Thứ Ba, 25 tháng 1, 2022

Đỗ Duy Ngọc - Nói chuyện hổ trong năm cọp

 

https://blogger.googleusercontent.com/img/a/AVvXsEh-Yg9NAfiKx9qbBGf_5UwnojHSAM5KVp8i3DlmyHsNySQilkaGF6rLTm1jcJs4K9I8OBECEk9JfkoKmn4dAikPwP-8GbjeTMJHA7o7ZDsWs6XaV5PkJj0hw4hlvtcO7BKNj1t5-VytmrhWfcJawJ_RjYIOmrsBzVBHsrDSg7q8Wj6d66juMg0kkvJFzg=w400-h269

Từ lâu nay, hổ là con vật được gọi là Chúa sơn lâm, vua của rừng xanh. Đặc biệt các dân tộc Á châu nhất là Trung Hoa, Việt Nam, Thái Lan, Campuchia, Nhật Bản, Ấn Độ, Triều Tiên, Đại Hàn...xem hổ như là con vật linh thiêng. 

Ở con hổ cho thấy sức mạnh, dũng cảm, oai vệ như là một chiến binh của rừng xanh. Bên cạnh đó, hổ còn thể hiện sự linh hoạt, uyển chuyển trong dáng đi, cách đứng, tướng nằm với một bộ mặt nhìn có vẻ bí hiểm và oai linh. Với tướng mạo và tính chất dũng mãnh cộng với vẻ đẹp của hình thể, hổ được thần thánh hóa với tập tục thờ hổ hay thờ thần hổ. 


Con hổ từ xa xưa đã đi vào tín ngưỡng dân gian của nhiều dân tộc, cộng đồng. Ở nước ta từ Bắc chí Nam, người ta bắt gặp hình ảnh của con hổ trong các đình, miếu. Một con hổ oai vệ đầy đe dọa trên các bình phong ở sân đình, đền miếu là hình ảnh quen thuộc trong dân gian. 

Hổ cũng là nhân vật quen thuộc trong văn chương, bài thơ Nhớ rừng của Thế Lữ là một hình ảnh độc đáo của con hổ bị nuôi nhốt nhớ rừng già, sông suối với nỗi căm hờn khi nằm trong cũi sắt:

"Gậm một khối căm hờn trong cũi sắt,

Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua,

Khinh lũ người kia ngạo mạn, ngẩn ngơ,

Giương mắt bé diễu oai linh rừng thẳm,

Nay sa cơ, bị nhục nhằn tù hãm,

Để làm trò lạ mắt, thứ đồ chơi.

Chịu ngang bầy cùng bọn gấu dở hơi,

Với cặp báo chuồng bên vô tư lự.

Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ,

Thủa tung hoành hống hách những ngày xưa.

Nhớ cảnh sơn lâm, bóng cả, cây già,

Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi,

Với khi thét khúc trường ca dữ dội,

Ta bước chân lên, dõng dạc, đường hoàng,

Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng,

Vờn bóng âm thầm, lá gai, cỏ sắc.

Trong hang tối, mắt thần khi đã quắc,

Là khiến cho mọi vật đều im hơi.

Ta biết ta chúa tể cả muôn loài,

Giữa chốn thảo hoa không tên, không tuổi.

Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối,

Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan?

Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn,

Ta lặng ngắm giang sơn ta đổi mới?

Đâu những bình minh cây xanh nắng gội,

Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng?

Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng.

Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt,

Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật?

Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu?"

https://blogger.googleusercontent.com/img/a/AVvXsEjHsVFZ3VCu50ps1Gs0JF3gs8-l_yj818hcEcPGRlkAGvHKCOEor9ZjBRwuffgTUqIZO10lntkfcOzbaHG7PV3g4Y0f6s4edJtdyBSRW5oEkwpsk5zVJ0s2ELq4KZR0TAFLP3p-BGhf68ll3m4AMaIcj1RN3bacXW0WFQO10s7bZPVd5fup-P8YZrjFdg=w305-h400


Ta cũng bắt gặp hình tượng hổ trên các phù điêu bằng gỗ, đá, đồng, ở các đền đài, lăng miếu từ thời Lý, Trần...Đặc biệt trong tranh Hàng Trống với bức tranh Ngũ hổ độc đáo và ấn tượng. Đây là một bức tranh đẹp và rất mỹ thuật với năm con hổ dáng đứng ngồi khác nhau với 5 màu biểu tượng cho ngũ hành: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. 

Hổ trong tranh Ngũ hổ với dáng khỏe, oai phong nhất là những đôi mắt đầy thần sắc rực lên sức mạnh của chúa sơn lâm. Màu của 5 con hổ tượng trưng nhiều ý nghĩa sâu sắc về tính truyền thống của dân gian:

Hoàng hổ: Cọp vàng, tượng trưng hành Thổ, ứng với trung ương chính điện. Thanh hổ: Cọp xanh, tượng trưng hành Mộc, ứng với phương Đông. Bạch hổ: Cọp trắng, tượng trưng hành Kim, ứng với phương Tây. Xích hổ: Cọp đỏ, tượng trưng hành Hỏa, ứng với phương Nam. Hắc hổ: Cọp đen, tượng trưng hành Thủy, ứng với phương Bắc.

Trong mỹ thuật dân gian Việt Nam, bức tranh Ngũ hổ của nghệ nhân hàng Trống có một chỗ đứng đặc biệt và mang tính nghệ thuật cao.

https://blogger.googleusercontent.com/img/a/AVvXsEjPWX3oV-jxWm-2SuUntBzP4jCOBQ21r4pSGVOidgkiLsi0kmg3hWw_5zjcAWId7qpfUp5651g-6jcZsCkYaWvv2AbU6Afdo5ICfYXjARLslFd_wNn1CGp7syNcZ17gXOabDFIfVBNQJ2IrCXP6lYwZIbfiTbwvJC4PMYii208chBypX9Xcx7brwD4cSg=w400-h251

Hình ảnh của hổ cũng đã được tạc thành tượng và phù điêu bằng đá có từ lâu tại các chùa, đền, lăng như ở Chùa Đại Bi (Hoài Đức, Hà Tây) và Cọp Đá ở Lăng Trần Thủ Độ, Vũ Thư, Thái Bình. Con hổ được tạc thế nằm ung dung và trầm lắng với đầu ngẩng cao, mắt xa xăm nhưng thế vững đầy uy lực. Đây là một tác phẩm điêu khắc có giá trị của nghệ thuật cổ Việt Nam.

https://blogger.googleusercontent.com/img/a/AVvXsEidvX6MnrR0zCkKLGRCZS1qbtlr5xKsB4N5w_Txs-DEDkPWUMDKkPlgzRS1_zOqxQ5d7zaJx7p00-DdpQSlv3gijJCpPI-LV9j9zJv66_wE0j0FOz1Q-30YUKz5dkl0iSWimTu3muXXCUaS2gEaDq7w-pufyXBB8SWojAxiBC1v8Z9Kr6I4pBU3xS6MrA=s320


Năm nay, năm cầm tinh con hổ. Người ta đã thực hiện nhiều con hổ trang trí đón xuân ở khắp mọi nơi. Nhưng không hiểu sao con hổ năm nay nhìn không ra hổ, cũng chẳng giống mèo. Nơi thì gầy như con chó, chỗ thì nhìn ngây ngô đến độ buồn cười. Mặt hổ buồn hiu, yếu xìu. Có nơi lại sáng tạo con hổ dài thòn như con mãng xà. Nơi lại biến hổ thành con mèo máy Doremon. 

https://blogger.googleusercontent.com/img/a/AVvXsEhyXiFgZdRtoB5nzFx65-hrxsWxHzpzD_n7m22UdT-Zf1EQBju_f4-LghQI8DDD9uRS95jVNXTOptNMemMZT8JXT4SwsZAejNA4BzAAwbvH3GNQ3YUY6kP4Ruw4ePULS-FVapMAo-7bAqZKDOgL5fOJT7oghWJfIJIJbjnniaMNJd1U6utTl2I-bAkf4Q=w400-h300


Tất cả oai phong, dũng mãnh của loài hổ biến đâu mất chỉ khiến cho người chứng kiến cảm thấy ngạc nhiên và thất vọng. Đâu rồi oai linh, đâu rồi chiến binh của rừng xanh, chúa sơn lâm? Tốn nhiều tiền nhưng chỉ làm ra những con vật chẳng giống ai. Làm nghệ thuật như thế thì buồn lòng thật! Không hiểu mấy nhà quản lý văn hóa, mỹ thuật đi đâu mà để những con vật ấy lạc loài nực cười giữa trần gian mùa xuân như thế nhỉ?

ĐỖDUY NGỌC 23.01.2022

Thụy My Blog

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét