Thứ Hai, 9 tháng 7, 2012

VIẾT NHÂN NGÀY GIỖ NHẤT-LINH NĂM NAY (7-7-2012)



Phạm Phú Minh

July 7, 2012


Từ ít nhất bốn năm năm trở lại đây, “vấn đề Nhất Linh” cứ được hâm nóng bởi một số cây bút. Đúng ra chỉ có một người “chấp bút” viết về nhân vật này với một chủ đề nhất định, là Nhất Linh chết vì bệnh tâm thần, cùng lúc bác bỏ tất cả những chứng cứ lịch sử rất rõ rệt cho biết Nhất Linh chết vì những lý do khác. Có một điều rất ngộ nghĩnh, là khi “người chấp bút” ra một bài thì lại có người viết bài phản biện, người đó đọc rất kỹ các phản biện ấy để sửa đổi bài của mình cho hoàn chỉnh hơn, và đến một lúc nghĩ rằng bài của mình đã rất hoàn chỉnh rồi, không thể cãi đằng nào được nữa thì in thành sách. Nhưng khi sách phát hành thì đến phiên người con út của chính Nhất Linh là ông Nguyễn Tường Thiết vào cuộc, viết một bài dài bẻ gãy từng điểm không trung thực về thân phụ của mình, để đính chính trước dư luận về những điều mà ông cho rằng cố tình bóp méo những sự thật nay đã trở thành lịch sử (được đăng lại trong số này). Hầu như ngay lập tức sau khi bài này được phổ biến trên một tờ báo lớn tại Nam California vào đầu năm 2012, tác giả “chuyên đề về Nhất Linh bị bệnh tâm thần” phổ biến bản tóm lược một luận án y khoa của trường Y Sài Gòn đề cập đến bệnh hoạn của một số nhà văn Việt Nam trong đó có Nhất Linh, rồi tiếp theo là một bài chỉ trích tờ Phong Hóa và Ngày Nay xuất bản từ thập niên 1930 của thế kỷ trước. Chưa hết, tác giả này còn viết bài đánh giá một cách tệ hại những đảng phái quốc gia đã từng chống đối chế độ Ngô Đình Diệm, mặc dù những đảng phái này có một bề dày lịch sử lớn hơn chế độ cụ Ngô nhiều, đã hy sinh nhiều xương máu chống thực dân Pháp lẫn cộng sản ngay trên quê hương Việt Nam. Một thái độ rất là “ăn thua đủ”, có vẻ được hướng dẫn bởi một niềm tin sắt đá, rằng mình có sứ mệnh thiêng liêng và cao cả phải “hạ” Nhất Linh và những ai chống đối chính quyền Đệ nhất Cộng hòa với bất cứ giá nào.




Nhìn toàn cảnh những sự việc đã xảy ra trong vụ này, tôi cảm thấy rất buồn. Với tinh thần phe phái, rồi ra những giá trị đích thực của Việt Nam sẽ bị bôi bẩn hết. Bắt đầu là những người cộng sản Việt Nam từ năm 1945, khi họ theo đường lối đệ tam quốc tế ra tay tiêu diệt và nói xấu một cách triệt để những nhân vật yêu nước không đi theo đường lối của họ. Họ đã giết Phạm Quỳnh, Nguyễn Bá Trác, Khái Hưng, Nguyễn Văn Hùm, Tạ Thu Thâu, Trần Văn Thạch, Bùi Quang Chiêu…, và gán cho những “tội danh” Việt gian, bán nước, phản động không những cho người đã chết mà còn vô số người còn sống. Họ phủ nhận tất cả thành tựu của nhà Nguyễn, từ các chúa Nguyễn đến triều đại nhà Nguyễn, với một thái độ kỳ thị hẹp hòi rất rõ rệt. Cộng sản là những người cuồng tín, chỉ biết lý thuyết và niềm tin của họ là đúng, ai không theo họ là lập tức mang tội phản động. Họ đã làm đổ nhào cả một nền nếp văn hóa cổ xưa của Việt Nam, đã chà đạp vô số giá trị mà phải hàng ngàn năm một dân tộc mới thủ đắc được, vì tin chắc chỉ có văn hóa mác xít của tầng lớp vô sản mới có giá trị để xây dựng nên một xã hội tốt đẹp. Sự ngây thơ dại dột muốn xây dựng xã hội mới bằng nòng súng và bạo lực đã mang lại thất bại cho cộng sản quốc tế, và khi “bừng con mắt dậy thấy mình tay không”, cộng sản Việt Nam đã vội vàng phục hồi những giá trị cũ: in lại sách của Phạm Quỳnh, thừa nhận công lao của nhóm Tự Lực Văn Đoàn về báo chí và văn chương, tái bản hầu hết các sách vở thời Pháp thuộc và cả một số tác phẩm của Miền Nam trước đây mà họ đã lên án nặng nề, phần nào tôn trọng trở lại các tôn giáo và các tín ngưỡng dân gian mà một thời họ cho là mê tín, lạc hậu… Vì, sau những ảo tưởng về một xã hội mới theo kiểu mác-xít, nếu không có những vốn liếng ấy, Việt Nam còn cái gì?
Dù đã biết phần nào quay đầu về với dân tộc, hậu quả những phá phách của cộng sản vẫn còn nặng nề trên đời sống của xã hội Việt Nam, nhất là khi chế độ ấy với bản chất độc tài vẫn còn khống chế đất nước. Những lời chửi rủa, bôi nhọ của họ đối với những nhân vật khả kính của Việt Nam dù ngày nay không mấy khi còn được nói ra một cách chính thức và công khai nữa, nhưng vết hằn của nó trong một thời kỳ tuyệt đối toàn trị đã tạo những mảng đen khó phai mờ trong tâm trí một số thế hệ.
Nhưng cộng sản là cả một hệ thống cách mạng quốc tế, có lý thuyết, có tổ chức chặt chẽ nên những người cuồng tín theo nó đã tàn phá quê hương thì đã đành. Đàng này, một người có học, trong hàng ngũ quốc gia, mà cũng học đòi làm những việc tương tự như cộng sản chỉ vì muốn bênh vực một nhân vật chính trị mà mình sùng bái thì phải nói là không sáng suốt. Vì sao? Vì bênh vực người mình tôn thờ là một việc, mà ra sức bôi đen những cá nhân, đoàn thể chống đối người ấy, bất kể giá trị của các cá nhân, đoàn thể ấy đối với đất nước ra sao, thì thật là một hành động rất vô ý thức. Tác giả ấy quên một điều: muốn làm sáng danh người mà mình bênh vực thì cách tốt hơn hết là làm sáng tỏ tài năng, đức độ của người đó, chứ không phải cố sức đả kích, bôi nhọ, bới lông tìm vết để hòng làm cho kỳ được công việc triệt hạ những cá nhân, đoàn thể chống đối ông Ngô Đình Diệm. Giá trị của cụ Ngô có được sáng rỡ thêm vì hành động đó không?
Cố chứng minh nhà văn Nhất Linh tự tử vì bệnh tâm thần chứ không phải vì chống đối ông Diệm như những bằng cớ rành rành trên giấy trắng mực đen trong di chúc và các biến cố chính trị xã hội thời đó, thì được cái gì? Được cái này: thuyết phục dư luận nửa thế kỷ sau cái chết của ông Diệm rằng ông nhà văn nổi tiếng ấy không phải vì chống đối ông Diệm mà tìm cái chết, mà chỉ vì… điên! Ai tin được ông tác giả ấy thì cứ tin, nhưng riêng tôi, tôi thấy thê thảm quá. Thảm không chỉ cho chính ông ấy, mà thảm cho cả những giá trị mà ông ta muốn bảo vệ. Tôi không tin một người đức độ như ông Ngô Đình Diệm lại bằng lòng với một cách xuyên tạc lịch sử trắng trợn như vậy của những người tự nhận bênh vực cho ông. Những nhân vật lớn trên sân khấu chính trị chắc chắn hiểu nhau hơn là những bình luận vụn vặt về sau theo kiểu này. Vì bôi bẩn, xuyên tạc những giá trị thật sự của lịch sử Việt Nam thì sự thiệt hại chỉ có thể là cho chính Việt Nam thôi. Lo nâng một bức tượng lên cho cao mà chân lại dẫm lên bao nhiều đồ đạc quý giá trong nhà, người có trí (khôn) không ai làm như vậy!
Người thật sự có lòng với lịch sử đều có một lối nhìn xác thực nhưng bao dung với những gì đã xảy ra trong quá khứ. Và hiểu cái lẽ tương đối trong một thực trạng xã hội và chính trị. Nhìn một nhân vật hay một chế độ bằng cách không xem xét thực tế xã hội thời đại đó, mà chỉ trừu tượng hóa, về nhân vật thì chỉ còn một hình tượng xa xa đầy lý tưởng, về chế độ thì chỉ với một mớ lý thuyết trên giấy tờ, rồi cho đó là hoàn thiện, hoàn mỹ thì e rằng khó mà chính xác được. Đưa một cái gì của trần gian này đến mức toàn hảo không thể phê phán đều là thái độ cuồng tín. Và cuồng tín thì không có chỗ cho luận giải một cách khoa học hay thông cảm được, vì đã theo nguyên tắc “không theo ta là kẻ thù của ta”. Trong bảy mươi năm tồn tại của chế độ cộng sản, họ đã dứt khoát hành động theo một câu ngắn gọn: bạo lực cách mạng. Trong xã hội ấy không có đối thoại về chính trị, người dân hoặc cúi đầu nghe theo lãnh tụ, hoặc bị tiêu diệt. Khi người cộng sản nói sử dụng bạo lực cách mạng cho một đối tượng nào đó thì có nghĩa kẻ đó sẽ bị giết hoặc tù đày cho đến chết.
Nhà văn Mai Thảo có thuật lại cho bạn bè nghe câu chuyện do nhà văn Nguyễn Mạnh Côn kể: Ông Nguyễn Tường Tam thời kỳ ở trong chính phủ liên hiệp năm 1946, một hôm vào phủ chủ tịch để phản đối với ông Hồ Chí Minh về việc một số đảng viên Quốc Dân Đảng bị cán bộ phe cộng sản làm khó dễ. Ông Hồ hứa với ông Tam sẽ chỉ thị trả tự do cho họ và không để những việc như thế xảy ra nữa. Ông Tam đi về, nhưng ra tới sân mới nhớ quên một món đồ (có thể là cây dù) để ngoài cửa phòng ông Hồ, bèn quay lại lấy, bỗng ông Tam nghe tiếng ông Hồ trong phòng dội ra: Sao không thủ tiêu chúng nó ngay đi, để làm gì gây lắm chuyện?!
Bạo lực cách mạng là thế. Thời điểm 1945, 46, 47 tại miền Bắc và miền Trung vô số quan lại cũ, đảng viên Quốc Dân Đảng đã bị giết, tại miền Nam hầu như tất cả phe đệ tứ bị thủ tiêu. Chưa hết: đến cải cách ruộng đất, hàng trăm ngàn địa chủ bị công khai bị hành quyết nơi đấu trường. Cộng sản là thế: hoạch định chính sách xong là cứ thẳng tay áp dụng bạo lực cách mạng.
Nhưng nợ máu một khi đã gây ra sẽ không bao giờ mất, nó sẽ là nhân cho một cái quả khủng khiếp trong tương lai. Chẳng có mục đích nào có thể biện minh cho phương tiện là sự tàn sát đồng loại. Nhất là khi nhìn lại, tất cả “mục đích” của chủ nghĩa cộng sản toàn là thứ dỏm, những khẩu hiệu tranh đấu cho người nghèo, xây dựng thế giới mới rốt cuộc được tóm gọn trong một câu của bài Quốc Tế Ca: “Bao nhiêu lợi quyền tất qua tay mình!” Đó là câu tiên đoán tài tình nhất, tất cả ước mơ cao cả của các tay tổ cộng sản đều trật lất, trừ câu này. Và thảm họa cho những đất nước tuy là hậu cộng sản nhưng vẫn do đảng cộng sản cầm quyền chính là đây.
Quay lại trường hợp Nhất Linh và các đảng phái quốc gia đang bị một cây bút có ý đồ dùng “bạo lực chữ nghĩa” để vùi dập, tuy có vẻ chỉ là một động thái có tính cách cá nhân chứ không phải là chủ trương rõ rệt của một thế lực nào, chúng tôi mong cá nhân ấy nên nhìn lại và chọn một thái độ khác khi viết về lịch sử.
Nhiều nhà nghiên cứu đang thẩm định một cách khoa học và đứng đắn các ưu điểm của Đệ nhất Cộng hòa, đặc biệt các điểm đáng kính trọng ông Ngô Đình Diệm, các công trình đó đều đáng được trân trọng và chào đón. Nhưng nếu cố tình tìm mọi cách, kể cả dối trá và bóp méo sự thật, nhằm vùi xuống bùn đen những giá trị đã được xác định của quá khứ, thì thật sự là không nên. Dân tộc và đất nước Việt Nam trong suốt một thế kỷ qua đã là nạn nhân quá nặng nề của xâu xé tương tàn rồi, nay là lúc nên làm lành những vết thương, thay vì xé ra cho lớn hơn.

Phạm Phú Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét