Thứ Tư, 1 tháng 3, 2023

Chuyện Việt Nam ngày Thứ Tư 01 tháng 3 năm 2023

Quê Hương tổng hợp

Ông Võ Văn Thưởng được đề cử làm Chủ tịch nước

01/3/2023

Ông Võ Văn Thưởng được đề cử làm Chủ tịch nước

Thường trực Ban Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Võ Văn Thưởng tại họp báo kết thúc Đại hội 13 ĐCSVN ở Hà Nội hôm 1/2/2021 

AFP 

Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam hôm 1/3 đã nhất trí chọn Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng làm Chủ tịch nước theo đề nghị của Bộ Chính trị. Reuters trích dẫn các nguồn tin giấu tên biết rõ về vấn đề này cho biết như vậy.

Ông Võ Văn Thưởng, 52 tuổi, là người sẽ thay thế Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, người vừa xin từ chức vào hồi tháng 1 vừa qua vì những sai phạm của cấp dưới.


Trang thông tin báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam và các báo Nhà nước khác hiện chỉ mới đưa tin về quyết định giới thiệu nhân sự để bầu giữ chức Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021 – 2026 nhưng chưa có thông tin nào về việc ông Thưởng được bầu vào vị trí này.

Theo thủ tục, sau khi được Ban Chấp hành Trung ương bầu chọn, ông Thưởng vẫn phải được Quốc hội phê chuẩn chính thức trong một phiên họp bất thường dự định diễn ra vào ngày 2/3.

Hiện tại, quyền Chủ tịch nước do bà võ Thị Ánh Xuân – Phó chủ tịch nước đảm nhận cho đến khi Quốc hội bầu ra Chủ tịch nước mới.

Ngay trước khi có tin về quyết định nhân sự mới của Đảng Cộng sản Việt Nam, các nguồn tin ngoại giao và chuyên gia nước ngoài đã xác nhận về việc ông Thưởng sẽ là Chủ tịch nước sau khi Bộ trưởng Công an Tô Lâm - ứng viên nặng ký cho chức vụ này – xin rút lui và bày tỏ mong muốn hoàn tất hai nhiệm kỳ trong cương vị hiện tại.

Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc nhận xét với Đài Á Châu Tự Do rằng ông Thưởng thích hợp với vị trí này vì “ông ta là một phần của bộ máy, ông ta sống và hít thở nó.”

Vị chuyên gia về an ninh và chính trị Việt Nam nhận xét: “Sự nghiệp chính trị của ông ấy là làm công tác xây dựng Đảng, công tác quản lý cán bộ, lý luận, tuyển dụng, giảm quan liêu…”

Ông Võ Văn Thưởng bắt đầu sự nghiệp từ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, sau đó được đề bạt là Bí thư Đoàn. Ông cũng có bằng về Chủ nghĩa Mác – Leenin, triết học và học ở Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Cũng trong ngày 1/3, Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định bầu bổ sung ba Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII là các ông: Nguyễn Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Địa bàn I, Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Đinh Hữu Thành, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Bình; Lê Văn Thành, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Cần Thơ.

‘Tính ác’ từ nền giáo dục XHCN: Đánh bạn ngất xỉu, chườm đá cho tỉnh rồi đánh tiếp

Lê Thiệt /SGN
28/02/2023

Nữ sinh N. bị nhóm bạn đánh hội đồng – Ảnh: Cắt từ clip trên mạng xã hội 

Không ai có thể nghĩ nhóm nữ sinh (học cao nhất là lớp 8) lại có thể ra tay tàn ác với bạn học như thế. Mới đầu, khi xem đoạn video clip đánh hội đồng này, có người nghĩ có chỉ là một đoạn phim nói về bạo lực học đường.

Trong cuộc nói chuyện giữa ông Nguyễn Văn Tĩnh – Hiệu trưởng Trường THCS Quảng Đại (tỉnh Thanh Hóa) và phóng viên báo Dân Trí, ông Tĩnh xác nhận sự việc, và công an thành phố Sầm Sơn, đang xác minh em T.T.Y.N., học sinh lớp 6B, bị nhóm bạn đánh hội đồng, phải quỳ gối khóc thảm thiết.

Các đoạn video clip ghi lại cảnh một nữ sinh bị nhóm bạn liên tục túm tóc, đánh hội đồng, mặc cho nạn nhân quỳ gối, gào khóc, van xin thảm thiết. Điều đáng nói, sự việc diễn ra có sự chứng kiến của nhiều học sinh, nhưng không ai vào can ngăn, thậm chí còn có hành động cổ vũ, hò reo, đồng thời quay clip.

Trao đổi với phóng viên Dân Trí, anh T.V.S. (bố nữ sinh N.) cho biết, vợ chồng anh vừa đưa con gái từ bệnh viện về nhà. Hiện sức khỏe của N. đã dần ổn định, tuy nhiên em đang có biểu hiện hoảng loạn về tinh thần. Anh kể:

“Khi xem các đoạn clip tôi như rụng rời tay chân, đau đến đứt ruột gan. Các nữ sinh nhốt con tôi tại nhà rồi thay nhau đánh. Gần 40 phút tại căn nhà, có lúc con tôi ngất, các nữ sinh này lại lấy đá chườm vào mặt cho tỉnh, rồi mua sữa cho uống, đợi con tôi tỉnh lại, đánh tiếp”.

Vợ chồng anh S. đau lòng khi kể lại sự việc – Ảnh: M.A./Dân Trí 

Anh S. cho biết, vợ chồng anh sinh được bốn người con. Trong đó, nữ sinh N. là con út, N. rất ngoan ngoãn và không có quen biết gì với nhóm học sinh đã đánh hội đồng mình.

Theo anh S., từ khi biết sự việc con gái bị đánh hội đồng, vợ chồng anh rất buồn, không chợp được mắt. Mọi công việc trong gia đình đều gác lại để an ủi, động viên con sớm ổn định lại tinh thần.

“Mỗi lần xem lại clip, vợ tôi liên tục khóc. Làm người cha, tôi chưa bao giờ đánh con lấy một lần. Nay chứng kiến cảnh này, tôi rất đau lòng, mong rằng cơ quan chức năng sớm có biện pháp xử lý nghiêm để răn đe các cháu. Bởi các cháu đang còn nhỏ, nếu để tình trạng này kéo dài sẽ rất nghiêm trọng”, người cha nghẹn ngào nói.

Sau khi đoạn clip xuất hiện trên mạng xã hội, nhiều người tỏ ra vô cùng bất bình trước hành động bạo lực của nhóm học sinh này. Có người lên tiếng “phải bỏ tù hoặc đưa các nữ sinh đánh bạn này vào trại giáo dưỡng, nếu không chúng sẽ trở thành ‘chị Đại’ (tên một nhân vật giang hồ trong phim ảnh) trong tương lai”.

Tài khoản Nguyễn Cao Cường cho rằng nền giáo dục hiện này đã hoàn toàn thất bại, vì lãnh đạo ngành chỉ lo tìm cách moi tiền phụ huynh học sinh. “Đám này lớn lên dù làm bất cứ việc gì cũng sẽ là trộm cắp lừa đảo, bạo lực”.

Tài khoản Nguyễn Văn Tuyên cũng cho rằng nền giáo dục Việt Nam đã tan hoang, “xé nát nhân cách học sinh”, nên mới tạo ra một thứ học sinh vô nhân tính như thế. “Cái ác đang hoành hành trong xã hội vô thần và tàn bạo!”

Hơn 130 tàu cá Việt Nam bị kẹt ở Trường Sa kêu cứu 

28/02/2023 

VOA Tiếng Việt 

Tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam đang lên hàng (hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa)

Tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam đang lên hàng (hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa) 

Hơn 130 tàu cá của tỉnh Bình Thuận với hơn 500 ngư dân mắc kẹt nhiều ngày tại vùng biển xung quanh quần đảo Trường Sa do đang kêu cứu vì đang cạn dần thức ăn và nước uống, báo chí trong nước đưa tin.

Nguyên nhân bị mắc kẹt là do sau khi ra khơi đánh bắt từ đảo Phú Quý từ sau Tết, tức khoảng đầu tháng 2, các tàu cá này đã gặp bão và phải tìm chỗ trú tránh bão ở quần đảo Trường Sa. Cho đến nay, tức là đã gần một tháng, các tàu cá này vẫn chưa thể về nhà được do thời tiết xấu, tờ Người Lao Động cho biết.

Theo tờ báo này, trong thời gian qua, vùng biển khu vực Trường Sa có gió giật rất mạnh với, sóng cao từ 3 đến 4,5 mét. Tình hình thời tiết này đã kéo dài liên tục cho đến giờ.

Trong khi đó, các tàu cá này chỉ đem theo dự trữ lương thực, thực phẩm đủ cho khoảng 20 ngày, tức là khoảng thời gian đủ để đánh bắt và quay về, và đến nay đã cạn kiệt. Dự báo thời tiết mưa bão do gió mùa đông bắc sẽ tiếp tục trong hơn một tuần nữa.

Trước tình hình đó, chính quyền huyện đảo Phú Quý đã kêu cứu lên Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận. Chủ tịch tỉnh này, ông Đoàn Anh Dũng, đã có công văn cho Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Vùng 3 và Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 4 nhờ giúp đỡ, cũng theo Người Lao Động.

“Nếu không có biện pháp hỗ trợ kịp thời thì các tàu cá neo đậu tại các âu tránh trú bão sẽ thiếu hụt lương thực, thực phẩm, nước ngọt nghiêm trọng, nguy cơ ảnh hưởng đến tinh thần, sức khỏe, tính mạng của ngư dân,” tờ Tuổi Trẻ dẫn công văn của tỉnh Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận cho biết.

Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 4 đã chỉ đạo lực lượng trú đóng trên đảo Đá Lát cung cấp cho mỗi tàu 15 ký gạo và 60 lít nước ngọt. Ngoài ra, cơ quan này còn yêu cầu các tàu đang làm nhiệm vụ ở khu vực đảo Đá Lát, nơi các tàu cá đang tránh bão, ‘sẵn sàng hỗ trợ các ngư dân gặp nạn’.

Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 4 cũng cho biết đến sáng ngày 28/2, lực lượng của họ mới tiếp cận được các tàu cá và đưa được ngư dân lên các đảo, Tuổi Trẻ cho biết.


Chuyện làm hộ chiếu 

Chả nói ra ai cũng biết hộ chiếu (tên tây là passport) là thứ giấy tờ tùy thân. “Tùy” có nghĩa theo, đi theo. Tùy thuộc là lệ thuộc theo ai đó. Phu xướng phụ tùy là chồng nêu lên khơi lên, còn vợ nghe theo làm theo (vợ thời xưa khổ thế đấy, chứ đâu được tự ý hoặc… quang quác như bây giờ). Tùy thân là mang (cái gì đó) theo mình, trong con người (thân) mình. Ví dụ đi rừng phải luôn đem theo con dao phát thì con dao ấy là dụng cụ tùy thân.


Con người ta càng ở xã hội văn minh thì càng bị lắm giấy tờ để chứng minh bản thân, luôn đem nó theo trong mình. Giấy/thẻ ấy có tên chung là giấy tờ tùy thân. Bị công an hạch hỏi giấy tùy thân đâu - quên, không có - a lê về đồn. Đã trót làm cái thân người thì phải có giấy căn cước, sau được chính quyền đổi thành chứng minh thư, rồi lại đổi thành chứng minh nhân dân, rồi đổi tiếp thành căn cước công dân. Chỉ riêng cái tên của giấy/thẻ tùy thân đã chóng cả mặt với các bố. Đó là chưa kể đủ loại 9 số, 12 số, mã vạch, gắn chíp, không biết đâu mà lần.


Nhân đây, công dân Thông cào cũng xin góp ý với quốc hội, với bộ công an, với chú Tô Lâm, chú Tô Văn Huệ, chú Tô Ân Xô và nhiều chú: Thứ “giấy” tùy thân phổ biến nhất hiện nay là cái “căn cước công dân”. Vậy xin hỏi, ngoài con người (công dân) được cấp, thực ra là mua bởi dân phải trả tiền chứ các chú có cho không ai cái gì, thì căn cước ấy có cấp cho loài vật nào không, con chó con mèo con chim chẳng hạn. Không ai cấp căn cước cho con bò bao giờ bởi nó không phải công dân. Nếu không cấp, và chắc chắn không, thì tại sao phải đèo thêm chữ “công dân” vào làm gì. Vừa rườm rà, vừa sai trầm trọng. Dài nhưng lại thiếu hẳn một chữ quan trọng: Thẻ. Quốc hội họp mấy trăm ông bà, họp bao nhiêu buổi để ra luật về căn cước nhưng chẳng vị tinh hoa nào phát hiện ra sự “đầu thiếu đuôi thừa”, lòng thòng vô nghĩa ấy. Còn công an cứ nhắm mắt làm, không hề thắc mắc, có ý kiến, lâu nay họ là vậy.


Tại sao không đặt cho chiếc thẻ tùy thân đó cái tên gọn gàng, chính xác “Thẻ căn cước”? Chỉ cần vậy thôi là đã quá đủ, quá chính xác. Trước tháng 4 năm 1975, ở miền Nam thời chính quyền Sài Gòn - Việt Nam cộng hòa, tên của thẻ tùy thân là vậy, “thẻ căn cước”.


Thời trước, sống ở nông thôn miền Bắc, khi độ tuổi thiếu nhi tôi chẳng có giấy thẻ nào. Chỉ đi học và ra đồng, cần quái gì giấy tờ. Ngay cả vào đội thiếu nhi, rồi sau được kết nạp đoàn, đám lãnh đạo “chúng nó” cũng chỉ tuyên bố hôm nay chúng tao kết nạp mày, mày đã thành đội viên, thành đoàn viên, thế thôi, chứ không phát thẻ thiếc gì sất. Tới đủ 17 tuổi thì công an huyện cấp cho cái thẻ căn cước, thứ giấy tờ cá nhân khởi thủy của một đời người, giấy/thẻ tùy thân của một công dân. Tôi vẫn còn nhớ, trong cái giấy vào đời ấy, phần đặc điểm nhân dạng của đương sự là tôi, công an ghi rõ “Sống mũi thẳng khúc khuỷu”. Chị tôi than, giời ạ, đã thẳng lại còn khúc khuỷu nữa thì là mũi gì. (còn tiếp)


Tái phím: Một ông em/bạn tôi than, anh viết dài, em thích đọc mà không có đủ thì giờ một lúc để đọc cho hết. Lại một ông bạn cũ nhắn tin, viết đéo gì mà ngắn thế, chả chịu dài dài để đọc một thể. Chẳng biết thế nào mà chiều. Hỏi thằng ChatGPT, mày ơi, vậy bao nhiêu thì vừa, nó quả quyết cứ sáu bảy trăm chữ là OK.


Nguyễn Thông

 
Ảnh: Bằng chứng về tên Thông cào không giống ai, bởi sống mũi đã thẳng lại còn khúc khuỷu


https://thongcao55.blogspot.com/2023/03

Tổng hợp tình hình y tế Việt Nam

Lê Phương tổng hợp

“Hết sạch vật tư y tế”, Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức đồng loạt “kêu” Bộ Y tế (23-2-2023)

https://hoangtran204.wordpress.com/2023/02/24

HÀ NỘI Ông Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, cho biết nhiều hóa chất, vật tư tại đơn vị đang cạn kiệt, có hóa chất chỉ đủ dùng trong 7 ngày nữa. “Đây là việc ‘cấp cứu của cấp cứu’, cần được tháo gỡ ngay lập tức. Nếu không đủ hóa chất, vật tư, bệnh viện sẽ chỉ tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu hoặc không thể hoạt động”, ông Trần Bình Giang nói tại tọa đàm Ngành y vượt khó, sáng 23/2. Tình trạng này không chỉ diễn ra ở Việt Đức mà còn ở một số bệnh viện tuyến cuối khác.

Nguyên nhân: Dự thảo sửa đổi, bổ sung nghị định 98/2021 có điều khoản gia hạn giấy phép nhập khẩu/số đăng ký đến ngày 31/12/2023 chưa được phê duyệt. Điều này dẫn đến bệnh viện không mua được hóa chất xét nghiệm, và các trang thiết bị y tế…

Nam Phương /23-2-2023

(Dân trí) – Giám đốc BV Việt Đức gọi tình trạng thiếu vật tư y tế là “cấp cứu của cấp cứu”. “Vật tư tiêu hao phục vụ mổ chúng tôi còn rất ít, khoảng 1 tháng nữa là hết”, GS.TS Trần Bình Giang nói.

Sáng 23/2, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm Ngành y vượt khó nhằm tháo gỡ những trở ngại, vướng mắc đang tồn tại.

Bệnh viện Việt Đức sắp hết hóa chất xét nghiệm 

GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) cho biết, các bệnh viện lớn trên toàn quốc hầu như đã hết vật tư y tế để dành cho chăm sóc người bệnh, các hóa chất xét nghiệm cũng hết. 

Dự thảo sửa đổi, bổ sung nghị định 98/2021 có điều khoản gia hạn giấy phép nhập khẩu/số đăng ký đến ngày 31/12/2023 chưa được phê duyệt. Điều này dẫn đến bệnh viện không mua được hóa chất xét nghiệm, trang thiết bị y tế…

Hết sạch vật tư y tế: Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức đồng loạt kêu Bộ Y tế - 1

GS.TS Trần Bình Giang Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Ảnh: H.N). 

Cụ thể, bệnh viện không mua được các hóa chất định lượng nồng độ thuốc trong máu của bệnh nhân ghép tạng, các hóa chất miễn dịch, hóa chất khí máu, vật tư hút máu đông, miếng dán cố định phẫu trường, kim gây tê tủy sống…

“Hiện tại hóa chất khí máu chỉ còn đủ dùng một tuần, hóa chất ghép tạng đủ dùng cho 2 tuần. Việc thiếu hụt các hóa chất, vật tư này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khám chữa bệnh. Bệnh viện đã họp nhưng rất khó khăn”, ông Giang cho biết. 

Liên quan đến việc mua sắm hóa chất xét nghiệm sử dụng cho các hệ thống xét nghiệm, theo ông Giang hiện nay trên thị trường hệ thống máy xét nghiệm chủ yếu là hệ thống máy đóng. Vì vậy, bệnh viện đang gặp một số khó khăn như:

Tình huống số 1: Bệnh viện mua máy hoặc thuê máy xét nghiệm thì đồng nghĩa với việc bệnh viện phụ thuộc vào hóa chất sử dụng cho máy đó trong suốt dòng đời của máy hay trong thời gian thuê. Vì thế, khi đấu thầu sẽ rơi vào tình trạng chỉ có một hóa chất, sẽ vi phạm quy định về chỉ định thầu. 

Tình huống số 2: Bệnh viện thực hiện thuê máy hoặc liên doanh liên kết theo hướng dẫn của Nghị định 151/2017/NĐ-CP thế nhưng hiện chưa có văn bản hướng dẫn cách xác định giá trị thương hiệu đối với các bệnh công lập.

Tình huống số 3: Hiện nay tại tất cả các bệnh viện đấu thầu hóa chất chạy máy, đơn vị trúng thầu sẽ cung cấp các giải pháp để triển khai xét nghiệm bao gồm phần mềm kết nối với mạng LIS, máy xét nghiệm, chuyển giao kỹ thuật, bảo hành, bảo trì… Tuy nhiên, hiện chưa có các văn bản quy phạm pháp luật cho hoạt động này.

Bên cạnh đó, danh mục các mặt hàng hóa chất xét nghiệm, vật tư y tế tiêu hao thông thường chưa được chuẩn hóa nên khi tra cứu và so sánh giá vô cùng khó khăn, dẫn tới phát sinh nguy cơ sai sót trong quá trình thực hiện đấu thầu…

Riêng tại Bệnh viện Việt Đức, chi phí xét nghiệm khoảng 20 tỷ đồng mỗi tháng và chi phí đầu tư cho hệ thống xét nghiệm lên tới 50 tỷ đồng.

Ngoài ra, các vật tư tiêu hao phục vụ mổ chỉ đủ dùng trong một tháng. Nhưng hầu hết giấy phép với vật tư tiêu hao vẫn chưa được gia hạn.

“Đây là việc “cấp cứu của cấp cứu”, làm sao để tháo gỡ sớm vì chỉ còn khoảng 1 – 2 tuần nữa, các bệnh viện sẽ gần như không làm được. Các vật tư tiêu hao phục vụ mổ cũng chỉ còn 1 tháng nữa là hết”, lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức nói. 

Bệnh viện Bạch Mai: Bệnh nhân đông nhưng thu không đủ bù chi

Hết sạch vật tư y tế: Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức đồng loạt kêu Bộ Y tế - 2

GS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Ảnh: VGP/Quang Thương). 

Tương tự, tại Bệnh viện Bạch Mai PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện cho biết đây là vấn đề vô cùng khó trong giai đoạn hiện nay. Khi các bệnh viện tuyến dưới thiếu vật tư, thiếu thuốc thì họ rất tín nhiệm Bệnh viện Bạch Mai. Người dân cũng như vậy, chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai rất nhiều.

Ngay sau Tết, số lượng bệnh nhân tăng đột biến. Do vậy thiết bị để phục vụ khám chữa bệnh của bệnh viện đang thiếu trầm trọng. Hầu hết các thiết bị của bệnh viện 10 năm qua thực hiện liên doanh liên kết. Khi hết hợp đồng, các thông tư về liên doanh, liên kết cũng đã hết hiệu lực và bệnh viện đang chờ các thông tư mới, quy định mới. Vì thế, hiện tại không thể tái ký hợp đồng cũng như không thể ký các hợp đồng mới được. 

Việc đầu tư, mua sắm các thiết bị mới thì bệnh viện không có nguồn ngân sách. 

Về tài chính, ông Cơ cho biết 3 năm qua, những khó khăn về tài chính dẫn đến nguồn tài chính chi thường xuyên cho cán bộ nhân viên của Bệnh viện Bạch Mai giảm trầm trọng. 10 năm trước, bệnh viện có nguồn thu từ các hoạt động liên doanh liên kết, giá thu tương đối đúng tương đối đủ. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện liên doanh liên kết có những văn bản pháp quy chưa phù hợp. 

Vì thế, nhiều đề án liên doanh liên kết của bệnh viện vướng vào pháp lý, làm các đề án này dừng lại. Hiện nay, toàn bộ bệnh viện thu giá viện phí bằng giá của Bảo hiểm y tế. Trong khi đó giá của Bảo hiểm y tế đã ban hành từ rất lâu. Nhiều giá dịch vụ kỹ thuật hết sức lỗi thời, giá vật tư, thiết bị tăng rất nhiều, tiền lương cũng tăng lên. 

“Vì thế nên dù bệnh nhân đến bệnh viện rất đông nhưng chênh lệch thu chi không đủ nên đãi ngộ với nhân viên y tế rất thấp. Chúng tôi hiện nay đã phải vay quỹ phát triển sự nghiệp để chi thường xuyên, làm thu nhập của y bác sĩ giảm rất nặng. Vì thế, cứ mỗi khi có bệnh viện nào mới thành lập, kể cả bệnh viện công lập thành lập khoa mới thì cán bộ bệnh viện lại rục rịch xin sang các đơn vị đó”, ông Cơ nói. 

Hết sạch vật tư y tế: Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức đồng loạt kêu Bộ Y tế - 3

Nhiều thiết bị y tế tiền tỷ tại Bệnh viện Bạch Mai hiện “đắp chiếu” (Ảnh: Tố Linh). 

Hiện tại số lượng bệnh nhân rất đông, mỗi ngày có thể đến 8.000-10.000 người dân đến khám. Số lượng bệnh nhân nội trú khoảng 4.000 người/ngày. 

“Chúng tôi đang rất lo lắng đến ngày 1/7 chi cho lương mới thì nguồn chi thường xuyên của bệnh viện chưa chắc đã đủ để chi lương cho cán bộ y tế. Đây là điều hết sức khó khăn. Vì thế tôi mong Bộ Y tế, Chính phủ sớm có các văn bản hướng dẫn để tháo gỡ khó khăn”, lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh. 

Theo ông, nếu như các bệnh viện khó khăn một thì Bệnh viện Bạch Mai khó khăn gấp đôi vì vướng vào những vấn đề pháp lý hết sức phức tạp, đặc biệt là câu chuyện liên doanh liên kết đã dừng, thiết bị không có, thiếu. Nguồn thu của bệnh viện toàn bộ từ bảo hiểm y tế.

Lấy ví dụ với giá siêu âm ổ bụng, theo ông có bệnh viện thu giá khám theo yêu cầu là 110.000, 150.000 đồng thì bệnh viện chỉ thu chưa đến 50.000 đồng. Nhiều người cứ bảo sao Bệnh viện Bạch Mai đông bệnh nhân thế mà cứ kêu thiếu tài chính. Nhưng thực tế hiện không có cơ chế tài chính nào cho bệnh viện thực hiện giá viện phí đúng.  

Vì thế, ông khẩn cầu mong muốn Bộ Y tế sớm tháo gỡ cho bệnh viện. 

Hết sạch vật tư y tế: Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức đồng loạt kêu Bộ Y tế - 4

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên (Ảnh: VGP/Quang Thương). 

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết: “Trên báo cáo đề nghị của các cơ sở y tế toàn quốc, rồi ý kiến phản ánh của người dân cũng như qua quá trình theo dõi, chúng tôi thấy những khó khăn, thách thức của ngành y tế trong giai đoạn hiện nay”.

Cụ thể, hệ thống thể chế liên quan đến lĩnh vực y tế cơ bản đã hoàn thiện nhưng vẫn còn những bất cập nhất định và đặc biệt là những bất cập liên quan đến mua sắm, đấu thầu, liên doanh liên kết, sử dụng tài sản công. Và có nhiều nội dung chúng ta cũng chưa thể hiện hết được quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết 20, 21 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII.

Bên cạnh đó, tình trạng thiếu thuốc, vật tư trang thiết bị y tế ở một số cơ sở y tế trên toàn quốc chưa được khắc phục một cách triệt để. Số lượng hồ sơ đăng ký cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc cũng như trang thiết bị còn tồn đọng lớn và chưa được giải quyết một cách triệt để. 

Theo Thứ trưởng, chế độ đãi ngộ hiện nay chưa tương xứng với đặc thù ngành, áp lực với công việc rất lớn. 

Về tháo gỡ tài chính cho các bệnh viện, Thứ trưởng cho biết Bộ đã trình Chính phủ ban hành văn bản nghị định, đặc biệt trong luật Khám chữa bệnh sửa đổi cũng có hẳn một chương về tài chính trong các bệnh viện. 

Bộ cũng đang dự thảo trình Chính phủ ban hành nghị định về khám chữa bệnh theo yêu cầu, các nghị định liên quan đến liên doanh liên kết.

=====

Giám đốc Bệnh viện Việt Đức: ‘Hóa chất, vật tư chỉ còn đủ dùng trong một tuần’ 

23-2-2023

HÀ NỘI GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, cho biết nhiều hóa chất, vật tư tại đơn vị đang cạn kiệt, có hóa chất chỉ đủ dùng trong 7 ngày nữa. “Đây là việc ‘cấp cứu của cấp cứu’, cần được tháo gỡ ngay lập tức. Nếu không đủ hóa chất, vật tư, bệnh viện sẽ chỉ tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu hoặc không thể hoạt động”, ông Trần Bình Giang nói tại tọa đàm Ngành y vượt khó, sáng 23/2. Tình trạng này không chỉ diễn ra ở Việt Đức mà còn ở một số bệnh viện tuyến cuối khác.

Theo ông Giang, hóa chất xét nghiệm công thức máu (xét nghiệm đơn giản nhất) tại đơn vị mình chỉ đủ dùng trong một tuần. Số lượng vật tư điều trị cho bệnh nhân xẹp đốt sống cũng hạn chế, chỉ chỉ định cho trường hợp cấp cứu. Ngoài ra, bệnh viện còn thiếu hóa chất định lượng nồng độ thuốc trong máu của bệnh nhân ghép tạng, hóa chất miễn dịch, hóa chất khí máu, vật tư hút máu đông, miếng dán cố định phẫu trường, kim gây tê tủy sống.

Nguyên nhân của tình trạng này là, đa số hóa chất do các công ty cung cấp, kèm theo máy đặt, mượn. Trước đây, cơ quan chức năng cho phép thanh toán bảo hiểm y tế với các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy đặt, mượn do nhà thầu cung cấp. Như vậy, bệnh viện có nguồn thu cũng như cơ sở pháp lý để đấu thầu mua sắm hóa chất, triển khai các xét nghiệm phục vụ người bệnh.

Tuy nhiên, điểm mới trong Nghị quyết 144 quy định, các hợp đồng ký sau tháng 11/2022 (thời hạn áp dụng đến tháng 11/2023) sẽ không được bảo hiểm y tế chi trả. Do đó, từ tháng 12 năm ngoái, bệnh viện không thể kéo dài hình thức mượn máy, đặt theo kết quả đấu thầu hóa chất như trước, dẫn đến thiếu hụt. Đặc biệt, những hóa chất quan trọng và ảnh hưởng đến cấp cứu, khám, điều trị bệnh nhân như công thức máu, đông máu, Mg… đã hết số lượng thầu.

Mặt khác, hiện các vật tư tiêu hao phục vụ mổ chỉ đủ dùng trong một tháng, nhưng hầu hết giấy phép với những sản phẩm này vẫn chưa được gia hạn.

Giám đốc Bệnh viện Việt Đức đề nghị Bộ Y tế cùng các cơ quan liên quan cần “vào cuộc hết sức cấp thiết” để xây dựng, ban hành các thông tư, nghị định, giúp bệnh viện có hành lang pháp lý giải quyết khó khăn.

Việt Đức là bệnh viện chuyên khoa hạng đặc biệt của Bộ Y tế, trung tâm ngoại khoa hàng đầu khu vực phía Bắc. Từ 2022 đến nay, cơ sở y tế này thực hiện hơn 79.000 ca mổ – không nhiều bệnh viện trên thế giới có thể triển khai con số tương tự. Ngoài ra, mỗi ngày bệnh viện có hàng nghìn bệnh nhân đến khám, điều trị, chờ phẫu thuật.

Ngoài thiếu hụt vật tư y tế, GS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết đơn vị này đang đối mặt với những khó khăn “vô cùng” về tài chính, phải sử dụng nguồn quỹ phát triển sự nghiệp tiết kiệm hơn 10 năm qua để chi tiêu. Ba năm gần đây, bệnh viện không được đầu tư cũng như không mua sắm thiết bị. Các tòa nhà xuống cấp trầm trọng, không được di tu bảo dưỡng, trong khi bệnh viện quá tải, mỗi ngày khám, điều trị 8.000-12.000 bệnh nhân.

Bạch Mai cũng đang phải bỏ không nhiều thiết bị y tế, do thông tư liên doanh liên kết hết hiệu lực, trong khi thông tư mới chưa ban hành. Do đó, đơn vị không thể tái ký hợp đồng, còn mua mới thì “không có tiền”. Việc này đang ảnh hưởng đến hàng nghìn người bệnh, trong đó có nhiều trường hợp nan y hiểm nghèo.

“Vì những lý do trên, chúng tôi đang đề xuất khẩn cấp với Bộ Y tế và Chính phủ đầu tư một nguồn ngân sách để bệnh viện sớm có các thiết bị phục vụ công tác khám chữa bệnh khẩn cấp cho người bệnh”, ông Cơ chia sẻ.

Cũng trong tọa đàm, Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết sau đại dịch, ngành Y đang đối mặt với 9 khó khăn. Đầu tiên, dịch Covid vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn, nguy cơ xuất hiện nhiều biến chủng mới. Cùng với đó là những đợt bùng phát sốt xuất huyết, đậu mùa khỉ, viêm gan cấp trong bối cảnh hệ thống y tế chưa giải quyết được những khuyết điểm giai đoạn trước.

Tiếp theo, hệ thống thể chế liên quan lĩnh vực y tế cơ bản hoàn thiện song còn bất cập liên quan mua sắm, đấu thầu, liên doanh liên kết, tài sản công.

Bên cạnh đó, năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, dự phòng còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ tiêm chủng ở một số địa phương chưa đảm bảo. Đặc biệt, sự quảng cáo về tác dụng của thực phẩm chức năng chưa đúng quy định hiện diễn biến phức tạp, đặc biệt trên mạng xã hội.

Ngoài ra, tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến cuối chưa được giải quyết, trong khi dịch vụ y tế tuyến dưới chưa được nâng lên. Tình trạng chênh lệch về các chỉ số sức khỏe như tỷ lệ tử vong ở mẹ cũng như trẻ em ở các vùng chưa cải thiện rõ rệt.

Mặt khác, năng lực sản xuất trang thiết bị còn khó khăn, mới dừng ở trang thiết bị y tế thông dụng, công nghệ còn thấp, chưa được chú trọng. Hệ thống xử lý nước thải ở cơ sở tuyến tỉnh quá tải, kết quả xử lý đầu ra chưa đạt yêu cầu.

Tình trạng thiếu thuốc chưa được khắc phục, số lượng hồ sơ đăng ký cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc còn tồn động lớn.

Quản lý, đào tạo chất lượng nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu thực tế và hội nhập. Cùng với đó là tình trạng nghỉ việc của nhân viên y tế, chuyển từ công sang tư, trong đó có thầy thuốc tay nghề cao.

Cuối cùng, chuyển đổi số và thông tin chưa đáp ứng yêu cầu, ngân sách chi cho bảo hiểm y tế có tăng, song tổng chi cho đầu người vẫn thấp. Tỷ lệ chi tiền túi chiếm khoảng 43% trong tổng chi tiêu y tế.

Bên cạnh những nội dung về thiếu hóa chất, vật tư y tế, các đơn vị mong muốn sớm cụ thể hóa Luật Khám chữa bệnh sửa đổi. Theo đó, luật này sẽ có hiệu lực tháng 1/1/2024 nhưng hiện vẫn chưa có các văn bản hướng dẫn dưới luật, khiến những khó khăn tiếp tục ách tắc.

Để tháo gỡ cho các bệnh viện, ông Tuyên cho biết Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành văn bản nghị định, đặc biệt trong luật Khám chữa bệnh sửa đổi cũng có hẳn một chương về tài chính trong các bệnh viện. Bộ cũng dự thảo trình Chính phủ ban hành nghị định về khám chữa bệnh theo yêu cầu, các nghị định liên quan đến vấn đề máy móc liên doanh liên kết.

Tại tọa đàm, các chuyên gia còn chia sẻ những khó khăn nhân viên y tế đang gặp phải như lương, phụ cấp thấp, điều kiện làm việc nguy hiểm. Do đó, chuyên gia đề xuất cần sớm có chính sách điều chỉnh phụ cấp tiền lương cho y bác sĩ trong thời gian này. Ngoài ra, cần đảm bảo an ninh, an toàn cho thầy thuốc bằng các quy định pháp luật cụ thể. (Lê Nga)

=====

‘Không dùng máy mượn, máy đặt thì bệnh viện đóng cửa’ 

TP HCMSáng 30/9, đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết hiện giá khám chữa bệnh chưa tính khấu hao máy móc trong khi bệnh viện không được dùng máy đặt máy mượn thì nguy cơ đóng cửa.

“Cơ cấu giá viện phí không có tính khấu hao, bệnh viện tự chủ từ năm 2009 đến nay các đời máy đều đã cũ, lấy tiền đâu mua máy mới, bắt buộc phải dùng máy mượn, máy đặt. Trong giai đoạn này chưa cơ cấu vào giá thì không mượn không đặt máy bệnh viện đóng cửa”, tiến sĩ Nguyễn Nhật Hải, Trưởng Phòng Tài chính Kế toán, Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ khi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM giám sát việc thực hiện cơ chế tự chủ và đấu thầu mua sắm thuốc.

Chợ Rẫy là bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt, tuyến cuối tại miền Nam, quy mô 3.201 giường, được giao thực hiện cơ chế tự chủ theo nhiều giai đoạn, trong đó từ năm 2022 đến nay bệnh viện tự chủ theo nghị định 60 (chi thường xuyên). Tuy nhiên theo bà Hải, bệnh viện tự chủ nhưng nguồn thu do nhà nước quy định trong khi nguồn chi theo giá trị trường, nên không bao giờ đi đến điểm chung. Nghị định quy định giá dịch vụ y tế do nhà nước ban hành, bệnh viện không được quyền quyết định, nhưng hiện nghị định này cũng chưa ban hành. Bà Hải đề nghị nhà nước chỉ xây dựng định mức, còn giá cụ thể của bệnh viện thì phụ thuộc giá đầu vào.

Thời gian qua, cơ quan bảo hiểm xã hội ngừng thanh toán BHYT cho dịch vụ chẩn đoán hình ảnh thực hiện trên máy mượn, máy đặt tại bệnh viện do các công ty cung cấp, và Bộ Y tế cần hướng dẫn các bệnh viện chuyển sang thuê máy. Trong khi, hơn 90% máy móc trang thiết bị ở các bệnh viện nói chung là theo hình thức mượn, đặt. Do đó, việc BHYT ngừng thanh toán cho loại hình này bị các bệnh viện phản ứng là ảnh hưởng lớn đến chất lượng khám chữa bệnh của người dân.

Quy định “không được dùng máy đặt máy mượn” trong bệnh viện khiến các bác sĩ Chợ Rẫy bức xúc vì gây khó khăn trong chẩn đoán và điều trị bệnh nhân thời gian qua. Bác sĩ Trần Thành Vinh, Trưởng Khoa Hóa sinh cho biết hiện bệnh viện thiếu hóa chất, thiếu trang thiết bị theo các hình thức đặt máy, nên không đủ xét nghiệm để trả cho người bệnh, đưa đến nguy cơ nguy hiểm là không đủ kết quả chẩn đoán để bác sĩ khám và điều trị bệnh nhân kịp thời. Ngoài ra tình trạng này còn tạo gánh nặng lớn cho công tác xét nghiệm. Ví dụ trước đây có thuốc thử, đủ hệ thống máy móc, giờ thiếu chỉ còn một hệ thống hoạt động, các hệ thống khác tạm dừng dẫn đến quá tải, nguy cơ sai sót.

Vấn đề nữa, theo bác sĩ Vinh, hiện nay phần lớn trang thiết bị là máy đặt, máy mượn. Hình thức khác như thuê cũng chưa có hướng dẫn, cho tặng thì các nhà cung cấp lớn chưa có chủ trương; bệnh viện cân nhắc tiếp nhận vì phải bảo trì bảo dưỡng sẽ vướng khi đấu thầu sửa chữa máy, mua thì không có tiền. “Hình thức máy mượn, máy đặt là hợp lý nhất, giúp cho lĩnh vực xét nghiệm rất nhiều. Đó là điều chúng tôi rất trăn trở”, bác sĩ Vinh nói.

Đồng tình với ý kiến cần “máy mượn, máy đặt”, Trưởng Khoa Huyết học, bác sĩ Trần Thanh Tùng chia sẻ rằng dưới góc nhìn “bác sĩ làm chuyên môn”, chuyên khoa này có đặc thù vừa lâm sàng, vừa labo, gắn liền với các khâu hội đồng thuốc, hội đồng khoa học, chấm thầu… Đề xuất định mức thiết bị y tế là chủ trương đúng, cần có định mức, nhưng thông tư 08 ra đời năm 2019 chưa đầy đủ, cần bổ sung. Đặc biệt trong lĩnh vực huyết học chưa có định mức một số xét nghiệm như xét nghiệm sinh học phân tử di truyền.

Do đó ông cho rằng việc đặt máy, mượn máy đỡ được gánh nặng về chi phí nhà nước, phù hợp thông lệ quốc tế, nhiều nước giàu vẫn áp dụng. Ở các nước, máy đặt, mượn 3-5 năm thì hóa chất trọn gói 3-5 năm. Ở bệnh viện đặc biệt thì 3-5 năm là máy cũng đã xuống cấp, thiết bị mới ra đời. Các hệ thống máy xét nghiệm ở bệnh viện hiện nay chủ yếu là tự động với hàng loạt vấn đề đi theo là hóa chất, vật tư, không thể đem hóa chất máy này dùng cho máy kia, mà phải dùng hóa chất tương thích. “Chủ trương của Bộ Y tế là liên thông xét nghiệm đòi hỏi chuẩn một mức thì máy móc phải chuẩn”, bác sĩ Tùng nói.

Đề xuất sửa viện phí

Thạc sĩ Tôn Văn Tài, Trưởng Đơn vị Đấu thầu, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết khung giá dịch vụ khám chữa bệnh chỉ mới tính 4/7 cấu phần; thuốc, hóa chất, vật tư tiêu hao thanh toán bằng giá mua vào, chưa tính chi phí quản lý, hao hụt, bảo quản, kho lưu trữ. Chi phí điện nước tính theo thời điểm ban hành giá, trong khi giá thay đổi theo tình hình nhà nước, nếu tăng cũng được tính. Chi phí duy tu bảo dưỡng được tính 2-5%, nhưng hầu hết trang thiết bị y tế cũ nên cao hơn mức này.

Một số dịch vụ y tế chưa có khung giá để quy mức giá tương đương, chỉ 11% có giá, nếu áp giá tương đương thì một số dịch vụ không phù hợp. Các giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu, theo nghị định 60 sẽ có mức cụ thể nhưng đến nay vẫn chưa có khung giá.

Chi phí tiền lương mới tính cho bộ phận trực tiếp là bác sĩ, điều dưỡng, còn bộ phận gián tiếp chưa được tính. Đại diện điều dưỡng bệnh viện ý kiến là khung viện phí chưa tính cho lực lượng điều dưỡng. Điều dưỡng trưởng Chợ Rẫy cho biết trong bệnh viện khoảng 60-70% khối lượng công việc do các điều dưỡng thực hiện, trong khi đó rất ít dịch vụ của người điều dưỡng được tính giá. Thực tế này đã ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc bệnh nhân, ảnh hưởng tuyển dụng điều dưỡng, triển khai thêm các dịch vụ chăm sóc người bệnh. Ví dụ bệnh nhân thở máy, tối thiểu hút đàm 12 lần/ngày, đòi hỏi điều dưỡng được huấn luyện, tốn nhiều thời gian thực hiện, nhưng công việc này không được tính vào chi phí giá, chỉ tính cho các công việc kỹ thuật cao của bác sĩ.

Các bác sĩ thì thắc mắc “tại sao lại giới hạn định mức một bác sĩ được khám bao nhiêu ca một ngày”, vì thực tế hiện nay số lượng bệnh nhân đông và bác sĩ khám theo nhu cầu người bệnh. Do đó họ đề nghị tính chất lượng bác sĩ vào giá khám chữa bệnh, chẳng hạn bác sĩ giỏi sẽ khám nhanh, siêu âm nhanh. Trả lời vấn đề này, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM, cho biết năm 2018 đoàn làm việc với Bệnh viện Nhân dân Gia Định, đại diện cơ quan quản lý trả lời là việc quy định định mức số ca khám bệnh nhằm bảo vệ sức khỏe bác sĩ, máy móc có thời gian nghỉ ngơi để sử dụng bền hơn. Tuy nhiên bà cũng nhìn nhận là số lượng bệnh nhân quá đông, bác sĩ không thể bỏ bệnh nhân, cho nên cần phải tính toán lại định mức khám số bệnh nhân trên một bác sĩ.

Ba cấu phần chưa tính vào viện phí là khấu hao tài sản (sẽ không có nguồn thu để đầu tư mua sắm trang thiết bị); chi phí hoạt động gián tiếp để vận hành bệnh viện; chi phí đào tạo bồi dưỡng chuyển giao công nghệ (sẽ hạn chế phát triển các kỹ thuật mới, không có nguồn đào tạo cán bộ). Mức giá nhà nước quy định cho hoạt động thu chưa tính phần tích lũy, chi phí quản lý, giá trị hư hao trong quá trình lưu bảo quản vật tư, thiết bị, dẫn đến nguồn thu thấp hơn nguồn chi.

“Tính ổn định giá của nhà nước chưa thay đổi, trong khi giá đầu vào năm sau cao hơn năm trước. Giá trị thặng dư trong quá trình hoạt động gần như bị triệt tiêu do chính sách định mức số ca/ngày/máy”, ông Tài nói và dẫn chứng như dịch vụ siêu âm bệnh viện được quy định thực hiện 48 ca/ngày, nếu cao hơn thì không được bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán. Trong khi đó, số bệnh nhân khám chữa bệnh hàng ngày tại Chợ Rẫy lên đến hàng nghìn lượt, nhu cầu siêu âm, xét nghiệm phục vụ chẩn đoán bệnh rất cao.

Vì vậy, “Chợ Rẫy đề xuất thanh toán đủ 7 cấu phần trong giá dịch vụ y tế. BHYT cần xem xét sửa đổi nghị định 146 trong thanh toán giá dịch vụ khám chữa bệnh”, ông Tài đề nghị.

Mua thuốc tại nhà thuốc trong Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: Quỳnh Trần

Bệnh nhân mua thuốc tại nhà thuốc trong Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: Quỳnh Trần 

Thiếu thuốc và đấu thầu mua sắm

Thời gian qua, Bệnh viện Chợ Rẫy gặp nhiều khó khăn trong đấu thầu, mua sắm y tế, dẫn đến thiếu thuốc, vật tư y tế điều trị bệnh nhân. Hồi tháng 6, bệnh viện không chỉ thiếu một số loại thuốc hiếm, biệt dược dùng điều trị chuyên sâu mà còn thiếu cả một số loại thuốc phổ biến, giá rẻ, chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu điều trị.

Về đấu thầu mua sắm, Trưởng Đơn vị Đấu thầu Bệnh viện Chợ Rẫy nêu khó khăn là giai đoạn xây dựng giá dự toán theo thông tư 58 phải xác định giá dự toán vì thuốc là hàng hóa đặc biệt. Việc mua thuốc hiếm gặp khó khăn trong cung ứng thuốc do nhiều nguyên nhân. Do đó ông Tài cho rằng nên đấu thầu tập trung quốc gia hoặc cho bệnh viện áp dụng chỉ định thầu rút gọn để đảm bảo thuốc điều trị bệnh nhân, vì đấu thầu rộng rãi sẽ tốn thời gian, ảnh hưởng điều trị.

Về giá hàng hóa mua sắm, ông đề nghị “chọn giá hợp lý nhất chứ không phải giá thấp nhất” để đảm bảo chất lượng vật tư phục vụ người bệnh. Ông cũng kiến nghị cho phép các bệnh viện hạng 1 trở lên được lựa chọn thương hiệu trong mua sắm các trang thiết bị, và Bộ Y tế cần quy định chi tiết như thế nào là “tình huống cấp bách trong y khoa” để chỉ định thầu giúp kịp thời có thuốc cho người bệnh.

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM, nhìn nhận những khó khăn trên bệnh viện đã kiến nghị rất lâu mà chưa giải quyết được. “Ngành y tế cần được cấp cứu để hoàn thành nhiệm vụ, bởi bác sĩ quá tải, điều kiện phục hồi sức khỏe khó khăn, vật tư thiếu thốn”, ông Nhân nói và cho biết Đoàn sẽ nghiên cứu để chắt lọc, kiến nghị của thành phố đến Quốc hội về vấn đề liên quan tự chủ bệnh viện, đấu thầu, giải quyết nhanh các bức xúc hiện nay.

Chợ Rẫy là một trong 4 bệnh viện đầu ngành thí điểm tự chủ toàn diện, kế hoạch tiến hành từ năm 2019. Tuy nhiên, ngay từ đầu, Chợ Rẫy cùng với Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) xin không thực hiện tự chủ toàn diện theo Nghị quyết 33, mà chỉ tự chủ thanh toán chi phí (theo Nghị định 60). Giữa tháng 8, hai bệnh viện còn lại là Bạch Mai và K lần lượt xin dừng tự chủ toàn diện, chỉ thực hiện theo Nghị định 60, do gặp nhiều khó khăn.

Chiều 29/9, Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM giám sát việc thực hiện cơ chế tự chủ và đấu thầu mua sắm thuốc tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh. Lãnh đạo bệnh viện cho biết gặp nhiều khó khăn khi hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính như thiếu kinh phí, càng làm càng thâm hụt…

Theo kế hoạch, chiều 30/9, Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM giám sát tại Bệnh viện Quận 11, tuần sau làm việc với Bệnh viện Ung bướu, tiếp theo là Sở Y tế để nghe thêm các kiến nghị. (Lê Phương)

=====

Chợ Rẫy đề xuất 4 giải pháp ngăn thiếu thuốc, nhân viên bỏ việc 

25-8-2022

TP HCM . Chiều 25/8 làm việc với quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan, đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy nêu 4 kiến nghị nhằm khắc phục tình trạng thiếu thuốc cục bộ, “chảy máu chất xám” y tế.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, đề nghị bổ sung nhân viên chuyên sâu chuyên lo đấu thầu, mua sắm; đồng thời khẩn trương ban hành nghị quyết về liên doanh liên kết xã hội hóa y tế. Ông đề nghị chấp nhận hình thức máy mượn máy đặt để sử dụng hóa chất trúng thầu trong y tế. Thời gian vừa qua những vướng mắc trong quy định chi trả bảo hiểm y tế cho bệnh nhân thực hiện các chẩn đoán trên máy mượn máy đặt tại bệnh viện, không thanh toán chi phí dịch vụ này, dẫn đến ảnh hưởng lớn đến bệnh nhân và hiệu quả điều trị của bác sĩ.

“Bác sĩ đi học nghề về mà không có máy móc để làm việc và ứng dụng là bị lụt nghề, dễ bỏ việc để ra y tế tư làm”, bác sĩ Thức nói và đề nghị nên tính đúng tính đủ giá dịch vụ y tế; bổ sung công nghệ thông tin trong giá dịch vụ y tế; cải thiện thu nhập phụ cấp cho nhân viên y tế để giữ người.

Tám tháng đầu năm, Bệnh viện Chợ Rẫy có 77 nhân viên y tế nghỉ việc, bằng với con số nghỉ của cả năm 2021. Ông Thức cho biết: “Tuy vậy tỷ lệ nghỉ việc vẫn dưới 2%, theo quản lý nhân sự y tế thì dưới 2% là bình thường. Nguyên nhân nghỉ đa số họ chuyển ra y tế tư, chỉ có một số ít đi xuất cảnh”.

Bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, trong cuộc họp với quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan, chiều 25/8. Ảnh: An Mỹ

Bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, trong cuộc họp với quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan, chiều 25/8. Ảnh: Hiểu Khuê 

Đại diện công đoàn bệnh viện cũng cho biết các y bác sĩ muốn gắn bó với nghề, được tạo điều kiện làm việc tốt với đầy đủ máy móc thiết bị, có cơ hội phát triển nghề nghiệp. Tuy nhiên, hiện nhiều máy móc thiết bị vướng quy định về xã hội hóa, khi bệnh viện khiếu nại chỉ mới giải quyết được khẩn cấp, 80% nhu cầu các khoa chưa giải quyết được. Y tế tư và y tế công vẫn cạnh tranh, dẫn đến “mất người”.

Còn tiến sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, nói Chợ Rẫy là tuyến cuối nên thường xuyên nhận khó khăn của các tỉnh. Ví dụ, tất cả tỉnh đều thiếu thuốc men, bệnh nhân dồn về tuyến trên nên gần như Chợ Rẫy đang gánh chịu những khó khăn tuyến dưới. Như dịch sốt xuất huyết đang tăng, 6 tháng đầu năm bệnh viện điều trị 450 ca bệnh nặng, trong khi trước đây chưa bao giờ viện cáng đáng số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết đông như thế, 5 năm trước chỉ 300 ca/năm. Thuốc men, vật tư bệnh viện đã chuẩn bị trước nhưng do bệnh nhân dội lên quá cao dẫn đến thuốc càng thiếu. Các khoa khác của bệnh viện cũng gặp tình trạng này, các bác sĩ cố gắng giải quyết nhưng e ngại quá tải sẽ ảnh hưởng chất lượng điều trị.

“Tôi làm việc 30 năm ở Chợ Rẫy, ai ở đây cũng mong muốn tiếp tục làm việc vì rất tự hào nhưng gần đây có những cái đôi khi cuộc sống phải thay đổi, áp lực nặng quá. Không chỉ tiền lương, môi trường làm việc, như ở Chợ Rẫy rất tốt, mà chính sách, áp lực tâm lý khiến nhiều người ra đi”, bác sĩ Hùng nói và chia sẻ “nếu dịch quay trở lại không biết có bao nhiêu nhân viên y tế làm việc”.

Chợ Rẫy là bệnh viện hạng đặc biệt, tuyến cuối của cả khu vực miền Nam, đang hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính nhóm hai thuộc Nghị định 60 (tự chủ chi thường xuyên). Bệnh viện cấp cứu trung bình 300 bệnh nhân một ngày, đa số là bệnh nhân nặng chuyển đến từ các nơi. Khoảng 4.500-5.000 bệnh nhân khám một ngày trong đó hơn 48% là khám theo diện bảo hiểm y tế. Trung bình số bệnh nhân điều trị nội trú là 2.300, với số ngày nằm viện mỗi người trung bình là 6,7. Gần 20.000 ca mổ đã được các bác sĩ thực hiện trong nửa năm qua, trong đó mổ cấp cứu hơn 8.000 ca. Tuy vậy, doanh thu 6 tháng đầu năm là 3.134 tỷ đồng, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái.

Chia sẻ về giá dịch vụ y tế, quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói rằng với vai trò nhà quản lý, Chính phủ đứng trên góc độ cả bệnh viện lẫn người dân. “Làm sao tính đúng tính đủ giá cho bệnh viện mà về phía người dân phần chi phí thêm có cách gì giảm đi được không. Đây là hai mặt của một vấn đề, phải làm sao hài hòa lợi ích cả hai phía”, bà Lan nói.

Phản hồi quyền Bộ trưởng, bác sĩ Thức nêu quan điểm “tính đúng tính đủ không phải là lạm dụng người bệnh, mà bệnh viện lấy vừa đủ để tồn tại và tích lũy vừa phải để phát triển, chứ không phải tích lũy theo kiểu lạm thu”. Với quan điểm này, ông đề nghị giá viện phí phải được rà soát lại, phải có giá trần “chặn trên để bệnh viện không phải muốn tính giá bao nhiêu thì tính”.

Ông ví dụ, trong ngành y tế, mua thiết bị giá rẻ tưởng là tiết kiệm nhưng thực chất thiết bị này không đáp ứng yêu cầu điều trị. Phải thiết bị y tế tốt thì hiệu quả điều trị mới tốt cho bệnh nhân, giảm tai biến, giảm nhiễm trùng, giảm nằm viện, xuất viện sớm, về nhà lao động tạo ra của cải xã hội “đôi khi có lợi hơn”. Hôm 21/8, trong cuộc họp với Thủ tướng Phạm Minh Chính, bác sĩ Thức cũng nêu vấn đề bệnh viện mua sắm dao mổ nhưng “rạch ba nhát mới đứt da” để miêu tả tình trạng vật tư y tế giá rẻ kém chất lượng.

Gỡ vướng trong thủ tục mua sắm y tế

Thời gian qua, Bệnh viện Chợ Rẫy gặp nhiều khó khăn trong đấu thầu, mua sắm y tế, dẫn đến thiếu thuốc, vật tư y tế điều trị bệnh nhân. Hồi tháng 6, bệnh viện không chỉ thiếu một số loại thuốc hiếm, biệt dược dùng điều trị chuyên sâu mà còn thiếu cả một số loại thuốc phổ biến, giá rẻ, chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu điều trị. Trong khi đó, đây là một trong những bệnh viện đa khoa tuyến cuối lớn nhất cả nước, mỗi ngày có hàng nghìn lượt bệnh nhân từ nhiều tỉnh thành đến khám chữa bệnh.

Mới đây Chợ Rẫy đã gửi 14 kiến nghị đến Bộ Y tế với mong muốn được sớm giải quyết tình trạng thiếu thuốc. Trong cuộc làm việc chiều nay, ông Nguyễn Hoàng Long, Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) cho biết đã xem xét những kiến nghị này và có ý kiến xử lý. Đơn cử, Chợ Rẫy đề nghị bổ sung hướng dẫn xây dựng dự toán mua sắm thuốc lấy giá bình quân của năm trước liền kề hoặc bình quân báo giá. Tuy nhiên Bộ Y tế cho rằng đang áp dụng Thông tư 15 quy định cụ thể nguyên tắc đấu thầu, do đó các bên cần thực hiện theo. Đối với đề xuất sử dụng giá trung bình, bệnh viện cần có công văn gửi Vụ và Cục Quản lý Dược, “ý kiến này cần thiết để chúng tôi sửa đổi Thông tư 15”, ông Long nói.

Kiến nghị thứ hai của Chợ Rẫy đối với vấn đề này là đưa thuốc hiếm vào danh mục mua sắm tập trung quốc gia hoặc chỉ định thầu rút gọn. Theo ông Long, với mua sắm tập trung quốc gia, quy định hiện nay dành cho mặt hàng được sử dụng nhiều, nhiều đơn vị cùng dùng, số lượng lớn để tiết kiệm giá, chưa xem xét đến thuốc hiếm, chưa đưa vào đấu thầu tập trung quốc gia. Phương án chỉ định thầu đã có một số quy định, điều 22 áp dụng với gói thầu cần triển khai ngay để tránh nguy hại sức khoẻ tính mạng người dân. Nghị định 63 quy định áp dụng chỉ định thầu rút gọn khi nhu cầu thuốc hiếm có phát sinh đột xuất trong trường hợp cấp bách. Ông Long cho biết Thông tư 15 sửa đổi đang hướng dẫn rõ hơn.

Thứ ba, bệnh viện đề xuất không nên yêu cầu phải có đủ 3 báo giá khi đấu thầu mua sắm vật tư trang thiết bị. Vụ Kế hoạch Tài chính phản hồi là Bộ Tài chính đã quy định 5 phương thức, hiện Bộ Y tế sử dụng một trong 5 phương thức này. Nếu theo phương thức báo giá thì phải có đủ 3 báo giá, còn không thì làm theo 4 phương thức còn lại.

Chợ Rẫy cũng đề nghị trong đấu thầu không nên lấy giá thấp nhất mà phải là giá hợp lý nhất. Ông Long ghi nhận đây là thực tế khó khăn cho các cơ sở y tế. Quy định đấu thầu là những đơn vị nào đạt tiêu chuẩn kỹ thuật thì mới vào vòng giá, nhưng trên thực tế thì còn nhiều khó khăn.

Những đề xuất khác của Chợ Rẫy như xác định tình huống khẩn cấp để chỉ định thầu, cho phép bệnh viện hạng một trở lên lựa chọn các thương hiệu trong mua sắm trang thiết bị, tính đúng tính đủ giá dịch vụ y tế… Bộ Y tế ghi nhận và sẽ có hướng dẫn rõ hơn. Riêng về quy định máy mượn máy đặt – là vấn đề Bệnh viện Chợ Rẫy gặp phải do phần lớn máy móc thiết bị y tế dành chẩn đoán bệnh nhân đều thuộc dịch vụ này – ông Long cho hay hiện nay dự thảo nghị quyết trình Chính phủ đề xuất cho phép thanh toán bảo hiểm y tế đối với máy mượn máy đặt.

Theo Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn, sau thời kỳ Covid-19 cả nước bây giờ trong giai đoạn hồi phục. Bên cạnh phát triển kinh tế xã hội, ngành y tế, đặc biệt là Bệnh viện Chợ Rẫy đã có bước hồi phục nhanh chóng. Người thụ hưởng nhiều nhất kết quả này là nhân dân đồng bào phía Nam, được tiếp cận công tác khám bệnh, điều trị bệnh lý, tiếp cận điều trị bệnh nhân nặng từ các địa phương.

Ông Sơn cho rằng 4 kiến nghị của Chợ Rẫy nêu trên, sau cuộc họp với Thủ tướng hôm 21/8 đã được giải tỏa phần hết sức quan trọng là giao các bộ ngành như Tài chính, Y tế… tìm cách giải quyết. “Ngành y tế cần khẩn trương xem lại rà soát, hướng dẫn bổ sung các quy định thuộc thẩm quyền trực tiếp của ngành, cố gắng đề xuất để tạo hành lang thông thoáng giải tỏa các khó khăn cho các đơn vị”, Thứ trưởng Sơn nói và nhắc đến cơ chế tự chủ bệnh viện “là vấn đề hết sức quan trọng”.

Chợ Rẫy là một trong 4 bệnh viện đầu ngành thí điểm tự chủ toàn diện, kế hoạch là tiến hành từ năm 2019. Tuy nhiên, ngay từ đầu, Chợ Rẫy cùng với Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) xin không tiến hành tự chủ toàn diện theo Nghị quyết 22, mà chỉ tự chủ thanh toán chi phí (theo Nghị định 60). Trong vòng một tuần qua, hai bệnh viện còn lại là Bạch Mai và K lần lượt xin dừng tự chủ toàn diện, chỉ thực hiện theo Nghị định 60, do gặp nhiều khó khăn.

Quyền Bộ trưởng Lan cho biết Bộ Y tế sẽ trình Chính phủ tháo gỡ các khó khăn trước mắt, cụ thể là vấn đề mua sắm thuốc và trang thiết bị; sửa Nghị định 54 theo hướng giá mua sắm là thời điểm nào sẽ được hướng dẫn sớm; thanh toán chi phí dịch vụ chẩn đoán trên các máy mượn máy đặt; giải quyết nợ thanh toán tồn đọng liên quan bảo hiểm xã hội… Ngành y tế cũng tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, cải cách thủ tục hành chính và cải thiện độ hài lòng của người bệnh, xây dựng những thương hiệu bệnh viện công với điều kiện làm việc và thu nhập không thua kém khối bệnh viện tư để giữ chân y bác sĩ.

Lê Phương


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét