Thứ Ba, 17 tháng 7, 2012

NGÔN TỪ VÀ HÀNH ĐỘNG



Nguyễn-Xuân Nghĩa

"Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài"

Xảo ngữ bầu cử và thực tế ngoại giao




* Ngoại trưởng Hoa Kỳ cùng Thủ tướng Thái Lan tại Hội nghị ASEAN *


Bài này sẽ từ bên trong nhìn lại Hoa Kỳ từ bên ngoài. Nhức đầu lắm!

Hôm Thứ Hai mùng chín, trong cái trớn của việc tái tranh cử, Tổng thống Barack Obama xém đoạt thêm một giải Nobel, về "Ngôn ngữ Nhiệm mầu", nếu thế giới có một giải thưởng như vậy.

Ông đề nghị triển hạn thêm một năm việc giảm thuế cho thành phần "trung lưu" - các hộ gia đình có lợi tức đồng niên 250 ngàn Mỹ kim trở xuống. Nhưng sẽ vĩnh viễn nâng mức thuế của người giàu hơn - chứ không cho hạ thuế như quy định trong hai đạo luật thuế vụ của vị tiền nhiệm vào các năm 2001 và 2003. Hai đạo luật này sẽ mạn hạn vào cuối năm nên sẽ chịu mức thuế cao hơn từ năm tới. Đây là một đề nghị có thể gây tranh luận với quan điểm của chính ông vào năm 2009: "điên sao mà tăng thuế giữa cơn suy trầm kinh tế"?

Nhưng chuyện ấy không là đề tài của bài viết.

Điều đáng nói là khi trình bày quan điểm của mình, ông Obama đả kích đối lập là "tin rằng thịnh vượng sẽ từ trên đỉnh (từ những người giàu nhất) tỏa xuống, cho nên nếu ta tiêu thêm nhiều ngàn tỷ khi hạ thuế cho những người Mỹ giàu nhất thì việc làm và đà tăng trưởng sẽ bằng cách nào đó bung ra".

Ngôn ngữ nhiệm mầu ở đây là một lý luận kinh tế được gán cho đảng Cộng Hoà, theo đó, thịnh vượng là hiện tượng "lọt sàng xuống nia", từ trên rỏ xuống, nghĩa là người giàu mà có cơ hội làm giàu hơn nữa thì người nghèo ở dưới sẽ được hưởng! Người viết chưa được thấy một kinh tế gia bình thường nào đưa ra một lý luận như vậy. Trừ phi là những nhà quản lý kinh tế Hà Nội, khi lý luận rằng sự lớn mạnh của các tập đoàn kinh tế nhà nước ở trên sẽ đem lại ơn ích cho mọi doanh nghiệp và người dân ở dưới.



Nói cho nôm na đơn giản, ông Obama đã khéo làm một phép quy chụp để tấn công đối lập. Đây chỉ là thủ thuật chính trị trong mùa bầu cử. Nhưng phép màu về chữ nghĩa nằm trong chữ "tiêu".

Tổng thống Mỹ cho là nếu không tăng thuế thì cũng tựa như tiêu mất tiền của ngân sách quốc gia. Trong hoàn cảnh bội chi ngân sách quá nặng hiện nay, người dân sẽ phẫn nộ khi nghe nói là ngân sách sẽ lại "tiêu" thêm nhiều ngàn tỷ. Quý độc giả có thấy sự uyên áo của ngôn ngữ tuyên truyền trong mùa bầu cử hay chăng? Nó cũng xuất sắc như khi Chính quyền Obama đề nghị gia tăng công chi – nghĩa là tiêu thêm công quỹ - nhưng gọi đó là "đầu tư".

Chúng ta sống trong một thế giới đảo điên khi mà nội dung của chữ nghĩa lại xoay ngược, hiện tượng người ta tưởng chỉ thấy trong thế giới cộng sản.

Khi người cộng sản nói đến "xây dựng xã hội chủ nghĩa" – và truyền thông quốc tế dịch lại thành một khái niệm lạc quan và tích cực (socialism building) - thì người dân ở trong cuộc hiểu rằng muốn xây thì phải xoá đã - và chuyện xây dựng đó báo hiệu "cải tạo". Toé máu và mất tiền.

Thế giới ngày nay hết nghe nói đến lý luận cộng sản, nhưng dường như hiện tượng ngoa ngụy chữ nghĩa vẫn còn mà cũng chẳng là độc quyền của nước Mỹ trong mùa tranh cử. Với cảm nghĩ bi quan đó, xin hãy lùi về một bước và nhìn lại Hoa Kỳ từ bên ngoài.

Cách hay nhất là theo dõi bước chân của Ngoại trưởng Hillary Clinton.


***


Hoàn toàn đứng ngoài cuộc tranh cử, Ngoại trưởng Clinton đã có một cuộc chạy băng đồng, từ mùng sáu đến 17 để thăm viếng tám quốc gia, tham dự gần một chục hội nghị quốc tế, chính thức phát biểu 40 lần chưa kể những cuộc đàm phán tay đôi với lãnh đạo của nhiều nước.

Chỉ theo dõi những sinh hoạt "toàn phương vị" này thì cũng đã là một việc toàn thời. Điều ấy mới cho thấy những đa đoan của nước Mỹ trước quá nhiều hồ sơ của thế giới mà cách ăn nói đảo điên trong mùa tranh cử không thể khoả lấp được.

Trước hết, hôm mùng sáu, Ngoại trưởng Clinton ghé Pháp không để nói chuyện về Liên hiệp Âu châu, đồng Euro hay Minh ước NATO. Mục tiêu là để vận động quốc tế cùng giải quyết vụ khủng hoảng Syria. Rời Paris, bà bay qua Nhật Bản dự hội nghị viện trợ cho A Phú Hãn, một hồ sơ còn chiến lược hơn cho Hoa Kỳ.

Tại Tokyo, bà Clinton tất nhiên đàm đạo với Thủ tướng Nhật về mâu thuẫn Nhật Hoa liên hệ đến đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu ngư đài và đòi là của mình. Địa điểm chiến lược đó do Hoa Kỳ quản lý từ sau Thế chiến II, đã trao trả lại cho Nhật từ năm 1971 và nay đang là đầu mối tranh chấp Nhật-Hoa khiến Tokyo phải triệu hồi đại sứ về để tham khảo ý kiến.

Tại đây, bà Clinton cũng lại đụng vào chuyện ngôn từ khi chỉnh lại cách gọi của Nhật về các phụ nữ Á châu bị cưỡng bách phục vụ nhu cầu sinh lý cho binh lính Nhật trong Thế chiến II. Nhật gọi họ là "úy an phụ" hay "phụ nữ giải khuây" comfort women, Ngoại trưởng Mỹ nói thẳng rằng phải gọi họ là "nô lệ tình dục", sex slaves. Phút nói thật tuyệt vời! Nhất là khi Hoa Kỳ đang sát cánh với đồng minh Nhật Bản về an ninh chiến lược ngoài Đông hải.

Rời Nhật Bản qua viếng thăm Cộng Hoà Mông Cổ hôm mùng tám, Ngoại trưởng Clinton đàm đạo với lãnh đạo Ulan Baatar và phát biểu về dân chủ cùng nữ quyền, một đề tài nhạy cảm cho bên kia biên giới, là Nội Mông của Trung Quốc. Xuống Hà Nội hôm sau, bà nói về an ninh và kinh tế, ca tụng sự hợp tác Mỹ-Việt trong một số hợp đồng đầu tư, nhưng cũng nhẹ nhàng nhắc đến nhân quyền và dân chủ. Nhẹ thôi....

Từ Việt Nam bà là Ngoại trưởng Mỹ đầu tiên đặt chân lên xứ Lào kể từ 57 năm nay, hôm sau qua tham dự năm hội nghị quốc tế tại Phnom Penh, kể cả hai hội nghị về hạ nguồn sông Mekong, và gặp gỡ lãnh đạo Cam Bốt. Trong ba ngày, Ngoại trưởng Clinton đã đạt một số thắng lợi với phụ nữ, nhưng Hoa Kỳ gặp thất bại với nhóm ASEAN, Hiệp hội 10 Quốc gia Đông Nam Á. Do áp lực hay sự mua chuộc của Bắc Kinh, Chính quyền Phnom Penh gạt hồ sơ an ninh ngoài biển Đông ra khỏi Thông cáo chung và mặc nhiên phá vỡ thế liên kết của các nước Đông Nam Á trong một trận tuyến hay diễn đàn tập thể đối diện với sức ép của Trung Quốc.

Biến cố này cho thấy một bài toán của Hoa Kỳ: sau khi đắn đo cân nhắc, nhiều nước Đông Nam Á có thể hòa giải với Trung Quốc hơn là hòa hợp với Mỹ.

Rời Đông Á về Trung Đông, Ngoại trưởng Mỹ tới Ai Cập làm nhiệm vụ hòa hợp hòa giải khác: đàm đạo với Tổng thống tân cử Mohamed Morsi thuộc lực lượng Huynh đệ Hồi giáo và với lãnh tụ thật của Ai Cập là Thống chế Mohamed Hussein Tantawi, chủ tịch Thượng hội đồng Quân lực. Đòn bẩy viện trợ của Hoa Kỳ có cân bằng được cái thế đối nghịch lồng trong đối thoại giữa hai thế lực này không? Câu hỏi đầy rắc rối mà ngôn từ không thể giải quyết nổi.

Chỉ vì hôm sau, Ngoại trưởng Clinton phải bay vào mắt bão là xứ Israel. Hồ sơ nổi cộm tại đây là mối nguy Iran. Bên cạnh còn có mâu thuẫn giữa Israel với Chính quyền Palestine. Đúng lúc đó, một pháo hạm của Hoa Kỳ đã nổ súng ngoài khơi Dubai vì e ngại một vụ tấn công của quân khủng bố, như đã xảy ra cho Chiến hạm Cole ngoài khơi Yemen vào năm 2001....


***


Tổng kết lại, hơn 10 ngày công du của Ngoại trưởng Hillary Clinton đã đề cập tới một chục đề mục: Syria, A Phú Hãn, dân chủ, nữ quyền, đối thoại với Trung Quốc, hợp tác với Nhật Bản, an ninh Đông Á, đoàn kết ASEAN, hòa giải tại Ai Cập, gián chỉ Iran, trấn an Israel, ổn định Trung Đông và bảo vệ quyền lợi Hoa Kỳ trong một khu vực chiến lược. Chuyến đi được Bắc Kinh suy diễn như một nỗ lực liên kết của Mỹ để bao vây Trung Quốc. Nào chỉ có vậy!

Trong khi ấy, đề mục nóng nhất tại Hoa Kỳ vẫn là chuyện bầu cử và nghệ thuật ngôn ngữ để tranh thủ cử tri. Truyền thông chúng ta có quyền chọn, xem đề mục nào mới là ưu tiên....

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét