Thứ Ba, 25 tháng 1, 2022

Ts. Phạm Đình Bá - Tuyên giáo trung ương lèo lái dự luận đi xa vụ án Việt Á



Vụ Việt Á

Tháng 12/2021, Bộ Công an đã bắt giữ Giám đốc điều hành công ty y tế Việt Á là Phan Quốc Việt và tiến hành điều tra vụ án tham nhũng liên quan đến COVID-19 lớn nhất nước.[1]

Đến cuối 2021, công ty đã thu về 4.000 tỉ từ việc bán các bộ thử nghiệm COVID-19 với giá cao trên khắp Việt Nam. Doanh thu của công ty đạt 150 tỉ chỉ tính riêng tại tỉnh Hải Dương, cho thấy thất thoát to lớn từ ngân quỹ chống dịch và an sinh xã hội. 


Chính sách COVID-19 toàn quốc đã bị thao túng để trục lợi sau khi chính quyền trung ương, Bộ Y tế và chính quyền địa phương liên tục thúc giục hàng loạt và trong một số trường hợp, bắt buộc phải kiểm tra. Đến hết năm 2021, Việt Nam đã thực hiện hơn 73 triệu cuộc thử nghiệm COVID-19 với chi phí ước tính là 26.000 tỉ- cao gấp 4 lần so với số tiền chi cho vắc xin.

Tháng 2/2020, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt khoản tài trợ nghiên cứu đặc biệt cấp quốc gia trị giá hơn 19 tỉ cho dự án thử nghiệm sản xuất bộ thử nghiệm COVID-19 do Học viện Quân y và Việt Á hợp tác sản xuất. Dự án được đánh giá là thành công tốt đẹp sau khi hoàn thành trong vòng một tháng.

Bộ Y tế đã phê duyệt thương mại hóa để sử dụng trên toàn quốc và đưa ra mức giá 467.000 / bộ xét nghiệm. Tháng 4/2020, Bộ Khoa học và Công nghệ đã thông báo rộng rãi rằng bộ xét nghiệm của Việt Á đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chấp nhận sau khi đạt tiêu chuẩn đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp. Các tờ báo và hãng truyền thông lớn trong nước đã đưa tin đầy tự hào về bộ xét nghiệm nội địa nầy. Tháng 3/2021, Việt Á đã được Chủ tịch nước khi đó là Nguyễn Phú Trọng tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

Nhưng tuyên bố chính thức của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc WHO chấp nhận bộ xét nghiệm của Việt Á là tin giả - WHO chưa bao giờ công nhận bộ xét nghiệm của Việt Á. Những nghi ngờ về tuyên bố này đã lan truyền trên mạng xã hội vào đầu tháng 5 năm 2020, nhưng các nghi ngờ nầy bị cho là tin giả.

Có nhiều câu hỏi về quyền sở hữu, hoạt động và lũng đoạn của Việt Á.[1] Trong khi Giám đốc điều hành và các cộng sự được nêu tên chỉ sở hữu 20% công ty, 80% quyền sở hữu cổ phần của công ty vẫn chưa được công khai. Việt Á sở hữu 30% Vinbiocare, một công ty con kinh doanh các sản phẩm sức khỏe vừa được thành lập bởi tập đoàn tư nhân lớn nhất nước Vingroup. Tổng giám đốc của Việt Á đã từng là Tổng giám đốc của Vinbiocare, và Vingroup đã mua lại cổ phần của Việt Á tại Vinbiocare chỉ 4 tháng trước khi vụ bê bối bộ xét nghiệm Việt Á bị phanh phui công khai.

Việc bắt giữ và khởi tố ba quan chức cấp cao của Bộ Y tế và Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng hàng loạt quan chức địa phương ở Nghệ An, Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh khác mới chỉ là bước khởi đầu. 

Vụ Tuyên giáo không cho dùng tên cụ Phan cụ Trương để đặt tên đường

Tháng 1/2022, công văn số 2274 của Ban Tuyên Giáo Trung Ương Đảng Cộng Sản Việt Nam chỉ thị cho các địa phương từ tỉnh đến thành phố không được dùng tên của hai nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản và Trương Vĩnh Ký để đặt cho đường phố hoặc các công trình công cộng - do còn “những ý kiến trái chiều” về hai người này.[2] Người ký công văn là Phó Trưởng Ban Tuyên Giáo Phan Xuân Thủy.

Có 1 điều khá lạ là trên các báo lề phải, có rất ít các bài đưa tin về vụ việc nầy. Thí dụ là trên mạng nhandan.vn, tuoitre.vn, thanhnien.vn có vẻ không thấy nhắc đến công văn nầy. Thí dụ nữa là nếu bạn dùng Google để tìm “Phan Thanh Giản” với giới hạn “1 tháng qua” thì cách tìm kiếm nầy không gặt hái được những bài trên các báo lề phải về công văn nầy.

Phản ứng từ xã hội dân sự về vụ việc nầy thì không thể nhầm lẫn. Theo tác giả Phú Nhuận trên Việt Nam Thời Báo (VNTB), thì “Người cộng sản đã giết Phan Thanh Giản thêm lần nữa”.[3] Cô Yến Phương trên VNTB cho rằng “Chắc chỉ có một mình Tuyên giáo Trung ương là trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, thông kim bác cổ đến mức có thể phán xét được cả tiền nhân!”[4] 

Theo VOA, văn bản của Ban Tuyên giáo gây tranh cãi, với giới nghiên cứu nhận định rằng văn bản này đi ngược lại sự thật của lịch sử và gây hoang mang trong nhân dân, “sỉ nhục tiền nhân”, và “kỳ thị” trí thức miền Nam.[5] Tác giả Phan Đào Nguyên trên VOA cảm thán rằng hai cụ Phan và Trương lại bị “chung số phận” theo cách văn bản nầy đối xử với họ.[2]

Phân tích và định hình chính phạm và tòng phạm

Vụ án tham nhũng Việt Á đã làm xói mòn sâu sắc niềm tin của dân vào những nỗ lực chống đại dịch. Vụ nầy cũng lột trần bộ mặt thật của thiểu số lãnh đạo về tận cùng của sự tham lam. Bởi vụ Việt Án liên hệ đến việc chia chát tiền lại quả đến 800 tỉ cho cán bộ chống dịch ở 62 (98%) trong số 63 tỉnh trên cả nước, các cuộc điều tra về vụ nầy dự kiến ​​sẽ khám phá thêm nhiều hành vi phạm tội ở nhiều tỉnh thành và trung ương. Các bài báo và bàn luận về hậu quả của vụ nầy rõ ràng là sẽ kéo dài ít nhất là trong cả năm 2022. 

Thiểu số lãnh đạo đã không quản lý tốt đại dịch. Uy tín của chúng về cơ bản bị tổn hại lớn. Với vụ Việt Á, chúng có thể cảm thấy trần trụi như bị tụt quần trên quảng trường Ba Đình, khi chúng bi bô “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” nhưng dân chúng chỉ soi xét vào chỗ xấu xa nhất của chúng – hoàn toàn thiếu vắng đạo đức và lương tâm, tham lam và bất nhân.  

Nguy cơ cho đảng về vụ Việt Á có thể sâu xa. Khi đảng lo nghĩ về xuống đường và cách mạng màu, vụ Việt Á có tầm cở không nhỏ trong những hành vi to lớn về bán nước hại dân của chúng. Hay nói như ông “chủ tịch” nước hiện nay – Nếu những cái cột đèn ở Việt Nam mà biết đi, chúng cũng xuống đường để phản đối về thiếu đạo đức, vô lương tâm, tham nhũng và bất nhân của thiểu số lãnh đạo.

Có thể Tuyên giáo ngẫu nhiên ra công văn không cho dùng tên cụ Phan cụ Trương để đặt tên đường. Có thể vụ nầy không dính dáng gì với vụ Việt Á. Nhưng với lịch sử ăn gian nói dối của đảng, có thể có một cách giải thích khác về liên hệ của hai vụ nầy. Phải đối mặt với viễn cảnh dân ta xuống đường biểu tình tuần hành mang theo chân dung của những người đã chết trong đại dịch, thiểu số lãnh đạo tha hóa quyết định làm gì? Chúng ra lệnh cho Tuyên giáo trung ương đánh lừa dư luận bằng cách dấy lên một cuộc tranh luận về cụ Phan và cụ Trương! 

Vụ Việt Á là một vụ án lớn. Vụ án nầy sẽ nuốt sống những chính phạm to nhỏ trong cả nước và trung ương. Tòng phạm trong vụ án nầy cũng cần phải được xét xử trong dư luận của xã hội dân sự. Tòng phạm nầy là Ban Tuyên Giáo trung ương – chúng tham gia vào việc che dấu và lèo lái dư luận để dân không chú ý đến sự thối rữa từ trung ương đến địa phương của giai cấp thiểu số lãnh đạo.

Khốn nạn hơn cả là Tuyên giáo Trung ương cố tình dày xéo lên tên tuổi tiền nhân để che dấu hành vi tội phạm hiện tại của chúng – chúng muốn lèo lái dư luận để dân không tranh luận về vụ Việt Á. Đểu!

Tài liệu:

1.    Thiem Bui at Duke University. Vietnam’s COVID-19 testing scandal goes viral. 21 January 2022; Available from: https://www.eastasiaforum.org/2022/01/21/vietnams-covid-19-testing-scandal-goes-viral/.

2.    Winston Phan Đào Nguyên. VOA - Phan Thanh Giản Và Trương Vĩnh Ký - hai đại trí thức Nam Kỳ cùng chung số phận. 22/01/2022; Available from: https://www.voatiengviet.com/a/phan-thanh-gian-truong-vinh-ky-tuyen-giao-trung-uong/6407031.html.

3.    Phú Nhuận. VNTB - Người cộng sản đã giết Phan Thanh Giản thêm lần nữa. 16-01-2022; Available from: https://vietnamthoibao.org/vntb-nguoi-cong-san-da-giet-phan-thanh-gian-them-lan-nua/.

4.    Yến Phương. VNTB - Dốt như Tuyên Giáo... 17-01-2022; Available from: https://vietnamthoibao.org/vntb-dot-nhu-tuyen-giao/.

5.    VOA. Ban Tuyên giáo, cụ Phan, cụ Trương, tên đường và nỗi đau. 21/01/2022; Available from: https://www.voatiengviet.com/a/ban-tuyen-giao-cu-phan-cu-truong-ten-duong-va-noi-dau/6405285.html.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét