Thứ Tư, 1 tháng 3, 2023

Thời sự đó đây ngày Thứ tư 01 tháng 3 năm 2023

Võ Thái Hà tổng hợp

Tòa Bạch Ốc ra lệnh xóa TikTok khỏi các thiết bị của chính phủ

Tòa Bạch Ốc ra lệnh xóa TikTok khỏi các thiết bị của chính phủ

Một chiếc điện thoại thông minh có logo TikTok hiển thị được đặt trên bo mạch chủ của máy điện toán trong hình minh họa này được chụp hôm 23/02/2023. (Ảnh: Dado Ruvic/Reuters) 

Hôm thứ Hai (27/02), Tòa Bạch Ốc đã ra lệnh xóa ứng dụng TikTok do Trung Quốc sở hữu ra khỏi tất cả các thiết bị và hệ thống của chính phủ trong vòng 30 ngày nhằm giữ an toàn cho dữ liệu của Hoa Kỳ.

Văn phòng Quản lý và Ngân sách (OMB) cho biết trên Twitter rằng chính phủ Tổng thống (TT) Biden “đã xem việc thúc đẩy an ninh mạng của quốc gia chúng ta là một ưu tiên rac đầu.”

Cơ quan này viết: “Hôm nay, OMB sẽ đưa ra hướng dẫn về việc khai triển ‘Đạo luật Không sử dụng TikTok trên các Thiết bị của Chính phủ’, yêu cầu các cơ quan ngừng sử dụng ứng dụng này trừ một số trường hợp nhất định.”


Giám đốc OMB Shalanda Young đã ban hành chỉ thị này cho tất cả các cơ quan liên bang, yêu cầu họ chặn lưu lượng truy cập internet đến công ty thuộc sở hữu của Trung Quốc như một phần của kế hoạch loại bỏ ứng dụng này.

Một bản ghi nhớ của OMB nêu rõ rằng các cơ quan phải giải quyết mọi hoạt động sử dụng TikTok của các nhà cung cấp CNTT thông qua hợp đồng trong vòng 90 ngày. Hơn nữa, họ phải đưa lệnh cấm mới đối với TikTok vào tất cả các yêu cầu mới trong vòng 120 ngày.

Theo bản ghi nhớ này, mặc dù một vài cơ quan sử dụng ứng dụng này trên các thiết bị của chính phủ có thể được phép — chẳng hạn như cho các hoạt động an ninh quốc gia, thực thi pháp luật hoặc nghiên cứu bảo mật — nhưng các trường hợp miễn trừ cho toàn bộ cơ quan sẽ không được phép.

Tuy nhiên, theo bản ghi nhớ, lãnh đạo cơ quan phải chấp thuận các hoạt động như vậy.

Úc, Nhật Bản có thể tuần tra chung với Philippines và Mỹ ở Biển Đông

Thu Hằng /RFI

01/3/2023

Lực lượng tuần duyên Philippines tuần tra tại khu vực bãi Đá Vành Khăn (Whitsun Reef), trong vùng Biển Đông, ngày 14/04/2021. AP 

Philippines đang bàn với Mỹ về khả năng tổ chức tuần tra chung bốn bên, kết hợp với Úc và Nhật Bản ở Biển Đông. Ngày 27/02/2023, đại sứ Jose Manuel Romualdez của Philippines tại Mỹ cho biết « các cuộc họp đã được ấn định », đồng thời nhấn mạnh đó vẫn chỉ là « ý tưởng đang thảo luận ». 

Theo đại sứ Jose Manuel Romualdez, các cuộc tuần tra chung nhằm « bảo đảm là có bộ luật ứng xử và tự do lưu thông hàng hải » ở Biển Đông. Ba nước Mỹ, Úc và Nhật Bản vẫn tổ chức các đợt tập trận chung. Các đợt tuần tra chung với ba nước này có lẽ « tốt cho Philippines và cả khu vực ». Đại sứ Philippines tại Mỹ khẳng định : « Chúng tôi muốn có tự do lưu thông hàng hải ».

Trước đó, Úc và Mỹ đã lần lượt thảo luận với Philippines về các cuộc tuần tra song phương. Ông Romualdez cho rằng các cuộc tuần tra « ban đầu có thể xuất phát từ nước này với nước kia » nhưng cũng có thể được mở rộng « vì đó là những đồng minh của chúng tôi (Philippines), những nước có chung ý tưởng ».

Theo Reuters, nếu kế hoạch được xúc tiến, đây là lần đầu tiên Philippines tham gia các cuộc tuần tra đa phương ở Biển Đông. Quyết định này có thể khiến Bắc Kinh tức giận nhưng cho thấy lo ngại của chính quyền Manila trước những tham vọng chủ quyền quá đáng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Viễn cảnh 4 nước tuần tra chung trong khu vực còn là thông điệp về đoàn kết gửi đến Trung Quốc cùng với khẳng định về sự hiện diện thường trực của vài trăm chiến hạm ở Biển Đông nhằm bảo vệ chủ quyền của Philippines và luật pháp quốc tế.

Diễn tập quân sự lớn nhất Đông Nam Á, 7.000 người từ 30 nước tham gia

Thủy quân lục chiến Mỹ tham gia cuộc tập trận tấn công đổ bộ trong khuôn khổ cuộc tập trận quân sự chung “Cobra Gold 2020” (CG20) tại một căn cứ quân sự ở Chonburi, Thái Lan, ngày 27/2/2020. (Ảnh: Aniwat phromrungsee / Shutterstock) 

Mỹ và Thái Lan đã khởi động cuộc tập trận quân sự chung kéo dài hai tuần vào thứ Ba (ngày 28/2), với hơn 7.000 người từ 30 nước tham gia. Cuộc tập trận hàng năm có thêm nội dung diễn tập “An ninh vũ trụ”.

Ra đời vào năm 1982, “Hổ Mang Vàng” (Cobra Gold) là một trong những cuộc tập trận quân sự đa phương kéo dài nhất trên thế giới và lớn nhất ở Đông Nam Á. Cuộc tập trận do Lực lượng Vũ trang Hoàng gia Thái Lan và Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ đồng tổ chức.

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tiếp tục bành trướng ở Biển Đông và quấy nhiễu Đài Loan thường xuyên hơn, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương ngày càng trở nên gay gắt. Cuộc tập trận quy mô lớn đã trở thành một nền tảng quan trọng để Mỹ củng cố các liên minh ở châu Á.

Reuters đưa tin, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ, Tướng John Aquilino, cho biết cuộc tập trận thu nhỏ quy mô trong thời kỳ đại dịch COVID-19, nhưng năm nay sẽ có ​​gần 6.000 binh sĩ Mỹ tham gia. Đây là cuộc tập trận có số lượng quân tham gia nhiều nhất trong 10 năm.

Hãng tin AP đưa tin, cuộc tập trận bao gồm 3 phần – huấn luyện thực địa, diễn tập nhân viên “sở chỉ huy” và diễn tập cứu trợ thiên tai và nhân đạo. Huấn luyện thực địa sẽ bao gồm một cuộc diễn tập đổ bộ, một chiến dịch đổ bộ đường không chiến lược, sơ tán phi chiến đấu và một cuộc diễn tập phối hợp bắn đạn thật.

Trong một cuộc phỏng vấn với các phóng viên, ông Aquilino cho biết: “Cuộc tập trận Cobra Gold củng cố khả năng lập kế hoạch và thực hiện các hoạt động gìn giữ hòa bình an ninh cấp cao chung trong tất cả các lĩnh vực. Chúng tôi sẽ làm việc với các đối tác của mình trên bộ, trên biển, trên không và không gian mạng để triển khai hành động toàn diện.”

Ông nói, cuộc tập trận sẽ kéo dài đến ngày 10/3, phản ứng chung sẽ giúp “duy trì một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở để tất cả các quốc gia có thể duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng”.

Năm nay, lần đầu tiên cuộc tập trận chỉ huy sẽ bao gồm huấn luyện về cách ứng phó với một thảm họa không gian có thể xảy ra.

Một tuyên bố từ Đại sứ quán Mỹ cho biết, cuộc tập trận không gian mới năm nay tập trung vào việc tìm hiểu tác động của các hiện tượng trên không như bão mặt trời đối với các hoạt động quân sự, thông tin liên lạc và vệ tinh.

Tuyên bố cho biết, các cơ quan không gian quân sự và dân sự từ Thái Lan, Mỹ và Nhật Bản sẽ tham gia vào phần này của cuộc tập trận.

Tổng cộng có 7.394 thành viên từ 30 quốc gia đã tham gia cuộc tập trận Cobra Gold năm nay. Ngoài Mỹ và Thái Lan, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Malaysia và Indonesia nằm trong số 7 nước tham gia chính thức sẽ tham gia đầy đủ vào cuộc tập trận và lập kế hoạch kéo dài 2 tuần.

23 quốc gia khác tham gia với tư cách là đối tác tập trận hoặc quan sát viên. Bắc Kinh, Ấn Độ và Úc tham gia diễn tập nhân đạo.

Theo Lý Ngôn, Epoch Times

Đài Loan: 19 máy bay của không quân Trung Quốc bay vào vùng phòng không của hòn đảo 

01/3/2023 

Reuters 

Bản đồ Đài Loan

Bản đồ Đài Loan 

Bộ Quốc phòng Đài Loan hôm thứ Tư (1/3) cho biết họ phát hiện 19 máy bay của không quân Trung Quốc trong vùng nhận dạng phòng không của họ trong 24 giờ qua. Đài Bắc gọi là đó hành vi quấy rối thường xuyên của Bắc Kinh, theo Reuters.

Trung Quốc nói các hoạt động của họ trong khu vực này là hợp pháp để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của mình và cảnh báo Hoa Kỳ chớ “thông đồng” với Đài Loan.

Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết 19 máy bay chiến đấu J-10 đã bay vào góc tây nam của vùng nhận dạng phòng không của hòn đảo (còn gọi là ADIZ), mặc dù vùng này gần bờ biển Trung Quốc hơn là bờ biển Đài Loan theo bản đồ mà bộ này công bố.

Bộ này cho biết thêm rằng các lực lượng của Đài Loan đã theo dõi tình hình, bao gồm cả việc điều chiến đầu cơ của họ lên, và phát các thông báo như thường lệ trong phản ứng trước các cuộc xâm nhập như vậy của Trung Quốc.

Tuy nhiên, các máy bay Trung Quốc không vượt qua đường ranh giới nhạy cảm trên eo biển Đài Loan, nơi trước đây đóng vai trò là rào cản không chính thức giữa hai bên, nhưng lực lượng không quân của Trung Quốc đã bay qua gần như hàng ngày kể từ Bắc Kinh tổ chức các cuộc tập trận gần Đài Loan vào tháng 8 năm ngoái.

Chưa có phát súng nào được bắn ra và máy bay Trung Quốc chỉ bay trong vùng ADIZ của Đài Loan, chưa phải trong không phận lãnh thổ của Đài Loan.

ADIZ là một khu vực rộng lớn hơn mà Đài Loan giám sát và tuần tra nhằm có thêm thời gian để đối phó với bất kỳ mối đe dọa nào.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết tình hình ở Bakhmut

Một thành phố miền đông đang bị quân Nga bao vây, ngày càng “khó khăn hơn.” Nga nỗ lực chiếm thành phố này trong nhiều tháng qua; và giao tranh trở nên khốc liệt trong những tuần gần đây. Bakhmut sẽ là thắng lợi lớn đầu tiên của Nga ở Ukraine trong hơn nửa năm.

G20 họp cấp bộ trưởng ở Ấn Độ

Các ngoại trưởng G20 sẽ khó có được tiếng nói chung khi gặp nhau ở Delhi vào thứ Tư. Ấn Độ muốn dùng chiếc ghế chủ nhà để truyền đạt quan điểm về các vấn đề quốc tế của mình tới các thành viên khác trong câu lạc bộ các nền kinh tế lớn. Nhưng sự kiện này sẽ bị chi phối bởi cuộc chiến của Nga ở Ukraine và căng thẳng Mỹ-Trung (ngoại trưởng của cả ba cường quốc dự kiến sẽ tham dự).

Hội nghị thượng đỉnh các bộ trưởng tài chính G20 vào tuần trước tại Bengaluru, một thành phố khác của Ấn Độ, đã không đạt được nhiều kết quả khi Nga và Trung Quốc từ chối ký vào biên bản cuộc họp có đề cập đến nghị quyết lên án chiến tranh của Liên Hợp Quốc. Các lãnh đạo phương Tây bày tỏ thất vọng vì thiếu các cuộc thảo luận mang tính xây dựng; trong khi Nga cáo buộc phương Tây sử dụng diễn đàn này để đưa ra các văn kiện chống Nga. Bên cạnh các vấn đề trên còn có tranh chấp biên giới kéo dài của Ấn Độ với Trung Quốc. Subrahmanyam Jaishankar, bộ trưởng ngoại giao của Ấn Độ, sẽ chủ trì một cuộc họp căng thẳng.

Tổng thống Pháp Macron công du châu Phi

Với cả Nga lẫn Trung Quốc đều đang thách thức ảnh hưởng của Pháp ở lục địa, Emmanuel Macron sẽ bắt đầu chuyến công du bốn nước châu Phi vào thứ Tư. Tổng thống Pháp sẽ bắt đầu bằng việc đồng tổ chức “hội nghị thượng đỉnh một khu rừng” ở Libreville, Gabon, để kêu gọi bảo tồn đa dạng sinh học ở lưu vực sông Congo, nơi có rừng nhiệt đới lớn thứ hai thế giới sau Amazon. Sau đó, ông sẽ đến Angola, Congo, và Cộng hòa Dân chủ Congo.

Trước khi rời Paris, ông Macron kêu gọi “quan hệ đối tác bình đẳng” với châu Phi, một tầm nhìn ông đã đặt ra ngay sau khi đắc cử năm 2017. Nhưng chuyến công du của tổng thống sẽ diễn ra trong bối cảnh tâm lý bài Pháp gia tăng ở nhiều khu vực bởi tuyên truyền của Nga. Các lực lượng vũ trang của Pháp, vốn tham gia chiến dịch chống khủng bố ở Mali, đã rời đi vào năm ngoái sau khi chính quyền Mali thuê tập đoàn Wagner của Điện Kremlin để đảm bảo an ninh. Quân đội Pháp gần đây cũng đã rời Burkina Faso. Tại Paris, ông Macron tuyên bố tiếp tục thu hẹp các căn cứ quân sự của Pháp trên lục địa và biến chúng thành trung tâm huấn luyện cho quân đội địa phương — nhưng sẽ không đóng cửa hoàn toàn.

Hội nghị bảo thủ thường niên ở Mỹ khai mạc

Những người cánh hữu Mỹ sẽ tề tựu về Washington, DC, vào thứ Tư để dự Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ năm nay. Sau một cuộc bầu cử giữa kỳ đáng thất vọng vào năm ngoái, các nhân vật Cộng hòa với tham vọng chạy đua vào năm 2024 sẽ muốn dùng sự kiện 4 ngày này để kêu gọi ủng hộ. Cựu tổng thống Donald Trump, người đã tuyên bố chạy đua từ tháng 11, và cựu ngoại trưởng của ông, Mike Pompeo, nằm trong số “những người yêu nước phi thường” dự kiến sẽ phát biểu. Ngoài ra còn có Nikki Haley, đại sứ của chính quyền Trump tại Liên Hợp Quốc, người đã tuyên bố chạy đua trong tháng này.

Tất cả các ứng viên Cộng hòa ngoài Trump đều đứng trước một câu hỏi hóc búa. Họ vừa muốn đánh bại ông vừa muốn thu hút người ủng hộ của ông, hiện vẫn là lực lượng lớn nhất và nhiệt tình nhất trong đảng Cộng hòa. Và càng nhiều người tranh cử ông Trump càng có nhiều khả năng chiến thắng. Thống đốc bang Florida Ron DeSantis hiện là người có tiềm năng nhất để thách thức ông Trump, nhưng ông vẫn chưa tuyên bố tranh cử. Ông DeSantis vắng mặt trong đội hình phát biểu, nhưng chắc chắn sẽ được nhắc đến nhiều: ông đã công bố bản “kế hoạch chi tiết cho sự hồi sinh của nước Mỹ” vào thứ Ba.

Liệu Úc có thoát được suy thoái?

Úc có một khả năng tránh suy thoái rất kỳ lạ. Họ đi qua khủng hoảng tài chính châu Á 1997 không hề hấn, rồi đứng vững trong khủng hoảng tài chính toàn cầu và bất ổn giá khoáng sản sau đó. Ngay cả khi đại dịch chấm dứt 30 năm tăng trưởng, Úc cũng chỉ trải qua suy thoái ngắn. Và các số liệu được công bố vào thứ Tư dự kiến sẽ cho thấy Úc đang chầm chậm đi qua đà giảm kinh tế toàn cầu hiện nay. Các dự báo cho thấy GDP tăng 2,7% trong cả năm 2022 và 0,7% trong quý cuối năm.

Nhưng rủi ro suy thoái đang gia tăng. IMF dự đoán tăng trưởng sẽ giảm hơn nữa trong năm nay, xuống còn 1,6%. Sau khi dự đoán lạm phát đạt đỉnh vào cuối năm ngoái, ngân hàng trung ương Úc đã trở nên diều hâu hơn. Họ đã tăng lãi suất chín lần liên tiếp, nhưng tỷ lệ lạm phát hàng năm vẫn ở mức 7,8%. Thị trường đang dự đoán nhiều đợt tăng hơn nữa. Hãy chờ xem Úc có kéo dài được vận may kinh tế của mình hay không.

UAE khánh thành trung tâm thờ phượng chung cho ba tôn giáo khởi nguồn từ Abraham

Ngôi nhà Gia đình Abraham, một trung tâm liên tôn bao gồm một nhà thờ Thiên chúa giáo, một giáo đường Do Thái, và một nhà thờ Hồi giáo, sẽ khai trương vào thứ Tư trên đảo Saadiyat ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. UAE từ lâu đã tự coi mình là một quốc gia hoà hợp; họ là nước đầu tiên ở bán đảo Ả Rập đón Giáo hoàng thăm chính thức (năm 2019) và bình thường hóa quan hệ với Israel (năm 2020). Trung tâm Abraham được lập ra bởi Sir David Adjaye, một kiến trúc sư người Anh-Ghana, người cũng đã thiết kế Nhà thờ Quốc gia Ghana ở Accra và Bảo tàng Quốc gia về Lịch sử và Văn hóa của người Mỹ gốc Phi ở Washington, DC, Mỹ.

Ba tòa nhà của trung tâm nằm trong một khu vườn khép kín sẽ làm không gian chung cho các cộng đồng liên tôn của UAE. Trong một tuyên bố chung để đánh dấu lễ khánh thành, Giáo hoàng Francis và Đại Imam al-Tayeb của al-Azhar, người thường được xem là nhân vật có thẩm quyền cao nhất của Hồi giáo Sunni, nói “Chúng ta đã bước vào một giai đoạn mới trong lịch sử của các tôn giáo.”

Tỷ phú Elon Musk tham gia cuộc đua phát triển đối thủ cạnh tranh ChatGPT

Tỷ phú Elon Musk gần đây đã liên hệ với các nhà nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm thảo luận về việc thành lập một phòng thí nghiệm nghiên cứu mới nhằm phát triển một giải pháp thay thế cho công cụ đối thoại có trang bị AI là ChatGPT, theo hãng tin Reuters.

CEO Elon Musk. (Ảnh: Naresh111/Shutterstock) 

Cụ thể, ông chủ Tesla đã đàm phán để thuê Igor Babuschkin (một chuyên gia nghiên cứu tại DeepMind AI của tập đoàn Alphabet) dẫn đầu một nhóm phát triển phần mềm chatbot cạnh tranh với Chat GPT.

Bài viết trên The Information đăng ngày 27/2 cho hay rằng tỷ phú Elon Musk và Babuschkin đang trong quán trình thảo luận để tập hợp một nhóm theo đuổi nghiên cứu AI. Tuy nhiên, dự án vẫn đang ở giai đoạn đầu và chưa lên kế hoạch chi tiết để phát triển các sản phẩm cụ thể.

Tờ The Information cho biết việc xây dựng một phần mềm với ít biện pháp bảo vệ nội dung không phải là mục tiêu của tỷ phú Musk.

Trước đây, vị tỷ phú này từng lên tiếng chỉ trích ChatGPT. “AI đang mạnh đến mức nguy hiểm”, ông Musk đăng tải nội dung tweet hồi tháng 12/2022.

Vào ngày 26/2, tỷ phú Musk tiếp tục bày tỏ một chút lo ngại về sự tồn tại của AI. “Một trong những rủi ro lớn nhất đối với tương lai của nền văn minh là AI”, tỷ phú Musk phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Chính phủ Thế giới ở Dubai.

ChatGPT là một phần mềm hỏi đáp do công ty OpenAI có trụ sở tại San Francisco (Mỹ) phát triển. Từ khi ra mắt vào tháng 11 năm ngoái, công cụ này đã thu hút sự chú ý của thế giới nhờ khả năng viết luận, làm thơ hoặc viết code theo yêu cầu chỉ trong vài giây. Đây là phần mềm có tốc độ thu hút người dùng nhanh nhất khi đạt 57 triệu người dùng sau 1 tháng ra mắt và cán mốc 100 triệu tính đến 31/1 vừa qua. Tuy nhiên, công cụ này cũng đặt ra nhiều vấn đề bất cập về mặt đạo đức và pháp lý.

Phan Anh

Nhật Bản ra lệnh trừng phạt thêm 143 cá nhân và tổ chức có quan hệ với Nga

Trừng phạt Nga. (Ảnh: Kordin Viacheslav/Shutterstock) 

Hôm 28/2 vừa qua, Nhật Bản đã quyết định bổ sung thêm 143 cá nhân và tổ chức có quan hệ với Nga vào danh sách trừng phạt, theo hãng tin Kyodo News.

Cụ thể, quyết định của Nhật Bản được đưa ra sau khi các nhà lãnh đạo thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) hồi tuần trước cam kết áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga liên quan đến chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Các biện pháp trừng phạt của Nhật Bản gồm phong tỏa tài sản và cấm các công ty Nhật Bản xuất khẩu hàng hóa cho Nga, nhằm vào các chính trị gia, giới chức quân đội, doanh nhân và các công ty ở Nga.

Kể từ khi Nga tiến hành cuộc tấn công nhắm vào Ukraine hồi cuối tháng 2/2022, Nhật Bản và phương Tây đã áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Moskva như phong tỏa tài sản của các cá nhân và Ngân hàng trung ương Nga.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, người chủ trì Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến G7 hôm 24/2 vừa qua, đã thể hiện sự sẵn sàng thúc đẩy trừng phạt Nga. Trong tuyên bố chung sau hội nghị này, G7 đã cam kết thực hiện các biện pháp với mục tiêu nhằm siết chặt trừng phạt kinh tế của Nga.

Phan Anh

Trung Quốc: Lệnh cấm TikTok là “lạm dụng quyền lực nhà nước”

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh. (Nguồn: Wikipedia) 

Trung Quốc chỉ trích động thái các cơ quan Chính phủ Hoa Kỳ cấm TikTok là “lạm dụng quyền lực nhà nước”, theo Sky News đưa tin 28/2. “Mỹ, siêu cường hàng đầu thế giới, có thể không tự tin đến mức nào khi sợ một ứng dụng yêu thích của giới trẻ đến mức độ như vậy?”, không rõ tại sao bà Mao Ninh, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại dùng lối khích tướng này.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết, động thái cấm TikTok của Chính phủ Hoa Kỳ là đang “mở rộng khái niệm an ninh quốc gia và lạm dụng quyền lực nhà nước để đàn áp các công ty của các nước khác.”

Ứng dụng TikTok của Trung Quốc có tai tiếng về vấn đề an ninh bảo mật và tuyên truyền nội dung không lành mạnh. Quốc hội và hơn một nửa số bang của Hoa Kỳ đã cấm TikTok khỏi các thiết bị di động của nhà nước.

Canada, ÚC, và EU cũng có các động thái tương tự với Hoa Kỳ. Không rõ chỉ trích và khích tướng của Trung Quốc có ám chỉ cả những quốc gia ngoài Hoa Kỳ hay không?

Video: TikTok chuyên đẩy nội dung nhảm nhí và đầu độc cho hải ngoại, một Youtuber chứng minh bằng cách so sánh TikTok phiên bản quốc tế và phiên bản nội địa Trung Quốc (Douyin)

Nhật Tân

TT Belarus đến Bắc Kinh để tiến hành các cuộc đàm phán với ông Tập

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko và Chủ tịch Tập Cận Bình tại Bắc Kinh hôm thứ Ba (Reuteurs) 

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã đến Bắc Kinh vào ngày thứ Ba (28/2) trong khuôn khổ chuyến đi ba ngày. Tại đây, ông đã gặp người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình.

Chuyến thăm của ông Lukashenko – một đồng minh quan trọng của Tổng thống Nga Vladimir Putin – được thực hiện sau khi Bắc Kinh phát hành một bài báo về cuộc chiến Nga Nga ở Ukraine, trong đó khẳng định bản thân đứng ở vị trí trung lập và kêu gọi đối thoại giữa hai bên.

Trước chuyến thăm của ông Lukashenko, Bắc Kinh đã ca ngợi quan hệ đối tác chiến lược “tốt đẹp và toàn diện” của mình với Minsk.

Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã, nhà lãnh đạo Belarus cho hay, ông đang mong chờ được gặp gỡ với “người bạn cũ” Tập Cận Bình của mình.

Ông cũng ca ngợi bài báo tích cực của Bắc Kinh là “một bằng chứng cho chính sách đối ngoại hòa bình của họ, cũng như một bước đột phá mới có tác động tới toàn thế giới,” theo Tân Hoa Xã.

Tổng thống Belarus nhấn mạnh vai trò đặc biệt của Bắc Kinh trong việc giải quyết xung đột: “Giờ đây không có bất cứ vấn đề nào trên thế giới có thể giải quyết được mà không có Trung Quốc.”

Ông Tập cũng từng có cuộc gặp gỡ ông Putin ngay trước thời điểm cuộc chiến bắt đầu, nhưng không làm vậy với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Ông Lukashenko là một đồng minh thân cận của ông Putin và ông bày tỏ thái độ ủng hộ cuộc xâm lược của Moscow ở Ukraine. Belarus có chung biên giới với cả Ukraine và Nga, nhưng phụ thuộc về tài chính và chính trị vào chính quyền Putin

Một năm sau khi cho phép Nga sử dụng Belarus làm bệ phóng cho cuộc tấn công của Ukraine, ông Lukashenko khẳng định ông sẵn sàng làm như vậy một lần nữa nếu cảm thấy bị đe dọa.

Kyiv cũng đã bày tỏ quan ngại rằng Belarus có thể hỗ trợ Moscow một lần nữa trong nỗ lực chiến tranh của họ.

Tháng 9 năm ngoái, ông Tập và Lukashenko đã gặp nhau tại thành phố Samarkand của Uzbek. Tại đây hai nhà lãnh đạo đã ca ngợi quan hệ đối tác “toàn diện” của họ.

Chuyến thăm của Bắc Kinh của ông Lukashenko cũng diễn ra trong bối cảnh phương Tây cảnh báo Trung Quốc về việc cung cấp viện trợ vũ khí sát thương cho Nga trong cuộc chiến với Ukraine, nhấn mạnh rằng điều đó sẽ mang lại hậu quả nặng nề.

Nhật Minh (Theo Breitbart)

Nghị viện châu Âu cấm TikTok trên điện thoại của nhân viên

Động thái này diễn ra một ngày sau khi Nhà Trắng đưa ra thời hạn 30 ngày cho các cơ quan liên bang để xóa TikTok khỏi tất cả các thiết bị của chính phủ.

Nghị viện Châu Âu đã quyết định cấm ứng dụng chia sẻ video ngắn TikTok của Trung Quốc khỏi điện thoại của nhân viên vì lý do bảo mật, trở thành tổ chức mới nhất của EU làm như vậy sau Ủy ban Châu Âu và Hội đồng Châu Âu.

Lệnh cấm theo kế hoạch cũng sẽ áp dụng cho các thiết bị cá nhân có cài đặt email của Quốc hội và các quyền truy cập mạng khác, một quan chức EU cho biết hôm thứ Ba, đồng thời cho biết thêm rằng quyết định này dự kiến sẽ sớm được công bố.

Tuần trước, Hội đồng Châu Âu, cơ quan lập pháp chính của EU và cơ quan điều hành Ủy ban Châu Âu đã cấm nhân viên của họ cài đặt TikTok trên các thiết bị được sử dụng để làm việc trong bối cảnh lo ngại về bảo mật dữ liệu.

TikTok, có công ty mẹ ByteDance tại Trung Quốc, đã phải đối mặt với sự giám sát ngày càng tăng của các nước phương Tây trong những tháng gần đây vì lo ngại về mức độ truy cập của Bắc Kinh đối với dữ liệu người dùng.

Quốc hội Đan Mạch hôm thứ Ba cũng thông báo rằng họ đã yêu cầu các nghị sĩ và tất cả nhân viên xóa nền tảng chia sẻ video khỏi thiết bị di động vì “nguy cơ bị gián điệp”.

Các động thái của Nghị viện Châu Âu và Quốc hội Đan Mạch diễn ra một ngày sau khi Nhà Trắng cho tất cả các cơ quan liên bang 30 ngày để xóa TikTok khỏi tất cả các thiết bị của chính phủ Hoa Kỳ.

Văn phòng Quản lý và Ngân sách Hoa Kỳ gọi hướng dẫn đã công bố là “một bước tiến quan trọng trong việc giải quyết các rủi ro do ứng dụng gây ra đối với dữ liệu nhạy cảm của chính phủ”.

Một số cơ quan của Hoa Kỳ, bao gồm Bộ Quốc phòng, Bộ An ninh Nội địa và Ngoại giao, đã áp dụng các hạn chế này. Hướng dẫn của Hoa Kỳ kêu gọi phần còn lại của chính phủ liên bang tuân theo trong vòng 30 ngày.

Đáp lại động thái cấm TikTok của Hoa Kỳ, chính phủ Trung Quốc nói rằng động thái này bộc lộ sự bất an của chính Washington và là sự lạm dụng quyền lực nhà nước.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ning cho biết trong cuộc họp báo hàng ngày rằng chính phủ Hoa Kỳ “đã mở rộng quá mức khái niệm an ninh quốc gia và lạm dụng quyền lực nhà nước để đàn áp các công ty của các nước khác”.

“Mỹ, siêu cường hàng đầu thế giới, có thể không tự tin đến mức nào mà lại sợ ứng dụng yêu thích của một người trẻ đến mức độ như vậy?”, bà nói.

TikTok cho biết những lo ngại bắt nguồn từ thông tin sai lệch và phủ nhận việc sử dụng ứng dụng này để theo dõi người Mỹ.

TikTok cũng cáo buộc Ủy ban Châu Âu vào tuần trước đã không tham khảo ý kiến ​​của họ về quyết định cấm ứng dụng trên điện thoại của nhân viên vì lý do an ninh mạng.

Canada hôm thứ Hai cũng tuyên bố cấm TikTok khỏi các thiết bị do chính phủ cấp, nói rằng nó gây ra mức độ rủi ro “không thể chấp nhận được” đối với quyền riêng tư và bảo mật.

Ấn Độ và Đài Loan gần đây cũng đã quyết định chặn TikTok khỏi các thiết bị của chính phủ.

Các hành động do chính phủ thực hiện không ảnh hưởng đến những người sử dụng TikTok trên các thiết bị thuộc sở hữu của cá nhân hoặc công ty.

Lê Vy


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét