Thứ Năm, 23 tháng 3, 2023

Võ Văn Quản - Chống tham nhũng y tế và sự trục trặc từ Trung Quốc về Việt Nam

Càng chống tham nhũng càng phát hiện ra nhiều vấn đề của hệ thống.

23/3/2023

https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w1304/2023/03/-8784-1663759101.jpg

Người dân mua thuốc tại nhà thuốc trong Bệnh viện Chợ Rẫy, ngày 13/7/2022. Ảnh: Quỳnh Trần/ VnExpress. 

Cuối tháng 2/2023, chỉ vừa tròm trèm một tháng sau Tết Nguyên Đán, quốc dân Việt Nam đã nhận được tin tức vừa đáng buồn vừa đáng lo: hệ thống cơ sở y tế tại Việt Nam, đặc biệt là những cơ sở lớn có vai trò chiến lược trong y tế vùng và quốc gia (như bệnh viện Chợ Rẫy, Việt Đức, hay Bạch Mai, v.v.), gặp trở ngại nghiêm trọng trong vận hành và thậm chí đứng trước nguy cơ tạm dừng hoạt động. [1]

Điều gì đang xảy ra?

Điểm chung trước tiên đối với các bệnh viện có vấn đề là câu chuyện mua sắm vật tư.


Ví dụ, đối với bệnh viện Chợ Rẫy, giám đốc Nguyễn Tri Thức chia sẻ với báo chí rằng việc quản lý giá trang thiết bị y tế được áp dụng theo Nghị định 98/2021/NĐ-CP. Tuy nhiên, ngay trong năm 2022, Chính phủ lại tiếp tục ban hành thêm Nghị quyết 144/NQ-CP yêu cầu chỉnh sửa Nghị định 98 nhưng vẫn chưa được thực hiện.

Ông Thức cho biết rằng hiện nay bệnh viện vẫn chưa hoàn thiện được việc kê khai và công khai giá, đặc biệt đối với các thiết bị y tế cũ. Điều này khiến cho họ không thể “xác định giá trị thật của trang thiết bị y tế để xây dựng giá gói thầu mua sắm”. [2]

Đây là một quan ngại của người đứng đầu cơ sở khám chữa bệnh trọng điểm ở miền Nam về trách nhiệm pháp lý đối với các khoản mua sắm mới.

Tương tự như vậy, đối với bệnh viện Việt Đức, cơ sở này đa phần đặt mua các hóa chất cần thiết kèm theo hợp đồng máy móc “đặt, mượn”. Trước đây, loại hình thầu này được cơ quan chức năng cho phép thanh toán bằng các phương thức bảo hiểm y tế nhưng từ khi có Nghị quyết 144 thì cách làm trên tạm thời bị gián đoạn. Điều này dẫn đến việc bệnh viện lúng túng trong duy trì các hoạt động chẩn đoán, điều trị thường nhật trước đó. [3]

Có thể nói, tình trạng của bệnh viện Việt Đức không khác mấy với Chợ Rẫy khi hai nơi đều bị vướng mắc ở các khâu tài chính, trách nhiệm quản lý, và tổ chức thực hiện các quy phạm pháp luật hay các chỉ đạo mới ban hành gần đây.

Dù chưa được nhắc tới trong các lý giải chính thức liên quan nhưng các mối bận tâm này khiến chúng ta nghĩ đến cuộc chiến “chống tham nhũng” của Đảng Cộng sản Việt Nam, dẫn đầu bởi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Cuộc “đại phẫu thuật” hệ thống quản lý của các cơ quan phụ trách lĩnh vực y tế từ trung ương đến địa phương sau bê bối khổng lồ Việt Á có lẽ là nhân tố tâm lý lớn nhất đối với toàn bộ hệ thống y tế. Điều này càng đặc biệt đúng đối với các bệnh viện hàng đầu quốc gia, nơi tiếp nhận số lượng người khám chữa bệnh khổng lồ và tiêu tốn chi phí vật tư y tế lên đến hàng tỷ đồng mỗi ngày.

Với những diễn biến thực tế như vậy, chúng ta nên tiếp cận hiện tượng này từ góc nhìn như thế nào? Liệu lỗi đang nằm ở chính quyền trung ương, khi các quy định mới mang tư duy quản lý áp đặt, không đến từ các nhà chuyên môn y tế thực thụ hay lỗi thật ra nằm ở chính các cơ sở y tế địa phương, vốn đã quá quen với kiểu quản lý lỏng lẻo, hối lộ, và tham nhũng giá vật tư y tế?

Trường hợp Trung Quốc: Khủng hoảng được “kỳ vọng”?

Để nhìn nhận và đánh giá ngọn nguồn của vấn đề sai phạm trong ngành y tế, chúng ta cần phải hiểu được xu hướng tham nhũng, nguồn tiền đến và đi trong quá trình phạm tội, nền tảng thể chế lẫn cá nhân của hành vi tham nhũng.

Như Luật Khoa đã từng phân tích, bất kể chính quyền có bỏ tù hàng trăm hay hàng nghìn cán bộ, công chức, viên chức đi chăng nữa thì họ vẫn cần phải có những thay đổi về chính sách phù hợp để đảm bảo hiệu quả dài hạn của cuộc chiến chống tham nhũng. [4]

Các cá nhân được thay mới nhưng lại không có hệ thống mới đóng vai trò tạo lập lề lối làm việc thì bản thân họ cũng sẽ trở về thực hành sai phạm cũ để có thể tồn tại trong một hệ thống đã bị nhiễm căn bệnh “tham nhũng thể chế” (institutional corruption).

Cho đến thời điểm hiện nay, không có dấu hiệu cho thấy rõ căn trọng bệnh của hệ thống y tế Việt Nam bắt đầu từ đâu.

Liệu nó có thật sự chỉ là tác hại của buông lỏng quản lý, tham nhũng vặt, năng lực chính trị cá nhân? Hay lỗi hệ thống đến từ các chính sách quản lý của trung ương?

Vốn là một người ngoại đạo, cộng thêm việc các thông tin về kiểm soát tham nhũng tại Việt Nam gần như được giữ kín bởi các cơ quan an ninh, nên người viết khó lòng đưa ra một quan điểm hay nhận định cụ thể về vấn đề này.

Tuy nhiên, tham khảo trường hợp của người láng giềng Trung Quốc sẽ cung cấp một lượng thông tin khổng lồ cho giới quan sát quốc tế cũng như các nhà nghiên cứu.

Mặt khác, hầu hết các chính sách chống tham nhũng của Việt Nam hiện nay được xây dựng không ít thì nhiều dựa trên mô hình và con đường mà chính quyền Trung Quốc đã đi.

Do đó, nắm bắt nội dung cũng như hướng phát triển của phong trào chống tham nhũng y tế tại Trung Quốc có thể giúp người Việt Nam nhận thức được phần nào con đường mà Đảng Cộng sản Việt Nam đang đi, cũng như những trở ngại và trục trặc mà đảng này có thể gặp phải.

Chính quyền Trung Quốc bắt đầu cuộc chiến chống tham nhũng đối với hệ thống y tế quốc gia của mình từ khá sớm.

Vào năm 2014, thế giới đã chấn động với tin chính quyền Bắc Kinh xử phạt GlaxoSmithKline - một công ty y dược toàn cầu - vì có hành vi hối lộ đối với các quan chức y tế Trung Quốc. [5]

Kể từ đó, quá trình chống tham nhũng và tăng cường kiểm toán, rà soát hệ thống y tế của chính quyền Bắc Kinh dẫn đến các hệ quả tạm thời mà giới phân tích đã dự phóng được trước. [6] Những hệ quả này có nhiều điểm tương đồng với những gì đang xảy ra tại Việt Nam:

Việc mua sắm trang thiết bị, phương tiện y tế quy mô lớn trở nên chậm trễ. Quá trình khám chữa bệnh tại các bệnh viện lớn có thể bị gián đoạn. Nhìn chung, nguyên nhân là vì các quan chức y tế ở đây né tránh đưa ra các quyết định tài chính quá lớn hoặc có thể gây nghi ngại về sự minh bạch chính trị.

Phản ứng này, ở một mức độ, sẽ buộc các nhóm bệnh nhân tìm đến các bệnh viện địa phương nhỏ hơn, vốn dĩ trước đây không được tin tưởng. Sự điều hướng này phần nào giúp cho những cơ sở y tế nhỏ có nguồn thu từ các bệnh nhân mới, đồng thời có thể kêu gọi và đề nghị trung ương đầu tư thêm vào hệ thống hạ tầng của mình.

Việc rà soát và siết chặt thu chi lớn đồng nghĩa với khả năng các cơ sở y tế Trung Quốc sẽ dần tìm đến các hãng y tế Trung Quốc, vốn dễ dàng hơn cho việc kê khai, giới hạn chi phí vận chuyển, và “đẹp mắt” để trình bày cho chính quyền trung ương.

Dựa trên những quan sát này, nếu chính quyền Việt Nam học tập chính quyền Trung Quốc, họ chắc chắn đã tiên lượng về sự gián đoạn mua sắm công và năng lực điều trị của các bệnh viện lớn. Từ đó, chính quyền Việt Nam cũng đặt ra kỳ vọng rằng những hệ quả nhất thời này sẽ được đền đáp xứng đáng khi bộ máy y tế trở nên trong sạch.

Vấn đề ở chỗ là ngay tại Trung Quốc, dù chiến dịch chống tham nhũng trong ngành y tế diễn ra từ rất sớm (năm 2014) với hàng ngàn quan chức, cán bộ y tế rơi vào vòng lao lý nhưng quy mô và tầm phủ sóng của tham nhũng y tế gần như vẫn vậy.

Theo thống kê từ năm 2016 đến năm 2020, tình trạng tham nhũng y tế ở Trung Quốc không có dấu hiệu thuyên giảm. [7] Trong tình hình đại dịch COVID-19, mọi thứ có vẻ tồi tệ hơn và khó kiểm soát hơn với các khoản buộc phải chi khổng lồ nhưng không thể lường trước và không thể lập ngân sách trước.

Điều này chứng tỏ lập luận cho rằng sự hỗn loạn và gián đoạn của các bệnh viện Việt Nam hiện nay là “cái giá chấp nhận được” để hướng tới một môi trường y tế trong sạch ở thì tương lai ngày càng trở nên không hợp lý.

Chống tham nhũng bằng nỗi sợ sẽ không hiệu quả

Trong nghiên cứu “Understanding medical corruption in China: a mixed-methods study” đăng tải trên tạp chí Health Policy and Planning của Anh, nhóm các tác giả Trung Quốc đã đào sâu vào nhiều góc độ (kể cả phỏng vấn) để cho thấy một cái nhìn toàn cảnh về hiệu quả cũng như mặt trái của chiến dịch chống tham nhũng từ trên xuống của Bắc Kinh. [8]

Trước tiên, nhóm tác giả thừa nhận một số lợi ích do chiến dịch mang lại. Đầu tiên, giá thuốc và giá vật tư giảm xuống vì sự kiểm soát nghiêm ngặt của các cơ quan quản lý. Điều này khiến cho biên độ lợi nhuận dành để chia hoa hồng và hối lộ của các công ty y tế giảm theo.

Minh chứng rõ nhất là khung pháp lý được biết đến trong giới nghiên cứu tiếng Anh có tên gọi “national volume-based procurement” (NVBP). Khung pháp lý này đưa ra các nguyên tắc mua và cho thuốc của các bệnh viện công, bắt buộc sử dụng các loại dược phẩm thay thế và giảm giá các loại thuốc đã hết hạn độc quyền. Một số nghiên cứu cho thấy khoảng 25 loại thuốc trúng thầu theo NVBP đã giảm giá từ 25% đến 96%. [9]

Các bác sĩ và các quan chức trong ngành cũng ít dám nhận tiền mặt trực tiếp từ các công ty dược, thiết bị y tế. Họ cũng giới hạn việc ký kết các hợp đồng dịch vụ, gói thầu có giá trị quá cao mà không có sự ủng hộ chính trị từ các quan chức cấp cao hơn.

Ngoài ra, việc tiếp tay lừa đảo bảo hiểm y tế nhà nước cũng được ngăn ngừa với những hiệu quả nhất định.

Tuy nhiên, bất chấp không gian dành cho tham nhũng bị thu hẹp, tham nhũng vẫn tồn tại như một phần không thể thiếu của đời sống y tế Trung Quốc.

Những người được phỏng vấn giấu tên trong nghiên cứu cho biết, về khía cạnh giá thuốc, dù không thể chia hoa hồng cho bác sĩ và các lãnh đạo y tế thông qua các loại thuốc dễ kiếm lời do cản trở từ hệ thống NVBP, các công ty y tế vẫn có thể tìm đến các loại thuốc nằm ngoài danh sách kiểm soát của NVBP hoặc các loại thuốc mới còn trong thời hạn độc quyền.

Ngoài ra, thay vì lại quả tiền mặt trực tiếp, bác sĩ và các quan chức y tế bắt đầu được chung chi bằng học bổng, tài trợ cho các chương trình nghiên cứu, chi phí cho hội thảo hay các công tác khác, v.v.

Nỗ lực kiểm soát lừa đảo bảo hiểm y tế của chính quyền dần trở thành gánh nặng cho người dân sử dụng hơn là các bác sĩ và quan chức y tế.

Lý do của sự thiếu hiệu quả và khả năng “ứng biến” tham nhũng này, theo nhóm nghiên cứu lẫn những người phỏng vấn, là áp lực tài chính đối với đời sống của nhân viên y tế. Đặc biệt là khi chi phí dành cho công lao động của nhân viên y tế gần như không được phản ánh trong giá dịch vụ y tế.

Ví dụ, tiền công lấy dị vật ra khỏi mắt của bệnh nhân chỉ là 10 Nhân dân tệ/ lần (gần 35.000 đồng Việt Nam). Tiền công chẩn đoán cho bệnh nhân ngoại trú chỉ là 14 Nhân dân tệ/ lần (gần 50.000 đồng Việt Nam).

Trong khi đó, chi phí cho hóa chất, vật tư, thiết bị xét nghiệm thì gấp rất nhiều lần tiền công danh nghĩa dành cho bác sĩ. Điều này tạo nên áp lực cho việc tìm kiếm các khoản thu nhập bù đắp từ chính các loại chi phí được chính quyền cho phép cao hơn gấp nhiều lần công sức của họ, bất kể quy định nhà nước có tính răn đe đến đâu.

Nghiên cứu cũng chỉ ra một vấn đề là với hàng loạt công cụ chống tham nhũng và răn đe mạnh mẽ như vậy, cho đến nay, chính quyền Trung Quốc vẫn chưa có bất kỳ chính sách hiệu quả nào về dài hạn trong: (1) cải cách tiền lương, (2) cải cách giá dịch vụ y tế, (3) cải cách việc đánh giá cơ sở y tế dựa trên năng lực và hiệu suất để thúc đẩy phát triển hệ thống y tế công.

***

Nhìn tổng quan, chiến dịch chống tham nhũng ở Việt Nam gần như học hoàn toàn theo Trung Quốc. Việc này có nghĩa là các vấn đề của phía Trung Quốc cũng sẽ là vấn đề của Việt Nam. Những khủng hoảng tạm thời trong hệ thống y tế Việt Nam là điều có thể nhìn thấy trước.

Ban đầu, cả hai chính quyền đều có vẻ rất quyết đoán và quyết tâm trong công cuộc chống tham nhũng. Tuy nhiên, càng chống thì hệ thống lại càng phát hiện ra nhiều vấn đề nặng hơn và sâu hơn, chứ không làm thuyên giảm tình hình tham nhũng nói chung.

Cần nhớ rằng, các vụ án liên quan đến tham nhũng chấn động Việt Nam trong hai năm trở lại đây đều diễn ra khi mà quyền lực của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở đỉnh điểm. Những gương mặt chính trị cấp cao bị bắt giữ cũng đều do chính tay đảng của ông Trọng lựa chọn.

Tương lai của cuộc chiến chống tham nhũng trong không gian y tế Việt Nam, nhìn trước nhìn sau, cũng không thể giải quyết được vấn nạn gốc rễ.

https://www.luatkhoa.com/2023/03


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét