Thứ Ba, 23 tháng 8, 2022

Carolyn Turk - Đồng bằng chờ đợi

Carolyn Turk Giám đốc Quốc gia, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam

20/8/2022

Nếu nhập tọa độ “10.196725, 105.544721” vào bản đồ Google, bạn sẽ được dẫn tới một vị trí ở huyện Cờ Đỏ của Cần Thơ.

Tại vị trí đó, trên màn hình, bạn sẽ nhìn thấy một vườn cây ăn trái chừng vài nghìn mét vuông lạc lõng giữa cánh đồng lúa mênh mông. Hai hình ảnh rất dễ phân biệt: vườn cây ăn trái là các ô vuông có phân luống, còn cánh đồng lúa là một thảm màu xanh mịn.

Tại sao vườn cây ăn trái lại nằm đơn độc ở đó? Bạn kéo chuột sang bên phải một chút, cách vài trăm mét là quốc lộ 91, một trục kinh tế quan trọng của khu vực miền Tây. Quanh quốc lộ 91, bạn sẽ nhìn thấy liên tiếp các cánh đồng cây ăn trái và hoa màu. Còn tại vị trí của chúng ta, trên cả một con đường dài chỉ có một khu vườn trồng cây giữa vựa lúa.


Đó là khu vườn của ông Chín Hợp, ở xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ. Trên cánh đồng đó, ông Chín là một trong những người đầu tiên dám xuống tiền làm đất, trồng cây ăn trái. Ông quyết định làm việc này vì có con đường mới được trải nhựa năm 2020, và có một cây cầu mới được xây, bắc qua dòng kênh nối từ cánh đồng ông đang đứng sang quốc lộ. Lần đầu tiên, xe của thương lái vào được vườn.

Suốt bao nhiêu năm, dù chỉ cách quốc lộ hơn 100 mét đường chim bay, người dân trong ấp chỉ có thể vận chuyển lúa bằng ghe, vì dòng kênh ngăn cách. Lúa có thể trữ được nếu chưa thể vận chuyển, nhưng trái cây thì cần được chở đi ngay - điều họ không thể làm với những con đường đất và những chuyến ghe.

Một cây cầu nhỏ đã gieo hy vọng kinh tế mới cho một cộng đồng. Điều đáng nói là nó chỉ được xây dựng vào năm 2020, bằng vốn quyên góp của cộng đồng. Những người dân như ông Chín đã chờ đợi hàng chục năm để tham gia vào cuộc phát triển nông nghiệp mà họ nhìn thấy, bằng mắt thường, ngay từ ruộng nhà mình, sang phía bên kia dòng kênh - nơi có quốc lộ, vựa trái cây, chợ đầu mối.

Mảnh vườn ông Chín - nhân vật được nhóm làm việc của chúng tôi ghi nhận tại miền Tây - vừa là câu chuyện của hy vọng, vừa là câu chuyện của sự đợi chờ. Trong cuộc đợi chờ này, phần lớn thanh niên trong xã đã rời bỏ nông nghiệp, thậm chí rời bỏ quê hương, để tìm kiếm cơ hội. Nhiều người trong số họ, sinh ra tại một xã nghèo, không thể hoàn tất chương trình giáo dục phổ thông và chỉ có thể trở thành lao động giản đơn. Theo Báo cáo Điều tra lao động việc làm năm 2020 của Tổng cục Thống kê, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có tỷ lệ lao động đã qua đào tạo thấp nhất cả nước 14,9%. Trong khi đó, 37% người di cư trong cả nước là dân ĐBSCL.

Thiếu hạ tầng chỉ một trong số vấn đề nổi cộm mà vùng đất này đang phải đối mặt. Đây là một điểm nóng toàn cầu về biến đổi khí hậu, là khu vực duy nhất trên cả nước có tỷ lệ nghèo (theo chuẩn của Ngân hàng Thế giới cho các nước thu nhập trung bình thấp) tăng trong giai đoạn 2015-2019. Điều này càng thêm phức tạp bởi cuộc khủng hoảng kép hạn hán vào năm 2020 và đại dịch Covid-19.

Ngày 21/6/2022 trở thành cột mốc quan trọng trong bức tranh phát triển của vùng, khi chính phủ Việt Nam công bố Quy hoạch tích hợp vùng ĐBSCL 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Đây là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện một quy hoạch tích hợp cấp vùng, với sự tham gia của tất cả các ngành cũng như địa phương.

Nỗ lực này một lần nữa thể hiện cách tiếp cận toàn chính phủ và cam kết mạnh mẽ trong việc thúc đẩy phát triển bền vững và nâng cao khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu của ĐBSCL.

Thách thức ở đây là các hành động tiếp theo.

Trong bài phát biểu tại lễ công bố hôm đó, tôi nêu ra ba điểm mà bản thân cho là quan trọng để các bên liên quan cân nhắc khi chuyển từ lập quy hoạch sang hành động. Thứ nhất, tập trung cao độ vào hiệu quả và nguồn lực. Thứ hai, đảm bảo sự phối hợp theo chiều dọc và chiều ngang. Và thứ ba, giữ cho quy hoạch trở thành một tài liệu sống.

Câu chuyện của cánh đồng chờ đợi mà tôi đề cập ở đầu bài viết nói rằng một thay đổi vi mô được thiết kế đúng đắn có thể tạo ra bước tiến lớn cho cả cộng đồng. Nhưng tốc độ triển khai các can thiệp này là một vấn đề: trong khi chờ đợi cây cầu ra đời, thanh niên tiếp tục bỏ làng, bỏ đi các mơ ước và cơ hội. Vấn đề sẽ lớn hơn và khó giải quyết hơn qua thời gian.

Quy hoạch vùng ĐBSCL sẽ không có tác dụng nếu không đi kèm với chương trình hành động trong đó xác định rõ các ưu tiên đầu tư tương ứng với nguồn lực phát triển. Với nhu cầu tài chính rất lớn, ước tính ít nhất 57 tỷ USD từ nay đến 2030, điều quan trọng là cần tập trung lựa chọn các chương trình có tính cấp bách và lan tỏa cao, sử dụng các nguồn lực tài chính hiệu quả, đồng thời tối đa hóa các lợi ích về xã hội và môi trường.

Ở khuyến nghị thứ hai, đảm bảo sự phối hợp theo chiều dọc và chiều ngang, hay là sự tham gia của tất cả các ngành liên quan và các cấp quản lý, cũng như đẩy nhanh tiến độ của các hành động. Các khung thể chế chính sách cần được sửa đổi để tạo điều kiện tốt nhất cho điều phối, liên kết vùng - một yếu tố không thể thiếu để thực thi hiệu quả các chương trình đầu tư liên tỉnh hoặc quy mô vùng. ĐSBCL đang phải đối mặt với những vấn đề chung, không chỉ riêng của địa phương nào như sạt lở bờ sông bờ biển, nước biển dâng hay quản lý nguồn nước. Khi những thách thức này vượt khỏi những địa giới hành chính thông thường thì các giải pháp cũng phải ở quy mô tương tự.

Và cuối cùng, cần giữ cho quy hoạch là một "tài liệu sống". Người Việt Nam rất thích câu của thi hào Goethe: Lý thuyết chỉ là màu xám, còn cây đời mãi mãi xanh tươi. Điều quan trọng là phải có cơ chế phản hồi hiệu quả, cho phép phản ánh, đánh giá, cập nhật và sửa đổi liên tục. Trong các chuyến thực địa tại miền Tây, các nhóm làm việc của Ngân hàng Thế giới liên tục ngạc nhiên trước hàm lượng kiến thức mà một cán bộ cấp xã có thể cung cấp, thậm chí họ có thể đính chính lại các bản đồ quy hoạch tỉnh đã lỗi thời.

Việc đưa quy hoạch vùng vào thực tiễn cần sự tham gia của tất cả các bên và chúng tôi vinh dự được là một phần của nỗ lực đó. Ngân hàng Thế giới có thể đóng góp tri thức toàn cầu và nguồn lực tài chính quy mô lớn để cùng chính phủ, các đối tác phát triển, khu vực tư nhân và các bên liên quan khác phát triển ĐBSCL ngày càng thịnh vượng và thích ứng trước những tác động của biến đổi khí hậu.

Chúng ta, dù gặp hay chưa, đều hình dung được chân dung của những "ông Chín". Đó là một nông dân miền Tây thật thà, chăm chỉ, luôn tìm kiếm cơ hội để cải thiện cuộc sống của mình. Họ chưa bao giờ ngừng nuôi khát vọng sống tốt hơn, và sẽ chủ động làm điều đó. Tất cả những gì cần hỗ trợ, là những khoản đầu tư đúng đắn và kịp thời để những con người như thế thực sự vươn tới hạnh phúc.

Carolyn Turk


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét