Thứ Năm, 6 tháng 1, 2022

Tin tức thế giới ngày Thứ năm 06 tháng 01 năm 2022

Võ Thái Hà tổng hợp

Thỏa thuận hợp tác quốc phòng “lịch sử” Nhật Bản và Úc

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (P) và thủ tướng Úc Scott Morrison giới thiệu thỏa thuận hợp tác quốc phòng được ký trực tuyến. Ảnh chụp tại văn phủng thủ tướng Nhật, Tokyo ngày 06/01/2022 REUTERS - ISSEI KATO 

Ngày 06/01/2021 thủ tướng Nhật và Úc chính thức ký kết Hiệp Ước Tiếp Cận Tương Hỗ RAA. Thủ tướng Scott Morrison xem đây là một văn bản “lịch sử” góp phần xây dựng một vùng “Ấn Độ Thái Bình Dương an toàn và ổn định”.   


Trong cuộc họp trực tuyến với đồng nhiệm Nhật Bản thủ tướng Úc  nhấn mạnh đây là một “bước đột phá” giúp Canberra và Tokyo cùng đối mặt với “một môi trường với nhiều bất trắc hơn”. Ông Morrison ngụ ý mối đe dọa xuất phát từ Trung Quốc. Sau Hoa Kỳ, Úc là quốc gia thứ nhì trên thế giới đạt được với Tokyo hiệp ước RAA.  

Hãng tin Nhật Kyodo đánh giá, Hiệp Ước Tiếp Cận Tương Hỗ tạo điều kiện dễ dàng hơn để Nhật Bản và Úc tiến hành các cuộc tập trận chung, nhanh chóng triển khai quân, đồng thời nới lỏng các quy định về chuyên chở vũ khí, trang thiết bị quân sự trong các chương trình hợp tác cứu hộ, đối phó với thiên tai.  

Chuyên gia Úc, Malcom Davis thuộc viện Nghiên Cứu Chiến Lược Australian Strategic Policy Institute ghi nhận hiệp ước này là bằng chứng rõ rệt nhất cho thấy “Tokyo nhìn nhận đang phải đối mặt với những thách thức do Trung Quốc đặt ra”. Những thách thức đó chẳng những liên quan đến tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa Tokyo và Bắc Kinh liên quan đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà còn trực tiếp liên hệ đến vấn đề Đài Loan. Nhà nghiên cứu này cho rằng, trong “một vài năm nữa” Bắc Kinh sẽ thôn tính Đài Loan.  

Nhà nghiên cứu Ali Wyne thuộc cơ quan tư vấn của Mỹ, Eurasia Group,  nhấn mạnh hiệp ước RAA là bước kế tiếp trong tiến trình hợp tác của nhóm Bộ Tứ bao gồm Mỹ, Nhật, Úc và Ấn Độ.  

Pháp: Hơn 300.000 ca nhiễm Covid-19 một ngày, Hạ Viện thông qua dự luật về chứng nhận tiêm chủng

Một điểm xét nghiệm nhanh Covid-19 trên đại lộ Champs Elysées, Paris, ngày 05/01/2022. AP - Michel Euler 

Các kỷ lục đáng buồn ở Pháp về số ca nhiễm mới thường nhật liên tục tăng nhanh trong những ngày qua. Tối thứ Tư 05/01/2022, Cơ quan y tế công của Pháp ghi nhận lần đầu tiên hơn 332.000 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ. Số bệnh nhân tử vong ở các bệnh viện vì Covid-19 hôm qua lên tới 246 người. 

Đại dịch Covid-19 đang lan nhanh chưa từng có, riêng ngày hôm qua, số ca dương tính mới được ghi nhận đã tăng 22% so với số ca nhiễm mới trước đó một ngày. Số ca nhiễm mới trung bình trong vòng 7 ngày qua là trên 200.000 người/ngày. Áp lực đối với các bệnh viện ngày càng gia tăng.

Sau 3 ngày căng thẳng, vào rạng sáng hôm nay 06/01/2022, Hạ Viện đã thông qua dự luật thay thế chứng nhận y tế mà Pháp đang áp dụng bằng chứng nhận tiêm chủng ngừa Covid-19, với 314 phiếu thuận so với 93 phiếu chống. Dự luật sẽ được trình lên Thượng Viện vào tuần tới và thủ tướng Pháp Jean Castex hy vọng vẫn có thể kịp triển khai chứng nhận tiêm chủng vào ngày 15/01/2022 như dự kiến ban đầu.

Trước đó, phát biểu tại Hạ Viện, bộ trưởng Y Tế Olivier Véran phấn khởi thông báo trong một ngày đã có thêm 66.000 người tiêm chủng mũi đầu tiên, con số cao chưa từng có kể từ ngày 01/10/2021. Theo AFP, hiện nay vẫn còn khoảng 5 triệu người tại Pháp chưa tiêm chủng (trên tổng dân số khoảng 67 triệu người).

Liên quan đến các vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp (DOM-TOM), do biến thể Omicron lây lan quá nhanh, hôm qua hội đồng bộ trưởng Pháp quyết định đặt Guadeloupe, Guyane, Mayotte, Saint-Martin và Saint-Barthélémy trong tình trạng khẩn cấp y tế. Riêng các vùng lãnh thổ Réunion và Martinique đã áp dụng tình trạng khẩn cấp y tế từ ngày 27/12/2021.

Thái độ bài Hồi giáo lên cao ở Ấn Độ

Hôm thứ Bảy, người dùng internet Ấn Độ bị sốc nặng khi phát hiện ra một ứng dụng điện thoại vờ bán đấu giá hơn 100 phụ nữ Hồi giáo, sử dụng các bức ảnh mà không có sự đồng ý. Ứng dụng này có tên “Bulli Bai,” theo một thuật ngữ xúc phạm phụ nữ Hồi giáo.

Nhiều phụ nữ được giới thiệu là các nhà báo và nhà hoạt động, những người đã lớn tiếng chỉ trích Đảng Bharatiya Janata, đảng dân tộc chủ nghĩa Hindu cầm quyền của Ấn Độ. Vì vậy, họ thường xuyên bị đe dọa trực tuyến bởi những kẻ cánh hữu cực đoan. Năm ngoái, một ứng dụng tương tự có tên “Sulli Deals” (tiếp tục là một thuật ngữ phỉ báng phụ nữ Hồi giáo) đã phải chấm dứt hoạt động. Cho đến nay, ba người đã bị bắt vì liên quan “Bulli Bai.” Cảnh sát nói vẫn còn nghi phạm. Dù vậy, chừng đó không thể giải quyết tình cảm bài Hồi giáo tiềm ẩn.

Một năm sau sự kiện Đồi Capitol: cuộc đấu đảng phái tiếp tục

Hầu hết người Mỹ đồng ý về ít nhất một điều: nền dân chủ đang bị đe dọa. Họ chỉ khác ở luận điểm. Những người Dân chủ lo ngại các cuộc bầu cử có thể bị lật ngược cũng như tiềm ẩn nguy cơ bạo lực chính trị; trong khi phe Cộng hòa lo ngại bỏ phiếu bất hợp pháp. Một năm sau vụ bạo loạn Đồi Capitol ngày 6 tháng 1 năm 2021, số người Cộng hòa cho rằng cuộc bầu cử có gian lận vẫn ở mức ổn định.

Đảng Dân chủ đã nỗ lực cải cách quyền bầu cử. Tuy nhiên, củng cố tiến trình bầu cử mới được cho là quan trọng hơn. Ngay trước cuộc tấn công vào Điện Capitol, một nhóm thiểu số các nhà lập pháp Cộng hòa đã dự định bỏ phiếu bác phiếu đại cử tri từ các bang Donald Trump thua. Thế nhưng Đạo luật Đếm Phiếu Cử tri, vốn quy định quy trình chứng nhận kết quả bầu tổng thống, vẫn chưa được đả động đến. Thay vào đó lại xuất hiện một loạt các dự luật điều chỉnh quy trình bầu cử bang để mang lại lợi thế đảng phái. Đảm bảo phiếu bầu cho tất cả mọi người sẽ chẳng có nghĩa lý gì khi những phiếu bầu đó không được tính.

Vàng không còn quá hấp dẫn giới đầu tư

Lạm phát đang trở lại trong bối cảnh các ngân hàng trung ương in tiền với tốc độ kỷ lục trong hai năm qua. Nhưng giá vàng, được cho là một tài sản trú ẩn khỏi lạm phát, hầu như không thay đổi vào năm ngoái. Nó chỉ tăng 16% trong thập niên qua.

Các nhà đầu tư vàng đối mặt một số vấn đề. Loại tài sản này di chuyển khá tương đồng với lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ, vốn hầu như không nhúc nhích trong năm ngoái. Vàng  không quá hấp dẫn đối với các nhà đầu tư muốn an toàn. Và những thay đổi quy định mới theo hiệp định Basel 3 năm 2010 về cấp vốn ngân hàng càng làm tăng chi phí nắm giữ vàng.

Trong khi đó, các tài sản đầu cơ mới và thú vị hơn đang thu hút những người hoài nghi tiền mặt. Bitcoin, một loại tiền điện tử, và Ethereum, một mạng lưới blockchain, có tổng vốn hóa thị trường lên tới 1,3 nghìn tỷ đô la – hơn một phần mười giá trị ước tính của tất cả số vàng trên mặt đất. Là một tài sản vừa không hoàn toàn an toàn vừa không thú vị, vàng có nguy cơ rơi vào quên lãng.

Bất động sản bùng nổ ở các nước phát triển

Đây là thời điểm tốt để làm môi giới bất động sản. Giá nhà toàn cầu đang tăng và dường như sẽ còn tăng. Nhưng một số người lo ngại khi kích thích chính phủ trong đại dịch qua đi và các ngân hàng trung ương tăng lãi suất để chống lạm phát, thì điều gì đi lên cũng sẽ phải đi xuống.

Có thật là như vậy? Cho đến nay, không nhiều bằng chứng cho thấy các chính sách tài khóa và tiền tệ thắt chặt hơn sẽ kiềm chế giá nhà. Các yếu tố đẩy giá nhà lên cao cũng cho thấy giá sẽ không giảm. Người mua hiện tại khá giả hơn so với những đợt bùng nổ nhà đất trước đây. Lãi suất cơ bản thấp đồng nghĩa họ không phải lo nghĩ nhiều về tăng lãi suất, giảm khả năng bị tịch thu nhà và do đó sẽ ít các vụ bán tháo hơn so với trước đây. Làm việc từ xa giúp đẩy mạnh nhu cầu đối với những ngôi nhà có không gian văn phòng hoặc vườn lớn. Trong khi nguồn cung ở mức thấp trong lịch sử – phân tích của The Economist cho thấy tỉ lệ xây nhà tại thời điểm trước đại dịch ở các nước phát triển, được điều chỉnh theo dân số, chỉ bằng một nửa so với những năm 1960. Các luận điểm đều ủng hộ các nhà môi giới.

Người dân yêu cầu đài NBC ngừng phát sóng Olympic Bắc Kinh

https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2022/01/bieutinh-700x366.jpg

Người biểu tình yêu cầu đài NBC không đưa tin về Olympic Bắc Kinh 2022 (ảnh: Chụp màn hình Breitbart) 

Người dân từ các cộng đồng Tây Tạng, Hồng Kông, Mông Cổ và Kazakhstan cùng những người ủng hộ họ đã tập hợp bên ngoài trụ sở NBC vào hôm 4/1 để yêu cầu hãng truyền thông này ngừng đưa tin về Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022.

Hôm thứ Ba (4/1), Hàng chục tổ chức đại diện cho các nạn nhân của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trên khắp thế giới đã tổ chức “ngày hành động toàn cầu” để yêu cầu tẩy chay Olympic Bắc Kinh 2022.

Họ cho rằng vì chính quyền Trung Quốc vi phạm nhân quyền nghiêm trọng nên kêu gọi Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) chuyển địa điểm tổ chức sự kiện, yêu cầu NBC không đưa tin về Thế vận hội Bắc Kinh, các nhà tài trợ rút lui và các vận động viên không tham gia sự kiện thể thao này.

Ngawang Tashi, phó chủ tịch Ủy ban Tây Tạng Hoa Kỳ, nói với Breitbart News trong một email hôm thứ Ba rằng: “Chúng tôi đang yêu cầu Ủy ban [Olympic] quốc tế di dời địa điểm bằng bất cứ giá nào, vì địa điểm đã chọn là không cần thiết”.

Trong số các tổ chức tham gia cuộc biểu tình ở New York hôm thứ Ba có Ủy ban Tây Tạng Hoa Kỳ, Sinh viên vì một Tây Tạng tự do, NY4HK, Hỗ trợ Phong trào Dân chủ ở Miến Điện, Trung tâm Thông tin Nhân quyền Miền Nam Mông Cổ, và một số nhóm Đài Loan và Duy Ngô Nhĩ.

Tashi nói rằng ĐCSTQ “có lịch sử hơn 100 năm diệt chủng” và đàn áp độc tài đối với người dân của mình, “và một chính phủ như vậy [không] xứng đáng đăng cai các thế vận hội quốc tế như Thế vận hội Olympic.”

Tashi cho biết những người biểu tình sẽ “yêu cầu người dân thế giới và các nhà lãnh đạo trên thế giới tẩy chay Thế vận hội mùa đông ở Bắc Kinh này. Chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh cho quyền lợi của mình và sẽ tẩy chay Thế vận hội Olympic 2022 ”.

Tashi cho biết thêm rằng những người biểu tình đã yêu cầu “NBC ngừng phát sóng và các nhà tài trợ rút lui khỏi Thế vận hội 2022”.

Theo Breitbart

QLD ghi nhận 10,332 ca nhiễm mới, một kỷ lục chưa từng có trong một ngày

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2022/01/thu-hien-QLD-2.jpg

Queensland ghi nhận một kỷ lục về ca nhiễm trong ngày cao nhất từ trước đến nay, 10,332 được xác nhận trên toàn tiểu bang.

Chỉ có một tử vong, một người đàn ông tuổi 80s ở Gold Coast, là người thứ 12 ở QLD chết vì Covid kể từ khi dịch bệnh bắt đầu.

Hiện tại có 284 đang được điều trị vì nhiễm Covid tại bệnh viện và 12 trong khu ICU.

Trong 24 giờ qua, tính đến 8 giờ tối hôm qua, 34,832 người đi xét nghiệm tại QLD, cũng giống như NSW, một phần ba số người đi test bị nhiễm Covid.

Nhưng Trưởng Y tế của QLD, Dr John Gerald cho biết số người thật sự bị nhiễm trong cộng đồng có thể cao hơn nhiều và ông cho biết 80% số người bị nhiễm hiện tại là do vi khuẩn biến thể Omicron.

Bộ trưởng Y tết QLD Yvette D’Ath cho biết bà muốn áp dụng luật những người đã dương tính qua xét nghiệm Rapid antigen test không cần phải kiểm tra lại tại các trung tâm xét nghiệm để giúp làm giảm áp lực đối với các trung tâm này.

Dr Gerard cũng kêu gọi người dân Queensland đừng đến bệnh viện đặc biệt là khu khẩn cấp ngoại trừ khi triệu chứng Covid quá trầm trọng.

“Vấn đề lớn nhất mà chúng tôi đang gặp phải tại bệnh viện và khu khuẩn cấp là có một số người tương đối khỏe nhập viện và đang làm cho hệ thống y tế bị quá tải,” ông nói.

Đối với những người bị nhiễm Covid: “Phần lớn bắt đầu khỏe trở lại sau 2, 3 ngày. Nếu không thì nên kiếm lời khuyên của bác sĩ,” ông nói.

Triều Tiên phóng tên lửa siêu thanh thứ nhì, gây nhiều chỉ trích 

Reuters 

Tên lửa siêu thanh của Triều Tiên, ảnh do KCNA công bố 6/1/2022.

Tên lửa siêu thanh của Triều Tiên, ảnh do KCNA công bố 6/1/2022. 

Trong tuần này, Triều Tiên phóng thành công một "tên lửa siêu thanh" và đánh trúng mục tiêu, hãng thông tấn nhà nước KCNA đưa tin hôm thứ Năm 6/1.

Vụ phóng diễn ra hôm 5/1 và là lần đầu tiên Triều Tiên làm như vậy kể từ tháng 10/2021. Quân đội một số nước trong khu vực phát hiện ra vụ phóng và nó dẫn đến những lời chỉ trích từ các chính phủ Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Trong cuộc thử nghiệm hôm 5/1, "đầu đạn lướt siêu thanh" đã tách ra khỏi tên lửa đẩy và bay lượn theo chiều ngang qua 120 km trước khi nó "bắn trúng" mục tiêu cách đó 700 km, KCNA đưa tin.

KCNA cho biết thêm vụ thử cũng khẳng định về tính năng của các thành phần như bộ điều khiển bay và khả năng hoạt động của nó trong mùa đông.

Vẫn KCNA tường thuật rằng: “Những thành công liên tiếp trong các vụ phóng thử trong lĩnh vực tên lửa siêu thanh có ý nghĩa chiến lược ở chỗ chúng đẩy nhanh nhiệm vụ hiện đại hóa lực lượng vũ trang chiến lược của nhà nước”.

Tuy Triều Tiên chưa thử bom hạt nhân hoặc tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) tầm xa kể từ năm 2017, song trong những năm gần đây, Triều Tiên đã phát triển và phóng một loạt tên lửa và đầu đạn có tính cơ động hơn nhằm mục đích có thể vượt qua các hệ thống phòng thủ tên lửa tương tự như những loại mà Hàn Quốc và Hoa Kỳ sử dụng, các nhà phân tích cho hay.

Trong một cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi hôm 6/1, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken lên án vụ phóng tên lửa của Triều Tiên và hai ông thảo luận về hợp tác để đạt được phi hạt nhân hóa hoàn toàn và hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong một tuyên bố.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: “Chúng tôi hết sức chú ý đến chuyện họ có năng lực quân sự mới, và như đã nói, chúng tôi lên án việc (Triều Tiên) tiếp tục thử tên lửa đạn đạo, gây bất ổn cho khu vực và cộng đồng quốc tế”.

Các cuộc đàm phán nhằm thuyết phục Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo đã bị đình trệ kể từ khi một loạt cuộc họp thượng đỉnh hồi năm 2018 và 2019 giữa Lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ khi đó, ông Donald Trump, đã không đi đến thỏa thuận nào.

(Reuters)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét