Thứ Bảy, 15 tháng 1, 2022

Ye Du - Lá thư Hồng Kông - Tới thành phố này, với người đó

Lược dịch: Ts. Phạm Đình Bá

Ye Du and Chow Hang-tung. Photo: CDT

Lời người dịch: Ông Ye Du (野渡) là một nhà văn bất đồng chính kiến tại Quảng Châu. Cô Châu Tinh Trì ( ) là một luật sư và nhà bảo vệ nhân quyền ở Hồng Kông. Dưới đây là phần trích dịch của lá thư.

Người ta thường nói - "Tôi yêu một thành phố vì người yêu của tôi ở đó." Tôi đã yêu thành phố này trước khi gặp cô ấy. Nhưng vì cô ấy, tôi càng yêu thành phố này hơn. Thành phố là Hồng Kông, và cô ấy là Tinh Trì.

Hồng Kông. Tên của thành phố này đã khắc sâu vào tuổi thơ của tôi, tạo nên dòng chảy qua suốt cuộc đời tôi hôm nay, một phần không thể xóa nhòa trong tôi.

Khi tôi còn trẻ, Hồng Kông là một sự trừu tượng, tưới mát cho vùng đất hoang vu của đại lục bằng nền văn hóa của nó. Ở nhà, ở trường, trên đường phố, bất cứ nơi nào bạn quay đầu lại đều có phim Hồng Kông, tiểu thuyết kiếm hiệp và các bài nhạc pop tiếng Quảng Đông. Nó rửa sạch sự buồn tẻ trong những ngày tháng trên đại lục, đi cùng tôi qua những năm tháng khi tôi lần đầu tiên biết đến nỗi buồn.

 

Trong tâm trí tôi, Hồng Kông là thủ đô của sự vui chơi và thừa thãi, một nơi mà tôi khao khát được dấn thân vào với tư cách là một kỵ sĩ trong giấc mơ mù sương ở phía xa.

Hồng Kông đã nuôi dưỡng tôi. Việc học tập, công việc và cuộc sống của tôi đều nhờ vào tầm ảnh hưởng của Hồng Kông đối với tỉnh Quảng Đông: chính quyền trung thực của Hồng Kông, báo chí tự do, hệ thống luật pháp hoàn thiện và xã hội dân sự mạnh mẽ, chưa kể ngôn ngữ Quảng Đông dùng chung của chúng tôi luôn thu hút người dân Quảng Đông để xác định văn hóa với thành phố. Và, phong trào bảo vệ nhân quyền non trẻ ở đại lục, qua đó người dân tìm cách bảo vệ quyền của công dân trong khuôn khổ thể chế hiện có, đã rút ra từ kinh nghiệm của xã hội dân sự Hồng Kông, lan rộng từ chính quyền xuống cơ sở.

Hồng Kông là ngọn đèn soi sáng cả một thiên niên kỷ tăm tối, là ngọn gió thổi tung xiềng xích của dân ở các tỉnh đại lục cạnh thành phố nầy.

Phong trào bảo vệ nhân quyền ở đại lục là một nỗ lực nhằm nâng cao nhà nước pháp quyền thông qua các trường hợp riêng lẻ, nhưng dưới bàn tay sắt của bạo quyền, nó đã bị biến thành ảo tưởng. Khi không gian công cộng bị thu hẹp và tinh thần tự do suy giảm, Hồng Kông đã mang lại hy vọng và sức mạnh hiếm có cho những người dân đại lục vẫn còn trong đấu tranh. Giờ đây, nguồn hơi ấm và ánh sáng này dần dần bị tắt.

Hồng Kông đã chìm trong nỗi đau của sự thay đổi dữ dội và sự dày vò của bóng tối bao trùm.

Làm sao ai có thể chịu đựng được? Trong một năm ngắn ngủi, chúng ta đã chứng kiến nỗi sợ hãi và kinh hoàng, trốn chạy và im lặng. Chúng ta đã chứng kiến các quan chức nhúng tay vào máu, chúng ta đã nghe thấy âm thanh đáng sợ của bạo lực, và chúng ta cảm thấy sự kiểm soát siết chặt xung quanh mọi ngóc ngách của xã hội.

Quá nhiều người ở thành phố này đã quên rằng chỉ có một kiểu yêu nước chân chính: Nếu bạn thật sự yêu đất nước này, bạn sẽ đấu tranh để giải phóng người dân của nó. Thành phố này đã sinh ra tinh thần tự do cho từng cá nhân, và tinh thần đó sẽ không cúi đầu trước sự thay đổi đột ngột, bởi chúng ta cũng đã từng chứng kiến sự dũng cảm và kháng chiến, hy sinh và bền bỉ. Chúng ta vẫn yêu thành phố này.

Trong số những người kiên trì ấy có Tinh Trì, và chính vì cô ấy mà tôi càng yêu thành phố này hơn.

Tinh Trì là người kiên định và trong sáng. Cô ấy chưa bao giờ tìm kiếm sự chú ý cho chính mình. Khi những người tranh đấu bị bắt và tống giam từng người một, cô ấy đã chọn lựa đấu tranh thay vì lẫn tránh. Cô ấy nhận thức rõ cái giá phải trả để duy trì tinh thần tự do của thành phố trong thời khắc tăm tối và ngột ngạt này. Mặc dù sự hy sinh ấy sẽ không có tác dụng rõ ràng trong cuộc tấn công tổng lực của bạo quyền. Nhưng cô ấy tin rằng để đấu tranh cho tự do, bạn không thể sợ mất tự do của chính mình. Nếu bạn không thể giữ vững những nguyên tắc cơ bản của mình, thì không gì có thể thay đổi được.

Đối với Tinh Trì, chống lại quyền lực có nghĩa là chống lại sự sợ hãi trước hết. Chỉ trong một thời gian ngắn, người dân Hồng Kông đã chứng kiến những chiến thuật “khủng bố đỏ” chưa từng có. Một số người, bị kìm kẹp bởi nỗi sợ hãi, đã đưa ra những lập luận trái ngược với các nguyên tắc của lương tâm và lẽ phải. Ngay cả khi biết trong thâm tâm rằng mình sẽ bị đàn áp, Tinh Trì vẫn để mắt đến bức tranh lớn. Cô ấy không phản đối công khai, nhưng thông qua hành động của cô ấy thể hiện khả năng chống lại sự sợ hãi bản thân, thực hiện những lời của Lưu Hiểu Ba, người mà cô ấy coi như một người thầy:

“Để mọi người có quyền ích kỷ, những người có lương tâm phải hy sinh quên mình… Họ không thể nhìn vào lương tâm của tập thể. Chỉ bằng cách làm theo lương tâm của chính mình, họ mới có thể hướng dẫn quần chúng rụt rè và sợ hãi”.

Nguồn:

Ye Du. To this city, to that person. January 12, 2022.

Đọc tại đây

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét