Thứ Sáu, 20 tháng 7, 2012

HIỆP ĐỊNH GENÈVE, 1954

20-7-1954

Hiệp định Genève 1954 là hiệp định được kí kết để khôi phục hòa bình ở Đông Dương.Được kí kết tại Thành Phố Genève của Thụy Sỹ. Hiệp định dẫn đến chấm dứt sự hiện diện của quân đội Pháp trên bán đảo Đông Dương, chính thức chấm dứt chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương.
Nguyên ủy, Hội nghị Genève khai mạc ngày 26 tháng 4 năm 1954 để bàn về vấn đề khôi phục hoà bình tại Triều Tiên và Đông Dương. Do vấn đề Triều Tiên không đạt được kết quả nên từ ngày 8 tháng 5 vấn đề Đông Dương được đưa ra thảo luận.
Thành phần tham dự
• Phái đoàn Anh, do Anthony Eden làm trưởng đoàn.
• Phái đoàn Hoa Kỳ, do Bedell Smith làm trưởng đoàn.
• Phái đoàn Liên bang Xô viết, do Viacheslav Molotov làm trưởng đoàn.
• Phái đoàn Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, do Chu Ân Lai làm trưởng đoàn.
• Phái đoàn Pháp, do Georges Bidault làm trưởng đoàn.
• Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, do Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn[1].
• Phái đoàn Quốc gia Việt Nam, do Nguyễn Quốc Định làm trưởng đoàn sau thay thế bởi Nguyễn Trung Vinh rồi Trần Văn Đỗ.
• Phái đoàn Vương quốc Lào, do Phumi Sananikone làm trưởng đoàn.
• Phái đoàn Vương quốc Campuchia, do Tep Than, làm trưởng đoàn.
• Hai phái đoàn Pathet Lào và Khmer Issarak không được chính thức tham gia hội nghị mà chỉ có quan hệ với phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tất cả các nguyện vọng của hai đoàn này được Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trình bày trước hội nghị.
Hai đồng chủ tịch Hội nghị là Liên Xô và Anh.
Phái đoàn Hoa Kỳ và chính phủ Quốc gia Việt Nam từ chối công nhận cũng như ký vào Hiệp định Genève này.
Lập trường và quan điểm của các bên tham dự
Lập trường của Pháp
Lập trường của Quốc gia Việt Nam
Ông Trần Văn Đỗ, trưởng đoàn đại diện của Quốc gia Việt Nam nhất quyết không ký vào Hiệp định Genève vì không chấp nhận việc chia cắt Việt Nam[2] và đại diện phái đoàn Quốc gia Việt Nam ra một tuyên bố riêng:
“... chính phủ Việt Nam yêu cầu Hội nghị ghi nhận một cách chính thức rằng Việt Nam long trọng phản đối cách ký kết Hiệp định cùng những điều khoản không tôn trọng nguyện vọng sâu xa của dân Việt. Chính phủ Việt Nam yêu cầu Hội nghị ghi nhận rằng Chính phủ tự dành cho mình quyền hoàn toàn tự do hành động để bảo vệ quyền thiêng liêng của dân tộc Việt Nam trong công cuộc thực hiện Thống nhất, Độc lập, và Tự do cho xứ sở.”[3]
Tuy lên tiếng phản đối, nhưng sau khi hiệp định được kí kết, chính phủ và quân đội Quốc gia Việt Nam vẫn cùng quân Pháp tập kết về phía nam vĩ tuyến 17, bởi chính thể này trực thuộc Liên hiệp Pháp. Sau đó, hậu thân của Quốc gia Việt Nam là Việt Nam Cộng hòa, với sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ đã từ chối tổ chức tuyển cử thống nhất Việt Nam, trái với Tuyên bố chung của Hiệp định.


Lập trường của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng đề ra lập trường 8 điểm[4]:
1. Pháp công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia.
2. Ký một hiệp định về việc rút quân đội nước ngoài ra khỏi 3 nước trong thời hạn do các bên tham chiến ấn định. Trước khi rút quân, đạt thỏa thuận về nơi đóng quân của lực lượng Pháp hay Việt Nam trong một số khu vực hạn chế.
3. Tổ chức tổng tuyển cử tự do trong 3 nước nhằm thành lập chính phủ duy nhất cho mỗi nước.
4. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố ý định xem xét việc tự nguyện gia nhập Liên hiệp Pháp và những điều kiện của việc gia nhập đó.
5. 3 nước thừa nhận các quyền lợi kinh tế, văn hóa của Pháp tại mỗi nước. Sau khi chính phủ duy nhất được thành lập, các quan hệ kinh tế và văn hóa được giải quyết theo đúng các nguyên tắc bình đẳng và củng cố.
6. Hai bên cam kết không truy tố những người hợp tác với đối phương trong thời gian chiến tranh.
7. Trao đổi tù binh và dân thường bị bắt trong chiến tranh
8. Các biện pháp nói trên sẽ được thực hiện sau khi đình chỉ chiến sự [cần dẫn nguồn].
Lập trường của Hoa Kỳ
Phái đoàn Hoa Kỳ từ chối ký và không công nhận Hiệp định Genève nhưng ra Tuyên bố nước này "sẽ coi mọi sự tái diễn của các hành động bạo lực vi phạm Hiệp định là điều đáng lo ngại và là mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh quốc tế”.
Trong Tuyên bố của mình, đối với sự chia cắt Việt Nam trái nguyện vọng của hai miền Nam - Bắc, chính phủ Mỹ cũng nêu rõ quan điểm "tiếp tục cố gắng đạt được sự thống nhất thông qua những cuộc tuyển cử tự do được giám sát bởi Liên Hiệp Quốc để bảo đảm chúng diễn ra công bằng". [5]
Lập trường của Liên Xô
Lập trường của Trung Quốc
Trung Quốc không quan tâm đến lợi ích của những người cộng sản tại ba nước Đông Dương. Trung Quốc thoả hiệp với các nước phương Tây trong giải pháp phân chia lãnh thổ bất lợi đối với lực lượng cộng sản tại Đông Dương.
Mục tiêu cao nhất của Trung Quốc là mong muốn các bên ký kết một hiệp định về Đông Dương để tránh mọi sự can thiệp của Mỹ. Trưởng đoàn đại biểu Trung Quốc Chu Ân Lai ra tuyên bố: "Ba nước Đông Dương sẽ không tham gia vào bất cứ khối liên minh quân sự nào và không một nước ngoài nào được phép thành lập căn cứ quân sự trên lãnh thổ của họ." Tuyên bố của Trung Quốc kết thúc bằng câu "Chúng ta hãy hết sức tin tưởng và tiếp tục đấu tranh để bảo vệ hoà bình thế giới."[6]
Lập trường của Lào và Campuchia
Diễn biến




Tạ Quang Bửu, phía đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, và tướng Pháp Henri Delteil, Quyền Tổng Tư Lệnh Lực Lượng Liên Hiệp Pháp ở Đông Dương, Phái đoàn Pháp đang ký Hiệp định đình chỉ chiến sự tại Việt Nam
Vào ngày 26 tháng 4 năm 1954, Hội nghị Genève về Đông Dương chính thức được khai mạc. Từ ngày 8 tháng 5 đến ngày 23 tháng 6, các bên trình bày lập trường của mình về cách giải quyết vấn đề Việt Nam và Đông Dương. Do lập trường giữa các đoàn có một khoảng cách khá lớn nên các cuộc đàm phán tiến triển rất chậm chạp. Tuy nhiên, sự nhân nhượng lẫn nhau chỉ xuất hiện trong các cuộc thảo luận riêng. Cuối cùng, Pháp và Trung Quốc đã thỏa thuận một giải pháp chung cho vấn đề Đông Dương: giải quyết vấn đề quân sự trước, tách rời giải pháp chính trị tại ba nước Đông Dương.
Từ ngày 24 tháng 6 đến ngày 20 tháng 7, phái đoàn Pháp và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đàm phán trực tiếp để giải quyết các vấn đề cụ thể, xoay quanh các vấn đề: quyền tham gia hội nghị của các đại biểu chính phủ kháng chiến Lào và chính phủ kháng chiến Campuchia; chọn vĩ tuyến để khẳng định giới tuyến quân sự tạm thời và thời hạn tổ chức tổng tuyển cử tự do để thống nhất Việt Nam.
Ngày 20 tháng 7 năm 1954, Hiệp định Genève về Đông Dương bắt đầu được ký kết với nhiều văn kiện, chủ yếu là:
1. Ba hiệp định đình chỉ chiến sự tại Việt Nam, Lào và Campuchia
2. Bản tuyên bố cuối cùng của hội nghị (không có chữ ký)
Ngoài ra còn những tuyên bố riêng và những văn kiện ngoại giao riêng giữa các nước tham gia như :
1. Bản tuyên bố riêng ngày 21 tháng 7 của Mỹ tại Hội nghị Genève
2. Bản tuyên bố của chính phủ Pháp ngày 21 tháng 7, trong đó nêu rõ Pháp sẵn sàng rút quân ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, Lào, Campuchia theo lời yêu cầu của chính phủ những nước có liên quan trong một thời gian do các bên thoả thuận.
3. Các công hàm trao đổi giữa Trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm Văn Đồng và Thủ tướng Pháp Pierre Mendès-France.



Sau Hiệp định, hơn 1 triệu người đã rời miền Bắc Việt Nam theo chương trình Passage to Freedom (Con đường đến Tự Do) hay di cư (tháng 8 năm 1954)
Hiệp định đình chỉ chiến sự tại Việt Nam và Lào được ký bởi đại diện của hai lực lượng quân sự chính có liên quan, đó là Thiếu tướng Delteil, thay mặt cho Tổng Tư lệnh Quân đội Liên hiệp Pháp ở Đông Dương, và Tạ Quang Bửu, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thay mặt cho Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam. Phái đoàn Hoa Kỳ từ chối công nhận Hiệp định Genève nhưng tuyên bố rằng nước này "sẽ coi mọi sự tái diễn của các hành động bạo lực vi phạm hiệp định là điều đáng lo ngại và là mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh quốc tế"[7]. Chính phủ Quốc gia Việt Nam từ chối ký Hiệp định. [8] Trưởng đoàn Quốc gia Việt Nam, Trần Văn Đỗ, lên tiếng phản đối sự chia cắt đất nước.
Nội dung cơ bản của Hiệp định Genève
Hiệp định đình chỉ chiến sự tại Việt Nam
Hiệp định Genève có nội dung cơ bản như sau[9] :
• Các nước tham dự hội nghị cam kết tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia, không can thiệp vào công việc nội bộ 3 nước.
• Các bên tham chiến thực hiện ngừng bắn, lập lại hòa bình trên toàn Đông Dương
• Các bên tham chiến thực hiện cam kết, chuyển quân, chuyển giao khu vực, trao trả tù binh
• Cấm đưa quân đội, nhân viên quân sự,vũ khí nước ngoài vào Đông Dương. Nước ngòai không được đặt căn cứ quân sự tại Đông Dương
• Thành lập hai cơ quan kiểm soát:
• Ủy hội Quốc tế Kiểm soát Đình chiến Đông Dương (tiếng Anh: International Control Commission, ICC; tiếng Pháp: Commission Internationale pour la Surveillance et le Contrôle, CISC) gồm Ấn Độ, Ba Lan và Canada, với Ấn Độ làm chủ tịch.
• Sông Bến Hải, vĩ tuyến 17, được dùng làm giới tuyến quân sự tạm thời chia Việt Nam làm hai vùng tập kết quân sự tạm thời. Chính quyền và quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tập trung về miền Bắc; Chính quyền và quân đội khối Liên hiệp Pháp tập trung về miền Nam. Hai bên tiến tới thống nhất trong cuộc tuyển cử 7-1956
Bản Tuyên bố chung ghi rõ ở Việt Nam: “Đường ranh giới về quân sự chỉ có tính chất tạm thời, không thể coi như là một biên giới về chính trị hoặc lãnh thổ”.[10]
Hiệp định Genève không có điều khoản nào quy định chi tiết về thời điểm cũng như cách thức tổ chức Tổng tuyển cử thống nhất hai miền Nam-Bắc Việt Nam. Nhưng Bản tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Genève ghi rõ cuộc Tổng tuyển cử sẽ được tổ chức vào tháng 7/1956.
Hiệp định đình chỉ chiến sự tại Lào
Hiệp định đình chỉ chiến sự tại Campuchia
Tuyên bố cuối cùng ngày 21 tháng 7 năm 1954
Tuyên bố cuối cùng ngày 21 tháng 7 năm 1954 có nội dung như sau:
1. Các đại biểu tham dự hội nghị đã ký hiệp định đình chiến tại Việt Nam, Lào và Campuchia; tổ chức cơ quan quốc tế giám sát việc thực hiện các điều khoản trong hiệp định.
2. Hội nghị bày tỏ sự hài lòng trước việc chấm dứt chiến sự tại 3 nước Việt Nam, Lào và Cạmpuchia. Hội nghị tin rằng việc thực hiện những điều khoản trình bày trong tuyên bố này và trong những hiệp định đình chiến sẽ tạo điều kiện giúp Việt Nam, Lào, Campuchia có được nền độc lập, tự chủ hoàn toàn.
3. Tại hội nghị, chính phủ Lào và Campuchia đã đưa ra các tuyên bố về việc áp dụng quy tắc cho phép công dân tham gia kỳ tổng tuyển cử dự kiến được tổ chức trong năm 1955 phù hợp với hiến pháp của mỗi nước, thông qua hình thức bỏ phiếu kín và với điều kiện tôn trọng quyền tự do cơ bản.
4. Hội nghị ghi nhận các điều khoản trong hiệp định đình chiến tại Việt Nam, cấm các nước đưa quân đội và nhân viên quân sự cũng như tất cả các loại vũ khí, đạn dược vào Việt Nam. Hội nghị cũng ghi nhận các tuyên bố chung của chính phủ Lào và Campuchia về việc không yêu cầu viện trợ nước ngoài, cả thiết bị chiến tranh, nhân viên hay người hướng dẫn, trừ trường hợp yêu cầu được đưa ra vì mục đích phòng thủ lãnh thổ của họ.
5. Hội nghị ghi nhận những điều khoản trong hiệp định đình chiến tại Việt Nam: không thiết lập căn cứ quân sự mới tại vùng tập kết, mỗi bên có trách nhiệm canh chừng những khu vực tập kết của mình để đảm bảo không tham gia bất cứ liên minh quân sự nào và không sử dụng khu tập kết vì mục đích tiếp tục chiến sự hoặc phục vụ cho một chính sách hiếu chiến. Hội nghị ghi nhận tuyên bố của chính phủ Lào và Campuchia về việc không tham gia bất kì hiệp định nào với nước khác nếu hiệp định này bao gồm điều khoản phải tham gia liên minh quân sự trái với Hiến chương Liên hiệp quốc.
6. Hội nghị công nhận mục đích chính của hiệp định liên quan tới Việt Nam là để giải quyết vấn đề quân sự theo hướng chấm dứt xung đột và các bên không nên coi đường ranh giới quân sự là biên giới lãnh thổ hay chính trị. Hội nghị bày tỏ sự tin tưởng rằng việc thực hiện những điều khoản đề ra trong hiệp định đình chiến sẽ tạo cơ sở cho việc đạt được một giải pháp chính trị tại Việt Nam trong tương lai gần.
7. Hội nghị tuyên bố, giải pháp cho những vấn đề chính trị ở Việt Nam dựa trên cơ sở tôn trọng độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ sẽ cho phép người dân Việt Nam được hưởng nền tự do cơ bản thông qua kết quả tổng tuyển cử tự do sẽ được tổ chức tháng 7/1956.
8. Những điều khoản trong hiệp định đình chiến nhằm đảm bảo sự an toàn cho người dân và tài sản phải được tuân thủ một cách nghiêm túc và phải cho phép mỗi người dân Việt Nam được quyền tự do quyết định nơi họ sinh sống.
9. Các bên không được phép trả thù những cá nhân đã hợp tác với đối phương trong thời chiến cũng như gia đình của những người này.
10. Hội nghị ghi nhận tuyên bố của chính phủ Pháp về việc sẵn sàng rút quân khỏi lãnh thổ Việt Nam, Lào và Campuchia theo yêu cầu của chính phủ những nước liên quan trong thời gian do các bên lựa chọn.
11. Hội nghị ghi nhận tuyên bố của chính phủ Pháp về giải pháp khôi phục và củng cố hoà bình tại Việt Nam, Lào và Campuchia. Chính phủ Pháp sẽ tôn trọng sự tự do, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của 3 nước.
12. Trong quan hệ với Việt Nam, Lào, Campuchia, mỗi thành viên tham dự Hội nghị Genève sẽ tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của 3 nước; không can thiệp vào công việc nội bộ của 3 nước.
13. Các thành viên tham dự hội nghị đồng ý hỏi ý kiến nhau về bất kỳ vấn đề nào Uỷ ban Giám sát quốc tế đưa ra.
Không có phái đoàn nào tham dự Hội nghị Genève ký tên vào Bản tuyên bố cuối cùng.[11]. Vì đây chỉ là dự kiến và thông cáo chung, lại không có chữ ký, nên không được xem là có giá trị đồng thuận.
Các sự kiện hậu hiệp định
Một ngày sau khi Hiệp định được ký kết, tức ngày 22 Tháng Bảy, Thủ tướng Ngô Đình Diệm ra lệnh treo cờ rủ toàn Miền Nam từ vĩ tuyến 17 trở vào để bày tỏ quan điểm chống đối sự chia đôi đất nước.[12]
Ngày 22-7-1954. Chủ tịch Hồ Chí minh ra lời kêu gọi đồng bào cả nước: "Đấu tranh để củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập dân chủ cũng là một cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ”., và khẳng định: “Trung, Nam, Bắc đều là bờ cõi của nước ta, nước ta nhất định thống nhất, đồng bào cả nước nhất định được giải phóng”.[13]
Kết quả của Hiệp định
• Quân đội Nhân dân Việt Nam, lực lượng vừa giành được thắng lợi quan trọng tại chiến dịch Điện Biên Phủ, tập kết về miền Bắc.
• Lực lượng Quốc gia Việt Nam, theo quân đội Pháp tập kết về miền Nam. Trên 1 triệu người dân từ miền Bắc được sự trợ giúp cũng như ảnh hưởng tuyên truyền của Mỹ đã di cư vào Nam (trong đó có khoảng 800.000 người Công giáo, chiếm khoảng 2/3 số người Công giáo ở miền Bắc), và 140.000 người từ miền Nam (phần lớn là lực lượng kháng chiến của Việt Minh) tập kết ra Bắc[14].



Những người di cư bằng thuyền năm 1954 từ miền Bắc
• Quân đội Pháp dần dần rút khỏi miền Nam trong 2 năm và trao quyền lực cho chính quyền Quốc gia Việt Nam.
Năm 1956, Việt Nam Cộng hòa được thành lập trên cơ sở Quốc gia Việt Nam. Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm tuyên bố: "Chúng tôi không từ chối nguyên tắc tuyển cử tự do để thống nhất đất nước một cách hoà bình và dân chủ" nhưng "nghi ngờ về việc có thể bảo đảm những điều kiện của cuộc bầu cử tự do ở miền Bắc".[15] Trước đó, năm 1945, ngay sau khi thành lập, Chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do những người cộng sản lãnh đạo đã ra các sắc lệnh giải tán một số đảng phái khác[16], cho phép Ty Liêm phóng có thể bắt các phần tử bị quy là nguy hiểm cho nền độc lập của Việt Nam đưa đi an trí [17] đồng thời thành lập các toà án quân sự xử những thành phần trên[18] khiến nhiều đảng phái không thể tham gia vào cuộc bầu cử Quốc hội Việt Nam khóa I (6/1/1946). Các đảng phái này cho rằng trúng cử chỉ là Việt Minh cộng sản... chính quyền trong tay nên Việt Minh muốn ai trúng cũng được.[19] Nhưng bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp thì cho rằng: "...chúng (chỉ các đảng không ra bầu cử như Việt Quốc, Việt Cách) càng biết rõ một cuộc tuyển cử công bằng sẽ không mang lại gì cho chúng.[20]. Trên thực tế, các đảng này còn phát động tẩy chay bầu cử, ví dụ như Việt Nam Quốc dân Đảng mang tiểu liên đến Ngũ Xã ngăn không cho đặt hòm phiếu, cấm người dân treo cờ.[21] Việt Quốc, Việt Cách thậm chí bắt cóc, giết những ứng cử viên, đảng viên, cán bộ Việt Minh (tiêu biểu là Trần Đình Long[22]) hay thủ tiêu những người cùng tổ chức có cảm tình với Chính phủ.[23]
Mỹ không công nhận kết quả Hiệp định Genève tuy nhiên vẫn tuyên bố ủng hộ nền hòa bình tại Việt Nam và thúc đẩy sự thống nhất hai miền Nam Bắc Việt Nam bằng các cuộc bầu cử tự do dưới sự giám sát của Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Eisenhower tin rằng khoảng 80% dân số Việt Nam sẽ bầu cho Hồ Chí Minh nếu cuộc tổng tuyển cử được thi hành. [24], do đó Mỹ thực tế lại ủng hộ việc Việt Nam Cộng Hòa từ chối tổ chức Tổng tuyển cử tự do thống nhất Việt Nam.[cần dẫn nguồn] Cuộc tổng tuyển cử tự do cho việc thống nhất Việt Nam đã không bao giờ được tổ chức.
Mỹ từ lâu đã coi miền Nam Việt Nam là địa bàn quan trọng trong chiến lược chống sự lan rộng của chủ nghĩa cộng sản tại Đông Nam Á và đã viện trợ tích cực cho Pháp chống lại Việt Minh. Sau khi Pháp thất bại, Mỹ đẩy mạnh các hoạt động tại Việt Nam, chuẩn bị cho những bước can thiệp sâu hơn. Năm 1954, đội bán quân sự của Mỹ do Edward Lansdale, người của CIA và đã làm cố vấn cho Pháp tại Việt Nam từ 1953, chỉ huy đã thực hiện các hoạt động tuyên truyền tâm lý chiến để kêu gọi và vận động dân chúng miền Bắc di cư vào Nam[25]; giúp huấn luyện sỹ quan Việt Nam tại các căn cứ quân sự Mỹ ở Thái Bình Dương; huấn luyện các lực lượng vũ trang của Quốc gia Việt Nam (sau là Việt Nam Cộng hòa); xây dựng các cơ sở hạ tầng phục vụ quân sự tại Philippines; bí mật đưa một lượng lớn vũ khí và thiết bị quân sự vào Việt Nam; giúp đỡ phát triển các kế hoạch "bình định Việt Minh và các vùng chống đối"[26]. (Xem chi tiết tại Quá trình can thiệp của Mỹ vào chiến tranh Việt Nam)
Trong khi chính phủ Việt Nam Cộng hòa từ chối hiệp thương tổng tuyển cử tự do, đồng thời ra sức củng cố quyền lực, đàn áp khốc liệt những người cộng sản trung thành còn lại ở miền Nam bằng những chiến dịch "tố cộng"-"diệt cộng", thì Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn chuẩn bị cho tổng tuyển cử và cố gắng theo đuổi các giải pháp hòa bình.[27].
Nghị quyết tháng 3 năm 1955 của Ủy ban Trung ương Đảng Lao động chính thức tuyên bố chính sách đặt ưu tiên cao nhất cho việc xây dựng miền Bắc trong khi sử dụng ngoại giao để kêu gọi một giải pháp hòa bình cho miền Nam.[28] Hà Nội tìm kiếm hỗ trợ quốc tế, kêu gọi các đồng chủ tịch hội nghị Genève, nhắc nhở Pháp về trách nhiệm đối với việc thống nhất hai miền Việt Nam thông qua Tổng tuyển cử tự do theo đúng tinh thần của Bản Tuyên bố cuối cùng tại Hội nghị Genève. Tháng 7 năm 1956, sau khi yêu cầu đàm phán không được chính quyền Ngô Đình Diệm trả lời, Hà Nội yêu cầu các đồng chủ tịch hội nghị Genève tổ chức một cuộc hội nghị mới, yêu cầu này lại được lặp lại vào tháng 8. Các yêu cầu đàm phán với chính phủ Ngô Đình Diệm tiếp tục được gửi vào tháng 6 và tháng 7 năm 1957, tháng 3 và tháng 12 năm 1958, tháng 7 năm 1959, và tháng 7 năm 1960, nhưng đều bị từ chối.
Trong khi tiến trình yêu cầu và từ chối đàm phán vẫn tiếp diễn, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa còn cố tái lập quan hệ thương mại giữa 2 miền[29], để giúp "nhân dân hai vùng trao đổi kinh tế, văn hóa và xã hội, nhằm tạo thuận lợi cho việc khôi phục cuộc sống bình thường của người dân." Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ tám (khoá II) dự kiến: "Muốn thống nhất nước nhà bằng phương pháp hoà bình, cần phải tiến hành thống nhất từng bước; từ chỗ tạm thời chia làm hai miền tiến đến chỗ thống nhất chưa hoàn toàn, từ chỗ thống nhất chưa hoàn toàn sẽ tiến đến chỗ thống nhất hoàn toàn." Nhưng cũng như vấn đề bầu cử, chính quyền Việt Nam Cộng hòa thậm chí còn từ chối cả việc thảo luận.
Lo ngại trước việc những người Việt Minh hoạt động bí mật tại miền Nam tiến hành hoạt động tuyên truyền và tổ chức quần chúng đấu tranh chính trị, chính phủ Việt Nam Cộng hoà mở Chiến dịch "tố cộng, diệt cộng" từ mùa hè năm 1955. Chiến dịch này đã gây thiệt hại lớn cho Việt Minh tại miền Nam, hàng nghìn người bị bắt, bị giết, số còn lại phải chạy về các vùng chiến khu chống Pháp cũ để sống sót. Việt Minh đáp trả bằng cách ám sát các viên chức chính phủ và dùng lực lượng vũ trang quy mô đại đội hoặc tiểu đoàn tấn công vào quân đội Việt Nam Cộng hoà. Đến cuối năm 1959, Việt Minh ở miền Nam đã thay đổi từ phương thức đấu tranh chính trị với sự hỗ trợ của đấu tranh vũ trang sang đấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị. Cũng trong năm 1959, đoàn cán bộ đầu tiên của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà bí mật vượt Trường Sơn vào chi viện cho miền Nam.[cần dẫn nguồn]
Tháng 9 năm 1960, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 3 của Đảng Lao Động Việt Nam quyết định cho chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chính thức ủng hộ các hoạt động đấu tranh vũ trang và chính trị của những người Cộng sản miền Nam[30]. Năm 1960 trở thành một năm có biến động lớn, mở ra một giai đoạn mới của Chiến tranh Việt Nam.[cần dẫn nguồn]
Chú thích
1. ^ http://vovnews.vn/Home/Giao-luu-truc-tuyen-voi-Dai-ta-Ha-Van-Lau-va-ong-Le-Danh/20069/42212.vov
2. ^ Lịch Sử Việt Nam: Từ Bảo Đại Hồi 2 Tới Ngô Đình Diệm
3. ^ Hiệp định Genève 20-7-1954
4. ^ Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 về Đông Dương
5. ^ Tuyên bố của Mỹ tại Hội nghị Genève 1954 (bản tiếng Anh)
6. ^ Francois Joyaux, Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ I, Nhà xuất bản Thông tin lý luận, năm 1981, trang 299,306
7. ^ Washington had indicated at Geneva that "it would view any renewal of the aggression in violation of [the agreement] with grave concern and as seriously threatening international peace and security". Nguồn: Duiker, William, Ho Chi Minh - A Life, Hyperion, 2000, tr. 470
8. ^ Bernard B. Fall, The Two Vietnams: A Political and Military Analysis (New York: Praeger, 1964) . Theo Fall thì phái đoàn Quốc gia Việt Nam không có quyền tham gia ký do lực lượng quân sự của chính quyền này quá nhỏ
9. ^ GENEVA AGREEMENT ON THE CESSATION OF HOSTILITIES IN VIET-NAM, JULY 20, 1954
10. ^ http://chinhphu.vn/cttdtcp/vi/cpchxhcnvn/cpcacthoiky/1945_1954/07.html
11. ^ The Final Declaration of The Geneva Conference On Restoring Peace in Indochina, July 21, 1954
12. ^ Nguyễn Văn Lục. Lịch sử còn đó. Garden Grove, CA: Tân Văn, 2008. Trang 125.
13. ^ http://www.lichsuvietnam.vn/home.php?option=com_content&task=view&Itemid=33&id=386
14. ^ Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn, Flight from Indochina [1], tr. 80-81
15. ^ The Reunification of Vietnam, PRESIDENT NGO DINH DIEM'S BROADCAST DECLARATION ON THE GENEVA AGREEMENTS AND FREE ELECTIONS (July 16, 1955), page 24, Vietnam bulletin - a weekly publication of the Embassy of Vietnam in United States, Special issue No.16, Available online Trích: "Our policy is a policy for peace. But nothing will lead us astray of our goal, the unity of our country, a unity in freedom and not in slavery. Serving the cause of our nation, more than ever we will struggle for the reunification of our homeland. We do not reject the principle of free elections as peaceful and democratic means to achieve that unity. However, if elections constitute one of the bases of true democracy, they will be meaningful only on the condition that they be absolutely free. Now, faced with a regime of oppression as practiced by the Viet Minh, we remain skeptical concerning the possibility of fulfilling the conditions of free elections in the North." dịch là "Chính sách của chúng tôi là chính sách hoà bình. Nhưng không có gì có thể khiến chúng tôi đi chệch khỏi mục tiêu của chúng tôi là sự thống nhất đất nước, thống nhất trong tự do chứ không phải trong nô lệ. Vì dân tộc, chúng tôi sẽ đấu tranh hết sức mình cho sự thống nhất đất nước. Chúng tôi không từ chối nguyên tắc tuyển cử tự do để thống nhất đất nước một cách hoà bình và dân chủ. Tuy nhiên nếu những cuộc bầu cử tạo thành một trong những nền tảng cơ bản của nền dân chủ thật sự thì chúng chỉ có ý nghĩa với điều kiện chúng hoàn toàn tự do. Hiện nay, thực tế phải đối mặt với chế độ áp bức của Việt Minh, chúng tôi nghi ngờ về việc có thể bảo đảm những điều kiện của cuộc bầu cử tự do ở miền Bắc."
16. ^ Sắc lệnh số 8 ngày 5/9/1945, số 30 ngày 12/9/1945 của Chủ tịch Chính phủ
17. ^ Sắc lệnh số 33A ngày 13/9/1945
18. ^ Sắc lệnh số 33C ngày 13/9/1945,số 37 ngày 26/9/1945,số 40 ngày 29/9/1945,số 77C ngày 28/12/1945
19. ^ Mãi mãi ghi nhớ Quốc hội khoá I (17/05/2011)
20. ^ Võ Nguyên Giáp, Những năm tháng không thể nào quên", NXB Trẻ, lưu chiểu tháng 5 năm 2009, trang 99.
21. ^ Võ Nguyên Giáp, Những năm tháng không thể nào quên, NXB Trẻ, lưu chiểu tháng 5 năm 2009, trang 113.
22. ^ Theo báo Sự thật, số 14 (20-23/1/1946), thì những người bắt cóc Trần Đình Long mặc quần áo Tầu, nói tiếng Việt. Một ủy viên tuyên truyền UBND tỉnh Yên Bái tên Nguyễn Văn Phúc cũng đã bị bắt cóc, về sau người vợ của ông Phúc đến gặp Nguyễn Hải Thần, và được ông đưa đến gặp Vũ Hồng Khanh để xin thả chồng mình. Ông Vũ Hồng Khanh từ chối và nói buột miệng "Ngay đến ông Long gần đây tôi còn chưa cho thả nữa là".
23. ^ Võ Nguyên Giáp, Những năm tháng không thể nào quên", NXB Trẻ, lưu chiểu tháng 5 năm 2009, trang 103.
24. ^ Nguồn: Dwight D. Eisenhower, Mandate for Change, 1953-56 (Garden City, NY: Doubleday & Compnay, Inc., 1963), tr. 372 [2]
25. ^ Bernard B. Fall, The Two Vietnams (New York: Praeger, 1964) pp. 153-4
26. ^ Trích tại The CIA: A Forgotten History; All other actions: The Pentagon Papers, Document No. 15: 'Lansdale Team's Report on Covert Saigon Mission in '54 and '55,' pp. 53-66.
27. ^ Nghị quyết của Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 31 tháng 12 năm 1959 kéo dài nhiệm kỳ của các đại biểu miền Nam trong quốc hội, website Bộ Tư pháp, truy cập ngày 19 tháng 8 năm 2007
28. ^ Nguồn: Duiker, tr. 470-471
29. ^ Vietnam News Agency, 7 tháng 2 năm 1955
30. ^ Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 3 của Đảng Lao Động Việt Nam, phần Niên biểu toàn khoá Website Đảng cộng sản Việt Nam, truy cập ngày 6-9-2007
Liên kết ngoài
Tiếng Anh:
• Toàn văn hiệp định Genève 1954 Nguồn: U.S. Congress, Senate, Committee on Foreign Relations, 90th Congress, 1st Session, Background Information Relating to Southeast Asia and Vietnam (3d Revised Edition) (Washington, DC: U.S. Government Printing Office, tháng 7 năm 1967), pp. 50-62
• Negotiations and Vietnam: A Case Study of the 1954 Geneva Conference (Các thương thuyết và Việt Nam: Nghiên cứu tình huống của cuộc đàm phán Geneva năm 1954), Melvin Gurtov.
Tiếng Pháp:
• Toàn văn hiệp định Genève 1954
Tiếng Việt:
• Hiệp định Genève về Đông Dương 1954
• Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam 1954 ¡¡Link không hoạt động!!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét