Thứ Bảy, 1 tháng 4, 2023

Việt-Mỹ: Hai nước cựu thù có khả năng thành đối tác chiến lược trong năm nay?

Bùi Thư

BBC News Tiếng Việt

31/3/2023

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu trước buổi tiệc trưa cho Phó tổng thống Hoa Kỳ chiêu đãi tại Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ngày 7/7/2015.

Nguồn hình ảnh, AFP via Getty Images

Chụp lại hình ảnh, 

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp gỡ Tổng thống Joe Biden hồi tháng 7/2015

Người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden 'nhất trí thúc đẩy, phát triển, làm sâu sắc hơn quan hệ song phương'.

Cuộc điện đàm ngày 29/3 được đánh giá là một sự tương tác hiếm hoi của Tổng thống Biden với một nhà lãnh đạo nước ngoài không phải là nguyên thủ quốc gia hay thuộc về chính phủ. Nhưng ông Trọng được xem là người nắm quyền lực về mặt chính trị cao nhất ở Việt Nam. 


Điện đàm giữa hai lãnh đạo được thông báo khi tổng thống Mỹ đang tổ chức Hội nghị thượng đỉnh vì dân chủ lần thứ hai, theo Reuters.

Hà Nội 'bớt những lo ngại'

Theo thông cáo của Nhà Trắng, ông Biden đã củng cố "cam kết của Mỹ đối với một Việt Nam mạnh mẽ, thịnh vượng, kiên cường và độc lập". Đồng thời cho biết thêm đôi bên sẽ hợp tác để giải quyết các thách thức khu vực và đảm bảo một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Hai cựu thù trong quá khứ đang kỷ niệm 10 năm "quan hệ đối tác toàn diện" vào năm nay.

Vào tháng 2 năm 2022, chính quyền Biden tái khẳng định chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Washington. Trong đó, xác định Việt Nam là quốc gia đối tác 'hàng đầu' trong khu vực của Mỹ.

Bích Trần, nhà nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington DC nhận xét với BBC News Tiếng Việt hôm 30/3 rằng, cuộc điện đàm giữa Tổng thống Joe Biden và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 29/3/2023 tái khẳng định việc Mỹ tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam. 

"Điều này giúp làm giảm bớt những lo ngại từ phía Hà Nội trong việc thắt chặt quan hệ với Mỹ," bà Bích Trần nhận xét.

Bà Bích cũng lưu ý thêm, Tổng bí thư Trọng không giữ chức vụ nhà nước nên việc nâng cấp quan hệ đối tác toàn diện lên đối tác chiến lược có khả năng sẽ được thực hiện khi Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gặp Tổng thống Biden. 

"Nếu từ giờ đến cuối năm mà hai lãnh đạo thu xếp được một chuyến thăm chính thức thì việc nâng cấp có khả năng xảy ra trong năm nay để kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác toàn diện Việt-Mỹ," nhà nghiên cứu của CSIS dự đoán.

Trong bài viết của ông Murray Hiebert trên trang CSIS có tựa "Biden should invite Vietnam's Party Chief for a visit" gợi ý rằng ông Joe Biden nên mời ông Nguyễn Phú Trọng sang Washington để bàn về việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược.

"Việt Nam trong những năm gần đây đã nổi lên như một trong những đối tác quan trọng nhất của Washington ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và là quốc gia ở tuyến đầu trong khu vực Đông Nam Á đối mặt với sự hung hăng của Trung Quốc, đặc biệt là trên Biển Đông."

Dù đồng tình rằng, một trong những lý do khiến Hà Nội có thể đã từ chối sự vận động nâng cấp quan hệ ngoại giao từ Washington là lo ngại về phản ứng của Trung Quốc, ông Hiebert lại gợi ý, Tổng thống Joe Biden nên mời ông Nguyễn Phú Trọng sang Washington để bàn về việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược.

"Trong những tuần gần đây, Việt Nam đã nói rằng họ sẵn sàng nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ, nhưng họ muốn thực hiện điều này song song với chuyến thăm của lãnh đạo đảng," ông Hiebert viết. 

Trong buổi điện đàm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tinh thần "gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai".

Sau đó, Tuổi Trẻ đưa tin, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận lời mời thăm Mỹ từ Tổng thống Joe Biden và giao các cơ quan liên quan thu xếp thời gian thích hợp.

Yếu tố Trung Quốc

Một luồng ý kiến khác thì cho rằng, việc Hoa Kỳ thúc đẩy nâng cấp quan hệ với Việt Nam trong năm nay đang vấp phải sự lo ngại Trung Quốc có thể coi động thái này là chống đối, nhất là vào thời điểm căng thẳng giữa hai siêu cường Bắc Kinh và Washington, theo Reuters.

Hồ sơ nhân quyền của Việt Nam cũng được coi là điểm mấu chốt trong mối quan hệ hai nước, với việc Washington chỉ trích chính phủ Việt Nam không khoan nhượng đối với những người bất đồng chính kiến ​​và thường xuyên bỏ tù cũng như sách nhiễu những người dám lên tiếng. 

Cuối tháng 10, đầu tháng 11/2022, ông Trọng là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên tới thăm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh sau khi ông Tập đảm nhận nhiệm kỳ thứ ba phá vỡ tiền lệ với tư cách là Tổng bí thư tại Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Ông Hiebert cho rằng đây là thời điểm "lý tưởng" vì chuyến thăm của ông Trọng tới Bắc Kinh vào cuối năm ngoái đã mang lại cho Việt Nam một chút không gian để tăng cường quan hệ với Washington trong những tháng tới. 

BBC

Nhà nghiên cứu Bích Trần nhận định, Mỹ lo ngại về sự bành trướng của Trung Quốc là một yếu tố quan trọng trong việc Washington muốn nâng cấp quan hệ với Hà Nội:

"Về phía Việt Nam, yếu tố Trung Quốc vừa thúc đẩy vừa kìm hãm việc thắt chặt quan hệ với Mỹ. Một mặt, những hành vi đáng lo ngại của Trung Quốc ở Biển Đông khiến cho việc Việt Nam tăng cường hợp tác an ninh với Mỹ ngày càng trở nên thiết thực hơn. Mặc khác, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và một trong số ít các nước xã hội chủ nghĩa còn sót lại trên thế giới."

Trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung, theo bà Bích Trần, việc Việt Nam chính thức nâng cấp quan hệ với Mỹ có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ Việt-Trung,

Trong cuộc điện đàm tối 29/3, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden cũng nhất trí về việc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm ký kết Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

"Nếu Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ lên mức đối tác chiến lược thì Quốc hội Mỹ có thể ủng hộ nhiều sáng kiến trợ giúp Việt Nam về an ninh hơn. Một tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược sẽ giúp cho giới quan chức Việt Nam cảm thấy tự tin hơn trong việc hợp tác với Mỹ," bà Bích nhận định.

https://www.bbc.com


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét