Tù nhân lương tâm Lê Trọng Hùng
Fb Lê Trọng Hùng
Chính phủ Việt Nam phản hồi Cơ chế đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc, bác bỏ cáo buộc đàn áp giới hoạt động, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) nói lập luận của Hà Nội là "trơ trẽn."
Ngày 24/3, Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên Hiệp quốc (LHQ), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva phản hồi văn bản chất vấn hồi tháng 11/2021 của ba Báo cáo viên đặc biệt về việc bắt giữ tùy tiện chín nhà hoạt động.
Những người này bao gồm các ông/bà: Chung Hoàng Chương, Nguyễn Văn Nghiêm, Lê Văn Dũng, Đinh Thị Thu Thuỷ, Đỗ Nam Trung, Đinh Văn Hải, Lê Trọng Hùng, Trần Quốc Khánh, và Lê Chí Thành.
Trong số này, cựu đại úy công an Lê Chí Thành bị bắt và kết án vì hai tội danh “chống người thi hành công vụ” và “lợi dụng quyền tự do dân chủ” còn ông Chung Hoàng Chương bị án “lợi dụng quyền tự do dân chủ.”
Những người còn lại đều bị kết tội “tuyên truyền chống nhà nước” với mức án từ năm năm đến 10 năm tù giam. Tám người trong số họ đang thụ án tù, riêng ông Chương đã thi hành xong án tù 18 tháng từ giữa năm 2021.
Trong văn bản giải trình, Hà Nội nói việc bắt giữ và kết án họ đều tuân thủ pháp luật Việt Nam và các cam kết quốc tế về nhân quyền.
Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Phân ban Á châu của HRW trong email gửi Đài Á Châu Tự Do (RFA) ngày 30/3 cho rằng lập luận của Chính phủ Việt Nam là trơ trẽn:
"Phản ứng của Chính phủ Việt Nam hoàn toàn hai mặt, từ chối tuân thủ các cam kết quốc tế (về nhân quyền- PV) của mình nhưng sau đó lại viết phản hồi như thể họ đang tuân thủ.
Vấn đề cơ bản là Việt Nam đã liên tục thất bại trong việc đưa luật pháp quốc gia của mình tuân thủ Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) mà nó đã phê chuẩn.
Sau đó, Nhà nước Việt Nam tuyên bố một cách dối trá và ngụy biện rằng bởi vì đang hoạt động trong khuôn khổ luật pháp của mình, nên không có quyền nào bị vi phạm."
Theo ông, Việt Nam dường như là cố gắng làm thất bại nhiệm vụ của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, và che đậy những vi phạm nhân quyền của mình giống như đang làm với câu trả lời mới nhất này cho các Báo cáo viên đặc biệt.
Việc bắt giữ và kết án đúng luật Việt Nam
Trong thư chất vấn hai năm trước, các báo cáo viên đặc biệt nói họ nhận được thông tin về việc bắt giữ tuỳ tiện chín nhà hoạt động chỉ vì họ thực hiện quyền tự do biểu đạt, giam giữ họ trong thời gian dài mà không cho tiếp xúc với luật sư và gia đình, và xét xử không tuân thủ quy trình về xét xử công bằng.
Trong thư phản hồi, Việt Nam khẳng định những việc các cơ quan chức năng làm đều tuân thủ luật pháp Việt Nam và tuân thủ khoản 3 Điều 9 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR):
“Bất kỳ ai bị bắt hoặc giam giữ vì cáo buộc hình sự sẽ nhanh chóng được đưa ra trước một thẩm phán hoặc viên chức khác được pháp luật ủy quyền để thực thi quyền tư pháp và có quyền được xét xử trong một thời gian hợp lý hoặc được trả tự do.”
Phía Việt Nam cũng biện hộ việc từ chối cho những người bị tạm giam gặp luật sư và người thân trong quá trình điều tra nhằm “bảo vệ bí mật điều tra” trong các vụ án liên quan đến an ninh quốc gia.
Thư phản hồi cũng khẳng định chín nhà hoạt động bị kết án vì tuyên truyền thông tin không đúng sự thật, lợi dụng quyền tự do biểu đạt và dân chủ để xuyên tạc và bôi nhọ chính quyền.
Ông Chung Hoàng Chương, người bị bắt ngày 11/01/2020 ngay sau vụ thảm sát Đồng Tâm và mãn hạn tù vào tháng 7/2021, nói với RFA về trường hợp của mình:
“Tôi bị bắt về cáo buộc theo Điều 331 vì một số bài viết góp ý trên Facebook. Trong khi hỏi cung, công an không cho tôi cơ hội giải thích, Sở Thông tin và Truyền thông đã cường điệu quá mức khi thẩm định các bài viết của tôi, còn toà án cắt ngang khi tôi trình bày bản tự bào chữa."
Ông cho rằng bản thân "bị tù tội vì nói ra sự thật," đó là những điều mà chế độ không muốn nghe và không muốn người dân biết.
Ông bị hạn chế gặp vợ trong thời gian tạm giam, không được nhận thuốc gia đình gửi vào và cũng không được điều trị dù bị bệnh tim. Thêm nữa, dù có thị lực kém và cần phải đeo kính nhưng trại tạm giam không cho ông sử dụng kính, kể cả kính gọng nhựa.
Việt Nam nói Điều 117 của Bộ luật Hình sự 2015 tương thích với ICCPR
Trong thư chung đề ngày 21/11/2021, Báo cáo viên đặc biệt về thúc đẩy và bảo vệ quyền biểu đạt; về quyền tự do hội họp và lập hội ôn hòa; về tình hình của những người bảo vệ nhân quyền bày tỏ mối lo ngại sâu sắc về những vi phạm rõ ràng có hệ thống của chính quyền đối với các quyền cơ bản của con người...
Các báo cáo viên của LHQ nêu quan ngại của họ về “những điều khoản mơ hồ của Bộ luật Hình sự” và cho rằng điều này dường như “không phù hợp với các nghĩa vụ của (Việt Nam) theo luật nhân quyền quốc tế.” Họ nhắc đến các điều “phát tán tài liệu nhằm chống Nhà nước” (Điều 117) và “lợi dụng quyền tự do dân chủ” (Điều 331) được dùng để chống lại những cá nhân “chỉ đơn giản thực hành quyền tự do biểu đạt và truyền đạt thông tin.”
Họ nói hai điều trên không tương thích với công ước mà Hà Nội tham gia từ năm 1982, kêu gọi Việt Nam xoá bỏ hai điều này vì chúng đi ngược với quyền tự do ngôn luận và lập hội được quy định theo Điều 9 và 19 của ICCPR.
Tuy nhiên, trong thư phản hồi, Chính phủ Việt Nam khẳng định Điều 117 tương thích với Khoản 3, Điều 19 của công ước này, trích dẫn: “việc thực hiện quyền tự do biểu đạt có thể phải chịu một số hạn chế nhất định và những hạn chế này cần được quy định bởi pháp luật nhằm: a) Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; b) Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của xã hội.”
Hà Nội khẳng định Điều 117 xác định rõ ranh giới trong việc xác định tội phạm và chỉ xử lý hành vi tuyên truyền thông tin, tài liệu xuyên tạc, bịa đặt, sai sự thật nhằm chống nhà nước.
Ông Lê Trọng Hùng, người bị bắt và kết án năm năm tù giam và năm năm quản chế vì bị cho là đăng tải bảy video clip có nội dung xuyên tạc và bôi nhọ các cơ quan nhà nước.
Tuy nhiên, vợ ông, bà Đỗ Lê Na, phủ nhận việc kết tội này và nói rằng chồng bà thượng tôn pháp luật khi cổ suý cho việc thành lập toà bảo hiến để xét xử những quan chức và tổ chức vi phạm Hiến pháp.
Bà nói với RFA về văn bản giải trình của Việt Nam:
“Cái văn bản đó không có gì hơn là một thứ dối trá rác rưởi. Việc chồng tôi làm đúng với pháp luật và có ích cho dân cho nước.”
Hà Nội khẳng định không ai bị bắt giữ vì tự ứng cử đại biểu Quốc hội
Hai ông Lê Trọng Hùng và Trần Quốc Khánh bị bắt giữ vào tháng ba sau khi công bố ý định tham gia tranh cử vào quốc hội trong vai trò là ứng cử viên độc lập trong cuộc bầu cử tháng năm năm 2021.
Trong thư chất vấn, các báo cáo viên đặc biệt bày tỏ sự lo ngại về việc một số nhà hoạt động bị bắt giữ liên quan đến cuộc bầu cử trên.
Chính phủ Việt Nam phản hồi rằng, ông Khánh không nộp hồ sơ ứng cử còn hồ sơ của ông Hùng bị loại bởi quy trình bầu cử chặt chẽ.
Thư phản hồi cho biết: “Các vòng tuyển chọn người ứng cử ở địa phương (hội nghị hiệp thương - PV) được tổ chức công khai, thông tin rộng rãi đến nhân dân.
Trường hợp cá nhân tự ứng cử nhưng bị loại khỏi danh sách ứng cử do không đủ tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân và không nhận được sự tín nhiệm của cử tri địa phương. Thông tin chính quyền gây khó khăn, cản trở công dân tự ứng cử là sai sự thật, không có căn cứ.”
Bà Đỗ Lê Na, vợ của ông Lê Trọng Hùng, người nộp hồ sơ ứng cử đại biểu quốc hội ở khu vực Hà Nội nhưng bị bắt hai tháng trước khi cuộc bầu cử diễn ra, nói với RFA:
“Chính Bộ Công an thừa nhận với Đại sứ Mỹ, Đức, và Liên minh Châu Âu rằng họ rất coi trọng cuộc bầu cử này và họ rất sợ một số thành phần sẽ phá hoại cuộc bầu cử, do đó họ bắt giữ chồng tôi. Các đại sứ Mỹ và Liên minh Châu Âu đã nói lại với tôi như vậy.”
Phóng viên gửi email cho các cơ quan này, đề nghị họ xác nhận thông tin từ bà Đỗ Lê Na đưa ra nhưng chưa nhận được câu trả lời.
Bà Na cũng cho biết cơ quan tổ chức cuộc bầu cử đã gây rất nhiều khó khăn cho chồng bà trong việc đăng ký ứng cử trước khi lực lượng an ninh bắt giữ ông.
Trong văn bản giải trình, phía Việt Nam cũng bác bỏ cáo buộc cựu sỹ quan công an Lê Chí Thành bị tra tấn và đối xử tàn bạo trong nhà tù, nói ông tự gây thương tích cho mình trong khi bị đưa đi hỏi cung. Nhà chức trách cũng nói rằng ông được tiếp cận chăm sóc y tế đầy đủ.
Trong phiên toà ngày 14/01/2022 xử về cáo buộc “chống người thi hành công vụ,” ông Thành không thể tự đi được mà cần sự trợ giúp của hai cảnh sát để vào phòng xử án. Các báo cáo viên đặc biệt của LHQ nghi ngờ ông bị đánh đập trong quá trình điều tra ở trại tạm giam.
https://www.rfa.org/vietnamese
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét