Thứ Năm, 24 tháng 9, 2015

Đức Thánh Cha phát biểu tại Quốc Hội lưỡng viện Hoa Kỳ.



Đức Thánh Cha phát biểu tại Quốc Hội lưỡng viện Hoa Kỳ.

WASHINGTON. Trong bài phát biểu tại quốc hội Hoa kỳ sáng ngày 24-9-2015, ĐTC Phanxicô kêu gọi đương đầu với hình thức cực đoan, gia tăng sự cộng tác với nhau, chống nạn buôn bán võ khí, bài trừ nghèo đói và hỗ trợ gia đình.
Sáng thứ năm 24-9-2015, ĐTC đã dâng thánh lễ tại nhà nguyện tòa Sứ thần Tòa Thánh ở thủ đô Washington với sự tham dự của các cộng tác viên tại trụ sở này, trước khi đến Quốc hội Mỹ để viếng thăm từ lúc gần 9 giờ rưỡi. Đây là lần đầu tiên một vị Giáo Hoàng được mời lên tiếng tại Quốc hội lưỡng viện Hoa Kỳ gồm 435 hạ nghị sĩ và 100 thượng nghị sĩ.
Đến nơi, ĐTC đã hội kiến riêng với Ông Joe Boehner, chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ. Ông là một tín hữu Công Giáo dấn thân, liên tục được bầu làm đại biểu quốc hội thuộc đảng cộng hòa và từ 4 năm nay, ông làm chủ tịch Hạ viện Mỹ.
Hiện diện trong buổi đón tiếp ĐTC tại quốc hội lưỡng viện cũng có phó tổng thống Joe Biden, niên trưởng ngoại giao đoàn, ngoại trưởng, lãnh tụ phe đối lập cũng như các thẩm phán tối cao pháp viện Hoa Kỳ.
ĐTC đã được các vị chủ tịch và đại biểu quốc hội tiếp đón long trọng và nồng nhiệt và mời ngài lên tiếng.

Diễn văn của ĐTC


Trong diễn văn bằng tiếng Anh tại quốc hội Mỹ, sau khi nhắc đến ơn gọi và sứ mạng cao quí của các nhà lập pháp, ĐTC cho biết qua cuộc gặp gỡ tại quốc hội này, ngài muốn đối thoại với toàn dân Hoa Kỳ, với bao nhiêu người dân đang cần cù làm việc, với những người già và người trẻ. Ngài đặc biệt nhắc đến 4 người Mỹ nổi tiếng: Abraham Lincoln, Martin Luther King, bà Dorothy Day và cha Thomas Merton, và rút ra từ cuộc sống và hoạt động của 4 nhân vật ấy những ý tưởng có thể hướng dẫn hoạt động của chúng ta ngày nay.
- Trước tiên là Tổng thống Abraham Lincoln, năm nay là kỷ niệm 150 năm ông bị ám sát. Cố Tổng thống là người giữ gìn tự do, đã không ngừng làm việc để ”quốc gia này, với sự bảo vệ của Thiên Chúa, có thể có một nền tự do mới được nảy sinh”. Xây dựng một tương lai tự do đòi phải có lòng yêu mến công ích và sự cộng tác với một tinh thần phụ đới và liên đới”.
Tình trạng đáng lo âu của thế giới
ĐTC nhắc đến tình trạng đáng lo âu về xã hội và chính trị trên thế giới ngày nay, và nhận định rằng:
”Thế giới chúng ta ngày càng trở thành một nơi diễn ra các cuộc xung đột bạo lực, oán ghét và tàn bạo dữ tợn, người ta phạm chúng, thậm chí nhân danh các Thiên Chúa và tôn giáo. Chúng ta biết rằng không một tôn giáo nào tránh thoát hết những hình thức lừa đảo cá nhân hoặc cực đoan ý thức hệ. Điều này có nghĩa là chúng ta phải đặc biệt chú ý đến mọi hình thức cực đoan, về mặt tôn giáo cũng như các loại khác. Cần có một sự quân bình tế nhị để bài trừ bạo lực người ta phạm nhân danh một tôn giáo, một ý thức hệ hoặc một chế độ kinh tế, đồng thời bảo tồn tự do tôn giáo, tự do trí thực và các tự do cá nhân. Nhưng có một cám dỗ khác chúng ta phải đề phòng: đó là thái độ giản lược thái quá, chỉ thấy thiện hoặc ác, hoặc những người công chính và kẻ tội lỗi. Thế giới hiện nay, với những vết thương mở rộng, liên hệ tới bao nhiêu anh chị em chúng ta, đang đòi chúng ta phải đương đầu với mọi hình thức cực hóa, nó có thể chia thế giới thành 2 phe. Chúng ta biết rằng trong khi cố gắng giải thoát khỏi kẻ thù bên ngoài, chúng ta có thể bị cám dỗ nuôi dưỡng kẻ thù bên trong. Bắt chước oán thù và bạo lực của những kẻ bạo chúa và những kẻ sát nhân, đó là cách thức tốt nhất để chiếm chỗ của chúng. Đó là điều mà quí vị, trong tư cách là một dân tộc, từ khước không chấp nhận”.

Trái lại, câu trả lời của chúng ta phải là một câu trả lời hy vọng và chữa lành, hòa bình và công chính. Chúng ta được yêu cầu kêu gọi lòng can đảm và trí thông minh để giải quyết nhiều cuộc khủng hoảng kinh tế và địa lý chính trị ngày nay...
Canh tân tinh thần cộng tác
ĐTC cũng nhấn mạnh rằng những thách đố mà chúng ta đang đương đầu ngày nay đòi phải canh tân tinh thần cộng tác, vốn đã mang lại bao nhiêu điều tốt lành trong lịch sử Hoa Kỳ. Sự phức tạp, trầm trọng và cấp thiết của những thách đố ấy đòi chúng ta phải sử dụng tài lực của chúng ta, và quyết định nâng đỡ nhau, trong niềm tôn trọng những khác biệt và những xác tín lương tâm của chúng ta”.
”Tại đất nước này, những tôn giáo khác nhau đã góp phần rất lớn vào việc xây dựng và củng cố xã hội. Điều quan trọng là ngày nay cũng như trong quá khứ, tiếng nói của tín ngưỡng phải được tiếp tục lắng nghe, vì đó là một tiếng nói huynh đệ và yêu thương, tìm cách làm nổi bật những gì tốt đẹp nhất trong mỗi người và trong mỗi xã hội. Sự cộng tác ấy là một nguồn lực mạnh mẽ trong trận chiến loại bỏ những hình thức mới của nạn nô lệ trên thế giới, nảy sinh từ những bất công mà ta chỉ có thể khắc phục nhờ những chính sách mới và những hình thức đồng thuận mới trong xã hội.”
Quảng đại với người di dân
ĐTC nhắc đến Mục sư Martin Luther King, cách đây 50 năm đã hướng dẫn chiến dịch đạt tới giấc mơ đầy đủ dân quyền và chính quyền cho người Mỹ gốc Phi châu. Ngài nói: ”Giấc mơ ấy tiếp tục gợi hứng cho chúng ta. Tôi vui mừng vì Nước Mỹ tiếp tục là đất ”mơ” cho nhiều người. Những giấc mơ dẫn đến hành động, tham gia, dấn thân. Những giấc mơ thức tỉnh những gì sâu thẳm nhất và chân thực nhất trong đời sống con người”.
Từ ý tưởng trên đây, ĐTC đề cập thảm trạng người di dân và tị nạn, một vấn đề lớn đối với thế giới và cả nước Mỹ. Ngài nói:
”Thế giới chúng ta ngày nay đang đương đầu với một cuộc khủng hoảng tị nạn chưa từng có kể từ sau thế chiến thứ 2. Thực tại này đặt chúng ta trước những thách đố lớn và những quyết định cam go. Cả tại đại lục này hàng ngàn người bị thúc đẩy tiến về phương bắc để tìm kiếm những cơ may tốt đẹp hơn. Chúng ta đừng để mình bị kinh hãi vì con số của họ, nhưng hãy nhìn họ như những con người, nhìn khuôn mặt và lắng nghe lịch sử của họ, cố gắng làm những gì tốt đẹp có thể đáp ứng tìnht rạng cảu họ. Đáp lại một cách ngày càng nhân bản, công chính và huynh đệ hơn. Chúng ta phải tránh cám dỗ chung ngày nay, đó là gạt bỏ bất kỳ ai tỏ ra là người gây vấn đề. Chúng ta hãy nhớ khuôn vàng thước ngọc: 'Hãy làm cho tha nhân điều bạn muốn người khác làm cho bạn” (Mt 7,12).

Kêu gọi bãi bỏ án tử hình
Tiếp tục bài diễn văn trước quốc hội Mỹ, ĐTC đề cập đến vấn đề án tử hình và ngay từ đầu sứ vụ, ngài đã hỗ trợ trên nhiều bình diện sự bãi bỏ án tử hình trên thế giới. Ngài nói: ”Tôi xác tín đó là con đường tốt đẹp, xét vì mỗi sự sống là thánh tiên, mỗi người có phẩm giá bất khả nhượng, và xã hội có thể được hưởng lợi nhờ sự phục hồi những người đã bị kết án vị tội ác”.
”Mới đây, các anh em GM của tôi ở Mỹ đã tái kêu gọi bãi bỏ án tử hình. Không những tôi hỗ trợ các GM nhưng còn hỗ trợ tất cả những người xác tín hữu một sự trừng phảt chính đáng và cần thiết không bao giờ được tránh né chiều kích hy vọng và mục tiêu phục hồi”.
Quan tâm nâng đỡ người nghèo
- Người Mỹ thứ 3 được ĐTC nhắc đến là Nữ tôi tớ Chúa Dorothy Day đã thành lập phong trào công nhân Công giáo. Sự dấn thân xã hội, lòng hay say của bà đối với công bằng và chính nghĩa của những người bị áp bức, đã lấy hứng từ Phúc Âm, từ niềm tin của bà và gương của các thánh.
Trong ý hướng đó, ĐTC khích lệ các đại biểu quốc hội Mỹ đừng quên tất cả những người nghèo quanh chúng ta. Ngài nói: ”Chúng ta cũng cần mang lại hy vọng cho họ. Cuộc chiến chống nghèo đói phải liên lỷ được thực thi trong nhiều mặt trận, nhất là nhắm giải quyết tận gốc rễ, những nguyên nhân gây ra nghèo đói. Tôi biết nhiều người Mỹ ngày nay cũng như trong quá khứ, đang làm việc để đương đầu với vấn đề này”.

ĐTC gợi đến điều ngài đã nói trong thông điệp ”Laudato sì”, là ”cần phải can đảm đối hướng đi, tránh những hậu quả nghiêm trọng nhất do sự suy thoái môi trường, vì những hoạt động con người gây ra. Tôi xác tín rằng chúng ta có thể tạo ra sự khác biệt và tôi chắc chắn Hoa Kỳ, và quốc hội đây, có một vai trò quan trọng cần thi hành. Đây là lúc cần có những hoạt động can đảm và những chiến lược nhắm thực thi một nền văn hóa chăm sóc, một lối tiếp cận toàn diện để bài trừ nghèo đói, để trả lại phẩm giá cho những người bị gạt bỏ, và đồng thời chăm sóc thiên nhiên.”

Đối thoại và cộng tác
- Sau cùng, ĐTC nói đến cha Thomas Merton dòng Xitô Trappist ở Mỹ tiếp tục là một nguồn hứng tinh thần và là một nhà hướng dẫn cho nhiều người. Cha là người cầu nguyện, một tư tưởng gia và đã mở ra nhiều chân trời mới cho các linh hồn và Giáo Hội. Cha cũng là người đối thoại và thăng tiến hòa bình giữa các dân tộc và tôn giáo.
Trong viễn tượng đó, ĐTC cổ võ các nhà chính trị hãy có can đảm đối thoại, để ý đến quyền lợi của mọi người, phục vụ đối thoại và hòa bình. Điều này cũng đòi chúng ta phải tự hỏi: tại sao những võ khí gây chết chóc được bán cho những kẻ đề ra kế hoạch gây những đau khổ khôn tả cho con người và xã hội. Rất tiếc là, như chúng ta biết, câu trả lời chỉ là tiền bạc, tiền bạc đẫm máu và thường là máu người vô tội. Đứng trước sự im lặng ô nhục và tội lỗi ấy, chúng ta có nhiệm vụ phải đương đầu với vấn đề này và chặn đứng nạn buôn bán võ khí”.
Sau cùng, ĐTC nhắc đến đại hội các gia đình Công Giáo và Philadelphia và kêu gọi quốc hội Mỹ luôn quan tâm, nâng đỡ gia đình. Tương lai của những người trẻ, các thành phần gia đình, cũng là tương lai của chúng ta.
ĐTC đã được vỗ tay rất nhiều lần trong bài diễn văn tại quốc hội.
G. Trần Đức Anh OP

Hơn 25 ngàn người đã tham dự thánh lễ Đức Thánh Cha chủ sự lễ Phong thánh ở Mỹ
Thứ sáu - 25/09/2015 08:40

Hơn 25 ngàn người đã tham dự thánh lễ Đức Thánh Cha chủ sự lễ Phong thánh ở Mỹ
25 ngàn người đã tham dự thánh lễ ĐTC chủ sự chiều ngày 23-9-2015 tại thủ đô Washington để tôn phong chân phước Junipero Serra, vị tông đồ miền California, lên bậc hiển thánh.


WASHINGTON. 25 ngàn người đã tham dự thánh lễ ĐTC chủ sự chiều ngày 23-9-2015 tại thủ đô Washington để tôn phong chân phước Junipero Serra, vị tông đồ miền California, lên bậc hiển thánh.

Thánh lễ lúc quá 4 giờ chiều tại Đền thánh quốc gia Đức Mẹ Vô Nhiễm ở thủ đô Washington, cách tòa Sứ thần hơn 7 cây số.

 Vương cung thánh đường này thật nguy nga, được khởi công xây cất từ năm 1920 để dâng kính Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội, bổn mạng của Giáo Hội Công Giáo tại Hoa Kỳ. Vì cuộc khủng hoảng kinh tế, rồi chiến tranh, nên việc xây cất thánh đường bị ngưng lại trong 34 năm trời, và chỉ được mở lại từ Năm Thánh Mẫu 1954, rồi được khánh thành 5 năm sau đó, ngày 20-11 năm 1959. Thánh đường này lớn nhất tại Mỹ, và thuộc vào số 10 nhà thờ lớn nhất thế giới, dài 140 mét, rộng 73 mét, và chiều cao của tháp là 100 mét. Mỗi năm có 1 triệu người kính viếng, được xây theo kiểu Byzantine-Roman, trong đó có 70 nguyện đường, đặc biệt cũng có một nhà nguyện dâng kính Đức Mẹ Lavang của Việt Nam. Khi đến đây, ĐTC đã vào bên trong

 Lễ Phong thánh do ĐTC cử hành bắt đầu lúc 4 giờ 15 phút chiều giờ địa phương, cùng với 350 GM Hoa Kỳ và đông đảo các LM. 25 ngàn tín hữu được vé tham dự, đã hiện diện trong thánh lễ ngoài trời trước Vương cung Thánh đường, trong đó có phó tổng thống Joe Biden, một tín hữu Công Giáo. Đây là lễ phong hiển thánh đầu tiên được cử hành tại Hoa Kỳ.

 Nghi thức tôn phong diễn ra vào đầu thánh lễ với phần đọc vắn tắt tiểu sử thánh Junipero Serra do vị thỉnh nguyện viên tuyên đọc.

 Tiểu sử cha Junipero Serra

 Cha Junipero Serra sinh cách đây hơn 300 năm, ngày 24-11 năm 1713 tại đảo Majorca bên Tây Ban Nha, gia nhập dòng Phanxicô năm lên 17 tuổi (1730), làm giáo sư triết học trước khi thụ phong linh mục. Sau đó ngài đậu tiến sĩ thần học tại Đại học Lullian ở Palma, sang Mêhicô hoạt động truyền giáo ở San Fernando, Mêhicô năm 1749 khi được 36 tuổi. Cha rất hăng say hoạt động truyền giáo, nhiều lần làm bề trên ở các cứ điểm truyền giáo của dòng ở Mêhicô trong 8 năm trời trong một vùng cách thủ đô Mêhicô khoảng 160 cây số về hướng bắc, gọi là Sierra Gorda, nơi các thổ dân Pame. Sau đó ngài hoạt động trong 8 năm trời nữa tại trụ sở của các cha dòng Phanxicô ở thủ đô Mêhicô.

 Sau khi các cha dòng Tên bị trục xuất khỏi vùng Tân Tây Ban Nha, năm 1767, Cha Serra được bổ nhiệm làm bề trên một nhóm 15 tu sĩ Phanxicô đến truyền giáo cho các thổ dân ở miền hạ California. Khoảng 2 năm sau đó, cha tiến về miền thượng California. Cha lần lượt thành lập 21 cứ điểm truyền giáo cho các thổ dân, nhiều người trở lại đạo.

 Ngoài lòng can đảm ngoại thường, cha Serra còn nội bật về lòng nhiệt thành, hãm mình và từ bỏ, tuyệt đối tín thác nơi Chúa.

 Trong 3 năm cuối đời, cha Serra còn viếng thăm các cứ điểm truyền giáo từ San Diego đến San Francisco, du hành hơn 900 cây số để ban phép thêm sức cho những tín hữu đã được rửa tội. Cha chịu đau khổ rất nhiều vì tình trạng sức khỏe suy yếu, chịu đựng những đau đớn mà không dùng thuốc giảm nào. Cha ban phép thêm sức cho 5.309 người, phần lớn là các thổ dân trở lại.

 Ngày 28-8 năm 1784, cha Serra qua đời lúc 70 tuổi vì bị rắn cắn tại cứ điểm truyền giáo Carmel, và cha được an táng dưới nền nhà thờ.

 Cũng như khi cha Serra được phong chân phước cách đây 27 năm, ngày 25-9 năm 1988, trong dịp phong hiển thánh cho cha Serra cũng có những người lên tiếng phê bình vì cho rằng ngài đã đàn áp, ngược đãi các thổ dân ở miền California và xóa bỏ văn hóa của họ. Thậm chí có người cáo buộc cha về tội diệt chủng, làm cho con số thổ dân bị giảm sút. Nhưng Tòa Thánh bấy giờ, cũng như ĐTC Phanxicô và nhiều vị lãnh đạo khác của Giáo Hội đã bác bỏ những lời phê bình ấy và đề cao sự quan tâm giúp đỡ của Cha Junipero Serra dành cho các thổ dân bản xứ, đồng thời nhấn mạnh rằng chúng ta không thể phán đoán mọi hành động trong thời kỳ ấy theo cách thức chúng ta suy nghĩ ngày nay. Thật là khó phán đoán con người và các biến cố quá khắ theo các tiêu chuẩn và qui tắc văn hóa ngày nay. Đó là một thực tại khác.

 Sau kinh cầu các thánh, ĐTC đã đọc công thức phong thánh: ngài lấy quyền tông đồ truyền ghi tên cha Junipero Serra vào sổ bộ các thánh của Giáo Hội. Rồi hài cốt của vị thánh mới được rước lên đặt gần bàn thờ.

 Bài giảng của ĐTC

 Trong bài giảng thánh lễ, ĐTC đi từ lời nhắn nhủ của thánh Phaolô tông đồ trong thư gửi các tín hữu thành Philiphê (4,4): ”Anh em hãy luôn vui mừng trong Chúa, tôi lập lại, anh em hãy luôn vui mừng”, và ngài mời gọi các tín hữu hãy vui mừng dấn thân loan báo Tin Vui cứu độ, không chấp nhận để thái độ cam chịu hướng dẫn cuộc sống, nhưng thực hiện các hoạt động truyền giáo, chia sẻ tình yêu thương và tỏ lòng từ bi đối với tha nhân, nhất với những người nghèo khổ nhất, như thánh Junipero Serra đã sống và đã làm. ĐTC đặt câu hỏi:

  ”Chúng ta không muốn để thái độ cam chịu làm động cơ cho đời sống chúng ta, có phải không? Chúng ta không muốn để tập quán chiếm hữu những ngày đời của chúng ta hay không? Vì thế chúng ta có thể tự hỏi: làm thế nào để con tim chúng ta không bị tê liệt? Làm thế nào đào sâu niềm vui của Tin Mừng trong những hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống chúng ta?

 Chúa Giêsu đã nói điều ấy với các môn đệ bấy giờ và Chúa còn nói với chúng ta ngày nay: Hãy con hãy ra đi! Hãy loan báo! Chúng ta chỉ cảm nghiệm niềm vui Tin Mừng, nhận biết và sống bằng cách cho đi, hiến thân mình.

 Tinh thần thế gian này mời gọi chúng ta xu thời, thoải mái, tiện nghi. Đứng trước tinh thần phàm nhân như thế, ”cần tái cảm thấy cần nhau, có trách nhiệm đối với nhau và thế giới” (Laudato sì 229). Trách nhiệm loan báo sứ điệp của Chúa Giêsu. Vì nguồn vui của chúng ta hệ tại ước muốn khôn cùng trao tặng lòng thương xót, thành quả của sự cảm nghiệm lòng từ bi vô biên của Chúa Cha và sức mạnh lan tràn của lòng từ bi này” (Ev. gaudium 24). .. Ngày hôm nay Chúa mời gọi chúng ta và nói với chúng ta:
 Niềm vui mà Kitô hữu cảm nghiệm trong việc truyền giáo: Các con hãy đi tới các dân tộc của mọi quốc gia:

 Niềm vui mà Kitô hữu tìm thấy trong một lời mời gọi: Các con hãy đi và loan báo.

 Niềm vui mà Kitô canh tân và thực hiện với một lời kêu gọi: các con hãy ra đi và xức dầu.

 ĐTC cũng nhấn mạnh sự kiện Chúa Giêsu đón nhận mọi cuộc sống, bất luận những người ngài gặp ở trong hoàn cảnh nào: đau khổ, đói, bệnh tật, tội lỗi, với những khuôn mặt mang thương thức, khát, mệt, với những khuôn mặt hồ nghi và đáng thương. Thay vì chờ đợi một cuộc sống được đánh bóng, trang điểm, Ngài đón nhận cuộc sống ấy như Ngài gặp. Dù đó là một cuộc sống nhiều khi đã bị hư hỏng, nhơ bẩn, tàn lụi.. Với tất cả Chúa Giêsu đã nói: Các con hãy đi và loan báo..

 ĐTC nhận xét rằng chúng ta là con cái sự can đảm truyền giáo của bao nhiêu người, thay vì muốn khép mình trong các cơ cấu mang lại một sự bảo vệ giả tạo, trong những tập quán qua đó chúng ta cảm thấy yên hàn, trong khi ở ngoài có nhiều người đói khát (Ev. gaud. 49). Chúng ta mắc nợ một truyền thống, một chuỗi các chứng nhân đã làm cho Tin Mừng tiếp tục được truyền đi từ đời này sang đời kia, Mới Mẻ và Tốt Lành.

 Nhắc đến lễ Phong thánh, ĐTC nói:  ”Và hôm nay, chúng ta nhớ đến một trong những chứng nhân ấy, đã biết làm chứng tại phần đất này niềm vui Tin Mừng: đó là cha Junipero Serra. Cha đã biết sống thế nào là ”Giáo Hội đi ra”, Giáo Hội này biết ra ngoài và đi trên các nẻo đường, để chia sẻ sự dịu dàng hòa giải của Thiên Chúa. Cha đã biết bỏ quê hương, phong tục của mình, đã có can đảm mở ra những con đường, đã biết đi gặp bao nhiêu người, học cách tôn trọng phong tục và đặc tính của họ.

 Cha đã học cách sinh ra và tháp tùng sự sống của Thiên Chúa nơi khuôn mặt của những người cha gặp, làm cho họ trở thành anh em. Cha Junipero đã tìm cách bênh vực phẩm giá của cộng đồng bản xứ, bảo vệ họ khỏi những người lạm dụng. Những lạm dụng ngày nay tiếp tục tạo ra bất mãn, nhất là vì đau khổ mà nó gây ra trong cuộc sống của bao nhiêu người.

 Cha Junipero đã chọn một khẩu hiệu soi sáng bước đi và hình thành cuộc sống của cha: biết nói, nhưng đặc biệt là biết sống bằng cách nói: ”Luôn luôn tiến về đằng trước”. Đó là cách thức cha Junipero đã tìm ra để sống niềm vui Phúc Âm, để con tim của mình không bị gây mê. Đó là một sự luôn luôn tiến bước vì Chúa đang chờ đợi; luôn tiến bước vì anh em đang đợi chờ; luôn luôn tiến bức vì tất cả những gì còn lại phải sống.. Vì thế, như cha Junipero, ngày hôm nay chúng ta cũng có thể nói: luôn luôn tiến bước”.

 Trong số 6 ý nguyện được xướng lên trong phần Lời nguyện giáo dân cũng có một ý nguyện bằng tiếng Việt.

 Thánh lễ kết thúc lúc 6 giờ rưỡi chiều giờ địa phương. Trước khi rời khu vực hành lễ, ĐTC còn đặc biệt chào thăm 20 đại diện của các cộng đoàn thổ dân bản xứ thuộc miền Calafornia, nơi thánh Junipero Serra đã truyền đạo. Họ mặc y phục cổ truyền của mỗi bộ tộc và đã tham dự thánh lễ trước đó. Rồi ngài đến Đại chủng viện Thánh Gioan Phaolô 2 chỉ cách đó 600 mét để chào thăm và khích lệ, chụp hình lưu niệm với 47 đại chủng sinh đang được huấn luyện tại đây. Ngài cũng khánh thành một bia kỷ niệm cuộc viếng thăm và ký tên vào sổ vàng.


G. Trần Đức Anh OP
Nguồn tin: Vatican

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét