Thứ Tư, 11 tháng 7, 2012
CHUYỆN NHỎ VÀ CHUYỆN LỚN CỦA NỀN KINH TẾ VIỆT
July 10, 2012 By Alan Phan
4 July 2012
T/S Alan Phan, Chủ Tịch Quỹ Đầu Tư Viasa
Theo góc nhìn và trải nghiệm của tôi, kinh tế Việt Nam đang hứng chịu nhiều vấn nạn gồm hệ thống ngân hàng, bong bóng tài sản, giá trị bản tệ, tình hình suy phát, doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu hành chánh, kỷ cương đạo đức…Các chuyên gia hiện đã tốn rất nhiều thì giờ để mổ xẻ và đưa ra nhiều toa thuốc khác nhau. Tuy nhiên, đây là những vấn đề nhỏ, có thể giải quyết được với ý chí và thời gian.
Tuần vừa rồi, tôi đi quanh vài nước Á Châu để huy động vốn cho hai công ty Việt. Sự khác biệt trong nhận thức tình hình giữa các nhà đầu tư ngoại và nội làm tôi khá ngạc nhiên. Nhu cầu kiếm tiền đều giống nhau tại mọi nơi, nhưng số lượng và khả năng hấp thụ thông tin tạo nên một sai biệt đáng kể. Theo những chuyên gia tài chánh ngoại, các vấn đề lớn của nền kinh tế Việt Nam có thể tóm lược trong các trọng điểm:
1. 1. Các con số thống kê rất mù mờ:
Ai cũng biết rằng hệ thống ngân hàng Việt đang đối diện với số lượng nợ xấu và tính thanh khoản khá trầm trọng. Khi bong bong bất động sản vỡ tung thì các vấn đề này sẽ lũy tiến gấp chục lần. Tuy nhiên, hình như từ chánh phủ đến tư nhân không ai nắm rõ con số nợ xấu thực sự của các ngân hàng thương mại, công và tư.
Ông Thống Đốc Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN) vừa tuyên bố là nợ xấu chiếm khoảng 10% dư nợ thì vài ngày sau đó, thống kê của NHNN đưa ra chỉ là 4.6% . Trong khi đó, Fitch Rating ước tính con số 13% chưa cộng vào nợ xấu từ các doanh nghiệp nhà nước (chỉ Vinashin và Vinalines đã tổng cộng đến 6 tỷ USD). Một tư liệu của một ngân hàng tư nhân cho một ước tính không kiểm chứng được là 27%. Vì số dư nợ tuyên bố là 2 triệu 580 ngàn tỷ (khoảng 123 tỷ USD) nên xê xích 1% cũng khác nhau 25 ngàn tỷ. Thêm vào đó, mọi người vẫn bó tay về số nợ xấu thực sự cùa các xí nghiệp nhà nước và của ngân hàng nhà nước ngoài hệ thống (như VDB).
Tuy nhiên, vấn đề không phải là con số lớn đến thế nào, mà vấn đề là biểu tượng nguy hiểm từ sự mù mờ. Một là các giới thẩm quyền “không biết” chứng tỏ một yếu kém khủng khiếp về cách quản lý rủi ro của hệ thống. Hai là “biết mà dấu” đồng nghĩa với một thói quen không thể chấp nhận được theo kỷ cương của thị trường tài chánh quốc tế. Bác sĩ nào cũng có thể kê đơn thuốc nhưng việc cho thuốc bậy vì các chỉ số khi thử máu khi bị ngụy tạo hay sai lầm, mang theo hệ quả chết người.
1. 2. Những ống loa không cần thiết:
Các nhà đầu tư bài bản của thị trường chứng khoán thường rất lo ngại về hiện tượng “thổi giá để tháo chạy” (pump and dump). Khi mọi người nhận rõ là công ty đang gặp khó khăn mà các nhà quản lý thi nhau lạc quan vô lối và cổ võ cho cổ phiếu; thì kết quả của các chiêu PR này thường là đi ngược với dự định thổi giá” của họ.
Một quản lý quỹ ở Shanghai đã đầu tư khoảng 18 triệu vào Việt Nam cho biết ông đang tìm cách thoái vốn khi đọc các tin PR của các quan chức Việt khuyên dân mua bất động sản hay phán là nền kinh tế đang hồi phục manh mẽ.
Mỗi người mỗi tính, nhưng cá nhân tôi không bao giờ mua một món hàng mà người bán quá hào hứng, quá nhanh nhẩu, quá cố gắng…kiểu Sơn Đông mải võ. Lý do tôi không dùng thuốc Tàu vì tờ quảng cáo trên hộp thuốc luôn bảo đảm là thuốc này trị cả trăm thứ bệnh, từ bệnh trĩ đến bệnh đau đầu.
1. 3. Im lặng trước những tin đồn:
Năm 1982, món hàng bán chạy nhất của hãng dược Johnson và Johnson là Tylenol bị đồn là bị bọn khủng bố bơm thuốc độc (chỉ vài chai thuốc trị giá chưa đến 10 đô la). Trong vài giờ đồng hồ, người CEO xác nhận tin đồn, thâu hồi tất cả hàng trên thị trường, xin lỗi công chúng và công ty phải chịu lỗ hơn 170 triệu đô la cho sự cố này. Bất cứ một công ty nào ở Âu Mỹ, lớn hay nhỏ, công cộng hay tư hữu, đều phản ứng rất nhanh lẹ trước những tin đồn ảnh hưởng đến sản phẩm, khách hàng, họat động hay ban quản lý của công ty.
Gần đây trên mạng Internet, rất nhiều tin đồn gây sốc được lan tỏa rộng rãi. Các tin này còn được phổ biến bằng Anh ngữ đến các nhà đầu tư ngoại có làm ăn với Việt Nam. Theo kỷ cương quốc tế, nhà hữu trách và các cá nhân bị nêu đích danh trong ngành ngân hàng nên tổ chức họp báo để nêu ra các sai lầm và bằng chứng ngụy tạo của các tin dồn này. Tuy nhiên, tất cả đều im lặng ngay cả khi nhận các câu hỏi từ báo giới hay các cổ đông.
Sự im lặng này mang những thông điệp rất bất lợi cho sự phân tích khoa học và chính xác về hiện tình kinh tế.
1. 4. Bình cũ rượu cũ
Khi thực hiện đổi mới cách đây 25 năm, Việt Nam được kỳ vọng là con rồng mới của Á Châu dựa trên cá tính năng động của doanh nhân Việt. Các chuyên gia tài chánh thế giới tiên đoán một tương lai tốt đẹp và các nhà đầu tư ngoại hăng hái đổ tiền vào Việt Nam. Kết quả tài chánh có lẽ đã làm thất vọng nhiều người, nhưng vấn đề chưa thành nghiêm trọng nếu nền kinh tế tiếp tục sáng tạo, đổi mới, trung thực và minh bạch. Các nhà đầu tư ngoại vẫn có thể kiên nhẫn đợi chờ.
Tuy nhiên, thói quen làm ăn dựa trên quan hệ và ân huệ từ chánh phủ của doanh nhân, bộ máy hành chánh càng ngày càng quan liêu và nặng nề, lối quản lý liều lĩnh chụp giật từ tư duy OPM (tiền người khác) đã làm thui chột mọi thiện chí. Kinh tế Trung Quốc vẫn có thể hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại vì thị trường 1.3 tỷ dân và hệ thống cung cấp phụ kiện tiện lợi. Việt Nam không có sức hút này.
Theo góc nhìn và trải nghiệm của tôi, kinh tế Việt Nam đang hứng chịu nhiều vấn nạn gồm hệ thống ngân hàng, bong bóng tài sản, giá trị bản tệ, tình hình suy phát, doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu hành chánh, kỷ cương đạo đức…Các chuyên gia hiện đã tốn rất nhiều thì giờ để mổ xẻ và đưa ra nhiều toa thuốc khác nhau. Tuy nhiên, đây là những vấn đề nhỏ, có thể giải quyết được với ý chí và thời gian.
Hai vấn đề lớn hơn mà không ai nói đến là tư duy làm ăn của doanh nhân và niềm tin của các thành phần kinh tế với nhau. Tôi cho rằng Việt nam không thể phát triển bền vững và mạnh mẽ trong sự cạnh tranh toàn cầu nếu doanh nhân còn dựa vào sự ban phát (có điều kiện) của chánh phủ. Và khi không ai tin ai trong các giao dịch qua lời nói cũng như hành động, nội và ngoại, công và tư, thì mọi thủ thuật phù phép để lừa bịp đều là dụng cụ thiết yếu.
Nền kinh tế thị trường đặt cơ sở trên niềm tin. Khi niềm tin không còn, tôi nghĩ nền kinh tế chỉ huy và bao cấp có thể thích hợp hơn cho xã hội. Chúng ta không cần thuốc men gì cho một con bệnh đã tuyệt vọng.
Alan Phan
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét