Thứ Năm, 19 tháng 7, 2012

MÁY BAY NÉM BOM MỸ CHUYỂN HƯỚNG SANG THÁI BÌNH DƯƠNG

http://www.usatoday.com/news/military/story/2012-05-11/b-1-bomber-obama-new-strategy/56097706/1




Nguyễn Huy theo USA Today

Chiến lược quân sự mới của Tổng thống Mỹ Obama đang hình thành ở đây, trên vùng đồng cỏ cháy nắng phía tây Texas - nơi đào tạo các phi công máy bay ném bom B1.
Chiến lược xoay trục từ những sứ mệnh trải khắp sa mạc và vùng núi của Afghanistan đến các mục tiêu trên biển và có lẽ là ở nơi mà giới quân sự không muốn đề cập một cách trực tiếp, đó là Trung Quốc. "Chúng tôi sẽ trở lại tương lai", David Been, chỉ huy phi đội ném bom số 7 tại Dyess nói. "Từ hầu như chỉ ở Afghanistan, giờ đây chúng tôi đang chuyển dần tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương".


Sau một thập niên chiến tranh mặt đất tại Iraq và Afghanistan - 6.350 lính Mỹ tử nạn và hơn 1 nghìn tỉ USD chi phí - ông Obama đã công bố chiến lược quân sự mới hồi tháng 1 với nỗ lực đối trọng trước sự trỗi dậy của Trung Quốc. Sự thay đổi vai trò của B1 là ví dụ tiêu biểu cho cách không quân Mỹ hồi đáp chiến lược mới ấy thế nào.
Đột nhiên, B1 - loại máy bay từng bị cho là không còn thích hợp để tồn tại khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt, lại hồi sinh trở lại. Đầu tiên, B1 trở thành "ngựa thồ" trong cuộc không chiến ở Afghanistan. Còn giờ đây, khi tầm nhìn chiến lược của Lầu Năm Góc hướng về châu Á, thì B1 lại tiếp tục thu hút sự chú ý.
"Các khả năng của B1 đặc biệt phù hợp với những khoảng cách rộng lớn và nhiều thách thức khác thường ở khu vực Thái Bình Dương và chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư cũng như trông chờ vào B1 trong nỗ lực ủng hộ chiến lược hướng tập trung vào Thái Bình Dương được đề cập ở chỉ dẫn chiến lược mới của tổng thống", thiếu tướng Gen. Michael Holmes, trợ lý phó tham mưu trưởng phụ trách hoạt động không quân tại Lầu Năm Góc cho biết.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã nhấn mạnh những thay đổi này trong hàng loạt cuộc gặp với các nhà lãnh đạo Thái Bình Dương gần đây. "Một trong những nguyên tắc ở chiến lược của chúng tôi là khả năng nhanh nhạy, có thể triển khai nhanh chóng, linh hoạt, tận dụng công nghệ", ông Panetta nói. "Và ở một khu vực rộng lớn như châu Á - Thái Bình Dương, sự nhanh nhạy là điều cực kỳ quan trọng, đảm bảo khả năng di chuyển nhanh chóng".
Trong bối cảnh suy giảm kinh tế, các đơn vị vũ trang Mỹ phải hoạt động với chi phí thấp hơn. Lầu Năm Góc bị nhiều áp lực trước mục tiêu cắt giảm 480 tỉ USD ngân sách thập niên tới. Điều này đã nâng tầm quan trọng cho các vũ khí Mỹ hiện có, ít nhất trong tương lai gần. Lực lượng không quân muốn có máy bay ném bom mới, có thể tránh được radar và cần ít phi công hơn. Nhưng chắc chắn loại máy bay này chưa sẵn sàng chiến đấu cho tới thập niên tới.
Sự hồi sinh của B1, ít nhất là "điềm lành" với các cộng đồng phụ thuộc vào những việc làm liên quan tới loại máy bay này. Không quân Mỹ thuê 13.000 người để hỗ trợ cho các hoạt động của B1 ở ba bang, với ước tính ảnh hưởng kinh tế ở mức khiêm tốn cũng đã là 1 tỉ USD. Căn cứ của máy bay ném bom này không chỉ có ở Dyess, Texas mà còn ở căn cứ khoogn quân Ellsworth tại Nam Dakota. Ngoài ra, ở thành phố Oklahoma còn có một cơ sở bảo dưỡng.
Chặng đường dài
B1 đã trải qua một hành trình dài để đi tới vai trò hiện nay trong chiến lược quân sự mới. Thiết kế trong những năm 1970 để thay thế B-52, tuy nhiên, B1 không sẵn sàng cho nhiệm vụ tác chiến tới năm 1986.
Các thiết bị tiên tiến được áp dụng trên máy bay B-1 bao gồm hệ thống radar tấn công thu nhận hình ảnh tổng hợp, thiết bị báo mục tiêu di động dưới mặt đất, radar theo dõi mặt đất, hệ thống định vị toàn cầu/hệ thống dẫn đường quán tính vô cùng chính xác, bộ kiểm soát công nghệ điện tử hàng không, radar Doppler, dụng cụ đo độ cao radar. Những nhân tố này giúp phi hành đoàn định hướng trên toàn cầu, lựa chọn vị trí của máy bay một cách chính xác mà không cần sự trợ giúp từ dưới mặt đất, cập nhật thông tin, mục tiêu của chuyến bay, điều phối hoạt động trong chuyến bay và ném bom chính xác.
Loại máy bay này có thể tự bay ở độ cao thấp nhằm tránh sự phát hiện của đối phương. "Nó được thiết kế để có thể bay sát mặt đất, bạn có thể nhấn nút và rời đi cho dù hoạt động tối trời, trong bão tuyết hay mưa gió", Been nói. Về lý thuyết thì đây là những tính năng tốt. Tuy nhiên, trên thực tế, lần ra mắt đầu tiên của B1 không hoàn toàn thuận lợi. "Đó là thời điểm cuối những năm 80", Been người đã bay trên B1 khoảng 3.500h nói. "Các vấn đề động cơ, rò rỉ nhiên liệu, không thể bay cao thực sự, khó có khả năng tự bảo vệ... rất nhiều vấn đề".
Cuối cùng thì, không quân Mỹ đã khắc phục được hầu hết nhược điểm của máy bay này.
Hiện tại, nó là "ngựa thồ" cho không chiến tại Afghanistan, có thể mang gần như gấp đôi số bom và tên lửa so với loại máy bay "già hóa" B-52. Máy bay B1 đã thả khoảng 60% lượng vũ khí tại Afghanistan. Nó có thể lướt qua chiều rộng của Afghanistan trong vòng 45 phút, đóng vai trò quan trọng khi quân đội Mỹ chiến đấu với quân nổi dậy cần hỗ trợ không quân.
Năm ngoái, máy bay ném bom này đã dội bom ở Libya giúp NATO trong sứ mệnh lật đổ Moammar Gadhafi. Hai chiếc B1 từ căn cứ không quân Ellsworth đã tấn công 45 mục tiêu với các quả bom nặng hơn 900kg, sau đó hạ cánh, tiếp nhiên liệu, và tấn công thêm nhiều mục tiêu trên đường trở về. Được trang bị các camera và những bộ cảm biến khác, B1 còn cung cấp hình ảnh video chất lượng cao những hoạt động của quân nổi dậy ở mặt đất. Bình chứa nhiên liệu lớn cho phép máy bay bay vòng trên không nhiều giờ trước khi cần tiếp nhiên liệu.
Sứ mệnh mới
Khi vai trò chiến đấu của Mỹ tại Afghanistan dự kiến kế thúc vào 2014, không quân Mỹ giờ đây bắt đầu tập trung vào việc huấn luyện cho sứ mệnh ở Thái Bình Dương. "Chúng tôi đang di chuyển từ bay trong môi trường sa mạc sang phạm vi hoạt động trên mặt nước", trung tá George Holland, chỉ huy phi đội Kiểm tra và Đánh giá số 337 của không quân cho biết. Theo Holland, hiện không quân đang làm việc với Cơ quan Dự án Nghiên cứu phòng thủ tiên tiến (DARPA) để trang bị cho B1 tên lửa chống hạm tầm xa. Nhờ đó, máy bay ném bom này có thể phát hiện các tàu trên biển và phóng tên lửa từ cách đó hàng trăm km.
Hồ sơ ngân sách của Lầu Năm Góc cũng cho thấy, B1 sẽ được cải tiến hàng loạt trong ít năm tới để nâng cao khả năng tác chiến.
Trong khi Trung Quốc ngày càng hoạt động tích cực hơn xung quanh và ngoài phạm vi lãnh hải của họ, thì B1 có thể đóng một vai trò trong cuộc chơi ở Thái Bình Dương, John Pike, một nhà phân tích quân sự của trang web GlobalSecurity cho biết. "Biển Đông là vấn đề an ninh lớn nhất với chúng ta hiện nay, và tình hình chỉ trở nên tồi tệ hơn", Pike nhấn mạnh.
Trung Quốc có nhiều tranh chấp với một số nước trong vùng biển này và xung đột có thể leo thang. Hơn nữa, đây là nơi có những lộ trình vận chuyển quan trọng của toàn cầu, có trữ lượng dầu khí phong phú. Pike lưu ý rằng, hải quân Trung Quốc gần đây đã có thêm tàu tấn công đổ bộ và tàu bệnh viện trong hạm đội cảu họ - các loại tàu có thể được sử dụng nếu Trung Quốc muốn chiếm giữ đảo nào đó.
Theo không quân Mỹ, máy bay ném bom B1 lấy Guam làm căn cứ, không cần tiếp dầu giữa đường, vẫn có thể sử dụng 24 quả tên lửa không đối đất tầm xa JASSM tấn công các mục tiêu ở hầu hết biển Đông. Trung Quốc gần đây đã nghiên cứu chế tạo các vũ khí chống tiếp cận, chống can dự, đúng hơn là các tên lửa tầm xa có thể phá hủy tàu sân bay hoặc tấn công các căn cứ để triệt tiêu những ưu thế quân sự của Mỹ. Mục tiêu của họ là đẩy lùi quân Mỹ ra khỏi khu vực càng xa càng tốt.
Been, người có kinh nghiệm lâu năm về B1 cho hay, tốc độ, khả năng ở lâu trên cao, có thể mang theo tên lửa tầm xa của loại máy bay này là rất quan trọng cho các sứ mệnh của không quân Mỹ ở Thái Bình Dương.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét