Thứ Năm, 2 tháng 3, 2023

Chuyện Việt Nam ngày Thứ năm 02 tháng 3 năm 2023

Quê Hương tổng hợp

Đại sứ Hoa Kỳ nói gì về nhân quyền và cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam?

Đại sứ Hoa Kỳ nói gì về nhân quyền  và cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam?

Hình minh hoạ: Ông Marc Knapper khi còn là Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc 

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ 

Đại sứ Hoa Kỳ thừa nhận nhân quyền vẫn là vấn đề khác biệt trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, đồng thời nêu quan điểm của mình về cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam và khả năng nâng cấp mối quan hệ giữa hai nước.

Viện Brookings - nghiên cứu chuyên sâu về tất cả các vấn đề xã hội trên toàn cầu, từ đó đề xuất các ý tưởng giải quyết đã thực hiện một cuộc phỏng vấn trực tuyến vào sáng ngày 2/3 (giờ miền Đông Hoa Kỳ) với Đại sứ Hoa kỳ tại Việt Nam, ông Marc E. Knapper về chính sách của Hoa Kỳ đối với Việt Nam, các ưu tiên hàng đầu trong mối quan hệ và cơ hội - thách thức trong thời gian tới.


Tại buổi phỏng vấn, ông Marc E. Knapper nhấn mạnh tầm quan trọng của nhân quyền trong việc cải thiện mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Ông khẳng định dù hai nước có những khác biệt về thể chế chính trị, nhưng luôn tôn trọng các giá trị của nhau, đồng thời bày tỏ quan ngại của mình một cách tôn trọng và thẳng thắn.

Ông Marc cho biết các cuộc đối thoại nhân quyền giữa hai nước vẫn diễn ra thường niên từ hơn 20 năm qua, và đây vẫn sẽ là kênh trao đổi về nhân quyền giữa hai nước trong tương lai để cải thiện mối quan hệ:

“Chúng tôi vẫn tiếp tục bày tỏ mối quan tâm (về nhân quyền - PV) của mình theo cả hai cách tôn trọng và thẳng thắn, nhưng thường là riêng tư và có phần bí mật nhiều hơn. Chúng tôi không cố đưa những cuộc tranh luận này lên trang nhất của tờ báo.

Trong cuộc đối thoại nhân quyền gần đây nhất cách đây vài tháng, chúng tôi đã nêu lên những quan ngại liên quan đến tình hình nhân quyền, xã hội dân sự cũng như các vấn đề khác liên quan đến những người đang bị giam giữ.”

Theo ông Marc, phía Việt Nam (trong những cuộc đối thoại-pv) cũng nêu lên quan ngại về những vấn đề liên quan đến bạo lực, súng đạn, tấn công người châu Á và người Mỹ gốc Á hay là phân biệt chủng tộc… xảy ra tại Hoa Kỳ trong thời gian gần đây.

Cũng tại buổi phỏng vấn này, khi trả lời câu hỏi của RFA rằng những vấn đề nào có thể làm xấu đi mối quan hệ giữa hai nước, đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam nói: 

“Đương nhiên chúng ta có sự khác biệt trong lĩnh vực nhân quyền, nhưng tôi nghĩ rằng cách chúng ta giải quyết những khác biệt đó mới thực sự quan trọng. Chừng nào chúng ta còn tôn trọng lẫn nhau, miễn là chúng ta nói rõ ràng và đảm bảo trung thực với các giá trị của mình, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục thúc đẩy lĩnh vực này.”

Khi được hỏi về cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam có ảnh hường gì đến mối quan hệ Việt - Mỹ? ông Marc Knapper thừa nhận rằng rất khó để bình luận công khai về tình hình hiện tại ở Việt Nam, nhưng ông tin rằng mối quan hệ hiện nay giữa hai nước khó có thể thay đổi bất chấp những xáo trộn ở cấp cao nhất trong phủ Việt Nam vì cuộc chiến chống tham nhũng.

Đại sứ Hoa Kỳ cũng tỏ ra lạc quan về khả năng nâng cấp mối quan hệ song phương với Việt Nam lên “Đối tác chiến lược toàn diện”, và cho biết ông đang tập trung hiện thực hoá điều đó.

Hiện nay Hoa Kỳ đã hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực như Biển Đông, y tế, biến đổi khí hậu, năng lượng và môi trường. Tuy nhiên, theo ông Marc Knapper, việc nâng cấp mối quan hệ sẽ giúp mở ra nhiều cơ hội hơn nữa để hai nước có những hợp tác chặt chẽ hơn trong các lĩnh vực như quốc phòng, thực thi pháp luật, an ninh…

Về vấn đề Việt Nam trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung đang gia tăng, đại sứ Marc Knapper cho biết Hoa Kỳ không nên nói về Việt Nam trong chính sách của họ đối với Trung Quốc. Thay vào đó, Hoa Kỳ nên thúc đẩy các mục tiêu chung như hướng tới một Việt Nam hùng mạnh, độc lập và thịnh vượng, tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, đồng thời tôn trọng hệ thống chính trị của nhau.

Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức lần đầu ‘treo dao’ mổ theo lịch

Đông Đô/VNTB

02/3/2023

VNTB – Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức lần đầu ‘treo dao’ mổ theo lịch

Đảng và nhà nước Việt Nam dường như đang bất lực trước việc ngành y tế nước nhà đang lâm vào cuộc khủng hoảng trong điều trị.

Trưa ngày 1-3-2023, trong lúc Ban Chấp hành Trung ương Đảng đang tính toán nhân sự chủ tịch nước, thì tại khu vực khám bệnh của bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) có hàng trăm bệnh nhân, người nhà đang ngồi chờ đợi. Trong khi đó, các khu vực như trước cửa phòng chụp X-quang, phòng cộng hưởng từ, nhiều người đang ngồi vật vã chờ đợi hoặc xếp hàng dài đăng ký.

GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc bệnh viện Việt Đức, cho biết sau cuộc họp với các khoa phòng ngày 22 và 23-2 vừa qua, bệnh viện đã có thông báo hạn chế tối đa mổ phiên (mổ theo lịch), chỉ duy trì mổ cấp cứu. Bệnh viện cũng bắt đầu cân nhắc chỉ định xét nghiệm khi thật cần thiết, hạn chế tối đa các xét nghiệm cho bệnh nhân không cấp cứu.

Trường hợp bệnh viện công bố dừng mổ phiên nhưng bệnh nhân vẫn đến, bác sĩ sẽ giải thích về tình hình, nếu bệnh nhân chấp nhận ở lại chờ đợi thì bệnh viện sẽ thu xếp lịch mổ khi có hóa chất, vật tư y tế. “Nếu bệnh nhân đi nơi khác là quyền của người bệnh”, GS.TS Trần Bình Giang nói. Đặc biệt, bệnh viện không chấp nhận để người nhà bệnh nhân mua vật tư y tế, hóa chất từ ngoài vào mổ vì liên quan đến sự an toàn, tính mạng con người.

Số liệu thống kê cho thấy riêng năm 2022, bệnh viện Việt Đức đã mổ gần 80.000 ca, tương ứng mỗi ngày khoảng 210 ca mổ phiên và mổ cấp cứu. Đây là bệnh viện ngoại khoa hạng đặc biệt có số lượng ca mổ nhiều nhất cả nước. Khi bệnh viện phải hạn chế tối đa mổ phiên thì rất nhiều bệnh nhân sẽ phải trì hoãn lịch mổ chưa biết đến bao giờ.

Ở ngày 1-3-2023, bệnh viện Việt Đức đã có khoảng trên dưới 100 bệnh nhân phải dời lịch mổ, hoãn mổ do bệnh viện chỉ ưu tiên phẫu thuật những bệnh nhân nặng và bệnh nhân cấp cứu, hạn chế mổ phiên.

“Việc hoãn mổ này dù bệnh nhân và cả bác sĩ đều không mong muốn nhưng thực sự bệnh viện bất khả kháng vì vật tư của bệnh viện đã cạn kiệt” – một bác sĩ khoa Phẫu thuật chấn thương chia sẻ, và cho hay khoa có 19 bệnh nhân đã được lên lịch mổ trước đó nhưng sau khi cân nhắc, đánh giá tình trạng bệnh chỉ có 6 trường hợp nặng được duyệt mổ. Thời gian chờ đợi có thể kéo dài thêm 3-4 tuần. Trong thời gian chờ mổ, bác sĩ sẽ hướng dẫn cho bệnh nhân dùng nẹp, uống thuốc… để bệnh không nặng thêm.

Trước đó, theo báo cáo của bệnh viện Hữu nghị Việt Đức lên Bộ Y tế, do một số vướng mắc về quy định đấu thầu, mua sắm cũng như gia hạn giấy nhập khẩu trang thiết bị, bệnh viện không mua được các hóa chất, trong đó có hóa chất miễn dịch, hóa chất khí máu, vật tư hút máu đông, miếng dán cố định phẫu trường, kim gây tê tủy sống…

Từ tuần trước nữa, bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã dự báo, hóa chất khí máu chỉ còn đủ dùng 1 tuần, hóa chất ghép tạng đủ dùng cho 2 tuần… Việc thiếu hụt các hóa chất, vật tư y tế sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khám, chữa bệnh.

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng đã có các cuộc họp với lãnh đạo các bệnh viện bàn các biện pháp tháo gỡ và dự kiến, văn bản với các nội dung về tháo gỡ vướng mắc trong đấu thầu mua sắm sẽ ban hành trong tháng 2. Tuy nhiên, giờ đã là đầu tháng 3-2023, hiện các bệnh viện trực thuộc vẫn chưa nhận được những hướng dẫn này.

“Bình thường mình cũng không quan tâm lắm, đến khi người thân của mình đang nằm mòn mỏi chờ đợi đến lịch mổ, khối u to trong não ngày một to, có dấu hiệu chảy máu, đẩy lòi cả mắt mà lực bất tòng tâm.

Muốn được bác sĩ chuyên môn giỏi của bệnh viện tốt nhất cả nước về ngoại khoa phẫu thuật, muốn được hưởng bảo hiểm y tế vì kinh tế khó khăn và chi phí phẫu thuật lớn. Thậm chí chấp nhận một khoản phí dịch vụ mổ yêu cầu và mổ sớm cũng không thể sớm hơn được. Chờ đợi tháo gỡ sớm từ cấp trên để người dân được hưởng dịch vụ y tế công chất lượng” – một thân nhân người bệnh đang chờ lịch mổ ở bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, tuyệt vọng kêu cứu như vậy.

Hội nghị bất thường cho trò “ăn chia”, Thủ tướng Chính bị dính “ong vò vẽ”

02/03/2023 | 

Chỉ trong 3 tháng gần đây, Đảng Cộng sản đã có 3 lần đại hội bất thường. Thực ra đấy là những kỳ ăn chia không theo lịch, chiến đến đâu thì họp hội chia chác đến đó. Những người chiến thắng không muốn đợi đến kỳ họp định kỳ mà cần phải họp gấp để nắm chức trong tay mới chắc ăn. Chuyện tranh giành ghế là không thể trì hoãn, nếu trì hoãn là cơ hội sẽ vuột mất.

Bài học ông Nguyễn Hòa Bình vào Bộ Chính trị, kỳ vọng ghế Phó Thủ tướng Thường trực của ông Trương Hòa Bình, nhưng vì Trương Hòa Bình “ngồi lỳ” một chỗ thêm mấy tháng, khiến ông Nguyễn Hòa Bình vuột mất cơ hội vào tay Phạm Bình Minh. Đấy là bài học, đã tiến sát cơ hội thì chộp ngay, nếu không thì sẽ bị kẻ khác chiếm mất.

Việc ông Võ Văn Thưởng làm Chủ Tịch nước đang chiếm sóng báo chí tự do 

Trong kỳ họp bất thường lần này, dư luận chú ý đến việc bầu ông Võ Văn Thưởng chính thức làm Chủ tịch nước. Đây là sự kiện ồn ào chiếm sóng các tờ báo tự do, nhưng báo chí Nhà nước thì vẫn cứ im lặng vì chưa được phép mở miệng. Cuộc chiến ngồi vào ghế Chủ tịch nước là cuộc chiến ngược. Nghĩa là sao? Nghĩa là cuộc chiến này ngược lại với những cuộc chiến khác, kẻ bại trận mới nhận được ghế Chủ tịch nước, chứ không phải kẻ chiến thắng.

Việc bầu bổ sung ông Trần Lưu Quang vào Bộ Chính Trị là sự biến động đáng chú ý trên bàn cờ chính trị 

Tuy ghế Chủ tịch nước gây ồn ào trên mặt báo, nhưng chuyện khác ít gây ồn ào lại đáng quan tâm. Đó là chuyện bầu bổ sung vào Bộ Chính trị cho Trần Lưu Quang – Phó Thủ tướng Chính phủ. Việc ông Trần Lưu Quang vào Bộ Chính trị là điều mà Thoibao.de đã dự báo từ lâu, bởi con đường quan lộ của ông Trần Lưu Quang cũng là con đường tiến công vào Chính phủ. Và mục đích của ông Trần Lưu Quang là chiếc ghế Thủ tướng, nếu có điều kiện.

Lộ trình cho Trần Lưu Quang được vạch sẵn rất rõ ràng. Bước 1 là thay thế Phạm Bình Minh, bước 2 là vào Bộ Chính Trị, bước 3 chính thức là Phó Thủ tướng Thường trực, và bước cuối cùng là soán ngôi ông Phạm Minh Chính. Bước cuối cùng được coi là bước cam go nhất cho ông Trần Lưu Quang. Nếu một mình ông Trần Lưu Quang sẽ không thể làm được, mà thế lực đang vẽ đường cho ông làm chuyện đó.

Thoibao.de đã có bài viết ví Trần Lưu Quang vào Chính phủ như là “ong đã vào tay áo, chờ ngày đốt”. Con ong này rất khủng, có thể đốt vào sự nghiệp chính trị của Phạm Minh Chính những nhát đốt chí tử. Con ong này không phải đốt bừa, mà đốt có chiến lược. Sau khi vào Bộ Chính trị và chính thức làm Phó Thủ tướng Thường trực, thì ông Trần Lưu Quang cũng chính thức là Thủ tướng dự bị. Chỉ cần phe ông Tổng quật được ghế Thủ tướng thì Trần Lưu Quang sẽ trở thành Thủ tướng.

Tốc độ thăng tiến của ông Trần Lưu Quang là dấu hiệu rất bất thường. Ông Quang không làm nên thành tích gì ở những nơi mà ông ghé qua, và đúng hơn, là thời gian ông ngồi ghế lãnh đạo địa phương không đủ để ông làm nên thành tích gì đáng kể.

Cũng có ý kiến cho rằng, các quan chức Cộng sản nếu không phá hoại đã là điều tốt nhất mà họ có thể làm được, còn nói về tạo nên thành tích thực sự, thì xem ra, cả Đảng Cộng sản không ai làm được. Ngay cả ông Nguyễn Phú Trọng, người có tác động mạnh nhất vào công tác nhân sự của Trung ương Đảng, thì ông Trọng cũng chọn toàn là “chuột cống”, rồi sau đó ông lại ra sức đánh chuột. Ông Trọng được ca ngợi như “người đốt lò vĩ đại”, nhưng cũng là người phá hoại chứ chẳng xây. Và gần như, tìm một người trong Đảng có thành tích thực sự, có thể nói, “khó như lên trời hái sao”. Và vì thế, việc ông Trần Lưu Quang không tạo ra thành tích gì lại là một cái hay.

Thực tế, sự nghiệp chính trị của ông Phạm Minh Chính đang bị vây tứ phía. Ông Chính đang phải chăm sóc Quảng Ninh để không liên lụy tới ông. Giờ đây ông Chính còn phải lo chống lại “con ong vò vẽ” Trần Lưu Quang đang từng bước tiến sát đến chiếc ghế Thủ tướng của ông. Để cho ong vò vẽ không thể đốt được là một thành công đối với ông Phạm Minh Chính.

Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)

https://thoibao.de/blog/2023/03/02

Việt Nam nói sẽ chặn Netflix nếu không lập văn phòng địa phương, không để ‘tự tung tự tác’ 

01/3/2023

VOA Tiếng Việt 

Netflix là một trong những dịch vụ truyền hình xuyên biên giới đang hoạt động mạnh nhất tại Việt Nam.

Netflix là một trong những dịch vụ truyền hình xuyên biên giới đang hoạt động mạnh nhất tại Việt Nam. 

Giới hữu trách Việt Nam vừa chính thức lên tiếng nói rằng những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình xuyên biên giới như Netflix sẽ bị ngăn chặn và xử phạt nếu không có pháp nhân đại diện tại Việt Nam.

“Trong trường hợp nhà cung cấp dịch vụ truyền hình xuyên biên giới không có pháp nhân đại diện tại Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với các đơn vị viễn thông để chặn truy cập”, VnExpress dẫn lời ông Nguyễn Hà Yên, Phó cục trưởng Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông, nói tại một hội nghị ở TPHCM vào ngày 27/1.

Theo giới chức này, Việt Nam hiện có 5 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình qua Internet (OTT) xuyên biên giới, trong đó có hai dịch vụ từ Mỹ (bao gồm Netflix) và ba dịch vụ từ Trung Quốc.

Theo chính sách mới trong Nghị định 71 mà Việt Nam bắt đầu áp dụng từ ngày 1/1, các đơn vị truyền hình trả phí tại Việt Nam phải có pháp nhân đại diện trong nước và phải chịu sự quản lý của cơ quan chức năng Việt Nam.

Ông Nguyễn Hà Yên nói rằng việc siết chặt quản lý của Việt Nam là nhằm “đảm bảo công bằng” cho doanh nghiệp trong nước.

Ngoài ra, theo ông Trần Văn Úy, Chủ tịch Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPAYTV), nếu các dịch vụ truyền hình qua internet không được quản lý sẽ dẫn tới nguy cơ vi phạm về thuần phong mỹ tục, lối sống và chính trị, pháp luật. Quan chức này đưa ra dẫn chứng rằng nhiều bộ phim không được chiếu qua OTT trong nước do vi phạm kiểm duyệt nhưng vẫn được Netflix phát sóng.

Năm ngoái, Netflix đã nhận được yêu cầu của chính quyền Việt Nam đòi phải chặn quyền truy cập trong nước đối với những nội dung bị đánh giá là “xúc phạm nhân dân Việt Nam” như bộ phim Hollywood “Uncharted” (“Thợ săn cổ vật”) đề cập đến yêu sách chủ quyền “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông và bộ phim truyền hình Hàn Quốc “Little Women” (“Ba chị em”) có các cảnh về Chiến tranh Việt Nam đã bị cấm chiếu vì “xuyên tạc lịch sử”.

Với tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á, Việt Nam hiện được xem là một trong những thị trường trọng điểm trong khu vực đối với các tập đoàn khổng lồ về công nghệ.

Theo thống kê của Bộ Thông tin Truyền thông, doanh thu từ dịch vụ truyền hình OTT tại Việt Nam đạt 1,55 nghìn tỷ đồng (65,68 triệu USD) vào năm 2022, tăng 27,2% so với năm 2017. Số lượng thuê bao truyền hình OTT đạt 5,5 triệu thuê bao, tăng 26,2% so với năm 2017.

Hãng tin Reuters tuần trước cho biết Netflix đang chuẩn bị mở văn phòng tại Việt Nam sau “nhiều năm đàm phán” với chính quyền và hoàn tất việc “đánh giá rủi ro” tại thị trường này.

Chính phủ Việt Nam trong nhiều năm qua yêu cầu các đại gia công nghệ, bao gồm cả Netflix, đang hoạt động tại Việt Nam nhưng không có văn phòng địa phương phải nộp thuế.

Tháng trước, Việt Nam đã thu được 1,8 nghìn tỷ đồng (khoảng 78 triệu USD) tiền thuế từ Google, Meta, Netflix và TikTok cho năm 2022.

Bên cạnh sức ép buộc các tập đoàn công nghệ nước ngoài phải nộp thuế tại Việt Nam, các công ty truyền thông xã hội hoạt động tại Việt Nam đã phải đối mặt với áp lực đặc biệt về nội dung, bao gồm các quy định đang chờ xử lý về việc đăng nội dung liên quan đến tin tức trên các tài khoản truyền thông xã hội.

Đảng Cộng sản cầm quyền vẫn duy trì việc kiểm duyệt chặt chẽ truyền thông và không dung chấp bất đồng chính kiến, với những quy định nghiêm ngặt đối với những nội dung trực tuyến và chính phủ đang ngày càng giám sát chặt chẽ những công ty nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực này, theo nhận định của Reuters.

Việt Nam hiện có 22 nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trong và ngoài nước, bao gồm Netflix, iFlix của Malaysia và WeTV của Trung Quốc.

Dương Quốc Chính - Dân chủ để chấm dứt chiến tranh 

  

Chúng ta có thể thấy, ở ngoài xã hội, thành phần hung hăng, dễ đánh chửi nhau, thậm chí giết nhau, hầu hết là thành phần cần lao ít học. Những người được học hành tử tế, có hiểu biết pháp luật, không quá nghèo, sẽ không dễ dàng xung đột. Họ luôn có xu hướng ôn hòa hơn. 

Ở phạm vi quốc tế cũng vậy. Kể từ sau khi thế chiến II kết thúc, đã hình thành 1 trật tự thế giới mới với Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế, luật pháp quốc tế. Kể từ đó, các cuộc chiến tranh hầu hết đều có ít nhất một bên là theo thể chế độc tài hay toàn trị. 

Ngoài ra, gần đây xuất hiện thêm yếu tố tôn giáo, mà chỉ có Hồi giáo cực đoan. Có duy nhất cuộc xung đột Israel và thế giới Arab không có yếu tố thể chế, nhưng cũng có màu sắc tôn giáo và tranh chấp lãnh thổ lịch sử.

Một đặc điểm chung ở tất cả các cuộc chiến là có ít nhất một bên có yếu tố cực đoan (độc tài, toàn trị hay tôn giáo). Chứ không có hai nước thực sự dân chủ, tự do lại đánh nhau. Việc chung ý thức hệ không quyết định xung đột mà là yếu tố văn minh và thịnh vượng khiến các quốc gia ôn hòa hơn, dù quá khứ nước đó có thể rất hung hăng, xâm lược, thậm chí diệt chủng. 

Các xung đột giữa các nước cộng sản cho thấy sự ràng buộc ý thức hệ không hề quyết định cho hòa bình, dù họ vẫn từng rêu rao là các nước anh em. 

Chính vì thế, để giải quyết triệt để tận gốc các hiểm họa xung đột chính là dân chủ hóa và sự thịnh vượng. Nếu Nga không phải là một nước độc tài do Putin nắm quyền thì cuộc chiến Ukraine cũng sẽ không xảy ra. Đó là lý do mình dự đoán cuộc chiến này chỉ có thể chấm dứt tận gốc khi Putin chết và Nga được dân chủ hóa.

Như vậy, một cách tổng quát, con người chỉ bớt hung hăng, tàn bạo, khi người ta văn minh hơn và tôn trọng sự khác biệt (là nền tảng của thể chế dân chủ). Các nguyên nhân xung đột phổ biến như tranh chấp lãnh thổ, xung đột sắc tộc, tôn giáo, địa chính trị...sẽ đều có thể giải quyết được nếu có dân chủ và thịnh vượng. Người/quốc gia giàu có nói chung cũng tiếc sinh mạng hơn, nên cũng ít khi muốn đánh nhau hơn những kẻ "cố cùng liều thân".

Có hai ví dụ gần gũi với Việt Nam là Mông Cổ và Thái Lan. Hai nước này trong quá khứ đã có những xung đột rất ác liệt với Đại Việt. Nhưng sau khi dân chủ hóa, cả đất nước và dân tộc này đều trở nên rất ôn hòa. Mông Cổ từng có một quá khứ hung bạo ở tầm thế giới. Còn Xiêm cũng từng là một quốc gia xưng hùng xưng bá ở Đông Nam Á. Bây giờ thậm chí người Việt còn coi thường dân Thái là nhu nhược, hiền quá! Trong khi đó, tính hung hăng của dân Việt Nam và Trung Quốc dường như vẫn không thay đổi, là do thể chế mà thôi. Người Nhật và Đức bây giờ lại rất ôn hòa, dù có quá khứ "hào hùng" và bạo lực.

 Khi còn các chế độ độc tài thì chiến tranh sẽ không bao giờ thực sự chấm dứt, sự ổn định xã hội ở các nước độc tài chỉ là sự ổn định cưỡng bức chứ không phải bản chất thông qua thương thuyết, nguy cơ xung đột luôn tiềm ẩn, chính điều đó lại là lý do để nhà cầm quyền cố tình duy trì sự lãnh đạo độc tài. Đó là vòng luẩn quẩn khiến các nước độc tài không thể dân chủ hóa và người dân chấp nhận điều đó.

Nói ngắn gọn và dễ hiểu thì bọn thích đánh nhau là bọn ngu và/hoặc có tư tưởng độc tài. Bọn ngu sẽ là công cụ để bọn độc tài duy trì quyền lực thông qua bạo lực.

DƯƠNG QUỐC CHÍNH 01.03.2023

Công nhân lãnh tiền thất nghiệp, cũng bị đánh thuế 10%

Quốc Thành /SGN
01/3/2023

Chuyện ít ai tưởng tượng ra nổi, vậy mà cũng có được trong xã hội Việt Nam lúc này. Trên Facebook và các diễn đàn nội bộ của công nhân công ty PouYuen Việt Nam đang rộ lên những lời bất bình và tố cáo chuyện họ phải đóng thuế thu nhập cá nhân 10% khi lãnh trợ cấp thôi việc.

Do khó khăn không tìm được đơn hàng, Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam ở quận Bình Tân, Sài Gòn, mới đây đành chấm dứt hợp đồng lao động với khoảng hơn 2,300 người. Thấy tình cảnh công nhân quá khó khăn nên công ty này yểm trợ 0.8 tháng lương cho mỗi năm làm việc, mức cao nhất nhận 379 triệu đồng, thấp nhất 12 triệu đồng. Ai nấy đều vui mừng khi nghe tin. Ấy vậy đến lúc nhận tiền, Cục thuế TP.HCM xuất hiện, tuyên bố theo luật thì công nhân phải bị trừ 10% thuế thu nhập cá nhân trên tổng tiền hỗ trợ.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Cục trưởng Cục Thuế giải thích việc thu thuế theo quy định trên, là do người lao động nghỉ việc, đủ điều kiện hưởng trợ cấp thôi việc, mỗi năm làm việc sẽ được trợ cấp nửa tháng tiền lương. Như vậy, với mức chi trả cho người lao động cứ mỗi năm là 0.8 tháng tiền lương. Nhưng nếu tiền bồi thường, dù có được cho nhiều hơn từ quyết định riêng của công ty cho nghỉ việc, nếu cao hơn mức quy định đó, công nhân sẽ bị trừ 10% thuế thu nhập cá nhân.

Cách giải thích trơ trẽn này của ông Dũng, dù viện đủ điều luật, hoàn toàn không diễn tả hết nổi khốn khổ của người lao động mất việc làm, nay trông mong số tiền bồi thường đó để về quê làm lại cuộc đời mới. Xoa dịu dư luận, ông Dũng nói “Nếu số thuế thu nhập cá nhân nộp thừa, công nhân sẽ được hoàn trả sau này”. Nhưng người Việt Nam ai cũng biết, chuyện hoàn thuế, chưa bao giờ có thật.

Báo Dân Trí dẫn tâm sự của Anh Tuấn, là một trong số hơn 2,300 công nhân công ty TNHH PouYuen Việt Nam bị chấm dứt hợp đồng trong Tháng Ba sắp tới. Theo thông báo của công ty, tổng số tiền trợ cấp thôi việc cho 23 năm thâm niên của anh Tuấn là hơn 226 triệu đồng. Tuy nhiên, Tuấn bị trừ 10% thuế thu nhập cá nhân (TNCN) của khoản tiền trợ cấp cao hơn so với quy định, tính ra hơn 17 triệu đồng, nên khoản thực nhận chỉ còn hơn 209 triệu đồng.

Tương tự, chị H. có thâm niên 18 năm làm việc tại công ty PouYuen Việt Nam. Tổng số tiền trợ cấp thôi việc của chị H. là hơn 161 triệu đồng. Sau khi bị trừ 10% thuế TNCN của khoản tiền trợ cấp cao hơn so với quy định, số tiền trợ cấp thôi việc thực tế của chị H. là gần 148 triệu đồng.

Nhiều công nhân vui mừng vì có tiền hỗ trợ trang trải cuộc sống trong thời gian họ tìm công việc mới. Tuy nhiên, nhiều người cũng chạnh lòng vì đây là khoản tiền hỗ trợ mất việc mà cũng bị tính thuế đến 10%. Đời công nhân Việt Nam được coi là thuộc hàng nghèo khó nhất Việt Nam, làm chỉ đủ ăn, không có dư. Nay số tiền được coi là cơm áo và vốn liếng làm ăn cuối đời của họ, cũng bị tước đi do “luật”.

Trước đó, Công ty TNHH PouYuen Việt Nam đã có văn bản gửi cơ quan chức năng về việc thực hiện thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động với 2,358 công nhân do gặp khó khăn về đơn hàng. Công ty này nói rõ rằng để ghi nhận sự cống hiến của người lao động, công ty chi trả cho toàn bộ thời gian người lao động làm việc tại công ty (bao gồm cả những năm người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp), cứ mỗi năm là 0.8 tháng tiền lương. Nhiều người bình luận, hóa ra, chủ người nước ngoài còn biết thương dân Việt hơn cả nhà cầm quyền, vốn vẫn cao giọng nói mình là chính quyền của giai cấp công-nông.

Trên thực tế, đây không phải lần đầu, việc đánh thuế thu nhập cá nhân trên các khoản hỗ trợ gây phản ứng dư luận.

Năm 2020, trong đợt cắt giảm lao động của PouYuen Việt Nam vì dịch covid, tiền trợ cấp mất việc cao hơn so với quy định cũng bị khấu trừ thuế thu nhập cá nhân 10% như trên. Năm 2022, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế xem xét việc không thu thuế thu nhập cá nhân 10% này.

Trao đổi với Báo Kinh tế & Đô thị, một luật sư ở Sài Gòn cho rằng, khoản tiền công nhân được nhận từ Công ty TNHH PouYuen Việt Nam là khoản tiền hỗ trợ của doanh nghiệp giúp công nhân đi tìm việc làm mới, trang trải lúc khó khăn, chứ không phải là khoản tiền thưởng hay thu nhập tăng thêm nào khác. Vì vậy, có thể xem xét đây là trường hợp đặc biệt, để không thu thuế, từ đó hỗ trợ công nhân, vì đánh thuế cũng phải bảo đảm tính nhân văn.

Hà Nội, Cần Thơ: Bắt giám đốc và đăng kiểm viên các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới

RFA
02/3/2023

Hà Nội, Cần Thơ: Bắt giám đốc và đăng kiểm viên các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới

Công an Hà Nội khám xét một trung tâm đăng kiểm vi phạm (hình minh hoạ) 

PLVN 

Ông Châu Ngọc Ý, giám đốc của ba Trung tâm đăng kiểm xe ở Cần Thơ vừa bị khởi tố, bắt tạm giam về tội nhận hối lộ. Cùng lúc Công an Hà Nội cũng tạm giữ ba lãnh đạo và sáu nhân viên của trung tâm đăng kiểm huyện Sóc Sơn.

Cùng bị bắt với ông Ý còn có ông Nguyễn Sỹ Hùng -giám đốc doanh nghiệp tư nhân sữa chữa ô tô Phú Hưng-Bến Tre. Truyền thông nhà nước loan tin trên trong ngày 2/3.

Công an Cần Thơ cho biết Phòng cảnh sát điều tra về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đã phát hiện dấu hiệu sai phạm liên quan đến công tác kiểm định tại các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 6502D, 6504D và 6506D thuộc Công ty kỹ thuật Cát Tương An Khánh (đều do ông Ý làm giám đốc) nên đã báo cáo Giám đốc Công an thành phố Cần Thơ tiến hành điều tra.

Vào ngày 17/2, Công an Cần Thơ đã ra quyết định khám xét khẩn cấp các trung tâm trên và thu giữ nhiều tài liệu liên quan sai phạm trong công tác đăng kiểm xe cơ giới.

Quá trình điều tra, ông Châu Ngọc Ý thừa nhận đã cấu kết với ông Hùng nhận tiền của các chủ phương tiện để lập khống hồ sơ cải tạo xe cơ giới các loại, ký khống biên bản nghiệm thu cải tạo, mua các Giấy chứng nhận kết quả kiểm định cần trục cẩu để hợp thức hoá hồ sơ cho các phương tiện không đủ điều kiện hồ sơ cải tạo theo quy định.

Cụ thể ông Ý đã nhận số tiền từ 10 triệu đến 12 triệu đồng/1 hồ sơ để làm hồ sơ hợp thức hóa cho các phương tiện trên. Tổng số tiền ông Ý đã là trên 2 tỉ đồng. 

Cũng trong ngày 2/3, Công an huyện Sóc Sơn Hà Nội cho biết đã ban hành quyết định tạm giữ và lệnh khám xét khẩn cấp chỗ ở của chín người thuộc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 29-12D QL3 huyện Sóc Sơn để điều tra làm rõ hành vi nhận hối lộ.

Chín người bị bắt gồm giám đốc trung tâm, giám đốc kỹ thuật, phó giám đốc kỹ thuật cùng sáu đăng kiểm viên.

Công an huyện Sóc Sơn xác định, các đăng kiểm viên và lãnh đạo của Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 29-12D đã nhận tiền của các chủ phương tiện đến kiểm định để bỏ qua các lỗi vi phạm của phương tiện và cấp giấy đăng kiểm. Tại cơ quan điều tra, chín người này đều thừa nhận hành vi nhận hối lộ.

Theo Cục Đăng kiểm việt Nam, tính đến ngày 1/3, cả nước có 59 trung tâm đăng kiểm phải tạm dừng hoạt động (51 đơn vị bị dừng do phục vụ điều tra và tám đơn vị dừng do không đủ điều kiện hoạt động). Đến nay đã có hơn 300 người bị khởi tố với các cáo buộc “hối lộ”, “nhận hối lộ”, “môi giới hối lộ” và “Giả mạo trong công tác”.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét