tự như vậy, bước đi trên sẽ khiến cho Nga bị cô lập về mặt ngoại giao và phụ thuộc vào Trung Quốc. Chiến lược này của Nga được xem như một nỗ lực nhằm chia cắt phương Tây, và xây nền cho vùng ảnh hưởng của Nga tại các nước thuộc Liên Xô cũ. Tuy nhiên, việc có một trật tự an ninh châu Âu mà Nga là trung tâm sẽ loại bỏ nguy cơ Nga tấn công NATO, EU, và Ukraine. Đây là cách tiếp cận cắm rễ sâu trong tư tưởng của Mikhail Gorbachev về một “ngôi nhà châu Âu chung”.
Trước đây vào năm 2012, ông Putin đã từng viết rằng “Nga là một phần không thể tách rời, hữu cơ của Đại Âu, của một nền văn minh châu Âu rộng lớn hơn”. Tầm nhìn này hiện tại đã bị lãng quên khi Moscow ưu ái khái niệm Nga là một phần tách rời của “nền văn minh Á-Âu”. Tuy nhiên, chiến lược này của Nga đã trải qua thất bại nặng nề, nhưng cũng có đủ những dấu hiệu đáng khích lệ từ Paris và Berlin để giữ cho nó tồn tại. Năm 2014, lời cảnh báo của thủ tướng Đức Angela Merkel về “tổn hại nghiêm trọng” đến Nga và quan hệ Nga – Đức mà khiến cho ông Putin ngừng việc tiến công của các nhóm ly khai do Moscow hậu thuẫn tại Donbas. Đổi lại, Đức từ chối vũ trang Ukraine và cùng với Pháp, làm trung gian cho thỏa thuận Minsk 2, theo đó Donbas sẽ trở lại Ukraine với tư cách là một lãnh thổ tự trị. Năm 2016, kỳ vọng của Nga vào một cuộc chia cắt giữa Tây Âu và Mỹ được hồi sinh khi Donald Trump được bầu làm tổng thống. Nhưng việc Joe Biden trở thành tổng thống đã hàn gắn Mỹ và châu Âu trở lại. Những năm này cũng chứng kiến việc Ukraine từ chối cam kết quyền tự trị cho Donbas, và thất bại của phương Tây trong việc gây sức ép để khiến Kyiv thực hiện cam kết đó. Điều này đi kèm với những diễn biến khác khiến Putin quyết định đặt vấn đề Ukraine lên hàng đầu. Những điều này bao gồm quan hệ đối tác chiến lược Mỹ-Ukraine vào tháng 11 năm 2021, đưa ra triển vọng Ukraine trở thành một đồng minh được vũ trang mạnh mẽ của Mỹ trên mọi phương diện trừ danh nghĩa, trong khi tiếp tục đe dọa chiếm lại Donbas bằng vũ lực. Trở lại năm 2015, thủ tướng Merkel và tổng thống Pháp Francois Hollande đã tuyên bố rằng thỏa thuận Minsk 2 về quyền tự trị của Donbas chỉ là một bước tiến trên con đường cho phép Ukraine có thời gian để xây dượng lực lượng vũ trang của mình.
Dẫu vậy, trước thềm cuộc xâm lương, Putin đã liên tục thất bại trong việc thúc giục tổng thống Pháp Emmanuel Macron ủng hộ một hiệp ước trung lập cho Ukraine và đàm phán trực tiếp với lãnh đạo nhóm ly khai tại Donbas. Tất nhiên, chúng ta không thể khẳng định rằng đây là lý do dẫn đến việc ông Putin ngừng cuộc xâm lược, nhưng bước đi như vậy có thể dẫn đến chia cắt sâu hơn giữa Paris và Washington, làm sống dậy chiến lược chia cắt phương Tây của Putin. Nhưng giờ đây ông Putin dường như đã hoàn toàn đồng tình với những người ủng hộ theo chủ nghĩa dân tộc rằng chẳng có chính phủ phương Tây nào đáng tin cả, và rằng phương Tây nói chung là kẻ thù cố hữu của Nga. Cuộc xâm lược của Nga và những hành động tàn bạo đi kèm đã phá hủy bất kỳ thiện cảm thực sự nào đối với Nga trong chính phủ Pháp và Đức. Một trật tự an ninh hòa bình và đồng thuận ở châu Âu còn rất xa vời. Nhưng trong khi Putin và cuộc xâm lược tại Ukraine phải chịu trách nhiệm chính cho việc này, chúng ta cũng nên nhận ra rằng các nước phương Tây và Trung Âu cũng chưa thực sự cố gắng duy trì giấc mơ về một ngôi nhà châu Âu chung của Gorbachev.
Xem thêm tại: Guardian, For years, Putin didn’t invade Ukraine. What made him finally snap in 2022? Truy cập ngày 25/2/2023
Kế hoạch hòa bình tại Ukraine của Trung Quốc chỉ nhằm vào việc thách thức Mỹ
Cuộc chiến tại Ukraine đã làm thay đổi thế giới: nó khiến cho Nga bị cô lập, khiến cho thế giới dân chủ hợp nhất, và khiến cho bóng ma xung đột quân sự nước lớn lan rộng. Nhưng nếu Trung Quốc đang trên bờ vực nhúng tay vào cuộc chiến nhiều hơn – vượt trên “kế hoạch hòa bình” không mấy hứa hẹn do Bắc Kinh công bố hôm thứ Sáu – cú sốc chiến lược vẫn mới chỉ bắt đầu. Việc Trung Quốc ủng hộ nhiều hơn cuộc chiến của tổng thống Vladimir Putin có thể tái định hình không chỉ chiến trường mà còn ván cờ toàn cầu. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã cáo buộc Bắc Kinh đang cân nhắc viện trợ sát thương cho Nga. Cáo buộc này theo sau tin tức về cách các công ty Trung Quốc đã cung cấp cho Nga các thiết bị bay không người lái, chip máy tính, linh kiện máy bay chiến đấu, thiết bị định vị và các vật tư quân sự liên quan khác. Nhưng đây không phải là lần đầu Bắc Kinh cố gắng đóng một vai trò lớn hơn trong một cuộc xung đột.
Mùa xuân năm ngoái, Mỹ được cho là có tin tình báo ám chỉ rằng Trung Quốc đang chuẩn bị viện trợ cho cuộc xâm lược của ông Putin với trang thiết bị quân sự và hỗ trợ về kinh tế. Tuy nhiên, vẫn có những lý do tốt khiến cho Trung Quốc không muốn bị cuốn vào cuộc chiến, như nỗi sợ bị cộng đồng quốc tế lên án, gây tổn hại đến quan hệ với châu Âu, và hứng chịu lệnh trừng phạt của Mỹ. Nhưng có một lý do bất khả kháng mà ông Tập phải nhúng tay vào: ông Tập không muốn thấy ông Putin thua. Đối với ông Tập, một nước Nga yếu ớt, cô lập trên trường quốc tế, và do đó phụ thuộc nhiều hơn vào Bắc Kinh không phải là một điều tệ. Nhưng một nước Nga bị xâu xé tàn tạ đến mức khó có thể đạt chuẩn vị thế một cường quốc đặt ra một rắc rối lớn hơn, đó là cho phép Mỹ tập trung vào Bắc Kinh. Trường hợp còn tệ hơn đó là viễn cảnh mà thất bại quân sự dẫn đến bất ổn hóa chính trị tại Moscow, khiến cho mối quan hệ đối tác chiến lược Trung – Nga trở thành nạn nhân của cuộc chiến tệ hại của ông Putin. Do đó, Bắc Kinh đang cố gắng thực hiện hai bước chiến lược. Bước thứ nhất là đưa ra một kế hoạch hòa bình mơ hồ và bất khả thi cho phép ông Tập cách công khai đề nghị đóng vai người hòa giải một cuộc chiến đẫm máu. Bước thứ hai có thể là gia tăng viện trợ quân sự hoặc bán quân sự cho Nga, thực hiện vừa đủ âm thầm mà Bắc Kinh có thể né tránh việc bị phát hiện công khai. Ngoài ra, viện trợ nhiều hơn từ Trung Quốc có thể cải thiện vận may của Nga khi cuộc xung đột kéo dài và kho vũ khí thì cạn kiệt. Hoặc là nó có thể giúp ông Putin kéo dài một cuộc chiến làm hao tốn tài nguyên và sự chú ý của Mỹ – một món hời đối với Bắc Kinh. Có lẽ điều đáng lo ngại nhất là một quyết định như vậy sẽ nói lên điều gì về chính Trung Quốc.
Ngay cả bây giờ, Washington vẫn quen coi Bắc Kinh là một đối thủ tương đối thận trọng. Nhưng một Trung Quốc đang trang bị vũ khí cho Nga để chống lại Ukraine là một Trung Quốc đã chọn chấp nhận những căng thẳng gay gắt và kéo dài với Mỹ, ưu tiên trục chuyên chế đang trỗi dậy hơn là quan hệ đối tác kinh tế lâu dài với các nền dân chủ tiên tiến, và tham gia vào một cuộc chiến tranh ủy nhiệm hoàn toàn với phương Tây.
Xem thêm tại: Bloomberg, China’s Ukraine Plan Is All About Challenging the US. Truy cập ngày 25/2/2023
Tập và Putin tuyên bố một cuộc Chiến tranh Lạnh mới
Quyết định của Tập Cận Bình nhằm gửi nhà ngoại giao cấp cao nhất Trung Quốc trong tuần lễ kỷ niệm cuộc xâm lược của Putin tại Ukraine đánh dấu một bước chuyển mới. Khi một trong năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ xâm lược trái phép một nước khác, thành viên thường trực khác sẽ từ chối việc lên án cuộc xâm lược đó, và ba thành viên còn lại không đưa ra chiến lược tập thể nào để kiểm tra việc vi phạm luật quốc tế trắng trợ này, từ đó nhân loại đã bước vào một chương tăm tối và bất định. Nhưng hành vi tuyên chiến của Nga không đứng một mình. Cả Tập và Putin đều theo đuổi một mục tiêu chung là chứng kiến phương Tây, đặc biệt là Mỹ, bị suy yếu. Cả Nga và Trung đều cảm thấy bị đe dọa bởi một trật tự quốc tế dựa trên pháp luật kêu gọi nhiều tự do hơn, trách nhiệm dân chủ và minh bạch hơn. Sau nhiều năm liên tục thử sức chịu đựng của phương Tây trong việc ngăn chặn hành vi không đúng đắn, trục Nga – Trung này đã chuyển từ công khai khai thác sự mong manh của các tiêu chuẩn quốc tế qua việc lật ngược chúng. Hỗ trợ ngầm của Trung Quốc cho chủ nghĩa liều lĩnh của Nga (có thể sớm bao gồm việc bổ sung vũ khí Nga tại Ukraine) khẳng định một mối quan hệ đối tác chiến lược đã được ấp ủ từ lâu. Đã từng có hy vọng rằng sự trỗi dậy về kinh tế sẽ khiến cho Bắc Kinh tiếp nhận các quy tắc quốc tế. Nhưng thay vào đó, ông Tập đã tìm cách thống trị Biển Đông và cho thấy chủ nghĩa độc tài là một sự thay thế hợp lý cho nền dân chủ phương Tây. Tóm lại, chúng ta đang ở trong một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Thế giới của chúng ta đang chia thành hai khu vực ảnh hưởng với hàng chục quốc gia dần dần buộc phải chọn phe.
Điều khiến cho chương mới này nguy hiểm hơn đó là sự xói mòn của cấu trúc an ninh và kênh liên lạc không chính thức mà ngăn cuộc Chiến tranh Lạnh trước đó thành Chiến tranh Nóng. Theo đó vào tuần qua ông Putin đã rút khỏi hiệp ước hạt nhân START mới, đồng nghĩa với việc sau năm thập kỷ hạn chế đầu đạn hạt nhân chúng ta có thể bước vào một cuộc chạy đua vũ trang mới. Trung Quốc đang tăng gấp ba lần nắm giữ vũ khí hạt nhân trong thập kỷ tới. Iran hiện nay dường như sở hữu khả năng hạt nhân và Triều Tiên có thể có đầu đạn hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thể sẽ kết hợp với Nga và Trung Quốc và đe dọa châu Âu và lục địa Mỹ trong khoảng một năm tới. Chúng ta đang trải qua một bước ngoặt lớn trong nền chính trị toàn cầu và bước vào một thời kỳ được cho là có nhiều biến động hơn so với nửa sau của thế kỷ 20.
Xem thêm tại: Telegraph, Xi and Putin have declared a new Cold War. Truy cập ngày 28/2/2023
Một cuộc chiến với Trung Quốc sẽ không như những gì mà người Mỹ đã đối mặt trước đây
Một cuộc chiến lớn tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương có lẽ đang có khả năng xảy ra cao hơn bao giờ hết kể từ Thế chiến thứ hai. Tia lửa bộc phát khả năng cao là một cuộc xâm lược Đài Loan của Trung Quốc. Theo đó, chế độ Đảng Cộng sản của ông Tập đã trở nên đủ mạnh — về quân sự, kinh tế và công nghiệp — để chiếm lấy Đài Loan và thách thức trực tiếp Mỹ về ưu thế tối cao trong khu vực. Nếu Trung Quốc thành công chiếm lấy Đài Loan, thì Bắc Kinh sẽ chọc thủng chuỗi phòng thủ của Mỹ và đồng minh tại khu vực, hạ thấp nghiêm trọng vị thế chiến lược của Mỹ tại Tây Thái Bình Dương, và có thể sẽ chấm dứt việc Mỹ tiếp cận các xưởng tạo chip bán dẫn hàng đầu thế giới và các thành phần quan trọng khác được sản xuất tại Đài Loan. Trên cương vị tổng thống, Joe Biden đã nhắc đi nhắc lại tuyên bố rằng Mỹ sẽ bảo vệ Đài Loan. Nhưng các lãnh đạo tại Washington cũng cần phải tránh việc bất cẩn bước vào cuộc chiến với Trung Quốc vì đây không giống như những gì mà người Mỹ đã từng đối mặt. Người dân Mỹ đã quen với việc gửi quân đội chiến đấu xa nhà.
Nhưng Trung Quốc là một kẻ địch rất khác – một đối thủ có sức mạnh quân sự, kinh tế và công nghệ có khả năng phát động một cuộc chiến trên đất Mỹ. Chỉ riêng kịch bản quân sự đã rất khó khăn: Trung Quốc có thể sẽ tiến hành một cuộc tấn công chớp nhoáng trên không, trên biển và trên không gian mạng để giành quyền kiểm soát các mục tiêu chiến lược quan trọng ở Đài Loan trong vòng vài giờ, trước khi Mỹ và các đồng minh có thể can thiệp. Trung Quốc cũng có hơn 1.350 tên lửa hành trình và đạn đạo sẵn sàng tấn công các lực lượng của Mỹ và đồng minh ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và các vùng lãnh thổ do Mỹ kiểm soát ở Tây Thái Bình Dương. Mặc dù vậy, các nhà hoạch định quân sự của Mỹ muốn tiến hành một cuộc chiến tranh thông thường hơn. Nhưng Trung Quốc đã sẵn sàng tiến hành một loại hình chiến tranh rộng lớn hơn nhiều, có thể ăn sâu vào xã hội Mỹ.
Trong hai thập kỷ qua, Trung Quốc đã xây dựng năng lực chiến tranh chính trị và chiến tranh mạng đáng gờm được thiết kế để thâm nhập, thao túng và phá hoại Mỹ và các chính phủ đồng minh, các tổ chức truyền thông, doanh nghiệp và xã hội dân sự. Nếu chiến tranh nổ ra, Trung Quốc có thể sẽ sử dụng điều này để làm gián đoạn liên lạc và truyền bá tin tức giả mạo cũng như các thông tin sai lệch khác. Thêm vào đó, Trung Quốc cũng có thể vũ khí hóa sự thống trị của mình đối với chuỗi cung ứng và vận chuyển. Nền kinh tế Mỹ phụ thuộc nhiều vào tài nguyên và hàng hóa sản xuất của Trung Quốc, bao gồm nhiều sản phẩm có ứng dụng quân sự và người tiêu dùng Mỹ dựa vào hàng nhập khẩu do Trung Quốc sản xuất với giá vừa phải cho mọi thứ, từ đồ điện tử đến đồ nội thất cho đến giày dép. Do đó, một cuộc chiến tranh sẽ ngăn chặn tuyến thương mại này (cũng như các chuyến hàng của Mỹ và đồng minh đến Trung Quốc). Nguồn cung sản phẩm của Mỹ có thể sớm cạn kiệt, làm tê liệt một loạt các doanh nghiệp khiến cho lạm phát và thất nghiệp tăng, đặc biệt trong thời kỳ mà kinh tế là công cụ cho nỗ lực chiến tranh. Ngoài ra, Mỹ còn phải đối mặt với một cú sốc rằng sức mạnh công nghiệp mang lại những chiến thắng trong Thế chiến thứ hai – khái niệm Mỹ là “kho vũ khí của nền dân chủ” của tổng thống Franlik Roosevelt – đã lụi tàn và bị Trung Quốc vượt mặt. Hơn hết, Mỹ không còn có thể sản xuất nhiều hơn Trung Quốc về vũ khí tiên tiến và các nguồn cung cấp khác cần thiết cho một cuộc chiến, điều mà cuộc chiến hiện tại ở Ukraine đã cho thấy rõ.
Vậy Mỹ cần phải làm gì để đối phó với một cuộc chiến như vậy? Về mặt quân sự, Mỹ nên đẩy nhanh các chương trình đã được tiến hành nhằm củng cố và phân tán các lực lượng của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương để khiến họ ít bị tổn thương hơn trước các cuộc tấn công của Trung Quốc. Ở trong nước, một nỗ lực phối hợp phải được thực hiện để tìm cách bảo vệ tốt hơn các phương tiện truyền thông xã hội và truyền thống của Mỹ trước thông tin sai lệch của Trung Quốc. Thêm vào đó, chuỗi cung ứng của một số hàng hóa và dịch vụ quan trọng cần được tái cơ cấu để chuyển hoạt động sản xuất sang Mỹ hoặc các quốc gia đồng minh, và Mỹ phải theo đuổi một động lực chiến lược dài hạn hơn để khôi phục sự thống trị của mình trong lĩnh vực sản xuất toàn cầu. Nhưng điều này sẽ mất thời gian. Cho đến lúc đó, điều quan trọng đối với Washington là tránh khiêu khích và duy trì đối thoại dân sự với Bắc Kinh.
Xem thêm tại: NY Times, A War With China Would Be Unlike Anything Americans Faced Before. Truy cập ngày 27/2/2023
Chiến tranh tại Trung Đông gần hơn chúng ta nghĩ
Chính quyền tổng thống Biden nhậm chức với một chiến lược địa chính trị tao nhã và gắn kết. Chiến lược này sẽ giải quyết thách thức của Trung Quốc bằng cách chia rẽ Trung Quốc và các cường quốc theo chủ nghĩa xét lại. Đồng thời, chiến lược này sẽ chặn đứng Nga và ổn định Trung Đông bằng cách khôi phục thỏa thuận hạt nhân với Iran. Chính quyền Biden đã nhìn thấy rõ ràng thách thức của Trung Quốc ngay từ ngày đầu tiên, nhưng không hiểu được nền tảng sức mạnh của Mỹ đã trở nên yếu kém như thế nào hoặc các cường quốc theo chủ nghĩa xét lại—Trung Quốc, Nga, Iran và những kẻ bám đuôi như Venezuela và Syria—đã vươn xa đến đâu— sẵn sàng hợp tác để làm suy yếu bá quyền của Mỹ mà những nước này vừa phẫn nộ vừa khinh bỉ.
Hai năm sau, chính quyền Biden đang phải vật lộn để quản lý sự thất bại của thiết kế ban đầu. Luận điệu và chính sách hiếu chiến của chính quyền Biden đối với Bắc Kinh đã làm gia tăng sự thù địch của Trung Quốc, nhưng thay vì đối mặt với một Trung Quốc bị cô lập trong một thế giới bình lặng khác, Washington lại phải đối đầu đồng thời với các đối thủ ở cả Châu Âu và Viễn Đông. Nga không dừng lại, Iran không được bình định và ba nước theo chủ nghĩa xét lại đang phối hợp chiến lược và thông điệp của mình ở một mức độ chưa từng có. Tệ hơn nữa, việc Iran tiến tới sở hữu vũ khí hạt nhân, kết hợp với mối quan hệ đối tác ngày càng sâu sắc với Nga, đang đẩy Trung Đông ngày càng tiến gần hơn đến một cuộc chiến có khả năng xảy ra với Mỹ – một cuộc chiến mà chính quyền Biden hết sức muốn tránh.
Đối với ông Putin, một cuộc đối đầu quân sự lớn ở Trung Đông sẽ là một thảm họa. Giá dầu sẽ tăng đột biến, làm đầy kho bạc của Moscow và gia tăng áp lực lên châu Âu. Lầu Năm Góc sẽ phải phân chia vũ khí sẵn có giữa Ukraine và các đồng minh Trung Đông. Thêm vào đó, cán cân ở eo biển Đài Loan sẽ thay đổi đáng kể theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Đối với hoàn cảnh hiện tại mà trong đó Nga rất cần Iran để giúp phá vỡ chiến lược của Mỹ, ông Putin có thể quyết định giúp Iran vượt qua ngưỡng hạt nhân. Nhưng Putin chỉ cần tăng cường khả năng quân sự của Iran nhằm hạn chế khả năng Israel tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran, là đã có thể buộc Israel phải tấn công phủ đầu có thể gây ra một cuộc chiến tranh khu vực. Mỹ không thể buộc Iran và Nga tránh các hành động gây ra một cuộc chiến tranh mới ở Trung Đông, nhưng chính sách mạnh mẽ từ phía Mỹ vẫn có thể ngăn cản Iran và Nga.
Không may thay cho chính quyền Biden, điều đó liên quan chính xác đến kiểu lập trường diều hâu ở Trung Đông mà nhiều đảng viên Đảng Dân chủ — bao gồm cả các quan chức cấp cao của Biden — về bản chất là xa lánh. Cách tiếp cận của Mỹ đối với Ả rập Saudi sẽ phải chuyển từ đối đầu sang đối thoại. Các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và các hành động khiêu khích khác của Iran và các đồng minh chống lại Ả Rập Saudi, UAE và các nước láng giềng của họ sẽ phải đối mặt với kiểu phản ứng quân sự của Mỹ. Cách tốt nhất để tránh chiến tranh và giảm thiểu sự tham gia trực tiếp của Mỹ nếu chiến tranh nổ ra là đảm bảo rằng các đồng minh Trung Đông của Mỹ có đủ sức mạnh để tự vệ. Cần làm rõ rằng Mỹ sẽ đảm bảo các đồng minh của mình giành chiến thắng nếu chiến sự nổ ra. Chính quyền Biden dường như đang bước đi, chậm rãi, đúng hướng ở Trung Đông, nhưng thời gian không đứng về phía Mỹ. Tư duy viển vông và sự kém cỏi về chiến lược đã khiến cơ quan hoạch định chính sách đối ngoại lưỡng đảng thoạt đầu phớt lờ và sau đó là xoa dịu những kẻ thách thức đang trỗi dậy đối với trật tự thế giới thời hậu Chiến tranh Lạnh.
Xem thêm tại: WSJ, War in the Middle East Is Closer Than You Think. Truy cập ngày 28/2/2023
https://nghiencuuquocte.org/2023/03/03
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét