Đình thờ Phan Thanh Giản ở Óc Eo - An Giang (trùng tu 2018)
Gần 30 năm trước, hồi học Nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Viện KHXH vùng Nam bộ (1994), khi làm tiểu luận về lịch sử cận đại VN, mình đã chọn và viết về nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản. Đại ý như sau:
* Trong số những nhân vật lịch sử Việt Nam cận đại, tôi đặc biệt yêu quý Phan Thanh Giản, dù trước đây tôi được học về ông như một "kẻ bán nước". Càng học Sử và tìm hiểu về văn hóa Nam bộ, tôi phải tự hỏi: vì sao Phan Thanh Giản lại được dân Nam bộ thờ cúng lâu dài và kính trọng đến thế? Không thể nói dân Nam bộ thờ “kẻ bán nước” vì họ là những người đã “đi trước về sau” trong các cuộc chiến chống ngoại xâm. Vậy thì câu trả lời phải đến từ góc nhìn khác chứ không chỉ dựa vào “chính sử”.
Qua tìm hiểu, và ít nhất như tôi được biết, đó là do Phan Thanh Giản là vị Tiến sĩ đầu tiên của đất Nam bộ (là một nhân tài); ông là vị quan thanh liêm đến cuối đời (là một hiền tài); và ông là người dám chịu trách nhiệm về hành động của mình: ông tự tử sau khi ký 2 hòa ước với Pháp. Đó là sự dũng cảm, dám chịu trách nhiệm cá nhân vì đã làm tổn hại cho đất nước, hành động đó thể hiện một Nhân cách.
Dân Thờ ông như tôn vinh một con người có tài, liêm khiết và có nhân cách. Dân thờ ông, còn là sự bày tỏ thái độ đối với vua Tự Đức và triều đình nhà Nguyễn, khi ông mất rồi còn bị nhà vua còn kết tội, mà lẽ ra, với cương vị là người đứng đầu quốc gia, Vua phải là người chịu trách nhiệm trước hết và trên hết với sự an nguy của đất nước.
Đánh giá một nhân vật lịch sử nếu chỉ nhìn vào sự kiện lịch sử hay “con người chính trị” của họ thì sẽ không lý giải được, hoặc sẽ nhìn nhận sai lầm, cực đoan về những sự kiện và hiện tượng xã hội của/ quanh nhân vật ấy. Khi đó, bài học lịch sử để lại cho đời sau tiếp tục là những “bài học’ đầy thiên kiến, sai lạc.
Thái độ và sự đánh giá đối với người đã khuất – nhất là những nhân vật lịch sử - là sự đánh giá nhân cách người đó, là thái độ phản ứng hay đồng tình đối với người còn sống có liên quan mật thiết (hẹp là gia đình, rộng hơn là chính quyền), nhưng cũng là sự thể hiện nhân cách của những người bày tỏ thái độ, đánh giá, đặc biệt là những nhà sử học.* (hết)
Về sau trong một cuộc trò chuyện với hai người bạn thân về lịch sử, mình nhắc lại một câu từng nghe ở đâu đó: “dân đã thờ ai thì không bao giờ lầm”, như như một bài học mình rút ra từ lịch sử, và cũng để răn mình: đừng tự cho mình quyền phán xét ai đó, nhất là phán xét tình cảm của nhân dân, dù nhân dân có khi chỉ là một cộng đồng nhỏ! Bởi vì chính trị nào rồi cũng sẽ qua đi… chỉ có những giá trị nhân dân/ cộng đồng thực sự coi trọng là sẽ tồn tại mãi: nhân cách, lòng khoan dung và sự công bằng.
Có những nhân vật lịch sử mà lịch sử đời sau đánh giá trái ngược nhau, nhưng ở họ lại có “số phận” khá giống nhau. Đó là con người chính trị thì có thể có công hay tội, nhưng nhìn cách DÂN đối với họ sau khi họ mất lại thấy số phận của họ có điều gì đó tương đồng. SỐ PHẬN CÁ NHÂN chứ ko nói đến những yếu tố khác, vì họ khác nhau nhiều điều nhất là khác nhau ở thời họ sống.
Mình chỉ dám “lấn sân” sang Lịch sử cận – hiện đại một lần như vậy thôi, từ đó trở về sau chỉ lo làm Khảo cổ .
(10.2013)
P/S. Ngoài ra, vài suy nghĩ của tôi ở trên chỉ là một sự tìm và tạm hiểu về một nhân vật cụ thể có sự đánh giá trái ngược giữa "chính sử"/cách nhìn "chính thống" với thực tiễn văn hóa dân gian Nam bộ. Cách hiểu này hoàn toàn không nhằm để đối lập với đánh giá về các nhân vật cùng thời có hành xử khác với PTG.
Ts. Nguyễn Thị Hậu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét