Thứ Bảy, 4 tháng 3, 2023

Tưởng Năng Tiến – Dương Tường

Tôi có cái thói hễ thấy người sang là bắt quàng làm họ. Nhưng riêng chuyện tôi  cũng (muốn) là bạn của ông Dương Tường thì không hẳn thế. Ông ấy (rõ ràng)  trông dáng bộ cũng bệ rạc y như tôi thôi, chứ có sang trọng quái gì đâu – theo như lời bè bạn:

  • Một lần Dương Tường đưa nhóm hoạ sĩ 5 người (gang of five) từ Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh mở triển lãm. Nguyễn Quân mời tất cả tới khách sạn chiêu đãi. Dương Tường đi xích lô, tay cầm tờ Vietnam News cẩn thận, bước vào khách sạn. Người gác cửa khách sạn to lớn, mặc sắc phục nắm chặt vai anh, đẩy ra vỉa hè:
    Không được bán báo ở trong ấy! Đi ra ngoài kia mà bán!


  • Một ngày giáp tết, nghe mấy họa sĩ trẻ rủ rê, Dương Tường đi chợ hoa với họ. Vào chợ, họ tản mát khắp nơi để chọn bằng được một cành hoa đào ưng ý. Lơ ngơ một mình giữa chợ, Tường mua đại một cành đào, vác ra ngoài cổng chợ đứng chờ. Đang cầm cành hoa mới mua, xo ro trong mưa dầm gió bấc, bỗng một bàn tay nắm lấy vai anh, đẩy vào trong chợ :Không được bán hoa ở đây! Mang vào trong chợ mà bán! Đó là người bảo vệ chợ. (Bùi Ngọc Tấn. “Tôi Là Bạn Của Ông Dương Tường”. Viết Về Bè Bạn. Hải Phòng: Nhã Nam, 2003).


Vẫn cứ theo như lời Bùi Ngọc Tấn thì Dương Tường nhỏ người. Đã là dân Việt mà lại nhỏ con thì phải hiểu là … nhỏ lắm. Tôi áng chừng ông ấy cao khoảng một thước năm mươi lăm đổ lại, và nặng cỡ bốn mươi lăm ký là hết sức.

Tôi thì khác. Tôi cao đến một thước tám mươi, và nặng gấp rưỡi Dương Tường. Chỉ có điều đáng tiếc là cái vóc dáng “cao cả” này đã không khiến cho tôi trông cao sang, và quí phái hơn ông ấy được bao nhiêu – nếu chưa muốn nói là ngược lại.

Tôi cũng thường bị “trông lầm” (nhiều lần) chỉ vì trông không được ngon lành, hay bảnh bao gì cho lắm. Mới hôm qua chứ đâu, tôi ngồi cú rũ (một đống) trên mấy bậc thềm – trước khu thương xá Phước Lộc Thọ – ở phố Bolsa. Tôi hay bị buồn (ngang) khi ngày sắp tắt, nhất là vào những buổi chiều tàn, ở California. Màu nắng vàng hanh, hay đỏ rực của ráng chiều, dễ làm cho kẻ tha hương chạnh lòng nghĩ về chốn cũ: “Chiều nay gửi đến quê xưa, bao là thương là nhớ cho vừa … ”

Tôi cứ ngồi hát nho nhỏ, chỉ đủ cho chính mình nghe như thế, mà thấy nẫu cả lòng. Hẳn là trông tôi phải thê thảm lắm nên có một bà đồng hương đi qua, đã cúi xuống, kín đáo dúi cho tôi một tờ giấy bạc. Cầm thì kỳ mà không cầm cũng kẹt nên tôi cầm (đại) và miệng lí nhí nói cảm ơn mà mặt đỏ bừng!

Cũng theo lời kể của Bùi Ngọc Tấn, vào những năm đầu thập niên 60, Dương Tường phải sinh sống bằng nghề … bán máu. Ông Tấn đã hơi bi thảm hoá vấn đề, khiến nhiều người nghe muốn rơi nước mắt, chứ ở đất nước tôi mà có máu để bán, và có người mua – lại không phải qua cò (vì ông Tường vốn quen biết lớn) thì sung sướng và hạnh phúc lắm rồi, còn than van gì nữa?

Sau 1975, đất nước thống nhất, “Nam/Bắc hoà lời ca”, tôi ca (hơi) trật nhịp nên bị túm đi học tập một thời gian. Ra khỏi trại tù, tôi sống lang thang vất vưởng ở nhiều nơi, trước khi trôi dạt về Rạch Giá.

Thành phố này, vào mùa mưa, hay có những ngày biển động. Trời thấp, ẩm, lạnh, mây xám màu chì. Lòng buồn, bụng đói, dạ hoang mang, tôi bước đi không thấy phố, không thấy nhà, chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ. Tôi hay loanh quanh trong chợ Nhà Lồng của Rạch Giá, mắt láo liên nhìn quanh những bàn ăn, chỉ chờ thực khách buông đũa là nhào vào húp vội phần ăn còn lại. Chao ơi, giá lúc ấy mà có máu để bán và có người mua thì đỡ (khổ) biết chừng nào?

Những cảnh đời (không may) mà Dương Tường trải qua, tôi cũng đều đã nếm. Đồng cảnh tương lân. Kiếp sống lao đao của ông ấy khiến tôi sinh lòng ái ngại nên (thoáng) có ý muốn làm bạn cho vui, thế thôi.

Nhưng cuộc đời của Dương Tường không chỉ khốn khổ và khốn nạn như thế. Nó tệ hơn thế, đôi khi. Ông ấy còn bị bạn bè xa lánh, “bị công an thẩm vấn nhiều lần, mỗi bước đi đều bị giám sát chặt chẽ.” Cũng có những khi Dương Tường được ưu ái cho đi nước này nước nọ. “Anh được Cộng đồng pháp ngữ mời sang Pháp. Anh sang Đức trong Festival Gặp Việt Nam của Đức.” (Bùi NT sđd. Tr. 42).

Lúc nào thì Dương Tường cũng nằng nặc … đứng về phe nước mắt, như ông đã tuyên bố như vậy – qua thơ. Ngày 28 tháng 5 năm 2004 – tại viện Goethe – khi giới thiệu buổi đọc văn của một bạn đồng nghiệp, ông phát biểu :

Những gì chảy ra từ ngòi bút Bùi Ngọc Tấn khiến tôi nghĩ đến quan điểm của Albert Camus về nhà văn và nghề văn được bày tỏ trong diễn từ nhận giải Nobel văn học tại Stockholm (Thụy Điển) ngày 10/12/1957:

Theo định nghĩa, nhà văn giờ đây không thể phụng sự những người làm ra lịch sử, anh ta phục vụ những kẻ cam chịu lịch sử. Nếu không, anh ta sẽ cô đơn và mất nghệ thuật của mình. Tất cả những đạo quân của bạo cường với hàng triệu người cũng sẽ không cứu nổi anh ta ra khỏi sự cô đơn, ngay cả và nhất là nếu anh ta thuận tình đi đều bước với họ. Nhưng sự im lặng của một người tù không quen biết ở tận cùng thế giới, bị bỏ mặc trong nhục nhằn, cũng đủ kéo nhà văn ra khỏi trạng thái lưu đày ấy mỗi khi, giữa những đặc quyền đặc lợi của tự do, anh ta có thể vượt lên để không quên sự im lặng đó và làm cho nó vang lên bằng những phương tiện của nghệ thuật.

Nếu tính từ lúc Nguyễn Mạnh Tường đọc tham luận, góp ý với Đảng CSVN, trước phiên họp của Mặt Trận Tổ Quốc (vào ngày 30 tháng 10 năm 1956, rồi bị vùi dập cho đến chết) thì mãi đến nửa thế kỷ sau, người ta mới lại được nghe tiếng nói dõng dạc và thẳng thắn như thế – của luơng tri – qua miệng Dương Tường, giữa lòng Hà Nội.

Tôi trộm nghĩ (rất có thể) là Dương Tường đã tạo nền cho những bài tham luận nẩy lửa – trước thềm Đại Hội Nhà Văn Việt Nam lần thứ VII. Sau nhiều năm nín lặng, những người cầm bút Việt Nam đã cùng lên tiếng (nói một cách “chẻ hoe” và “trắng phớ”) về hoàn cảnh tồi tệ và nghiệt ngã mà chế độ đã dành cho họ.

Nếu những suy đoán chủ quan của tôi mà không trật thì Dương Tường (rõ ràng) quá bảnh. Ông ấy chỉ có cái dáng ngoài bệ rạc (như tôi) thôi chứ tư cách thì ngon lành hết biết. Tôi mới đụng chuyện với Đảng và Nhà  Nước CS đâu có vài năm (lẻ) đã ù té bỏ chạy, và chạy luôn tới bữa nay, tuyệt nhiên không dám quay đầu nhìn lại. Còn Dương Tường, và những kẻ đồng hội đồng thuyền – theo lời của Phạm Xuân Nguyên

 đã gánh cây thập ác đi trọn đường trần ai của mình.
Không vứt xuống
Không chạy trốn.
Không ngã gục.
Không dừng bước
Và dẫu không là Chúa, các ông đã được


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét