Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2015

Volkswagen và tai Họa Âu Châu



Volkswagen và tai Họa Âu Châu
Hùng Tâm - Hồ Sơ Người Việt Ngày 150923

Con sâu làm rầu nồi canh… thiu?



 * Điêu tàn: cái xe lừng danh nhất của Volkswagen nằm ụ * 


Việc một doanh nghiệp gặp họa là chuyện thường tình. Nhưng doanh nghiệp ở đây là Volkswagen, hãng xe hơi đứng đầu thế giới, ngang ngửa với Toyota của Nhật. 


Volkswagen lại là doanh nghiệp của quốc gia dẫn đầu Âu Châu về sản lượng kinh tế. Mà Âu Châu đang gặp quá nhiều vấn đề, từ kinh tế tài chánh trong khối Euro đến di dân và người tỵ nạn. Mối họa của Volkswagen không chỉ làm cổ phiếu sụt giá hơn một phần ba, mất 24 tỷ Euro (hơn 26 tỷ Mỹ kim) từ đầu tuần và Tổng quản trị CEO là ông Martin Winterkorn phải từ chức sau khi nhận lỗi. Nó có thể gieo thêm tai họa cho kỹ nghệ xe hơi và cả kinh tế Âu Châu. Vì vậy, Hồ Sơ Người-Việt mới tìm hiểu chuyện này hầu quý độc giả.

Giải Thuật Ma Mãnh

Hãng Volkswagen bán khoảng 10 triệu xe một năm, trong đó có nhiều nhãn nổi tiếng toàn cầu và còn theo trào lưu bảo vệ môi sinh của thế giới để sản xuất loại xe chạy bằng dầu diesel có ưu điểm là ít gây ô nhiễm. Diesel là tên nhà khoa học người Đức đã phát minh ra máy diesel từ cuối Thế kỷ 19 có khả năng mồi lửa từ than và các loại dầu khác sau này.

Cái tội của Wolkswagen là từ năm 2009 đã cài một nhu liệu điện toán trong máy diesel, với chương trình “thuật toán” có thể biết khi nào chiếc xe được trắc nghiệm về lượng khí thải nitrous oxide thì tự động giảm độ thải theo một trình tự tinh vi (algorithm hay “giải thuật”) để đạt tiêu chuẩn về môi sinh của nhà chức trách. Nhờ ma thuật ấy, xe diesel của Wolkswagen được đánh giá là “sạch” mà thực tế lại thải ra một lượng khí độc cao gấp 40 lần mức pháp định. Tại Hoa Kỳ, một phần tư lượng xe của Volkswagen là dùng máy diesel.

Hai cơ quan Hoa Kỳ là EPA (Quản trị Môi sinh) và CARB (California Air Resources Board, do Thống đốc Ronald Reagan thành lập từ năm 1967 để kiểm soát khí thải) đã điều tra và phát giác sự gian lận này khiến 11 triệu xe diesel của Wolkswagen là loại xe “có vấn đề”. Hãng xe sẽ bị Chính quyền Hoa Kỳ trừng phạt 18 tỷ đô la, xe bị thu hồi trên toàn thế giới để ra soát và điều chỉnh. Wolkswagen có thể bị kiện trong một chuỗi hoạn nạn kéo dài.

Được thành lập từ năm 1937 với tên gọi là “xe của dân” (volk-s-wagen), Volkswagen trở thành biểu tượng của tính chất khả tín, đáng tin, của kỹ nghệ Đức, một quốc gia nổi tiếng là có kỷ luật và tôn trọng phép nước. Nhưng lần này thì chưa biết Volkswagen còn có thể tồn tại được không sau một trách nhiệm quá lớn là cố tình dùng siêu kỹ thuật để đánh lừa nhà chức trách và khách hàng.

Ngay lập tức, EPA của Hoa Kỳ đã mở cuộc điều tra đồng loạt xem các loại xe khác có tội gian trá này không. Bộ Tư Pháp Mỹ sẽ thụ lý hồ sơ gian lận vả đành rằng mọi xe hơi của Volkswagen dưới các hiệu khác nhau đều bị chiếu cố, nhưng lần lượt mọi chiếc xe của Đức, của Âu Châu và của các xứ khác đều có thể bị nghi ngờ. “Con sâu làm rầu nồi canh” là vậy.



Nồi Canh Đức


Kinh tế Đức dẫn đầu Âu Châu, là nền kinh tế có sản lượng thứ tư sau Mỹ, Tầu và Nhật, một năm sản xuất ra một lượng hàng hóa và dịch vụ trị giá hơn ba ngàn 400 tỷ đô la. Đức là đầu máy của kinh tế Âu Châu, nền kinh tế đang gặp quá nhiều hoạn nạn kể từ năm 2009, ngẫu nhiên cũng là từ khi Volkswagen dùng ma thuật để lường gạt khách hàng và nhà chức trách.

Kinh tế Đức lệ thuộc mạnh vào xuất cảng (tới 45% của Tổng sản lượng Nội địa GDP) và 17% lượng xuất cảng của Đức là xe hơi. Kỹ nghệ xe hơi chính là đầu máy của kinh tế Đức nên Chính quyền của bà Thủ tướng Angela Merkel lập tức bày tỏ mối quan tâm: người ta không chỉ kết án xe Volkswagen mà còn hoài nghi xe hơi Đức theo những tin đồn đang lan rộng. Làm sao khoanh vùng và cô lập loại xe có tội để cứu lấy các loại xe khác?

Kỹ nghệ xe hơi của Đức không chỉ có các đại tổ hợp nổi tiếng như Volkswagen (với các loại Audi, Bentley, Porsche, Lamborghini, v.v… trong tổ hợp), như Mercedes-Benz hay BMW, mà còn cả vạn doanh nghiệp loại trung bình và nhỏ nằm trong chu trình cung cấp cơ phận đang hoạt động tại lưu vực sông Rhine và nhiều nơi khác. Từ trên đầu xuống, tai nạn này sẽ gieo họa cho các cơ sở sản xuất khác của nước Đức. Nồi canh Đức sẽ bị khoắng đục ngầu vì con sâu Volkswagen.

Uy tín và danh dự của nước Đức cũng vậy.

Mà chuyện không chỉ có vậy. Nước Đức là trưởng tràng đang cố giải quyết vụ khủng hoảng về nợ nần của các nước ở miền Nam như Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và cả Ý Đại Lợi. Từ năm 2012, Đức vừa giải cứu vừa giáo dục các nước lâm nạn là sống quá lâu và quá cao so với thực lực kinh tế tài chánh và cứ trông cậy vào tín dụng của nước ngoài mà không tăng sức cạnh tranh nhờ các ngành có kỹ thuật cao hơn. Vụ Volkswagen gian lận lại làm khái niệm “cạnh tranh” trở thành điều mỉa mai và phương hại cho các giải pháp cứu vãn của nước Đức!

Tấm gương cần kiệm liêm chính và chi thu có chừng mực của nước Đức vừa bị nhiễm khói diesel và trở thành vấn đề chính trị cho cả Âu Châu.


Canh Bần Âu Châu


Các nước Âu Châu đã bị tê liệt vì vụ khủng hoảng trong khối Euro và đang bị thêm khủng hoảng vì di dân rồi nạn dân. Nhưng từ 12 tháng qua, tình hình đã chớm hy vọng nhờ dầu thô sụt giá và hối suất đồng Euro cũng giảm sau biện pháp bơm tiền (QE, quantitative easing) của Ngân hàng Trung ương Âu Châu ECB. Sức cạnh tranh của doanh nghiệp Âu Châu có cải thiện và xuất cảng đã tăng. Từ Tháng Bảy năm ngoái đến Tháng Bảy vừa qua, số xuất siêu của Âu Châu với các nước khác đã từ 21 tỷ Euro lên tới 31 tỷ (tương đương với 34 tỷ đô la).

Đấy là bức tranh màu hồng của Âu Châu.

Nhưng đấy là “tranh tối tranh sáng” vì tình hình khả quan ấy không xuất phát từ các nước miền Nam trong vùng Địa Trung Hải mà từ khả năng, và tấm gương, xuất cảng của nước Đức. Khi kỹ nghệ xe hơi của Đức bị xì bánh thì số “xuất siêu” của Âu Châu có thể là số ảo và nồi canh của Đức làm nồi canh Âu Châu là canh bần.

Nhưng sự thật Âu Châu lại còn bi đát hơn vậy.

Hệ thống chi thu ngân sách của Âu Châu thường xuyên có vấn đề là chi nhiều hơn thu và Đức là quốc gia kêu gọi táp lập kỷ cương và giảm chi để cân bàng ngân sách. Năm ngoái, hai nước Pháp-Ý lại viện dẫn ngoại lệ và vi phạm mà chẳng bị trách nhiệm gì. Nhu cầu khắc khổ và kiệm ước về kinh tế bị đả kích và dẫn tới trào lưu cực tả trên các chính trường Âu Châu. Là tiêu xài thả giàn.

Chẳng hạn như Chính quyền Ý của Thủ tướng Matteo Renzi vừa nói tới việc giảm thuế (tức là sẽ giảm thu) và du di mức bội chi ngân sách từ năm ngoái qua năm tới. Và Hội đồng Âu châu có vẻ như bất lực nên cũng đành chấp nhận giải pháp của Ý. Trong hoàn cảnh dở khóc dở cười như hiện nay, Chính quyền Đức rất khó nói về kỷ cương và trách nhiệm với nước Ý, nước Pháp, chưa kể chuyện hạn ngạch từng nước phải nhận khối nạn dân đang trông chờ ngoài ngõ….

Khi nhìn trên toàn cảnh, tức là phải lùi một chút, thì người ta mới thấy ra tai họa Volkswagen là một vấn đề “toàn Âu” mà có hiệu ứng toàn cầu.

Khối Euro được thành lập với kỳ vọng xuất cảng nhờ đầu máy của Đức. Sống nhờ xuất cảng thì cũng có nghĩa là sống nhờ sức nhập cảng hay số cầu của các nước khác. Các nước khác, như Hoa Kỳ, thì vẫn chưa khá và lại có bộ máy kiểm soát môi sinh quá nhạy! Nhật Bản cũng là một đại gia về xuất cảng và xe hơi Nhật làm các xe Âu Châu hay Đức phải dạt vào lề. Trung Quốc thì đang hạ cánh, v.v…. Thành thử số cầu cho các sản phẩm Âu Châu thật ra vẫn chưa mạnh và người ta đành trông chờ vào mũi nhọn là kỹ nghệ xe hơi của Đức.

Bây giờ, đầu máy diesel của Đức bị phất cờ và phải đậu trên lề. Giấc mơ xuất cảng của khối Euro vừa biến thành cơn ác mộng. Cho dù chuyện tai tiếng của Volkswagen có thể được khoanh vùng, là điều cực khó, có lẽ chúng ta đang chứng kiến một vụ khủng hoảng khác của nền văn minh Âu Châu.

___

Kết luận ở đây là gì?

Chẳng biết kỹ nghệ xe hơi Trung Quốc đã đánh cắp được bí kíp của Volkswagen hay chưa!  


Anh Vũ/RFI - Vụ Volskwagen: Phần mềm nhỏ gây hậu quả lớn
Thứ Năm, ngày 24 tháng 9 năm 2015

Tập đoàn chế tạo xe hơi Đức Volkswagen bị Mỹ cáo buộc gian lận về mức gây ô nhiễm.REUTERS/Stefan Wermuth
Cái tên Volkswagen, hãng xe có mặt khắp thế giới, niềm tự hào của ngành công nghiệp xe hơi cũng như cả nền kinh tế Đức, hôm nay xuất hiện kín trên các báo Pháp ra hôm nay, chỉ vì bị Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ phát giác gắn một phần mềm gian lận giám định thông số phát thải ô nhiễm.
Vụ việc đã thực sự gây lên một cơn địa chấn lớn trong ngành công nghiệp chế tạo xe hơi nói chung và sẽ để lại những hậu quả nghiệm trọng không chỉ về mặt kinh tế riêng cho Volkswagen.
Nhật báo kinh tế Les Echos chạy tựa lớn trang nhất : « Volkswagen, nước Đức trong cơn sốc ». Tờ báo ghi nhận : « Ngôi nhà Volkswagen đang bị cháy. Hãng xe thừa nhận đã lắp phần mềm đánh lừa kiểm tra phát thải ô nhiễm vào 11 triệu xe. Như thế cũng đủ gây nghi ngờ trên khắp châu Âu và các nhà chế tạo xe khác ».

Xã luận báo Le Monde chạy tựa « Volkswagen là một đòn đánh vào châu Âu ». Tờ báo đánh giá vụ bê bối này đã làm xấu đi hình ảnh của các nước châu Âu, luôn tự tin cho mình là những người đi đầu trong cuộc đấu tranh bảo vệ môi trường chống quá trình hâm nóng khí hậu toàn cầu, để dạy dỗ người khác. Le Monde cho rằng « vụ việc (Volkswagen) không còn là trường hợp cá biệt của nhà xản suất xe Đức. Chính vì thế mà vụ này không thể dung thứ được ».
Le Figaro chạy tựa lớn trang nhất : « Volkswagen : Đường xuống địa ngục ». Tờ báo cũng khẳng định vụ lắp phần mềm gian lận là một cuộc « khủng hoảng mang tầm mức lớn chưa từng có. Các cuộc điều tra được phát động khắp thế giới. Hãng Đức mất ngay 1/3 giá trị vốn trong vòng hai ngày ».
Le Figaro nhận định, chưa thể nói vụ việc sẽ còn dẫn đến hậu quả ra sao nhưng một công ty có quy mô và hình ảnh tỏa sáng khắp thế giới mà sẵn sàng gian lận phi lý đến như vậy thì quả thực là điều không thể tin nổi. Xã luận tờ báo nhấn thêm « không có gì có thể biện minh cho hành động như vậy của Volkswagen, dù đó là vì sự cạnh tranh khốc liệt giữa các hãng xe trên thế giới hay vì lợi nhuận ».
Theo Le Figaro thì « với việc gian lận thông số phát thải ô nhiễm, Volkswagen đang từ là một tập đoàn đầy tiếng tăm, làm ăn thịnh vượng bị đẩy đến bên bờ vực ». Trước tiên là trên phương diện tài chính với viễn ảnh hãng sẽ phải mất hàng chục tỷ euro để chữa cháy. Tiếp đó ở trên bình diện hình ảnh, chắc chắn cũng nghiêm trọng không kém.
Theo tờ báo, « người khổng lồ Đức đã xây dựng được danh tiếng về chất lượng và độ tin cậy của các mẫu xe của họ, giờ họ bị bắt quả tang là kẻ lừa dối trên thị trường vậy thì còn còn ai tin vào sản phẩm của họ nữa ? Và liệu người ta có dám chắc là không còn những gian dối khác ? Không ai biết nhưng rõ ràng là Volkswagen sẽ phải mất nhiều năm nữa mới hồi lại được sau cú này ».
Hậu quả vụ Volkswagen đang bắt đầu gây hiệu ứng vết dầu loang. Giá trị chứng khoán của hàng loạt các hãng xe lớn đều bị giảm mạnh trong ngày hôm qua. Tại Paris, cổ phiếu của PSA (Peugeot) mất 8,7%, Renault mất 7,1%. Tại Đức BMW mất 6%, trong khi Daimler mất 7%.... Kéo theo đó là hàng loạt các nhà sản xuất thiết bị phụ tùng cũng bị vạ lây.
Trong khi đó nhật báo Libération nhận thấy, sau vụ này, toàn bộ ngành công nghiệp xe hơi bị nghi ngờ đều lừa đảo. Tờ báo đặt câu hỏi : « Liệu Volkswagen có phải là nhà chế tạo xe duy nhất gian lận thông số phát thải ».
Libération cho biết, ngay sau vụ « Dieselgate » bung bét, Hàn Quốc, Đức, Hoa Kỳ và Ý đã thông báo mở điều tra trên toàn quốc. Tờ báo dẫn lời một chuyên gia về xe hơi nói : Vụ bê bối đã gây ngờ vực lên toàn bộ ngành công nghiệp xe hơi ... các cuộc điều tra sắp diễn ra là rất quan trọng để biết được liệu hiện tượng này chỉ dính đến một nhà xản xuất hay không ?
Hiện tại, theo Liberation thì người ta không có bằng chứng nào chính thức. Nhưng các chuyên gia quan sát thấy không chỉ có Volkswagen mà nhiều hãng xe khác cũng áp dụng những cách lẩn tránh kiểm tra chỉ số phát thải theo cách riêng của mình.
« Bí mật nhỏ » về phần mềm gian lận ?
Cũng nhân vụ gian lận đang được bàn tán nhiều này, trang kinh tế của le Figaro lộ vài chi tiết gọi là « bí mật nhỏ của phần mềm gian lận ».
Tác giả bài viết khẳng định : « Có một điều nghịch lý, nếu như Volkswagen đã đánh lừa quy định Mỹ về phát thải ô nhiễm, một phần là để làm hài lòng chính khách hàng của họ. Chính sự khắt khe trong chuẩn mực hạn chế cả việc tiêu thụ cũng như những phát thải gây ô nhiễm ». Đó là một thực tế ở Mỹ cũng như châu Âu. Một loại xe cứ tuân thủ chặt chẽ các tiêu chí kiểm định môi trường thì sẽ bán chậm và với phần mềm kiểu Volkswagen áp dụng thì chỉ số tiêu thụ của xe đó sẽ tăng.
Hệ thống này xử lý các ô-xít ni tơ (NO) , một chất gây ô nhiễm nhưng lại không thể thiếu trong hệ thống phun dầu động cơ diesel hoạt động. Nếu ăn gian chỉ số này thì sẽ có thể tăng lượng tiêu thụ xe từ 2% đến 5%.
Việc gian lận trong kiểm tra này lại quá đơn giản : Xe được đưa vào quy trình kiểm tra trong vòng 20 phút, trong thời gian đó xe được cho chạy với tốc độ 33km/g trên băng chuyền tại chỗ, tức là đi được quãng đường 11km. Tiếp theo sau, một chiếc túi gắn vào ống xả sẽ thu được những thành phần ô nhiễm để đem đi cân đong đo đếm. Các nhà chế tạo của Volkswagen chỉ việc thêm một dòng vào chương trình tính toán là có thể điều chỉnh lượng cấp nhiên liệu cho động cơ để chỉ số phát thải của xe giảm. Sau kiểm tra, động cơ lại được tự hiệu chỉnh về như cũ. Theo Les Echos, nếu chỉ đơn giản vậy thì sẽ là ngạc nhiên khi chỉ có Volkswagen là hãng duy nhất sử dụng cách làm này.
Tác giả bài viết kết luận, cần phải nhanh chóng có các biện pháp kiểm tra phù hợp với thực tế và không chỉ cho xe chạy diesel mà cả xe chạy xăng. Cách làm hiện nay chỉ là hình thức không hiệu quả. 
Thụy Điển : Trung tâm đón tiếp tị nạn, một nghề kinh doanh béo bở
Cuộc khủng hoảng di dân tị nạn vẫn thu hút các báo Pháp. Bên cạnh các bài viết thông tin về việc phân bổ 120 nghìn người tị nạn mà cho đến hôm qua các nước trong Liên hiệp châu Âu mới ấn định được chỉ tiêu cho các nước một cách gượng ép, trên nhật báo Le Monde có bài viết khá đặc biệt về chủ đề nóng này mang tiêu đề : Tại Thụy Điển, kinh doanh béo bở từ các trung tâm đón tiếp (người nhập cư). Le Monde cho biết, một cựu lãnh đạo một đảng phái chính trị, quay sang kinh doanh nhà ở cho những người chờ xin tị nạn, trong khi ông này từng là nhân vật chống nhập cư kịch liệt.
Nhân vật này tên là Bert Karlsson. Theo Le Monde, thì ở Thụy Điển không mấy ai mà không biết đến Bert Karlsson. Ông ta là một nhà sản xuất âm nhạc có tên tuổi lớn hàng đầu của Thụy Điển trong suốt ba chục năm. Đầu những năm 1990 ông quay sang hoạt động chính trị, lập ra một đảng dân túy chủ trương chống di dân tị nạn. Cũng ở Thụy Điển chắc cũng ít người biết được ông Karlsson còn là chủ một công ty chuyên kinh doanh nhà ở cho người nhập cư chờ xin quy chế tị nạn.
Lãnh địa làm ăn của ông là Skara, một thành phố 10 nghìn dân, cách thủ đô Stockholm 350 km. Tại đây ông đã qua đủ nghề kinh doanh từ mở cửa hàng khô, công viên giải trí, hộp đêm và còn người sáng lập một trường âm nhạc....
Nghề mới nhất của ông là kinh doanh trại đón tiếp cho người nhập cư. Hiện ông Bert Karlsson sở hữu 200 trung tâm đón tiếp và ông còn cho biết cứ cái đà như hiện nay của người nhập cư xin tị nạn thì ông sẽ phải mở tới 500 trung tâm mới đủ. Các cộng sự của ông ta cũng rất đặc biệt : Một người Congo, một người Irak mà quy chế định cư vẫn chưa rõ ràng.
Bài báo cho biết, kinh doanh trại tị nạn của ông Karlsson quả là nghề dễ kiếm tiền. Năm 2014, ông thu về từ cơ quan di trú Thụy Điển 12 triệu euro. Điều ngạc nhiên là nhân vật này từng lãnh đạo một đảng chính trị bài nhập cư và bị tố cáo có liên hệ với những thành phần phát xít mới. Mặc dù vậy công việc kinh doanh của ông dựa trên thân phận của nhưng người nhập cư xin tị nạn vẫn ngày thêm phát đạt.
Ukraina : Cộng hòa tự xưng bắt đầu vỡ mộng
Chuyển qua báo Le Figaro. Trang Quốc tế của tờ báo dành cho hồ sơ Ukraina với lời thú nhận của một lãnh đạo ly khai về những gì đang diễn ra ở vùng miền đông Ukraina.
Theo le Figaro, một trong nhưng lãnh đạo của vùng Donbass đã thừa nhận tình trạng kinh tế của vùng này đang ngày càng suy sụp, cho dù được Nga viện trợ toàn bộ.
Nhân vật đó là Alexandre Khodakovsky, 42 tuổi, Tổng thư ký Hội đồng an ninh của của nước Cộng hòa tự xưng Donetsk. Ông này thừa nhận là ngân sách của nước cộng hòa tự xưng này lệ thuộc toàn bộ vào nguồn tiền tài trợ của Nga. Mỗi tháng nước Nga có thể đã bơm cho ngân sách của nước cộng hòa ly khai này khoảng 4 tỷ rúp (54 triệu euro), riêng chỉ để trả tiền hưu trí, trợ cấp xã hội và lương cho viên chức chính quyền.
Thế nhưng chừng đấy không thể đủ để cho vùng đất này duy trì tồn tại. Nền kinh tế đã bị tàn phá tan tành bởi cuộc nội chiến đang ngày thêm suy sụp. Người dân bỏ ra đi ngày càng đông. Nước Nga cũng không thể cứ mãi bơm tiền để nuôi sống nước cộng hòa ly khai này.

Trả lời phỏng vấn phóng viên Le Figaro, ông Alexandre Khodakovsky đã tỏ ra ngán ngẩm, phác thảo một bức tranh đen tối cho vùng và bắt đầu cảm thấy gắn số phận của vùng đất này vào với Nga đang là một ảo tưởng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét