Thứ Hai, 29 tháng 8, 2022

Thời sự đó đây ngày Thứ hai 29 tháng 8 năm 2022

Võ Thái Hà tổng hợp

Ukraina : Phái đoàn AIEA lên đường đến thanh sát nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia

Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế -AIEA Rafael Grossi (G) dẫn đầu nhóm 13 chuyên gia đến thanh sát nhà máy điện nguyên tử Zaporijjia, Ukraina. Ảnh do AIEA công bố trên Twitter ngày 29/08/2022. AFP - - 

Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế - AIEA sáng nay, 29/08/2022, thông báo dẫn đầu một nhóm chuyên gia đến nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia của Ukraina, hiện bị quân Nga kiểm soát. Trung tâm khai thác hạt nhân lớn nhất châu Âu này từ nhiều tuần qua là mục tiêu tấn công mà cả Nga và Ukraina đều đổ lỗi cho nhau, làm dấy lên nhiều lo lắng nguy cơ xảy ra một tai nạn hạt nhân nghiêm trọng.  


Trên tài khoản Twitter, ông Rafael Grossi, viết : « Thời điểm đã đến, phái đoàn của AIEA đi Zaporijjia đã lên đường. Chúng tôi phải bảo vệ an toàn cho Ukraina và trung tâm hạt nhân lớn nhất châu Âu », kèm theo đó là hình ảnh của khoảng một chục chuyên gia, đội mũ lưỡi trai và áo phông có in logo của định chế Liên Hiệp Quốc. 

Theo AFP, từ nhiều tháng qua, lãnh đạo AIEA đã yêu cầu được đến thanh sát địa điểm, cảnh báo « nguy cơ thật sự về một thảm họa hạt nhân ». Nhà máy hạt nhân Zaporijjia với sáu lò phản ứng có thể sản xuất 1.000 MW mỗi lò, đã bị quân Nga chiếm từ hồi đầu tháng Ba và giờ là mục tiêu oanh kích từ nhiều tuần qua. Matxcơva và Kiev đổ lỗi cho nhau là thủ phạm. 

Hôm thứ Bảy, 27/08, tập đoàn năng lượng Energoatom của Ukraina cảnh báo nguy cơ rò rỉ phóng xạ và hỏa hoạn sau nhiều vụ pháo kích mới. Trước đó, giữa hai ngày thứ Năm 25 và thứ Sáu 26/8, nhà máy này đã « hoàn toàn bị ngắt kết nối » với mạng lưới điện quốc gia do các đường dây điện đã bị hư hại. Diễn tiến này đã khiến phương Tây và quốc tế lo ngại. Liên Hiệp Quốc nhiều lần kêu gọi ngưng các hoạt động quân sự xung quanh khu vực.  

AFP nhắc lại, đòi hỏi này của AIEA đã từng bị tổng thống Ukraina phản đối, khi lo sợ rằng một chuyến thăm như vậy sẽ hợp pháp hóa hành động chiếm đóng nhà máy của Nga trước cộng đồng quốc tế. Sau cuộc điện đàm giữa tổng thống Pháp Emmanuel Macron và nguyên thủ Nga Vladimir Putin, phía Nga đã chấp thuận cho AIEA thanh sát. 

Tuy nhiên, trong cuộc trả lời phỏng vấn đài RFI hôm thứ Bảy 27/08, lãnh đạo của AIEA Rafael Grossi lưu ý là vấn còn nhiều rào cản trong nhiệm vụ quan trọng này : 

« Đây là một nhiệm vụ phức tạp. Trước hết, việc đến được địa điểm đã không là điều đơn giản. Đây là một vùng chiến sự. Tôi đã từng đến Ukraina hai lần (ở Tchernobyl rồi ở miền nam Ukraina), nhưng lần này đây thật sự là giữa vùng có chiến sự. 

Do vậy, cần phải bảo đảm an ninh lộ trình, phải phối hợp với cả hai nước, điều này là không dễ trong hoàn cảnh hiện nay. Chúng tôi phải dựa vào sự hậu thuẫn của Liên Hiệp Quốc, và các loại xe bọc thép của họ sẽ đưa chúng tôi đến tận địa điểm. Đó là vấn đề hậu cần, tiếp đến là ở cấp độ kỹ thuật, phải xác định rõ các tiêu chí của nhiệm vụ và nếu có thể thiết lập một sự hiện diện liên tục của cơ quan tại chỗ. » 

Thái Lan và Việt Nam đồng ý hợp tác tăng giá gạo

Vietnam rice

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Việt Nam và Thái Lan đồng ý hợp tác trong việc nâng giá gạo trên thị trường thế giới sau nhiều tháng thảo luận, theo thông tin từ Bangkok hôm thứ Hai (29/8).

"Đây là... lần đầu tiên Thái Lan và Việt Nam... đồng ý hợp tác để nâng giá gạo trên thị trường toàn cầu," Reuter trích lời Alongkorn Ponlaboot, cố vấn Bộ trưởng Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan, cho biết trong một tuyên bố sau cuộc thảo luận mới với các quan chức Việt Nam.

Tuy nhiên, chưa có thông tin chính thức khi nào việc tăng giá gạo sẽ được áp dụng.

Việt Nam hiện vẫn chưa đưa ra bình luận gì về thông tin này, vẫn theo bài báo.

Ông Alongkorn cho biết bản tóm tắt của vòng đàm phán mới nhất và khuyến nghị cùng tăng giá sẽ được trình lên các bộ trưởng nông nghiệp của cả hai nước vào một ngày không xác định.

"Mục tiêu có được hoàn thành hay không? Tôi không thể trả lời. Nhưng hôm nay chúng tôi đã cùng nhau thực hiện những bước đầu tiên với tư cách là đối tác chiến lược trong lĩnh vực nông nghiệp," ông nói.

Thái Lan là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 trên thế giới

Nguồn hình ảnh, Huw Evans picture agency/Chụp lại hình ảnh, 

Thái Lan là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 trên thế giới sau Ấn Độ

Thái Lan đề xuất

Trước đó, ngày 31/5, BBC News Tiếng Việt đã đưa tin về cuộc gặp của các quan chức nông nghiệp của Thái Lan và Việt Nam tại Bangkok hôm 27/5 để thảo luận về các biện pháp chung nhằm hỗ trợ nông dân và ngành công nghiệp lúa gạo cũng như quản lý chi phí sản xuất ngày càng tăng.

Người phát ngôn của chính phủ Thái Lan Thanakorn Wangboonkongchana cho biết hai bên đã thảo luận một loạt vấn đề như thúc đẩy an ninh lương thực để tăng giá trị nông sản và tăng cường hợp tác nông nghiệp giữa hai nước.

Việt Nam và Thái Lan cũng đã xem xét khả năng hợp tác cùng nhau để tăng giá gạo nhằm nâng cao khả năng thương lượng của họ trên thị trường thế giới.

Ông Thanakorn cho hay bước đi như vậy sẽ mang lại lợi ích cho hàng triệu nông dân trồng lúa ở hai quốc gia đang phải vật lộn với chi phí tăng cao trong khi giá ngũ cốc vẫn ở mức thấp.

Chính phủ Thái Lan cho hay họ đã lên kế hoạch với Việt Nam để thực hiện chiến lược này. 

Ông Thanakorn khi đó phát biểu với Reuters: "Chúng tôi đặt mục tiêu tăng giá gạo, tăng thu nhập cho nông dân và tăng khả năng thương lượng trên thị trường toàn cầu."

"Giá gạo đã ở mức thấp trong hơn 20 năm trong khi chi phí sản xuất ngày càng tăng."

Bất kì một động thái nào nhằm thiết lập một thỏa thuận tăng giá sẽ là một tin xấu đối với người tiêu dùng trong bối cảnh chi phí lương thực toàn cầu tăng cao. Thái Lan đang nhận thấy nhu cầu của nước ngoài đối với các mặt hàng nông sản của mình tăng lên, do tỷ giá đồng baht của nước này đang thấp.

Việt Nam là một trong bốn nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, bên cạnh Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan. 

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam thường đạt mức cao hơn so với gạo của các nước khác.

Tuy nhiên, trong tháng Tám này, gạo Việt Nam bất ngờ sụt giá, xuống dưới mức 400 đô la/tấn, thấp hơn giá gạo Thái (khoảng 418 đô la/tấn) tuy vẫn cao hơn hơn nhiều so với giá gạo Ấn và Pakistan (khoảng 363-368 đô la/tấn).

Philippines đứng đầu các thị trường chính nhập khẩu gạo Việt Nam, nhập gần 49% lượng gạo Việt Nam xuất khẩu. Tiếp theo là Trung Quốc, trên 11%, và Bờ Biển Ngà, gần 10%, theo thống kê sơ bộ hồi tháng 7/2022 của Tổng cục Hải quan.

Sàn chứng khoán chính của Nga ngừng cho phép thế chấp bằng đô la

Trong bối cảnh bị cấm vận kinh tế, Nga đang nỗ lực tách nền kinh tế khỏi phương Tây. Động thái mới nhất đến vào thứ Hai, khi Sàn Giao dịch Chứng khoán Moscow sẽ không còn chấp nhận đô la Mỹ làm tài sản thế chấp cho các giao dịch bảo lãnh phát hành. Đây là một phần của chiến lược dài hạn nhằm giảm phụ thuộc vào hệ thống tài chính Mỹ. Trước đó, trong nhiều năm trước khi có chiến sự ở Ukraine, ngân hàng trung ương Nga đã giảm số ngoại hối bằng đô la của mình. Nước này cũng xây dựng cơ sở hạ tầng thanh toán song song không dựa vào thẻ Visa và MasterCard.

Câu hỏi đặt ra là liệu tách khỏi phương Tây có phải là một chiến lược kinh tế tốt hay không. Cho đến nay kinh tế Nga vẫn tồn tại tốt hơn so với dự đoán của nhiều người. Họ đã xuất nhiều dầu hơn cho Ấn Độ và Trung Quốc, và mua nhiều hàng hơn từ Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng theo thời gian, việc tách khỏi công nghệ và ý tưởng của phương Tây – cũng như tiền – là một quá trình đầy đau đớn.

Cuộc chiến không hồi kết ở Syria

Suốt hơn một thập niên qua, thế giới đã mặc định coi Syria như một chiến trường thường nhật. Iran, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ xé toang nước này thành nhiều vùng ảnh hưởng, đồng thời đẩy người Syria – và chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad – vào tình trạng bị cấm vận nặng nề. Vào thứ Hai, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ họp để thảo luận về cuộc khủng hoảng Syria.

Vận mệnh của nước này phụ thuộc nhiều vào tình hình thế giới. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan dường như muốn hòa giải với ông Assad và đưa người tị nạn Syria hồi hương trước khi ông bước vào cuộc bầu cử trong năm sau. Trong khi đó, Nga đã chuyển một số lực lượng của mình sang Ukraine. Còn Mỹ và Iran một lần nữa lại nói về thỏa thuận hạt nhân, dù các lực lượng do Mỹ và Iran hậu thuẫn vẫn đang giao tranh ở Syria. LHQ trông như người ngoài cuộc. Tuy nhiên, Hội đồng Bảo an là một diễn đàn quan trọng cho các cường quốc khu vực và toàn cầu thúc đẩy lợi ích của họ, trong khi vẫn có thể tuyên bố giúp đỡ người dân Syria.

NASA phóng phi thuyền lên Mặt trăng

Vào thứ Hai, hoặc ngay sau đó, NASA sẽ tiến gần hơn đến việc đưa con người trở lại bề mặt Mặt trăng khi họ đưa Space Launch System (SLS) lên quỹ đạo. SLS sẽ đưa một khoang phi thuyền mang ba hình nộm có dây cảm biến bức xạ đến vùng lân cận của Mặt trăng. Đây là chiến dịch mở đường để đưa con người quay lại quỹ đạo Mặt trăng vào năm 2024 — và hạ cánh lên bề mặt trong năm 2025.

Nhưng vụ phóng rất tốn tiền. SLS, vốn đã tiêu tốn của người Mỹ khoảng 23 tỷ đô la trong mười năm qua, có thể sẽ sớm bị các mô hình tư nhân vượt mặt. Được biết, sứ mệnh này được tách ra từ chương trình Chòm sao của NASA, vốn đã bị hủy bỏ vào năm 2010 vì chi phí quá cao. Khi ấy các hợp đồng của chương trình đã được chuyển giao cho các công ty hàng không vũ trụ tư nhân. Vì vậy, theo cái mà Lori Garver, một cựu quan chức NASA, gọi là “động lực không ngừng của hiện trạng,” chương trình SLS đã được Quốc hội phê chuẩn nhằm đảm bảo các hợp đồng của Chòm sao được tiếp tục hoạt động.

Nga - Trung và nhiều nước tập trận chung trong bối cảnh căng thẳng với Tây phương

Ảnh tư liệu: Một cuộc tập trận Vostok giữa Nga và nhiều nước láng giềng, Orenburg, Nga, ngày 20/09/2019. AP - Sergei Grits 

Các binh sĩ nước ngoài bắt đầu đến Nga để chuẩn bị cho cuộc tập trận chung mang tên Vostok-2022 do Nga tổ chức, với sự tham gia của nhiều nước, đặc biệt là Trung Quốc, theo thông báo của quân đội Nga vào hôm nay 29/08/2022. 

Trong bối cảnh căng thẳng giữa các nước phương Tây, Nga và Trung Quốc gia tăng mạnh, đặc biệt liên quan đến chiến tranh Ukraina và căng thẳng ở eo biển Đài Loan, đợt tập trận chung Vostok-2022, do Matxcơva tổ chức tại miền Viễn Đông Nga, sẽ khai mạc vào thứ Năm 01/09/2022 và kéo dài đến ngày thứ Sáu tuần sau 07/09.   

Theo Reuters, tham gia cuộc tập trận Vostok-2022 có nhiều nước chung biên giới với Nga hoặc là đồng minh của Matxcơva, như Belarus, Syria, Ấn Độ, và đặc biệt là Trung Quốc. Trong thông cáo báo chí, bộ Quốc Phòng Nga hôm nay cho biết : « Các đội quân nước ngoài tham gia đợt tập trận Vostok-2022 đã đến khu tập luyện Sergeyevsky ở Primorsky, miền Viễn Đông Nga, và bắt đầu công tác chuẩn bị, nhận thiết bị và vũ khí ».

Tổng cộng, « hơn 50.000 quân nhân, hơn 5.000 vũ khí và trang thiết bị quân sự, trong đó có 140 phi cơ, 60 tàu chiến và tàu hỗ trợ » sẽ được huy động. Tuy nhiên, bộ Quốc Phòng Nga không nêu rõ số quân nhân mỗi nước tham gia tập trận.

Các cuộc tập trận, dưới sự chỉ huy của bộ tổng tham mưu Nga, nhằm « huấn luyện các hành động phòng thủ và tấn công » trên bộ, trên không cũng như ở biển Nhật Bản và biển Okhotsk. Riêng tại Biển Nhật Bản, các tàu của Nga và Trung Quốc đặc biệt sẽ tập luyện « bảo vệ thông tin liên lạc hàng hải » và « hỗ trợ các lực lượng trên bộ » ở các vùng ven biển.

Quảng cáoGiữa tháng 8, Bắc Kinh đã xác nhận việc điều quân đến Nga tham gia tập trận, nhưng khẳng định sự hiện diện của đội quân Trung Quốc « không hề liên quan đến tình hình hiện tại ở khu vực và quốc tế ». 

Washington vẫn thường lo ngại về mối quan hệ  giữa Trung Quốc và Nga, hai quốc gia vốn có hợp tác quốc phòng chặt chẽ. Theo Mỹ, điều này gây nguy hiểm cho an ninh toàn cầu.

Việt Nam thay chân Trung Quốc đón đầu tư chất bán dẫn Hàn Quốc và Mỹ

29/8/2022 

Nhà máy của Samsung Electronics tại tỉnh Thái Nguyên, Việt Nam. Ảnh chụp từ màn hình video Reuters ngày 04/08/2022. © REUTERS 

Sau Intel của Mỹ, Việt Nam trở thành chặng dừng mới trong lĩnh vực chất bán dẫn của hai tập đoàn điện tử khổng lồ Hàn Quốc Samsung Electronics và Amkor Technology : Samsung đầu tư thêm 3,3 tỉ đô la trong năm 2022 ; Amkor đầu tư 1,6 tỉ đô la cho đến năm 2035. Cả hai dự án sẽ vận hành vào nửa cuối năm 2023. 

Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư khác cũng dự kiến sản xuất linh kiện bán dẫn tại Việt Nam, như Hana Micron của Hàn Quốc, hay USI Electronics, một công ty con của ASE Semiconductor của Đài Loan hay Renesas Electronics của Nhật Bản.

Tại sao Việt Nam trở thành điểm sản xuất mới cho ngành linh kiện bán dẫn ? Trả lời RFI Tiếng Việt ngày 23/08/2022, nhà nghiên cứu Antoine Bondaz, giám đốc Chương trình Hàn Quốc và Đài Loan của Quỹ Nghiên cứu Chiến lược Pháp (FRS), phân tích :

« Đúng, Samsung là một phần, nhưng nói rộng hơn là các đại tập đoàn Hàn Quốc, muốn gia tăng hoạt động, đầu tư và hiện diện ở Việt Nam. Điều này được giải thích qua nhiều lý do. 

Thứ nhất, đó là mong muốn đa dạng hóa đối tác, không chỉ hướng đến mỗi Trung Quốc và nhất là chi phí nhân công tại Trung Quốc tăng cao. Trong khi đó, Việt Nam lại là một nước vô cùng cạnh tranh, nhân công có tay nghề, mặt hướng ra biển giúp dễ dàng xuất khẩu ra thế giới. Do đó, Samsung đã chọn Việt Nam. Chúng ta đã thấy điều này qua sản phẩm điện thoại, vì nhà máy sản xuất điện thoại cuối cùng tại Trung Quốc của Samsung đã bị đóng cửa vào năm 2019 và một phần sản xuất đã được chuyển sang Việt Nam. 

Điểm đáng khích lệ thứ hai cho nền kinh tế Việt Nam, đó là về lĩnh vực linh kiện mũi nhọn, chất bán dẫn, từ giờ Samsung cũng chọn gia tăng sản xuất tại Việt Nam với nhà máy được dự kiến khai trương vào năm 2023. Dự án này rất khả thi nhờ khoản đầu tư lớn của Samsung, khoảng 3 tỉ euro. 

Dĩ nhiên, hệ quả trực tiếp là trao đổi kinh tế giữa Việt Nam và Hàn Quốc không ngừng tăng. Hiện nay, kim ngạch thương mại giữa Seoul và  Hà Nội ngang gần với kim ngạch giữa Seoul và Tokyo. Dường như Samsung đã trở thành một nhà xuất khẩu rất lớn trong nền kinh tế Việt Nam, vì trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu của Samsung Việt Nam đạt 34,3 tỉ đô la. Đây là con số đáng kể ! »

Vai trò gián tiếp của Việt Nam trong Liên minh “Chip 4” 

Samsung là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất của Việt Nam với tổng đầu tư 18 tỉ đô la Mỹ tính đến năm 2021, cùng với 3,3 tỉ đô la được thông báo cho năm 2022 để chuẩn bị sản xuất mảng lưới bóng chip lật (FC-BGA) - loại vật liệu kết nối giữa chíp bán dẫn và bảng (board) mạch chính để truyền tín hiệu điện và nguồn điện.

Như vậy, chất bán dẫn là lĩnh vực hoạt động kinh doanh thứ 3 của tập đoàn Hàn Quốc tại Việt Nam, sau thiết bị gia dụng và điện thoại thông minh. Đây là bước tiếp theo trong dự án đầu tư 151 tỉ đô la vào ngành công nghiệp sản phẩm bán dẫn được Samsung thông báo năm 2019. Ngoài ra, Samsung dự kiến đầu tư khoảng 15 tỉ đô la vào năm 2028 để thành lập một cơ sở nghiên cứu và phát triển (R&D) mới cho chip tại Hàn Quốc. Chuyên gia Antoine Bondaz giải thích tiếp :

« Trong vài chục năm gần đây, Samsung đã trở thành một người khổng lồ trong lĩnh vực điện tử. Những năm gần đây, người ta nói đến điện thoại Samsung, rộng hơn là các công trình cơ sở hạ tầng viễn thông, nhưng lại quên rằng trong lĩnh vực trang thiết bị điện tử, đặc biệt là chất bán dẫn, Samsung đóng vai trò vô cùng quan trọng, dù doanh nghiệp Hàn Quốc không hẳn làm sản phẩm giống với ông khổng lồ Đài Loan TSMC chuyên về đúc bán dẫn. 

Dù có vai trò hơi khác một chút trong chuỗi giá trị chất bán dẫn, nhưng Samsung đóng vai trò vô cùng quan trọng. Nhìn từ quan điểm của châu Âu, của Hoa Kỳ hiện nay, có thể thấy rất rõ vai trò cơ bản của Hàn Quốc và Đài Loan, phải nhắc lại là Nhật Bản vẫn giữ vai trò quan trọng trong lĩnh vực này. Chính điều này giải thích cho sáng kiến của Mỹ nhằm thành lập một kiểu liên minh « Chip 4 », quy tụ Washington, Seoul, Đài Bắc và Tokyo ».

Tổng thống Yoon Suk Yeol đã tìm cách xoa dịu những lo ngại của Trung Quốc về việc Hàn Quốc sẽ gia nhập liên minh bán dẫn do Mỹ đứng đầu. Hàn Quốc hiện là nhà cung cấp chip nhớ lớn nhất cho Trung Quốc, chiếm 60% tổng xuất khẩu chất bán dẫn của Hàn Quốc. Tập đoàn Samsung Electronics và SK Hynix đều đầu tư rất lớn để xây dựng và vận hành các xưởng đúc bán dẫn tại Trung Quốc. Tuy nhiên, lợi nhuận tại Trung Quốc của cả hai tập đoàn này đều giảm trong nửa đầu năm 2022, theo báo cáo bán niên công bố tháng 08/2022. Kết quả này lại trái với xu hướng chung cùng kỳ là xuất khẩu chất bán dẫn của Hàn Quốc tăng 21%, đạt 70 tỉ đô la.

Lý do chính là hoạt động sản xuất tại Trung Quốc vẫn chưa được khôi phục hoàn toàn từ 3 năm nay. Các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt trong chiến lược Zero Covid của Bắc Kinh đã buộc nhiều tập đoàn nước ngoài ngừng sản xuất ở Trung Quốc, làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, trong khi một số khác chuyển một phần hoạt động sang nước thứ ba. Tiếp theo phải kể đến cuộc chiến thương mại khốc liệt giữa Bắc Kinh và Washington, buộc nhiều công ty phải rời Trung Quốc để tránh trừng phạt.

Việt Nam : Điểm đầu tư mới trong lĩnh vực công nghệ

Từ năm 2020, Việt Nam trở thành một trong những điểm đến mới của những tập đoàn này và được biết đến là thị trường mới nổi ở khu vực châu Á trong lĩnh vực bán dẫn. Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam bắt đầu được hồi phục. Sau năm 2020 giảm mạnh (28,5 tỉ đô la) vì đại dịch Covid-19, tổng vốn của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã tăng trở lại, đạt 31,15 tỉ đô la, dù chưa lấy lại được phong độ như năm 2019 (38,2 tỉ đô la).

Ông Steve Long, tổng giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Nhật Bản của Intel, nhận định đó là nhờ  « môi trường chính trị xã hội ổn định, chính sách thương mại và đầu tư ngày càng tự do hóa cũng lực lượng lao động trẻ và tài năng ». Còn chuyên gia Antoine Bondaz lưu ý :

« Phải nhấn mạnh đến thực chất của những đầu tư này, chứ không phải là tổng đầu tư chung cho Việt Nam. Chúng ta thấy đó là các chương trình đầu tư vào những lĩnh vực mũi nhọn, những lĩnh vực có giá trị thặng dư cao và công nghệ cao. Chỉ trong vài năm, Việt Nam không chỉ thành công trong việc thu hút đầu tư nước ngoài theo nghĩa rộng, mà còn là những dự án đầu tư có chất lượng cao và trình độ cao trong lĩnh vực điện tử. 

Điều này có ý nghĩa vô cùng khích lệ đối với Việt Nam. Đây cũng là một dấu hiệu bảo đảm chắc chắn cho các nước châu Âu, cho Hoa Kỳ vì Việt Nam hiện có khả năng sản xuất sản phẩm trên toàn bộ chuỗi giá trị, từ những mặt hàng có giá trị thấp trước đây cho đến những sản phẩm có giá thặng dư cao, kể cả trong các ngành công nghệ mới ».

Ngành công nghiệp điện tử Việt Nam hiện đang chiếm tỷ trọng 17,8% toàn ngành công nghiệp, chủ yếu sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và linh kiện. Đây là chặng đầu tiên trong các chính sách được quy hoạch theo ba giai đoạn của chính phủ Việt Nam để đưa đất nước trở thành một trung tâm khu vực về sản xuất công nghệ và chất bán dẫn.

Theo quy hoạch công nghiệp điện tử của Việt Nam,được Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Hoa Kỳ (CSIS) phân tích, « trong giai đoạn năm 2020-2025 sẽ ưu tiên phát triển các sản phẩm trong lĩnh vực như thiết bị tự động hóa, máy tính, điện thoại. Sau năm 2025, ưu tiên phát triển phần mềm, nội dung số, dịch vụ công nghệ thông tin và điện tử y tế.Một trong những mục tiêu đặt ra là phải đưa sản xuất công nghệ cao trong lĩnh vực sản xuất và chế biến đạt ít nhất 45% vào năm 2030 ».

Nâng cao giá trị trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Tuy nhiên, hiện Việt Nam cũng như nhiều nước khác trong khu vực Đông Nam Á mới chỉ làm nhiệm vụ lắp ráp thành phẩm và xuất khẩu linh kiện vốn có giá trị thấp trong chuỗi cung ứng. Việt Nam vẫn thiếu đội ngũ lao động có tay nghề cao. Về lâu dài, chuyên gia Antoine Bondaz cho rằng Việt Nam cần nâng cao chuỗi giá trị để duy trì và tăng sức hấp dẫn :

« Như vẫn thấy về mặt kinh tế quốc tế, có những xu hướng và các nước nâng chuỗi giá trị. Trung Quốc chẳng hạn, từ lâu vẫn tập trung vào dệt may nhưng từ giờ, các sản phẩm dệt may được chủ yếu chuyển sang Bangladesh. Tương tự, trong nhiều năm, Trung Quốc sản xuất trang thiết bị viễn thông, trong đó có điện thoại, thì một phần sản xuất đã được chuyển sang Việt Nam. 

Điều quan trọng đối với Việt Nam là không chỉ nắm lấy cơ hội tuyệt vời này cho phát triển của đất nước, cải thiệt mức sống của người dân - điều mà chúng ta thấy có rất nhiều tiến bộ lớn trong những năm vừa qua, mà Việt Nam phải thường xuyên tiếp tục tìm cách nâng chuỗi giá trị, phải luôn cạnh tranh. Biết đâu trong tương lai, nhiều sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam sẽ được chuyển sang Indonesia hay các nước khác. Việc này đòi hỏi phía Việt Nam phải liên tục nâng giá trị. 

Tuy nhiên, hiện nền kinh tế Việt Nam đang cho thấy khả năng làm việc đó. Dĩ nhiên vẫn phải nhắc lại khoản đầu tư trong lĩnh vực chất bán dẫn, ngoài tác động về kinh tế, còn mang ý nghĩa biểu tượng cao ».

https://www.rfi


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét