Thứ Tư, 18 tháng 7, 2012

TRÁI BOM NỢ XẤU SẼ NỔ HAY XÌ


July 17, 2012

Dù vấn đề này đã được các nhà phân tích tài chánh lề trái cảnh báo hơn 1 năm nay, các mạng truyền thông trong nước và quốc tế mới bắt đầu mở ống loa trong tháng rồi. Đây là dấu hiệu của sự khẩn trương trong tình thế. Tôi không có gì để “bình loạn” thêm, nhưng xin ghi lại đây vài góc nhìn của “khách” để các bạn BCA nhìn vấn đề rõ hơn.
Alan
Từ BBC:
Thanh tra Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mới đây thông báo số nợ xấu gần gấp đôi con số thống đốc Nguyễn Văn Bình thông báo trước đó. Quyền Chánh thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Hữu Nghĩa nói rằng “Tính đến 31/3/2012, nợ xấu là hơn 202.000 tỷ đồng (khoảng 9,69 tỷ đôla), chiếm 8,6% tổng dư nợ”.Vào ngày 7/7, chính NHNN đưa ra con số nợ xấu mà họ mô tả là theo báo cáo của các tổ chức tín dụng là hơn 117.000 tỷ đồng, chiếm 4,47% so với tổng dư nợ.
BBC ngày 16/7 đã có cuộc phỏng vấn với ông Raphael Cecchni, trưởng nhóm chuyên gia kinh tế của hãng phân tích rủi ro đầu tư Châu Á đóng tại Bỉ về vấn đề nợ xấu của Việt Nam.


BBC: Thanh tra Ngân hàng Nhà nước vừa cập nhật thông số nợ xấu cao gấp hai lần thông số Ngân hàng Nhà nước đưa ra chỉ một thời gian ngắn trước đó. Ông có bình luận gì trước điều này ?
Raphael Cecchni: Trước đến giờ chúng tôi đều hết sức cảnh giác với các thông số kinh tế tài chính mà Việt Nam đưa ra, dù là từ nguồn chính thống hay không. Các con số thống kê từ hệ thống ngân hàng lẫn các doanh nghiệp lâu nay đều thiếu minh bạch và không có độ tin cậy cao.
Báo cáo được cập nhật gần đây nhất đã cao hơn hẳn so với con số được công bố trước đó và tôi nghĩ là tiến gần với thông số nợ xấu thực tại Việt Nam hơn.
Tuy nhiên, sự thiếu thống nhất trong công tác khai báo thống kê tại các ngân hàng, công ty tại Việt Nam đang làm dấy lên sự lộn xộn và khiến tình hình tài chính trở nên rất khó để đánh giá.
“Sự gia tăng đối với con số nợ xấu đang ngày càng làm lộ rõ những điểm yếu trong hệ thống của Việt Nam và sẽ làm ảnh hưởng đến niềm tin vốn đã bị xói mòn vào nền kinh tế Việt Nam”
BBC: Theo ông, những lí do chính nào dẫn đến vấn đề nợ xấu tại Việt Nam ?
Trước khi những thông số nợ xấu được công bố, có một điều rõ ràng đó là những con số trước đó hoàn toàn thấp hơn với thực tế.
Sự mở rộng tín dụng liên tục, chủ yếu tập trung vào các Tập đoàn Nhà Nước kinh doanh thua lỗ; những chính sách quản lí rủi ro yếu kém; sự tập trung các khoản vốn vay vào các dự án có hiệu quả thấp, nhất là đối với lĩnh vực bất động sản là những nguyên nhân chính cho nợ xấu tại Việt Nam.
Thị trường bất động sản là một trong những vấn đề lớn vì khu vực này chịu trách nhiệm đối với phần lớn các khoản nợ xấu.
Thêm vào đó, khủng hoảng kinh tế thế giới rõ ràng đã gây khó khăn trong việc trả nợ của các công ty, và vì thế khiến các khoản nợ không phát huy được tác dụng.
Sự tập trung vốn vay vào các dự án có hiệu quả thấp trong lĩnh vực bất động sản là một trong những yếu tố chính đóng góp cho nợ xấu
BBC: Ông nghĩ những nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam sẽ phản ứng ra sao trước tình hình kinh tế Việt Nam hiện nay ?
Đây là thời điểm khó khăn đối với các nhà đầu tư tại các khu vực kinh tế đang hội nhập phát triển.
Tại Việt Nam, môi trường đầu tư đã được cải thiện hơn từ năm 2011 nhờ sự tiến bộ trong công tác quản lí kinh tế, trong đó nhấn mạnh ổn định vĩ mô.
Tuy nhiên, sự gia tăng đối với con số nợ xấu đang ngày càng làm lộ rõ những điểm yếu trong hệ thống của Việt Nam và sẽ làm ảnh hưởng đến niềm tin vốn đã bị xói mòn vào nền kinh tế Việt Nam. Sự suy giảm rõ rệt đối với đầu tư từ nước ngoài (FDI) năm 2012 là bằng chứng cho điều này.
Những khó khăn đến từ ngành ngân hàng đại diện cho rủi ro đối với sự ổn định kinh tế lúc này đến vào một thời điểm bất lợi, khi vốn đầu tư đang tìm về những nơi an toàn.
BBC: Những cách giải quyết ngắn hạn và dài hạn nào mà ông cho là hợp lí cho vấn đề nợ xấu tại Việt Nam ?
Trong thời điểm ngắn hạn, một cuộc cải tổ ngành ngân hàng cần được tiến hành nhanh chóng. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa rồi đã ra quyết định xây dựng một công ty quản lí tài sản để mua và xử lí nợ xấu.
Một số giải pháp khác cũng cần được thực hiện, trong đó có việc tái huy động vốn các ngân hàng và thống nhất ngành ngân hàng qua việc sát nhập, mua lại.
Trong lúc đó, cần phải đẩy mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hạn chế với các đối tượng vay thiếu trách nhiệm, chủ yếu là ở lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên cũng cần phải tung ra các khoản viện trợ cần thiết để trợ giúp năng lực trả nợ cho đúng đối tượng.
Trong tương lai dài, tôi cho rằng cần củng cố các cơ cấu giám sát và luật định, kiến thức và khả năng quản lý rủi ro của ngành ngân hàng.
====
NGÂN HÀNG QUỐC DOANH NỢ XẤU CAO NHẤT
Nợ xấu của hệ thống được phân theo từng nhóm, từng vùng đáng chú ý.
Đến 31/3/2012, nợ xấu hệ thống là 8,6%. Nhóm ngân hàng nào là tác nhân “thúc đẩy” tỷ lệ này trong thời gian qua?
Ngày 12/7, Ngân hàng Nhà nước tổ chức buổi trao đổi với báo giới về nợ xấu. Tại đây, có hai con số được đưa ra: một là, theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, đến 31/5/2012, nợ xấu của hệ thống là 4,47%; hai là, theo giám sát từ xa của Ngân hàng Nhà nước, đến 31/3/2012, nợ xấu của hệ thống là 8,6%.
Có lẽ con số thứ hai tin cậy hơn. Vấn đề còn lại là trong con số đó, nhóm ngân hàng nào chiếm tỷ trọng lớn nhất? Buổi trao đổi nói trên diễn ra ngắn gọn, nhiều cánh tay giơ lên nhưng đành rút về, nên đành để ngỏ câu hỏi đó.
Nhưng, có thể tham khảo ở một kênh trong cuộc. Báo cáo chuyên đề của bộ phận nghiên cứu một ngân hàng thương mại vừa công bố có những dữ liệu cơ bản, có thể trả lời cho câu hỏi trên.
Báo cáo này khá chi tiết, khi tạo được những phân vùng thú vị. Một phân vùng là chia theo các nhóm ngân hàng khác nhau; một phân vùng là xác định hẳn “đóng góp” của nhóm G14 (14 ngân hàng thương mại lớn nhất trong hệ thống); hay tách cả phân vùng của nhóm “có vấn đề”.
Ở phân vùng thứ nhất, dữ liệu cập nhật đến 31/3/2012 cho thấy, khối ngân hàng thương mại nhà nước chiếm quá nửa miếng bánh nợ xấu, chiếm tỷ trọng tới 50,5%; nhóm thứ hai là khối thương mại cổ phần với 27,8%; nhóm ngân hàng nước ngoài chiếm khá nhỏ (do sự hạn chế về quy mô) với 4,2%; nhóm các tổ chức tín dụng khác chiếm 17,5%.
Ở phân vùng thứ hai, dữ liệu cập nhật đến 31/3/2012 cho thấy, nhóm G14 choán một phần rộng lớn của miếng bánh, chiếm tới 62%; đáng chú ý là nhóm ngân hàng “có vấn đề” chiếm 10%; nhóm còn lại chiếm 28%.
BBC 16-7-12
VN giải quyết nợ xấu thế nào?
Trong khi Chính phủ và Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam ra sức trấn an dư luận rằng nợ xấu đang không ở mức đáng lo và đổ lỗi nợ xấu cho khủng hoảng kinh tế, giới quan sát đang hoài nghi trước khả năng giải quyết vấn đề qua kế hoạch mua lại nợ xấu của chính phủ nước này.
Theo thông báo của Chính phủ Việt Nam, Bộ tài chính sẽ mua những món nợ xấu được đảm bảo từ các ngân hàng thương mại để giúp cải thiện tình hình tại các ngân hàng này, trong kế hoạch cải cách ngành Ngân hàng từ nay đến năm 2015 được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt.
“Có vẻ như họ đang chuẩn bị một kế hoạch cứu trợ, hoặc ít ra là đưa mọi thứ vào đúng chỗ để một kế hoạch cứu trợ có thể được tiến hành.” – Marc Djandji, trưởng nhóm nghiên cứu tại tập đoàn Viet Capital cho hay.
Hoài nghi
Tờ Foreign Policy viết: ”Thay vì cải cách nền kinh tế, Chính phủ Việt Nam đang đưa ra những cách giải quyết không có gì mới: kế hoạch xây dựng một Công ty mua bán nợ với số vốn 4,8 tỷ đôla để đối phó với các khoản nợ.”
“Tuy nhiên điều này chỉ có nghĩa là lại có thêm một bộ máy quan liêu đặt trong một hệ thống bảo trợ giữa những lãnh đạo cấp cao, các ngân hàng và các công ty”
Số vốn 4,8 tỷ đôla được rót vào công ty mua bán nợ chỉ bằng chưa đến một nửa tổng số nợ xấu 9,96 tỷ đôla được Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng công bố ngày 12/7.
Ông Alain Cany, Chủ tịch phòng thương mại Châu Âu tại Việt Nam bình luận :”Việt Nam vẫn không rõ phải định giá nợ xấu như thế nào. Đồng thời Chính phủ Việt Nam không đủ tiền để hấp thụ quá nhiều.”
“Có lẽ chính phủ sẽ không thể mua nợ xấu với 100% giá trị nợ mà dựa vào giá trị khối tài sản đảm bảo,” – Ông Cany nói thêm.
Ngay cả trong tháng Năm, các nghiên cứu của giới quan sát trên thế giới đã tỏ vẻ hoài nghi về mức độ trung thực của con số thống kê nợ xấu mà Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam đưa ra.
“Các khoản nợ xấu thực tế của Việt Nam phải cao hơn mức được đưa ra đến ba, bốn lần và chắc chắn nợ xấu sẽ tiếp tục tăng” – Tờ Capital Economics viết.
Cũng có những ý kiến khác so sánh tình hình kinh tế Việt Nam với Nhật vào thời điểm năm 2000 để thể hiện quan ngại việc mua và bán nợ không thể giải quyết vấn đề nợ xấu.
Vào năm 2000, đứng trước những khoản nợ xấu chồng chất lên đến hàng triệu yên khi bong bong bất động sản Nhật bị vỡ, chính phủ nước này đã cố gắng bơm hàng triệu yên vào các ngân hàng lớn để tạo ra các quĩ đầu tư nhằm mua lại nợ xấu.
Tuy nhiên giải pháp này đã hoàn toàn thất bại và cuối cùng, chính phủ Nhật đã phải giải quyết vấn đề bằng việc ép tất cả những ngân hàng yếu kém phải đóng cửa.
Lựa chọn giải pháp
“Để giải quyết nợ xấu, ngân hàng cho vay cần phải có biện pháp giám sát đảm bảo bên được vay sử dụng nguồn vốn theo đúng qui ước,” Giám đốc điều hành chi nhánh Ngân hàng phát triển Châu Á tại Việt Nam ông Tomyuki Kimura cho biết.
Một giải pháp nữa mà ông này đề nghị, đó là biến các khoản nợ thành các khoản vốn gắn liền với tái cơ cấu doanh nghiệp, vốn là một giải pháp mà ông cho rằng sẽ là khá phổ biến trong tương lai đối với ngành ngân hàng.
“Đây là giải pháp nhằm tái cơ cấu doanh nghiệp qua các biện pháp như xóa bỏ một số khoảng lãi suất, tái định thời hạn nợ, thay đổi giao ước cho vay và hỗ trợ các nguồn tài chính cần thiết để giúp các khách hàng của họ phục hồi”. Ông Kimura nói
Một số ý kiến khác đề xuất việc tái huy động vốn vay nợ. Điều này có nghĩa là huy động thêm vốn vay để hỗ trợ việc trả nợ cũ. Tuy nhiên điều này là khá nguy hiểm vì khó phân biệt được giữa việc tái huy động để giấu nợ xấu và tái huy động để tăng cường hoạt động kinh doanh.
Các chuyên gia trong nước lại có ý kiến rằng, Ngân hàng Nhà Nước cần xem xét giảm lãi suất tái cấp vốn xuống để hỗ trợ các Ngân hàng. Các ngân hàng đồng thời cũng nên giảm lãi cho doanh nghiệp để cùng tồn tại.
Giới đánh giá cho rằng, dù là lựa chọn bất kì giải pháp nào, Việt Nam cần cực kì thận trọng và đảm bảo rằng qui trình tiến hành được thực hiện một cách rõ ràng, minh bạch.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét