Thứ Năm, 20 tháng 1, 2022

Bát phở Việt 15 đô là dấu hiệu lạm phát lên cao ở Mỹ sau một năm thời Biden

 


Nguồn hình ảnh, Reuters Chụp lại hình ảnh,

Chưa đầy một năm cầm quyền của Joe Biden: 56% người Mỹ không tín nhiệm (disapprove) cách ông xử lý kinh tế, tăng lên từ 54% hồi tháng 9/2021.

Ngày 20/1/2022 này đánh dấu một năm từ ông Joe Biden lên nắm chức Tổng thống thay cho người tiền nhiệm Donald Trump, cũng là lúc giới truyền thông Mỹ phổ biến mức tín nhiệm hết sức thấp cho một tổng thống đương nhiệm của nước Mỹ chỉ sau một năm cầm quyền.

Điều tra của CNBC/Change Research tuần đầu tháng 1/2022 nói 56% người được hỏi đã nêu ý kiến không tín nhiệm (disapproval) cách ông Biden xử lý kinh tế, tăng lên từ 54% hồi tháng 9/2021.

Bà Kamala Harris cũng chung một số phận hay còn có phần tệ hơn. Chỉ có 40% ủng hộ bà, so với 54% không còn tín nhiệm nữa (xem Los Angeles Times 11/02).
 
 

Theo tôi quan sát, dân chúng không ngạc nhiên gì với các kết quả thăm dò này, nhưng còn cảm thấy tin này chưa phản ánh đủ sự bất mãn thực sự trong đời sống hàng ngày của họ, với các khó khăn về kinh tế, những mối bất an xã hội, và các bức xúc khó chịu (frustration) cả về chính trị, an ninh.

Lạm phát cao, dự báo xấu

Nổi bật của đời sống kinh tế khó khăn là lạm phát đang leo thang đến mức đáng ngại nhất từ 40 năm nay, leo tới 7% vào tháng 12 vừa qua, tức là hơn ba lần mục tiêu lạm phát lâu dài 2% hàng năm của Fed, ngân hàng dự trữ trung ương của xứ này.

Con số đã làm gãy đổ các dự đoán lạc quan của ông Jerome Powell, Chủ tịch Fed, từ hơn nửa năm nay trong các điều trần Quốc hội hay diễn văn, cho rằng lạm phát sẽ xuống dần vào cuối năm 2021, khi các khó khăn của chuỗi cung ứng sản xuất do dịch Covid đi dần vào ổn định.

Thực sự, sau những biện pháp tài khoá bành trướng của Tổng thống nhiệm kỳ trước, Donald Trump và chính sách tiền tệ Fed bắt buộc phải làm sau tháng 2/2020 để giải cứu nền kinh tế Mỹ và tránh cuộc suy thoái nặng nề có thể xảy tới cho xứ này và cả thế giới, chính phủ Biden đã tiếp tục với những chính sách mà tôi cho là sai lầm.

Bắt đầu là chính sách về năng lượng hấp tấp sai lầm đã ngăn chặn hệ thống cung ứng dầu nội địa, khuyến khích tiếp theo các giảm cung của khối OPEC, đã khiến giá dầu xăng ở Mỹ tăng đến trên 60%.

Đây là lý do căn bản khiến giá chuyên chở lên vùn vụt, dẫn đến việc leo thang của các thứ hàng hoá khác như vật liệu và thức ăn. Hãy thử kể đến vài thứ tăng giá cơ bản khác đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của chúng ta ra sao:

Giá bán nhà cửa và thuê nhà đã tăng 20% trong năm qua. Điều này đã được giải thích rõ ràng khi bạn ghé thử hai tiệm bán vật liệu xây cất căn bản là Home Depot hay Lowe's, thấy phần lớn các giá tăng từ 20-50%.

Riêng miếng gỗ xây cất cần nhất là miếng 2x4 có lúc đã tăng hơn gấp đôi giá năm ngoái.

Giá các thực phẩm ở siêu thị đã tăng từ 15% đến 30%. Riêng nếu bạn đi vào chợ Á đông, mức tăng giá còn "khiếp" hơn.

Giá xe hơi mua mới và cũ đã tăng từ 20% đến 35% theo tin tức. Nếu bạn đi xa cần thuê xe thì có thể phải trả tới 80$ một ngày thay vì 20$-35$ như trước kia cho một tuần lễ.

Mới đây sau hơn hai năm 'cấm túc' vì sợ dịch bệnh không đi chuyển đi chơi xa, tôi đã thử làm một chuyến du ngoạn vùng Quận Cam ở California, tất nhiên không thể thiếu chuyến viếng các hiệu ăn vùng Bolsa, nơi đông bà con người Mỹ gốc Việt sinh sống.

Người viết có thói quen tìm hiểu về đời sống kinh tế của một cộng đồng người Việt bằng cách vào một hiệu phở. Lần này ghé khu phố Bolsa, gọi bát phở tái nạm gầu 15$, ly cà phê sữa đá 6$, đem theo khúc bánh mì thịt quen thuộc 8$, trả thuế và cho tiền típ vị chí tổng cộng là 37$. Lúc trước khi vào ăn, đổ đầy bình xăng giá 64$. Tờ giấy 100$ tưởng to đã bay đi trong nháy mắt.

Những người chí tiêu với hoàn cảnh hạn chế lo thiếu thốn là phải. Về hưu rồi với pension cố định, đem theo tờ giấy trăm đô của năm ngoái giờ giá trị sức tiêu chỉ còn 70$. Quỹ 401K vững được nhờ chứng khoán lên trong 3 năm qua, nay chính sách chi tiêu lạm phát lơ mơ của ông Biden có thể làm thị trường sụp đổ và còn gây thiệt hại to lớn hơn.

Các mức tăng giá trên đã khủng khiếp cho hàng hoá thiết yếu, nếu bạn cần vài dịch vụ như sửa nhà cũng khó kiếm người hơn và trả giá đắt không kém. Ảnh hưởng của việc tăng lương giờ lên trên 15$ sẽ có tác động lâu dài đến các giá dịch vụ bạn phải trả trong tương lai gần.

Đấy là vài khó khăn do lạm phát gây ra cho lương bổng hàng tháng của bạn. Nhưng cần thận trọng hơn nữa cho quỹ hưu bổng hay tiền tiết kiệm trong tài khoản 401K của bạn.

Chứng khoán bất ổn đầu năm...và vấn đề an ninh

Thị trường chứng khoán đã bắt đầu có dấu hiệu bất ổn trong tuần cuối năm 2021 và hai tuần đầu năm 2022, không còn "thuận buồm xuôi gió" như trong 3 năm qua khi chỉ số S&P 500 tăng vụt với hai con số. Riêng chỉ số Nasdaq của các cổ phiếu công nghệ đã xuống 5% là tiếng chuông báo động.

Các chính sách bị cho là gây lạm phát trầm trọng của chính phủ hiện hành đã khiến Fed thông báo quyết định rạch ròi sẽ tăng lãi suất sớm và mạnh trong năm nay. Là người theo dõi đầu tư, bạn vẫn biết lãi suất tăng là mối đe dọa cho chứng khoán.

Mới đây TV và báo chí đăng hình ảnh một nhóm du thủ du thực chặn cướp đoàn xe chở các containers hàng hoá của các hãng chuyên chở nổi tiếng đã cho thấy rõ ràng nhất tình trạng nội loạn bất an của xã hội Mỹ.

Tình trạng này cùng với tin tức cả triệu người tụ tập ở biên giới Texas chờ vào Mỹ và tin tức khó kiểm chứng rằng có các "chuyến bay bí mật ban đêm" chở di dân chia đều đến các tiểu bang Dân chủ có chính sách an ninh dễ dãi và chu cấp xã hội rộng rãi, đã làm dấy lên nỗi sợ an ninh cá nhân trong đời sống hàng ngày (BBC: xem thêm bài tiếng Anh trên CNN hôm 18/11/2021 nói về các chuyến bay kín thời Biden và Trump).

Chuyến đi ngắn ngày của người viết về Nam California mới đây cũng cho thấy người gốc Việt đặc biệt ở Quận Cam (Orange County) đang không vui lắm về tình trạng trộm cắp mới đang tràn lan cho cả các khu Mỹ và khu có đông người gốc Á. Phần do số người vô gia cư gia tăng từ di dân bất hợp pháp từ biên giới Mexico chuyển đến, phần do dân thất nghiệp ở địa phương tăng cao cùng mức sống càng ngày càng khó do lạm phát.

Bên cạnh nạn lây nhiễm dịch Omicron đang vụt tăng phi mã do thiếu nghiêm trọng các "kít thử nghiệm nhanh" vì sản xuất không kịp và số người bệnh lây quá nhiều, có ngày lên đến hàng triệu người ở Mỹ, hình ảnh xứ Mỹ như một thiên đường phai nhạt dần.

Mới đây một số người giàu có từ Việt Nam mới di cư sang vùng "đất hứa" này cũng tỏ vẻ thất vọng lại thấy những chuyện như vậy ở vùng Quận Cam xứ Mỹ.

Hiện tượng này cũng giải thích tại sao một số đông người ở California và New York lại bỏ sang Texas và Florida (nơi tôi đang sống).

Đây dù sao cũng là hai tiểu bang có mức sống thấp hơn, tức là chi phí thấp hơn California, và có chính quyền địa phương bảo thủ hơn và tương đối bảo đảm an ninh cho họ hơn trong đời sống hàng ngày.

Riêng những người còn ở lại phải chấp nhận tình trạng chen chúc hơn do giá nhà tiếp tục tăng quá nhanh, đã vượt tầm tay với của một khối đông người Mỹ gốc Việt. Nhiều người phải chấp nhận thuê các nhà để xe (garages) được sửa lại và cho thuê lên tới cả ngàn đô la một tháng ở Quận Cam.

Hỏi về tương lai, họ cũng không lạc quan lắm trong ba năm còn lại của chính phủ Biden, nhất là về đời sống kinh tế và những vấn đề an ninh xã hội có thể xảy ra.

Tuy nhiên, một số người ủng hộ đảng Cộng hòa thì đang hy vọng vào kỳ bầu cử Quốc hội giữa kỳ, bầu lại toàn thể Hạ viện và 1/3 Thượng viện. Họ mong nếu Đảng Cộng hoà trở lại thắng đa số thì có thể tạo thế cân bằng chính trị với tiếng nói đối nghịch với hành pháp, và tạo áp lực cải thiện nền kinh tế. Phái ủng hộ đảng Dân chủ thì tất nhiên là có quan điểm, ý kiến riêng của họ. Nền dân chủ Mỹ là vậy.

Sau cùng, dù chứng kiến những băn khoăn lo lắng tương lai của đồng hương, người viết không thể quên được không khí tấp nập bên ngoài của khu Little Saigon trong những ngày cuối năm gần Tết .

Đặc biệt là sự có mặt của những người Việt đến từ xa đổ về thăm Quận Cam vào dịp này.

Do tình hình dịch bệnh Covid vẫn tràn lan ở quê nhà, và các chuyến bay về Việt Nam vẫn còn khan hiếm và đắt đỏ (nghe nói giá chuyến về một chiều là trên 2000$), bà con muốn đổ về đây ăn Tết và mua sắm.

Như một người bạn quen đã nhận xét: "trong tâm tưởng nhiều người trong cộng đồng người Việt Hải ngoại, chỉ có hai chỗ đi xa có ý nghĩa nhất: một là về thăm Saigon, hai là ít nhất cũng ghé được Little Saigon."

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của TS Phạm Đỗ Chí, cử tri ủng hộ đảng Cộng hòa, hiện sống tại bang Florida, Hoa Kỳ.

Tiến sĩ Phạm Đỗ Chí

Viết từ Nam California

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét