Đã tròn nửa tháng tính từ ngày người Việt biểu tình trước Đại sứ quán (ĐSQ) Việt Nam tại Ba Lan phản đối nhũng nhiễu (1) nhưng ngoài việc tăng số giờ phục vụ công dân từ sáu tiếng/tuần lên chín tiếng/tuần và thân thiện, niềm nở hơn khi tiếp đồng bào, việc truy cứu trách nhiệm hình sự những nhân viên ngoại giao sử dụng vị thế trong hệ thống công quyền để tống tiền, thậm chí tống tình đồng bào (2), cũng như xử lý Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan (về nguyên tắc, ít nhất phải chịu trách nhiệm liên đới) vẫn dậm chân tại chỗ.
Tại sao những viên chức ngoại giao làm việc trong ĐSQ Việt Nam tại Ba Lan vẫn “bình an, vô sự” dù có vô số bằng chứng cho thấy họ đã sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau buộc đồng bào phải “cắn răng, bóp bụng” tìm kiếm, kể cả vay mượn, nộp cho đủ hàng ngàn USD để đứa con mới sinh có hộ chiếu (3)? Tại sao họ có thể nhẫn tâm đến mức bắt chẹt cả những đồng bào từ Ukraine đến Ba Lan tị nạn chiến tranh nên mất sạch mọi thứ và vì vậy hộ chiếu giống như một loại phao cứu sinh để xin tạm cư (4), nhận trợ cấp (5)?
Cũng sắp tròn nửa tháng tính từ ngày RFA đề cập đến thân phận của gần 30 ngư dân Việt Nam đang vất vưởng trên đảo Tanjung Pinang của Indonesia. Sau khi bị hải cảnh Indonesia bắt giữ với cáo buộc “đánh bắt bất hợp pháp trong vùng biển thuộc chủ quyền của Indonesia”, những ngư dân này kẹt ở Tanjung Pinang từ ba đến bốn năm vì chi phí hồi hương phải nộp cho ĐSQ Việt Nam ở Indonesia quá cao. Trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát ở Đông Nam Á, có lúc chi phí hồi hương lên tới 50 triệu đồng/người, giờ, tuy “giá” đã... giảm nhưng số tiền họ phải nộp cho ĐSQ Việt Nam tại Indonesia để được... “hỗ trợ hồi hương” vẫn còn xấp xỉ 19 triệu đồng. Theo tính toán của những người am tường “đường đi, nước bước”, nếu “tính đúng, tính đủ”, không miễn hay giảm lệ phí làm hộ chiếu để di chuyển từ Indonesia về Việt Nam thì tổng chi phí cũng chỉ chừng năm triệu đồng! Nhìn một cách tổng quát, do nghèo, không có đủ tiền để nộp cho... “Quỹ bảo hộ công dân”, gần 30 người Việt đang “chết dần, chết mòn” ở Indonesia (6)!
***
Đã gần 80 năm kể từ khi Thế chiến thứ hai kết thúc nhưng thiên hạ vẫn còn nhắc nhau về những viên chức ngoại giao xả thân cho đồng loại. Đó là Chiune Sugihara – Phó Tổng lãnh sự Nhật tại Litva. Tuy là viên chức ngoại giao của một quốc gia trong phe phát xít và không được thượng cấp cho phép nhưng Sugihara vẫn ký – cấp hàng ngàn visa cho những công dân Litva, Ba Lan, Đức, Hà Lan,... gốc Do Thái để họ có thể thoát khỏi châu Âu trước khi quân đội phát xít Đức tràn tới. Người ta không thể xác định Sugihara đã cứu bao nhiêu người Do Thái thoát khỏi thảm họa diệt chủng. Washington Post ước đoán Sugihara đã cấp khoảng 6.000 visa, cứu mạng tối thiểu 10.000 người... Thế chiến thứ hai kết thúc, do phục vụ nước Nhật, Sugihara bị giam ở châu Âu 18 tháng. Khi quay về Nhật, Sugihara bị loại khỏi Bộ Ngoại giao bởi “bất tuân thượng lệnh” hồi làm việc ở Litva. Sugihara sống lặng lẽ cho đến 20 năm sau – giữa thập niên 1960, những người Do Thái thoát chết nhờ sự giúp đỡ của Sugihara mới tìm ra ông...
Tên của Sugihara đã được ghi vào Yad Vadsem - khu tưởng niệm nạn nhân của Đức Quốc xã ở Israel. Chính phủ Israel đã tặng Chiune Sugihara tước hiệu “Người chính trực”. Israel cũng đã trao tặng quốc tịch Do Thái cho Sugihara và con cháu ông... Khi được hỏi tại sao lại “bất tuân thượng lệnh”, mạo hiểm cấp hàng ngàn visa như thế, Sugihara trả lời rất gọn ghẽ: Họ là đồng loại. Tôi thương cảm cho hoàn cảnh của họ vì vậy họ muốn thì tôi đáp ứng...
Đã có một số viên chức ngoại giao hành xử như Chiune Sugihara trong Thế chiến thứ hai. Chẳng hạn ông Ho Feng San – Tổng lãnh sự Trung hoa Dân quốc (Đài Loan) tại Vienna – Áo. Từ 1938 đến 1940, ông đã cấp visa giúp hàng chục ngàn người Do Thái thoát khỏi châu Âu... Tháng 4/2015 người ta đã đặt biển đồng tưởng niệm Ho Feng Sen ở trụ sở Tổng lãnh sự Đài Loan ở Vienna nay là một phần của khách sạn Ritz Carlton tại Vienna - Áo.
Những câu chuyện về Chiune Sugihara (7), Ho Feng San (8),... đều đã từng được giới thiệu trên báo chí Việt Nam. Không may cho người Việt là họ chỉ có thể cảm phục những viên chức ngoại giao... nước ngoài. Cứ xem cảnh các viên chức ngoại giao Việt Nam lũ lượt dắt díu nhau vào khám vì câu kết bóp cổ đồng bào trong chuyện lập ra và thực hiện các chuyến bay... “giải cứu” đồng bào khỏi thảm họa, hoặc vào các group trên facebook như “Tôi và sứ quán” (9), hay “Uwaga – Người Việt ở Ba Lan” (10) để đọc tâm sự, nhận xét của người Việt xa xứ về các viên chức ngoại giao Việt Nam hẳn sẽ thắc mắc vì sao hệ thống ngoại giao Việt Nam lại trở thành nơi tụ tập của nhiều cá nhân vừa bất lương, vừa bất nhân đến như vậy? Những viên chức đó dẫu khác nhau về giới tính, tuổi tác, nhân dáng nhưng có một điểm chung - tất cả đều được đào tạo tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đều đã hoàn tất... Cao cấp Lý luận chính trị. Phải chăng những Chiune Sugihara, Ho Feng San,... không học... Cao cấp Lý luận chính trị nên mới có thể tôn trọng nhân vị, có thể rung động, đồng cảm và sẵn sàng hành động vì đồng loại?
Tham khảo
(1) https://www.facebook.com/groups/1059505760803139/posts/6127378440682487/
(2) https://www.facebook.com/groups/1059505760803139/posts/6123731484380516/
(3) https://www.facebook.com/groups/1059505760803139/posts/6159382354148762/
(4) https://www.facebook.com/groups/toivasuquan/posts/5913995191983642/
(5) https://www.facebook.com/groups/1059505760803139/posts/6112613118825686/
(8) https://tienphong.vn/chuyen-ve-cuu-tinh-an-danh-cua-nguoi-do-thai-trong-the-chien-post799026.tpo
(9) https://www.facebook.com/groups/821252711257941
(10) https://www.facebook.com/groups/1059505760803139
Hue Chi Ha Thi
Ghi chép từ buổi đối thoại trực tiếp với Đoàn công tác của Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan.
Buổi họp được bắt đầu hồi 15:00 tại Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan, chủ trì cuộc họp bao gồm:
- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt ở nước ngoài ông Mai Phan Dũng
- Cục trưởng Cục Lãnh sự ông Doãn Hoàng Minh
- Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan, ông Nguyễn Hùng.
- Vụ phó Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Ngoại giao
- Vụ trưởng Vụ châu Âu
Mở đầu, ông Mai Phan Dũng đã thông báo về các chỉ thị cũng như văn bản luật về vấn đề "chuẩn hóa các thủ tục hành chính là nhiệm vụ bắt buộc", trong đó cho phép khiếu nại trực tiếp về Văn phòng Bộ Ngoại giao, Cục lãnh sự hay ngay tại Lãnh sự, đồng thời chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao về công tác tiếp dân tại nước ngoài, qua đó cho thấy, thực ra 3/5 điều trên kiến nghị mà Uwaga định đề nghị về việc công khai mức phí lãnh sự, bổ sung giấy tờ, thái độ của nhân viên lãnh sự... đều đã được luật pháp Việt Nam quy định, nhưng không hiểu sao lãnh sự quán tại Ba Lan không thực hiện.
Tiếp đó là phần nên lên sự việc của lần lượt từng người có trên danh sách đăng ký:
1. Chị Hà Phương Linh: có con nhỏ, chỉ cần kéo dài hộ chiếu cho cháu mà bị hẹn nhiều lần tới mấy tháng, phải qua dịch vụ mới xong. Mẹ chị đi làm ủy quyền để nhận lương hưu bị thu 500 zł, trong khi giá niêm yết là 15 usd (67,5 zł)
2. Anh Mạc Đăng Vinh: đi làm hộ chiếu cho con mới đẻ mà bị lãnh sự Quế trừng mắt, quát nạt và thu 1.000 zł (thay vì 70 usd như quy định). Ngoài ra, anh còn nêu trường hợp mỗi tờ giấy hợp pháp hóa lãnh sự bị thu 300 zł (quy định là 10 usd) mà không có hóa đơn, chứng từ.
3. Anh Lê Trí Việt: đổi hộ chiếu mà gần 1 năm không được, sau đó hỏi thì dịch vụ Rào ra giá 2.000 zł, dịch vụ Triệu 1.800 zł, còn tuyên bố: "em lên không tự làm được đâu, phải xác minh...". Anh còn công bố chuyện những người tỵ nạn Ukraina bị lạm thu từ 4.500 tới 5.000 zł cho một quyển hộ chiếu, trong khi sang Đức làm không mất tiền.
4. Anh Trần Cao Công nói về việc làm chùa và các công trình văn hóa tại Ba Lan, lãnh sự quán chỉ tham gia khi chụp ảnh kết thúc, hoàn toàn không quan tâm tới quảng bá Việt Nam. Đồng thời, anh cũng phản ánh việc các dịch vụ giấy tờ công khai "mặc cả giá" với lãnh sự oang oang giữa chợ hàng ngày - vừa phản cảm, vừa gây ảnh hưởng tới cộng đồng.
5. Anh Nguyễn Hữu Vinh - vắng mặt.
6. Anh Nguyễn Viết Phương - vắng mặt.
7. Chị G. : có con 5 tuổi, chồng người Ba Lan lên làm hộ chiếu bị hành lên hành xuống trong thời gian dài, thậm chí còn có những đề nghị khiếm nhã, gạ gẫm. Khi chị đăng lên mạng xã hội thì Lãnh sự Quế xuống nước, giải quyết làm hộ chiếu cho con chị nhưng thu 2.500 zł (600 usd dù quy định là 70 usd). Đến khi chị đi đổi hộ chiếu cho bản thân thì tiếp tục bị hành, đòi phải có CCCD từ Việt Nam gửi sang, sau đó cuối cùng cũng đổi nhưng thu 70 usd + 200 zł tiền sửa đổi tên. Chị vẫn chưa nhận lại được hộ chiếu, chỉ có giấy hẹn nhưng không đề tới khi nào.
Đoàn làm việc đã chỉ đạo ngay lập tức anh Hà, nhân viên bên trong phòng lãnh sự đi tìm hồ sơ của chị G để giải quyết ngay lập tức.
8. Anh Nguyễn Quốc Phương: đề nghị hiểu cho sứ quán có những khó khăn riêng.
9. Anh Hoàng Đình Hữu, xin cấp hộ chiếu 10 tháng nay chưa được. Anh Hà nhân viên phòng Lãnh sự sau đó đã giải thích là do anh Hữu đang xin tỵ nạn ở Ukraina, nên chưa được cấp, phải có được quyết định từ chối cho tỵ nạn ở Ukraina thì mới có thể được cấp lại hộ chiếu Việt Nam. Tuy nhiên, lãnh sự Quế đã hoàn toàn không thông báo cho anh Hữu, khiến anh chờ đợi 10 tháng nay.
10. Anh Đặng Bá Giang - vắng mặt.
11. Chị Lê Thi Lan Anh - chuyện từ thời lãnh sự Nguyệt, bắt chị phải phải có giấy chứng nhận độc thân từ Việt Nam mới cho kết hôn, đòi 800 zł, dù chị sang Ba Lan khi còn là sinh viên, chưa đủ 18 tuổi. Khi chị Lan Anh ra chính quyền Ba Lan và xin giấy chứng nhận độc thân do Ba Lan cấp thì về cũng bị lãnh sự thu 400 zł tiền dịch, không công nhận "dịch công chứng ở bên ngoài". Chị cũng so sánh sự khác biệt giữa các lãnh sự và đặt câu hỏi: "Phải chăng do luật thay đổi hay mỗi lãnh sự sang là mỗi khác, khi giá cả lung tung, tăng vèo vèo ?"
12. Anh Bùi Văn Dư - đại diện cho bà con Phật tử lên khen Đại sứ có nhiều điều tốt, quan tâm, ủng hộ, tới sự phát triển Phật giáo và bà con theo đạo Phật tại Ba Lan.
13. Anh Nguyễn Sơn - vắng mặt
14. Anh Nguyễn Hồng Sinh - vắng mặt.
15. Anh Hoan Le kể về việc anh đổi hộ chiếu, do nộp đúng 70 usd nên "phải xác minh", chờ đúng 45 ngày mới lấy được hộ chiếu mới, dù Lãnh sự Quế đã ký hộ chiếu cho anh chỉ 7 ngày sau khi nộp.
Anh cũng đại diện cho chị Nguyễn Hồng Hoa kể về việc anh Quyền chồng chị trước khi mất tự đổi hộ chiếu cho 4 con, bị anh Quế phạt 800 zł vì "tội" quá hạn, dù thời gian đó là thời gian dịch bệnh, sứ quán cũng đóng cửa. Chị cũng đặt câu hỏi: "liệu có quy chế phạt như thế không trong thời kỳ dịch COVID và chính phủ Việt Nam có quy chế hành chính trong thời kỳ đó thế nào ?"
16. Bà Nguyễn Ngọc Thạch đại diện Hội Phụ nữ Việt Nam tại Ba Lan phát biểu về trách nhiệm bảo vệ công dân của Đại sứ quán, việc lạm thu và thái độ hách dịch của lãnh sự với người dân, "bao nhiêu nhiệm kỳ vẫn vậy" và đề cập tới việc do lãnh sự làm quá ít giờ.
Anh Cao Cong Tran bổ sung là cũng do lãng sự mở quá ít giờ nên người dân khó tiếp cận, phải qua dịch vụ, qua đó lạm thu 2 lần, cả trong lẫn ngoài khiến giá càng bị đấy lên.
17. Ông Nguyễn Xuân Nhung nhắc tới thỏa thuận 2016 là đã có cam kết cho phép được trả tiền qua mạng nhưng tới nay chưa thực hiện. Đồng thời khen anh Quế lãnh sự đã giúp ông có được hộ chiếu trong ngày thứ 7, mà do không để ý nên hết hạn, mà vé máy bay đã mua ngày chủ nhật.
18. Ông Lê Thiết Hùng thay mặt Hội người Việt đọc một bản kiến nghị 6 điểm, mà do chưa kịp chuẩn bị nên tối nay Hội mới sẽ gửi, qua đó nhận trách nhiệm không cảnh báo sứ quán trước những vấn đề trong cộng đồng, cũng như việc thông báo rồi hoãn họp hôm 4/03/2023 với những lý do "không rõ ràng". Ông cũng nhấn mạnh Hội người Việt là độc lập đối với sứ quán, vả bản thân ông cũng bị hành khi giải quyết thủ tục, thậm chí có nhân viên lãnh sự từng định đánh ông. Ông cũng đề nghị thiết lập kênh liên lạc riêng của Hội với Ủy ban Nhà nước về người Việt ở nước ngoài, "bởi có nhiều lý do tế nhị không muốn thông qua sứ quán".
19. Anh Phan Châu Thành trao tận tay Đại sứ Nguyễn Hùng đơn kiến nghị 5 điểm góp ý về công tác lãnh sự, đồng thời đề nghị tổ chức một buổi họp mỗi năm mỗi lần giữa lãnh sự và cộng đồng để phổ biến luật pháp cũng như làm rõ các vấn đề. Đồng thời đề nghị có thêm 1 buổi làm việc trực tiếp giữa phòng lãnh sự với toàn thể cộng đồng để trả lời về các khiếu nại trên mạng xã hội mà chị Mạc Việt Hồng đã đăng.
Anh cũng đề cập tới những tin nhắn rò rỉ của Hội người Việt và cho rằng bản thân luôn muốn đối thoại cởi mở, công bằng để cùng phát triển, xây dựng một cộng đồng tốt đẹp hơn, nên Hội không cần phải có những suy nghĩ tiêu cực như vậy.
20. Anh Lương Thành đưa ra trường hợp con anh bị dán nhầm ảnh từ năm 12 tuổi, dù giờ đây đã 25 tuổi. Mặc dù đã phản ánh ngay lúc nhận nhưng vợ anh nhận được câu trả lời: "Không sao đâu" từ lãnh sự, mà giờ thì không chịu đổi, cho rằng "hộ chiếu vẫn còn hạn". Đoàn làm việc đã chỉ đạo: "phải đổi ngay" cho anh.
21. Anh Nguyễn Thiện Dương, thông qua anh Mạc Đăng Vinh, có gửi đến một số câu hỏi về trách nhiệm của lãnh sự Quế, giờ mở cửa, nạn dịch vụ, thu phí lung tung và "liệu anh có lấy lại được tiền lạm thu không ?"
22. Chị Lê Thị Lan Anh có đặt câu hỏi về việc biểu tình ngày mai, liệu có bị quy chụp và có hậu quả không ? Đoàn trả lời là hoan nghênh đối thoại chứ không muốn đối đầu, nhưng không trả lời thẳng vào câu hỏi.
Trưởng đoàn làm việc, ông Mai Phan Dũng sau đó thông báo kết quả buổi làm việc:
- Lãnh sự sẽ tăng thời gian tiếp khách từ 2 lên ít nhất 3 buổi, tùy theo tình hình và tốc độ xử lý giấy tờ có thể tăng tiếp.
- Lãnh sự Nguyễn Minh Quế bị bãi nhiệm, phải về nước ngay lập tức để giải trình.
- Đại sứ Việt Nam tại Nguyễn Hùng sẽ trực tiếp chỉ đạo giải quyết việc của anh Nguyễn Thiện Dương.
- Đại sứ sẽ phải chỉ định ra nhân viên mới làm "quyền lãnh sự" một cách nhanh chóng, công khai việc thu phí cũng như biên lai...
- Chuẩn hóa các tiêu chuẩn giấy tờ, tiếp khách của lãnh sự.
- Ngay lập tức thi hành "khảo sát mức độ hài lòng" ở những người tới làm việc tại lãnh sự và Bộ Ngoại giao sẽ theo dõi sát việc này.
Cục trưởng Cục Lãnh sự ông Doãn Hoàng Minh thông báo về các quy tắc chuẩn hóa về công tác lãnh sự, thủ tục hành chính cũng như tiếp dân:
- yêu cầu phải giải thích đầy đủ, tỉ mỉ những giấy tờ còn thiếu, chứ không được phép "đuổi dân về bắt chờ",
- thái độ phải chuẩn mực, đúng ngoại giao
- việc nào làm được thì phải làm ngay.
- chuyện nào trả lời được thì phải trả lời ngay.
- Cung cấp e-mail của Cục Lãnh sự để bà con có thể khiếu nại bất cứ lúc nào. Ông cũng nói rằng, 3 năm qua không có bất kỳ một khiếu nại nào từ Ba Lan được gửi về.
Đại sứ Nguyễn Hùng đưa ra một số thông báo đáng chú ý về người Việt tỵ nạn từ Ukraina sang:
- Chỉ có thể cấp hộ chiếu dài hạn (10 năm) cho những người có được giấy phép cư trú tại Ba Lan.
- Sứ quán cấp hộ chiếu ngắn hạn (1 năm) cho tất cả mọi trường hợp không đủ điều kiện để họ có thể về Việt Nam theo quy định của Ba Lan.
- Những trường hợp chưa kịp trả lời hoặc chưa thể trả lời sẽ được trả lời trong thời gian tới, ngắn nhất có thể, cũng như xem xét những kiến nghị được gửi đến.
Cuối cùng, ông Trần Anh Tuấn, chủ tịch Hội người Việt phát biểu, xin lỗi bà con về những vụ lùm xùm vừa qua, nhận trách nhiệm về hội.
Tổng kết lại, ông Trưởng Đoàn làm việc Mai Phan Dũng mong rằng sẽ còn có nhiều sự phối hợp hơn giữa Bộ Ngoại giao và bà con cộng đồng để làm tốt hơn nữa công tác lãnh sự, và hy vọng sau này "có thể gặp nhau trong những hoàn cảnh vui vẻ hơn".
----
Tất cả những điều trên đây có được từ ghi chép tốc ký của mình, nếu có gì chưa chính xác, mình đề nghị mọi người góp ý để sửa. Riêng tên của bạn bị gạ gẫm, mình không đăng, để đảm bảo một sự riêng tư cho bạn. Cá nhân mình cam kết sẽ làm vụ này đến cùng, rất tiếc, mình đã không biết sớm hơn.
---
p.s. Mình không hiểu tại sao có tới 5 người đăng ký mà không đi, các bạn đã lấy đi cơ hội nói lên vấn đề của người khác. Đấu tranh thay đổi phải từ mỗi bản thân chúng ta, học, nói rồi làm, chứ không thể chỉ nhao nhao trên mạng dưới mấy cái nick.
Nói không thì giải quyết vấn đề gì ?
https://www.facebook.com/groups/1059505760803139/posts/6123731484380516/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét