Tưởng Năng Tiến -Đất Nước Nhìn
Từ Thanh Hoá
Tự do phát ngôn thì cứ tự do phát ngôn,
nhưng quyền tự do sau phát ngôn thì tôi không bảo đảm.
Năm 1947, Chủ Tịch Hồ
Chí Minh đến thăm Thanh Hoá. Người ân cần nhắn nhủ phải
“quyết tâm biến tỉnh nhà thành một địa phương kiểu mẫu.” Lòng “quyết tâm” của người dân địa phương, dường như, hơi thấp nên sáu
mươi lăm năm sau – năm 2012 – Chủ Tịch
Trương Tấn Sang đã “ân cần” nhắc nhở thêm lần nữa: “Phấn đấu ... xây
dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh giàu đẹp, tỉnh kiểu mẫu như bác
Hồ hằng mong ước.”
Niềm “mong ước”
của Bác chắc khác với nỗi “ước mong” của dân nên năm năm sau nữa, vào
ngày 20 tháng 2 năm 2017 (Nhân Dịp Dự Lễ Kỷ Niệm 70 Năm Lần Đầu Bác Hồ Về Thăm Thanh
Hóa) Chủ
Tịch Trần Đại Quang lại ân cần nhắc lại:
“Thanh
Hóa cần khắc ghi lời Bác để trở nên một tỉnh
kiểu mẫu.”
Lòng nhẫn nại và đức
bao dung của qúi vị lãnh đạo (cấp cao) ở Việt Nam thực là vô hạn. Những đức tính cao
qúi này, tiếc thay, không hề có nơi đám đông quần chúng. Họ không chỉ
nông nổi, nóng vội mà có kẻ còn manh động đến độ phải bị bắt giam luôn
–
theo như bản tin của báo Người Lao Động, số ra ngày 16 tháng
8 năm 2015: “Đinh Tất Thắng (SN 1943) đã bị Cơ
quan An ninh điều tra Công an khởi tố, bắt tạm giam khi liên tiếp gửi đơn thư
xúc phạm, vu khống lãnh đạo trung ương, tỉnh Thanh Hóa.”
“Chiều 9-5, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa cho
biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Duy Sơn, 37 tuổi,
ở phường Bắc Sơn, TP Sầm Sơn ... Nhà chức trách cáo buộc, từ tháng 12/2017 đến tháng 3/2018,
ông Sơn đã lập và sử dụng tài khoản Facebook có tên Nguyễn Sơn để đăng
tải các bài viết xuyên tạc, bôi nhọ, hạ uy tín các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và
lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa.”
Trời, sao mà dân chúng – hết thế hệ này, qua thế
hệ khác – cứ “xuyên tạc, bôi nhọ, hạ uy tín lãnh đạo tỉnh” hoài vậy cà? Tôi chưa bao giờ được đặt chân đến Thanh Hoá,
chỉ được biết tỉnh nhà qua thông tin báo chí:
Những “chuyện động trời” vừa ghi (từ báo chí của nhà nước) giúp cho
người ta hiểu tại sao Thanh Hoá đã không thể trở thành một “tỉnh
kiểu mẫu” – như “mong ước” của Bác, gần cả trăm năm trước. Và đây là tình
trạng chung của cả nước, chớ chả riêng chi một địa phương nào, đúng
như T.T Nguyễn Xuân Phúc
đã từng nhận xét: “Thanh Hoá là một Việt Nam thu nhỏ.”
Ở đâu mà thả gà vịt, trâu bò ra đồng lại không
bị thu phí? Tỉnh nào mà qúi vị lãnh đạo lại không dùng bằng giả,
xây biệt phủ, đi “xe siêu sang,” sở hữu “khối tài sản khổng lồ,” và
“nâng đỡ không trong sáng hot girl” hay thân bằng quyến thuộc? Huyện nào,
xã nào mà cán bộ không uy hiếp và bóp hầu bóp họng lương dân?
Toàn quốc đều nhất định “không
chịu phát triển” nên “nói xấu” lãnh đạo địa phương quả là điều “đánh
trách” nhưng e không phải là tội để bị xử tù – theo như chủ trương và
chính sách của Đảng và Nhà Nước hiện hành.
Nghị quyết Trung ương 4 khóa
XII công bố hôm 30/10/2016, do Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng ký, nói về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, có đoạn: “Tổ chức diễn đàn trao đổi,
đối thoại những vấn đề còn có nhận thức, quan điểm khác nhau liên quan đến
đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.”
Tại hội nghị
giao ban quản lý Nhà Nước tháng 4 do Bộ TT&TT tổ chức sáng
3/5, Bộ Trưởng Thông Tin Trương
Minh Tuấn cũng khẳng định rằng
“Chính Phủ Việt
Nam không cấm phát ngôn hay nêu chính kiến trên mạng xã hội, mà chỉ đấu tranh để
gỡ bỏ, ngăn chặn những thông tin sai sự thật để trả lại môi trường lành mạnh
cho người dùng internet.”
Qua tháng sau, vào
hôm 18 tháng 5 năm 2017, tại hội nghị trực tuyến Trưởng
Ban Tuyên Giáo Trung Ương Võ Văn Thưởng cũng long trọng tuyên bố: “Chúng ta không sợ đối thoại, không
sợ tranh luận.”
Trong tinh thần “sống,
làm việc theo hiến pháp và pháp luật” – tôi đề nghị qúi vị phụ trách ban thông tin và tuyên giáo Thanh
Hoá nên vào nhà giam mời ông Nguyễn Duy Sơn ra “tranh
luận” về việc “xuyên
tạc, bôi nhọ, hạ uy tín lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh đạo tỉnh,” chớ bắt giam đương sự chỉ vì những cáo buộc vu
vơ thế này thì kỳ lắm:
Ông Nguyễn Duy Sơn bị khởi tố, bắt tạm
giam vì thường xuyên dùng mạng xã hội đăng thông tin xuyên tạc, nói xấu lãnh
đạo Đảng và Nhà nước. Chiều 9-5, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa cho
biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Duy Sơn, 37
tuổi, ở phường Bắc Sơn, TP Sầm Sơn để điều tra hành vi “lợi dụng các quyền tự do dân chủ
xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”, theo điều 331 Bộ luật hình sự
năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).
Theo điều tra ban đầu, từ tháng 12-2017 đến tháng 3-2018, ông
Nguyễn Duy Sơn đã trực tiếp tạo lập, sử dụng tài khoản facebook có nickname
"Nguyễn Sơn" để đăng tải các bài viết xuyên tạc, bôi nhọ, hạ uy tín
lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa.
Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết thủ đoạn của
Nguyễn Duy Sơn là vào trang mạng xã hội lấy thông tin liên quan đến tham nhũng,
tiêu cực, sau đó xuyên tạc, nói xấu Đảng, Nhà nước và lãnh đạo, rồi đăng tải,
chia sẻ công khai trên trang facebook cá nhân của mình kèm theo lời bình luận,
hình ảnh minh họa, dẫn chứng không có thật, không có căn cứ.
Các nội dung bình luận, chia sẻ đều do Sơn tự
nghĩ ra rồi đăng tải lên trang cá nhân để người đọc hiểu sai sự thật, gây tâm
lý hoang mang trong quần chúng nhân dân. Trước đây, ông Nguyễn
Duy Sơn là cán bộ quản lý học sinh, sinh viên của Trường dự bị đại học Sầm Sơn,
sau đó bị buộc thôi việc. (“Bị Bắt Vì Nói Xấu Lãnh Đạo Trên Mạng Xã Hội.” – Tuổi Trẻ Online 9/5/2018).
Ông Nguyễn Duy Sơn tại cơ quan công an - Ảnh
do Công an tỉnh Thanh Hóa cung cấp
Tôi vừa
“copy” lại nguyên văn bản tin thượng
dẫn (kể cả hình ảnh cùng chú thích) không thiếu một chữ, và không câu chữ
nào có thể giúp cho độc giả hiểu bị cáo đã “xuyên tạc, bôi nhọ, hạ uy tín lãnh đạo Đảng,
Nhà nước và lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa” ra sao,
hay đã gây “tâm lý hoang mang trong quần chúng nhân dân” như thế nào cả?
Nhân tiện, tôi cũng đề nghị cả hai ông Võ Văn Thưởng và Trương Minh
Tuấn đối thoại công khai với tất cả những tù nhân lương tâm về quan
điểm chính trị của họ để rộng đường dư luận. Chứ cứ nói một đường
làm một nẻo, và giam người bịp miệng thì chỉ là đường lối và
chính sách của những kẻ cùng đường.
Ở bước đường cùng nên phải nhờ đến bạo lực để giữ quyền bính.
Mà bạo lực giữa bối cảnh kinh tế đã kiệt quệ e cũng khó kéo dài
lâu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét