Thứ Năm, 2 tháng 3, 2023

Tưởng Năng Tiến – Cỏ Hôi

Tôi ít học và lười đọc nên mãi đến năm 2011 mới được nhà văn Vũ Thư Hiên giới thiệu cho tập Tùy Tưởng Lục của Ba Kim. Qua tác phẩm này, tôi lại biết thêm một người cầm bút (danh tiếng) khác của đất nước Trung Hoa – Lão Xá.

Ông cũng là một nạn nhân bi thảm trong cuộc Cách Mạng Văn Hoá. Cứ theo như  lời của Ba Kim thì Lão Xá đã “ngậm hờn mà chết.” Ông trầm mình vào ngày 24 tháng 4 năm 1966, với lời trối trăn (“Tôi yêu nước ta lắm chứ, thế nhưng ai yêu tôi?”) khiến ai cũng cảm thấy ngậm ngùi.

Nỗi đắng cay của Lão Xá cũng khiến tôi nhớ đến đôi lời cay đắng (khác) nghe được ngay sau khi Chiến Tranh Việt Nam vừa chấm dứt :


Gần nhà tôi có cụ Lập, hơn bảy chục tuổi, thổi clarinette dàn nhạc cung đình của Bảo Đại, cùng dàn nhạc theo cách mạng, đánh Pháp rồi tập kết ra Bắc … Sống một mình. Nghèo, đói… 

Bây giờ, tôi mau mắn mừng cụ sắp được đoàn tụ gia đình. Nhưng cụ nắm tay tôi:

– Cảm ơn ông, đoàn với ai, tụ với ai? Vợ con chưa biết hiện ở đâu, đi theo nhà khác mất rồi có khi. Họ hàng thì chết trong Tết Mậu Thân… Tôi về đó vẫn lại trơ làm thằng tập kết đợt hai trơ trọi một mình… Ra đi để thống nhất đất nước, bây giờ ai thống nhất với thân già tôi? (Trần Đĩnh. Đèn Cù II. Westminster, CA: Người Việt, 2014).

Cụ Lập, tất nhiên, không phải là người duy nhất sống “nghèo đói” và “trơ trọi một mình” như thế. Tôi còn biết thêm nhiều ông cụ nữa, cũng rơi vào hoàn cảnh bẽ bàng (và lỡ làng) tương tự :

“Điển hình nhất là ông Đốc Huệ và ông Đốc Thỉnh của tỉnh Bến Tre. Một học giả uyên thâm có bằng cử nhân Văn chương Pháp thời Pháp thuộc có được mấy người. Nếu ở lại với Pháp thì ông đã vinh thân phì da vào hạng nhất Nam kỳ, nhưng ông đã đem cả gia đình đi kháng chiến. Ra Bắc về Nam hai lần. Khi hiệp ước Hòa Bình 54 được ký kết ông Thỉnh bị bỏ quên…

Riêng ông Mười Huệ chủ tịch tỉnh Bến Tre chín năm liền, ra Bắc được phong cho chức Thư ký của Hội Việt Pháp Hữu Nghị ở đường Lý Thường Kiệt và được cho ở trong một cái garage tồi tàn dột nát đầy sách nát của Tây vứt lại trước khi chúng chuồn. Ông Mười có bệnh cánh tay phải, không được săn sóc, không có cả bếp để nấu cơm phải đi ăn vất vưởng ở hợp tác xã bữa có bữa không hoặc bằng những ổ bánh mì nguội nài nỉ mua bằng những hào bạc hiếm hoi còn sót lại của tháng lương chết đói.

Ngồi viết những dòng này tôi còn trông thấy ông trên những nẻo đường kháng chiến của Ba Tri, Giồng Trôm, Tán Kế mà tôi kính yêu như một thần tượng. Ôi kháng chiến mà chi. Anh dũng mà chi. Thành Đồng Đất Thép để làm gì? Tất cả đều đút vào mồm con sói mặt đỏ Bắc kỳ tên là Hồ Chí Minh thôi. Một tên sát nhân, một thằng bịp lớn nhất lịch sử Việt Nam.”  (Xuân Vũ & Dương Đình Lôi. 2000 Ngày Đêm Trấn Thủ Củ Chi. QII. California: Xuân Thu, 1998).

Tôi hoàn toàn chia sẻ cái tâm cảm uất hận của nhà văn Xuân Vũ. Tuy thế, tôi e rằng ông không được hoàn toàn khách quan khi mang hết đám dân miền Nam tập kết bỏ chung vào … một rọ để cho “một thằng bịp lớn nhất lịch sử Việt Nam” lạm dụng. Thực tế thì cũng có kẻ này, kẻ nọ, chớ Bác và Đảng đâu có bạc đãi tất cả mọi người.

Gần đây, trên trang Vietnamnet (đọc được vào hôm 13/05/2020) Ths Vũ Thị Kim Yến có những ghi nhận như sau :

Đến năm 1975, hơn 15.000 học sinh miền Nam được đào tạo qua bậc đại học và sau đại học ở các trường đại học trong và ngoài nước. Phần lớn các “hạt giống đỏ” mà Bác Hồ, Đảng ta và nhân dân miền Bắc gieo trồng ngày nào đã nẩy mầm thành những cây vạm vỡ, vững chắc.

Trong số này, có 6 ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng; 18 nguyên ủy viên TƯ Đảng, 3 Bí thư Tỉnh ủy; 18 Thứ trưởng và Chủ tịch tỉnh…

Điển hình như nguyên Phó Chủ tịch QH Trương Quang Được, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm UB Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em Trần Thị Thanh Thanh, nguyên Bộ trưởng Văn hoá Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Trưởng Ban Nội chính TƯ Nguyễn Bá Thanh…

Nhiều học sinh miền Nam trở thành lãnh đạo cấp cao trong lực lượng công an, quân đội như Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn, Thượng tướng Trương Quang Khánh, Trung tướng Bùi Quang Bền...

Đặc biệt, hiện tại, nhiều học sinh miền Nam vẫn đang đảm nhận những trọng trách rất quan trọng của đất nước như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình… 

Không ai chối cãi được rằng có những hạt giống đỏ miền Nam mà Bác và Đảng gieo trồng nay đã đơm bông. Chỉ có điều đáng tiếc lại là loại hoa hôi. Tuy đều “đảm nhận những trọng trách rất quan trọng của đất nước” nhưng những nhân vật thượng dẫn đều không thực hiện được một thành quả nào ráo, ngoài những lời lẽ mị dân hoặc những câu tuyên bố ngây ngô hay sáo rỗng : 

Nguyễn Thiện Nhân : “Đến năm 2010, giáo viên sống được bằng lương.”

Nguyễn Xuân Phúc: “Hợp tác xã là con đường để đưa nhân dân đến gần hơn với lý tưởng cao đẹp của chủ nghĩa xã hội.”

Nguyễn Bá Thanh: “Sắp tới tôi sẽ rà một số cái, cho hốt liền, khỏi nói nhiều.”

Nguyễn Hòa Bình: “Nếu không có đủ căn cứ chứng minh là tội nặng thì phải quyết có tội nhưng tội nhẹ.” 

Nguyễn Khoa Điềm: “Bây giờ tôi chỉ còn chường cái mặt tôi ra trong thơ.” 

 Gọi họ là những tinh hoa của miền Nam trong đám người tập kết thì (nghe chừng) không ổn. Về hạn từ này, dịch giả Phạm Nguyên Trường đã rất cẩn thận khi dụng bút: “Nghĩa của từ ELITE: the richest, most powerful, best-educated, or best-trained group in a society cho nên nếu luôn luôn dịch là TINH HOA thì e rằng không đúng.” Vẫn theo lời ông thì có lắm kẻ chỉ đáng gọi là thuộc giới ăn trên ngồi trốc.

Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Bá Thanh, Nguyễn Thiện Nhân, Nguyễn Hòa Bình, Nguyễn Xuân Phúc … quả đúng là những kẻ thuộc giới ăn trên ngồi trốc. Họ là  những hạt giống đỏ được gieo trồng từ miền Bắc, và đã ươm mầm thành cây. Loại cây này, học giả Phan Khôi gọi một cách lịch sự là cây Cộng Sản. Còn dân gian thì gọi là cỏ hôi hay cây cứt lợn!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét